Văn Hải ngoại sau 1975 (215): Mùa biển động (kỳ 16)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"

MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2: BÃO NỔI

Chương 30

Suốt một tuần lễ Đà nẵng sống trong trạng thái căng thẳng nhì nhằng, thì Huế cũng ở trong tâm trạng mập mờ lạ lùng.

Những người nhận định tình hình đơn giản như Ngô, chiếm đa số. Đa số này lại chia làm nhiều dạng. Ngô vững tin ở sức mạnh của lẽ phải, sức mạnh của quần chúng, nên nghĩ rất đơn giản rằng thế nào tướng Kỳ cũng phải rút quân về lần nữa. Ngô nghĩ cuộc đấu trí giữa một bên là một nhóm tướng lãnh khao khát quyền lực với một bên là phong trào tranh đấu Miền Trung, nếu chỉ xét về số lượng và ý chí tranh đấu, rõ ràng ưu thế không ở về phía Sài gòn.

Ngô cho rằng lịch sử nhân loại từ xưa tới nay chứng tỏ ý nguyện của quần chúng mạnh hơn cả vũ khí. Huống chi đâu phải phong trào tranh đấu không có vũ khí trong tay! Đừng nói vài nghìn Thủy quân Lục chiến được chở bằng máy bay từ Sài gòn ra Ðà nẵng. Ðến hàng vạn quân tinh nhuệ cũng không làm nên cơm cháo gì, nếu việc làm đó trái với lòng dân. Suy nghĩ như thế nên số người lạc quan như Ngô tham gia vào các cuộc chuẩn bị phòng thủ thành phố Huế một cách hồn nhiên khơi khơi, như tham dụ vào trò chơi lớn trong một trại họp bạn. Chưa kể nhiều thanh thiếu niên mới lớn lần đầu tiên được cầm tới khẩu súng. Họ cảm thấy mình lớn hẳn lên. Cảm thấy ngây say khi nghĩ rằng khẩu súng nặng nề này giúp họ có một thứ quyền năng kỳ diệu hoặc một thứ thế giá bất ngờ. Cậu học trò lâu nay ở nhà bị cha mẹ hay anh chị lớn gắt gỏng la mắng, đến trường bị thầy cô xem như những em bé dại dột quờ quạng, bây giờ trở thành người chiến sĩ cho Quê hương, cho Đạo pháp. Hơn thế nữa, họ có thể quyết định sự sống cái chết cho người khác. Kinh nghiệm đầu đời khác thường này khiến lớp tuổi trẻ của Huế hăng hái ghi tên vào đoàn thanh niên quyết tử. Chết hay sống đối với họ vẫn còn hết sức mơ hồ. Cuộc sống vô vị đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy theo thời khóa biểu ở nhà trường, họ đã quá quen thuộc. Không có gì hấp dẫn. May ra họ có thể tìm thấy thi vị của cuộc đời qua những nguy hiểm sắp tới. Cái chết trở nên quyến rũ huyền diệu!

Một hạng người lạc quan khác lớn tuổi hơn, bận bịu việc mưu sinh và trách nhiệm vợ con đeo đẳng. Họ cố lạc quan vì nếu có đối đầu đẫm máu giữa quân ông Kỳ và phe tranh đấu, họ sẽ ở vào thế kẹt. Họ đã tham dự quá sâu vào các trò chơi tranh đấu. Vì không muốn khác người. Hoặc vì thực sự có cảm tình với những bè bạn, thân nhân, hàng xóm láng giềng. Không cần đi sâu vào tranh luận khách quan để xem ai phải ai trái, chỉ cần nhìn quanh mà so sánh, họ đã thấy gần gũi thiện cảm với ai hơn: nhà sư từng đến nhà họ tụng kinh Tiếp dẫn cho một người mẹ sắp lâm chung, thầy giáo của đứa con trai út trong gia đình, cậu sinh viên nhà nghèo vẫn thường đến kèm con gái họ học thêm toán lý hóa để lấy tiền mua sách, chị bán bún bò ở chợ Đông ba… Những mẫu người đó quá gần gũi thân thuộc với cuộc sống của họ. Trong khi đó, họ cảm thấy xa lạ nếu không nói là ganh tị ác cảm với hình ảnh hai vợ chồng tướng Kỳ mặc đồ bay mang kính đen đăng trên báo. Các lãnh tụ quân nhân Sài gòn, kể cả vợ con của họ, dường như ở một thế giới khác, vui buồn theo một cách khác. Nếu họ không bị lụy vì đồng lương công chức chở từ Sài gòn ra, và nếu sự lựa chọn của họ không quá nguy hiểm, họ sẽ chọn đứng về phe những người thân thuộc.

Nhưng bây giờ tình thế quá căng thẳng, sự lựa chọn ấy nguy hại trực tiếp đến miếng cơm manh áo của gia đình. Cho nên họ thành thực mong ước mọi sự được dàn xếp tốt đẹp. Họ tìm mọi cớ để cô tin rằng trước sau tướng Kỳ sẽ cho rút quân về. Càng sưu tập những luận cứ để trấn an, họ càng thấy mình nghĩ đúng. Nào lời tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk, nào thái độ lơ lửng khó hiểu của tướng Thiệu, nào vụ “hồi chánh” của liên tiếp hai ông tướng tư lệnh vùng Một, nào những tin đồn về quá khứ của tướng Kỳ…

Đến một lúc họ cương quyết làm ngơ hoặc bác bỏ thẳng thừng những luận cứ ngược lại, lúc đó họ trở thành những người lạc quan cuồng tín. Số người thuộc loại này trong hàng ngũ quân nhân công chức không phải ít.

***

Tin tướng Kỳ đưa tay chân thân tín là đại tá Loan ra chỉ huy tấn công triệt hạ những ổ kháng cự tại các chùa ở Đà nẵng đã thực sự khiến Huế bàng hoàng.

Ðến bây giờ thì mọi sự đã rõ. Biết bao nhiêu ảo tưởng sụp đổ, từ ảo tưởng về sức mạnh của quần chúng hay Ðạo pháp, cho đến ảo tưởng về một thỏa hiệp nào đó giữa phe tranh đấu Miền Trung và chính quyền quân nhân trung ương.

Giờ phút lựa chọn quyết liệt một mất một còn đã đến!

“Kẻ thù” đã tới cửa ngõ. Và trong lúc mọi người trong căn nhà bị đe dọa phải cùng nhau tìm cách chống cự, thì họ cũng lấm lét dò xét nhau như muốn thanh toán kẻ nội tuyến trước đã. Không còn là lúc xuống đường như khơi khơi đi dạo mát bên bờ sông Hương. Luyện tập quân sự không phải là một chuyến đi săn nai. Bây giờ là lúc làm thật, và chết thật!

Thời thế mau chóng đưa những người quá khích nhiệt tín nhất lên vai trò lãnh đạo. Sự ôn tồn điềm tĩnh trở thành hèn nhát. Vui buồn giận hờn được đưa cao lên một bậc, phô trương ra ngoài nhiều hơn, theo chiều đồng phục. Thay vì có nhiều người phải tỏ ra lo âu hoặc bi quan, ngược lại ai ai cũng tỏ ra hăng hái, quyết chiến đấu đến cùng cho lý tưởng và Đạo pháp. Lần đầu tiên một số không nhỏ dân Huế biết thế nào là cuộc sống hai mặt giữa thời nhiễu nhương và giữa một thứ áp lực tinh thần vô hình.

Ai cũng trở nên khôn ngoan, biết rõ điều gì nên nói trước công chúng điều gì nên nói trong vòng thân thiết vợ con. Điều gì nên thổi phồng phóng đại ra, điều gì nên lờ đi không biết. Kẻ nói thẳng, vào những hoàn cảnh bị vây hãm nguy ngập như Huế lúc đó, rất dễ thành những nạn nhân đầu tiên lúc súng giao tranh chưa nổ.

Ông Văn biết như vậy, nên trong bữa cơm chiều khi Lãng huyên thiên kể lại những chuyện đàn áp, cướp bóc đẫm máu ở Đà nẵng (những chuyện Lãng chạy đi sưu tập khắp nơi rồi thêm mắm thêm muối như một đạo diễn loại phim cao bồi kinh dị Ý), ông chỉ lẳng lặng ngồi ăn không nói gì. Ngữ cũng vậy. Bà Văn và Quế thì chăm chú lắng nghe, nét mặt biến đổi theo câu chuyện Lãng kể.

Lâu lâu, bà Văn chép miệng:

– Cơ khổ! Ác chi mà ác dữ vậy Trời!

– Thế mới biết Trời Phật còn có mắt!

– Tội nghiệp. Của ai cũng do mồ hôi nước mắt mới có. Sao nỡ vậy!

Quế thì phụ với Lãng xác định rõ khung cảnh nơi xảy ra các vụ giao tranh hay cướp bóc, từ bàn tay búp măng thật đẹp của bà chủ hiệu kim hoàng bị cướp sạch, cho đến những gốc cây nào ở chùa Tỉnh hội có thể làm mộc che để chống lại quân tấn công.

Lãng, Quế và bà Văn sống và nghĩ dễ dàng trước thời cuộc biến chuyển. Đối với ba mẹ con, phe nào thắng cũng thế thôi. Điều quan trọng là chấm dứt tình trạng bất ổn, để việc làm ăn còn tiếp tục. Riêng Lãng có khuynh hướng thích đứng về phía vui. Không ai ép buộc hay yêu cầu, Lãng tự nhiên trở thành liên lạc viên của đoàn Thanh niên Quyết tử Huế.

Những bữa cơm gia đình ở nhà ông bà Van, từ lâu đã thiếu mặt Nam. Công việc của Nam ở đài phát thanh hoặc ở trên chùa ngày càng nhiều, nhiều hôm nàng ở đêm lại khi thì chùa Diệu đế, khi thì chùa Bảo quốc, khi thì nằm chợp mắt tạm trong phòng kỹ thuật của đài. Ban đầu Tường còn đều đặn chở Nam đi về. Đó là lúc tướng Kỳ đã cho rút quân khỏi phi trường Ðà nẵng và đang có không khí lạc quan ổn định ở Huế. Cung cách làm việc ở đài phát thanh, ở đại học, ở các công sở vẫn cần mẫn. Tuy công khai phủ nhận uy quyền của Trung ương nhưng mọi người vẫn tự xem mình là công chức của một chính quyền dân chủ nào đó sắp thành hình tại Sài gòn. Về sau, chuyện đi về của Nam thất thường, bà Văn để phần cơm cho Nam nhiều bận vô ích, nên không ai đợi Nam trong giờ cơm nữa. Mỗi lần Nam về tắm giặt và thay quần áo, bà Văn thấy con gái xơ xác và gầy hơn trước. Bà vừa thương vừa phục con. Thời thế đã đưa con gái bà, và có thể cả chàng rể tương lai của bà, ra một vùng ánh sáng vừa vinh dự vừa nguy hiểm. Bà có cảm tưởng con gái đã thuộc hẳn một thế giới khác, một thế giới bà không hiểu rõ nhưng chắc chắn là phải có gì hay ho nên mọi người mới hăng say như vậy.

***

Sau bữa cơm, ông Văn gọi riêng Ngữ vào buồng bảo:

– Con lên đài phát thanh thăm xem em nó thế nào!

Nét mặt ông bần thần, tuy cố không bộc lộ lo âu nhưng rõ ràng những chuyện “kinh khủng” xảy ra tại Đà nẵng qua lời Lãng kể đã ảnh hưởng đến ông. Ngữ hiểu cha, chỉ đáp:

– Thưa ba, vâng.

rồi lấy xe đạp ra đi.

Nam không có mặt ở đài. Bác kỹ thuật viên công chức lâu năm của đài phát thanh Huế dùng lối nói kính cẩn cho Ngữ biết là “chị trưởng đài” vừa được mời đi họp khẩn trên Viện Ðại học. Nghe Ngữ chỉ nói tới em gái bằng tiếng Nam không thôi, không kèm theo chức tước hay một chữ xưng hô nào nữa, bác công chức đoán Ngữ nếu không thuộc gia đình của Nam, thì cũng là nhân vật tranh đấu cỡ lớn. Kinh nghiệm một đời công chức dài giúp cho bác biết sống “hợp thời” một cách hết sức tự nhiên thoải mái. Thấy Ngữ có vẻ băn khoăn khi biết Nam đã đi họp, bác hỏi:

– Anh cần “chỉ thị” gì gấp không?

Ngữ ngượng đến đỏ mặt, lí nhí nói:

– Không. Tôi chỉ tìm Nam vì việc riêng. Tôi là anh của Nam.

Bác công chức phát thanh đổi giọng ngay:

– Thế à! Vậy mà tôi cứ tưởng…Cô Nam chắc cũng sắp về thôi, vì đi đã hơn một giờ. Xem nào, bây giờ là năm giờ bốn lăm phút. Cô ấy đi hồi bốn giờ rưỡi. Trước khi đi còn rán đọc thu băng bài phóng sự về tội ác quân Thiệu Kỳ tại Ðà nẵng.

Khi nói tới chỗ “tội ác quân Thiệu Kỳ”, bác công chức nhìn kỹ nét mặt Ngữ để cố tìm dấu hiệu cảm thông hay bất mãn nào đó cho dễ xếp loại ông anh chị trưởng đài. Có lẽ Ngữ không tỏ thái độ nào rõ rệt, nên bác công chức lại hỏi:

– Hồi sáng anh có nghe đài Huế không?

Ngữ thành thực đáp:

– Dạ không ạ!

– Còn đài VOA và đài BBC?

– Dạ có!

Bác công chức vồ vập hỏi:

– Anh có nghĩ là người Mỹ ủng hộ ông Kỳ tới cùng không?

Ngữ hỏi lại:

– Bác nghĩ thế nào?

Bác công chức nghiêm mặt lại, giữ thế thủ. Bác nói:

– Tôi tuy tiếng là làm ở đài phát thanh, nhưng chỉ lo ba cái máy. Vụ bài vở tin tức không biết gì cả. Nhiều lúc nghe đài này nói ngược với đài kia, hoặc nghe những đài lớn tường thuật chuyện xảy ra trước mắt mình tại đây, tôi đâm ra nghi ngờ hết. Thôi, cái gì tới thì tới, lo bảo trì ba cái máy cũ này là tròn trách nhiệm rồi.

Ngữ mỉm cười, nghĩ thầm: “Một cách lập lờ giả dại nín thở qua sông đây. Tôi chỉ là chuyên viên kỹ thuật, tôi chỉ là chuyên viên về máy móc. Tôi không biết chính trị… “ .Bác công chức thấy Ngữ cười, đâm lo, lại đổi giọng:

– Lời thầy Trí Quang gứi cho tổng thống Johnson gọn và sắc thật. Không biết ai thảo ra! Phải là dân triết mới viết được như thế.

Ngữ biết bác công chức muốn nói tới Tường. Chàng còn biết bác ta chỉ nói cho có nói, nói để lấy lòng Ngữ, chứ thực ra cái giọng đó không phải là lối suy nghĩ của Tường. Ngữ hỏi:

– Mỹ họ trả lời thế nào hở bác?

– Ông Johnson không lên tiếng. Chỉ có Dean Rusk nói đại khái theo kiểu hàng hai. Đại khái là Mỹ không thể can thiệp vào chuyện nội bộ của chính quyền Việt nam Cộng hòa. Sau đó vuốt đuôi bằng cách bảo các phe phái quốc gia nên dàn xếp các dị đồng nhỏ nhặt để còn lo hợp tác với nhau chống kẻ thù chung là cộng sản. Miệng lưỡi ngoại giao, anh hiểu. Do đó tôi lo là…

Nói tới đó, bác công chức đài phát thanh ngưng lại. Ngữ biết bác trở lại thế thủ an toàn giữa thời tên bay vạ gió. Chàng thấy không còn gì để nói nữa, chào người công chức cẩn trọng lo xa đạp xe lên Viện Ðại học. Từng nhóm Thanh niên Quyết tử mặc thường phục cầm súng đứng gác dọc theo đường Lê Lợi. Không khí không có gì khẩn trương, vì mỗi lần có bạn bè đi qua, họ gọi nhau ơi ới, rồi người quyết tử người chưa quyết tử tụm nhau từng nhóm nói đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo, ầm ĩ cả lịch sử.

***

Ngữ không thể tìm thấy Nam trong cuộc họp khẩn của đại diện sinh viên các phân khoa ở Viện Ðại học chiều hôm đó, vì một lý do đơn giản: bác công chức đài phát thanh đã nói dối. Nam vội vã rời đài với hai chị huynh trưởng gia đình Phật tử mặc đồng phục áo dài mầu xám. Bác biết chắc Nam đi họp với nhà chùa. Bác rất có cảm tình với Nam. Cho nên khi Ngữ hỏi Nam đi đâu, bác nói tránh là đi họp trên Viện Ðại học. Trước cơn tai biến không biết ập đến cho dân Huế lúc nào, bác nghĩ nhà chùa sẽ là mục tiêu đàn áp số một của quân lính Sài gòn. Tiếp đến mới tới lực lượng tranh đấu sinh viên, và nếu đại tá Loan có dư công rỗi việc mới để tâm quở trách chút chút hạng công chức nhẹ dạ như bác. Khi chưa biết Ngữ là ai, thuộc phe nào, bác nghĩ nói tránh cho Nam chừng nào đỡ chừng ấy. Chưa kể tận thâm tâm, bác vẫn ít có cảm tình với các nhà sư.

Nam được mời đi họp ở chùa sư nữ để chuẩn bị tham gia cuộc tuyệt thực trước tòa lãnh sự Mỹ tại Huế vào ngày hôm sau. Trước mặt mọi người, Nam được xem là vị hôn thê và là đồng chí của Tường. Cho nên ngoài cô Phật tử pháp danh Diệu Hạnh được sư cô trụ trì chùa này thương mến, Nam còn dự họp với tư cách là người đại diện của phong trào sinh viên tranh đấu để hai bên phối hợp hành động trước khúc quanh quan trọng của thời cuộc.

Buổi họp diễn ra bình thường như mọi buổi họp. Sau phần trình bày tình hình chung và cuộc tấn công đàn áp chùa chiền ở Ðà nẵng của chính quyền quân nhân Sài gòn (phần này do sư cô trụ trì phụ trách) là phần các ni cô phát biểu ý kiến. Một khoảng im lặng nặng nề kéo dài sau khi sư cô dứt lời, vì không có ai dám phát biểu ý kiến trước. Sư cô ngồi nghiêm trang chờ đợi, cả phòng họp cũng lặng lẽ chờ đợi một người nào đó mở lời. Người này liếc nhìn người kia. Sư cô nói thêm vài phút để không khí bớt tẻ nhạt, lời lẽ hòa ái cốt khuyến khích những kẻ nhút nhát khiêm nhường. Sư cô đặt câu hỏi về thái độ của các nữ tu Phật giáo trước cảnh Phật giáo đồ bị tàn sát, nhà chùa bị tấn công, nơi thờ phượng thiên liêng bị xâm phạm. Câu hỏi khích động thay vì thúc giục mọi người phát biểu như mong muốn của sư cô, lại càng làm cho không khí căng thẳng thêm. Lại mấy phút hoàn toàn im lặng. Rồi có tiếng xì xào khe khẽ. Tiếng xì xào lớn hơn. Cuối cùng, một cánh tay giơ lên, rụt rè. Thế là cuộc thảo luận bắt đầu.

Sư cô không quen điều khiển các cuộc họp nên không hướng dẫn được các ý kiến phát biểu, không dám cắt ngang những lời dài dòng xa đề mà cũng không biết khai triển thêm những ý kiến đúng hướng. Cho nên cuộc họp kéo dài cả tiếng đồng hồ, mà các ý kiến cứ lan man chưa đi tới đâu.

Nam phải bỏ sự dè dặt của một quan sát viên để giúp cho cuộc họp kết thúc có hiệu quả hơn. Mọi người hiện diện đều đồng ý phải tham gia vào cuộc tuyệt thực để phản đối sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc tấn công đàn áp Phật giáo Miền Trung. Sau đó cuộc họp chuyển qua bàn luận thời gian tuyệt thực, và những gì cần làm để chuẩn bị cho cuộc tuyệt thực ấy. Đây mới là phần thảo luận sôi nổi nhất. Có ni cô nhắc nên mang theo cho nhiều nước uống vì thế nào ngày mai trời cũng nắng gắt. Thế là nhiều ý kiến đối chọi nhau vì không đồng ý nên đem theo nước lọc, nước trà hay là nước chanh pha đường. Rồi chứa nước uống bằng ấm nhôm hay bằng chai, rồi ai là người rót nước đem tới cho các ni cô ngồi tuyệt thực trước tòa lãnh sự Mỹ.

Sau ba giờ bàn luận, cuộc họp chấm dứt. Sư cô trụ trì bảo Nam ở lại chơi một lúc đã, việc gì về vội. Sư cô nhắc lại cái đêm Nam lên chùa thí phát để chuộc tội cho thằng em hoang đàng. Nam vuốt vuốt mái tóc thưa của mình, nói với sư cô:

– Chả hiểu sao từ hồi đó, tóc con không được dày như trước nữa. Sư cô xem, lưa thưa ba sợi đến kỳ! Mà khuôn mặt con ốm, sư cô thấy không, mái tóc thưa lại càng khiến cho con xơ xác hơn. Tại sao thế hở sư cô?

Vị nữ tu già cười hiền, bảo:

– Diệu Hạnh quen là tóc đã cúng Phật không thể đòi lại được à? Không, cô nói đùa đấy, đừng buồn, xấu đi. Chú em tên gì đó độ này thế nào? Có hồi tâm không?

Nam suy nghĩ một lúc, rồi đáp cho qua:

– Cũng có khá hơn trước, thưa sư cô!

Một nữ tu nhỏ tuổi rón rén bước gần tới sư cô trụ trì thì thào gì đó. Sư cô hỏi:

– Đến rồi à?

– Dạ.

– Ở nhà hậu hay nhà khách?

Ni cô nhỏ tuổi sợ sệt đáp nhỏ, như sợ quở mắng:

– Dạ… dạ thưa hồi sáng sư cô dặn dẫn vào phòng riêng của sư cô để chờ.

Sư cô nói:

– À phải. Diệu Hạnh vào đây với sư cô một chút đi!

Nam theo sư cô đi vào nhà hậu, rồi rẽ về phía trái, theo một hành lang hẹp tới phòng dành cho vị sư nữ trụ trì. Của để ngỏ, bên trong đồ đạc bày biện đơn sơ gọn ghẽ: một cái giường hẹp trải chiếu trắng, cái bàn thấp sơn màu nâu với hai cái ghế dựa loại rẻ tiền bán sẵn trên thị trường, trên bàn đặt một lọ hoa cổ cao bằng thủy tinh cắm sẵn hai đóa hoa sen sắp nở, hai cuốn kinh Phật và một xâu tràng hạt.

Một ni cô khoảng hai mươi tuổi ngồi ghé trên chiếc giường gỗ để chờ sư cô. Thấy vị sư nữ trụ trì vào, ni cô vội đứng dậy, dáng lúng túng lo ngại như sợ rằng ngồi ghé lên giường sư cô như thế là vô phép. Sư cô ấn vai ni cô bảo:

– Con cứ ngồi đó đi. Chờ lâu không?

Ni cô ho khẽ một tiếng để dằn xúc động, rồi đáp nhỏ:

– Thưa sư cô, con mới tới đây thôi!

Thấy ni cô đưa mắt dò hỏi về phía Nam, sư cô cười, trỏ Nam và nói:

-Không ai xa lạ đâu. Diệu Hạnh cũng là đệ tử qui y ở chùa này, đang học sư phạm. Ngồi xuống đi, Diệu Hạnh. Được, sư cô ngồi ở đây cũng được.

Vừa nói, sư cô vừa ngồi xuống giường, đưa tay ôm lấy vai ni cô. Người nữ tu trẻ tuổi thu vai lại trong vòng tay ôm thân ái của vị sư nữ cao niên, khuôn mặt xanh xao chợt hồng lên vì xúc động. Sư cô ôm vai người nữ tu một lúc, rồi quay bảo Nam:

– Diệu Hạnh khép giùm sư cô cánh cửa.

Nam hơi ngỡ ngàng không hiểu, nhưng vẫn làm theo lời sư cô. Căn phòng tối hẳn lại. Ánh sáng từ phía cửa sổ bị khóm lá chuối ngoài vườn che bớt, chiếu hắt màu xanh xao thêm cho căn phòng.

Sư cô hỏi người nữ tu trẻ tuổi:

– Ai đưa con qua đây?

Ni cô đáp, giọng lạc đi vì xúc động:

– Con đi một mình.

– Đi bộ từ trên đó xuống đây ư?

– Dạ.

– Con điên chưa? Tại sao không nhờ ai có xe gắn máy chở đi?

– Các anh huynh trưởng bận việc cả. Vả lại. .. vả lại chuyện nhỏ như vậy mà ngại, làm sao lo được chuyện lớn.

Sư cô không nói gì, bỏ cánh tay quàng lên vai người nữ tu trẻ, ngồi xích ra một chút để quan sát kỹ nét mặt ni cô. Người nữ tu thẹn, cúi gằm mặt xuống. Nam hơi ngạc nhiên không hiểu vì sao giữa hai người có một cách cư xử thân ái khác thường như vậy. Nam biết ở các chùa sư nữ, những vị trụ trì vẫn thường giữ một khoảng xa cách nào đó với các nữ tu, thường thường khoảng cách đó rộng hơn khoảng cách ở các chùa dành cho nam phái. Sư cô đăm đăm nhìn ni cô một lúc lâu, rồi hỏi:

– Con có hối tiếc băn khoăn gì không?

Ni cô ngửng lên nhìn sư cô, cái nhìn chới với khác thường. Giọng ni cô run run:

– Sao sư cô hỏi con như vậy? Sư cô không tin con chăng?

– Không phải thế. Nhưng con biết không, không phải ai ai cũng đủ phước duyên để hy sinh cho Ðạo pháp. Sư cô sợ…

Ni cô vội cắt lời vị sư nữ trụ trì:

– Không. Con quyết tâm rồi, không có gì phải hối tiếc.

Thấy hai nữ tu đối đáp với nhau những điều mình không hiểu gì hết, Nam cảm thấy e ngại, cảm thấy mình thừa thãi, lạc loài vào một chỗ không phải của mình. Sư cô nhận ra vẻ cô độc áy náy của Nam, vội nói:

– Có việc nhờ đến Diệu Hạnh đây. Nghe nói Diệu Hạnh thông thạo Anh văn lắm phải không?

Nam khiêm nhường đáp:

– Thưa sư cô không khá lắm đâu. Hồi học tú tài con chọn ban Anh văn, lên Văn khoa một năm có học được thêm chút ít, nhưng hai năm sau chuyển qua Sư phạm, con quên hết rồi.

Sư cô cười bảo:

– Quên thế nào được. Sư cô cần Diệu Hạnh dịch một lá thư tiếng Việt ra Anh văn. Việc này dĩ nhiên có nhiều người làm được, nhưng nội dung lá thư, chỉ những người đáng tin cậy mới nên biết mà thôi.

Rồi quay sang ni cô trẻ tuổi, sư cô hỏi:

– Con có mang theo lá thư không?

Ni cô đỏ mật, cúi xuống nhìn hai bàn tay đang cuống quít nắm vào nhau của mình, giọng nói lí nhí khó nghe:

– Con… con cứ viết rồi xé mãi, viết xong đọc lại chẳng thấy gì hay ho cả. Con sợ người ta đọc, cười cho!

Sư cô nói:

– Lại sợ! Cái chính là tâm thành của mình. Đưa cho sư cô xem nào.

Ni cô dùng dằng một lúc, mỗi lần ngước lên nhìn sư cô và Nam, đôi mắt van lơn cầu khẩn như xin hai người đừng chê cười những lời thư vụng dại, tội nghiệp. Cuối cùng, ni cô cũng lấy mảnh giấy học trò gấp tư trong túi áo lam ra. Nhưng ni cô chưa dám đưa ngay cho sư cô trụ trì. Sư cô phải giục:

– Mô Phật! Đã quyết tâm cúng dường còn ngại chuyện nhỏ nhặt này.

Câu nhắc nhở ấy khiến ni cô ngồi thẳng người lại, nghiêm mặt đưa ngay mảnh giấy gấp tư cho sư cô.

Sư cô bảo Nam:

– Diệu Hạnh lấy giùm cái kính sư cô để trên bàn. Không có à? Con mở hộc bàn bên phải thử xem. Không. Ngăn trên đó.

Nam chuyển cái kính lão cho sư cô. Ánh sáng trong phòng không đủ, nên sư cô phải đến gần cửa sổ để đọc cho rõ.

Căn phòng hoàn toàn im lặng. Tiếng lá chuối ngoài vườn xào xạc mỗi khi có gió thổi. Lâu lâu, một tiếng bồ câu gù, điệu buồn và nghẹn. Xem xong, sư cô quay lại nói với ni cô:

– Viết thế này gọn và đủ lắm rồi.

Giọng ni cô vui mừng:

– Sư cô đừng đùa với con, tội nghiệp. Con không biết viết thế nào cả! Con còn muốn viết thêm vài dòng cho ba mạ, nhưng cũng không biết viết gì.

Sư cô vội nói:

– Không nên, con ạ. Ba mạ con tất hiểu lòng con, khỏi cần phải viết gì. Có viết là để cảnh tỉnh những kẻ vô minh làm hại Ðạo pháp mà thôi.

rồi quay sang phía Nam, sư cô nói:

– Việc này sư cô không cần nhắc: chắc Diệu Hạnh đã rõ là không nên tiết lộ cho bất cứ ai, kể cả những người thân yêu nhất. Con ngồi đây dịch ngay cho sư cô lá thư này. Tập giấy trắng và cây viết cô để trong hộc bàn. Cái hộc lúc nãy con vừa lấy kính đấy. Sư cô đưa “khách” đi vãn chùa một chút, sẽ trở lại ngay.

Nam khẽ dạ, đưa tay cầm lấy tờ thư. Nàng tò mò muốn đọc ngay để hiểu cái không khí khác thường đang bao quanh nàng do đâu mà có. Cánh cửa phòng khép lại. Nam hồi hộp mở tờ giấy ra đọc.

_______________________________________________

Chương 31

Lúc Nam ở chùa sư nữ ra, trời đã tối.

Sư cô nhờ một nữ Phật tử lấy Solex đưa Nam về nhà. Ra đến đường Chi lăng, đột nhiên Nam sợ phải về nhà lúc này, sợ phải nằm một mình trong phòng vì biết chắc là nội dung lá thư sẽ làm nàng thao thức không yên.

Lúc cô Phật tử sắp rẽ về phía tay trái, Nam đập nhẹ vào lưng cô ta, nói lớn cho người đằng trước nghe rõ:

– Thôi, cho chị trở lại đài phát thanh đi. Nhà em ở đâu?

Cô Phật tử mừng rỡ đáp:

– Như vậy càng tiện cho em, vì nhà em ở đường Phan Đình Phùng.

Chiếc Solex cũ không đủ sức tự mình lên dốc cầu Gia hội, nên cô Phật tử phải đạp chân lên pédale nhiều vòng phụ lực. Nam vô tình nhổm người lên khỏi yên sau, cứ yên trí làm như vậy thì xe sẽ nhẹ hơn. Lúc thấy mình vô lý, Nam mới ngồi lại như cũ, chỉ lấy chân đẩy nhẹ từng hồi xuống mặt đường. Chiếc xe lên dốc cầu, xuống dốc, xuôi qua phố Trần Hưng Đạo. Phố xá thưa thớt hơn thường lệ. Ánh sáng những ngọn néon đèn đường như xanh xao hơn. Một vài ngọn nhấp nháy khi mờ khi tỏ. Xe hốt rác trong thành phố lâu ngày không hoạt động, phố xá dơ dáy, rác rến bay giỡn trên mặt đường mỗi lần có một chiếc xe hơi chạy vụt qua hối hả. Cửa phố đóng sớm để mọi người có thì giờ bu quanh những cái radio, lắng nghe tin đài BBC lúc sáu giờ ba mươi, đài VOA lúc bảy giờ, đài Úc lúc chín giờ, đài Nhật NI-IK lúc mười giờ rưỡi tối. Khoảng thời gian chờ đợi giữa các đài ngoại quốc dành cho đài Sài gòn, đài Huế, hoặc những cuộc bàn tán sôi nổi trong gia đình.

Nam về tới đài phát thanh, thấy cả bên khu đại học lẫn bên đài đều chộn rộn khác thường. Chung quanh đài, từng nhóm Thanh niên Quyết tử cầm súng đứng gác, không cho bất cứ ai đến gần khu vực thuộc khuôn viên đài.

Từ bên trong khuôn viên đại học, ánh lửa và khói tỏa lên một vùng, Nam đoán bên đó đang tổ chức một đêm đốt lửa căm thù, đốt lửa tranh đấu.

Hai sinh viên đứng chặn ở cửa đài là hai người lạ mặt, hỏi Nam vào đài có việc gì. Nam xưng tên, nhưng cái tên đó không nói lên được điều gì khả tín. Nam bảo cứ vào hỏi bác kỹ thuật viên để biết Nam có phải là người thuộc đài phát thanh hay không. Cuộc đối đáp đang nhì nhằng thì Tường đi Vespa về. Mọi sự giải quyết nhanh chóng.

Nam theo Tường vào đài phát thanh. Nàng bực dọc hỏi:

– Sao bữa nay bày đặt canh phòng rắc rối quá vậy?

Tường không trả lời ngay vì bận lấy sức dựng chiếc xe Vespa gần bậc cấp lên xuống. Khi khóa xe xong, Tường mới cau mày bảo Nam:

– Có em rắc rối thêm. Tình hình thế này mà không cảnh giác, mất đài lúc nào không biết.

Nam thấy mình có lỗi, nhưng cố nói vớt:

– Nhưng sao toàn người lạ? Anh em làm việc trong đài đâu không tự lo việc canh gác?

Tường đáp:

– Chỉ có thành phần sinh viên chủ lực mới được ở lại đài ban đêm thôi. Bên Quyết tử cho tăng cường thêm để gác vòng ngoài. Em ăn uống gì chưa?

Nam nhớ từ trưa tới giờ chưa ăn gì, vui vẻ đề nghị:

– Chưa. Hay anh đèo em tìm cái gì ăn đã!

Tường do dự một lúc, mới đáp:

– Tìm đâu cho ra quán còn bán vào giờ này!

Nam chống chế:

– Mới tám giờ chứ mấy.

Tường nói:

– Nhưng từ lúc lộn xộn, các hàng ăn không mở cửa khuya. Cả các hàng gánh cũng vậy. Biết thế nên hồi chiều về nhà anh có lấy đi hai hộp biscuit mặn và lon bơ Bretel.

Nam thì thào hỏi:

– Thầy có bớt chút nào không?

Tường im lặng không đáp. Chàng khó chịu mỗi lần có ai nhắc tới ông Thanh Tuyến. Nam biết thế nên không hỏi gặng, nói tránh sang chuyện khác:

– Anh có còn phải đi đâu không?

Tường thoát được chuyện bối rối, đáp ngay:

-À không. Có lẽ anh ở lại đây cả đêm để tiện phối hợp với bên Viện Ðại học về việc làm ngày mai.

Nam nghĩ đến một đêm có thể sống dưới cùng một mái ngói với Tường, lòng chợt hồi hộp hân hoan. Nàng dịu dàng nói:

– Chắc trong đài anh em còn để dành một ít trứng vịt. Hình như có cả chai dầu xà lách nữa. Để em đổ chả trứng ăn với bánh biscuit mặn nhé. À, tụi em còn có cả cà phê nữa. Em nấu nước pha cả cà phê filtre cho anh.

Không chờ Tường đồng ý hay không, Nam chạy vội vào đài.

***

Ăn xong, Nam nũng nịu đòi Tường đưa mình ra ngồi hóng mát ở bờ sông. Tường ngạc nhiên, không hiểu sao tự nhiên Nam bỏ hẳn thái độ thụ động rụt rè thường ngày. Ánh mắt Nam long lanh, lối nhìn thẳng và lời nói chắc nịch vừa nài nĩ vừa ép buộc. Tường cố chối từ, bảo sắp có hẹn với anh em sinh viên bên Đại học Văn khoa lúc mười giờ. Nam bảo bây giờ mới chín giờ kém mười. Còn hơn một giờ nữa! Tường đành phải theo Nam miễn cưỡng ra ngồi ở bờ đá xây dọc theo bờ sông Hương. Nam lấy một mảnh vôi vỡ rơi ở chân bờ thành ném xuống mặt sông. Những vòng sóng xao động, bóng ngọn đèn đường phản chiếu trên mặt sông lặng loang ra, không thành những vòng tròn trịa mà lăng quăng uốn khúc như những bánh xe răng cưa. Nam cười giòn giữa đêm đen, vô cớ.

Tường nhìn Nam ngỡ ngàng, một lúc sau hỏi Nam:

– Sao đêm nay em lạ quá!

Nam cười đáp:

– Em muốn sống cho trọn một đêm bên anh.

Tường nghiêm mặt hỏi:

– Thế lâu nay em “chết” bên anh sao?

Nam cũng nghiêm mặt đáp:

– Vâng. Anh chỉ ở bên em có cái xác. Hồn anh ở những nơi khác, xa thật xa.

Tường im lặng, nhận thấy Nam nói đúng nên không thể nói gì để gỡ lại được. Rồi không cần chuyển mạch lôi thôi, Nam hỏi:

– Anh có biết lại sắp có một vụ tự thiêu không?

Tường đang lơ mơ nhìn xuống mặt sông, giật mình quay ngoắc lại hỏi:

– Có thật thế à? Sao em biết?

Nam chợt nhớ lời dặn của sư cô, vội nói tránh:

– Em nghe người ta đồn như vậy.

rồi không muốn bị Tường tra gặn thêm để rõ mình nói dối, Nam vội hỏi:

– Anh nghĩ có nên tự thiêu như hồi ông Diệm không?

Tường suy nghĩ một lúc mới trả lời:

– Kể́ ra thì cũng không cần thiết, vì bây giờ khác, lúc đó khác. Hồi đó phong trào tranh đấu không có gì cả nên cần những cái chết để đánh động lương tâm và lòng trắc ẩn của thế giới. Quả nhiên cái chết của hòa thượng Thích Quảng Đức khiến thế giới rúng động, nhất là dư luận Mỹ. Bây giờ chúng ta có quân, có dân, có cả súng. Phải nói chuyện với kẻ thù bằng súng chứ không cần phải tự thiêu nữa…

Nam không nghe được những gì Tường nói sau đó, vì nàng biết được một sự thực đau lòng: là Tường không biết gì về các dự định bên nhà chùa. Rõ ràng giữa bạn bè Tường và các thầy bên Phật giáo không còn sát cánh liên kết hành động với nhau, ít ra là đối với những quyết định quan trọng.

Tường tin lực lượng của mình có quân và có súng? Điều ấy có thực không, hay chỉ là một ảo tưởng chỉ đúng ở thời bình yên? Ý muốn ban đầu, niềm hăm hở muốn báo cho Tường biết tin một ni cô sắp tự thiêu để phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với chính quyền quân nhân Sài gòn, như biểu lộ của tình yêu và lòng tin cậy tuyệt đối, bỗng chốc không còn ở Nam nữa. Nam không muốn cho Tường thấy một điều phũ phàng. Nàng nhìn Tường thương hại, trong lúc Tường vẫn hăng say nói về sức mạnh của lòng dân, của ý chí tranh đấu. Nam nắm lấy tay Tường. Bàn tay xương xẩu lạnh cóng vì gió đêm. Nàng cảm thấy thương Tường đến xót xa, bất giác cầm bàn tay Tường đưa lên môi hôn. Vài giọt nước mắt nóng nhỏ xuống bàn tay ấy. Tường giật mình, lấy làm lạ, thảng thốt hỏi:

– Em sao thế?

Nam càng đau xót vì ý nghĩ sắp mất Tường, run run năn nỉ:

– Em muốn từ nay anh làm gì, đi đâu, cũng phải có em bên cạnh. Em muốn…

Tường cắt lời Nam:

– Em đùa à?

Nam chới với, nói trong nước mắt;

– Nếu vậy cho em được sống với anh đêm nay.

Nói xong, Nam ôm chầm lấy Tường. Nàng khóc nức nở. Tường ngỡ ngàng không hiểu sự biến đổi khác thường của Nam, nhưng thấy Nam khóc tức tưởi, chàng đoán Nam vừa trải qua một điều gì đau lòng lắm. Mái tóc Nam cọ nhẹ lên mặt Tường, đôi vai Nam run rẩy. Đôi vai hẹp và ốm dưới làn vải áo dài trắng hơi ẩm ướt vì mồ hôi và sương khuya. Lòng Tường chùng lại, và từ đó, chàng bắt đầu nhận ra thứ hương thơm thân thuộc nhưng có nhiều quyến rũ của Nam: từ mùi bồ kết hơi hăng và chua của mái tóc Nam cho đến mùi mồ hôi tỏa ra từ áo quần nàng. Gió thổi qua mặt sông đem thêm mùi tanh rong rêu, mùi lá mục, mùi bụi đường, mùi khói xe, mùi lá mùi cỏ…

Tường ôm thật chặt đôi vai Nam, áp mặt vào mái tóc Nam. Nam ngạc nhiên ngước lên, đôi mắt long lanh sáng. Tường không còn suy nghĩ gì khác, hôn tới tấp lên đôi mắt đẫm lệ ấy, lên đôi môi mở lớn vừa ngỡ ngàng vừa khao khát ấy. Lần đầu tiên họ hôn nhau thật sự, đôi môi tham lam tìm đôi môi, lưỡi tìm nguồn hút lấy vị mặn giữa đôi hàm răng, hai tay cuống quít ôm lấy thân nhau.

Nam ngộp thở trong một cái hôn dài, nghiêng mặt tránh đôi môi nóng bỏng của Tường, hổn hển thì thào:

– Có ai… có ai trông thấy chúng ta không?

Tường đưa mắt nhìn quanh, dù không thấy ai nhưng e ngại nhìn lên ngọn đèn néon bên bờ sông cách chỗ hai người ngồi độ mười thước. Chàng nuốt nước bọt, rồi đề nghị:

– Chúng mình lại chỗ bóng cây kia.

Nam không nói gì, chỉ cúi gằm mặt nhìn xuống vạt áo dài bị nhàu bẩn vì bàn tay Tường. Nàng còn chú ý thấy hai hột nút bóp ở hông bị bật tung, để lộ một khoảng da thịt trắng. Nàng đỏ mặt, nhưng không dám đưa tay gài nút lại. Tưởng đẩy Nam lại chỗ nhiều bóng tối phía sau lưng Khu Công chánh bên cạnh đài phát thanh. Nam bước đi theo Tường, chân bước bập bềnh như người say.

Tường đưa Nam đến một gốc cây rậm lá, dìu Nam đứng dựa vào thân cây rồi đặt tay lên hai vai Nam nhìn ngắm say sưa. Nam ngửng mặt lên chờ đợi. Ánh sáng lọt qua vòm lá che khuất một bên má và thân thể Nam, càng làm cho đôi mắt Nam thêm sáng. Sự di chuyển giúp Nam bình tĩnh hơn, nàng bắt đầu lo sợ vu vơ. Nhưng ngược lại, Tường càng say dại. Chàng ôm chặt lấy thân thể Nam, hôn tới tấp lên môi, lên má, rồi cúi xuống hôn lên ngực nàng. Nam co rúm người lại, ôm lấy đầu Tường không cho Tường hôn tiếp. Thêm một hột nút áo bên hông Nam bị bật tung. Tường do dự một chút, rồi đưa tay mở hết cả hàng nút còn lại.

Nam lặng người, hai chân bủn rủn phải cố dựa vào thân cây mới khỏi ngã, hai tay chới với ôm lấy đầu Tường, miệng thì thào:

– Anh… em sợ… Em sợ.

Nhưng Tường không nghe gì nữa. Chàng đưa tay ra sau lưng Nam mở khóa cái xu-chiên, rồi úp mặt lên ngực nàng , áp đôi môi tham lên hai vú nhỏ của nàng. Máu nóng rạo rực khiến Nam hoa mắt. Nàng nhắm nghiền mắt lại, để rồi lần đầu tiên trong đời, trải qua cảm giác đau buốt đến ngây ngất giữa lúc Huế cũng hồi hộp chờ đón cơn cuồng nộ của lịch sử.

Comments are closed.