Truyện ngắn
Trần Kỳ Trung
Đang điều trị, thấy tôi chuẩn bị vào thăm ba, mẹ cố gượng dậy, dặn:
– Con vào đó, để ý đến sức khỏe của ba. Hỏi ba thiếu thứ gì, về đây nói với mẹ. Chứ ở trong tù chắc ba thiếu nhiều thứ lắm.
Trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài, nét mặt mẹ vẫn còn vàng võ, bệnh tình chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ không lo… lại đi lo cho ông chồng đã bỏ bà, đang ngồi tù.
Còn về phần ba, thực tế hơn hai mươi năm qua, kể từ ngày mẹ và ba gặp nhau sau ngày miền Nam giải phóng, ba gần như chẳng quan tâm đến cuộc sống, tình cảm của mẹ và tôi.
Tôi buồn về cách cư xử của ba, mẹ thì ngược lại. Mẹ vẫn thương ba, vì tình thương đó , bà dám hy sinh tất cả.
***
… Chuyện gia đình tôi thật éo le. Ngày tôi chưa sinh, ba đi tập kết ra Bắc. Ba nói với mẹ, trước khi xuống tàu Ba Lan ra bắc “Em cố gắng chăm sóc con thật tốt, hai năm nữa anh về…” Hai năm tưởng chờ đợi được, có ai ngờ nó kéo dài hơn hai chục năm.
Một đời người ngần ấy năm có bao nhiêu biến đổi.
Mẹ ở lại trong Nam. Hồi còn con gái, bà đẹp nổi tiếng một vùng. Nhưng hình thức chưa phải là yếu tố quyết định để ba hoặc một người đàn ông nào đó để ý, mà chính là vì lòng nhân từ của mẹ, mẹ mới được nhiều người thương, trong đó có ba tôi.
Tôi còn nhớ những ngày lạc quyên trong thị xã giúp đồng bào “tị nạn chiến tranh”, mẹ là người giúp đỡ cho những người ấy nhiều nhất. Nhìn những khuôn mặt hốc hác do chạy đạn bom của bà con thôn quê, không cầm lòng, có bao nhiêu tiền mẹ đều dùng hết vào việc từ thiện. Những việc làm đó của mẹ thường được báo chí, đài của Việt Nam Cộng Hoà nhắc tới, ca ngợi. Nhiều tờ báo còn in hình của mẹ bên cạnh bài viết.
Đối với ba, mẹ giữ đạo thuỷ chung. Nhiều đêm, khi những nhà xung quanh đã đi ngủ, mẹ gọi tôi dậy, thắp một ngọn đèn nhỏ. Bên ngọn đèn, rút trong tủ nhỏ ra một tấm ảnh chụp chân dung của ba, mẹ đưa cho tôi xem. Vừa nhìn bức ảnh, mẹ kể cho tôi nghe những kỷ niệm thiêng liêng về tình vợ chồng. Qua lời kể của mẹ, tôi như thấy tất cả hình ảnh của người cha thân thương.
Từ năm một chín sáu lăm, người Mỹ vào miền nam ồ ạt. Lúc này tôi đã lớn, vừa đi học, vừa giúp mẹ. Vùng gia đình tôi ở, ban ngày người Mỹ có thể đi lại, còn ban đêm là nơi hoạt động của du kích. Có lúc nghe tiếng bom, tiếng đạn nổ quá gần, tôi giục mẹ:
– Mẹ con mình nên vào thành phố lánh nạn thôi, ở chỗ bom rơi, đạn nổ thế này, con sợ quá!
Mẹ lắc đầu:
– Đi khỏi mảnh đất này, mẹ nhớ lắm. Có chết hay sống mẹ và con cứ ở đây.
Hoàn cảnh của mẹ, xa chồng vòi või đợi, không thấy tin tức, lại thêm cảnh chiến tranh diễn ra hàng ngày. Người của hai bên chết nhiều. Tôi và mẹ nhiều lần chứng kiến những người lính Mỹ khóc hu hu bên xác bạn. Nhìn cảnh ấy, mẹ thương cảm, đỏ hoe mắt. Chẳng gì, như mẹ nói với tôi, họ cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh vô nghĩa. Trong những người lính Mỹ hay đến nhà tôi chơi, có ông Henry. Tôi biết ông ta là người lính Mỹ ghét chiến tranh. Có lần ông chống lệnh cấp trên không cho lính lên máy bay trực thăng đi hành quân. Chuyện đó được mấy người lính “Cộng hoà” kể lại cho mẹ tôi nghe. Từ ngày quen ông Henry, tính tình của mẹ có ít nhiều thay đổi. Nhiều lần tôi bắt gặp mẹ ngồi thẫn thờ nhìn tấm ảnh của ba. Có đêm tôi thấy mẹ trằn trọc khó ngủ. Có những lúc tự nhiên mẹ cáu bẳng với những chuyện không đâu rồi lại ôm mặt khóc: “Sao chiến tranh ác thế này!” Tôi không biết khuyên mẹ thế nào. Tôi không thích ông Henry, nhưng nói tôi ghét ông ta cũng không phải. Vì ông ta không gây thù chuốc oán cho gia đình tôi.
Một lần mẹ tôi đau nặng, chính ông dùng xe jeep quân đội Mỹ đưa mẹ tôi vào bệnh viện cứu chữa. Dẫu thế, sự quan hệ mật thiết giữa mẹ và ông Henry vẫn làm tôi khó chịu, vì tôi còn có ba ở ngoài Bắc.
Hôm mẹ tôi cùng ông Henry đi đâu đó về, tôi giận thực sự, không ăn cơm. Mẹ tôi thấy vậy, ngạc nhiên:
– Con làm sao thế?
Tôi im lặng. Mẹ sờ trán tôi, giọng lo lắng:
– Hay con bị đau rồi?
– Con không đau!
– Thế tại sao con không ăn cơm?
Thấy ánh mắt bực dọc của tôi, hình như bà đã hiểu nguyên nhân. Buổi chiều ấy, bữa cơm để nguội lạnh. Cả tối hai mẹ con ôm nhau khóc.
Rồi chuyện phải đến đã đến. Mẹ có con với ông Henry. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, thị xã nhỏ nhoi của tôi ngào lẫn trong không khí mịt mù của khói súng. Mọi người trong thị xã chỉ quan tâm việc mình có thể tồn tại đến ngày mai hay không, còn chuyện mẹ tôi có con với người lính Mỹ, không ai buồn để ý. Hay là nó đã thành chuyện bình thường?
Lúc thằng Henry Tuấn cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc ông Henry được về nước. Tôi còn nhớ rõ, đêm đó, ông Henry ôm mẹ cùng thằng Henry Tuấn vào lòng, nước mắt của ông chảy ràn rụa. Ông hứa, bằng mọi cách sẽ đưa gia đình tôi sang đó. Mẹ tôi khóc, còn tôi im lặng.
Tháng năm năm một chín bảy lăm, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Đất nước thống nhất, mẹ và tôi hồi hộp chờ ngày đoàn viên. Có lẽ tôi vui hơn mẹ. Tôi sắp gặp được người cha hơn hai mươi năm chờ đợi, có bao nhiêu chuyện để nói với ba tôi.
Ngày gia đình tôi nhận được thư ba gửi từ ngoài Bắc vào báo tin ngày trở về, mọi người đều bồn chồn sốt ruột.
Ba tôi về. Ông đi trên một chiếc xe con quân sự. Khi mẹ và ba gặp nhau, hai người cùng đứng sững lại. Ba chỉ kịp thốt lên một câu: “Em!” rồi chạy lại ôm mẹ. Tôi đứng cạnh, cũng oà lên trong nỗi xúc động lớn lao.
Ba hỏi: “Con Hồng đâu?” Mẹ chỉ tôi, ba “ồ” lên:
– Trời ơi! Lớn đến thế này cơ à! Gặp ngoài kia ba không thể nhận ra con.
Chuyện mẹ có con với ông Henry tưởng sẽ khó xử, không ngờ ba tôi giải quyết hết sức đơn giản, làm tôi rất cảm phục. Nhân chuyện này ba nói luôn hoàn cảnh của mình ngoài bắc:
– Em đừng nghĩ nhiều, anh không trách em. Sự chờ đợi của con người cũng có hạn. Cũng như anh ở ngoài kia, tưởng hai năm sẽ về, có ai ngờ… hơn hai chục năm! Anh cũng có lỗi với em, xây dựng gi đình với một phụ nữ ngoài đó. Mà nghĩ cho kỹ, tội này là do thằng Mỹ gây ra.
Người cha đáng kính, đúng như tôi suy nghĩ, thậm chí hình ảnh của ông còn đẹp hơn những điều tôi tưởng tượng. Sau ngày gặp lại ba, nét mặt của mẹ như trẻ lại. Ngày ba trở lại miền Bắc, mẹ làm một bữa cơm thật to mời rất đông người. Mọi người đều nói những lời tốt đẹp nhất về ba, không ai đả động chuyện ông có vợ ngoài Bắc, vì cách xử sự của ba xoá đi tất cả. Tới khuya, khi mọi người về hết, mẹ ngồi cạnh ba. Bà khẽ khàng rút trong tủ ra một bọc gồm rất nhiều lá vàng. Tôi biết đây là vốn của mẹ tích được gần như cả đời. Mẹ đưa cho ba :
– Anh cầm lấy. Em biết anh vất vả vì mẹ con em trong này mà em chưa báo đáp được. Số vàng này chẳng đáng là bao… Anh cầm giúp em đưa cho chị ngoài đó nuôi các cháu.
Tay ba run run lần mở bọc vàng, rồi thốt lên:
– Nhiều thế này cơ à! Em đưa cho anh hết thì lấy cái gì mà sống.
– Anh yên tâm! Mẹ con em sẽ không sao. Bao nhiêu năm chiến tranh mẹ con em còn sống được, huống hồ bây giờ đất nước đã yên hàn. Em biết, gia đình mình ngoài đó còn vất vả.
Tôi tán thành việc làm của mẹ. Ba đỡ số vàng mẹ đưa cho, nói như không ra lời:
– Cảm ơn em và hai con. Em tốt quá! – Ba hôn mẹ như thể không dứt ra được, rồi ông tỉ mẩn đếm lại từng lá vàng. Gói tất cả số vàng bằng một bọc vải, buộc thật kỹ, ông cho gói vàng đó vào cái xắc cốt luôn đeo bên người.
Sáng hôm sau, chia tay với ba, mẹ nói:
– Phần em, anh đừng lo lắng gì nhiều, để sức khoẻ lo cho chị và mấy cháu ngoài đó. Chỉ có điều … – Mẹ nhìn tôi, nói tiếp – Anh hãy lo cho con Hồng, làm sao nó học đại học. Bỏ dở nửa chừng, tội cho nó…
Ba tôi gật đầu ngay:
– Anh không bao giờ để em và con phải khổ.
– Ba sẽ vào ở luôn với mẹ và chị em con, được không ba? –Tôi hỏi.
– Nhất định ba sẽ vào – Ba khẳng định.
Những lời ba nói hôm chia tay gieo vào trong tôi bao nhiêu điều hy vọng. Một tương lai tốt đẹp nhất định sẽ đến với tôi.
Nhưng chuyện đời không đơn giản. Những năm tháng sau giải phóng, giây phút ồ ạt của niềm hân hoan qua đi, bây giờ là những giây phút tĩnh tại để nhìn lại. Một thực tế phũ phàng không lường hết xảy ra với gia đình tôi.
Tôi làm đơn xin xác nhận của Phường để đi thi đại học thì mấy ông lãnh đạo phường bác bỏ thẳng thừng. Theo ý kiến các ông ấy, trước năm một chín bảy lăm mẹ có tham gia những hội, đoàn do chế độ cũ tổ chức, như hội “Từ thiện giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc”. Họ đưa bằng chứng là những tờ báo của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà khen mẹ về những việc làm này. Tệ hại hơn, họ còn nói mẹ có quan hệ với Mỹ, bằng chứng không thể chối cãi là thằng Henry Tuấn mắt xanh mũi lõ, da trắng tóc vàng. Đọc những gì tôi khai trong lý lịch về ba, mấy ông lãnh đạo phường cười khẩy:
-Phần lý lịch về ba cô đẹp là do công lao của ông ấy với cách mạng. Còn mẹ cô và cô lúc đó làm gì? Chúng tôi biết hết. Chính quyền cách mạng không chấp nhận hạng người phản bội tổ quốc, làm tay sai cho bọn đế quốc. Chính quyền cách mạng và nhân dân không cho phép cô hưởng thành quả của những người đã hy sinh vì tổ quốc. Cô không được đi thi đại học.
Nỗi đau của tôi không bằng nỗi đau của mẹ.
…Tôi từ nhà đứa bạn đạp xe về, thấy trước nhà có rất đông công an, dân quân và những người hiếu kỳ. Mấy dân quân súng lăm lăm trong tay. Vào trong nhà, tôi sững sờ thấy mẹ bị còng tay, đứng nhẫn nhục lắng nghe một công an đọc lệnh khám nhà và bắt mẹ vì tình nghi trước năm một chín bảy lăm mẽ có “làm gián điệp cho CIA”. Mẹ tôi đầu tóc rối bù, nét mặt thất thần khi nghe công an đọc lệnh. Giọng mẹ run run cố giãi bày:
– Oan cho tôi quá! Tôi không hề biết những việc này.
Chủ tịch phường đứng cạnh công an nhìn mẹ với ánh mắt khinh bỉ, chỉ thằng Henry Tuấn:
– Này, không đi lại với Mỹ, thế thằng “trời đánh” này mụ tự nặn ra à?
Theo lệnh của người chỉ huy, mấy công an viên và dân quân lật tung hết mọi chỗ trong nhà tôi để tìm “tài liệu cộng tác với CIA”. Vật thu được, coi như bằng chứng “cộng tác” với đế quốc Mỹ là mấy cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh của tôi. Họ giải mẹ tôi đi. Chị em tôi chay theo…
Tôi nhớ mãi ánh mắt của mẹ nhìn chị em tôi sau cái cửa tò vò của chiếc xe bít bùng.
Nhà bị niêm phong, chị em tôi bơ vơ. Ba ở xa quá. Từ ngày ra lại miền Bắc, ông chỉ viết về cho mẹ một lá thư. Tôi viết thư đi không thấy thư ba hồi âm. Chắc ba bận, tôi không muốn làm phiền ông. Nhưng trước tình cảnh này tôi phải cầu cứu ba. Có chiếc nhẫn tôi đem bán, cộng với ít tiền vay được của hàng xóm. Tôi quyết định ra Bắc.
Đường đi thật khó khăn, hết ô tô lại chuyển qua tàu hoả. Ba, bốn ngày trên đường tôi thấy như dài vô tận, chỉ mong cho mau đến.
Đến Hà Nội, theo địa chỉ ghi trong thư, tôi tìm đến nhà ba. Tôi quá ngạc nhiên, vì đúng địa và phố nhưng chủ ngôi nhà không phải ba tôi. Tôi hỏi thì được biết, ba đã bán nhà này chuyển sang ở một biệt thự. Ba chuyển địa chỉ sao không báo tin cho tôi? Tôi hỏi lại mới biết, ở miền Nam ra được ít lâu, có tiền vàng mẹ gửi, dì bảo ba mua một biệt thự lớn ở ngay trung tâm, gần nơi ba làm việc, và ba đã làm theo.
Biệt thự ba mới mua nằm biệt lập với các ngôi nhà xung quanh. Phía trước có một giàn hoa giấy, cổng ra vào kiến trúc theo kiểu cổ, có một chuông dây gắn bên ngoài. Tôi giật chuông, rồi hồi hộp chờ đợi. Ba tôi có nhà, dáng bệ vệ hơn hồi ông về thăm mẹ và tôi. Da dẻ ông hồng hào, mặc một bộ pijama màu xanh nền nã. Thấy tôi, ba ngỡ ngàng:
– Trời ơi, Hồng. Con ra đây bao giờ? Mẹ con đâu?
Thái độ vồn vã của ba làm tôi bớt đi bao lo âu, bao mệt nhọc trên đường đi dường như tan biến. Ba đưa tôi vào phòng khách, pha nước chanh, xăng xái đi lấy khăn lau mặt, chỉ chỗ tắm rửa cho tôi. Việc làm của ông khiến cho tôi rất cảm động. Khi nghe tôi kể chuyện về mẹ, nhất là việc mẹ bị bắt vì bị nghi “gián điệp của CIA”. Ba giật mình, hỏi lại:
– Có đúng công an họ nói thế không, con?
– Con cũng không biết họ lấy tin đó ở đâu, nhưng nếu họ hỏi con, con sẽ trả lời:“Mẹ tôi không bao giờ làm việc đó!”
Ba trầm ngâm:
– Công an đã bắt ai thì phải có chứng cứ chứ!
– Chứng cứ gì đâu, ba! Họ lấy thằng Henry Tuấn làm chứng cứ thì ở miền nam có cả mấy chục vạn người. Chẳng lẽ ai có con với Mỹ cũng là “gián điệp của CIA” cả…?
– Con không thể nghĩ đơn giản như thế! Mọi tổ chức gọi là “từ thiện” đều Mỹ – nguỵ lợi dụng. Con chưa hiểu hết vấn đề.
– Ba không hiểu mẹ bằng con – Tôi cố thanh minh – Chỉ tại mẹ hay thương người chứ mẹ không hề có ý thức chính trị.
Nói chuyện với ba mà tôi buồn, ba còn nghĩ như thế huống hồ mấy ông lãnh đạo phường từ trên núi về.
– Con chỉ vì tình cảm với mẹ mà nói như vậy, còn nhìn toàn cục lại khác – Ba tôi vẫn bảo vệ quan điểm của mình.
– Theo ba, chuyện của mẹ giờ phải giải quyết thế nào?
Câu hỏi của tôi khiến nét mặt ba trở nên đăm chiêu. Tôi hy vọng ba sẽ có giải pháp cứu mẹ. Ba vẫn đi đi, lại lại trong phòng khách có chiều suy nghĩ lung lắm. Một lúc sau ông nói:
– Thôi, chuyện đó để ngày mai cha con mình tính. Con đi đường xa còn mệt, phải nghỉ đã. Ba sẽ đưa con ra nhà khách của cơ quan ba. Ở đó sinh hoạt tiện lợi cho con. Ba cũng muốn giới thiệu con với các cô chú trong cơ quan.
– Thế…nhưng nhà mình đây…? Tôi rất ngạc nhiên nghe ba nói thế.
Ba tôi lúng túng:
– Thế này con ạ. Dì và hai em đi nghỉ mát tối nay sẽ về. Mà dì con thì… – Ba khổ sở tìm lời giải thích- … tính dì con khó lắm, mà ba lại thương con, ba không muốn…
Nghe ba nói, tôi hiểu được một phần nào. Có lẽ vì lý do này mà ba chuyển nhà không báo cho tôi hay. Tôi cũng hiểu vì sao từ ngày ra lại miền Bắc, ba chỉ viết cho mẹ và tôi một lá thư?
– Được thôi, ba ạ! Có điều…
Ba không ngắt lời tôi:
– Con thông cảm cho ba, ba không hề muốn thế này. Gặp con ba rất mừng…
– Con không nghĩ ba không thương con, nhưng ba phải thương mẹ. Mẹ đang bị người ta bắt oan, làm tình làm tội. Cũng vì thế mà con mới ra gặp ba.
– Ba hiểu, ba hiểu… Ba sẽ làm hết sức…
Trước phản ứng của tôi, ba cố bấu víu vào những lời hứa để tôi tin đừng giận ông. Tôi hỏi ba:
– Ngày mai con sẽ gặp ba ở đâu?
– Ở ngay nhà khách cơ quan của ba.
– Ba cho biết lúc mấy giờ để con đến chỗ cơ quan ba.
– Con cứ ở đấy, ba đến gặp con, không phải đi đâu hết. Khoảng tám giờ sáng.
– Ba cho con địa chỉ nhà khách cơ quan ba đi.
– Ba sẽ đưa con đến đó bây giờ mà. – Đến lượt ba tôi ngạc nhiên.
– Con đã thuê khách sạn – Tôi nói dối – Sáng mai con sẽ từ khách sạn đến chỗ ba.
– Con …- Giọng ba nghẹn lại – Nỡ nào con đối xử với ba như vậy. Ba thương con. Ba nhớ mẹ và con lắm, chỉ có điều…- Ánh mắt của ông nhìn tôi, bất lực – Có điều ba còn có trách nhiệm với dì và cả xã hội… Ba không muốn tổ chức đánh giá sai về ba. Đến cơ quan của ba, con không nên nói chuyện mẹ con bị bắt…
Lời nói của ba làm tôi phẫn nộ, dù có thể ba ngụy biện vì một điều gì đó mà tôi chưa hiểu hết. Điều quan tâm duy nhất của tôi là ba hãy tìm cách cứu mẹ thì ông cứ quanh co. Tôi nói dứt khoát:
– Con sẽ nghe theo lời ba nhưng ba có thể cứu mẹ con không?
– Ba hứa!
– Được rồi, sáng mai con sẽ gặp ba ở cơ quan.
Nói xong, tôi ôm đồ đi nhanh khỏi phòng khách trước sự ngỡ ngàng của ba. Có lẽ không lường trước việc này, ba tôi sững lại trong giây lát. Một lúc sau ông chạy theo, giọng hớt hải:
– Con ơi, cầm lấy ít tiền mà tiêu… Con ơi…
Tôi không dừng lại mà đi mà như chạy.
***
…Đêm thu Hà Nội, một mình đi lẻ loi trên hè phố, nhìn vào những gia đình quây quần hạnh phúc bên nhau dưới ánh đèn, tôi tủi thân quá. Mẹ tôi, thằng Henry Tuấn và tôi, mỗi người một phương đang đau lòng chờ tin nhau. Còn ba tôi, giờ đây như một người xa lạ. Ba ơi, sao ba không nhớ những lời ba nói với mẹ và con trước lúc quay trở lại miền Bắc? Tại sao ba không thương mẹ khi con đặt bao nhiêu niềm hy vọng vào ba? Sao ba lại có thể đành đoạn với con như thế? Tại sao thế, ba ơi!
Ngồi trên một chiếc ghế đá cạnh một hồ lớn, tôi khóc sướt mướt.
Càng về khuya không gian càng lạnh.
Gió thu thổi, lá vàng xào xạc rơi…
Hẹn với ba như thế, hôm sau tôi làm ngược lại. Tôi tìm đến cơ quan ba thật sớm, đưa cho người thường trực mảnh giấy nhờ chuyển cho ba tôi. Trong mảnh giấy đó, tôi viết:
“… Con định đến gặp ba, nhưng nghĩ việc này có thể làm phiền đến ba, nên con không gặp nữa. Ba yên tâm, việc của mẹ, con sẽ tự lo được.
Xin phép ba, con về!
Con: Hồng”.
Tôi ra tàu ngay sau đó. Khi con tàu sắp chuyển bánh, tôi thấy ba tôi trên sân ga. Ông cuống cuồng chạy ngược chạy xuôi dọc con tàu để tìm tôi. Không muốn cho ba nhìn thấy nhưng linh tính cho tôi biết có thể rất lâu tôi mới gặp lại ông. Nhìn dáng ba lập cập đi tìm con, nét mặt hớt hải, tôi thấy nao lòng, thương ba quá, nên khi còi tàu kéo một hồi dài “…u…u…”, tôi nhoài người ra cửa sổ, kêu to: “Ba ơi…!” Ba tôi đã nhìn thấy tôi, ông vội chạy theo, mừng rỡ gọi với: “Hồng ơi…đợi ba đã…Hồng ơi!”
Tiếng gọi của ba nhỏ dần… nhỏ dần… rồi chìm hẳn trong tiếng con tàu đang chạy ầm ầm.
Tôi gục đầu vào thành toa, khóc nức nở.
***
Khi tôi về đến nhà, hàng xóm kéo đến rất đông. Họ mừng rỡ hỏi, với uy tín của ba tôi, liệu ông có thể cứu được mẹ tôi? Tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện, không muốn bất cứ ai biết được sự thật phũ phàng kia.
Một mình tôi đi thăm mẹ trong tù. Cũng nhờ vậy tôi trưởng thành lên, thay mẹ quán xuyến việc nhà. Gần một năm sau mẹ tôi được thả vì không có đủ bằng chứng truy tố mẹ, hơn nữa có một số du kích, cán bộ ngày trước có qua lại nhà tôi, làm giấy xác nhận mẹ tôi không hề làm những việc chính quyền nghi ngờ. Được trả lại nhà, mẹ bán căn nhà đó, mua một căn nhà nhỏ hơn, mở một quán giải khát, gia đình tôi cũng đắp điếm, sống qua ngày.
Còn ba, từ ngày tôi ra gặp ông ngoài Bắc, ông không vào trong Nam lần nào nữa, chỉ có một lá thư rồi thôi luôn. Nhắc đến ba, tôi hay tủi thân. Giá như ông còn giữ được chút tình nghĩa với mẹ con tôi thì mọi chuyện đã khác. Tôi thương mẹ, bao nhiêu năm vẫn cứ một mình. Thời chiến đã đành, giờ đây đất nước hoà bình, bao nhiêu gia đình đoàn tụ mà hoàn cảnh của mẹ vẫn không hề thay đổi. Tôi nói suy nghĩ đó với mẹ, có ý trách móc ba. Mẹ lại khuyên can tôi:
– Ba con hiện đang có vai trò quan trọng, công việc nhiều. Gia đình ngoài đó cũng khó khăn, hai em con còn nhỏ, dì ăn lương nhà nước. Lo được cho gia đình ngoài đó cũng đã khó rồi, làm sao ba lo cho con và mẹ ở trong này được?
Dù không hề nhận được thư ba, mẹ vẫn viết thư đều đặn cho ba. Tính mẹ tôi bao nhiêu năm rồi vẫn thế, bao dung, độ lượng.
Một hôm, gia đình tôi có chuyện bất ngờ.
Mẹ nhận được thư của ông Henry từ Mỹ gửi qua. Hơn mười năm, ông Henry vẫn không quên mẹ và chị em tôi. Trong lá thư gửi mẹ, ông Henry viết nhiều. Tôi chú ý một đoạn:
“ … Bao nhiêu năm qua, lúc nào là anh cũng nhớ đến em và các con. Nếu em cùng các con đồng ý, anh sẽ làm giấy bảo lãnh cho cả gia đình sang bên này…”.
Tôi rất vui, cảm giác như chuyện xảy ra trong mơ. Một gia đình Việt Nam được bảo lãnh sang Mỹ lúc đó còn rất hiếm. Mẹ tôi đọc bức thư của ông Henry, tay bà run run, xúc cảm hiện rõ trên nét mặt, lan dần theo từng hàng chữ của bức thư. Đọc xong thư, mẹ im lặng nhìn vào cõi mông lung. Tôi hỏi:
– Mẹ sẽ trả lời ông Henry chứ?
– Để mẹ suy nghĩ cho chín đã.
Tôi với thằng Henry Tuấn sốt ruột, việc này có gì để phải suy nghĩ, đắn đo. Sau bữa cơm tối, tôi lại hỏi mẹ chuyện này. Mẹ nói với giọng bình thản, như đã suy nghĩ hết sức kỹ càng:
– Nhận thư của Henry, mẹ cảm động. Nhưng nếu mẹ và các con đi Mỹ, ba con sẽ nghĩ về chuyện này thế nào? Cả cuộc đời của mẹ đã thuộc về ba, còn với ông Henry chỉ là phút lỡ làng. Mẹ phải chuộc lại lỗi này để ba hiểu đúng về mẹ. Nếu gia đình mình đi Mỹ, ba con sẽ nghĩ sai về mẹ…
– Nhưng từ hồi ra lại miền Bắc, ba có vào thăm mẹ nữa đâu – Tôi phản bác.
– Mẹ hiểu là do dì con không muốn ba làm điều đó. Người đàn bà nào có chồng cũng ích kỷ. Đừng trách ba con.
Trước lý lẽ của mẹ, tôi thấy rất khó thuyết phục. Sự lần lữa của mẹ cuối cùng cũng đã làm cho tôi và thằng Henry Tuấn nguội ngắt hết mọi hy vọng đi Mỹ.
***
Ba tôi bị bắt.
Tên của ông dính trong một vụ tham ô lớn mà báo chí cả nước rầm rộ đưa tin. Ảnh ba mặc áo tù to đùng trên mặt báo. Có tờ báo còn gọi ba là “y”, “ hắn”. Tôi cầm tờ báo đăng ảnh ba tôi mặc áo tù, nói với mẹ:
– Mẹ xem, tình thương của mẹ đối với ba được ba đền đáp như thế nào. Sao mẹ không nghe con?
Mẹ tôi cầm tờ báo, đọc tin đó xong bà ngã ra đất, ngất lịm. Tôi và thằng Henry Tuấn vực mẹ dậy, hô hấp hồi lâu mẹ mới tỉnh. Nhận thư ông Henry, mẹ chỉ biểu lộ xúc động một chút, nhưng đọc tin ba bị bắt, mẹ mất ăn mất ngủ, tóc như bạc thêm, nếp nhăn hằn trên trán. Mẹ nói với tôi:
– Lúc này ba mới cần mẹ và các con thật sự.
– Ba có dì ngoài đó mà mẹ – Tôi nhắc.
Mẹ lắc đầu:
– Con đừng nói thế. Một người phụ nữ ích kỷ đã đối xử với mẹ và ba như vậy thì bà ta không có lòng thương với ba đâu.
– Nhưng mọi việc là do ba gây ra đấy chứ – Tôi không đồng tình với ý kiến của mẹ.
– Phải đặt mình vào hoàn cảnh của ba, con hiểu không? Ba con chỉ đáng thương, không đáng trách – Mẹ cố làm cho tôi hiểu.
Dự đoán của mẹ không sai. Sau khi ba bị bắt, dì đã hắt hủi ba tôi. Mọi tội lỗi trong vụ án ba tôi gánh hết, còn dì làm đơn li dị và đòi chia tài sản. Bà ta phủi tay. Toà kêu án ba tôi chín năm tù.
Mẹ và tôi đi thăm ba trong tù. Mới đó mà ba gầy xộp đi quá nhanh. Còn đâu nước da hồng hào ngày nào… Ba không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Gặp mẹ, ba khóc, những giọt nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo, bàn tay gầy xanh xao cầm giỏ quà như không vững. Có ai nghĩ cuộc gặp lần thứ hai sau ngày miền Nam giải phóng giữa mẹ và ba lại diễn ra trong cảnh oái oăm thế này…
Tôi đứng xa để cho mẹ và ba nói chuyện. Tôi nghe lõm bõm câu được câu mất: “Anh có lỗi… Anh ân hận lắm… Anh xin lỗi em và các con…” Tôi nghĩ, thà ông đừng nói câu nói đó. Quá muộn rồi…
Lần này mẹ bị ốm, một mình tôi đi thăm ba, cũng vẫn tâm trạng ấy. Tôi đi thăm ba chỉ để mẹ vui thì đúng hơn.
***
…Ở nhà chờ tại cổng trại giam rất đông người, vài phạm nhân được gặp người thân. Tôi đến gặp viên công an trực để đăng ký:
– Thưa anh, em là người nhà của phạm nhân Đỗ Văn Minh.
Anh ta ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt thoáng ngạc nhiên:
– Cô họ hàng như thế nào với phạm nhân Đỗ Văn Minh?
– Dạ, em là con gái của ông.
Viên công an gật đầu, lấy tay ra hiệu đã hiểu và mời tôi ngồi. Nét mặt anh tự nhiên buồn hẳn, anh nói chậm rãi:
– Cô bình tĩnh nhé, tôi báo với cô một tin buồn. Phạm nhân Đỗ Văn Minh đã tự tử vào tối hôm qua.
Tôi không tin vào tai mình, vội hỏi lại:
– Anh nói sao ?
– Phạm nhân Đỗ Văn Minh đã dùng khăn tắm nối vào chiếc quần dài để thắt cổ… Chúng tôi cũng có trách nhiệm vì chủ quan không lường hết sự việc… Không hiểu vì sao sau lần thăm nuôi trước, sau khi gặp vợ con, tâm trạng của phạm nhân Đỗ Văn Minh thay đổi. Chán ăn, hay thở dài, thường ngồi ủ rũ, ai hỏi gì cũng không nói… Đến tối hôm qua phạm nhân Đỗ Văn Minh đã tự chọn cho mình cái chết….