Nguyễn Ái Việt
Buổi lên lớp cao học vừa qua tôi vừa giảng cho sinh viên về phân biệt giữa “Goal”, “Objective” và “Purpose”. Tiếng Việt có các từ “Mục đích” và “Mục tiêu”, nhưng hình như giữa hai từ này không có phân biệt rõ ràng. Cũng có một từ nữa ít dùng hơn là “Cứu cánh”, nhưng từ này ít dùng và không nên dùng nữa bởi vì người dùng đã dùng một cách hỗn loại.
Cái đáng bàn ở đây, là người Việt ta thường rất mơ hồ về mục đích. Rất nhiều kế hoạch, chiến lược, dự án,… lẫn lộn hoàn toàn mục tiêu với giải pháp, chưa nói tới goal và objective. Có lẽ thói quen trở thành tư duy, tư duy được phản ánh bằng ngôn ngữ. Việc không có ngôn ngữ để diễn tả một số khác biệt tinh tế một số khái niệm chứng tỏ những người sử dụng ngôn ngữ đó khá mơ hồ về những khái niệm đó và cũng do thói quen suy nghĩ rất sơ sài về những vấn đề liên quan. Nếu như vậy, cũng đáng để chúng ta suy nghĩ tại sao dân tộc ta lại mơ hồ về xác định mục tiêu. Câu hỏi này có thể để cho những người ưa và thạo các vấn đề xã hội hoặc để phiếm đàm trong một dịp khác. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một số ví dụ khác.
Tôi có một anh bạn người Ấn Độ nói rằng trong tiếng Ấn có tới hơn 31 từ phản ánh trạng thái “buồn” và có ý nghĩa khác nhau, chỉ người Ấn mới phân biệt được. Tiếng Anh chỉ có dăm ba từ là cùng. Tôi nhận xét với anh “Như vậy người Ấn là chuyên gia buồn rầu”. Có lẽ một xã hội chia đẳng cấp quá chặt chẽ, có những loại người untouchable (không được chạm vào), nỗi buồn đó cũng quá dễ hiểu. Văn hóa Ấn Độ cũng có tính triết lý sâu xa. Nhìn lại tiếng Việt, tuy không phong phú về nỗi buồn như Ấn Độ, nhưng vượt xa tiếng Anh về khoản này: “buồn”, “rầu”, “não”, “sầu”, “bi”,”chán chường”,… Không biết có nên tự hào về cái ưu thế biết buồn rầu này.
Đừng nên lầm tưởng đó là vì ngôn ngữ của chúng ta giàu có, phong phú, tinh tế hay phát triển. Đơn giản chúng ta buồn nhiều, nghĩ nhiều về cái buồn mà thôi. Cha tôi nói tiếng Việt đặc biệt nghèo về màu sắc. Người Việt cũng dễ tính về màu. Chẳng thế các cụ ngày xưa đã tổng kết đơn giản “Đẹp vàng son”. Càng nghĩ thấy càng đúng. Người Việt không có từ để phân biệt “xanh lá cây” và “xanh da trời”. Đối với các cụ “xanh” là “xanh” ráo. Ngay cả cách đặt tên cũng không chuẩn các thứ được cho là “xanh da trời” chẳng giống da trời tý nào, và “xanh lá cây” chưa chắc đã giống bất cứ lá cây nào. Cách đặt tên màu của người Việt cũng chẳng giống ai. Nào là “mắm tôm”, “lòng tôm”, “tiết dê” đến “cứt ngựa”, rất thiếu thẩm mĩ. Chưa kể câu chuyện “Lá đa màu gì? Màu đen? Vì sao? Dân gian ta có câu: Sự đời như cái lá đa. Đen như mõm chó chém cha sự đời”.
Không biết việc thiếu tính chuyên nghiệp trong màu sắc có ảnh hưởng thế nào tới còn đường đi của một dân tộc (con đường đó sẽ ít màu sắc, mang dáng dấp uniform??). Nhưng nhiều khi đưa những tư tưởng mới vào Việt Nam đều bị méo mó vì nạn thiếu từ. Người Việt khá dễ tính trong việc dùng bánh đa thay quạt nhưng rất khó tính trong việc dùng từ mới. Tôi đã nhiều lần bị chê dùng từ Tây quá (mặc dù dùng chữ Việt 100%) và bắt buộc phải dùng một từ “dễ hiểu” hơn mặc dù nội dung chẳng giống gì với từ nguyên gốc. Dùng riết rồi cũng quen dẫn tới cách suy nghĩ đơn giản hóa. Việc gì cũng phiên phiến. Nói chuyện gì cũng chớt chát trên bề mặt, thành thử mấy chục năm vẫn tranh cãi mấy chuyện đó, như kiến bò trên miệng chén, không thoát ra được. Có lẽ không nơi nào trên thế giới người ta hăng hái tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” như ở Việt Nam, đơn giản chỉ vì không ai hỏi rằng “tại sao không thể vị cả hai” hay “nghệ thuật chẳng qua cũng là một phần của nhân sinh”. Một dân tộc coi thường nghệ thuật sẽ có cái nhân sinh thế nào?
Tất nhiên, cái đơn giản bao giờ cũng gần với chân lý và cái đẹp. Nhưng điều đó không có nghĩa là một dân tộc luôn phải đơn giản hóa mọi vấn đề đến mức thô sơ. Người Việt ta ít duy lý, ngại suy nghĩ, nhưng cuối cùng nghĩ vấn đề gì cũng phức tạp. Một vấn đề cỏn con, nếu phát biểu bằng các khái niệm chính xác, tinh tế sẽ trở thành điều hiển nhiên, trong khi cả một giới thượng tầng xã hội tốn bao nhiêu giấy bút mà vẫn bị sa vào trò đùa của chơi chữ, tu từ. Chẳng qua là mình tự rơi vào cái bẫy của mình rồi loay hoay tìm cách tự nắm tóc để nhấc mình ra.
Vậy thì đâu là giới hạn của các song đề đơn giản-tinh tế đó? Có lẽ chưa một ai nói về vấn đề này đơn giản, khúc triết mà sâu sắc như Ngô Tùng Phong:
“Ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc, đương nhiên là dụng cụ của nền văn hóa của cộng đồng. Nhưng ngôn ngữ chỉ trở thành một dụng cụ sung mãn của nền văn hóa khi nào ngôn ngữ gồm được hai đức tính: dễ học để trở thành một dụng cụ phổ biến, thông dụng và đại chúng; và chính xác để trở thành một dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.”.
Làm thế nào để ngôn ngữ Việt có thể vừa dễ phổ cập, đại chúng vừa có thể trở thành tinh vi sắc bén? Nhiều người cho rằng Hoa ngữ có sức biểu tượng mạnh, hàm súc và dễ phổ cấp vì phù hợp với thói quen Hán-Việt hóa. Nhưng Ngô Tùng Phong lại cho rằng
“Hoa ngữ hoàn toàn bất lực khi phải đóng vai trò dụng cụ phổ biến thông dụng và đại chúng cho văn hóa. Cũng vì trở lực tạo ra bởi một sinh ngữ biểu ý, mà văn minh Tàu khi xưa, mặc dầu lên đến cao độ, vẫn không có sinh lực bành trướng như văn minh Tây phương ngày nay.
Lối hành văn của Hoa ngữ là lối hành văn “khiêu ý” cho nên câu văn không có kiến trúc. Mà câu văn không có kiến trúc là một câu văn không có chính xác. Và một sinh ngữ không chính xác không thể trở thành một dụng cụ suy luận sắc bén và tinh vi được. Vì không có dụng cụ ngôn ngữ suy luận sắc bén và tinh vi để sử dụng trong công cuộc thám cứu vũ trụ vật chất và vũ trụ tâm linh, nên người Trung Hoa xưa đã thay thế suy luận bằng trực giác”
“Nguyên do là Hoa ngữ, với lối văn khiêu ý, hoàn toàn bất lực khi đóng vai trò dụng cụ suy luận tinh vi và sắc bén.”
Và ông rất lạc quan cho rằng:
“…thế hệ của chúng ta không có một lý do nào để không vận dụng tất cả nỗ lực, nắm lấy cơ hội đưa đến cho chúng ta để thực hiện trong lĩnh vực văn hóa, ý chí của tiền nhân: cởi bỏ ách tâm lý thuộc quốc đối với nước Tàu, cho dân tộc. Và thế hệ của chúng ta, không có một lý do nào, để từ bỏ sự phát triển văn hóa dồi dào mà chắc chắn, Việt ngữ chỉnh đốn sẽ dành cho chúng ta, để cam chịu một sự lệ thuộc, đối với một văn hóa, mà Hoa ngữ không bảo đảm sự phát triển. Và các nhà lãnh đạo, vì vô tình hay cố ý, làm cho cộng đồng quốc gia của chúng ta lỡ cơ hội này, chẳng những sẽ phản bội quyền lợi dân tộc mà còn phải mang hết trách nhiệm của một cuộc sống lệ thuộc, không vùng vẫy nổi, mà các thế hệ trong tương lai, vì lầm lỗi của họ, sẽ phải quy phục trong nhiều ngàn năm nữa.”
Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ, mặc dù những lãnh tụ không cùng chính kiến đều đã hô hào “chỉnh đốn Việt ngữ”, “giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt”, một cuộc cải cách tiếng Việt có hệ thống không tới, thậm chí không hề bắt đầu.
Một số người cho rằng “ngôn ngữ là hồn dân tộc không thể thay đổi”. Điều đó, không đúng ngôn ngữ Nga trước Puskin và sau Puskin là khác nhau. Tiếng Anh sau Shakespeare và trước Shakespeare cũng không giống nhau. Cải cách ngôn ngữ dù thông qua những cá nhân vĩ đại, dám gánh vác hay thông qua một tập thể là một việc sớm muộn cũng phải làm.
Tuy nhiên, chúng ta tuy thích thần thánh hóa một số cá nhân mơ hồ, nhưng không có thói quen dung nạp các công trình kỳ vĩ. Đọc Vũ Như Tô, không lần nào tôi không thấy chua xót khi đọc tâm sự của Nguyễn Huy Tưởng
“Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải
Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?
Tháp người Hời nguyên là giống Angkor!
Mải vật lộn, quên cả đài cao mộng lớn
Công ông cha hay là nỗi thiệt thòi ?
Ôi khô khan! Ôi gay gắt ! Nhưng đừng vội tủi
Sức sống tràn từ ải Bắc đến đồng Nam
Than ôi ! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải ?
Ta chẳng biết!
Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”
Chỉnh đốn tiếng Việt là một sự nghiệp kỳ vĩ vì nó thay đổi tính cách của một dân tộc, vốn không ưu những điều kỳ vĩ./.