Ngụy phả

Truyện Phùng Thành Chủng

Làm sao em biết bia đá không đau…

(Trịnh Công Sơn)

1. Thần phả đền Báo Quốc

Ở trang Hồng Thị vùng Thượng Hồng thuộc Hồng Châu xứ Hải Dương có một ngôi đền gọi là đền Báo Quốc. Theo thần phả, đền được hưng công xây cất vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Kiến Trung năm thứ năm (1229) đời Trần Thái Tông. Là nơi thờ bà Nguyễn Thị Niềm, người đã có công Hộ quốc an dân, và đặc biệt, là người sinh thời có liên quan đến hai nhân vật nổi tiếng là Đông Hải đại vương Đoàn Thượng và Thái sư Trần Thủ Độ.

Theo đó, sau khi nhận thiền vị của Lý Chiêu Hoàng, ngày mười hai tháng chạp năm Ất Dậu (1225), Trần Cảnh chính thức lên ngôi tức Trần Thái Tông. Đến đây nhà Trần phải lo đối phó với Nguyễn Nộn ở phía Bắc, Đoàn Thượng ở phía Đông và với một số tù trưởng các động ở phía Tây.

Tháng hai năm Bính Tuất (1226), sau khi bình định xong các Man thuộc vùng núi Tản Viên và Quảng Oai, buộc các tù trưởng ở đây phải thần phục, khiến một dải phía Tây tạm yên, Thái sư Trần Thủ Độ đem quân quay sang phía Đông tiến đánh Đoàn Thượng. Hai bên giằng co suốt mấy tháng trời. Không kể những trận đánh nhỏ, chỉ tính những trận đánh lớn, hơn mười lần Thái sư ra quân đều không được lợi.

Giữa lúc đó thì một việc bất ngờ xảy ra, khiến Trần Thủ Độ thay đổi ý định và đột ngột lui quân. Đó là một đêm vào tiết mạnh hạ (tháng tư âm lịch), Trần Thủ Độ đã đi nằm nhưng thấy trong lòng buồn bực, nên trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Nhân đêm đó có trăng, Thái sư liền trở dậy lệnh cho tả hữu kiệu dọc theo sông Cái để xem xét địa thế.

Đến quãng gần trang Hồng Thị, Thái sư cho dừng kiệu nghỉ rồi tự nhiên ngủ thiếp đi mất. Chợt thấy khoảng sông trước mặt bỗng dưng ầm ầm nổi sóng mặc dù lúc đó trời không có gió. Rồi, hai người cao lớn khuôn mặt giống nhau như đúc, một vận đồ đen, một vận đồ xanh, cả hai đều tay cầm hốt vàng, phong thái rõ ra con nhà tướng, từ dưới sông rẽ nước đi lên. Đến trước Thái sư, hai người vòng tay thi lễ. Thái sư hỏi họ tên. Người vận đồ đen đáp: “Anh em thần họ Trương, thần là Hống, em thần là Hát; xưa kia vốn theo Triệu Việt Vương cầm quân chinh phạt nghịch tặc. Về sau Triệu Việt Vương mắc phải mưu gian của Lý Phật Tử, cùng đường phải nhảy xuống biển tuẫn tiết. Lý Phật Tử dụ anh em thần ra hàng không được, đã bức anh em thần phải uống thuốc độc tự tử. Thấy anh em thần có công lại có lòng trung nghĩa, nên sau khi anh em thần mất, Ngọc Hoàng thượng đế đã thương tình phong cho thần là Than hà Long quân phó tuần Vũ Lạng nhị giang và em thần là Chi mạn nguyên tuần giang đô phó sứ – là tướng trong hàng thần binh, cai quản một số cửa sông. Thời nhà Ngô, anh em thần đã âm phù giúp Nam Tấn Vương (Ngô Xương Văn) đánh giặc Lý Huy ở châu Tây Long. Đến thời nhà Lý lại giúp Lý Thường Kiệt phá tan quân Tống ở sông Như Nguyệt. Nay nghe tin Thái sư phải vất vả vì việc đánh dẹp Đoàn Thượng nên đến xin được yết kiến”.

Trần Thủ Độ mừng rỡ: “Nghe danh anh em tướng quân đã lâu, nay mới được gặp. Chẳng hay anh em tướng quân có cao kiến gì chăng?”. Người xưng là Trương Hống liền lấy từ tay áo ra một chiếc túi gấm rồi tiếp: “Mưu kế phá Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn ở cả trong này. Nhưng để đổi lại, anh em thần muốn thỉnh cầu Thái sư một việc, mong Thái sư gia ân”. Trần Thủ Độ hỏi: “Việc gì?”, Hống đáp: “Hiện em thần vẫn chưa có người nội tướng. Nghe Thái sư có một người thiếp yêu, vẫn mang theo ở trong quân, thần muốn xin cho em thần…”.

Nguyên, trước đó Thái sư có tuyển được một người thiếp vào hàng tuyệt thế giai nhân, mới mười bảy tuổi, tên là Nguyễn Thị Niềm, song chưa động phòng hoa chúc, bởi lời hẹn sau khi phá được Đoàn Thượng mới làm lễ thành thân.

Hơi bị bất ngờ trước điều kiện của Hống đưa ra, nhưng sau một hồi suy nghĩ, Trần Thủ Độ gật đầu chấp nhận.

“Đa tạ Thái sư đã chiếu cố. Vậy chiếc túi này sẽ coi như thay cho đồ sính lễ – trao chiếc túi cho Trần Thủ Độ, Hống tiếp – Còn bây giờ, anh em thần xin phép cáo lui và xin được rước phu nhân đi trước, chỉ cảm phiền Thái sư sau đó cho thuỷ táng phu nhân ở khúc sông này”.

Dứt lời, cả hai lấy tay đập nước bắn tung mù mịt rồi biến mất không thấy đâu nữa. Trần Thủ Độ giật mình tỉnh dậy, thì ra là một giấc mơ. Hỏi tả hữu, chúng đều trả lời không thấy gì! Vậy mà lạ thay, chiếc túi gấm còn đó và hình bóng anh em nhà họ Trương như vẫn còn lẩn quất đâu đây.

Trần Thủ Độ vội vàng mở túi ra xem, chỉ thấy có một bức hoạ vẽ một người ngồi trên đỉnh núi, dáng vẻ ung dung thư thái, và ở phía dưới là hai con hổ, một vàng, một trắng đang đánh nhau. Bất giác, Trần Thủ Độ ngửa mặt lên trời than: “Nếu anh em họ Trương không nhắc thì ta không nghĩ ra!”.

Vừa lúc có tin từ quân doanh đến báo: Phu nhân vừa đột ngột qua đời! Theo đó, sau khi sai người đun một nồi nước thơm để tắm, phu nhân kêu trong người hơi mệt rồi đi nằm. Các thị nữ định gọi thái y, nhưng phu nhân giơ tay ngăn lại và bảo: “Anh em Trương tướng quân đang chờ ta. Bẩm với Thái sư là ta đi đây!”. Nói xong thì mất…

Biết là những điều trong mộng đã ứng nghiệm, Trần Thủ Độ chỉ còn biết than thở hồi lâu rồi lệnh cho đem xác phu nhân ra giữa dòng sông Cái thuỷ táng. Khấn rằng: Nàng đã vì nước phải làm vật hiến tế cho thuỷ thần. Sau khi dẹp xong Nộn, Thượng, ta sẽ tâu xin bao phong và lập đền thờ để được huyết thực muôn đời. Đoạn giết súc vật, đốt mã thả xuống sông, rồi hạ lệnh lui quân…

Trở về kinh sư, Thái sư bàn với vua Trần Thái Tông: “Binh thế của Thượng và Nộn hiện nay đương mạnh, không thể dùng vũ lực mà chế ngự ngay được. Chi bằng phong Nộn làm Hoài Đạo vương, chia cho các huyện Đông Ngạn, Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ (nay thuộc hai huyện Từ Sơn và Tiên Sơn – Bắc Ninh), rồi dụ Nộn đánh Thượng. Hai hổ đánh nhau, tất phải có con chết, con bị thương. Bấy giờ, dù Nộn thắng, hay Thượng thắng, thì quân mệt mỏi, vất vả làm sao đương nổi với quân nhàn nhã, nghỉ ngơi, chỉ cần một trận là ta có thể dẹp yên được. Trong binh pháp, đó là kế: “Toạ sơn quan hổ đấu” biến ra “Dĩ dật đãi lao”…

Trần Thái Tôn bèn cho người đem thư và lễ vật đến dụ Nộn. Trong thư có hứa, nếu Nộn thắng được Thượng thì suốt cả một dải từ lộ Bắc Giang đến vùng Thượng Hồng, Hạ Hồng sẽ thuộc về Nộn và cho Nộn làm vua. Nộn nhận lời nhưng nấn ná chưa động binh, một mặt vừa để thăm dò, vừa củng cố lực lượng, một mặt nghĩ cách dùng mưu lừa Thượng.

Năm Mậu Tý, niên hiệu Kiến Trung năm thứ tư (1228), Nộn viết thư cho Thượng xin lập ước “hợp tung”. Trong thư có đoạn: “Ngày trước Nộn tôi không biết tướng quân cũng có lòng phù Lý, diệt Trần! Nay đã biết rồi, muốn xin cùng tướng quân được kết hoà hiếu làm nước môi răng với nhau để mưu việc lớn. Chẳng hay ý tướng quân thế nào? Nếu như được tướng quân rộng dung, thì Nộn tôi lấy làm may lắm…”.

Được thư, Thượng không nghi ngờ gì cả, nhận lời cùng Nộn làm lễ minh thệ. Ngày mùng hai tháng Chạp năm ấy, đúng hẹn, Thượng vô tình không phòng bị gì, chỉ mang theo vài chục người thân tín đến Đồng Đao gặp Nộn. Bất ngờ, một tiếng pháo hiệu nổi lên, Thượng bị quân phục của Nộn từ tứ phía xông ra vây chặt vòng trong, vòng ngoài. Biết bị Nộn lừa, Thượng tả xung hữu đột chém được mấy chục thủ cấp; nhưng thế cô, cuối cùng phải dùng kiếm tự sát! Nộn nhân đó đánh lấy Hồng Châu, kiêm tính luôn quân của Thượng, tự xưng là Đại Thắng vương, thanh thế rất lừng lẫy.

Được tin, Trần Thủ Độ sai sứ đem thư đến chúc mừng, gia phong Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, lại đem công chúa Ngoạn Thiềm gả cho Nộn để ngầm dò la tin tức, chuẩn bị đánh Nộn. Nhưng chưa phải xuất quân thì tháng ba năm sau (1229), Nộn đã ốm chết. Mất người cầm đầu, quân Nộn chưa đánh đã tan. Đến đây, thiên hạ lại quy về một mối.

Để tưởng nhớ công lao của bà Nguyễn Thị Niềm, Thái sư Trần Thủ Độ cho lập đền thờ bà ở trang Hồng Thị. Nhân đó đặt tên đền là Đền Báo Quốc (Báo Quốc từ). Sắc phong Trinh Thuận Báo Quốc phu nhân Thượng đẳng thần. Cấp cho dân sở tại hai mươi mẫu ruộng tốt và miễn cho ba suất sưu dịch để lấy người sớm hôm hương lửa. Lại lệnh cho Sử quan cùng với Bộ Lễ soạn thần tích khắc vào bia đá và ghi vào tự điển xếp đền vào hàng Quốc tế. Quy định lấy ngày mười một tháng tư hàng năm (ngày mất của bà Niềm) làm ngày lễ trọng. Trong ngày này, có các quan ở triều về tế. Được giết trâu, dê và lợn theo nghi thức tế tam sinh. Văn tế, kiêng huý chữ Niềm; nếu viết phải bớt nét và khi đọc phải đọc chệch đi…

2. Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (dã sử)

Đoàn Thượng sinh ngày mùng mười tháng Giêng năm Giáp Thìn, niên hiệu Trinh Phù thứ chín (1184) đời Lý Cao Tông. Là con của ông Đoàn Trung và bà Nguyễn Thị Loan, người trang An Nhân, huyện Đường Hào, thuộc Hồng Châu, xứ Hải Dương (nay là xã Văn Phú, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên). Tương truyền, ông bà là người hiền lành, phúc hậu, nhưng tuổi đã gần năm mươi mà vẫn chưa có con. Nghe tin ở trang Sài Khê, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây, có ngôi chùa Thiên Phúc rất linh ứng, ông bà liền sắm sanh lễ vật, thân đến cầu đảo.

Đêm đó, bà mộng thấy hồng quang quanh nơi giường nằm, rồi bất ngờ một con rồng vàng hiện ra, nhìn kỹ, lại hoá thành đôi chim anh tước, bà giơ tay bắt được một con, từ đó cảm động có thai mà sinh ra Thượng. Khi Thượng được ba tháng tuổi thì bà Loan mất vì bệnh hậu sản. Đảm nhận việc nuôi dưỡng Thượng là người nhũ mẫu họ Lưu (và sau này là nhũ mẫu của Thái tử Sảm, tức Lý Huệ Tông).

Đoạn tang vợ, ông Trung tục huyền với bà Lê Thị Quang, người xã Trương Xá, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (nay là xã Trương Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng yên), sinh được hai trai, một là Câu Mang, một là Sùng Châu (tục truyền do bà ăn nằm với giao long khi tắm ở sông Nghĩa Trụ mà có thai). Tuy là mẹ kế nhưng bà Quang yêu thương Thượng không khác gì con đẻ.

Về phần mình, từ nhỏ Thượng đã nổi tiếng thông minh, học đâu nhớ đấy, nhưng chuộng sự thực học, không thích những điều viển vông, vu khoát. Lớn lên, không chú ý việc sản nghiệp, chỉ thích binh pháp, thơ phú; coi kinh sử là chuyện bá láp làm mê hoặc lòng người, chỉ xem qua cho biết, là người khảng khái có chí lớn.

Năm Thượng mười chín tuổi, ông Trung và bà Quang nối nhau qua đời. Thượng khóc lóc nhận lời di chúc thay bố mẹ nuôi dạy các em ăn học. Hết thời gian chịu tang, gặp lúc vua Lý Cao Tông xuống chiếu cầu hiền, ông vào kinh ứng thí, được sung vào chức Thị vệ đô hoả đầu. Cùng thời gian này, các đạo Sơn Tây, Sơn Nam, Cao Bằng, Hưng Hoá, Tuyên Quang, giặc giã, trộm cướp nổi lên như ong. Được lệnh cầm quân đi đánh dẹp, ông có làm bài thơ (dịch nghĩa):

Ngọn cờ trận oai hùng ra khỏi ngọc quan

Ba quân đi thẳng tắp không thấy đầu hàng, cuối hàng đâu cả

Vó ngựa có thể khiến cho có sức mạnh nhanh như gió

Trướng hổ chớ ngại nét mặt gầy vì tuyết sương

Nghìn dặm ruổi rong là giấc mộng nghìn dặm

Một lần li biệt là cách biệt thêm một trùng núi non…

Đến khi xảy ra loạn Quách Bốc, chính ông lại là người hộ giá vua và hoàng hậu chạy đi Quy Hoá. Do có nhiều công lao, ông được phong tới tước vương, làm quan đến chức Triều Liệt vinh lộc đại phu – là bậc trọng thần trong triều. Lý Cao Tông mất, Lý Huệ Tông nối ngôi. Thấy họ Trần nắm hết binh quyền trong nước, biết rõ âm mưu định cướp ngôi của nhà Trần, ông bảo với những người xung quanh: “Lòng ta chỉ biết có nhà Lý, không biết có nhà Trần”, rồi đang đêm một mình, một kiếm chạy ra Đường An cùng hai em mưu việc khôi phục.

Được dân chúng hưởng ứng theo về rất đông, ông là người đã khiến cho nhà Trần suốt mười sáu năm trời mất ăn, mất ngủ. Song, chỉ vì quá tin người, cuối cùng ông bị Nguyễn Nộn dùng mưu hãm hại khi sự nghiệp đang còn dang dở, khiến cho người đã thác xuống suối vàng còn ôm mối hận ngàn thu…

Cảm ơn đức ông, sau khi ông mất, cả một dải suốt vùng Thượng Hồng, Hạ Hồng, cho đến Sơn Nam Thượng, Sơn Nam hạ, bảy mươi hai nơi lập đền thờ ông, suy tôn ông là Đông Hải đại vương. Ân uy của đại vương ngay cả sau khi chết vẫn còn hiển lộ. Đương thời, phàm quân sĩ, voi, ngựa của nhà Trần đi qua đền đều bị đại vương vật chết. Sau, Trần Thái Tông phải thân mặc triều phục đến đền tạ lỗi, việc ấy mới thôi…

3. Lễ hội đền Báo Quốc và đền Trung Nghĩa

Cách trang Hồng Thị và đền Báo Quốc (nơi thờ bà Nguyễn Thị Niềm) không xa là trang An Nhân, nơi có ngôi đền Trung Nghĩa (Trung Nghĩa từ) thờ Đông Hải đại vương Đoàn Thượng. Có điều lạ, lễ hội hàng năm ở đền Trung Nghĩa không tổ chức vào ngày sinh (mùng mười tháng Giêng), hoặc ngày mất (mùng hai tháng Chạp) của đại vương, mà lại tổ chức trùng với lễ hội đền Báo Quốc – ngày mất của bà Niềm – người mà theo thần phả ở đền Báo Quốc được coi là kẻ thù của ông – ngày mười một tháng tư âm lịch. Lạ hơn là những nghi thức trong lễ hội ở đây không mấy ăn nhập với thần tích đền Báo Quốc, nếu không muốn nói còn phản lại thần tích.

… Nửa đêm, vào phút chuyển giao từ ngày mười sang ngày mười một, dưới ánh sáng của những bó thông hồng và những cây đình liệu, dân trang An Nhân tổ chức rước long ngai bài vị của Đông Hải đại vương và theo sau là chiếc kiệu “cầu” – trên để những xấp bẹ chuối bóc từ thân những cây chuối ra – từ đền Trung Nghĩa sang trang Hồng Thị.

Cùng thời gian đó, đám rước của trang Hồng Thị cũng khởi hành từ đền Báo Quốc ra ngã ba đi An Nhân. Khác với An Nhân, các chân kiệu cũng như quan viên tế ở đây đều là nữ; đặc biệt là trên kiệu chính không có long ngai, bài vị và các đô tì vác tàn, quạt, nhưng lại có nhóm “nội giá” là các cô gái (chưa chồng) tuổi từ mười lăm đến mười bảy, có nhiệm vụ mang hài, hốt, xiêm, mũ, áo, gối, tráp trầu.

Đến ngã ba, đám rước của trang Hồng Thị dừng lại và tổ chức tế để đón đám rước của trang An Nhân. Lễ vật gồm một mâm xôi trắng và một chiếc thủ lợn (ngậm chiếc đuôi ngang miệng) đã luộc chín đặt trên, gọi là lễ cung đốn. Sau đó, đám rước của hai trang nhập làm một, trang An Nhân đi trước, trang Hồng Thị đi sau, tiến thẳng ra phía bến sông.

Tại đây, những chiếc thuyền đinh đã được dân vạn chài của trang Hồng Thị dùng xích sắt ghép lại với nhau, trên lát ván gỗ và bương, vầu phẳng phiu thành một chiếc phao lớn để hộ giá đám rước ra giữa sông (nơi bà Niềm, theo thần tích, làm vật hiến tế cho thủy thần). Đồng thời, một chiếc cầu tượng trưng bằng bẹ chuối (chuyển từ kiệu cầu xuống) cũng nhanh chóng được bắc từ giữa sông vào bờ. Đến đây mới là phần chính của lễ hội.

Đầu tiên là nghi thức tế thần Hà Bá. Lễ vật, ngoài cỗ mặn, vàng mã còn có một con cá to đặt trên tấm vải điều trải trên mâm và một con lợn sống khoảng mười lăm, hai mươi ký. Sau khi tế xong, con lợn bị chọc tiết, đồ mã được đem hoá và tất cả được thả xuống sông. Tiếp đến là lễ triệu vong chạy đàn, do một nhà sư và hai pháp sư đảm nhiệm. Lần này, lễ vật được bày làm ba tầng. Trên cùng là cỗ chay; thứ đến cỗ mặn và cuối cùng là gạo, muối, cháo, bỏng, voi ngựa, hình nhân, quần áo giấy, tiền giấy.

Sau khoa cúng Phật, chạy đàn, đến cúng Thánh, rồi cúng các quan xin cho vong được lên bờ. Nghi thức này kéo dài khoảng gần hai tiếng đồng hồ mới kết thúc.

Kế đến là thủ tục hoá mã, tưới rượu xuống sông; vãi gạo, muối quanh khu vực hành lễ, và cuối cùng là rước bài vị của vong (bà Niềm) lên long ngai (lúc này đã được đặt trên chiếc kiệu bát cống (kiệu chính) của trang Hồng Thị. Sau đó, mọi người cùng nhau vui vẻ thụ lộc và tổ chức rước trở lại đền.

Khác với lúc đi, lần này trang Hồng Thị đi trước, trang An Nhân đi sau, và kiệu chính của trang Hồng Thị đã có hai nội giá cầm tàn và bốn nội giá vác quạt, che trước sau hai bên kiệu. Đến ngã ba, nơi hai đám rước gặp nhau trước đó, các chân kiệu của trang Hồng Thị cho kiệu chính của trang mình quay ba vòng trước kiệu chính của trang An Nhân; tiếp đến, ban tế nữ đại diện cho trang Hồng Thị đến vái lạy trước kiệu của Đông Hải đại vương, và ban tế nam thay mặt cho trang An Nhân đến vái lạy trước kiệu của bà Niềm rồi kiệu trang nào rước về trang ấy.

Khởi hành từ đầu giờ Tý, trở lại đền vào cuối giờ Mão, đám rước chung của hai trang diễn ra hoàn toàn trong đêm và kéo dài suốt bốn canh giờ (tám tiếng đồng hồ).

Chưa hết, qua ngày mười một, đến tối mười một trang Hồng Thị cho người rước đồ lễ và cử ban tế nữ của mình sang đền Trung Nghĩa làm lễ bái yết Đông Hải đại vương. Ngược lại, trang An Nhân cũng cho người rước đồ lễ và cử ban tế nam của mình sang đền Báo Quốc làm lễ bái yết Trinh Thuận phu nhân (sắc phong của nhà Trần cho bà Niềm). Riêng, ban tế nữ phải cử hành sáu tuần tế (đăng, hương, tửu, hoa, quả, phẩm vật), trong khi ban tế nam chỉ phải cử hành ba tuần (đăng, hương, tửu).

Đặc biệt, lễ vật của trang Hồng Thị dâng lên Đông Hải đại vương là những chiếc bánh khúc hình con trai (yoni) có nhân đậu xanh và thịt; còn lễ vật của trang An Nhân dâng lên Trinh Thuận phu nhân là những chiếc bánh cuốn dài, hình trụ (linga) làm từ gạo tẻ có nhân lạc, thịt băm nhỏ hoặc ruốc. Đối với dân hai trang, hai thứ bánh này được coi là hai thứ bánh thánh không thể không có, nếu trang nào vi phạm (điều từ trước tới nay chưa từng xảy ra) sẽ bị coi là phản bội, là sự báng bổ, xúc phạm, lăng nhục đối với trang kia! Sau nghi thức này, lễ hội hai trang mới thực sự kết thúc.

4. Lịch sử đền Báo Quốc hay là lời khẩu truyền về một mối tình

Câu chuyện được lưu truyền ở Hồng Châu: Tháng hai năm Bính Tuất (1226), sau khi dẹp yên các Man ở phía Tây, Trần Thủ Độ quay sang phía Đông tiến đánh Đoàn Thượng. Hồng Châu là vùng tranh chấp, là nơi diễn ra những trận đánh lớn giữa quan quân nhà Trần và Đông Hải đại vương, cuối cùng, chính Trần Thủ độ lại bị đại vương vây khốn tại đây và phải viết thư xin giảng hoà.

Trong thư có đoạn: “Từ xưa tới nay, Độ tôi chưa từng nghe nói có một nhà nào cái trị thiên hạ được mãi bao giờ. Vì thế, sau họ Hùng có học Thục, sau họ Đinh có họ Lê; đó là lẽ tự nhiên, là sự thường tình của đạo trời. Vả lại, Lý Thái Tổ chẳng phải cũng là người thừa tiếp thiên hạ của triều Lê đấy ư? Nay đại vương cứ khư khư bảo rằng có lòng trung nghĩa với nhà Lý, tưởng cũng nên xét lại cho điều ấy, mà bỏ hết hiềm thù cũ, để cùng nhau giúp nước thì Độ tôi đâu dám không biết tự lượng sức mình mà lạm giữa chức Thái sư để mang tiếng là tham quyền cố vị, là không biết người, biết ta.

Hiềm vì trước đây chưa có người gánh vác giúp cho mà Độ tôi phải tạm nhận lấy là cũng bởi sự bất đắc dĩ đó thôi! Hoặc giả đại vương không thích sự câu thúc, ràng buộc, mà muốn cắt đất phong vương, thì hoàng thượng đã có mệnh (không phải bây giờ mới nói), nhưng đại vương không đến, chứ triều đình cũng đâu có hẹp hòi gì! Nếu đại vương cho những lời của Độ tôi là phải mà thuận tình nghị hoà thì xin làm lễ minh thệ. Thời gian và địa điểm là do đại vương quyết định, Để chứng minh Độ tôi không phải là kẻ không biết trọng chữ tín.

Còn như đại vương không cho là phải, hoặc cho là Độ tôi nay ở vào thế vì bị bức bách mà uốn ba tấc lưỡi để lừa dối đại vương; hoặc đại vương vẫn khư khư bảo rằng có lòng trung nghĩa với nhà Lý, thì Độ tôi dù không muốn cũng chẳng làm thế nào được nữa. Nhưng đến lúc đó, chỉ xin đại vương xét cho điều này: Thắng một Độ tôi trong tay bất quá có vài vạn quân chưa phải là thắng nhà Trần còn vài chục vạn binh hùng, tướng mạnh; lại nữa, hai hổ đánh nhau tất phải có con chết, con bị thương! Độ tôi dù có chết cũng không ân hận gì, mà chỉ lo cho quân của con hổ bị thương là đại vương lúc đó liệu có chống nổi quân của nhà Trần và quân của Nguyễn Nộn nhân lúc đại vương suy yếu đánh lấy Hồng Châu hay không? Vậy quyền để đại vương xem xét nên hay không nên, đừng cho là những lời Độ tôi nói không có căn cứ”.

Xem thư, Đoàn Thượng cười ầm lên: “Người ta vẫn bảo Trần Thủ Độ còn gian hùng hơn cả Tào Tháo, nay quả không sai!”. Biết Thủ Độ có người thiếp yêu là thị Niềm, Đoàn Thượng liền viết thư trả lời Thủ Độ:

Kính thư gửi quan Tổng binh Thái sư Trần đại nhân.

Được Thái sư chỉ vẽ cho, Thượng tôi thấy sáng ra nhiều lắm! Song, việc cắt đất, phong vương nói ra lúc này e rằng hơi thừa! Còn cái ghế Thái sư là ghế đầu triều, tục ngữ chẳng đã có câu : “Y phục xứng kỳ đức”, Thượng tôi tự xét thấy mình tài hèn, đức mỏng lại chưa có công cán gì, đâu dám đòi hỏi những những điều vượt quá chức phận. Nay nghe Thái sư có người thiếp yêu mới mười bảy tuổi, tên là thị Niềm vẫn mang theo ở trong quân, Thượng tôi muốn xin nàng về để lấy người nâng khăn, sửa túi coi như là vật trao đổi, chẳng hiểu ý Thái sư thế nào? Nếu như thuận cho, kiệu hoa đưa sang lập tức bãi binh. Còn như không thế, thì dù không muốn Thượng tôi cũng không làm thế nào được nữa! Vậy quyền ở Thái sư định đoạt, không đến lúc đó lại bảo Thượng tôi là người vô tình!”.

Nguyên, bà Niềm vốn là dòng dõi của Định Quốc công Nguyễn Bặc thời Đinh Tiên Hoàng. Tương truyền (trùng hợp với đại vương), bố mẹ bà cũng đi cầu tự ở chùa Thiên Phúc, mẹ bà cũng mộng thấy rồng vàng hoá thành chim anh tước (nhưng một chứ không phải hai con) rồi bắt được, nhân đó cảm động có thai mà sinh ra bà. Được dạy dỗ cẩn thận từ nhỏ, ngoài sắc đẹp trời cho, ở bà còn toát ra vẻ đẹp của người có tâm học, khiến người đối thoại bị dẫn dụ, cảm hoá.

Hơi bị bất ngờ trước điều kiện của Đoàn Thượng đưa ra, nhưng sau một hồi suy nghĩ, Trần Thủ Độ đã gật đầu chấp nhận. Khi kiệu hoa được đưa đến quân doanh, Đoàn Thượng hỏi bà:

– Ta nghe nói khi đính hôn với nàng, Thủ Độ có hứa là sẽ lấy đầu ta để làm lễ thành thân, việc ấy là đúng hay sai?

– Đúng!

– Bây giờ Thủ Độ đã dâng nàng cho ta, nàng nghĩ sao?

– Bức bách một người đàn bà để thoả mãn lòng ích kỷ và tính hiếu thắng của mình, người đàng hoàng không làm.

– Thủ Độ bị ta bao vây. Tính mạng của hắn đã được ta định đoạt chỉ trong một sớm, một chiều. Nhưng sở dĩ ta chấp nhận nghị hoà là vì lo cho tính mạng của nàng, bởi trong lúc hai bên giao tranh, mũi tên, hòn đạn vốn là những vật vô tình! Chẳng lẽ điều đó không đủ để chứng minh tình cảm của ta đối với nàng sao?

– Đại vương đã nhầm giữa việc đoạt thành, chém tướng với việc thu phục lòng người. Dùng vũ lực và thủ đoạn để đoạt thành, chém tướng thì được; nhưng thu phục lòng người thì không!

– Ta nghĩ Thủ Độ không xứng với nàng.

– Xứng hay không xứng nhưng một lời đính ước, dù chưa cùng chung chăn gối đã nặng nghĩa vợ chồng!

– Đã vậy ta cũng không ép! Ta sẽ trả lại nàng cho Thủ Độ và…

– …Và… đại vương vẫn quyết định lui quân?

– Ta vẫn quyết định lui quân!

– Đa tạ đại vương! Tấm lòng của đại vương thiếp xin ghi nhận. Kiếp này đã lỡ, kiếp sau xin sẽ báo đáp…

Nhưng Thủ Độ đã và sẽ không bao giờ hiểu được những tình cảm cao thượng đó. Thấy bà Niềm trở về, nghĩ là bà đã thất tiết với đại vương, nếu lại để bà trở lại cung với địa vị Thái sư phu nhân e sẽ bị thiên hạ chê cười, Thủ Độ liền giáng bà xuống làm thứ nhân và gả cho một viên đô uý họ Trương! Quá uất ức bà đã ra sông Cái, quãng gần trang Hồng thị gieo mình tự vẫn!

Được tin đại vương vô cùng thương xót, thân đến tận nơi cho người giăng lưới vớt được xác bà đem lên an táng. Nhân đó lập đền thờ bà ở trang Hồng Thị. Đặt tên đền là đền Trinh Liệt (Trinh Liệt từ), sắc phong: “Trinh Liệt phu nhân thượng đẳng thần”. Gia phả họ Đoàn ở An Nhân còn ghi lại bài văn đại vương khóc bà, trong đó có đoạn:

Núi cao hề, nước sâu hề!

Chốn trần gian mấy người hiểu nhau

Đã hiểu nhau hề, kết bạn tri âm

Đã kết bạn tri âm hề, xa vạn dặm cũng tìm

Đã kết bạn tri âm hề, nguyện bền núi cao, nước sâu…”.

… Hai năm sau, ngày mùng hai tháng Chạp năm Mậu Tí (1228), đại vương bị Nguyễn Nộn hại! Tháng ba năm sau (1229), Nộn bị ốm chết. Đến đây, suốt một dải từ Đông Ngạn, Bắc giang Thượng, Bắc Giang Hạ, đến Thượng Hồng, Hạ Hồng lại thuộc về nhà Trần.

Để đánh lừa hậu thế về cái chết của bà Niềm, Thủ Độ liền cho phá bỏ đền Trung Liệt, dựng trên nền ngôi đền cũ một ngôi đền mới, đặt tên là đền Báo Quốc. Lệnh cho sử quan huỷ phả cũ, soạn lại phả mới, nguỵ tạo chuyện bà Niềm làm vật hiến tế cho thuỷ thần! Song, ngót tám trăm năm đã trôi qua, bức thông điệp về cái chết của bà Niềm vẫn được lưu giữ và truyền nối qua các thế hệ, bởi những sự kiện lịch sử bị khuất lấp vẫn được dân gian “ghi” lại theo cách của mình…

Comments are closed.