Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 65): Túy Hồng

Tên thật Nguyễn Thị Tuý Hồng, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1938 tại Chí Long, Phong Ðiền, Thừa Thiên. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 năm tại Huế.
Sang Mỹ năm 1975 được đi học Anh Văn và học lớp thư ký cấp tốc một năm.
Ðịnh cư tại Seattle Washington Hoa Kỳ từ 1975.
Tác phẩm đã xuất bản:

  • Thở dài (1963)
  • Vết Thương Dậy Thì (1967)
  • Tôi Nhìn Tôi Trên Vách (1970)
  • Những Sợi Sắc Không
  • Trong Mưa Móc Hạt Huyền (1970)
  • Bướm Khuya (1971)
  • Nhánh Tóc Sợi Dòn (1972)
  • Mối Thù Rực Rỡ
  • Eo Biển Ða Tình (1973)
  • Trong Cuối Cùng
  • Sạn Ðạo
  • Tay Che Thời Tiết
  • Mưa Thầm Trên Bông Phấn
  • Thông Ðưa Tiếng Kệ
  • Du Học Viên

    chuyện ngắn

    Xong chương trình trung cấp, Nhung đi làm một ít lâu, sau đó mới sang Pháp. Một năm sau, Nhung du học Mỹ, nhờ ông anh ruột của bà mẹ vừa mới vô quốc tịch Hoa-kỳ bảo lãnh…
    Nhung muốn làm quen một người đàn ông đàng hoàng ̣để nhờ dạy lái xe hơi…
    Một bồ cũ dạy trường Lê Hồng Phong năm nào, mời Nhung đi ăn trưa và xem tranh triển lãm của các danh họa Tây phương.
    Đêm hôm đó, Nhung nằm nghĩ đến những tuyệt phẩm hội họa, cùng những tấm áp phích thương mãi, những vũ điệu, những tấm thân xoay nhanh và những bước nhẩy nghiêng ngửa mà Nhung đã thấy trong tranh của họa sĩ Lautrec. Rồi nhìn những bức vẽ, Nhung như thấy mình đang cầm một cánh thư tình khi hô hấp hơi thở ấm của tranh khiêu vũ vào phổi. Đầu óc Nhung nhẩy nhịp với bước chân của các vũ công và vũ nữ. Thân hình họ chiếu lên tường những đường nét tuyệt diệu của điện ảnh, những màu sắc mộng ảo của hội họa và những ý tưởng thành thật của văn chương. Các nghệ sĩ khiêu vũ gõ gót giày kêu lách cách dưới sức nặng của những tấm thể xác để nói lên sự mềm mại của từng cái xương trong cơ thể. Cái yếm đào cùng cái quần lót sang trọng của các vũ nữ bày ra khi y-phục của họ lả lơi múa hát. Cái đầu thông minh của họ đội mũ gắn lông chim và quanh cổ họ, những dây đăng-ten viền dài tới bụng. Và rồi, tân nhạc pop trình diễn tiếng ca tiền-tài và vũ-điệu cuồng mê của thế kỷ 20, ông Michael Jackson! Những bức tranh tĩnh vật của Bosch và Lautrec lay động với đôi bàn chân, những bước nhẩy trơn trợt, và những cái xoay mình lắc vai khi ông Jackson lướt tới, lướt lui, khi ông Jackson lăn qua bên trái, lăn qua bên phải, gót giày quay, đùi, bụng và đôi bàn tay ông múa vũ rất đẹp rất nhanh. Lý Tiểu Long múa võ sao chậm qúa!…
    Nhung vui vẻ ngủ, và khi trời mờ sáng lại mơ thấy một bức danh họa quốc tế vẽ tên hải tặc đứng trên tàu thuỷ với một con mắt bịt lại bằng miếng vải đen.
    Trưa hôm sau, ông bác hỏi Nhung:
    “Con sẽ học môn gì?”
    “Con sẽ học Anh văn trước đã…”
    “Con e-mail vẻ nước cho mẹ con đi”.
    Ông bác giảng bài theo thói quen:
    “E-mail là điện-thư. Thời buổi này thiên hạ yêu e-mail nhiều: e-mail hữu ích hơn lá thư gửi qua đường giây thép, đáng tin hơn fax, và chính xác hơn điện thoại… thật tiện nghi nếu mình muốn tìm bạn bốn phương… ở Vietnam, mạng internet nếu dùng ít, sẽ bớt tốn kém hơn, vì ở trong nước, người chơi e-mail được tính theo phút để trả tiền, còn ở Mỹ, chúng ta phải trả bao cả tháng.”
    Nhung vừa bôi phấn xong thì Đồng đến dẫn đi. Đồng nói:
    “Ghé chợ Vietnam mua vài món rồi về nhà… Hôm qua đi xem tranh, Nhung có hiểu gì không?”
    Nhung trả lời:
    “Ngày xưa Huế, tôi là học trò của nữ họa sĩ Thanh-trí.”
    Đồng cười dễ chịu:
    “Tôi xin nghỉ phép một tuần lễ để đưa Nhung đi đây đi đó.”
    Đồng vui, dẫn Nhung đi quanh, tham quan cảnh đẹp… Đồng đã mua được nhà và vườn, đã tạo được cái nghiệp ở Mỹ.
    Ngôi nhà của Đồng có lớp da mặt bôi kem trắng. Tấm lưng và hai sườn nhà đứng thẳng trên nền móng sắt. Cửa sổ của ngôi nhà là những đôi mắt có linh hồn… Đồng cũng như hầu hết Việt kiều Mỹ, sống trong nhà to vườn rộng.
    Đồng giảng:
    “Cái nhà là một tên lưu manh láu cá dễ sợ nhất: nó ăn cướp hết tiền bạc của mình, nó ăn cắp hết thì giờ của mình, nó ăn trộm hết sức lực của mình.”
    Đồng, một Việt-kiều ốm, chứ không béo như trái dừa còn nguyên nước cốt, nhưng có đôi bàn tay xương cứng để cầm đồ nghề sửa nhà làm vườn và để khuân vác những tảng đá to nặng nhất tiểu bang đặt hai bên đoạn đường cụt vào nhà, làm cảnh.
    Nhà và vườn là bức họa do người chủ tự vẽ ra theo ý mình để làm dáng cho con đường và thành phố nơi mình cư ngụ. Dưới mái hiên, Đồng xây một bể nước thả bơi vài bông sen bông súng bông bèo và nuôi một bầy cá anh-vũ màu vàng đậm như màu củ cà-rốt đã luộc chín. Xung quanh, Đồng cấm không cho cỏ mọc, nhường chỗ cho vài thứ hoa có tên đẹp trong các truyện ngắn: Diên vỹ, Sơn lựu, Cơm nguội… Phải có miếng vườn, cái nhà mới đáng mua, vì nhà lâu năm sẽ sụm bánh chè, sụp xuống, nhưng vườn sẽ không tàn tạ với thời gian. Đồng đã sáng tác ra một một khu vườn trang điểm công phu với sắc hoa và màu trái cây… và khu vườn đó cũng là một bức tranh tĩnh vật trầm ngâm với thiền, yoga, dưỡng sinh, và khí-công tức là cách tập thở ra vào.
    Bây giờ là trọng tâm của muà xuân, mây trời gợn sóng, không khí thoảng bay mùi dị ứng của thời tiết và mùi cỏ tươi mới cắt bằng máy. Muà đông già vừa qua, một số ít cây-cành vẫn không rụng lá, lúc này đang đâm chồi mới tinh. Vài mạng lưới nhện dăng ngang những bụi tầm-ma tua gai mọc sát đất. Cây mâm-xôi và cây dâu-đen trổ trái tươi ngon như xôi gấc và xôi đậu đen. Tình quê hương len lén khi Đồng nhìn cây blue-berry: Trên những đồi sim xứ Huế, trái sim tím đậm trông giống phần nào trái blue-berry mềm ngọt.
    Không hiểu sao một bài phê bình hội-họa bảo rằng hoa lá làm cho đời sống và tâm hồn con người trong sáng, nhưng trái cây, đề tài chính của tranh tĩnh vật, vẩn đục tình dục thân xác!…
    Rứa là trái cây bị mắng oan. Người đi đạo Phật lũ lượt đem trái cây cúng chùa từ ngàn năm. Trái cây ăn bổ, nhưng vì trong trái cây có đường nên không tốt bằng rau thôi. Tổng-thống De Gaulle ăn trái cây cả trăm năm có sao đâu.
    Đồng hái một trái quýt Clementine chín vàng bóc vỏ mời Nhung đớp.
    Bỗng Nhung để ý đến bà hàng xóm trẻ của Đồng đang tiến về phiá mình… và nói:
    “Cô nên khuyên ông này đừng vác đá nữa, ông ta đã vác những tảng đá qúa to qúa nặng, nếu ông ấy khuỵ xuống thì xương sống của ông sẽ gãy mất hai đốt, cái lưng của ông sẽ ngắn lại một tấc.”
    Mặt Đồng cứng lại như hột sen sượng ngâm qua đêm và nấu ba tiếng đồng hồ vẫn không mềm, láng giềng nói tiếp:
    “Chú em của tôi làm phu khuân vác ở bến tàu thuỷ, đang vác những kiện hàng nặng thì đứt gân máu khuỵ xuống, xương sống gãy mất cái đuôi, cứu sống được, nhưng tàn phế… coi như chết.”
    Nhung ăn không hết trái quýt Clementine hoang đường kể chuyện người con gái đã chết khi đang yêu, ngợp mắt ngắm cảnh. Cá vàng bơi, lá ngô-đồng lác đác rơi, trời cao trong vời vợi.
    Khi nàng hàng xóm quay lưng về, Đồng cười:
    “Con mẹ Mễ này muốn cưới tôi làm chồng… ai tới nhà tôi, nó cũng mò sang để nói một điệu đó.”
    Nhung tiếc rằng giờ này mình mới đi Mỹ. Muộn mất rồi! Người ta đã đến đây trước, ai cũng mua nhà hết rồi. Đời đã đổi màu. Sang Mỹ, nếu phải ở nhà thuê nhà mướn thì dở qúa! Việt Kiều có câu: Sang Mỹ đi cày. Nghiã là làm việc chết bỏ. Làm vườn không phải là đi cày. Làm vùờn để mà vui, để thấy lòng nhẹ thênh. Nếu ta không mua được cái nhà với miếng vườn thì đời ta lãng nhách không muối mắm xì dầu. Khi Viêtkieu ngủ, ăn, coi tivi, hoặc lên mạng… cái nhà vẫn được đặt trên hết mọi lạc thú của cuộc đời… Tôi ngửa bàn tay ra hứng nhựa sống rỉ giọt từ đó; tôi úp bàn tay lại vuốt vào hy vọng nẩy mầm từ đó. Ngôi nhà của Đồng vừa có nét hội họa cổ điển, vừa có nét kiến trúc tân kỳ, cho Đồng nguồn vui của đạo Phật và thiền. Đạo Phật là nụ cười không sầu não, nụ cười rất to, rất khoẻ, rất dòn… Thiền không huyền bí tối ám, mà hé ra một chùm ánh sáng vui. Ánh sáng chiếu ra từ hai hàm răng trắng đều của người đàn bà đẹp nào đó khi cười… cũng là thiền.
    Đồng cầm tay Nhung rảo bước ra đường đứng nhìn vào nhà, nhìn vào số tiền vốn tiền lời đầu tư vào đó… Ngôi nhà trông ra những ngọn đồi non nối vai nhau dăng dài rồi ngẩng lên cao như cố gắng chạm vào gót chân trời để màu sắc và những nét hội họa ảo mờ trong nắng. Nắng hiệp chủng quốc trong lành như ngọc chiếu ra những tia ấm rọi sáng nhiều tấm lưng núi còn trẻ.
    Đồng cầm tay Nhung bước vào phòng sách. Có hai qủa tạ nằm trên sàn nhà.
    Nhung hỏi:
    “Anh tập tạ sao người không nở nang? Sao anh không mập tí nào?.”
    Đồng giảng:
    “Vì bây giơ, tôi thay đổi cách ăn uống… Tôi đi tu bán thời gian ở các chuà, tôi tu bụi.
    Qua ngày thứ ba, Đồng tâm sự rằng giờ đây mỗi ngày chàng ăn một nồi xúp gồm 7 thứ đậu, không còn ăn cơm nữa. Giờ đây, chàng ăn đậu như người Mễ, và nhai bánh mì như người Mỹ.
    Ngày thứ tư, sau khi đi tham quan các ngôi chuà, Đồng chở Nhung về nhà.
    Đồng lấy ra một bài báo đưa Nhung đọc:
    Bệnh viện Johns Hopkins vừa cập nhật một tài liệu mới nhất, phát giác rằng đường và đồ ăn ngọt có thể gây bệnh ung thư! Thêm vào đó, vài ba ông bà bác sĩ cũng la làng rằng trong cơm và bún có đường! Đồng nói với Nhung rằng trước mắt chàng, hạt gạo và hạt nếp đã mất uy tín rồi!… Đồng tâỷ chay cơm và xôi, Đồng hạ bệ hạt gạo và hạt nếp. Hai hạt này là hai tên phản thùng, tức là những kẻ không lấy đuã bếp đập vào thùng báo động cho Việt-Minh biết Tây đi lùng trong thời kỳ Vietnam bị Pháp thuộc… Hai hạt này là hai tên cha-chú, hai tên cà-chớn đã gây ra bệnh ung thư và bệnh đái ngọt… Tội lỗi của hai hạt sờ sờ, mê mê như chè kê trộn đậu xanh. Hai hột này không chứa khoáng chất và vitamin!… Người Vietnam ăn no hai hột nhưng chăn̉g cao chẳng mập bao nhiêu! Như vậy, mới hiểu tại sao người Mễ ăn đậu như điên. Đồng sẽ vô quốc tịch Mễ để ăn đậu đến hơi thở cuối cùng.
    Đồng nói thêm:
    “Tôi cũng không còn uống nước trà nữa. Bây giờ, tôi trồng sả, tôi nấu cây sả tươi lấy nước uống thay trà.”
    Đồng rót một ly nước sả mời Nhung:
    “Tôi tin rằng nền y-học tây phương sẽ xuống và y-học dược thảo của đông phương sẽ lên.”
    Nhung cãi:
    “Nền y học nào được người trên thế giới tin nhiều hơn, nền y học đó hay hơn.”
    Đồng mở máy vi tính, chỉ vào một bài viết ký tên Kim-Tri, bảo Nhung hãy đọc:
    Đây cũng là một bản tin từ bệnh viện Johns Hopkins:
    Chúng ta hãy ăn chuối và haỹ ăn trái chuối chín nát nhũn, đầy những chấm tàn-nhang nổi lấm tấm trên vỏ. Chuối ba-lùn, tức là chuối-dài, thứ chuối mà ngày nào người Nhật đã đớp ở Vietnam, hãy mua về, bẻ rời từng trái ra khỏi nải. Khi trái chuối không còn dính với nải, trái chuối sẽ chậm chín hơn, giữ được lâu hơn, khỏi phải mất công lái xe đi mua nhiều lần… Hãy đừng ăn ngay khi chuối mới mua về, nên đợi chờ cho tới khi chuối nổi những chấm nâu, ruột gan chuối nát tan vì tình, mềm rục nhão nhừ, chuối sẽ giúp người tránh bệnh ung thư.
    Buổi chiều thứ sáu, Nhung ở chơi lâu, ăn cơm, rửa chén bát. Trong lúc Nhung lau chùi bếp, Đồng ngồi xuống đất chắp tay vào thiền, đọc thầm bài thơ 12 câu của bác sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Khắc Viện:
    Thót bụng thở vào
    Phình bụng thở ra
    Hai vai bất động
    Chân tay thả lỏng
    Êm chậm sâu đều
    Tập trung theo dõi
    Luồng ra luồng vào
    Bình thường qua mũi
    Khi gấp qua mồm
    Đứng ngồi hay nằm
    ở đâu cũng được
    Lúc nào cũng được.
    (Nhung sưu tầm )
    Nhìn Đồng ngồi thở với thiền, lòng Nhung không cảm thấy một mảy may an vui với chánh-niệm, tâm Nhung lạc vào phiền-não bởi một câu chuyện cũ nghe mẹ kể lại đã lâu, hơn 30 năm về trước:
    Mẹ có người em họ tên Lân. Nhà Lân giàu, mỗi ngày Lân ăn 7 chén chè đậu xanh. Người Huế đa số ưa ngọt, chè bảy chén, mỗi ngày ăn 7 chén chè. Người Sàigon ăn bò bảy món, món ăn tiếng tăm của người Nam.
    Người em họ của mẹ đã rư một cậu bạn về nhà để cùng nhau luyện môn Yoga. Học Yoga tuyệt đối phải có giaó sư giảng dạy, không thầy cấm mầy học Yoga, nhưng Lân và cậu bạn đã ngoan cố mua sách tư ̣học lấy. Một đêm, đôi bạn mở trang sách, im lặng ngồi xuống, mắt chăm chăm nhìn bài giảng. Hai cậu êm nhẹ lắc đầu qua lại; mềm mại uốn cong cổ; quẹo trái, quẹo phải đôi vai vuông; phồng phổi ra thở vào; thót bụng lại thở ra; nhấp nhô bộ ngực mỏng để cố tạo một hơi thở cong cong không được thẳng. Rồi hai cậu nhổm hậu- môn lên, xịt nhẹ để xả xì hơi thối trong người ra cho sạch ruột. Rồi hai cậu đặt hậu môn xuống, xếp tréo cặp đùi lại và nhét chặt hai bàn chân vào giữa hai đầu gối. Phương pháp học Yoga là phải tự trói mình lại như vậy. Tiếp theo, hai cậu nhắm mắt ru hồn vào giấc điệp, còng lưng, quặp cổ, ngón tay trỏ ấn sâu vào thái dương điểm huyệt, ngón tay cái bò lên trán đả thông kinh mạch. Một lát sau hai tên vụt đổi kiểu ngồi, cặp mông vẫn đặt dưới đất, nhưng cặp dò thì tréo lại vắt ngang lên đôi vai. Tự trói mình như vậy suốt 5 tiếng đồng hồ, bôñg nhiên Lân cảm thấy tim teo, phổi không phì phèo thở được nữa. Hai lá phổi rũ xuống và rơi và rụng và bay vật vờ…như lá. Lân choáng váng̣, vội mở trói cho mình, đứng lên há miệng ngáp trong một cơn mệt nhừ-tử cả đời chưa từng bị bao giờ. Lân cúi nhìn bạn: đôi mắt tên này trắng dã, ngó ngược lên trời cao, da mặt cắt không ra máu, cái miệng quẹo sang một bên.
    Lân kêu:
    “Đứng dậy đi Thạch!”
    Lân cúi xuống mở tay, mở chân bạn ra, nhưng tứ chi của tên này trói cột vào nhau cứng ngắt không gỡ ra được.
    Ngay lúc đó, cha Lân tình cờ đi vào, Lân kêu:
    “Cậu ơi.”
    Ông cha cuống cuồng hét gọi bà vợ đang ngủ:
    “Mụ ơi.”
    Mẹ Lân bước vô, chụi mắt hỏi:
    “Cái chi rứa ôn?”
    Rồi bà dằn mạnh vai Thạch, keó tay gỡ chân anh chàng mãi không ra, bà tát vào mặt, đá vào đít anh ta, nhưng Thạch vẫn không đổ xuống, bà kêu:
    “Tàu hoả nhập ma rồi, thằng ni chết dại rồi, mau kêu xe chở hắn vô nhà thương.”
    Thạch chết trói tay trói chân trên đường chở tơí́ bệnh viện.
    Bí quyết của môn Yoga giản dị: Trói mình lại rồi mở mình ra; nếu ta không mở mình ra được sau khi đã trói miǹh lại, rứa là ta chết. Vậy, phải tìm thầy trước khi học môn này, nếu ta ngoan cố tự học lấy, rứa là ta tự sát, rứa là ta ra đi tìm cái chết, ta không còn sống nữa!
    Đợi Đồng yoga xong, Nhung bảo:
    Cho tôi về, bác Quang đang đợi.”

    ° ° °

    Hơn hai ngày nay, làn sóng nhiệt từ lò bát quái Bắc-phi đi qua tiểu bang. Một luồng hơi lửa ôm trùm lấy thành phố. Sức ép man rợ của cái nóng đè lên hơi thở và vắt hết nước trong cơ thể. Quang dẹp bớt một số công việc hằng ngày, điện thọai cho bà chị ruột, bảo phải xịt nước vào bốn bức tường bên ngoài thì không khí bên trong nhà mới bớt hầm.
    Quang lấy ra một tá bút bíc đưa cho Nhung:
    “Bút nguyên-tử do Laszlo Biro phát minh ra.”
    Nhung cám ơn bác, Quang tiếp:
    “Người Mỹ không xài tiền trong vấn đề ăn uống, nhưng xài Mỹ khi xử dụng tờ giấy. Ỏ̉̉ các công sở và tủ sở, họ xài giấy, họ phung phí giấy. Tờ giấy trắng, họ chỉ dùng nửa mặt, rồi vứt nó vào sọt rác. Mình lượm lên, mình dùng bút bic viết tha hồ.”
    Quang tiếp:
    ” Bác khuyên con nên học y-tá.”
    Nhung nhún vai:
    “Con nghề y-tá, con… thấy máu là con chết giấc.”
    Quang cười:
    “Người ta làm dáng nói vậy… chớ làm y tá sướng bảy mươi đời.”
    Nhung cãi:
    “Người y tá phải làm việc nhân đạo làm sao sướng được… Lúc còn ở Vietnam, con đã nuôi mộng đi Mỹ để học hay học giỏi. Con đã mơ học hội họa, khiêu vũ, Sức khoẻ, gia đình và hôn nhân, tình yêu đôi lứa… Nhưng đầu tiên, con phải học English để nói tiếng Anh thật ngầu trước đã, rồi mới học cái đẹp của nước Mỹ.”
    Ông bác trợn mắt:
    “Học khiêu vũ làm quái gì?… Mới ngày nào ông bà mình còn cấm kỵ con gái mặc áo tắm hai mảnh bước xuống nước tắm lộ thiên.”
    Quang mở ngăn kéo lấy xấp giấy đưa cho Nhung:
    “Phải học nghề, cương quyết học nghề, bám vào nghề để sống còn. Nếu ta không có việc làm, thân ta lỡ, đời ta hư…”
    Nhung bác bỏ ý kiêń đó:
    “Mỹ là một nước đẹp, một nước hay, đi Mỹ để học nhiều biết mhiều, con không thể chỉ học một nghề mà thôi.”
    Quang cáu:
    “Con Lan-Chi học y tá, chưa ra trường, các bệnh viện đã kêu đi thực tập, các cơ quan thiện nguyện đã mướn làm bán thời-gian. Tuần nào nó cũng được các bệnh nhân biếu hoa đem về nhà cắm.”
    Điện thoại chợt reo, Quang cầm lên nghe rồi xách thùng đồ nghề đựng kềm cưa dao búa ra xe. Người Mễ thuê nhà gọi đến, kêu phải đi sửa ba cái bếp điện bật không cháy, mấy ngày nay họ không được ăn món đậu hầm sườn heo. Bởi có nhà cho Mễ mướn mà Quang teo lại không nở da nở thịt được. Hai giờ sáng còn bị cao bồi Mễ kêu phone, bắt tới tắt cái vòi nước nóng trong buồng tắm khoá lại không được, chảy tràn ra ngoài ngập cả phòng ngủ! Trưa chủ nhật, bà Mễ mập điện thoại tới nhờ đẩy cái máy cắt cỏ.
    Quang trở về nhà, gọi Nhung ra nói chuyện tiếp; cô cháu từ chối:
    “Bác đừng khuyên con học y tá nữa, ý con đã quyết.”
    Quang cáu:
    “Vậy thì học bất cứ một ngành chuyên môn nào bảo đảm sẽ có việc làm khi ra trường. ở Mỹ, sao con không mở mắt mà thấy cái sướng, cái sang của người có nghề.”
    “Ở Mỹ, ai ai cũng đủ ăn đư mặc, và học bất cứ cái gì cũng kiếm ra tiền hết bác ạ.”
    Quang giảng:
    “Ở Vietnam, người có việc làm vẫn cực, nhưng ở Mỹ, một kẻ có nghề chuyên môn sẽ đủ ăn, đủ mặc, có thể để dành tiền, và sống trong tiện nghi xe hơi, nhà mua trả góp… Tiên ở trên trời chưa chắc đã sướng hơn một kẻ ở dưới đất ngay tại nước Mỹ với một nghề nắm trong tay.”
    Đứa cháu phụng mặt:
    “Bác cứ ép con làm một việc mà con không thích.”
    Quang mất kiên nhẫn, đập bàn qúat:
    “Vậy thì mi thích cái chi?”
    Đứa cháu oà khóc chạy lên phòng ngư. Một giờ sau, nó e-mail về nước cho mẹ nó:
    “Bác Quang đập bàn la mắng con, bắt con phải học y tá.”
    Người mẹ vội điện thư ngay sang Mỹ cho bà chị: “Chị ơi, bảo anh Quang đừng la mắng cháu nữa, nó sợ máu không học y tá được.”
    Nhung ở tạm nhà ông bác một thời gian rồi thu xếp đồ đạc đi qua tiểu bang Oregon ở với bà dì ruột, Quang đưa Nhung một cái túi:
    “Bác cho con một cái mền và 50 đô-la để con đi xe đò về ở nhà bác Hảo. Từ đây đến đó không xa, đi xe đò ngắm cảnh…”

    ° ° °

    Trời ứa mưa như đôi mắt người đàn bà ứa lệ. Gió thổi xấc láo qua bao hàng cây xô lá rớt xuống mặt đất. Nhung tả cảnh nhưng mắt không nhìn thấy cảnh đâu cả, Nhung chỉ ngó vào lớp băng mỏng bám vào khung cửa kính mà đoán vậy thôi, khi giam mình trong ngôi nhà thấp, muà đông mở máy sưởi không đủ ấm vì bà chư ngán trả biên lai tiền điện. Mặt trời mất tiêu, da trời xạm lại, chân trời mỏi cánh chim bay…
    Nhung bảo:
    “Lúc nào tuyết rơi, bác nói cho con biết để con ngắm.”
    Hảo nói:
    “Tuyết rơi, nếu mình ngồi trong nhà ấm có lò sưởi đang cháy và nhìn ra ngoài, thì tuyệt lắm; nhưng nếu mình có việc cần phải đi… thì xin lỗi tuyết…”
    Nhung xuýt xoa:
    “Tiểu bang Oregon đẹp qúa: Vườn hồng, vườn Nhật, và vườn Tàu.”
    Hảo giảng:
    “Vườn Hoa không nổi tiếng nhiều như vườn Nhật tại tiểu bang này… nhưng người Hoa có đủ lọai hoa mâũ đơn từ Trung Quốc.”
    Lòng Nhung reo vui qua nụ cười vô tâm-tư, mắt láy sáng, gò má bóng hồng, hai hàm răng trắng tươi, giữ gìn sạch theo lời nha sĩ khuyên bảo. Chàng nha sĩ còn nói với Nhung rằng khi ta cười, 17 thớ thịt trên mặt dãn ra; khi ta khóc, 46 bắp thịt trên mặt co lại, thôi ta hãy đừng khóc và hãy cười lên cho sỏi đá cất giữ mãi tin vui!
    Một thi sĩ nói: “Cảnh đẹp của tiểu bang một phần nào là sự sao chép từ tranh Nhật và thơ Tàu. Một cảnh đẹp dưới bầu trời văn minh Âu-Mỹ là một chỗ không có xe chạy. Một cảnh tiên giữa chốn phồn-hoa thị-thành là một nơi có rừng cây và đồi núi. Thắng cảnh ở Mỹ là sự hoà hợp giữa thiên nhiên và văn minh.”… Sách Quốc văn giáo khoa thư của chúng ta chủ quan rằng cảnh quê hương đẹp hơn cả!
    Còn Nhung thì nói với Hảo:
    ” Bố con là một người hiếu hữu. Lúc nào ông cũng vui với đám đông, tin yêu người ngoài, không làm mích lòng một người bạn nào. Khi bố con mất, bạn bè thân thương ai cũng nói: ” Anh Toàn là một người Vietnam đáng quý nhất giữa xã hội này.”
    Hảo hỏi:
    “Người ta phê bình mẹ con sao?”
    “Không ai khen mẹ con hết.”
    Hảo giảng:
    “Ông chồng của bác cũng hướng ngoại, đặt tình bằng hữu lên trên hết. Ông uống rượu uống bia say mềm nhừ, chứ không uống nước, hoặc uống sữa bao giờ; tuy nhiên, tuy nhậu nhẹt như cái hũ chìm, ông không để lộ một cơn say nào ra ngoài cho thiên hạ thấy, ông là một tay rượu cao cường… để chỉ say trong nhà mà thôi. Ra ngoài với bạn bè, ông tỉnh rượu ngay, dấu kỹ cơn say trong bụng… ai cũng quý mến.”
    Hảo tiếp theo:
    The goods die young.” Người Mỹ nói vậy. “Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”. Người Vietnam nói thế…Tuổi bốn chín và tuổi năm ba, ai chết vào giữa hai tuổi đó, người Vietnam gọi là chết hạn. Bố con và chồng bác chết hạn.
    Nhung yên lặng, Hảo nói dai:
    “Đây là một điểm tâm lý của người đàn ông Vietnam: càng phớt tỉnh với vợ, càng được người ngoài khen… Nhà cách mạng Phan Bội Châu quên vợ hoài… ít khi nghĩ tới.”
    Nhung buồn nói:
    “Bác, bác không bảo trợ đại gia đình sang đây, ai cũng chê bác.”
    Hảo kẹt, nói bậy:
    “Lỗi của bác, dù đi tu cũng không được xá tội, dù hối hận, cũng không được tha thứ.”
    Hôm nay, đôi môi Nhung bôi chút nước nhờn cho khỏi nứt, da mặt Nhung áp dụng một lớp phấn bột gạo.
    “Bác đừng bắt chước bác Quang bắt con học y-tá, họặc học một nghề chuyên môn nào đó. Con sẽ chỉ học cái gì gọi là hay, gọi là đẹp…”
    “Thì nghề y tá là hay là đẹp…”
    Nhung xuyt́ xoa:
    ” Con sẽ học dancing, sức khoẻ, thẫm mỹ, hội họa… và những môn khác nhắm vào Cái đẹp, và con cũng sẽ học môn Anh văn, sẽ học môn hôn nhân và tình yêu, giáo dục thiếu nhi, con sẽ học mọi môn chứ không phải một nghề như bác Quang bắt buộc.”
    Hảo trợn mắt:
    ” Đừng hứng lên mà học lung tung beng như vậy, phải học một ngành chuyên môn để kiếm tiền bảo lãnh mẹ con sang đây. Mẹ con bây giờ mỗi ngày gỡ tỏ̀̀ lịch đếm thời gian trôi đợi con bão lãnh sang Mỹ.”
    Bà dì của Nhung tuy không ốm đói như bác Quang, nhưng mái tóc quăn xù của bà ngày nào cũng rụng, đêm nào cũng rối; giờ đây, cả đầu tóc teo lại như cái đuôi heo!
    Nhung nói tiếp:
    “Tưởng tượng một ngày mai, du học viên thành tài về nước… và Việt kiều bên này góp tay góp tiền gửi về giúp các bệnh viện mướn lao công làm công tác vệ sinh tại các nhà thương… Các nhà thương Việtnam qúa dơ bẩn! Nếu Vietkiều có tiền gởi về nước để cho, để cúng… thì, trước mắt người Vietkieu luôn luôn có ba cái nhà: Nhà chuà, nhà thờ và nhà thương, Vietkieu cho tiền cái nhà nào trước nhất?
    Ngoài ra, Sàigon có qúa nhiều ổ rác. Khi ta vứt đồ dơ ra đường, khi ta đổ dầu mỡ và chất độc vào bồn nước rửa chén bát, những thứ đó sẽ chảy vào đất và ngấm vào dòng sông cho ta nước uống. Cát bụi trở về với cát bụi… nhà Phật đã nói vậy…”
    Trưa hôm sau, Nhung khoe:
    “Con ghi tên học dancing ở đại học Portland rồi.”
    Hảo không tán thành:
    “Thôi cũng đành, ông Michael Jackson sẽ phù hộ con.”
    Nhung tiếp:
    “Con cũng ghi tên học lớp Sức khoẻ nữa.”
    “Sức khoẻ thì cần gì phải học? Ăn, tức là học lớp sức khoẻ rồi.”
    Nhung thong thả nói:
    “Quê hương là hạt gạo. Lúc còn ở quê nhà, ngày nào con cũng ăn no ba bữa, nhưng con chỉ ăn cái đầy chứ không phải cái khoẻ vì hạt cơm tuy ngon và ngọt, nhưng không chứa khoáng chất và sinh tố. Mâm cơm Vietnam tuy đủ ba món… nhưng không có đủ chất bổ dưỡng như mâm cơm tây, nên người Vietnam không cao và không grand, nghiã là không có tướng như người Âu-Mỹ. Bộ máy tiêu-hoá của ngươì Viêtnam thường hay bị kẹt! Táo bón là căn bệnh gia truyền của người Vietnam! Người Pháp ăn ngon và ăn bổ nhất trên thế giới này. Con là một cô gái gầy, con phải học lớp Sức khoẻ mới mập ra được, con phải ăn uống như người Pháp để cao và grand. Con sẽ ăn mỗi ngày một trái táo như Tổng-thống De Gaulle. Người Pháp đã nói câu này: “Một trái táo mỗi ngày, mời ông bác-sĩ ra ngoài ngồi chơi.”
    Hảo răn dạy cháu:
    “Vietnam là một cõi trời cơm. Chúng ta ăn cơm ở hải ngoại; bà con ta ăn cơm tại quê nhà. Hạt cơm đã phù hộ toàn dân ta: người cày, người chiến sĩ, người học trò… ai ai cũng nhớ ơn đức chén cơm. Đừng phụ bạc hạt gạo và hạt nếp mà mang tội.”
    Nhung ngồi không cử động, nói:
    “Lòng con bây giờ chỉ nghĩ đến bạn bè và đời con bây giờ chỉ còn có bạn mà thôi.”
    Nhung ngồi cử động, hỏi:
    “Con mèo đâu rồi bác?”
    “Con mèo bị xuất huyết nặng, nằm dưới nhà để xe.”
    Vừa lúc này, Thuý, con gái Hảo, và Jeffrey về nhà thăm. Chào hỏi xong, Hảo đem bàn chải và thuốc tẩy trùng xuống garage lau chùi máu mèo. Một lát Hảo kêu:
    “Nhung ơi xuống đây giúp bác dọn cứt mèo.”
    Nhung bước xuống cầm chổi quét, Thuý bảo:
    “Phải đem con mèo đi thú y sĩ… con cho mẹ tiền.”
    Jeffrey bỗng kêu lên:
    “Đây là một sự đối xử bất công. Tại sao Nhung phải dọn cứt mèo còn Thuý thì được miễn? Có phải cô chanh-cốm này ăn nhờ ở đậu nên phải làm đầy-tớ lau rửa máu mèo… Có phải you nuôi du-học-viên trong nhà để bắt hốt phân mèo, rửa chén bát, làm việc nặng, và cắt cỏ? Có phải người Vietnam nuôi cháu ở trong nhà như Cộng-sản nuôi tù cải tạo? Tôi nói thật, đây là một cảnh dã man, một hành vi vô nhân đạo diễn ra dưới ańh sáng mặt trời, và trước đôi mắt của tôi: cô chanh-cốm này phải làm một việc dơ-dáy trong lúc cô chanh cốm kia thì đi lui đi tới… Thật là ác ôn! Chanh-cốm do mình đẻ ra là cục vàng, còn chanh cốm, con gái của người khác là cục đất! Chính mắt tôi chứng kiến cảnh bất công này…”
    Hảo ngứa lỗ tai qúa, bảo Nhung:
    “Thôi đi lên nhà trên đi! Người Mỹ thầm lặng đâu không thấy… thằng này cái miệng như cái lỗ loa, như cái lỗ khu gà… nói nghe điếc cả cái đít lồi…”
    Nhung dựng chổi vào góc nhà, Hảo tiếp:
    “À… mà con có hiểu chữ chanh-cốm nghiã là gì không? Tháng trước tên Jeffrey này du lịch Vietnam ba tuần lễ, không biết ai dạy cho nó chanh-cốm nghiã là cô con gái!”
    Đôi khi Hảo nghĩ thằng chàng rễ Jeffrey này lấy con gái Hảo vì thèm ăn món Vietnam; rồi Hảo vơ đuã cả nắm, nghĩ chung chung rằng đàn ông Mỹ lấy vợ Viêtnam vì thèm ăn món Vietnam: gỏi cuốn, bánh bao, chả giò, phở gà, cơm chiên…
    Nhung lên phòng khách, vào bếp rửa tay, nói chuyện vui dòn.
    Jeffrey đề nghị:
    “Tôi xin mời Nhung đi ăn điểm-tâm… Tôi không ngờ rằng Nhung phải làm vịêc qúa trớn và qúa đà trong nhà này.”
    Trong nhà này, thằng cháu nội 12 tuổi của Hảo, sinh năm 1997, làm việc qúa nhiều: Có những buổi sáng thứ bảy, thằng Coi thức dậy tự nấu cho mình một tô mì kim-chi, rồi nó quét nhà, lau nhà, đẩy máy hút bụi, máy cắt cỏ, sử dụng máy giặt máy sấy, chùi dọn buồng tắm, cầu tiêu, hốt cứt ba con mèo, dắt một con chó ra ngoài vườn iả… Bà ngọai nuôi của nó là một nữ quân nhân Hoa-kỳ, được biệt phái sang Đại-Hàn. Thời kỳ đệ nhị thế chiến, lính Mỹ sang Hàn-quốc đánh Cộng được lãnh lương gấp ba lần lính Mỹ tại đất nhà, người nữ quân nhân ấy đã nuôi một đứa con gái hai tuổi…
    Mẹ thằng Coi hiện làm việc phụ trội ở hãng bán giày-dép, thằng Coi ở nhà coi nhà, dù đang mãi chơi hoặc bận làm gì, cứ đúng 5 giờ chiều, nó vội vã vo gạo, cắm nồi cơm vào ổ điện. Mẹ nó về, lật đật làm món xào món mặn. Ngày chủ nhật, nó lau rửa xe hơi… Mẹ nó thưởng công nó hoài, Coi mặc áo mới, mang giày mới hoài hoài.
    Hảo xót ruột hỏi ông bác sĩ:
    “Thằng bé con phải làm việc qúa độ như thế có sao không?”
    Bác sĩ trả lời không sao hết, Trần-Đại Coi chỉ làm những công việc lao động chân tay rất nhẹ nhàng.
    Mỗi lần về thăm bà nội, ôm hôn Hảo xong, thằng Coi đâm lên phòng computer, bò vào góc nhà kiểm soát các sợi dây điện, các lỗ cắm điện, điều chỉnh máy scanner, cho mực vào máy printer rồi ngồi xuống trước máy vi tính, ngồi mãi ngồi hoài như sinh-viên Huế ngày xưa biểu tình ngồi chống đối chính quyền Ngô đình Diệm. Nhưng Sinh-viên Huế ngồi tuyết thực, còn thằng này thì trong tủ lạnh có gì, nó thực hết không tha. Nó dạy Hảo cách dùng máy vi tính:
    “Bà nội sử dụng Vietkey, khi bà nội gõ chữ @… phải nhấn vào ba nút này”.
    Nhung tiếp tục nói chuyện:
    “Bố con là người ai cũng mến.”
    Bạn bè của cha Nhung đã cho Nhung áo quần, máy scanner, máy hát, và tiền… để Nhung mua vé máy bay đi San Jose chơi. Ông bà Thành ở đây dạy Nhung lái xe hơi. Ngày thứ bảy, hai ông bà rước Nhung đến nhà họ ở chơi đến khuya mới trả Nhung về chỗ trọ với một túi bánh và trái cây, ô-mai, mít khô, chuối sấy Nhung sẽ dấu trong phòng ngủ, ăn lai rai…
    Nhung nói nữa:
    “Vừa mới di cư vào tới Huế, Bố con được bổ dụng dạy trường Tây ngay, hai môn sinh ngữ Anh Pháp đều đậu hạng ưu.”
    Hảo nghĩ rằng con du học viên này bẩm sinh mắc tâm bệnh Freud, nó đặt tình cảm lệch nặng về cha, chưa nghe nó nhắc đến mẹ nó.
    Nhung tiếp:
    “Con… sau này con ra trường, con đi làm việc, con sẽ bảo lãnh cả ba họ nhà mình sang Mỹ: thằng Gơ, bé Hương, thằng Hùng… con sẽ đưa sang Mỹ hết để học hành.”
    Hảo rủa thầm con nhỏ này đúng là lanh, chuyện chưa xẩy ra đã nói trước !
    Đời dễ thương, Nhung say mê học và học giỏi lắm, mẹ Nhung điện- thư sang Mỹ cám ơn Hảo đã cho Nhung ở trọ trong nhà ít năm và cho biết Nhung đã thuê được nhà và sẽ dọn ra ở riêng vào cuối tháng, sau khi tốt nghiệp với số điểm rất cao.
    Ngày Nhung dọn nhà, tuyết rơi trên thành phố, rơi trên tiểu bang rồi tuyết rơi trên tuyết… Gió hú trên đỉnh đồi, đập vào cửa kính, đá vào ống khói… làm cho ống khói đau qúa khóc to. Ngày ra riêng, Nhung để lại cho Hảo một mớ đồ: Hai đôi giày, năm bảy cái áo, môṭ số sách và một mớ giấy lộn.
    Nhung chỉ vào mớ giấy lộn và nói:
    “Cả một lô giấy, con để lại cho bác viết nháp; đây là tất cả bài tập con đã làm ở trường, một số bài giáo khoa, và rất nhiều câu hỏi trắc nghiệm gíao sư đã hỏi và sinh viên đã trả lời trung thật… Giấy chỉ in một mặt thôi, máy in ở trường chỉ in lên một mặt giấy mà thôi.”
    Giáo-sư Nguyễn Đức Bình từ Vietnam gửỉ Hảo một điện-thư: “Du-học- viên ở trọ nhà bà con, rồi dọn ra ở riêng, đó không phải vì người bà con độc ác mà vì du-học-viên có tinh thần tự lập và tự chủ qúa cao!”
    Hảo hỏi một ông bạn mới quen:
    “Anh có nuôi một người cháu ở trong nhà phải không?”
    “Có, thằng cháu là con ông anh tôi.”
    “Nó còn ở với anh không?”
    Ông bạn trẻ hơn Hảo, cười:
    ” Còn, còn chứ… làm sao nó dọn ra ở riêng được, vì nó mới sang Mỹ sáu ngày, làm sao tự lập được?”
    Hảo bỗng nghĩ rằng những ai phải nuôi cháu trong nhà, có thể là vì đã không bảo lãnḥ thân nhân ruột thịt sang Mỹ như Hảo…
    Một tháng sau, Hảo và hai đứa cháu nội đi thăm Nhung không báo trước, tình cờ đến đúng vào buổi chiều ngày sinh nhật của Nhung.
    Những thực khách được mời đến dự tiệc đợt đầu đã ra về, thức ăn còn laị ê-hề trên bàn: Cơm chiên tôm tươi kiểu Tàu, vịt quay Hồngkông, nộm sứa, gỏi gà, trái cây gọt vỏ cắt ra mấy điã, ổ bánh tuổi đặt ở tiệm làm bánh ga tô Pháp và một tô xúp yến-sào tổ bự! Thằng Coi và con Sa sà xuống như hai tên lính Tàu-Ô ngày nào sang Viêtnam ăn và trúng thực… 
    Hảo vào bếp, nhìn đôi đũa cả của Nhung dài gấp hai lần đôi đuã-cả ở nhà Hảo và hỏi:
    “Con cho hai đứa nhỏ ăn được không? Chúng nó thèm qúa…”
    Cô bạn tên Liên đang rửa chén bát vội quay lại ngăn:
    “Không được, không có quyền… đồ ăn của chúng tôi phải để dành cho hơn ba mươi người khách nữa! Họ sẽ đến vào hai đợt sau…đợt tối và đợt đầu đêm.”
    Nhung chạy tới nâng con Sa lên:
    “Không sao… không sao, đồ ăn còn nhiều… ăn đi Sa Coi ơi… ăn đi!.”
    Liên ngó Nhung:
    “Bạn bè còn kéo tới nữa mà, hai mươi cặp nữa mà…”
    Nhung múc xúp ra bát cho hai đứa, Hảo hỏi:
    “Con có mời bác ăn không?”
    “Con mời bác.”
    Ăn xong, thằng Coi xin phép Nhung xử dụng computer, con Sa chạy ra phòng khách ngồi lên bàn, cô bạn Liên bước tới quát to:
    “Ngồi xuống đất, không được thượng lên bàn.”
    Nhung lại vội vã bế con Sa đặt lên bàn và ngồi xuống bàn với con Sa.
    Giúp Nhung rửa chén bát xong, cô bạn Liên nặng chân, cứng mặt ra về.
    Đêm hôm đó, Hảo ngồi ôn lại cảnh vừa xẩy ra: mình xin ăn chứ không được mời. Mình đến thăm đột ngột không báo trước. Mình có lỗi, mình sơ xuất, không cẩn trọng trong vấn đề cư-xử! Có sao con bạn của nó mới cứng mặt với mình như vậy chứ!
    Ngày hôm sau, Hảo điện thọai cho Nhung:
    “Bác xin lỗi con! Trong ít năm qua con ở nhà bác, bác đã đối xử xấu với con, bác đã…abuse con.”
    “Không không…bác không có lỗi gì hết. Bác tốt.”
    Hảo lục mớ giấy lộn Nhung để lại cho Hảo viết nháp. Mớ giấy chỉ in chữ một bên, cất cận thận trong một góc của tủ sách nhỏ, gồm một số ít bài luận văn Nhung đã làm tại lớp học English, và một số nhiều bài tập trắc nghiệm với bài giáo khoa giảng dạy các môn tâm lý học, giáo dục thiếu nhi, hôn nhân và sex, hội họa, khiêu vũ, sức khoẻ và nhiều môn học khác… Hảo chú ý ngay đến một xấp bài tập trắc nghiệm Nhung đã làm tại lớp Hôn nhân và được điểm cao với ba câu hỏi:
    Kẻ đang đòi hỏi một hôn nhân phải làm gì? Nếu bạn sắp lập gia đình? hãy trả lời những câu hỏi sau đây. Nếu câu hỏi là thật, hãy viết chữ R vào chỗ để trắng; nếu câu hỏi không thật, hãy viết chữ U.
    __R__ Bạn đang uống thuốc ngừa thai.
    __R__ Bạn thủ-dâm một tuần lễ bốn lần.
    __U_ Bạn có một đường kinh vững chắc không trồi sụt…
    Bài tập có cả trăm câu hỏi nhưng ớn qúa không đọc hết được.
    Dễ sợ chưa! Hảo vụt nghĩ đến con gái mình, đến cô gái tên Liên, đến nhà văn nữ Wei Hui và những thị bẹp khác… Đừng ai tin con gái mình đứng đắn hơn con gái người khác! Đừng ai tin rằng những kẻ học giỏi thì không dâm. Thần dược ngừa thai của Mỹ tối tân, công hiệu như viên thuốc Aspirin của hãng Bayer ở nước Đức! Nếu con gái ta uống thuốc viên ngừa thai đều đều nhiều năm, nó có thể tuyệt đường sinh đẻ… Đừng ai tin rằng một đứa con gái học giỏi thì không bao giờ lén lút làm chuyện xấu tình dục… Người con gái, hoặc người đàn bà có thủ dâm hay không, chuyện đó không dối gian được ông bác sĩ ! Không khám bệnh, ông bác sĩ cũng biết rồi. Không nói đến luân lý Khổng Mạnh trong vấn đề này, kẻ thủ dâm chắc chắn sẽ giết hại dần mòn sức khoẻ vàng ngọc của mình! Lấy chồng, nếu có thể muốn là được, ta hãy lập gia đình ngay cho an toàn. Đừng ngâm lâu thời xuân xanh của mình trong tủ lạnh, đừng qúa tôn thờ hai chữ tự do, sức khoẻ là vàng. Một cô ả độc thân đã uống thuốc ngừa thai, rồi lại còn thủ dâm một tuần lễ bốn lần thì còn chi sức khoẻ.
    Người nữ du học viên này không lấy Mỹ, nhưng uống thuốc ngừa thai của Mỹ… Con nhỏ này có khi mô cảm thấy thương hại mẹ nó ngày đêm mơ ước được sang Mỹ với nó. Mẹ nó hăng hái đi học lớp nữ công gia chánh, tập làm bánh bao, bánh bò, bánh biá, bánh bèo… đợi chờ ngày hai mẹ con đoàn tụ. Mẹ nó muốn sẽ không để nó nuôi như một gánh nặng, mà sẽ làm bánh đem đi bỏ mối tại các chợ Viêtnam, các nhà hàng, tiệm ăn…

    ° ° °

    Sau khi đưa Nhung đi tiệm cắt tóc thề và duã móng tay nhọn, Vinh thả Nhung về nhà trọ học bài thi.
    Em đặt cao sự học, em đặt thấp tình yêu; bằng cấp sẽ phù hộ em nhiều hạnh phúc và đem em ra khỏi mọi khó khăn tài chánh. Nếu anh là người tình, chắc em bác bỏ, nhưng nếu anh là tên đầy tớ, chắc em chấp nhận. Lỡ anh mất em, chắc thời tiết Oregon sẽ lạnh lẽo hơn thời tiết Montana! Anh không nhìn ngắm lá xoài xanh lao xao trong gió, trên cây nói thầm những lời thề, lời hứa hẹn của trai gái từ cuộc đời ngày cũ sang ngày mới. Anh nhìn ngắm đám mây đẫm nước nước mắt trôi trên nóc trời cao. Không suy nghĩ, anh đưa tay gõ vào không gian và thấy: ở giữa, mây màu đen và chung quanh mây xám chì. Mây không gây thù oán, mây chỉ gây ra tình yêu, và mây viết những câu văn hay, những chuyện cổ tích, hoặc vẽ tranh. Và nếu trăng mờ vì sương, cơn mưa sẽ dựa vào mặt trời để rơi xuống đất…
    Chân trời tối ám, mây đen gieo u buồn, gieo thương nhớ không nguôi, rồi mây đen chết. Bỏ tay xuống, anh thấy mây đen để lại cho anh một chữ ký trong tay! Anh không nhìn ngắm đàn bướm vàng lượn bay trên hồ nước long lanh đây muà thu tới, anh không hoa mắt khi nắng hạ thổi bay mái tóc em thề… Anh nhớ lời giảng bài của giáo-sư dạy Viêṭ văn: Tự-lực văn đoàn là một làn sóng văn chương lãng mạn. Trong thiên truyện Đoạn Tuyệt, Dũng và Loan đã bỏ nhà ra đi theo chính nghiã lãng mạn Quốc-dân đảng! Và anh và em và toàn thể Viêtkiều ngày hôm nay cũng lãng mạn bỏ tổ quốc ra đi…
    Bỗng điện thoại reo, Vinh cầm lên nghe Nhung ca-trù một tràng dài:
    “Honey! Vì sao anh thuê cái nhà này cho em ở? Em phải ở cạnh một căn hộ có hai tên cao bồi quốc-tế không biết từ quốc gia nào đến. Anh có biết rằng tuần lễ nào ông cảnh-sát trưởng cũng bị các gia đình hàng xóm kêu đến giải quyết vấn đề do hai tên này gây ra. Chúng phát minh đủ kiểu phá rối như là: ầm ầm báo động giả có quân gian ở bãi đậu xe, chơi nhạc kích động như thiên-lôi làm sấm sét, nói tục, la hét gọi nhau, nhấn ga cho xe chạy vượt qúa tốc độ trong hẽm cụt. Chúng uống rượu say rồi rượt bắt nhau… Chúng hút cần sa ma tuý ( các nhà trong hẽm cụt ngửi thấy mùi hương ). Từ thứ hai đến thứ sáu, cha mẹ của hai tên cậu trời này đi làm từ sáng đến ba giờ khuya…
    Thứ sáu vừa qua, mọi gia đình trong hẻm cụt họp hội đồng đưa ra quyết nghị: Cuối tuần, mỗi nhà phải cử một đại diện đứng lên vạch rõ vấn đề này trước sự hiện diện của ông quận-trưởng! Hàng xóm đang bàn luận thì hai tên xuất hiện và nói to: “Cút đi! Get lost! Không ở được thì dọn nhà đi chỗ khác!”
    Vinh rướm mồ hôi trán, mệt mỏi kêu:
    “Nhung ơi… em nhớ đóng chặt tất cả các cửa và để đèn sáng ỏ̉̉̉ mặt tiền nhà. Thứ bảy này, anh sẽ chở em đi mướn một căn nhà khác…”
    Nhung hấp tấp:
    “Nhưng honey… mật ong của em, em chỉ mới ở nhà này được ba tháng, mà mình ký hợp đồng thuê sáu tháng và phải trả tiền nhà trước tháng đầu tháng cuối…”
    “Không sao… nhóc của anh… mất chút ít tiền còm nhằm nhò gì…Gia đình vừa mới gửi sang cho anh mấy nghìn đô!”
    Nhung vô tâm tư cười:
    “Em là mật ong chúa của anh, là nhóc, là nhỏ của anh, phải không?… Người đẹp Nguyễn Cao Kỳ Duyên xạo qúa trời! Ong chúa làm gì có sữa nuôi con, ong chúa chỉ có mật…”
    Vinh bỗng reo:
    “Anh có ý kiến này: Con nhỏ em họ của anh, con Lan… nó đang ở một miǹh, hay là nhóc dọn tới ở chung, share phòng với nó, như vậy, nhóc tiết kiệm được chút tiền.”
    Hai hôm sau, một anh bạn thân cho mượn chiếc xe lớn để Vinh dọn Nhung và dọn đồ đạt đến căn hộ mới ở đại lộ Hawthorne, con đường tâm mạch của đô thị Portland với những cơ sở doanh thương lớn và những cửa hàng to như Fred Meyer, Safeway, Video… Đồ ăn bày bán không thiếu món: Sushi, pizza, bánh bao ông Cả Cần, Mễ food…
    Dọn nhà xong, bạn bè kéo đến chơi liền. Tình bạn là củ khoai lang nướng, là bó sả tươi nấu lấy nước để uống thay trà, là trái chuối chín muồi lấm tấm chấm nâu.
    Nhung bỏ ra hai ngày tổng vệ sinh trong ngoài. Làm sạch phòng ngủ và buồng tắm xong, lòng lâng lâng vui, và đói bụng một cách yêu đời. Lan đi học về, reo như suối:
    “Chị lau chùi buồng tắm rồi… dọn sac̣h cái bếp nữa… cám ơn chị, ở chung với chị thích qúa.”
    Nhung bàn:
    “Chiều mai đi chợ, hai đứa mình xách về 4 túi đồ ăn, đủ cho hai tuần lễ.”
    Hai tuần lễ sau, tới phiên Lan lau buồng tắm, Lan đeo lấy bài vở ngồi học, mặc kệ chó cha cái buồng tắm.
    Nhung hút bụi phòng khách, bặm miệng lục tìm kềm búa và con vít để vặn cứng mấy cái ổ khoá, tra cán chổi để quét sân. Tuần tới, Lan vẫn không chịu làm ơn lau dọn cái buồng tắm cho nhờ tí! Rồi những ngày sau đó, khi đến phiên Lan nấu ăn, cô ả mua bánh mì thịt nguội đem về.
    Lan nói:
    “Hai tuần lễ nay, tôi tiểu… và tôi đại… ở trường; tôi ít xài cầu tiêu nhà như chị.”
    Con bà cô này bắt tui làm làm hết mọi việc trong nhà chắc. Tui đã nhịn và tui đã tha cho nó bao nhiêu chuyện, miễn cho nó bao nhiêu việc. Nó già hơn tui mấy tuổi mà nó kêu tui bằng chị! Nó không chịu kêu tui bằng em!.Nó tôn tui lên hàng tiền bối, lên bậc trưởng thượng lão thành! Tức chết đi được… Trên cõi đời này, tôi thù nhất là bị gọi bằng chị, tôi thích nhất nếu được ai gọi tôi bằng tên khai trên giấy khai sinh… Mẹ tôi kể rằng ngày xưa Huế, nữ sinh Đồng Khánh giao thân với nhau rất sòng phẳng: Nữ sinh nào lớn tuổi hơn, và học lớp trên, nếu muốn làm quen với một nữ sinh nhỏ tuổi, học lớp dưới, thì cô ả lớn đó phải gọi cô nhỏ kia là em, và xưng mình là chị… Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa sửa đổi giấy khai sinh, khai gian tuổi vì sợ nam sinh trường Quốc-học gọi là chị… Phụ huynh của các nữ-sinh sửa đổi giấy khai sinh khai gian tuổi này đôi khi điên đầu lên vì bị nhà trường kêu tới văn phòng hạch hỏi. Đàn bà ai cũng thích được gọi là nhỏ nhóc nhõng nhẽo! Khơi khơi bị gọi là chị bởi một kẻ đáng đầu chị mình thì ai mà chịu được… Được tôn lên làm em là một hạnh phúc có thật! Và bị hạ xuống làm chị là một nỗi buồn có thật! 
    Nhung kêu Lan:
    “Vậy là không chịu chùi dọn buồng tắm phải không?”
    Lan nổi sùng:
    “Ai? Ai ỉa chảy bắn cứt lên trên cái nắp đậy cầu tiêu?… Buồng tắm thối hoăng lên, bịt mũi chạy không kịp!”
    Nhung lui một bước:
    “Ai? ai ỉa xong không giựt nước?”
    Lan tiến lên một bước rưỡi:
    “Ai… ai có hai giây trứng trong bụng, nhưng một giây bị kẹt, trứng rụng thất thường, nên mỗi năm chỉ thấy tháng có hai lần mà thôi; và mỗi lần thấy, đường kinh ra lai láng, kéo dài đúng 30 ngày, phải nghỉ học nằm bất động ở nhà không dám nhúc nhích sợ băng huyết, máu rỉ giọt như máu chiến sĩ bị thương ngoài mặt trận, máu loang trong phòng vệ sinh, nhỏ xuống dơ cả cái buồng tắm, và trong cái lỗ cầu tiêu thì nước đỏ lòm như nước luộc rau dền tiá!!”
    Nhung tức qúa khóc oà:
    Con bà này vu oan giá họa, tự nhiên gán cho tui một căn bệnh độc để mấy thằng con trai không theo tán tui nữa!”.
    Lan lại oang oang:
    “Đàn bà con gái thì mỗi năm phải thấy tháng đúng 12 lần, năm nào nhuận thì…13 lần…Chị bị kẹt, âm-dương cùng kẹt: chị iả đã khó, thấy tháng lại càng khó hơn… Con gà mái mỗi ngày đẻ một cái trứng, người đàn bà thì mỗi tháng rụng một cái trứng… vậy mà cũng không làm được… Thua gà.”
    Nhung đổ xuống như một cành cây gãy trong bão táp…
    Buổi chiều, Vinh đến thăm, hoà giải:
    “Có một bản Tango, tất phải có một cặp… hai người gây ra. Hai người đều có lỗi… ta không thể chỉ nghe một bên mà thôi… Em với con Lan là bạn gái, hãy nên đối xử với nhau đẹp như bản nhạc Waltz.”
    Nhung trợn mắt:
    “Chuyện đàn bà con gái… bộ anh tưởng giản dị như một bản Rock-and-roll chắc? Anh bênh con Lan, anh thiên vị.”
    Nhung không thèm nói chuyện với Vinh những ngày sau đó.
    Hoa lilac màu tím bông cà. Hoa đừng quên em xứ Phi-châu màu hồng sẫm… Một lần yêu em, một lần anh cháy với lửa! Anh điện thoại, em không bắt máy, anh điện thư, em không trả lời; anh gửi thư tay qua sở giây thép, mong em mở phong bì ra. Anh ngu qúa, yêu em là ngu không thể tưởng tượng được. Anh mạt vận vì em, anh ngóc đầu không nổi vì em. Viết thư cho em là nhảm, nhưng nhảm mới chính là việc lớn đời anh. Anh yêu những chuyện nhảm xẩy ra bên lề cuộc tình cùng những tin vịt cuộc tình sẽ đem tới vào ngày mai…
    Vinh kéo anh bạn học ngành quản trị xí nghiệp đến giúp khiêng bàn ghế khi Nhung dọn nhà lần thứ ba, lúc luồng lửa xích đạo hà hơi vào đô thị Portland. Buổi chiều, nhiệt độ nhẩy vọt vượt con số 103. Xưa nay, người dân Đông-Á ở tiểu bang lạnh này có ai ngờ đến cái nóng bao giờ! Đùng đùng số người sắp hàng một chờ mua quạt máy tại các cửa tiệm kéo dài… Vinh đứng dưới nắng sáu tiếng đồng hồ mới vác về cho Nhung chiếc quạt máy để thổi khô mấy dòng mồ hôi rịn trên trán Nhung!
    Nhung lau mồ hôi, kêu nóng qúa. Chàng bạn mới quen cười nịnh:
    “Người đẹp đừng trách trời nóng. Nóng được ngày nào mừng ngày đó. Vài tháng nữa… một muà đông cứng lạnh sẽ ập tới, người đẹp chỉ còn biết run như con cầy nhỏ!”
    Kê đồ đạc xong, bộ ba kéo đi ăn phở. Bây giờ, người Vietnam có nhận xét chung chung rằng bánh bao và phở là hai món ăn hàng đầu của mình! Và người Vietnam ngộ được sự thật rằng mình đã để mất thì giờ vào miếng ăn nhiều nhất so với các sắc dân khác…
    Vinh hơi chàng sinh viên quản trị xí nghiệp:
    “Tân… Chất hoá học formol dành để ướp xác chết, hiện đang được dùng để ướp tươi các thức ăn khô như bún, bánh phở, bột làm bánh cuốn, bánh bèo… ăn vào có độc không?”
    “Không biết, để tôi về hỏi thử coi.”
    Nhung cười:
    “Cứ ăn phở, cứ ăn bánh bao, bánh cuốn đại đi… sợ gì… Khi nào chết, thì mình khai với viên chức ướp xác rằng mình đã tự ướp xác rồi.”
    Rồi Nhung ngó Vinh:
    “Anh có nuôi người giúp việc trong nhà, người đó cho anh ăn gì?”
    “Bà ấy cho tôi ăn món Mễ.”
    Tân chúm miệng hú lên:
    “Ui chu choa! Vậy là thiên hạ nói đúng: Du học viên là con ông cháu cha… Nhiều tên đem theo tiền để mua nhà ở Mỹ và đem theo người giúp việc nữa!!”.
    Vinh lắc đầu:
    “Chỉ năm ba trường hợp như vậy thôi… nhưng lời đồn đó có chỗ sai: làm sao đem theo người giúp việc được? ”
    Tân ngó Nhung mỉm cười trong khi Vinh giảng giải…
    Nói chung, việc xuất huyết chất xám ra hải ngoại, tức là cho thành phần trí thức xuất dương du học, vẫn tiếp diễn hơn 50 năm nay trên toàn thế giới. Tại Vietnam, du học viên xuất ngoại theo ba cách:
    _ Gia đình cho đi.
    _ Được chính phủ cấp học bỗng toàn phần.
    _ Được chính phủ cấp học bỗng bán phần và gia đình tự lo liệu ½ số tiền học phí…
    Ngoài ra, có những người lớn tuổi, đã đi làm việc và có trình độ học thức cao, cũng được chính phủ xét cấp học bỗng toàn phần hoặc bán phần để xuất dương tu nghiệp nước ngoài.
    Những học sinh, sinh viên, ở trong nước, muốn du học do tiền chính phủ cấp cho, thì sức học phải hảo hạng, đứng hàng đầu. Học bỗng toàn phần hay bán phần đều đòi hỏi điều kiện này… Những học sinh, sinh viên, ở trong nước, muốn xuất ngoại bơỉ tiền bạc của cha mẹ, thì học lực cũng phải bắt buộc từ khá lên đến giỏi. Nói chung, giàu hay nghèo, hạnh kiểm xấu hay tốt, muốn tự túc du học nước ngoài, cũng phải hội đư hai điều kiện: xuất trình với chính phủ cuốn học bạ tốt đẹp và số tiền mang theo để ăn học đủ cho hai năm, dù có bà con Việt Kiêu ở ngọai quốc bao nuôi.
    Dần dần, từ trong nước, có nhiều học sinh, sinh viên học dốt, nhưng con nhà giàu, làm học bạ giả để chui ra ngoại quốc. Một số lớn du học viên này đã bị Mỹ gửi trả về nguyên qúan. Khoảng năm 2004 và 2005, toà ań Mỹ ở tiểu bang Florida đã trục xuất 5000 Việtkiêu, đa số là du học viên bất hợp pháp, về Viêtnam theo đường thuỷ.
    Gần đây, chính quyền nhà nước đã phát hiện nhiều tổ chức làm học bạ giả. Kẻ bỏ tiền ra mua học bạ giả và người làm học bạ giả đều bị gọi ra hầu toà và bị phạt tiền nặng.
    Tân hỏi:
    “Học xong, Vinh có về nước không? Hay là… Một ra đi là không trở về. Lòng tráng sĩ…”
    Vinh bình thản trả lời:
    “Tôi về.”
    Tân hỏi tiếp:
    “Nhung có về không?”
    Nhung đáp:
    “Tôi không biết.”
    Vinh cúi mặt như chưa bao giờ nhìn Nhung một lần! Chúng ta là hai thủ phạm đã gây ra tình yêu phải không em?
    Tình yêu có phải là bản tin ngắn kể chuyện chúng mình, có phải là tiếng kêu bật ra từ môi anh và môi em, có phải là lời mời gọi của biển và rừng? Kỷ-niệm có quý như đồ sứ China? Kỷ-niệm có cay như bột nấu cà-ry gà…
    Anh là ańh nắng và em là cánh hoa, chúng ta là cái đẹp đã ban cho tình yêu sức mạnh. Nhưng nếu anh và em không là nắng, cũng không là hoa, thì tình yêu có mệnh hệ gì chăng? Và chúng ta có công dụng gì nữa với cuộc đời này bơỉ anh thôi là nắng sáng và em thôi là hoa tươi?
    Em có thấy trước tuyết lại sắp về phủ lên khuôn mặt trái đất? Em có thấy trước hoa lilac mọc lạc loài trên mái đầu xanh của ngọn đồi? Em có nghe con chim ruồi humming bird rung giọng trên cây trứng cá? Và em có nghe tiếng động khi cây kim may áo-quần rớt xuống nền nhà?
    Vinh đứng dậy bước tới quầy trả tiền.
    Hai hôm sau, Tân đến thăm Nhung để đem cho mấy cái bánh-bao ông Cả Cần.
    Tân nói:
    “Ba má tôi rất thương quý du học viên sống xa cha mẹ; khi đau ốm, không được ở giữa gia đình thân yêu…! Gia đình là thuốc giải đau cho ta bôi vào vết thương thể xác.”
    Nhung nâng gói bánh lên xuýt xoa:
    “Nhung mê ăn bánh bao nhất trên cõi đời này anh Tân ơi! Bác Hảo của Nhung cũng làm bánh bao ngon lắm, nhưng không được trắng tươi như bánh bao này.”
    “Nếu Nhung muốn học làm bánh bao, sẽ dạy Nhung, bảo làm bánh bao dễ lắm, cứ việc theo đúng công thức trên gói bột…”
    Gần đây, Nhung nghe nói thuốc sát trùng formol là chất độc ướp trong sợi bún, bánh phở, trong bột làm bánh, nhưng Nhung thấy người Vietnam vẫn cứ ăn phở, ăn bánh bao như thường.
    Đôi mắt Nhung sáng chi lạ, và miệng cười tình dễ sợ… Tân ngồi chơi suốt buổi sáng. Nhà Nhung ở, cỏ trong vườn trông giống như tóc mọc trên đầu người đàn ông: chỗ thì ngắn và cắt sát, chỗ thì dài và để hoang không cắt.
    Chiều về, Vinh đến thăm, mở tủ lạnh tìm nước uống, hỏi:
    “Bánh bao, ai cho hay em mua?”
    Nhung phiạ:
    Bánh bao bác Hảo làm, anh con út của bác vừa mới đem cho em.”
    Vinh nói:
    “Bác Hảo biết làm bánh bao? Người ta đồn rằng bác Hảo không biết nấu ăn.”
    Nhung xạo:
    “Bác ấy lười làm bếp lắm, nhưng vì hai đứa cháu nội mê ăn phở gà với bánh bao Chợ Lớn, bác ấy phải sang nhà hàng xóm thực-tập suốt tuần lễ để làm cho cháu nội ăn…”
    Nhung mời Vinh ăn bánh bao, Vinh lắc đầu.
    Có phải khi anh hôn em là khi anh ăn bụi rác vào miệng? Có phải khi em hôn anh là khi em ăn bánh bao, bún phở… có tẩm chất ướp xác formol vào bụng?
    Có phải khi cầm tay em là khi anh không nắm được gì trong tay hết.
    Một lần chúng ta dắt nhau đi dưới nắng. Ánh sáng chiếu chói, nhưng chỉ mình em có cái bóng in trên đất. Mặt trời từ chối không chiếu vào anh, mặt trời xua tay không cho anh cái bóng, mặt trời bảo rằng hai đứa tụi bây bây giờ là một… Vì xác thân anh đã nhập vào em mất rồi.
    Trăng ấn sâu lưỡi liềm cắt trái đất làm hai dấu hỏi. Một dấu không dùng đến, và một dấu để anh hỏi em có muốn làm tình? Anh thao thức không đếm được có bao nhiêu thỏi son em đã dứ vào môi, có mấy gói ác mộng em đã nhét vào gối , nhiều hay ít những chữ dối gian em đọc vào tai anh…vì thế cho nên khi bình minh ló dạng, mùi hương bông mận chợt thoảng vào từ vườn hàng xóm, chúng ta mới bắt đầu ngủ, nằm quay lưng vào nhau.
    Vinh lục ngăn kéo đếm coi tháng này Nhung phải trả bao nhiêu cái biên lai: điện thọai, internet, tivi, khí gas…rồi ký cho Nhung một chi phiếu.
    Nhung cảm động:
    “Anh không đi tu, nhưng lòng anh tốt hơn tu-sĩ, em nghĩ rằng quý vị thiền-sư Thích Tâm Giác, Thích Mãn Giác…chưa chắc đã tốt bằng anh.”
    Khi Vinh ra về, Nhung nhận được điện-thư của Đồng từ San Jose:
    “Sẽ đi thăm nhóc cuối tuần tới. Nhung ơi! Nhỏ ơi!”
    Nhịp tim Nhung bỗng đập hụt và trật, Nhung ngồi lặng, nhớ bài thơ Xuân-tứ của Thanh Tâm Tuyền:
    Cỏ hoa thì thầm hát
    Ngoài vườn trăng đêm nay
    Xuân ngàn muà vẫn một
    Hương sắc không nhạt phai
    Sự trôi chảy maĩ thật
    Tình đơn sơ còn đây
    Ôi, nỗi niềm bát ngát
    Thuỷ chung chẳng vơi đầy.
    Bài thơ chứa đôi lời tâm sự của người đàn ông giữ lòng trung thành với trời cao… Dù gì dẫu gì, tình nên bền lâu, thương nhớ nên còn mãi. Giữa đất trời, thời gian trôi chảy. Trong tôi, một tình yêu vẫn còn.
    Nhung, Nhung đã trung thành với ai chưa? Tóc Nhung có còn thề với hai hàng lông mày xanh chưa nhổ sợi nào vì ai? Mũi Nhung có còn thở vơí hai lỗ tròn nhỏ thỉnh thoảng nghẹt vì dị ứng thời tiết?.
    Sự thật là nội tâm Nhung hiện có sức chứa ba hình ảnh của ba người đàn ông cùng một lúc, và người nào cũng muốn tặng Nhung một tình yêu xáp-lá-cà.
    Nhung nghĩ đến lời mẹ:
    Con hãy sáng suốt nhận ra sự hơn thua giữa ba người đàn ông trẻ đang đeo đuổi con: Đồng có chí làm ăn và đã mua được nhà. Tân là công dân Mỹ chính hiệu… Vinh, tuy là con nhà giàu, nhưng chỉ là một du học viên chưa có thẻ xanh, thế nào cũng sẽ bị trả về nguyên qúan! Và con nên biết rằng: giàu, nhưng ở Vietnam không bằng nghèo, mà ở Mỹ. Và con nên hiểu rằng người ta đã làm bao nhiêu tờ hôn thú dối-gian giữa anh em cô cậu, chị em bạn dì… về chuyện dài du học viên…”
    Nhung bực mình gõ câu trả lời vào máy chữ: “ Mẹ tính toán kỹ qúa, nhưng mẹ đừng lo, thế nào con cũng bảo lãnh được mẹ sang đây!”
    Đến chiều, Nhung vẫn còn nghĩ tới cái thẻ xanh, cái visa, cái passport!! Và những mẫu đơn xin gia nhập quốc tịch Mỹ…
    Nhung lướt tay trên mạng lưới internet: ” Năm 2009 là năm của người châu Á. Tại các đại học Mỹ, đa số sinh viên da vàng đã tốt nghiệp ngànhCông nghệ thông tin, họ có việc làm, có đồng lương cao. Mẹ đừng lo, dù con ở lại Mỹ hay trở về nguyên qúan. Con không bỏ quên mẹ. Nhưng… mẹ muốn đi Mỹ, tại sao mẹ chỉ lo học làm bánh bao, bánh biá, bánh bèo với những gói bột gạo có ướp hoá chất, mà không chịu học Anh-văn? Mẹ muốn cứng mồm câm miệng như một số người già ở Mỹ phải không?”…
    Mẹ Nhung trả lời: “Con đối xử với mẹ nghiêm qúa, làm mẹ tủi thân!”
    Suốt tuần lễ, hai mẹ con cắt đứt liên lạc, Nhung cầu cứu bà dì: ” Bác Hảo ơi! Mẹ giận con.”
    Hảo trả lời:
    “Nhưng trước khi hai bác cháu mình thông cảm nhau, bác hỏi con: ” Có phải con, có phải người du-học-viên này thủ-dâm một tuần lễ 4 lần?”
    Nhung hét lên:
    “Trời ơi! Bác hỏi chi lạ rứa? Dễ sợ rứa?”
    “Chính mắt bác đọc những câu trả lời của con trên bài tập trắc nghiệm con làm ở lớp… Và con cũng trả lời với giáo sư rằng con uống thuốc ngừa thai đã mấy năm nay rồi.”
    Nhung im lặng, sau đó mới giải thích:
    “Bác già của con ơi Năm kia con học lớp hôn nhân và tình yêu, giáo sư ra bài tập gồm gần cả trăm câu hỏi, học viên được chia ra từng nhóm, từng tổ…để nghiên cứu chung, làm bài tập chung. Con bị xếp cùng nhóm với mấy thằng sinh viên Mễ cà-chớn… Cuối tuần họp mặt để góp ý trả lời những câu hỏi trắc nghiệm, hai thằng Mễ cà-chớn tự động quẹt bậy mấy câu trả lời nhảm vào bài tập rồi nộp cho giáo sư, con có ý kiến gì, chúng nó bác hết, và đưa tay gạt con ra.”
    Hảo nói:
    “Vậy là hết thắc mắc… Bây giờ, con đã quay sang học một ngành chuyên môn để kiếm việc làm; như vậy là mẹ con có phước. Con chăm học, con là một đứa con chí hiếu, một đứa con của sách Nhị thập tứ hiếu.”
    Hảo hỏi tiếp:
    “Nhưng còn chuyện tình cảm của con thì sao?”
    Nhung làm dáng như một nhà-thơ-nữ tại hải ngoại:
    “Đường tình của con cũng rối loạn như đường kinh của con, con không biết phải bỏ thằng nào, lấy thằng nào, thằng nào cũng mê con… nên chuyện tình kẹt không giải quyết được.”
    Hảo tươn̉g như đang nghe một cô ca-sĩ xinh tươi hát nhạc mới từ cuộn băng sang lậu blue ocean music:
    “Cuộc đời đã đổi màu, cuộc tình đã phôi phai, cuộc chiến đã hạ màn, cuộc cờ không còn nước… nhưng lòng mẹ vẫn một tình yêu dành cho con! Và hãy… con hãy đặt mẹ lên hàng đầu.”.
    Nhung tiếp:
    “Mẹ con hễ buồn giận là mất ngủ, con phải e-mail về nước cho mẹ con gấp gấp…phải không bác?.”

    ° ° °

    Cám ơn con vì khi con còn nhỏ, con đã làm cho mẹ tin rằng những chiếc bánh bông-lan mẹ làm thật kỳ diệu và những câu chuyện cổ-tích mẹ kể thật thần tiên.
    Cám ơn con vì đã luôn hỏi mẹ những lời khuyên mỗi khi gặp khó khăn với bạn trai dù mẹ chẳng hề giúp được gì.
    Cám ơn con đã điện-thư để chỉ mách mẹ xem một chương trình trên ti-vi.
    Cám ơn con vì những tấm thiệp chúc sức khoẻ luôn đến với mẹ đúng vào ngày sinh nhật.
    Cám ơn con vì những câu hỏi về các công thức nấu ăn.
    Cám ơn con vì đã khuyên mẹ học Anh văn.
    Cám ơn con đã học hành chăm chỉ.
    Cám ơn con vì con không nghĩ là mẹ đã già.
    Và cuối cùng, mẹ cám ơn con vì một điều rất đẹp con đã mang đến cho mẹ, đó là tình bạn giữa hai người phụ nữ trưởng thành.

    ° ° °

    Cám ơn mẹ, mẹ đã cười cùng con, khóc cùng con, lo lắng cùng con,… và đôi khi cãi nhau với con.
    Cám ơn mẹ đã luôn lắng nghe con tâm sự kể cả những chuyện ngớ ngẩn nhất.
    Cám ơn mẹ đã hiểu và chịu đựng những cơn im lặng kéo dài của con trong thời gian con thất nghiệp dài dài.
    Cám ơn mẹ vì ngay từ khi con còn bé tí, đã luôn coi con là người bạn.
    Cám ơn mẹ vì mẹ không chỉ là bạn của con, mẹ còn là bạn của các bạn con…
    Cám ơn mẹ vì e-mails của mẹ luôn làm con cảm thấy ấm áp rất nhiều.
    Cám ơn mẹ vì rồi đây mẹ sẽ lặng lẽ bước theo con trên khắp mọi nẻo đường.
    Cám ơn mẹ vì trong mắt mẹ, con luôn mãi là con gái bé nhỏ, luôn cần sự quan tâm, lo lắng và tha thứ của mẹ.
    Túy Hồng
    Ngày 12 tháng 8 năm 2009

    Nguồn: http://www.gio-o.com/ANMZ/TuyHongDuHocVien.htm

    Comments are closed.