Que diêm thứ Tám (kỳ 11)

Tiểu thuyết của Văn Biển

33.

VƯỢT QUA BIÊN GIỚI,

NGƯỜI DƯƠNG KẺ ÂM GẶP NHAU

Đáng và Ngọc Hoa đang ngồi bên nhau. Hoa đang có việc gì lo nghĩ phải không?

Mấy hôm nay gia đình có làm lễ gọi hồn em. Em về nhưng đứng ở ngoài sân nhìn vô. Em là đứa con bất hiếu, ích kỷ. Đúng là em quá nông nổi.

Anh cũng nông nổi như em mới có mặt dưới này, lúc đang chuẩn bị vô trường Đại học. Đời người chẳng ai tránh khỏi vấp ngã.

Có điều có người vấp ngã rồi đứng lên đi tiếp. Em thuộc loại chỉ vấp ngã một lần… Chuyện mới xảy ra, các cụ còn đau buồn lắm. Thế nào cũng có ngày em về tạ tội. Bây giờ em có việc muốn hỏi anh. Chuyện người bạn trai ấy.

Anh tưởng em đã bỏ qua rồi. Chuyện người đàn bà bên vũng nước và hai nhà sư.

Ngập ngừng… Em muốn gặp anh ấy.

Âm dương đôi ngả rồi mà em.

Lần nào về thăm nhà em cũng thấy anh ấy có mặt ở nhà bố mẹ em. Em thấy bố mẹ cũng vui, hình như các cụ không trách móc gì anh ấy. Em muốn gặp anh ấy nói vài lời.

Vậy tối nay ta đi.

Trời đã bù cho em một chỗ dựa dưới này. Em sợ nhất cảnh bơ vơ, côi cút.

Anh mãi mãi bên Hoa.

Hoa lại tựa vào vai Đáng.

Hiền, người yêu của Hoa vừa dạy các em của Hoa học xong, tụi nhỏ leo lên giường ngủ.

Bỗng có tiếng động ở cửa. Hiền ngước lên. Anh thấy chập chờn bóng một người con trai to lớn đang đứng trước cánh cửa đối diện với Hiền. Hiền hoảng hốt bật đứng dậy định kêu lên theo bản năng. Bóng người con trai vội vàng dơ tay ra hiệu… Cái bóng chập chờn lúc ẩn lúc hiện đó chính là Đáng.

Hoa nhờ tôi tới nói anh ra gốc cây xoài góc vườn. Hoa muốn gặp anh.

Nhưng Hoa đã mất rồi mà.

Đúng là Hoa đã mất ngay tối hôm đó: Hoa trở về muốn gặp anh. Cô ấy chờ anh dưới gốc xoài ở góc vườn. Nói xong Đáng biến mất.

Hiền đốt nén hương trên bàn thờ Hoa. Trong anh là một cuộc giằng co dữ dội. Chuyện thật hay là một giấc mơ. Không, anh đang thức, đang đứng trước bàn thờ Hoa và bóng hình người con trai to lớn còn như đang trước mắt anh. Hiền thắp nén hương mà tay run lẩy bẩy. Chẳng hiểu là sợ hay là xúc động. Xưa nay chưa nghe có chuyện hồn người chết về gặp người sống bao giờ. Hiền khép cửa lại rồi ra ngoài.

Ngoài vườn dưới gốc cây xoài vừa thấy Đáng tới Hoa hỏi ngay: Anh trông anh ấy có sợ quá không?

Đáng cười: Ra gặp người yêu mà sợ à.

Anh ấy như mọi người, thích nghe kể chuyện ma nhưng người co rúm lại.

Thôi anh biến đây, để em và Hiền gặp nhau thoải mái.

Từ đằng kia Hiền đang tới. Vừa trông thấy Hoa, Hiền nửa như muốn lao tới ôm chầm, nửa sợ không dám bước tới gần.

Hiền tới bên Hoa. Anh muôn phần có lỗi với em. Anh hèn quá. Từ hôm đó đến giờ anh như thằng bị kết án, người không lúc nào yên. Hoa muốn trừng phạt anh cách gì cũng được.

Em tới gặp anh không phải để nói chuyện ân oán, nợ nần. Thật ra anh bỏ chạy không có gì sai, trước hết gia đình không mất một đứa con. Nằm lại như em chưa chắc đã hay. Trước hết bố mẹ em mất đứa con gái. Đẻ ra nuôi dưỡng cho tới ngày sắp được đền đáp thì lại xảy ra chuyện đau lòng. Em về nhiều lần thăm bố mẹ và mấy đứa em nhưng không dám hiện diện, lúc nào cũng đứng ngoài sân nhìn vào.

Nếu em tha thứ cho anh, cho anh xin em hai điều.

Anh cứ nói đi.

Cho anh quỳ xuống, tạ lỗi cùng em. Như vậy những ngày còn lại lòng anh mới cảm thấy yên.

Sao anh lại nghĩ thế. Em không dám và không đáng để anh phải làm thế.

Anh xin em. Một lần này thôi trong đời. Rồi không đợi Hoa nói, Hiền quỳ xuống trước mặt Hoa. Hoa định tránh đi nhưng không kịp.

May mà em đã ở cõi âm, anh làm thế em tổn thọ mất. Còn điều thứ hai…

Anh chỉ xin được chạm tay vào cái bóng của em là được rồi.

Hoa chợt bật cười: Nhưng hồi nào em nhớ anh sợ ma lắm kia mà.

Nhưng đây là Hoa, linh hồn của người từng yêu anh, và anh từng yêu. Tiếc đời đã không cho hai chúng ta gắn bó với nhau.

Hoa đứng im cho Hiền tới ôm mình. Hoa rụt rè ôm lại người yêu. Họ ngồi xuống bên nhau… cho tới lúc có tiếng gà gáy lần một vang lên.

Hoa giật mình: Chết, em phải đi thôi.

Cảm ơn Hoa đã cho anh gặp em đêm nay. Sau này mỗi lần muốn gặp thăm em, có cách nào không?

Anh cứ tới mộ em thắp cây hương thế nào em cũng tới.

Hiền cảm động: cho anh gửi lời thăm anh ấy.

Hiền nhìn theo bóng hai người chập chờn rồi mất hút…

34.

LẠI CHUYỆN VỀ CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ

VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Có bao giờ người ta tự hỏi, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Mác đẹp đến thế, muốn tạo nên một thế giới không còn giai cấp, không còn giàu nghèo, vậy mà Cách mạng tới đâu dân bỏ chạy đến đấy. Sau 54, hai triệu người di cư vào Nam, một số trí thức chạy sang Pháp. Sau 75, trên hai triệu người chạy ra nước ngoài. Nếu một chế độ hợp lòng dân, dẫu có đuổi người ta cũng không bỏ nước ra đi bằng mọi giá. Hồi đó người ra đi có câu: Con sống con nuôi má, con chết con nuôi cá.

Lịch sử dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm chưa có thời nào người dân sợ hãi chính quyền đến thế từ trí thức cho tới dân đen. Người ta kể lúc làm công viên Lê Văn Tám, phải dời cả nghĩa trang. Trong lúc bốc mộ có một người ở miền Bắc, năm 54 chạy vô rồi chết chôn ở đó. Lúc bốc mộ có người nói vui: Chạy đâu cũng không thoát khỏi Cộng sản.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc hưu rồi có nói: “Năm 75 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”. Câu nói vào loại hiếm của một người cộng sản có tâm. Khánh chợt dừng lại cảm thấy mình nói nhiều.

Ông Tư biết ý liền nói. Không sao. Tôi còn muốn nghe. Trên kia có lúc nào được nghe những lời nói thật đâu.

Thế còn báo mạng. Chủ tịch có lúc nào lướt mạng không?

Có, nhưng nói thật chỉ lúc xuống dưới này mới thấy rõ hơn. Cái ghế ngồi rất lợi hại. Nó có khả năng ngăn mình tiếp cận với chân lý. Một bức tường vô hình. Thường người ta chỉ ngộ ra sau khi rời khỏi chiếc ghế mình ngồi hoặc mỉa mai hơn, sau khi đã rời khỏi cõi thế.

Còn điều này nữa, người ta cố tình nhầm lẫn hoặc đánh đồng Đảng là Nhân dân, là Tổ quốc. Ai chống lại sai trái của Đảng là chống lại Nhân dân, chống lại Đất nước, là phản quốc. Đảng độc quyền mọi thứ, từ quyền lực, lòng yêu nước cho tới lẽ phải. Nói như nhà văn Dương Thu Hương, Đảng muốn 90 triệu người dân Việt Nam như một đàn ngựa hai bên mắt bị che lại, chỉ biết đi theo con đường của Đảng đã vạch sẵn, cho dầu không biết con đường đó dẫn mình đi về đâu. Người dân như những con ngựa mù đi giữa rừng đêm mịt mù. Mà càng về sau này chính mấy ông lãnh đạo cũng không biết mình đang đi đâu, về đâu.

André Gide nhà văn Pháp xuất chúng thế kỷ 20 sau khi đi thăm Liên Xô về đã viết cuốn sách chỉ ra “những hình thái quái đản trong sự sùng bái cá nhân ở Liên Xô”. Cuốn sách nhỏ (Từ Liên Xô trở về, 1936) trong sự nghiệp đồ sộ của André Gide như là một quả bom tấn nổ giữa trời Tây và Xã hội chủ nghĩa Xô Viết: Người ta lên án André Gide (Giải thưởng Nobel, 1947), gọi ông là tên phản động. Có một câu nói của Ronald W. Reagan: “Làm thế nào để bạn biết người đó là một người Cộng sản? Đó là những người đọc Mác và Lê nin. Và làm thế nào để bạn biết người đó là người chống Cộng sản. Đó là người hiểu Mác và Lê nin”. Thật ra câu này chỉ đúng ở các nước văn minh. Còn ở ta đa số theo Cộng sản nhưng không biết Cộng sản là gì. Chỉ biết nôm na lấy của người giàu chia cho người nghèo, xã hội không còn giai cấp, không còn người bóc lột người. Thậm chí các ông lãnh đạo cao cấp trong biệt thự đều có một tủ sách (thường đặt ngay trong phòng khách) trưng bày những tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, Angel, Mao tuyển nhưng chắc không mấy ai từng mở các cuốn sách gáy dày cộp, bìa bọc vải, chữ mạ vàng ra chứ đừng nói tới chuyện mở từng chương ra đọc. Nó hệt như món hàng trang sức của quý bà sang trọng. Mà có chịu khó đọc cũng chẳng hiểu mô tê gì. Họ không thích đọc vì đọc không hiểu gì. Và họ cũng không có thì giờ, còn bao nhiêu việc khác thú vị hơn.

Trở lại vấn đề này nếu Đảng cảm thấy tự tin, tự thấy mình là yếu tố không thể thiếu được trong sự tồn vong, hưng thịnh của dân tộc, của Đất nước thì cứ tiến hành đa nguyên, đa đảng đi, để nhân dân được quyền chọn lựa. Nếu nhân dân còn tin thì Đảng tiếp tục vai trò của mình. Nếu dân không tin thì giao phó sứ mệnh thiêng liêng cho kẻ khác. Có người sẽ nói: Vậy là “cốc mò cò xơi à”. Sao lại nghĩ tới chuyện cốc với cò, mà sao lại có chuyện xôi thịt ở đây. Một khi ta đặt Tổ quốc lên trên hết, Nhân dân lên trên hết, thì ta sẽ thấy vấn đề đó nhẹ nhõm. Thử hỏi mười mấy vị ủy viên Bộ Chính trị và trăm mấy ủy viên Trung ương có ai thật là Đảng 100%, có vị chưa tới 1%. Có thể nói thẳng, đa số là con số không. Như lời Tổng Bí thư: “Đảng viên nhan nhản, Cộng sản mấy người, và người Cộng sản có thể đếm trên đầu ngón tay”. Rồi tới lượt con cháu họ học ở các nước Tư bản về liệu có được 1/1000 chất Cộng sản hay không? Thật ra ai cũng biết, Đảng Cộng sản thật đã chết từ lâu rồi. May mắn hơn Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Cộng sản không trải qua thời kỳ “giẫy chết”. Liên Xô chết một cái chết tất tưởi, cả Châu Âu và thế giới bất ngờ.

Trở lại chuyện cốc mò cò xơi. Các anh có ai dám tự xưng mình là cốc không? Một chút máu Cộng sản cũng không có vì các anh cũng chẳng ngu gì, không biết Cộng sản đã chết từ lâu rồi. Còn xã hội chủ nghĩa là không tưởng, không hề có ở quá khứ, không có ở hiện tại, càng không có ở tương lai. Các anh mượn cớ để duy trì cái ghế của mình.

Nếu có chuyện cốc mò cò xơi thì chính ngay bản thân các ông đang ngồi trên ghế lãnh đạo bây giờ và các con cháu họ mai kia đang xơi tái cả đất nước này một cách không thương tiếc.

Lẽ ra lịch sử Việt Nam đã sang trang, nếu người kế nhiệm sau Lê Duẩn, Trường Chinh có một cái đầu khác và có tâm biết tận dụng thời cơ có một không hai nhân lúc Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, lái con thuyền Việt Nam rẽ sang một bước ngoặt khác. Rất tiếc viên thuyền trưởng lúc ấy lại là Nguyễn Văn Linh, vẫn sống chết cố bám lấy Xã hội chủ nghĩa cho tới lúc ông ta chết. Chân lý đôi khi rất đơn giản, nó gắn liền với nhu cầu cuộc sống của người dân, họ biết chọn cho mình cái gì cần chọn. Và biết tránh cho mình những cái gì cần tránh, trước hết là tránh các cuộc chiến tranh khốc liệt.

Nếu để người dân bình thường được quyền tự chọn, họ đã từ bỏ Chủ nghĩa xã hội từ lâu rồi, và họ cũng không cần cái đuôi kinh tế thị trường định hướng tùy tiện nữa. Để được quyền chọn cách sống của mình, người dân thường sáng suốt rõ ràng, thực tế, đơn giản hơn nhiều. Vì miếng cơm manh áo, cuộc sống bình thường hàng ngày của bản thân và gia đình.

35.

TRỞ LẠI CHUYỆN TRẦN THẾ,

NHỮNG BÓNG MA CỦA LỊCH SỬ

NGUYỄN VĂN LINH TỪ CHUYỆN “CỞI TRÓI”,

HAI TAY CHỐNG TRỜI TỚI HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ

Dường như những vị Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ của mình đều muốn lưu lại một dấu ấn. Lê Khả Phiêu vừa mới nhận chức ngồi chưa kịp nóng chỗ, có một cuộc họp báo trên 200 người gồm các nhà báo trong nước và quốc tế. Lê Duẩn muốn vừa là nhà chính trị vừa là nhà tư tưởng, triết gia. Nguyễn Văn Linh khiêm tốn hơn. Biết mình, biết người. Ông có một câu nói khá nhũn nhặn: Các vị Tổng Bí thư trước thường hơn các đồng chí trong Bộ Chính trị một cái đầu, còn chúng ta chỉ hơn kém nhau một sợi tóc. (Ở đây xin mở một ngoặc đơn, đó là so với mười mấy cái đầu của các vị trong Bộ Chính trị với nhau, chứ đừng nên so với mấy triệu cái đầu khác trong 90 triệu dân).

Sau khi nổi đình đám trong giới báo chí bằng một loạt bài “Những việc cần làm ngay” rồi “Nói và làm”. Ông bèn chuyển sang địa hạt văn nghệ với câu nói nổi tiếng. Vào một ngày đẹp trời tôi ngứa miệng kêu lên: “Các bạn hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Một cuộc họp mặt với trên trăm anh chị em văn nghệ sĩ được chọn lọc để lắng nghe tiếng nói chân thật, bộc bạch những ấm ức của giới cầm bút, cầm cọ… Ông khuyến khích: “Các đồng chí hãy tự cởi trói”. Ngay sau đó một luồng gió mới tràn qua cánh đồng văn nghệ, suốt bao năm trời bị rào kẽm gai. Một loạt các thiên phóng sự của Phùng Gia Lộc, những truyện ngắn của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, một loạt những vở kịch của Lưu Quang Vũ xuất hiện trên sân khấu gây những dư chấn lớn trong xã hội vốn lâu nay chỉ quen được thưởng thức những tác phẩm “không viết cái thực sự mà viết nó phải xảy ra như thế” (Nguyễn Minh Châu). Năm 1978 được coi là năm của Nguyễn Văn Linh.

Nhiều người lạc quan nghĩ Đất nước cứ thế mà đi lên. Dẫu có nghèo đói nhưng không khí dân chủ đã bắt đầu… Dân chủ luôn luôn là giấc mơ nghìn đời của người dân.

Nhưng… Dường như lịch sử luôn luôn có những chữ “nhưng” quái ác không tránh được. Tình hình thế giới, phe xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu đang bước vào giai đoạn có những biến động lớn báo trước sẽ dẫn tới sự tan rã của Chủ nghĩa xã hội.

Hàng loạt các cuộc biểu tình rầm rộ liên tiếp xảy ra suốt mấy thập kỷ từ thời Xitalin tới Brenhiép ở các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Rumani… đòi tự do, dân chủ, đòi tách ra khỏi Liên Xô bất chấp cứ mỗi lần như thế hàng nghìn xe tăng từ Liên Xô tràn qua biên giới, tiến sát Thủ đô bắt cả Tổng Bí thư. Những cuộc trấn áp, tàn sát đẫm máu, hàng nghìn, hàng vạn người ngã xuống(1). Tất cả không ngăn nổi ý chí quyết liệt của người dân các nước Đông Âu. Hàng vạn người đã bỏ Tổ quốc ra đi.

Nguyễn Văn Linh có cái may và không may. Gần cuối nhiệm kỳ Tổng Bí thư, ông tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của phe Chủ nghĩa xã hội ở ngay chính Liên Xô và các nước Đông Âu. Nói may nếu ông biết và tận dụng sự kiện lớn thời cơ có một không hai đang làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới, quyết tâm biến Việt Nam thành một nước thực sự Độc lập, thực sự Tự do Dân chủ, một chế độ đa nguyên, đa đảng… thì Đất nước đã thay đổi biết bao nhiêu. Nếu làm được việc lớn lao đó người dân sẽ đúc tượng vàng. Nhưng tiếc thay, ông không coi đó là cơ hội, là thời cơ mà cho là nguy cơ lớn, và cảm nhận lịch sử lại một lần nữa giao cho Việt Nam vai trò đầu tàu trách nhiệm lớn cứu nguy cho Xã hội chủ nghĩa!

Theo ông Lê Đăng Doanh kể, lúc ông sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Quốc Khánh Cộng Hòa Dân Chủ Đức ở Berlin (10-1989), mặc dầu bị phân biệt đối xử so với các nước anh em khác từ chuyện ăn ở, đi lại, nhưng ông không quan tâm. Trong ông chỉ còn có một việc tối quan trọng trước mắt, lãnh trách nhiệm lịch sử giao phó tự nguyện đúng ra làm trung tâm của phe xã hội chủ nghĩa (việc này ông đã bàn với các đồng chí trong Bộ Chính trị trước lúc lên đường). Ngay giữa Berlin đang mùa đông băng giá, một mình ông thân già lọm khọm đi gặp hết đoàn này tới đoàn kia với ý đồ đã nói ở trên, nhưng phần lớn đều gặp phải sự lạnh nhạt, trừ vài nước như Mông Cổ, Rumani vẫn còn cố níu lấy hy vọng mong manh. Sau nhiều lần lỗi hẹn, cuối cùng, ông cũng được Gorbachev – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô hẹn tiếp và ông Linh đặt rất nhiều hi vọng ở cuộc gặp “lịch sử” này. Đáng buồn, ông không có cái nhạy cảm của người làm chính trị. Hầu như không hề biết Gorbachev là ai.

Người ta kể khi Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”(2).

Dù đang bệnh, Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước”.

Cuối cùng, Nguyễn Văn Linh đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế hoạch 5 năm 1990 – 1995 của Việt Nam thì Gorbachev không còn xã giao, lịch sự: “Khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”. Báo chí cộng sản các nước dường như đều học từ một trường học nói dối ra.

Người ta tưởng tượng giữa trời Berlin băng giá, tấm thân già khọm giơ hai cánh tay gầy guộc lên như muốn chống cả bầu trời tưởng chừng như đang sụp đổ. Bi kịch của ông Linh là chỉ thấy chủ nghĩa xã hội mà không thấy người dân, đời sống của dân. Chỉ lo cho sự tồn vong của hệ thống xã hội chủ nghĩa mà không thấy dân tộc, đất nước. Đặt Đảng trên cả Nhân dân, cả Tổ quốc. Đúng là nhiệt tình quá hóa mù. Hoặc giả không còn biết mình đang làm gì, đang đứng ở khúc nào trong dòng chảy xiết của lịch sử. Nguyễn Văn Linh trở về nước với nỗi lo lắng thất vọng, vội vàng tiếp tục xiết chặt đội ngũ cầm bút một thời được chính ông cởi trói, nay ông thấy càng cần phải buộc chặt hơn, có lúc phải dùng tới còng số 8. Nhiều người nói đùa, từ “Nói và làm” ngày nào đã biến thành “Nướng và luộc” chỉ sau mấy năm ngắn ngủi. Có người nói vui Nướng thật cháy và luộc thật chín. Những công việc gần cuối nhiệm kỳ và cuối đời.

Ngoài Bắc, Trần Xuân Bách, Bí thư Trung ương Đảng lên tiếng đòi đa nguyên đa đảng bị cách chức. Hơn một tháng sau, tại miền Nam, một số các nhà hoạt động xã hội như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu, Lê Đình Mạnh lần lượt bị bắt giam. Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng, Tô Hòa bị buộc rời khỏi cơ quan. Sau đó, trước lúc về hưu, Nguyễn Văn Linh còn kịp cách chức nhà báo Vũ Kim Hạnh vì đã cho đăng bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cho vợ là Tăng Tuyết Minh năm 1928. Từ cởi trói rồi trói chặt lại, nhà thơ Trần Mạnh Hảo phải kêu lên: “Văn nghệ sĩ có phải con gà, con vịt đâu mà lúc muốn cởi thì cởi, muốn trói thì trói”.

Có người còn làm ca dao:

Sáng buông chiều trói như chơi

Làm ăn kiểu đó biết đời nào nên…

Cái sai lầm lớn nhất cuối đời của ông (và cũng là của Đảng lúc ấy) là ông đã dẫn đầu một phái đoàn Việt Nam tới Hội nghị Thành Đô được người bạn láng giềng 4 tốt xếp đặt sẵn vì họ đã đoán được ruột gan của Việt Nam đang cần phải dựa vào Trung Quốc để cứu nguy Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam và sau những cuộc đi đêm (không phải qua đường ngoại giao chính thức) mà bằng những kênh khác (kênh đối ngoại của Đảng), đã đưa đầu vào tròng. Người bạn 4 tốt, 16 chữ vàng chỉ chờ thời cơ là thắt nút: Tất cả đang còn trong bí mật, người ta chỉ lơ mơ biết được một điều chẳng rõ là hư hay thực. Trong cuốn hồi ký của một lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc được truyền trên mạng. Việt Nam được quyền chọn một trong hai hoặc là một khu tự trị kiểu như nội Mông, ngoại Mông, Tây Tạng, Tân Cương hay là một tỉnh của Trung Quốc… Nếu chuyện này là thực thì đúng ông là kẻ có tội lớn với Đất nước bán rẻ Tổ quốc cho ngoại bang. Xưa người ta bán nước ít ra để vinh thân phì gia. Ông và các đồng chí của ông bán nước vì một lý tưởng hết sức vu vơ, đặt hệ thống, lý tưởng xã hội chủ nghĩa lên trên cả dân tộc, cả Tổ quốc. Cho tới lúc này ông vẫn không biết trên thế giới người ta nói gì, viết gì về chủ nghĩa xã hội.

Đất nước là của chung tất cả. Mỗi người từ người dân tới trí thức đều có phần trách nhiệm của mình, tại sao cho tới tận nay Đảng vẫn còn cố tình giấu kín. Quả là điều khó hiểu. Báo mạng tràn lan với những câu hỏi thực hư ra sao hãy công khai cho người dân biết, việc gì phải giấu như “mèo giấu…”, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, chuyện buôn bán nếu có chỉ là chuyện giữa hai đảng với nhau, còn Đất nước là của 90 triệu người dân. Không kẻ nào có quyền bán nước, bán dân cho bất cứ ai. Họ sẽ chiến đấu tới cùng như cha ông từng chiến đấu suốt mấy nghìn năm lịch sử.

Trong một loạt bài “những việc cần làm ngay” lẽ ra tác giả nên có một bài tự nói với mình và các đồng chí của mình “đây là thời cơ có một không hai, một cơ hội trời cho để đưa dân tộc, đất nước thoát khỏi vòng kim cô Xã hội Chủ nghĩa lâu nay thắt chặt đầu óc các lãnh đạo Đảng và Nhà nước”. Giả sử có bài báo trên thì tác giả chắc chắn không phải là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông không có cái tâm và cái tầm của người lãnh đạo nhìn xa trông rộng. Tiếc thay, người ta đã đánh mất cơ hội ngàn vàng… Lịch sử thường ít khi lặp lại.

Từ những sự việc trên tôi thường có suy nghĩ, nếu lãnh đạo nào cũng tự đánh giá mình, tự biết mình là ai thì đất nước chắc chắn sẽ không tụt hậu so với thế giới như ngày nay.

Chương viết thêm:

TA LÀ AI

Có nhà sư tự họa chân dung mình:

Suốt bao nhiêu năm

Ta tự ngắm ta hoài

Từ kẽ tóc chân tơ

Ngoại hình ta dẫu nhắm mắt

cũng hiển hiện không sai một nét.

Chỉ có điều ta không nhận biết

mình là ai (3)

Vài ngàn năm trước người ta đã thường tự hỏi như thế. Vài ngàn năm sau chắc con người cũng không ngừng tự hỏi như vậy. Nhưng đó là trên phương diện triết học.

Còn trong đời sống bình thường, con người lại càng cần phải tự biết mình là ai. Nhất là khi đã ngồi vô chiếc ghế quyền lực, quyết định số phận nhỏ thì một phường, một xã, vừa thì một huyện, một tỉnh, lớn hơn thì cả một ngành, một quốc gia. Nếu không tự biết mình là ai, trước hết là tự hại mình, sau là hại cho dân, cho nước.

Nếu tự biết mình là ai khi được đặt vào chiếc ghế quyền lực, có 2 điều sẽ xảy ra:

1. Ta tin sẽ làm được, hoàn thành tốt trách nhiệm dân giao phó.

2. Hoặc ngược lại, người có bản lĩnh, có tư cách, tự thấy mình kém cỏi, không xứng đáng sẽ không dám nhận liều.

Nhưng thường thì sự đời lại hoàn toàn ngược lại. Dẫu biết là mình hoàn toàn không xứng đáng về khả năng, không đủ tư cách đạo đức nhưng vẫn nhận và an nhiên ngồi vào ghế cho tới lúc xảy ra sự cố, nhẹ thì bãi chức hoặc chuyển sang một cơ quan khác, nặng thì vào tù sau khi đã làm hại biết bao sức tiền của dân. Tất nhiên trong số đó cũng có nhiều người “thoát” được, hết nhiệm kỳ hạ cánh an toàn, tiền đống để lại cho con cháu còn tiếng xấu không may nếu lộ ra để lại muôn đời.

Nếu nói về chuyện nhỏ thì có thể lấy hàng trăm, hàng ngàn ví dụ. Tỷ như cách đây mấy năm, các ông Đào Đình Bình, Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng khi nhận được các chức vụ béo bở (bằng cách này, cách khác), nếu lúc đó tự nhận biết mình là ai thì đã không xảy ra những chuyện đau lòng cho bản thân, gia đình và mất mát hàng trăm, hàng nghìn tỷ cho xã hội. Nếu nói tới những chuyện lớn thì khi nhận những chức vụ quan hệ tới an nguy đất nước: Tổng Bí thư Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và các chức danh quan trọng khác, v.v. như các vị Nông Đức Mạnh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh và bao vị khác nữa thì đã không xảy ra những chuyện mất đất, mất đảo, đưa đất nước tới chỗ bần cùng, tụt hậu so với thế giới.

Còn có một khía cạnh không kém phần quan trọng là người tiến cử, cơ quan tiến cử. Xưa có lệ hễ ai tiến cử được người hiền tài thì vua có trọng thưởng. Những năm trước kia có những chuyện tiến cử người hết sức tùy tiện như các trường hợp Nguyễn Mạnh Tiến (đã mấy lần bị can phạm), Bùi Tiến Dũng và rất nhiều nhân vật “đáng nể” khác… gần đây nổi cộm với các nhân vật Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và hàng chục vị khác “xuất thân” từ “lò nướng” Dầu khí Việt Nam.

Nhân đây cũng nên nhắc lại chuyện này một chút. Từ ngày Đảng Cộng sản lãnh đạo, có tục lệ là Đảng cử dân bầu (mà Đảng cứ tự phong ngàn lần dân chủ hơn các nước tư bản), và trước khi đi bầu còn có đợt học tập trong dân chúng nên để tên ai, xóa tên ai. Vậy hóa ra Đảng mù, mấy chục năm qua “chọn nhầm” quá nhiều người xấu gây ra biết bao tai hại cho kinh tế và an nguy đất nước. Trách nhiệm này ai chịu. Chắc chắn không phải là nhân dân. Ngoài việc Đảng cử còn có một số chạy chọt mua bằng, mua chức với giá ít từ vài trăm triệu, hàng trăm triệu cho tới vài chục tỷ. Người mua không sợ lỗ, khi đã yên vị trên ghế rồi sẽ có cách kiếm bù lại…(4) Đó là chưa nói tới chuyện “con ông cháu cha”, hầu như tỉnh nào, huyện nào cũng có. Lại thêm “chữ ký hoàng hôn” vô tội vạ, kiếm thêm hàng chục tỷ trước lúc nghỉ hưu.

Trở lại chuyện cũ thời Lý. Tô Hiến Thành trước lúc lâm chung, vua mới có 8 tuổi. Thái hậu hỏi Tô Hiến Thành:

– Nếu ông có mệnh hệ nào thì ai thay thế cho ông được?

Tô Hiến Thành thưa:

– Người mà bình nhật thân thiết chỉ có Trung Tá mà thôi.

Thái Hậu nói:

– Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang bên giường, không thấy ông nói tới là làm sao?

Tô Hiến Thành đáp:

– Bệ hạ hỏi ai có thể thay thế nên thần nói đến Trung Tá. Còn nếu bệ hạ hỏi người hầu hạ phụng dưỡng thì phi Tán Đường ra không còn ai nữa.

Thế mới biết Tô Hiến Thành là bậc trung thành và hết sức vô tư trong việc tiến cử người hiền tài lo việc nước, không hề vì ơn riêng (lời bàn của Sử thần Ngô Sĩ Liên).

Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì bàn rằng: sau Gia Cát Vũ Hầu (tức Khổng minh Gia Cát Lượng) chỉ có người này thôi.

Ôi, chuyện xưa, người xưa nghĩ lại mà kinh. Còn hiện nay, giữa những năm tháng nóng bỏng này có còn được ai như thế nữa không khi tiến cử người thay thế mình.

Nhân nhắc lại chuyện xưa cũng nên nhắc lại chuyện nay một chút. Nếu cái ung nhọt PMU18 không vỡ ra (mà tình cờ chỉ là nhờ mấy con chuột nhắt bóng đá như báo chí nói mà vỡ lở ra) thì không biết vụ bầu cử vào Trung ương khóa 10 biết đâu Đào Đình Bình sẽ vào Bộ Chính trị, Nguyễn Mạnh Tiến sẽ thay thế ngồi vô ghế Bộ trưởng Giao thông vận tải và tất nhiên Thứ trưởng sẽ là nhân vật tầm cỡ Bùi Tiến Dũng. Điều đó có thể xảy ra lắm chứ. Tại sao không? Ôi, cứ nghĩ đến mà kinh…

Chương viết thêm:

LỜI “HAY” Ý “ĐẸP” TƯỞNG NÊN KHẮC BIA ĐÁ ĐỂ ĐỜI

Do ngồi nhầm ghế, ngồi vào chỗ không phải của mình nên mới sinh ra những phát ngôn bừa bãi, tùy tiện, lâu nay trở thành chuyện đàm tiếu trong nhân dân. Xin ghi lại một số câu nổi tiếng trong hàng trăm, hàng ngàn “danh ngôn” khác.

Việc từ chức ở ta khó hơn các nước phát triển. Chính quyền nhiều khi còn được coi là nhiệm vụ chính trị được Đảng giao. Từ chức nghĩa là từ chối nhiệm vụ được giao.

Phó chủ nhiệm VP QH Nguyễn Sĩ Dũng

Vì thế, văn hóa từ chức ở ta lâu nay hiếm khi xảy ra, hóa ra là vậy. Một lý do không thể bàn cãi.

Việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, cắt cáp cũng là cách

“YÊU CHO ROI CHO VỌT”

Nguyễn Duy Chiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới

Với vị này có người có ý kiến trước khi đưa đi Châu Quỳ nên bắt nằm xuống cho trăm roi theo phép xưa. Đấy là còn nhẹ. Vừa hèn vừa ngu và miễn nhiệm ngay chức Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới.

“Muốn quy hoạch báo chí Việt Nam, tốt hơn không có báo chí tư nhân, không để tư nhân núp bóng”.

Ông Nguyễn Bắc Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Đảng ta đã chọn đúng người, đúng việc. Tiếc bàn tay ông ta không thể nối dài để ngăn chặn những kẻ lợi dụng Internet tuyên truyền nói xấu Đảng.

“Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như bất khả xâm phạm rồi”.

“Ta như thế này thì bà con thấy ta ăn thua với họ không? Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không?”.

Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH

Nói thế thì thật không còn gì để bàn nữa. Lời nói xuất phát từ miệng của một vị “tướng”. Cái lỗi không phải ở vị này, lỗi ở cơ quan phong quân hàm không đúng người.

Nếu các vị tiền bối của ta cũng nghĩ như thế thì tới ngày nay không còn Việt Nam trên bản đồ thế giới nữa.

“Phát gạo cứu đói là lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Chủ tịch DƯƠNG NỘI – HÀ NỘI

Vị này nên cho đi học ăn học nói hoặc về nhà đuổi gà cho vợ.

“Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề xây tượng như thế là đắt hay rẻ. Trước khi phán xét, cần phải nhìn tổng thể giá trị văn hóa. Tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển. Không thể nói rằng vì nhiều người còn đói nên để tiền mua cơm trước. Đôi khi văn hóa phải đi trước”.

Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị VN – TS Đào Ngọc Nghiêm

Câu nói có vẻ có lý luận. Nhưng chỉ nói được câu đó khi cái bụng anh no, cái túi anh không rỗng. Còn cái đầu toàn… bã đậu và… vô lương tâm. Câu cuối có thể suy ra như sau. Văn hóa đi trước cái bụng đói của người dân lếch thếch theo sau. Ôi, suy nghĩ của quan chức thời nay. Còn nói “tượng đài là động lực để tạo nên phát triển”. Nếu đúng thế thì nước ta không ở hạng áp chót “nước đáng sống” như Liên hợp quốc đánh giá.

“Anh là người dân. Tôi sẽ không giải trình với các anh nội dung đó. Anh không có quyền yêu cầu tôi trả lời và tôi không có trách nhiệm trả lời. Anh lấy điều nào của luật mà đòi hỏi cơ quan Nhà nước phải trả lời anh?”.

Phạm Chí Công – Phó Chánh Văn phòng UBND Tp. Hà Nội

Đầy tớ mà dám ăn nói kiểu đó với ông chủ à, tội đó bắt nằm xuống cho 100 trượng chừa thói hỗn láo mất dạy. Vậy mấy cái từ bảo bối “vì dân”, “do dân”… ông để quên trong túi quần vợ rồi à?

“Sài Gòn không có ùn tắc giao thông! Ùn tắc là xe phải đứng yên trong 30 phút. Còn Sài Gòn vẫn di chuyển nhúc nhích được không gọi là ùn tắc”.

Giám đốc Sở Giao thông Bùi Xuân Cường

Vậy thì gọi là gì hả cha nội. Chuyện trước lúc ra làm quan hãy học ăn học nói. Xin lỗi, chỉ cần học nói, chứ “ăn” thì các quan đã học ăn từ lúc còn trong bụng mẹ. Còn lúc ngồi trên ghế quyền lực rồi thì ăn không biết no. Ăn lấy được, ăn không thiếu một thứ gì.

Biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam là phải đúng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ

Vị này nghe đâu nói tiếng Anh như gió. Nhưng khi nói tiếng mẹ đẻ người nghe cần phải tìm người phiên dịch giỏi diễn giải vì không biết ông ta định nói gì. Hoặc có thể ông ta cũng không biết mình đang nói gì, không biết mình đang đứng ở thời điểm nào để phát ngôn… Nghe đâu có lần ông ta nói: “Khi các em hát Quốc ca phải dạy các em rưng rưng nước mắt”. Hát Quốc ca mà phải khóc, vậy khi nước nhà có thể mất vào tay giặc phương Bắc chẳng biết ông ta sẽ thế nào? Có người nghĩ có thể ông này nghĩ một đằng nói một nẻo. Tất cả chỉ vì cái ghế ngồi. Thương thay!

“Ở huyện có 8 đến 9 người có quan hệ họ hàng với nhau, tôi cho rằng có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên…”.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nói về vụ Cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức

Quá đúng. Trong thiên nhiên có những ngẫu nhiên như được bàn tay nào đó sắp đặt trước. Nhưng không phải bàn tay của Tạo hóa mà của các vị đương chức, đương quyền. Chuyện thường ngày ở huyện.

“Dự án chục tỷ sai phạm một tỷ là tốt rồi”.

Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên

Nên đi học toán sơ cấp rồi mới ra làm quan ông ạ. Thử tính cứ 10 tỷ mất 1 tỷ, 100 tỷ mất 10 tỷ. 1000 tỷ mất 100 tỷ. Một là ông không hình dung một tỷ là bao nhiêu, hoặc coi đồng tiền của Dân như cỏ rác. Cách tốt nhất là nên từ chức Chánh Thanh tra càng sớm càng tốt cho dân nhờ.

“Chưa có tượng đài (Hồ Chí Minh) là thiệt thòi cho chúng tôi”.

Ông Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

Câu nói vừa lâm ly vừa thật thà. Dẫu là gỗ đá cũng phải mềm ra. Không xây tượng đài thì chúng tôi ăn gì?

Còn nhiều, rất nhiều câu nói hay hơn, lạ hơn. Có người đang có ý định biên soạn sách gối đầu giường cho con cháu mai sau đọc, sẽ hiểu cha chú chúng là ai, xưa kia từng làm gì cho Nhân dân, cho Đất nước!

V.B.


(1) Các trận đàn áp của Liên Xô với các nước Đông Âu kể từ thời Xitalin.

(2) Lời của ông Linh nói về Gorbachev.

(3) Thơ viết dưới giàn lan (Văn Biển).

(4) Vì có chuyện Đảng cử dân bầu nên mới có những câu phát ngôn để đời. (Xin xem chương viết thêm ở trang sau).

Comments are closed.