Trư cuồng (kỳ 14)

Nguyễn Xuân Khánh

Tiểu thuyết

Phần 2

Hành trình vào hỗn mang

Tôi ngồi im, lặng lẽ, không ngắt lời con người mà suốt một đời chỉ biết dạy dỗ mọi người. Tôi hiểu tư tưởng của ông ta nằm trong một lô cốt, bao ngoài bằng một lớp tường cực dày toàn xi măng cốt thép. Hãy để cho lô cốt ấy khạc đạn, lộ hoả điểm, lúc đó tôi mới tấn công.

– Để tôi giảng giải cho ông nghe thứ lý thuyết, thứ chủ nghĩa nó chi phối, bao trùm lên mọi hoạt động của đất nước này. Ông nên biết, điều độc đáo nhất trong lý thuyết của tôi, đó là sự tổng hợp. Tổng hợp giũa cổ và kim, tổng hợp giữa Đông và Tây. Tôi lấy làm lạ tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa Đông và Tây. Gió này muốn đánh bạt gió kia. Nước này muốn chứng minh ưu việt hơn nước kia. Nhưng, sự thực về lõi cốt Đông với Tây là anh em sinh đôi.

– Đông và Tây đúng là anh em sinh đôi.

Tôi gật đầu nhắc lại lời A1. Điều đó làm ông ta vui hẳn lên. Nhưng, tôi lại tiếp:

– Tuy nhiên, điều ông nói vừa rồi có chỗ sai.

– Sai thế nào? – A1 chằm chằm nhìn tôi.

– Những công việc ông đã và đang làm không phải là sự tổng hợp. Đó chỉ là sự thoả hiệp giữa cổ và kim. Đó chỉ là sự nhặt nhạnh những cung cách Đông, Tây rồi gom lại. Đó chỉ là phép cộng những điều ma quái.

Con người khổng lồ đó bật đứng ngay dậy, nhưng bình tĩnh:

– Không được hồ đồ! Ông cần phải chứng minh ngay những lời ông vừa nói ra.

– Ông nên xem xét lại chữ tổng hợp. Trong thời buổi này, khi nền văn minh đang Toàn – Cầu – Hoá, ai chẳng muốn nói mình là Tổng – hợp. Bởi vì Tổng hợp là Tình yêu, là sinh đẻ. Tổng hợp là tình yêu của muôn vạn khối óc cổ kim để đẻ ra một đứa con. Đứa con Tổng hợp Tình yêu ấy ắt phải hiền hoà. Ông hãy tự vấn xem những việc làm của ông đã hiền hoà chưa? Ông hãy tự vấn xem đã liệt những ai vào danh sách những con người cần tổng hợp. Chắc là có Khổng tử, Hàn Phi Tử; nhưng sao không có Thích Ca và Jesus? Chắc là có Hêghen nhưng sao lại quên được Kirkegard? Chắc là có Descartes, nhưng có lẽ vị trí của Rousseau và Dos thì bị coi nhẹ? Còn Hitler? Tôi đoan chắc rằng ông gạt bỏ tên người này khỏi danh sách. Ông sẽ gạch tên bằng bút chì đậm, thậm chí ông xoá đi, xoá lại cho tên đó chỉ còn lại một vạch ngang đen xì. Nhưng ông cần kiểm lại xem ở đất nước ông có mùi khét của những lò thiêu người không? Hoặc ở nước ông có còn bóng dáng những trại tập trung không? Sự man rợ kiểu Hitler là tội ác tởm lợm; nhưng sự man rợ được trá hình còn độc ác và tởm lợm hơn.

A1 nắm tay quắc mắt:

– Ông đang vu oan cho ta. Ta chưa bao giờ độc ác. Ta chỉ muốn sự vui cho con người.

– Đúng! Ông cưỡng bức người ta phải vui, bằng cách làm teo tuyến nước mắt của toàn dân. Ông nên nhớ, cái vui phải xuất phát tự đáy lòng. Cưỡng bức vui, con người sẽ hoá tâm thần. Thậm chí, ông còn tiêu diệt nước mắt. Nên nhớ: nước mắt là anh em sinh đôi của tình yêu. Hết nước mắt, tình yêu con người sẽ héo hon. Thử hỏi hành động ấy là văn minh, hay man rợ?

A1 thét to:

– Không đúng, đó là một kỳ công khoa học.

– Thứ khoa học phản bội con người.

– Anh là kẻ thiên về tình cảm. Hãy dẹp tình cảm lại. Tình cảm dẫn đến nhận thức sai lạc. Hãy dùng lý trí. Chỉ có lý trí con người mới sáng suốt.

– Lý trí của ông là thứ tôn giáo lý trí. Không ai phủ định lý trí; nhưng lý trí phải được cân bằng với cảm tính. Cái duy lý phải biết tôn trọng sự hiện diện của cái phi duy lý. Tuyệt đối hoá lý trí sẽ dẫn con người chui vào hố thẳm.

– Ôi chao! Anh khắc nghiệt quá. Hãy nhìn vào việc ta làm. Anh thấy người dân ở đây sung túc biết bao. Của cải dư thừa. Kho tàng đầy ắp.

– Tôi hiểu thứ lý thuyết kinh tế của các người rồi. Ngài muốn biến con người thành nô lệ cho miếng cơm. Ngài ơi! Tỉnh lại đi. Các ngài đang dần dần rơi vào chủ nghĩa sinh vật.

Những lời của tôi làm A1 trở nên điên dại. Hắn chắp tay sau lưng, đi đi lại lại, mắt long lên sòng sọc:

– Thế ra anh phủ định ta, phủ định lý thuyết của ta. Thực ra, anh là cái gì nhỉ? Phần tử trí thức ngông cuồng. Các anh là những kẻ viển vông, những kẻ chọc gậy bánh xe, bọn nói hão, bọn phá rối. Mao Trạch Đông chê các anh không bằng đống phân. Tần Thuỷ Hoàng đem các anh chôn sống. Hitler nhét lũ các anh vào lò thiêu người. Stalin nhốt các anh vào trại tập trung. Còn ta, ta sẽ đối đãi với các anh ra sao?

Trông dáng điệu điên rồ của A1 lúc này, tôi lại càng cảm thấy hắn ta quen thuộc. Hắn đi lại… cái đầu nhô ra đằng trước… đôi vai nổi bắp cuồn cuộn… chân dẫm thình thịch… cái mũi thở phì phò… và đôi mắt nhỏ sắc như hai lưỡi dao sếch lên… Đột nhiên, óc tôi chợt loé sáng. Hay là… Hay là… Tôi bỗng nhớ đến chiếc kính thần, mà tuần lễ trước Tám đã tặng tôi. Nhưng tôi quyết định vẫn chưa dùng đến chiếc kính đó vội. Tôi cố gắng đi tìm chân tướng của A1 bằng cách khác. Phải để cho hắn bộc lộ hết. Tôi dùng những lời mãnh liệt để tranh cãi:

– Các ngài đã và đang tấn công vào bộ não, trung tâm của con người. Các ngài đang tước bỏ trí tưởng tượng của con người mà sự thần kỳ của nó là những hoang tưởng. Con người ngoài đời sống trần tục còn một đời sống hoang đường. Các ngài tưởng đã bóc trần được mọi bí ẩn, nhưng không biết rằng hết bí ẩn con người sẽ bơ vơ. Những mưu toan của ngài sẽ thất bại thôi. Tôi có thể đoan chắc rằng mãi mãi con người sẽ là một bí ẩn. Bởi vì nó là một vũ trụ; mỗi cá nhân là một vũ trụ. Vũ trụ ấy là một nhành hoa, là hương lúa, là ánh sao, là tia mặt trời, là mây là nước, là con sâu cái kiến, là cả những câu tra hỏi và những khát vọng nóng bỏng… Ngài chỉ cho nó tiếng hát thôi ư? Không đủ, nó còn thèm sự cô đơn. Ngài chỉ dạy nó chém giết thôi ư? Không đủ, nó còn thèm đôi vú và cái hôn nóng bỏng đàn bà. Ngài tưởng rằng chỉ bằng nụ cười con nguời có thể lấp biển dời non. Nhưng ngài quên mất rằng, thiếu tiếng khóc, vũ trụ cao to cũng sụp đổ tan tành; và đến lúc đó, ngai vàng của ngài cũng hoá tro bụi. Vũ trụ con người phức tạp đến thế; nhu cầu con người đa dạng đến thế, mà ngài chỉ thoả mãn nó bằng miếng cơm manh áo thôi ư? Còn thiếu quá. Còn nghèo quá. Còn giản đơn quá. Tôi xin nhắc lại: Ngài đang xa vào chủ nghĩa sinh vật.

Trong lúc tôi nói, A1 vẫn lồng lộn đi lại, tay chắp sau lưng, đầu vươn phía trước. Hắn nghiến răng nhắc lại câu nói của tôi:

– Chủ nghĩa sinh vật.

Tôi vẫn cố gắng thuyết phục:

– Ngài nên nghĩ lại cho kỹ… Bởi vì con người vốn cực kỳ nhạy cảm. Rồi một ngày nào đó, sự thô thiển, chủ quan của ngài sẽ biến con người thành một đám đông bơ vơ. Đến một thời điểm nhất định, màng nhạy cảm của tâm hồn bơ vơ rung mạnh, sẽ biến họ thành kẻ điên khùng. Bấy giờ, dù nghĩ lại cũng quá muộn; vì tất cả sẽ tan tành, và tất cả chúng ta sẽ kéo nhau lăn vào vực thẳm.

Tôi đã đánh giá sai sự im lặng của A1. Hắn là người không bao giờ chịu thay đổi. Hắn bỗng đứng khựng lại, giơ nắm tay, và quát to:

– Không đúng. Không bao giờ như thế. Hỡi tên trí thức tiểu tốt kia! Ngươi đừng giở trò múa mép.

Hắn đang hùng hổ như vậy, tôi liền nắn gân hắn bằng một câu tưởng như lạc đề:

– Ông đã đọc Trư luận chưa?

– Cái gì? – Hắn đột nhiên tỏ ra sửng sốt. À… Một quyển sách Bách Khoa nghiên cứu về lợn. Trong đó, có một luận điểm nói rằng, một chiều kích của bản chất người là lợn.

Hắn gật gù:

– Có thể đúng đấy.

Thái độ của hắn vẫn tỏ ra ngập ngừng cảnh giác, song đã hết hung hăng. Tôi bồi tiếp luôn:

– Thực ra, con người không chỉ mang chất lợn, chất hổ, chất sói, chất rắn… mà có thể còn là, còn là con bồ câu, con thỏ, con bê non… Chính ngài là kẻ đã nhìn người lệch lạc. Ngài chỉ thấy mỗi một chất lợn, và đã khuyến khích riêng chất lợn trong con người thức dậy.

– Ta chưa hề bao giờ làm điều đó. Ngươi lại vu oan sằng bậy cho ta rồi. Ở đây, ta chỉ rao giảng những điều đẹp đẽ, như khoa học, lý trí và ấm no hạnh phúc. Cái lưỡi của ngươi quá lắt léo. Hãy coi chừng cái lưỡi.

– Đúng là chưa bao giờ ông nói ra điều ấy, nhưng thực chất việc làm của ông lại bộc lộ rõ điều ấy. Tôi còn biết các ông đang làm một công việc còn thâm độc hơn. Các ông đã tìm ra một loại vi ruýt Poócxinômani…

– Cái gì?

– Vi ruýt Poócxinômani. Thứ vi ruýt gây ra bệnh Trư Cuồng. Kẻ nào mắc bệnh ấy, nếu còn lương tri, thì cũng ôm nặng và điên loạn. Kẻ nào mắc bệnh ấy, nếu yếu đuối, thì suốt đời mê man chạy theo hình bóng loài lợn, tôn thờ lợn.

A1 đột nhiên đùng đùng nổi giận. Hắn quát to như sấm, gọi lính cảnh vệ; miệng hắn sùi bọt; tay hắn run rẩy.

– Hỡi anh em! Bắt lấy nó. Tên phiến loạn.

Tôi kịp thời rút ngay chiếc kính của Tám, đeo lên mắt.

Kỳ lạ thay! Trước mắt tôi là chú lợn khổng lồ, lông hung vàng; mắt ti hí long lanh căm giận; răng nó nhe ra như muốn ăn thịt tôi. Tôi vội vã kêu to:

– Lợn Bò! Lợn Bò! Con quái Trư! Con Trư Ma Vương! Chính mày là hắn, cũng là con quái trắng.

Những người lính đã ập tới. Họ lập tức còng tay tôi lại. Nhưng tôi vẫn cố sức hét to:

– Đừng tin lời A1. Trư Ma Vương! Trư Ma Vương! Lợn Bò! Lợn Bò! Lợn Bò!

Suốt đường hành lang toà lâu đài, tôi rẫy rụa và hét to như điên như cuồng:

– Trư Ma Vương! Trư Ma Vương!

Tôi muốn báo cho mọi người cùng biết nhân dạng đích thực của hắn. Hắn đã sổng chuồng đến đây tác quái.

– Trư Ma Vương! Trư Ma Vương!

Tôi kêu to đến khản cổ, đứt hơi, nhưng những người gặp tôi trên đường đi đều nhìn tôi bằng đôi mắt thản nhiên, thờ ơ. Tôi vẫn gào lên bằng tiếng gào trong sa mạc. Sa mạc mênh mông; chẳng tìm thấy tiếng vang. Mặc kệ tôi vẫn gào to, dù người ta có lôi tôi sềnh sệch đi:

– Trư Ma Vương! Trư Ma Vương!

Chợt có tiếng ai gọi, gấp gáp thất thanh:

– Ông Hoàng! Ông Hoàng ơi!

Tiếng gọi ấy làm tất cả mọi người đều dừng chân lại. Tôi quay đầu về phía một người đàn bà đang tất tưởi chạy tới. Người đàn bà ấy vừa chạy vừa khóc. Khuôn mặt trái xoan ướt đẫm nước mắt. Người đàn bà đó là cô Mi. Có những người ra cản, giữ Mi lại. Mi giơ tay lên trời như muốn vẫy gọi tôi. Cái vẫy tay quen thuộc. Và trong chớp nhoáng, tôi bỗng thấy cô Mi bỗng biến thành cô Hồ Ly thân thuộc của tôi. Chúng tôi vẫy nhau:

– Hồ Ly! Hồ Ly!

– Ông Hoàng! Ông Hoàng!

Đột nhiên cổ họng khô rát vì gào thét của tôi bỗng dịu lại. Lòng tôi bỗng mát rượi, nhẹ nhàng. Tôi thầm thì sung sướng: “Đâu có phải là sa mạc… Vẫn có người đáp lại lời ta… ít nhất, cũng còn có một người. Ít nhất cũng còn giúp được cho một con người tìm lại được nước mắt đã bị đánh cắp từ lâu” Cô Mi của tôi đã biến thành cô Hồ Ly. Tôi vẫn gọi:

– Mi ơi! Mi ơi!

– Hồ Ly ơi! Hồ Ly ơi!

… … …

V. Trở về

Tiếng gì lách rách như tiếng mưa xuân. Mùi gì thoảng thơm như hương ngâu, hương bưởi. Không gian trong ta chuyển từ hồng sang trắng sữa. Cái nóng trong ta vợi tan; hình như có những phẩy gió nam đang lay gọi. Nhẹ nhẹ… Vơi vơi… u oa… ơi ơi… Tiếng thần linh hay ma quỉ? Tiếng quái hay tiếng người? Tiếng thì thào ở trong tôi, tiếng đánh thức, tiếng dẫn nẻo ta đi từ cõi tối trở về với cuộc đời.

– Dậy, dậy đi thôi!

– Tôi đang ở cõi ngục, hay đang trụ nơi cây cỏ và ánh sáng mặt trời?

– Dậy, hãy dậy đi! Sáng tỏ mặt rồi.

– Ai nói với tôi? Hay là…?

– Tôi.

– Tôi là ai?

– Tôi là hiền dịu, là bạn bè, là tình yêu, là hài hoà, là xứ ấm… Tôi là ốc đảo…

– Hãy nói nữa đi. Phải chăng tiếng người? Từ lâu, tôi chẳng được nghe tiếng người.

– Anh vừa lạc từ những khu rừng hoang về; ở đó là rừng tối, núi cao và nhiều dốc đứng. Nhớ nhé đừng đặt chân vào sườn dốc, dù cố ý hay vô ý thức. Bởi vì điểm xuất phát có thể là nhân hậu, tốt đẹp, nhưng điểm cuối cùng của nó là vực thẳm ác độc.

– Hãy tha thứ cho tôi. Từ bao lâu nay, tai tôi, đầu óc tôi đã ù đi, đã mụ mị đi vì những lời mật ngọt. Mật ngọt chăng lưới như thiên la địa võng, đến nỗi làm khô cạn cả lòng tin trong tôi.

– Sao lại nghi ngờ? Hãy mở mắt ra. Đôi mi trĩu nặng lắm sao? Hãy ráng sức mà hé mở, hé nhìn… Đã thấy gì chưa? Một chút mầu xanh xanh vẫn còn đằng trước mặt. Đã nghe thấy âm thanh dịu vợi của nó chưa? Đã hé thấy những sắc mầu thanh thoát của nó chưa?

– Ôi! Xa xôi quá! Chỉ thấy một chấm sao mờ… và chỉ thoáng nghe một âm vang gió động.

– Chính nó đấy. Nó là ốc đảo trong mênh mông sa mạc. Nhưng hãy tin ở nó, bởi vì khi gặp duyên sa mạc khô sẽ trở thành rừng xanh.

– Duyên nằm ở đâu? Sao duyên chẳng đến với bao kẻ đợi chờ? Thú thật, tôi sợ hãi sự đợi chờ.

– Duyên là hạt ngủ. Hạt có thể ngủ hàng ngàn năm mới thức giấc; nhưng hạt cũng có thể nẩy mầm trong giây lát. Duyên cũng là làn gió gieo hạt đi xa. Duyên cũng là máu là mưa tưới sống mầm hạt. Duyên cũng có thể là trái tim phập phồng khắc khoải. Hạt đang ngủ ở kẽ tim, ở những miền tối mờ sọ óc. Hãy nhớ: có ngủ, ắt phải có thức.

– Chao ơi! Tôi mệt lắm rồi. Gân, thịt tôi như nhão ra.

– Cố lên! Hành trình tới ốc đảo còn xa xôi và hiểm nghèo.

– Khéo tôi chết dọc đường.

– Sao lại chết? Anh là tự do; mà tự do thì có bao giờ biết chết.

– Xin cho tôi chút nước.

– Đây, uống đi. Song ít lắm. Hãy uống bằng nhấp môi.

– Chỉ có một giọt thôi sao?

– Rồi mồ hôi sẽ đổ xuống. Có thể cả máu cũng chảy luôn. Nhưng, không sao cả. Một giọt nước sẽ trở thành nghìn triệu giọt.

– Tôi hiểu rồi.

– Thế thì mừng.

– Sao mắt tôi hoa?

– Anh nhìn thấy gì?

– Thấy một đám xanh xanh.

– Từ một đốm sao thành một vạt xanh. Chính nó đấy. ốc đảo đấy. Đúng, nó mầu xanh.

Lòng tôi chợt mát rượi. Ai quạt cho tôi?

– Ốc đảo quạt đấy.

– Tôi thấy đầu óc tỉnh táo, mà miệng như pha vị ngọt. Chẳng thấy khát nữa.

– Phải rồi. Vì ốc đảo là nguồn suối, là giấc mơ, nhưng cũng là có thực. Đừng có bao giờ quên ốc đảo, đừng bao giờ đánh mất ốc đảo …

– Hãy nói nữa đi. Nói thêm cho tôi nghe về ốc đảo.

– Chẳng thấy ai trả lời. Chỉ nghe thấy một thầm thì. Tiếng mưa hay tiếng khóc?… Những giọt mưa thỉnh thoảng rơi trên mí mắt tôi… ấm áp. Ô kìa! Ai mưa khóc trên mặt tôi?…

Tôi mở mắt. Bừng tỉnh. Tôi chợt hiểu, tôi đã trở lại nhân gian.

Một bóng người nhoà nhoà sương trắng. Những đường nét của một khuôn mặt thân quen dần tỏ rõ.

– Anh Hoàng! Anh Hoàng! Anh đã tỉnh hẳn chưa?

Tôi đã nhận ra bộ mặt hiền hậu của vợ tôi. Tôi chợt bồi hồi tiếp nhận những giọt mưa mắt của nàng nóng hổi chảy vào trái tim tôi. Tôi chợt ngửi thấy mùi riêng của nàng, cái mùi thơm hăng hắc của mớ tóc đen, cả cái vị ngọt ngào của đôi vú ấm.

Lúc này tôi hoàn toàn hiểu rõ rằng tôi đang sống thực, rằng tôi đã từ cõi chết trở về. Ba mươi ngày hôn mê, lang thang trong những đêm sương đầy ắp kỷ niệm và những ảo giác. Những phút vừa qua, tim tôi chợt thoi thóp, cơn sốt chợt bùng to. Những đêm sương định kéo tôi về hẳn đất chết. Và vợ tôi đã khóc, đã lay, đã gọi. Nàng áp mặt vào mặt tôi, dùng hơi thở để tiếp sống. Nàng đã ôm tôi vào lòng, để chia xẻ cái ấm áp, sự sống cho tôi. Nàng đã ấp đầu tôi vào lồng ngực, dùng đôi vú mà lay gọi tôi trở về với cuộc đời.

Hãy tha thứ cho anh, cho những giờ cay đắng vì anh. Em là mẹ anh, vì tình yêu giản dị của em đã đẻ ra anh lần thứ hai.

Tôi chợt giật mình, hỏi vợ:

– Cái gì thế, em?

– Anh ngủ đi. Anh hãy nằm im. Chẳng có gì hết cả.

Nàng dỗ dành tôi như dỗ trẻ; nhưng tôi nhắm mắt làm sao được. Tôi đã ngủ suốt một tháng dòng, nên lúc này tôi hoàn toàn tỉnh táo, mặc dù tôi không thể nhấc chân tay lên nổi. Và điều lạ lùng là tai tôi còn thính hơn khi xưa nhiều. Tôi nghe thấy tiếng những giọt mưa rơi rất nhẹ ngoài hiên. Tôi nghe thấy cả tiếng chân chạy của một con chó ngoài đường. Nghe thấy cả tiếng lá cây bên nhà sào sạc. Tiếng sào sạc của vòm lá khế…

Quái! Có tiếng người xì xào. Hình như nghe thấy cả tiếng một thanh sắt liếc vào thành chum nước.

– Người ta liếc dao em ạ.

– Chẳng có gì hết cả. Anh ngủ đi! Ngủ đi.

Nàng choàng chiếc chăn lên đầu tôi. Tôi nghĩ vơ vẩn: ”Hay là mình vẫn còn mê?” Không! Chắc chắn là không! Bởi vì tôi vẫn cảm nhận được hơi nóng của người nàng chạy dài suốt người tôi. Trong chăn kín, tôi chợt nghe loáng thoáng tiếng người: “Chụp ngay vào đầu nó.” Tôi hốt hoảng cố nhoi ra khỏi chăn, và hỏi:

– Chụp cái gì?

Vợ tôi im lặng, không trả lời. Cô ta ôm lấy tôi. Chợt có tiếng kêu vang eng éc… Tôi giật nảy người, căng mắt nhìn lên đình màn đen kịt. Dần dần, tôi liên tưởng, và nhớ lại… Tôi xác định vị trí nơi tôi nằm, rồi chợt nghĩ ra, ở bên kia vách là chuồng con lợn Bò. Có tiếng hồng hộc và tiếng người người khiêng ì ạch. Tiếng một người quen ồ ồ cất lên:

– Bình tĩnh nhé. Cắt ngang chỗ này, rồi thọc dao vào chính giữa, đâm thẳng dao chui vào lồng ngực, sau đó lách nghiêng sang trái. Nó nặng đẫy tạ, khổ mỡ dầy, nên phải đâm thật sâu.

À… Tôi hiểu rồi. Thực chứ không phải mơ. Người ta đang giết con lợn Bò. Và tiếng nói vừa rồi là tiếng Hợi. Tiếng ồ ồ ấy vẫn ra lệnh:

– Quấn dây cao su vào mồm, cho nó khỏi kêu… Xong chưa?… Đừng có run tay… Đâm cho thật chính xác, kẻo rồi dao lại chui vào nách lợn. Tốt!… Tốt!… Cứ như thể… Tiến lưỡi dao về phía ức… Khá lắm! Trúng rồi!… Dao chui vào ngực rồi… Nhích mũi dao sang trái… Về phía tim. Có thể ngoái dao cho đứt hết mọi mạch máu chằng chịt quanh tim… Chúa lắm! Đè mạnh vào chuôi dao, tạo lỗ cho máu chảy ra…

Tôi cứ nằm đờ mà nghe, để cho trí tưởng tượng nhìn thấy cái vóc dáng to ù của con lợn Bò đang giẫy chết, đang co giật. Kìa! Ai thế kia? Ai đang đè đầu con quái Trư? Phải chăng là thằng Linh con trai tôi? Chính nó. Thằng bé toát mồ hôi hột. Tôi trông rõ cả dòng máu từ cổ con lợn Bò ồng ộc chảy ra. Chà, chà! Con Trư Ma Vương! Mày khoẻ thật! Mày đạp bắn cả chú Hợi đang lên gân ráng sức giữ hai chân sau của mày. Nhưng thoát sao khỏi tay chú Hợi. Đột nhiên, tiếng kêu của con lợn Bò lại vang lên inh ỏi. Chú Hợi lại ồ ồ nói:

– Tuột giây cao su buộc mồm rồi. Buộc lại đi, Linh.

Có lẽ thằng con tôi cố gắng buộc lại, nhưng không nổi. Con quái Trư cắn vào tay nó. Thằng Linh cáu kỉnh:

– Thì, mặc mẹ cho mày kêu.

Con lợn Bò kêu vang trời. Tiếng lợn kêu náo động ngõ nghèo, làm cho lũ chó khắp nơi kêu lên như báo động. Tiếng con lợn Bò kêu lên ằng ặc … thê thảm… Hình như căn nhà tôi ở cũng rung rinh theo tiếng lợn kêu.

Rồi đột nhiên, tiếng kêu rộ lên, ré lên… Có lẽ lưỡi dao của con tôi đã thọc thẳng vào buồng tim con quái Trư. Cuối cùng tiếng kêu của con lợn Bò nhỏ đi… chỉ còn là tiếng hồng hộc, hồng hộc nhỏ dần… và cuối cùng là… tắt lịm. Tiếng lợn ngừng kêu làm không gian đang căng thẳng ra, đột nhiên chùng lại. Tiếng những con chó cũng thưa dần và ngừng bặt.

Có tiếng gà gáy. Sắp sáng. Từ nãy, cánh tay run rẩy của vợ tôi vẫn ôm chặt lấy đầu tôi. Đôi cánh tay che chở ấy lúc này cũng dãn ra. Bàn tay run run của nàng đặt lên trán tôi:

– Mình ơi? Mình có sao không?

– Chẳng sao cả.

Vợ tôi thở dài nhẹ nhõm. Nàng lại tiếp tục kéo chăn lên đầu tôi.

Phần 3

Đoạn kết nhật ký lợn

Ngày… tháng…

Suốt một thời kỳ dài nuôi lợn, rồi ốm mê man. Thời kỳ xáo động. Trong thời kỳ đó, lòng tôi như lửa nung. Không gian nhà tôi như lò cháy. Rừng rực. Rừng rực… Con bất đồng với cha; vợ hận thù chồng. Hạt điên rồ có lẽ nảy mầm từ trong xương tuỷ. Trư cuồng! Poóc xi nô ma ni! Lòng tôi, đến lúc này, vẫn thấm đượm những dư vị đắng cay, chua chát của nó.

Trên giường hồi phục, tôi im lặng nằng nhớ lại. Trư cuồng! Sao mày ác độc! Cũng may, ngọn lửa rồ dại của mày vẫn chưa thiêu trụi nhà ta.

Con gà mái nhẩy ổ đẻ cục tác thanh bình. Không gian sống thật êm đềm. Mưa xuân vẫn rí rách. Nghe thấy cả tiếng đàn chim vành khuyên trên cây doi sau nhà. Nghe thấy cả tiếng con quốc gọi nắng về trên vạt rau muống xuân bồng bềnh xanh mướt.

Hầu như đã trở lại thanh bình và hiền hoà. Hết nóng, hết sốt, hết mê sảng. Hết tiếng lợn kêu, lợn rống. Hết những hục hặc, những hầm hè của những con người sống cùng dưới mái nhà. Nhưng, liệu có thật giống vi ruýt điên rồ đã chạy trốn? Vợ tôi đã thịt bán con quái Trư; song liệu giống vi ruýt Trư Cuồng đã rời bỏ ta chưa?

Vừa qua con lắc chạy sang thời kỳ xáo động; hiện nay, con lắc lại quay sang thời kỳ hiền hoà. Rồi tiếp sau đó thì sao? Có thể xao động mãi mãi, hay là hiền hoà mãi mãi? Có thể xáo động kéo dài không ngừng để biến thành một cơn bão. Cũng có thể ốc đảo xanh cứ nhỏ dần, bé dần trước sự tấn công của bão cát, để cuối cùng tất cả biến thành sa mạc. Có thể như thế lắm chứ sao?

Ngày… tháng…

Tôi khoẻ lại thật nhanh. Da thịt tôi trở lại hồng hào rất nhanh. Nhưng có phải tất cả các vở kịch trên đời này đều kết thúc bằng mầu hồng đâu. Trên trái đất, giờ phút này, chắc có cũng nhiều nơi cũng êm ả, cũng thanh bình như ngôi nhà tôi đang ở. Cũng có nhiều da thịt hồng hào trở lại như da thịt của tôi. Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng loại bệnh kỳ quái ấy đã chấm dứt. Bệnh ấy là bệnh dịch. Nó tắt rồi lại xuất hiện. Sự độc hại của nó là một độc hại ma quái. Nó biết lột xác, biến hình. Anh Tám chưa kịp nghiên cứu lịch sử, vận động của nó, nhưng tôi tin chắc rằng nó đã trải qua nhiều biến dạng, nhiều thịnh suy kể từ thời nguyên thuỷ.

Tám ơi? Bây giờ anh ở đâu? Anh chết hay sống? Sao chẳng thấy tin anh? Cứ nghĩ đến lần gặp gỡ cuối cùng với anh, lòng tôi như thắt lại. Cuộc gặp gỡ trong giấc mơ nhưng tôi tin là có thật.

Các người ơi, tôi chưa kể đến cái kết thúc bi thảm của chuyến du hành đến Cực Thiên Thai, chưa kể đến lần gặp gỡ cuối cùng với anh Tám. Tôi không muốn nhắc đến vì tôi rất yêu anh; nhưng, nghĩ cho cùng, tôi phải nhắc, bởi vì im lặng tức là đồng loã, tức là tạo điều kiện cho tội ác lộng hành.

… … …

Hôm ấy, người ta xích tay tôi, và giải đến một nhà giam đặc biệt, na ná như nhà giam tử tù. Nó chuyên dùng để nhốt những con người bị xử tội nặng nhất. Nói rằng na ná, vì ở đây không bao giờ người ta xử tử tù nhân; xứ Vui rất hãnh diện vì đã xoá bỏ được hình phạt xử tử. Sách báo quảng cáo điều này rùm beng.

Người ta tháo còng cho tôi, và đẩy tôi vào một căn phòng mênh mông. Căn phòng tối mờ nên phải vài phút sau tôi mới nhận rõ được xung quanh. Đó là một căn phòng trống, sạch sẽ đến rợn người. Trần nhà, tường nhà đều sơn trắng, nền lát gạch men trắng. Mầu trắng toát làm ta lạnh đến xương tuỷ.

Còn đang choáng trắng, tôi bỗng nghe thấy một giọng nói cất lên, từ cuối phòng xa tít:

– Hoàng đấy phải không?

– Ai gọi tôi?

– Tám đây.

Tôi chăm chú nhìn về phía tiếng gọi, và chợt thấy một chiếc hòm, có lẽ một chiếc tủ thì đúng hơn. Tôi lại gần chiếc tủ được bưng kính xung quanh ấy. Tôi rất ngạc nhiên vì thấy một con người kỳ quái ngồi trong tủ kính. Lạ thật! – Tôi suy nghĩ – Không phải là Tám; một con khỉ hoặc một con đười ươi biết nói thì đúng hơn. Tiếng cười quen thuộc lại vang lên:

– Không nhận được ra tớ sao?

Tôi nhìn kỹ. Thân hình đúng là mình mẩy một con khỉ, nhưng chiếc đầu lại đúng là đầu Tám. Mớ tóc dài, râu ria xồm xoàm. Tôi chợt nhớ ra, lúc gặp Tám ở phòng thí nghiệm, Tám bảo tôi anh phải cải trang để khỏibị nhận dạng. Tôi hỏi to:

– Đúng là anh Tám vậy sao?

– Vâng. Anh trông tôi kỳ quái lắm phải không?

– Làm sao đến nông nỗi này? Hay là họ đã tiêm thuốc để thân thể anh mọc lông mọc lá?

– Anh trông người tôi giống một con khỉ?

Tôi không trả lời. Còn Tám lại cười một nụ cười cay đắng:

– Còn hơn sự tưởng tượng của anh. Đúng, từ cổ trở xuống là thân hình của một con vượn người. Chỉ riêng cái đầu lâu là của Tám thôi.

– Tức là… họ làm một phẫu thuật, cắt đầu của anh ghép vào mình con khỉ?

– Ha ha… Đúng là họ không giết tôi. Họ đã chặt đầu tôi, nhưng vẫn cho cái đầu ấy sống ở trên thân thể một con vật. Họ muốn biến tôi thành một thứ nửa người nửa khỉ. Họ thí nghiệm xem, với một thứ người hỗn hợp như vậy, đầu óc tôi có thay đổi … tức là có cải tạo được không. Thí nghiệm được tiến hành từ ngày họ bắt tôi với anh. Anh xem cái băng dính trên cổ tôi vẫn chưa được tháo, vì vết ghép chưa liền hẳn da. Tôi được nuôi trong cái lồng kính này, tức là một môi trường vô trùng tuyệt đối, và ở những điều kiện sống nhân tạo tối ưu. Ha ha…

Tôi rợn gáy vì tiếng cười của Tám. Chợt anh nhăn nhó, giơ bàn tay lông lá lên ôm lấy cổ. Có lẽ anh cười to quá làm động đến vết nối. Tôi thấy nước mắt anh chảy ròng ròng. Đột nhiên, tôi phản xạ, sờ tay lên cổ. Có lẽ tôi khiếp hãi chăng. Tám lắc đầu nói nhỏ:

– Anh không lo. Tội anh chưa được mức hưởng loại thí nghiệm kỳ quái này đâu.

– Nghĩa là ngoài những câu nói ở phòng thí nghiệm, anh còn làm những điều khác mà A1 cấm đoán? Anh làm điều gì vậy?

– Tôi làm giặc.

– Anh làm giặc sao nổi. Anh hiền lành…

– Nói cho đúng hơn, họ đã kết tội tôi làm giặc, vì tôi đã tiến hành một công việc hết sức hiền lành. Có thể nói đó là một công việc nhân đạo.

– Anh đã làm gì?

– Tôi đã tìm ra một thứ thuốc nhỏ mắt để phục hồi lại tuyến lệ cho con người ở đây. Vì, tôi cũng như anh, chúng ta đều phẫn nộ khi thấy con người thèm khát nước mắt mà không biết khóc. Thuốc của tôi đã làm cho hàng vạn con người lấy lại được nước mắt.

Tôi buồn rầu:

– Việc anh làm tốt đẹp, nhưng cực kỳ nguy hiểm.

– Và đã xảy ra cuộc diễu hành Nước – Mắt của ba vạn người trước lâu đài Bất Tử. Anh thử nghĩ xem: có tới ba vạn con người Nước Mắt, rồi có thể đến lúc nào đó sẽ có tới hàng chục vạn con người Nuớc Mắt. Nước mắt sẽ ngút trời. Nó có thể làm rung rinh lâu đài đá hoa. Sau cuộc diễu hành Nước Mắt ấy, cái gì sẽ diễn ra ở đáy sâu hộp sọ con người … Biết đâu đấy, có thể giông bão cũng nên. A1 hiểu điều đó nên đã thẳng tay đàn áp. Hắn đã cho bắt gọn ba vạn Con người – Nước mắt và tiến hành một thí nghiệm chưa từng có. Hắn đã tổng tiến công vào bộ não. Tiêm thuốc vào não; cắt ghép những bộ phận của não; thậm chí thay thế não người bằng não khỉ…

– Một điên rồ chưa từng thấy.

– Những chuyên gia cho rằng bước đầu thí nghiệm đã thành công. Lũ Người – Nước – Mắt đã biến thành một lũ Người – Ngoan. Tuy vậy người ta còn tiếc rẻ vì hai phần ba số người thay não bằng não khỉ đã không chịu được.

– Nghĩa là đã có hàng nghìn người chết sau khi thay não.

– Không có ý nghĩa gì với A1. Những xác chết còn tươi ấy lại được dùng vào những thí nghiệm khác. Ở Cực Thiên Thai có một trung tâm nghiên cứu thuốc bổ dưỡng; nguyên liệu của nó là các phủ tạng người và thịt người. Có loại thuốc quí nhất dùng riêng cho A1 được gọi là viên trường sinh có khả năng cải lão hoàn đồng.

– Những viên thuốc mầu xanh đựng trong hộp ni lông mầu hồng?

– Chính những viên thuốc đó. Tôi có thể liệt kê cho anh vài thứ quí dược kiểu ấy: Cao xương người (được giới thiệu còn tốt hơn cao hổ cốt), Phi-la-tốp thai nhi (lấy từ thai của các bà đẻ), Hê-pa-phốt gan người, tinh chất giáp trạng, tinh chất thượng thận, Phi-la-tốp não người, Phi-la-tốp tuỷ sống … Nhưng các ngài tai to mặt lớn thích nhất hai loại biệt dược: nước ép tinh hoàn và nước ép buồng trứng người.

– Thôi, thôi… Xin đừng nói nữa.

– Anh không tin lời tôi sao? Theo cách lập luận ở đây: người thượng cổ thích ăn thịt người; sau đó đến một thời kỳ dài việc ăn thịt người bị cấm; theo phép biện chứng, cuối cùng con người lại trở về thói ăn thịt người nhưng ở một trình độ cao hơn. Tức là xác những người chết sẽ được kỹ nghệ chế biến thành thức ăn, thành thuốc. Con người ăn thịt người một cách gián tiếp. Họ cho rằng đó là một vòng tròn khép kín không lãng phí về mặt kinh tế. A1 khinh thường Hít le vì tên này hiểu biết quá sơ sài về mặt kinh tế. Thiêu xác người dùng làm phân bón cũng là kinh tế, nhưng việc sử dụng kinh tế ấy quá thô thiển và lãng phí. A1 cho rằng trong tương lai, mọi xác người chết đều phải được tái sản xuất, để trở thành thức ăn, thuốc bổ cho người sống. Phương hướng đó nhằm giải quyết nạn thiếu thức ăn. Tương lai, nền công nghiệp thực phẩm thịt người sẽ là công nghệ tinh vi nhất, phồn thịnh nhất.

– Thôi! Ngừng lại! Tôi buồn nôn quá rồi.

– Đừng vì buồn nôn mà làm ngơ, không dám nói. Con người đang quay trở về Mông Muội. Ngày xưa, người ta ăn thịt người còn ở một phạm vi hẹp và lén lút. Bây giờ, ăn thịt người biến thành một kỹ nghệ. Mới đầu người ta còn buồn nôn khi ăn thịt người, nhưng dần dần việc dó sẽ thành quen. Mới đầu người ta còn thờ ơ, sau đó người ta sẽ thích thú với chuyện đó. Vì vậy ta cần phải giữ cái phản xạ buồn nôn khi nghĩ đến ăn thịt người, và phải giữ phản xạ ấy kéo dài mãi cho đến ngày cuối cùng của loài người.

– Có tiếng máy chạy sè sè. Cái lồng kính nhốt Tám bỗng từ từ được nâng cao, kéo lên trần nhà. Tám cúi đầu, cố dặn với xuống:

– Họ đưa tôi đi làm thử nghiệm lần cuối, xem đầu óc tôi có thay đổi chút nào trên cái thân xác khỉ này không.

– Nếu không thì sao?

– Thì họ sẽ đục não tôi ra, và thay thế bằng một bộ não khỉ.

– Anh Tám. Anh Tám…

Tôi kêu to, gọi theo, nhưng chiếc lồng kính đã chui tụt vào trần nhà. Chung quanh tôi, lúc này chỉ là một mầu trắng bơ vơ.

– Anh Tám. Anh Tám.

Tôi cúi đầu, ôm mặt nức nở. Rồi sau đó số phận anh Tám ra sao? Tôi không đủ can đảm để hồi tưởng tiếp.

Ngày… tháng…

Đêm qua, tôi toàm mê thấy cái đầu lâu máu me của Tám. Tôi mê sảng gọi Tám nhiều lần. Vợ tôi sợ hãi ôm lấy tôi mà khóc. Cô ấy sợ vẫn còn bệnh. Tỉnh dậy, tôi thấy toàn thân lạnh toát. Tôi thở dài. Vợ tôi hỏi:

– Có chuyện gì?

Tôi không trả lời, nhưng trong lòng rầu rĩ. Tôi tin chắc rằng đã có chuyện gì đó xảy ra với Tám. Không hiểu sao, tôi cứ một mực tin rằng những chuyện xảy ra trong giấc mơ là hoàn toàn có thật.

Con trai tôi đã chọc tiết con lợn Bò, con Trư Ma Vương, nhưng liệu con quái ấy đã chết thật hay chưa? Ồ, mà sao ta thật ngây thơ. Ở đời này, có biết bao nhiêu chú lợn Bò. Giết con này sẽ còn con khác. Cứ nghĩ đến điều đó, lòng tôi lại thêm rầu rĩ.

(Còn tiếp)

N.X.K.

Comments are closed.