Nguyễn Thị Kim Thoa
Chuyện kể bên dòng sông
Suối hè năm 1972 tôi cùng các bạn Minh Nguyệt, Thu Sa, Hoài, và một chị tên Sữu ở đại học Sư Phạm Huế, tháp tùng đoàn “Em gái hậu phương” ra bờ nam sông Mỹ Chánh tham gia một chương trình văn nghệ giúp vui chiến sĩ, nói là tham gia nhưng tôi chỉ đi làm công tác y tế.
Mùa hè trời nóng bức, tại sân khấu lộ thiên bên bờ nam sông Mỹ Chánh, chương trình văn nghệ với các tiết mục của các cô sinh viên Văn Khoa, Sư Phạm, Khoa Học thật rôm rả.
Cũng như tất cả các buổi văn nghệ giúp vui: có người nghe, có người biểu diễn, có tiếng hoan hô ủng hộ, có tiếng huýt sáo, có tiếng vỗ tay và đâu đó có người buồn bã ngồi một mình.
Tôi đứng cùng nhóm với các bác sĩ của quân y viện Nguyễn Tri Phương đang làm nhiệm vụ sơ cứu, tải thương các thương binh. Bác sĩ Trương Thìn, bác sĩ Duy Lâm và bác sĩ Thức, chúng tôi trao đổi bâng quơ nhiều chuyện không đầu không đuôi.
Sân khấu biểu diễn ở cách nơi chúng tôi đứng chừng hơn 100 mét, gió lồng lộng, trực thăng lên xuống ầm ầm, thỉnh thoảng chỉ nghe vang lại vài câu hát hay tiếng reo hò.
Khi giúp chị y tá (nữ quân nhân) băng vết thương, kiểm tra lại số quân, nhóm máu của một người bệnh, tôi thấy lồng theo dây đeo chiếc thẻ bài của anh ấy là một chiếc thánh giá nhỏ. Để động viên người bệnh chị y tá nhẹ nhàng hỏi: “anh ở đâu trong Nam”, người thương binh gượng nói: “Trảng Bàng”.
Sau khi đặt hai người bệnh nặng nằm lên hai băng ca, ba bệnh nhẹ hơn ngồi vào chỗ thích hợp, buộc dây an toàn, chị y tá đưa tay ra hiệu cho máy bay cất cánh.
Xong nhiệm vụ chị ngồi nghỉ ở gốc dương và cất cao giọng hát, chị hát thật to như muốn thoát một nỗi buồn đè nén: “Đây Tha La đây xóm đạo tiêu điều/ Cây buồn quanh hận thù dâng ai oán/ Đây mênh mông, Tha la buồn quạnh quẽ/ Kìa rừng cây trái ngọt khách một dạo về thăm xóm/ Hồn ngây ngất và buồn xưa lây lất/ nhìn hoa máu rưng sầu… (1)
Nghe chị y tá hát tôi chợ nhớ một đoạn bài thơ “Tha La Xóm Đạo” của Vũ Anh Khanh:.. (2) “…Thôi hết rồi còn chi nữa Tha-La!/ Bao người đi thề chẳng trở lại nhà/ Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn/ Tiếng địch càng cao não nùng ai oán/ Buồn trưa trưa lây lất buồn trưa trưa/ Buồn xưa xưa ngây ngất buồn xưa xưa/ Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh/ Khách rùng mình ngẩn ngơ người hiu quạnh/ Thôi hết rồi còn chi nữa Tha-La!.”
Đang nhớ nghĩ về bài thơ, bác sĩ Duy Lâm đến gần và nói với tôi:
– “Đây là bờ sông Mỹ Chánh, nếu là sông Bến Hải thì thi sĩ Vũ Anh Khanh sẽ vui biết chừng nào”. Tôi chưa kịp hiểu, bác sĩ Lâm nói tiếp: “Tham gia kháng chiến chống Pháp, Vũ Anh Khanh làm bài thơ “Tha La Xóm Đạo” rồi tập kết ra Bắc. Ra Bắc công tác một vài năm, hình như ông cảm nhận Cộng Sản không là như mong muốn. Ông tìm cách vượt sông Bến Hải vào lại Nam. Bị người bờ bên kia bắn bằng tên độc, thi nhân chết chìm khi bơi qua sông. Bài thơ sau này đã được các nhạc sĩ trong Nam phổ nhạc”.
Nghe xong câu chuyện, tôi đến ngồi cạnh chị y tá, tôi cố hát thật to giữa không gian lộng gió. Tôi hát thật to mong vơi đi nỗi buồn thương đang chiếm ngự trong tôi: “Đây suối rừng xanh đồn quanh/
Đây mây trắng nghìn hoa với cây lành/ Còn gì viễn khách về đây chi hỡi người/ Đất Việt giặc tràn lan/ Biết Tha La hận căm…” (3). Chị y tá nắm lấy tay tôi, chúng tôi cùng nhau hát, hát thật to: “Nhẹ bước gặp cụ già, ngạo nghễ đang ngóng gió/Em chẳng biết gì ư/ Cười run run râu trắng/ Đã từ bao năm qua khói loạn phủ mịt mù…” (3)
Rồi tôi được biết: người hát cùng tôi là người Trảng Bàng, là con chiên của xóm đạo Tha La.
Ngưng hát, ngôi yên, tôi rưng rưng tưởng nhớ thi sĩ Vũ Anh Khanh, tôi muốn nói với ông: Tôi yêu thích bài thơ Tha La Xóm Đạo dù tôi không phải là người có đạo.
Buồn dâng lên tới tận mấy tầng mây! Mấy tầng mây!
Khi chúng tôi chuẩn bị thu xếp ra về, y công chiến trường chuyển đến một bệnh nhân nhỏ thó, ốm o trông chừng chỉ là một bé trai cỡ 14, 15 tuổi. Cậu bị thương ở đầu gối, chân phải bê bết máu, đầu gối phải nát banh. Chị y tá làm hồ sơ hỏi tên tuổi, cậu ta ngậm kín miệng không hé một lời, bác sĩ Thìn đến băng bó cầm máu, cố định vết thương và hỏi:
– “Cậu tên gì, nói để chúng tôi ghi hồ sơ bệnh án”.
Bệnh nhân vẫn cắn răng, im thin thít. Không hỏi nữa, bác sĩ Thìn bảo chị y tá ghi là “bệnh nhân vô danh” cùng ghi rõ thời gian và tên chiến dịch.
Khi đưa người bệnh lên trực thăng, chiếc nút áo ở bụng cậu ấy đứt bung, chừng năm, sáu lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa tung ra. Bác sĩ Thìn cười và nói: Tôi biết mà, bác ấy lấy mấy tấm lá cờ đưa cho chúng tôi và dặn: “Các cô đem về giữ làm kỷ niệm một chuyến đi”.
Tôi đem lá cờ về để trong góc tủ làm kỷ niệm. Chẳng ai hỏi han hay hạch sách gì. Có một thời như thế. Nơi chiến trường, bệnh nhân được đối xử như nhau dù họ ở phía nào.
…
Vào năm 2012 có dịp đi thăm thành cổ Quảng Trị. Thăm bờ sông Thạch Hãn tôi đọc được mấy câu thơ khắc trên một tấm bia đá: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.(4)
Đất nước vẫn còn đó nỗi đau: “Gia tài của mẹ, một rừng xương khô / Gia tài của mẹ, một núi đầy mồ”… “Dạy cho con tiếng nói thật thà… Mẹ mong con lũ con đường xa. Ôi lũ con cùng cha quên hận thù…”(5)
Ghi Chú
(1) Bài hát Hận Tha La (thơ Vũ Anh Khanh – nhạc Sơn Thảo)
(2) Vũ Anh Khanh (1926 – 1956) tên thật là Võ Văn Khánh; là nhà thơ, nhà văn Việt Nam thời kháng Pháp.
(3) Bài hát Tha La Xóm Đạo (thơ Vũ Anh Khanh nhạc Dzũng Chinh.
(4) Mấy câu thơ này là của tác giả Lê Bá Dương, nhưng bia đá đã đục tên tác giả, nơi khác lại sửa là: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
(5) Lời bài hát “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn.
Thằng cu Sông Dài mở mắt chào đời ngày Nô – En
Mùa đông năm 1973 khá lạnh. Những ngày cuối tháng 12 mưa rả rích, gió nhiều, lạnh và ướt khiến chúng tôi lười biếng đi chơi dù không khí Giáng Sinh đã rộn ràng đây đó.
Vào chiều ngày 23, trước đêm Nô-en, tôi cùng hai người bạn học Y: Thu Sa và Kim Thanh theo đoàn Caritas đi tặng quà cho cư dân ở vạn đò đang neo ghe tại chân cầu Gia Hội. Quà tặng là những chăn màn, áo ấm, xà bông và bánh kẹo.
Trên chiếc xuồng con chòng chành ba đứa chúng tôi len lỏi qua các chiếc ghe neo đậu san sát để tặng quà. Đoạn sông này tương đối cạn, chúng tôi tự chống xuồng để di chuyển. Thu Sa ngồi đầu mũi chống một bên, tôi ngồi cuối mũi chống một bên.
Do chiến tranh lan rộng, các cư dân sông nước không còn sống tập hợp thành các vạn đò có tên Phú Hiệp, Phú Bình hoặc Vỹ Dạ. Họ từ nhiều nơi kéo về, neo đậu ở chân cầu Gia Hội, chân cầu Đông Ba hoặc bến phà chợ Đông Ba để ngày ngày lên bờ làm thuê kiếm sống.
Chiều hôm đó, sau khi phát hết số quà mang theo, lúc chống xuồng trở về thì nghe có tiếng gọi của một bà cụ trên một chiếc ghe có mui lớn, bà lão cố gắng chống đẩy chiếc ghe len qua những chiếc khác đậu san sát, nhưng không thể qua được, bà nói to vọng tới xuồng chúng tôi: “Các cô cho tôi gởi một sản phụ vào bờ cùng, cô ấy cần đến trạm hộ sinh Gia Hội”.
Quay trở lại cạnh chiếc ghe của bà cụ, chúng tôi thấy một sản phụ trẻ, ốm o, xanh xao đang nhăn nhó ngồi ôm bụng ở đầu mũi ghe. Áp xuồng sát vào, Thu Sa bước lên, gọi thêm Kim Thanh đến giúp để đưa sản phụ xuống xuồng của mình, tôi ngồi cuối mũi, chống sào giữ cho xuồng đứng yên. Lúc Kim Thanh và Thu Sa dìu sản phụ ngồi dậy, cơn đau ập đến, sản phụ cúi gập người và ối vở. Với kinh nghiệm của những sinh viên y đã đi thực tập qua khoa sản, chúng tôi biết rằng không thể di chuyển sản phụ đi tiếp, chỉ có cách giúp sản phụ vượt cạn tại chỗ mà thôi.
Với bộ tiểu phẫu lúc nào cũng có khi đi cứu trợ, chúng tôi vào cuộc. Mặc dầu đã đỡ vài mươi ca khi đi thực tập nhưng ở đây trên sàn ghe chòng chành sóng nước, chúng tôi không khỏi bối rối, lo âu. Riêng Thu Sa thì bình tĩnh hơn do đã trải qua nhiều lần đỡ đẻ cùng với chị là Thu Sương tại nhà hộ sinh tư do mình đảm trách. Thu Sương khá nổi tiếng là một nữ hộ sinh mát tay tại làng Ngọc Anh, cô đã giúp nhiều sản phụ ở đây vượt cạn bình ạn.
Trong chừng 40 phút, Thu Sa đã đỡ được đứa bé, kiểm tra nhau thai, khâu tầng sinh môn.
Chúng tôi vỡ òa sung sướng, mừng vui khi tiếng khóc của cháu bé vang lên. Một cháu trai kháu khỉnh độ chừng ba kí lô. Tôi cắt, buộc rốn cho đứa bé, lau bớt các chất bã, mặc xơ, bọc tả rồi quấn cháu trong tấm khăn lông cũ úa vàng mà bà cụ đưa cho. Lòng tôi rộn lên một niềm vui nho nhỏ khi nhìn về phía sau qua mui ghe, một con cún con nằm ngoe nguẩy đuôi như vui mừng cùng chủ, cạnh đó một con gà trống nhốt trong chiếc lồng sắt, mổ tong tong vào dĩa thức ăn có mấy hạt cơm khô.
Lòng rộn ràng, tôi thầm hát: “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời/ Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa/ Trong hang Belem ánh sáng tỏa ra tưng bừng/ Nghe trên không trung tiếng hát Thiên Thần vang lừng…Nửa đêm Thiên Chúa giáng sinh ra chốn dương trần/ Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than/ Nơi hang Belem Thiên Thần xướng ca/ Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hoà… (Hang Bê Lem – Phanxicô Hải Linh – 1945).
Đang mơ màng theo khúc hát, Kim Thanh giành ôm đứa bé đưa về phía bà cụ (hình như là bà ngoại), cô reo lên: “Đặt tên cho cu cậu là Nô-En nghe bà“. Thu Sa vội nói tiếp: “gọi là Nghé, năm này là năm trâu mà”. Tôi lẩm bẩm một mình: Bê Lem, Bê Lem…
Cúi mình bên mạng ghe, một tay vẩy làn nước một tay thả nhau thai được gói trong những tấm lá chuối khô, bà cụ nói: Trôi đi …trôi đi, nó sẽ có tên là Sông Dài, đời nó chắc rồi sẽ gắn liền với sông nước mà thôi.
Mấy chục năm trôi qua, Sông Dài về đâu?
Và hôm nay ba chúng tôi mỗi người mỗi hướng. Thu Sa hiện là một ni sư, khoác áo vàng, chẩn bệnh phát thuốc cho dân nghèo dưới chân núi xa. Kim Thanh nghe đâu đã trở thành một dì phước, chuyên trách phần sức khỏe cho các nữ tu. Còn tôi theo duyên nợ ba sinh chìm nổi cùng cuộc sống trần gian lắm vui nhiều buồn.
Giáng Sinh lại về, tôi nhớ thằng cu Sông Dài, nhớ hai bạn Thu Sa, Kim Thanh, nhớ con đò, nhớ bà cụ hiền lành, nhớ dòng sông và nhớ cái lạnh mùa đông xứ Huế.
Thằng cu Tháng Ba
Chị ngồi đó, thẩn thờ, cầm đôi đũa và miếng cơm, cọng rau vào miệng, chậm chậm nhai, chậm chậm nuốt. Mẹ giục: Ăn đi con, quên đi, hãy quên đi.
Tôi đứng đó, nước mắt lưng tròng, quay mặt đi, nắm tao nôi ru đứa bé.
“À ơ, mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử
Gái trông chồng lên núi Vọng Phu
Chiều chiều bóng xế trăng lu
Nghe con ve kêu mùa hạ biết mấy thu gặp chàng.”
À ơ!!! À ơ!!!
…
Chị hỏi mẹ: tháng tư đến chưa hả mẹ?
Không có tháng tư, không có tháng năm, đừng nhớ, thằng cu sinh tháng ba, trời tháng ba trong xanh và mây trắng bay. Hãy nhớ vậy đi con.
Da thằng bé có xanh không em?
Da nó hồng như nụ sen non rứa chị.
Ước gì sen nở tháng ba, không có tháng tư, không có tháng năm như mẹ nói.
…
Thằng bé sinh tháng mười, nhưng mẹ và chị gọi là thằng cu tháng Ba, chắc là họ có lý do riêng, tôi định bụng sẽ hỏi. Thấy mẹ buồn, chị đau nên làm thinh không hỏi nữa.
…
Thằng cu tháng Ba lớn lên, khôi ngô, tuấn tú và tâm phật. Tôi yêu Thằng cu tháng Ba
Bầu trời tháng ba trong xanh, ít mây trắng gợn trên cao xa tít, ngồi trên yên sau chiếc xe đạp dàn màu xám cũ kỹ, tôi nghe cha khe khẽ hát: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đầm ấm…”
Đi phía trước cha tôi là anh Hai và anh Tư cũng chở nhau trên chiếc xe đạp đầm, dàn xe màu xanh nước biển đã hoen rỉ bong tróc, cái gác đờ bu (Garde boue) lỏng vít, kêu len ken. Thỉnh thoảng tôi nghe vọng lại giọng reo vui của hai anh với một vài câu hát của Hướng đạo sinh: “Anh em ta về cùng nhau ta sum họp năm bốn ba hai một…”
Hành trang đi tảo mộ trong dịp thanh minh của chúng tôi chỉ là hai cái túi vải: Cái thứ nhất đựng hộp son tàu màu đỏ với mấy cái panh-xô (pinceau) nhỏ, có đầu lông cứng, phía đuôi cán chiếc panh-xô cha tôi vót nhọn như bút chì, hai tấm khăn vải thô và một chai dầu hỏa nhỏ dùng để chùi son vấy bẩn. Cái giỏ thứ hai đựng cơm vắt, muối mè và hai chai nước cùng mấy thếp hương.
Bốn cha con đạp xe đến Đàn Nam Giao, nghỉ chân mươi lăm phút, sau đó tiếp tục đi theo con đường đất đá bên trái, chừng bốn cây số là đến bìa rừng. Dựng, khóa xe vào gốc cây thông bên đường cái, bốn cha con men theo một con suối nhỏ nước cạn và trong, đi khoảng 15 phút là đến nghĩa trang của gia đình. Nơi đây là chân núi Thiên Thai, còn gọi là núi Ngũ Tây hay núi Ba Đồn. (Vùng này hiện nay thuộc khu vực Thủy An, Thủy Xuân quận Hương Thủy).
Cây ở đây đa phần là thông, thông xanh nghít quanh tôi. Vừa đi cha tôi nói về cây thông:
– “Thông ở Ngũ Tây là thông hai lá, loại thông này có nhiều ở nước ta, cao có đến 30 mét, thân cây không lớn, rể đột mọc thẳng, ít rể bàn nên được trồng nhiều ở nghĩa trang. Các cây thông ở Lâm Đồng Đà Lạt phần lớn là thông ba lá, có nơi còn có thông năm lá…”. Hai anh tôi thích thú nghe cha giảng giải, tôi thì lơ đãng nhìn quanh.
Ngoài thông, tôi còn thấy rất nhiều cây tràm, chổi, sim, mua, các loại dây leo như lạc tiên, bìm bìm, tầm bóp… Các loại cỏ như cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ tranh mọc ven bờ suối, dọc những lối mòn. Tất cả còn đẫm ướt sương đêm mặc dầu mặt trời đã lên khá cao.
Mộ ông nội tôi chiếm một khu đất tương đối rộng hơn các ngôi mộ chung quanh, có lẽ do ông tôi được an táng ở đây sớm. Khu mộ có tường rào bao quanh, cao chừng 6 tất, xây bằng những phiến đá vuông, màu nâu sẫm. Tiếp đến là một uynh hình móng ngựa với những phiến đá mỏng, kích thước không đồng đều màu vàng đậm nhạt xếp xen kẽ, kết dính với nhau bằng vôi vữa. Ngôi mộ nằm chính giữa, đắp cao với một loại đá dăm vụn cũng có các màu vàng nâu, xanh rêu lẫn lộn. Bàn thờ đá nhỏ phía trước chạm khắc hoa mai, trái đào. Bia đá có mái che ở phía sau cũng chạm khắc hoa lá. Hai đầu vòng uynh là hai trụ vuông với hai đầu con lân bằng vôi vữa.
Theo chỉ dẫn của cha tôi: anh Tư dùng cán panh-xô nhọn cạo bụi, sơn cũ và đất bẩn bám ở kẽ các nét chữ khắc chạm. Anh Hai cùng cha tôi dùng panh-xô chấm son đỏ đồ lại các nét đã được làm sạch. Tôi thấy các nét chữ khắc màu đỏ hiện rõ dần, tôi hỏi cha tôi:
– Trên bia viết chữ gì rứa cha?
– Trên bia mộ người ta khắc bằng chữ Nho: họ tên, ngày tháng năm sinh, chánh quán, ngày tháng năm mất, tên vợ hay chồng, con của người chết hay người thay thế đứng lập bia.
Trả lời tôi với giọng buồn buồn, cha quay sang nói với hai anh tôi:
– Hai con Hồng và Hùng ráng học thêm chữ Nho, hết đời cha chắc không ai còn đọc được những bia mộ này và nhất là còn nhiều vốn liếng văn học của nước ta viết bằng chữ Nho cần tìm hiểu, lưu giữ.
Hai anh tôi không trả lời mà tiếp tục công việc của mình: đồ bia.
Nghe cha nói, thấy cha buồn, tôi thầm nói với mình: lớn lên mình cũng sẽ học chữ Nho. Và rồi cho đến ngày nay tôi đã không biết gì về chữ Nho, cả hai anh tôi cũng vậy. Cách đây mấy năm, vùng đất, nơi có mộ phần của bà cố tôi bị giải tỏa, vì không đọc được bia, hai anh tôi phải đi nhờ người biết chữ Nho đọc để tránh việc nhầm lẫn với các mộ khác.
Buổi trưa, bốn cha con ngồi nghỉ dưới gốc thông, ăn cơm vắt và muối mè.
Ăn cơm xong, hai anh nằm nghỉ trên bãi cỏ cạnh bờ suối. Gần đó cha tôi ngồi dựa lưng vào cây thông già hút thuốc. Tôi nằm gối đầu lên chân cha ngắm trời mây qua các kẽ lá thông rừng.
Xoa đầu ru tôi ngủ, cha tôi ngâm:
“Trèo lên trái núi Thiên Thai /Thấy đôi chim phượng ăn xoài trên cây /Đôi ta gặp được nhau đây/Khác gì chim phượng gặp cây ngô đồng. (Ca dao)
– Trên núi làm gì có cây xoài. Cây ngô đồng là cây
gì hở cha? Tôi hỏi luôn miệng, cha không trả lời chỉ bảo:
Nhắm mắt ngủ một tí đi con, nói rồi cha tiếp tục ngâm:
“Hỡi cô gánh nước quang mây/Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng/Cây ngô đồng cành cao cành thấp/ Ngọn ngô đồng lá dọc lá ngang. (Ca dao)
…
“…Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông… (Tỳ Bà của thi sĩ Bích Khê)
…
Tôi thiếp ngủ đi lúc nào không hay.
*
Buổi chiều, còn ba ngôi mộ ở chân núi bên cạnh, gần khu vực Chín Hầm cần phải làm, bốn cha con đi dọc theo con suối về phía tây, vừa đi cha tôi giảng giải cho hai anh tôi:
– Chín hầm là khu vực do Pháp xây vào năm 1941, như vậy là xây sau mộ ông nội các con 5 năm. Nói chín hầm nhưng thực ra chỉ có tám hầm và một ngôi nhà gác. Đây là nơi cất giữ binh khí của người Pháp.
Chín Hầm xây vững chắc bằng bê tông cốt sắt. Mộ ông các con xây bằng đá macna, một loại đá hình thành từ dung nham hàng trăm triệu năm trước, có nhiều lớp, nhiều màu sắc khác nhau, loại đá này hiện diện nhiều ở khu vực rừng núi phía Tây Thừa Thiên. Rừng núi Thừa Thiên Huế còn có các loại đá trầm tích cũng có nhiều lớp, nhiều màu sắc lạ. Trước đây khu lăng mộ này đa phần được xây bằng hai loại đá macna và trầm tích với các màu nâu vàng, xanh rêu, vàng cam, trông đẹp, cổ kính và trang nghiêm. Ngày nay khuynh hướng xi-măng hóa như ở lô cốt Chín Hầm ngày càng nhiều nên nghĩa trang trông nặng nề, kém vẻ thanh thoát.
*
Việc tôi đi theo cha trong những ngày tảo mộ là do cha đi đâu cũng muốn có tôi “bầu bạn”. Tôi không làm gì nhưng tôi là đứa luôn muốn hỏi chuyện với cha và hình như cha cũng có nhu cầu nói chuyện với tôi. Có lần tôi hỏi:
– Sao cha không đồ son chữ ở các tấm bia trong khi chạp mã mà phải chờ đến hôm nay mới làm?
– Phải chờ cho hết mùa mưa kẻo son trôi hết còn gì. Cha tôi trả lời.
– Sao mặt trời đã lên cao mà ở đây cỏ vẫn còn đọng sương rứa cha?
– Thông ở đây mọc dày, làm táng che cho cỏ cây bên dưới, do vậy sương còn giữ được lâu. Cha tôi trả lời chậm chậm có vẻ như đang nghĩ ngợi điều gì rồi cha nói tiếp:
– Sương trong nghĩa trang làm mát cây cỏ và cũng làm mát lòng người đi viếng mộ. Ở Huế, những ngày tháng hai, tháng ba, sương nhiều, táng thông dày, những giọt sương làm cho cỏ ướt lâu đến trưa, qua hết tháng ba trời nắng nóng sương tan nhanh, cỏ và đám thực bì khô nên rất dễ gây cháy rừng. Cũng vậy nên tháng ba mùa Thanh Minh ở đây người ta hay gọi là “mùa cỏ ướt”
– Gió, mưa, sương, nắng là những hiện tượng của đất trời, cây cỏ lá hoa sinh sôi nẩy nở rồi héo tàn, rồi trầm tích thành đá, cát. Con người ta cũng vậy sinh ra ở với trời đất rồi trở về trời đất…Vùng cỏ ướt là nơi ta về yên nghĩ… Vùng cỏ ướt là nơi ra đi cũng là nơi trở về…
Tôi ngồi yên trên cỏ, nghe cha nói một mình. Đứa con gái lên tám, lên mười lãnh hội lời cha cái được cái mất, cái nhớ cái quên.
Về sau, hàng năm mỗi độ tháng Ba về, tôi lại nhớ những ngày đi tảo mộ với cha, nhớ vùng cỏ ướt, nhớ những đám mây trắng xa tít trên cao, nhớ rừng thông xanh nghít, nhớ dòng suối trong xanh, nhớ những bụi sim mua tím ngát.
*
Một lần trở lại Huế vào dịp Tết Nguyên Đán vào năm 2015, ngày mùng hai tết tôi đi thăm mộ. Đường đi có đoạn rải nhựa, có đoạn đã đúc bê tông. Nhà cửa ven đường mọc lên san sát, vi la, nhà liền kề, nhà cấp bốn, nhà mái tôn xen kẽ nhau. Đường xanh đã thành phố thị.
Người đi thăm mộ rất đông, xe hơi, xe máy nối đuôi nhau chạy. Đâu rồi cảnh hoang liêu vắng vẻ xưa. Người ta đổ về khu nghĩa trang như đi hội.
Trong nghĩa trang, cây xanh thưa thớt, con suối không còn, tràm chổi, sim mua thỉnh thoảng mới gặp vài bụi, cỏ vàng xám dưới chân người. Các ngôi mộ xi-măng lấn át các ngôi mộ đá cổ.
Nghĩa trang gia đình tôi, ngoài những ngôi mộ cũ, nay có thêm mộ cha mẹ, mộ anh chị tôi. Bia đá đã lâu không ai đồ lại sơn, các nét chữ đã phai màu đỏ. Đặc biệt bia các ngôi mộ mới sau này ngoài phần chữ Nho, còn khắc tên người chết bằng chữ Quốc ngữ, tất cả đều xây bằng xi-măng. Bê tông, xi măng, phía Tây thành phố Huế xanh mềm đã trở nên cứng và nóng.
Trong nghĩa trang, nhang khói nghi ngút, tro giấy vàng mã bay nơi này nơi kia. Một vài nhóm người căn lều bạc giữa các gốc thông tổ chức ăn uống, vui đùa. Góc này góc kia là rác rưởi của các ly chén nhựa dùng một lần chất đống.
Tôi lặng lẽ đến ngồi bên mộ cha, nhớ về cây ngô đồng và chim phượng hoàng trong tâm tưởng ông.
Ô hay buồn vương cây ngô đồng – Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông.