Những khoảng tối có ma (kỳ 2)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

Lại mưa. Mưa kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Nước ngập mênh mông khắp thành phố. Dù không phải giờ cao điểm, nhưng xe cộ cũng kẹt cứng trên mọi nẻo đường. Lúc khoảng gần bốn giờ chiều, tôi thấy một người bán vé số cầm một xấp dày trên tay, vừa đi vừa khóc, kêu gào mọi người mua giúp cho bà. Tôi nghĩ đến cô bán vé số của mình, không biết cô đã bán hết chưa, hay cũng đang khóc ở một đoạn đường ngập nước nào đó. Tôi đang đứng giữa dòng xe cộ và tôi cũng đang bất lực vì chiếc xe đã tắt máy. Nước ngập nửa bánh xe. Khi dắt xe vào được sát lề, tôi không thấy người bán vé số đâu nữa. Tôi thầm cầu nguyện cho cô gái của tôi, mong cô không phải khóc.

Tôi đã từng ở nơi không mưa, không nắng, không ngày, không đêm, không tiếng động. Nhưng bóng tối tràn ngập. Đó là phòng biệt giam dành cho tù chính trị. Chỉ có một lỗ nhỏ để đưa cơm vào, nằm sát đất. Tiếng trái tim tôi đập, tiếng tôi thở là những âm thanh duy nhất để tôi thấy sự sống. Tôi đã ở đó không biết bao nhiêu ngày. Thời gian chỉ là khoảng trống. Tôi luôn để tai nghe ngóng cho đến lúc tôi tưởng như thế giới ngoài kia cũng đã chết. Nhưng rồi bất chợt một ngày nọ tôi nghe mơ hồ có tiếng chân bước đi bên ngoài. Tôi tập trung lắng nghe, không phải tiếng chân của người đưa cơm. Tiếng chân đi tới một đoạn ngắn, rồi quay lại. Ba vòng. Không xa phòng tôi lắm. Một phụ nữ, tôi đoán thế. Ngày hôm sau, tôi lại nghe những bước chân ấy. Tôi quyết định nằm bẹp xuống, cố đưa cánh tay ra ngoài qua lỗ đưa cơm. Và tôi vẫy. Bước chân ấy quay lại. Một bàn tay nắm chặt tay tôi thật nhanh. Chỉ có thế. Tất cả lại im lặng.

Tôi hỏi cô gái bán vé số, “Em đã từng nắm tay ai chưa?”.

Cô nói, “Em chỉ thích nắm tay má em thôi, nhưng má chết rồi”.

Bất giác tôi cầm tay em, bóp nhẹ rồi buông ra. Không biết như thế cô có ngại không, nhưng tôi muốn chia sẻ mà tôi biết không một lời nói nào có thể thay thế được. Tôi cũng chợt hiểu, tiềm ẩn trong sự rắn rỏi của em là một nỗi chông chênh của kẻ không chỗ nương tựa. Nhưng tôi không thật sự biết, em có hay khóc không. Tôi ngập ngừng hỏi, “Sao mẹ chết?”

“Má em bệnh, không có tiền mua thuốc”.

Tôi lại hỏi, “Còn ba?”. Cô lắc đầu không nói. Tôi cũng không dám hỏi tiếp.

Dường như có ai đang rình rập. Một kẻ nào đó sẵn sàng xông ra từ sau một bức tường đứng trước mặt và nói mày không được đi lối này. Tao cứ đi thì mày làm gì tao? Tao đánh vỡ mặt mày. Tại sao tao lại không được quyền đi lối này? Vì mày không có quyền, thế thôi. Tao không có quyền, sao mày lại có quyền? Không những tao có quyền cấm mày, mà tao còn có quyền đánh mày nữa, thằng ngu ạ.

Tôi kéo cô bé bán vé số rẽ sang bên kia đường, nói “Cần phải tìm những chỗ mới, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn”.

Cô hỏi, “Cơ hội gì ạ?”

Tôi nói, “Có thể em sẽ bán được nhiều hơn”.

Cô bảo, “Hên xui thôi”.

Tôi nghĩ, bọn cướp ở khắp nơi. Chúng giống như những con ma đói, cái gì lấy cắp được là chúng lấy, bất kể giá trị thế nào, bởi cướp bóc là một tất yếu cho sự hiện hữu của chúng. Tôi không còn gì để mất nữa, nhưng tôi lo sợ cho cô bé. Cô không quàng khăn đỏ, nhưng sự trong trắng của cô là một miếng mồi đáng khao khát nhất của bọn cướp, chúng nhuộm bẩn cuộc đời như một lẽ sống.

Thêm một người trong số những người tôi biết thuộc phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975 vừa chết. Anh vốn là quá khứ và chỉ gìn giữ quá khứ. Vì thế, hiện tại của anh chỉ là một cái xác không có linh hồn. Hôm nay, thể xác anh nằm xuống. Chấm dứt một bi kịch. Những người bạn anh, cũng là bạn tôi, đã không truy điệu anh như một nạn nhân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà tưởng niệm anh như chính quá khứ của anh, kẻ đã bị đánh cắp linh hồn. Họ gọi đó là sự trung thành, trung kiên.

Tôi vẫn không hiểu nổi những trí thức, những người biết quí trọng tự do và phẩm giá con người lại có thể cho phép mình bó thân, tâm, trí tuệ vào trong một hệ thống kỷ luật của một đảng độc tài, độc tôn và tước bỏ hoàn toàn nhân phẩm, nhân quyền của mình. Tôi nghi ngờ tính cách trí thức, sự độc lập của tư duy và tự do hành động của những người theo đảng. Sự vong thân đến từ đâu: nỗi sợ hãi hay đặc quyền đặc lợi? Tôi hỏi những người bạn mình đang còn là đảng viên, mấy ổng nói khi tụi tôi vô đảng, nói chung ít quan tâm đến lý tưởng cộng sản, mà chính yếu là vì muốn “chống Mỹ cứu nước”, ai ngờ chống Mỹ xong thì nó đổ đốn ra vậy. Và cũng nói chung, cho dù được đúc khuôn xã hội chủ nghĩa miền Bắc hay vốn sống trong lòng chế độ tự do của miền Nam, thật kỳ lạ, họ không hề băn khoăn về bản chất độc tài cộng sản và chấp nhận một tình trạng vong thân ma mị, như tất yếu.

Tôi cần phải ngủ. Ngủ để thấy một thế giới khác. Ngủ để hồi sinh hay ngủ để quên. Kiểu gì cũng phải ngủ. Tôi nhắm mắt. Tôi muốn chết đi. Tôi không muốn gì nữa. Nhưng rồi tôi cũng phải thức. Thực tại vẫn là cuộc sống. Hơi thở của tôi. Nhịp đập trái tim tôi. Tôi không thể tự chui sâu vào chính mình như một con ốc khép kín. Tôi cần bầu trời. Tôi cần núi. Cần biển. Cần một người đàn bà. Tôi cần tất cả mọi hệ lụy của cuộc đời này. Tôi cần tiền. Thiền sư cũng cần ăn. Triết gia cũng cần rượu. Tôi cần tất cả mọi thứ và tôi thiếu thốn mọi thứ. Tôi là một số phận trong muôn vàn số phận.

Sau ngày 30.4.1975, chính quyền cách mạng cho đổi tiền thống nhất trên cả nước trong một hạn mức cào bằng sự nghèo khổ. Trơ trụi, không chỉ là một cảm xúc bị tước đoạt tất cả tài sản mà còn là trạng thái bị vặt lông trong một lò giết mổ gia súc. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sức mạnh của một hệ thống quyền lực. Và càng về sau tôi càng cảm thấy tính chất cơ chế của nó chà xát lên cuộc sống con người, mỗi số phận như một hạt gạo trong cái cối xay. Sự suy tưởng trong cái cối đá trong lúc đang tan mới vô nghĩa làm sao.

Cô sĩ quan an ninh quản lý văn nghệ sĩ nói với tôi, “Chúng ta nói chuyện hòa bình không chiến tranh nhé”.

Tôi cười, “Có bao giờ tôi thích chiến tranh đâu”.

Cô bảo, “Chú thì vậy, nhưng với cái ông bạn chú, cứ nói chuyện là chửi nhau”.

Tôi bảo, “Càng vui chứ sao. Cả hai đều có cơ hội nâng cao tay nghề”.

Cô cười vui vẻ. Đây là lần thứ hai cô làm việc với tôi. Lần trước trong đồn công an phường, lần này trong quán cà phê. Tôi bảo “Em vẫn đẹp”.

Cô nói “Vẫn nhớ à?”

Tôi bảo, “Gái đẹp thì không nên quên”.

Cô nói thông cảm cho cô, đây là công việc. Tất nhiên, tôi biết tôi đang làm việc với nhân viên an ninh tư tưởng văn hóa. Tuy nhiên, cũng chẳng có luật hình sự nào qui định tôi không được tán tỉnh cô. Vì thế, trước khi ra về, tôi bảo “Cho anh nắm tay em”.

Cô đưa tay cho tôi nắm. Tay cô mềm, không có vẻ gì là bàn tay cầm súng, sẵn sàng bắn vỡ đầu những ai chống đối chính quyền và bỏ tù người phản kháng. Tôi bóp mạnh bàn tay cô vì tôi không tin cô có thể cảm nhận được sự tinh tế của hai làn da chạm nhau. Vì thế, bàn tay còn lại tôi xoa nhẹ lên mu bàn tay cô. Trong một lúc, cái cảm giác bị sỉ nhục biến mất. Tôi muốn ôm cô để từ biệt, nhưng tôi ngừng lại, biết đâu lại chả nếm mùi Hane Makikomi của Judo.

Tôi ngồi bên vỉa hè uống cà phê với mấy người bạn. Cô bé bán vé số của tôi thấp thoáng. Dường như cô biết tôi đang ở đây, nhưng cô chỉ lảng vảng từ xa.

Từ xa, tôi nhìn thấy quá khứ của cô. Giữa mênh mông của Biển Hồ xứ Chùa Tháp, cha cô uống rượu say và đánh đập mẹ cô. Mẹ cô kêu gào, trong lúc cô co rúm dưới cuối thuyền. Gần như ngày nào cũng như thế, cho đến một ngày cô không nhìn thấy mẹ nữa. Mẹ cô đã nhảy xuống bao la tối tăm của Biển Hồ. Cô không biết mẹ cô đã chết hay đang lang bạt ở đâu đó. Đến lúc cô cũng bị đánh và bị hiếp, mỗi ngày. Cũng chẳng có gì ầm ĩ hay ghê gớm trong cái xóm thuyền chài lênh đênh này. Lợi dụng khi cha cô say xỉn, cô đã nhảy qua một ghe chở du khách quá giang vào bờ. Cô trốn về Việt Nam tìm họ hàng. Nhưng họ hàng cũng chỉ là hàng họ. Không ai giúp được cô.

Nhìn gần, tôi thấy cô lẫn lộn với những người chung quanh đang rình rập tôi và những người bạn.

Tôi bị mất cắp.

Có lẽ chưa bao giờ như hôm nay, con người lại bị soi mói đến thế. Nó đến từ khắp nơi, những con người được thuê mướn và ngay cả ở những tiện nghi cá nhân chúng ta đang sử dụng như điện thoại, máy tính và những công cụ tưởng như vô tri nhất. Cả thế giới này đang chống lại chúng ta. Không những “họ” kiểm soát từng người một, mà “họ” còn điều khiển chúng ta theo cách của một đám đông.

Người bạn hiện vẫn đang là một quan chức văn nghệ, nói “Không một ai khi đã ở trong guồng máy cai trị này lại không phải là một con người hai mặt, trừ bọn không có não”.

Đúng ý tôi. Tôi cười khoái trá rồi nói, “Tôi có ý định viết một tiểu thuyết về những con người đó. Những nhân vật điển hình cho lối sống hai mặt trong thời đại chúng ta”.

Anh bạn bảo, “Tôi không có ý định làm ứng cử viên đâu nhé”.

Những người bạn khác cũng cười. Họ góp ý, ông A được đấy, thằng cha ấy mâm nào cũng có mặt. Có người nói, ông B hay hơn, ông này hưởng hết lộc của chính quyền lại có tiếng thơm trong giới đấu tranh dân chủ. Người khác nói, ông C mới độc đáo, cả đời cúc cung tận tụy phục vụ chế độ, nhưng sắp chết lại bị chính quyền cho tế thần, trở thành kẻ đại diện cho mọi tội ác của cách mạng.

Tôi nhớ đến chiếc ghe mà gia đình cô bé bán vé số lênh đênh trên mặt Biển Hồ. Trong khoảng không gian chật hẹp chỉ mấy bước chân, họ nhìn thấy gì ngoài chuyện cơm áo? Cô bé của tôi kể, nỗi ám ảnh cô nhất chỉ là những tiếng kêu rên của mẹ trong đêm. Cô không hiểu gì về chuyện đó cho đến sau khi cô bị người cha hiếp. Cô thương mẹ. Nhưng cô vẫn tự hỏi tại sao mẹ không mang cô theo? Với cô, cuộc sống không có lời đáp cho tất cả mọi bất hạnh của cô.

Tôi vẫn thấy cô thấp thoáng bên những người đang rình rập tôi. Có thể, cô lại bị đánh cắp một lần nữa, theo cách ngọt ngào hơn.

Những người bạn tôi vẫn hỉ hả và truy sát cuộc sống trên những ý niệm về sự ngay thẳng. Nhưng tôi chợt nhận ra, đường thẳng không phải là đường ngắn nhất giữa hai điểm.

Và tôi cũng chợt thấy mình sợ mất cô gái nhỏ bán vé số kia biết bao.

Tôi muốn đi tìm cô gái bé nhỏ của mình. Tôi muốn đến Biển Hồ. Tôi muốn đi hết các đường phố.

Cuối buổi chiếu phim ra mắt của bà bạn, cô gái đến trước mặt tôi, gọi “Anh”.

Tôi nhìn sững cô, “Xin lỗi, em là ai?”

Cô gái không lớn hơn cô bé bán vé số bao nhiêu. Cô cười, “Anh không thể biết em là ai đâu”.

Rồi cô cười giòn tan, hồn nhiên nhưng huyền hoặc như từ một thế giới nào khác vọng đến. Tôi nói, “Dù sao thì em cũng đang đứng đây, tôi không biết em là ai, nhưng em có thể cho tôi biết em muốn gì ở tôi?”.

Cô cười mỉm duyên dáng, “Em biết anh từ lâu, nhưng hôm nay mới gặp, em chỉ muốn chào anh thôi”.

Tôi cũng cười, nhìn cô kỹ hơn, hàm răng cô không đều, nhưng nhờ thế, cô có duyên và sinh động hơn. Tôi nói, “Tôi cũng chào em và tôi muốn hơn thế”.

Cô nhìn tôi chờ đợi. Tôi giang cánh tay, cô ngả người vào tôi. Tôi ôm cô và tôi cảm nhận được sự trao gởi của cô. Tôi biết, chúng tôi có thể đến với nhau như sự thân thuộc.

Tôi hỏi, “Anh có thể gọi em là gì?”

Cô nói, “Thì cứ là em như bao nhiêu em khác. Và cứ là cô ấy như bao cô khác, khi anh kể về em”.

Cô ấy muốn trở thành vô danh hay cô ấy không muốn chiếm hữu và được chiếm hữu? Tôi không biết. Tôi cũng không biết, khi vô danh thì con người sẽ tận hưởng cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc hơn khi người ta mặc định về một danh xưng không? Sau này, khi đủ thân thiết với cô, tôi thấy mình may mắn như trúng số, một hạnh phúc bất chợt nhưng tràn đầy, cho dù cô không đẹp, không là hotgirl hay bất cứ một định vị xã hội nào. Một say đắm thuần khiết bởi tình yêu và tận hưởng nhục dục chan hòa tự nhiên như khí trời, cây cỏ. Niềm kiêu hãnh chính là được tận hiến cho nhau, vì nhau. Trong một lần yêu đương, tôi mắc đái, cô ấy bảo “để em uống cho”. Tôi đái vào miệng cô ấy, ngay trên giường. Cô bảo không ngon, nhưng em muốn được tôn sùng anh. Và tôi cũng tôn sùng cô như thế. Tôi tin rằng cô đã chứng ngộ được chính mình, như tôi. Tôi thấy biển, thấy núi, thấy hồng hoang và tôi tin cô ấy cũng thấy như tôi. Cô nghiện tôi như nghiện cao Sao Vàng. Tôi cần cô như cần một khoảng trời trong.

Trên căn hộ tầng thứ 28 của cô ấy nhìn xuống biển và những mái nhà lô nhô, đám cây lữ thoa không ngừng trò chuyện. Chúng kể với nhau về những lần làm tình của cô chủ với người khách lạ, như những vị thần của Hy Lạp trên núi cao, loạn luân và cuồng bạo. Ngọn gió mang mùi tanh ẩm ướt của họ bay đi cùng với lời kể của đám lữ thoa thành những đám mây màu hường. Quả thật, trên tầng 28 của chung cư nhìn ra biển, tôi và cô ấy như những đám mây màu hường giữa lồng lộng gió. Bay đi.

Ngày sinh nhật cô, tôi mang đến một cây trang leo và đặt giữa đám lữ thoa. Ngay lập tức, cây trang leo tôi tặng cô đã biến thành lữ thoa và chúng trò chuyện với nhau như thể nó cũng biết rồi, biết tuốt mọi thể loại yêu đương của tôi. Có lẽ bọn lữ thoa này không có chuyện gì để hóng hớt ngoài chuyện yêu đương của tôi.

“Em thích quà tặng của anh. Nhất là khi nhìn thấy nó lớn lên từng ngày, như tình yêu của anh dành cho em”, cô nói một cách sến sẩm và cười bẽn lẽn.

Tôi bảo, “Anh thích sến khi yêu”.

Có tiếng gõ cửa. Cô bảo “Anh im lặng nhé”.

Cô mở cửa phòng ngủ bước ra. Tôi không nghe thấy gì ngoài cửa chính. Nhưng trong đầu tôi nghĩ ngay đến một anh bảo vệ chung cư hoặc một gã an ninh nào đó. Cặc tôi teo lại. Tôi nghe thấy cô lục lọi gì đó ngoài phòng khách. Lát sau, cô quay lại. Cô đứng giữa cửa phòng ngủ nhìn tôi. Rồi cô quì xuống, bò tới cuối giường. Cô liếm gan bàn chân tôi.

Cô bảo, “Anh đứng dậy đi”.

Tôi đứng dậy, cô kéo tôi ra phòng khách. Món ăn tôi thích đã được bày trên bàn. Thịt cừu nướng và khoai tây chiên, muối tiêu chanh. Cô nói “Quán quen, ăn cũng được”.

Tôi uống chung ly bia với cô. Đám lữ thoa reo trong gió. Tôi vừa ăn thịt cừu vừa ăn thịt cô.

Mỗi sáng, tôi vẫn ngồi cà phê bên bờ sông với các đồng chí lão thành cách mạng. Nhưng đã lâu, tôi chưa gặp lại cô bé bán vé số. Chẳng lẽ cô không muốn mang niềm may mắn đến cho tôi nữa?

Gần trưa, tôi để lại dòng sông cho trời đất và đi bộ tới quán ăn. Giữa đường, bất ngờ cô bé bán vé số xuất hiện. Cô nói, “Có một người lạ hỏi em tại sao đi ăn với anh?”

Tôi hỏi lại, “Thế em trả lời sao?”

Cô bảo, “Em nói, tôi thích thì tôi đi, được không?” Người lạ hỏi tiếp: “Rồi có đi đâu nữa không?” Em hỏi lại ông ấy: “Ông hỏi gì kỳ vậy?”

Tôi cười thành tiếng, “Anh hiểu rồi”. Và tiếp, “Giờ em đi ăn với anh nữa không?”

Cô bé le lưỡi, “Thôi, em không dám đâu”. Ngừng một lúc, cô bảo “Em giữ cho anh khỏi nguy hiểm”.

Rồi cô bất chợt rẽ ngang.

Tôi đứng lại nhìn theo cô bé. Lòng chùng xuống. Tôi không nghĩ mình có thể mất cô bé theo cách ấy.

Tôi bỏ bữa ăn trưa, đi bộ về nhà, dù không gần.

Buổi tối xem TV, tin thời sự cho biết tòa án Hà Nội vừa tuyên án 66 năm tù cho 6 người đấu tranh dân chủ. Tôi phải uống một viên thuốc ngủ.

N.V.

Comments are closed.