Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 111 ) – Nguyễn Thị Thanh Bình – Bệnh dửng dưng

Nguyễn Thị Thanh Bình sinh tại Huế sau khi đất nước chia đôi. Học dở dang Đại học Sư phạm Sài Gòn Ban Việt Hán. Qua Mỹ 75 và học xong 4 năm ở LSU. Cộng tác với hầu hết các tạp chí văn học ở hải ngoại. Nguyên phụ tá nhà văn chủ bút Xuân Vũ của Nguyệt San Non Nước, và đã cùng Hàn Song Tường, GS Đặng Phùng Quân chủ trương tạp chí Gió Văn.

Đã xuất bản: Ở Đời Sống Này (Tập truyện, Đại Nam 1989), Giọt Lệ Xé Hai (Tiểu thuyết, Văn Khoa 1991), Cuối Đêm Dài (Tập truyện, An Tiêm 1993), Trốn Vào Giấc Mơ Em (Tập thơ, Thanh Văn 1997), Dấu Ấn (Tập truyện, Văn Mới 2004). Tác phẩm đang in: Thần Thánh Không Biết Yêu (Người Việt Books, 2018), Nhật Ký Của Những Mảnh Vỡ (Thơ, Người Việt Books), Giọt Lệ Xé Hai (Truyện dài, tái bản có hiệu đính, Người Việt Books 2018).

Góp mặt trong Tuyển Tập 23 Người Viết Sau 75 (Văn Nghệ, 1988), 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (Đại Nam, 1995), Tuyển Tập Thơ Văn Hải Ngoại (Văn Mới, 2000), Đối Thoại 13 Văn Thi Sĩ Nói Về Mình và Văn Học (do Vĩnh Phúc thực hiện, Văn Nghệ 2001), Truyện Ngắn Hải Ngoại, in chui trong nước do nhà thơ Trần Tiến Dũng phát hành 2003, Mười Khuôn Mặt Văn Chương, Bút Khảo Hồ Trường An (Tiếng Quê Hương, 2018).

clip_image002

Bệnh Dửng Dưng

Hai mắt long lanh, tôi ngước về phía người thường trực với dáng điệu cầu khẩn nhiều lần nhưng anh ta vẫn dửng dưng không màng đến. Vẫn điệu bộ chậm rãi, người đàn ông rút trong hộc bàn từng điếu thuốc gắn lên môi. Cái bật lửa “zippo” màu bạc ánh lên đốm lửa hồng, làm khuôn mặt gã bỗng trở nên đến trưởng giả phách lối.

Chờ anh ta đặt điếu thuốc xuống gạt tàn, tôi cố thu hết can đảm lại gần nói nhỏ:

– Thưa ông tôi đến đây từ sớm vẫn chưa được gọi.

Người đàn ông nhếch bộ râu oai phong, cố không thèm nhìn vào mắt tôi:

– Giời ơi, nhiều người chờ hết cả buổi có ai kêu ca gì đâu. Cô mới tới đã la lối om sòm là nghĩa lý gì chứ. Phải tập kiên nhẫn như những người kia kìa.

Tôi vẫn giữ thái độ lễ phép:

– Dạ thưa ông… ông cụ tóc bạc vừa tới sau tôi, cả cái bà gì lùn lùn kia cũng vậy nữa. Tôi tới từ sáng sớm kia mà.

– Cô muốn tranh với mấy người già cả nữa sao?

Giọng tôi trở nên khó chịu:

– Kìa, ai tới trước vào trước chứ.

Người đàn ông cúi xuống nhìn cái giỏ trái cây của ông cụ tóc trắng vừa mới tặng, đốt thêm điếu thuốc của bà nhỏ bé lúc nãy đặt lên bàn. Điếu thuốc cháy đỏ đầu môi toả ra những làn khói thơm tho nhưng làm tôi muốn cay mắt.

– Cũng còn tuỳ giấy tờ của cô có đầy đủ không nữa. Có nhiều lý do lắm.

– Hồ sơ bịnh lý của mạ tôi đã sắp xếp rất cẩn thận. Hay ông làm ơn vào hỏi cô y tá trực giùm tôi xem sao.

Người đàn ông nói như gắt:

– Cô chờ đi. Cứ ra xếp hàng ở cái ghế ngoài hành lang đó. Bác sĩ ít, bệnh nhân càng ngày càng nhiều. Cô muốn nói chuyện với bác sĩ về bệnh tình của mẹ cô thì ráng chờ. Phần vụ tôi chỉ là tên thường trực, đem giấy tờ của cô giao cho y tá. Y tá duyệt qua giao cho bác sĩ, tôi không thể hối thúc được.

Nói xong, ông ta chìa bàn tay trơ trẽn của mình ra bắt một người khác vừa mới đến. Đôi mắt gã sang lên và nụ cười tươi như hoa cúi xuống trên hai gói thuốc vừa được lễ mễ đặt xuống bàn.

– Cám ơn anh. Anh cần gặp bác sĩ phải không ạ?

– Dạ anh cứ từ từ hút thuốc chơi đã. Chao, hôm nay chắc tôi chờ không nổi đâu. Thấy người ta ngồi chật cả hành lang của phòng khám bệnh. Chỉ đến giao thiệp với anh trước cái đã.

Gã thường trực bỏ mấy gói thuốc vào hộc bàn, trả lời dịu dàng:

– Được rồi, mai anh đến sớm nhé. Mai đến không phải chờ đâu. Tôi nhớ mặt anh mà.

Đời sống và con người ở đây bây giờ như vậy sao? Tôi lặng lẽ trở về chỗ mình. Một đứa trẻ lối trên bảy tuổi, người ốm yếu vàng vọt vừa điền vào chỗ trống của tôi ngồi lúc nãy. Ừ, ngồi đi. Còn chờ mệt nghỉ cậu bé ơi! Tôi đứng tựa lưng vào tường nghĩ và nhìn vu vơ. Qua khung cửa, gió đang nhẹ nhàng vuốt ve bụi hoa nhỏ trước thềm bệnh viện. Một vài chiếc lá hàng cây bên đường cũng vừa gieo mình từ trên cao xuống rồi nằm im như chết. Tôi chạnh nghĩ đến mạ tôi và cái chết đang săn đuổi. Một ngày nào đó mạ cũng sẽ như chiếc lá, xa lìa cành cây thương yêu của chồng con. Tôi đưa tay vuốt lại mái tóc, cố che giấu nỗi lo sợ vừa dấy lên trong long mình. Mạ với nước mắt giàn giụa những ngày nằm bệnh, thu ngắn từng hình ảnh con cái vào làn mi buồn khép nhẹ.

Vẫn tiếng gã thường trực gọi người khác với nụ cười hềnh hệch:

– Nào, ông Nguyễn văn Thới… vào đi. Bận sau khỏi cần khách sáo như vậy nhé.

Tôi quay nhìn anh ta và không còn ngạc nhiên không hiểu vì sao vẫn chưa đến phiên mình.

*

Cuối cùng tôi cũng được cái hân hạnh vào gặp bác sĩ Lân. Theo một số người cho biết, bác sĩ Lân theo học ngành y tại Hà Nội và đã tốt nghiệp trở thành bác sĩ nhiều kinh nghiệm nhất. Ông ta đã từng vượt Trường Sơn, nhận công tác ở vùng sâu nước độc trên những chiến trường miền Nam. Ông nổi tiếng được bạn bè cùng ngành yêu mến và khâm phục vì đã thực thi được nhiều ca mổ xẻ nguy hiểm.

– Dạ thưa bác sĩ, tôi chờ được gặp bác sĩ thật khó.

Ông ta liếc sơ giấy tờ bệnh lý của mạ tôi, phác một cử chỉ thất vọng:

– Mẹ chị bị đau đường ruột à? Hơn nửa năm rồi cơ. Sao để mẹ chịu đựng lâu dữ vậy?

– Dạ thưa bác sĩ… số là mạ tôi bị ung thư tử cung. Bác sĩ Gái gởi vào thành phố Hồ Chí Minh chạy điện. Ở trong đó họ làm ăn thiếu cẩn thận và chuyên môn nên chạy điện tử cung lại để ăn xuyên qua đường ruột.

Bác sĩ Lân nhíu mày:

– Tôi chẳng hiểu mấy ông mấy bà bác sĩ ở đây làm ăn ra làm sao. Máy móc thì đâu có thiếu gì. Còn hơn ở ngoài Bắc chúng tôi nữa là khác.

Tôi nói vớt vát:

– Cứ coi như số mạ tôi gặp xui gặp nạn vậy. Bây giờ mọi chuyện xin nhờ bàn tay lương y từ mẫu của bác sĩ giúp cho.

Bác sĩ Lân lên tiếng thở dài:

– Theo tấm hình chạy điện mới nhất của mẹ chị thì đường ruột già bị đứt cần phải giải phẫu nối lại. Để tôi tính xem sao.

– Dạ thưa bác sĩ… sáng nay bụng mạ tôi tự nhiên phình lên. Ông y tá gần nhà bảo mạ tôi cần tới gặp bác sĩ xin cuộc hẹn phải mổ gấp. Mạ tôi rên đau quá chịu không nổi. Cả nhà phải lo chạy tiêm morphin vào mới bớt la.

Bác sĩ Lân nhăn mặt, chép miệng ra điều ân nghĩa:

– Khổ thân. Trường hợp mẹ chị phải mổ gấp nay mai. Tôi thì bận rồi. Bận lâu lắm. Những ca mổ của tôi đã sắp xếp đông nghẹt hết. Tôi cũng đã lỡ nhận lời họ. Chỗ quen biết giới thiệu qua giới thiệu lại, tôi không thể từ chối. Vả lại họ đã rất biết điều. Còn trường hợp gia đình chị thì…

Tôi chợt hiểu nhưng cố khẩn khoản:

– Nghe tiếng bác sĩ mát tay, xin bác sĩ nhận mổ giùm cho mạ tôi nhờ. Thú thiệt gia đình tôi đang lúc túng thiếu nên chỉ biết nhớ ơn bác sĩ.

Bác sĩ Lân nhìn tôi. Tôi mơ hồ thấy rằng chính ông ta cũng không biết trả lời làm sao cho ổn. Có lẽ ông ta chưa hề gặp ai dám hé miệng đòi ân huệ suông. Thật ra ông ta cũng đã quá chai lì với những mặc cả và lương tâm.

Trái tim tôi đau thắt lại:

– Thưa bác sĩ, để người khác mổ, liệu mạ tôi có sống được không?

Bác sĩ Lân quyết định:

– Thôi được, tôi sẽ giao phận sự này lại cho đồng chí bác sĩ Gái trưa mai. Cô ta còn trẻ nhưng chịu khó tham gia nhiều lớp bồi dưỡng. Ca mổ của mẹ chị chắc không khó. Thôi chị cứ yên tâm đi. Vậy là tốt số rồi. Đừng đòi hỏi gì hơn nữa.

Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, bác sĩ Lân gằn giọng:

– Chị về nhé. Nhớ không được cho mẹ chị ăn uống gì cả sau tám giờ tối nay.

*

Cơn đau xé da xé thịt của mạ tôi rồi cũng qua đi và bây giờ mạ tôi đang nằm trong phòng lạnh. Có tiếng cót két mở cánh cửa và người y tá gọi:

– Chỉ từng người một vào thăm thôi. Nhớ là bà ấy còn rất mệt và rất yếu.

Ba tôi đẩy rộng cánh cửa vào thăm trước tiên và trở ra với hai mắt đỏ hoe. Cả nhà tôi không ai dám hỏi ba tôi điều gì. Chỉ âm thầm lần lượt chờ đến phiên mình.

Sau khi ba tôi ngồi xuống, hai tay bám chặt vào thành ghế, người y tá ra dấu cho tôi vào. Nhìn khuôn mặt mạ tôi vẫn còn chìm trong mê man, tôi hiểu những giọt nước mắt yếu đuối của ba tôi. Nhìn hai gò má cao hóp hư hao của mạ, tôi hiểu vì sao mỗi ngày qua gương mặt khắc khổ của ba tôi càng hằn thêm nhiều nếp nhăn.

Giọng tôi lạc đi:

– Mạ ơi, con vào thăm mạ đây.

Người y tá đặt tay lên vai tôi:

– Thuốc mê làm mẹ cô chưa tỉnh hẳn đâu.

Tôi nắm lấy cổ tay gầy, lạnh ngắt của mạ và run giọng:

– Mạ ơi, con thương mạ quá.

Mạ tôi cố giương đôi mắt nặng như đeo đá, thều thào:

– Mạ… mệt quá… con ơi.

Tôi xúc động muốn khóc và cúi xuống hôn nhẹ lên trán mạ tôi.

Tôi đi nhanh ra ngoài hành lang. Có tiếng rục rịch bánh xe của chiếc băng ca đẩy vù qua mặt. Chưa kịp nhìn vào khuôn mặt tái nhợt của bệnh nhân, tôi chỉ đoán vậy vì nghe có tiếng xì xào của những người y tá:

– Ông anh thuộc loại máu O. Tội nghiệp cô em gầy ốm tong teo vừa tiếp máu xong lại xỉu ngay.

Cả nhà tôi lần lượt đợi chờ, lần lượt vào và lần lượt hy vọng. Nhưng niềm hy vọng ấy đã bị dập tắt ngay vỏn vẹn chỉ trong một ngày. Mạ tôi chỉ sống được một ngày sau cuộc giải phẫu bất thành và bị nhiễm trùng nặng. Lần cựa mình cố gắng mở mắt nhìn từng đứa con thân yêu là lần cuối. Đôi mắt hiền từ ấy đã lặng lờ khép lại nghìn thu. Nhưng cho đến bây giờ, những bao năm nay rồi, cả nhà tôi vẫn dở khóc dở cười. Ba tôi ân hận vì dã không chạy được tiền trà nước cho được ca mổ của vị bác sĩ nổi tiếng nhưng thiếu từ tâm.

Tôi buồn vì niềm mất mát lớn lao ấy đến mắc bệnh thẫn thờ. Nhưng căn bệnh của tôi biết đâu còn có liều thuốc thời gian chữa trị được. Còn những người với công việc tầm thường như gã thường trực, học thức như bác sĩ Lân… hình như họ đang bị xâm nhiễm nặng thứ vi trùng làm huỷ diệt những cảm xúc tình người. Họ sẵn sàng xoay mặt với những đau khổ của đồng loại và chỉ biết làm đầy bao tử mình. Rồi họ đổ lỗi cho những tệ trạng nghèo đói, mục ruỗng từ trên xuống. Con bệnh này vì thế tôi sợ sẽ hết thuốc chữa nếu càng ngày càng lan dần, lan mạnh trong xã hội tôi đang sống.

Comments are closed.