Cải chính các thông tin sai về Phan Khôi của nhà xuất bản Thế giới

Phan Nam Sinh

1- Sự nghiệp cầm bút của Phan Khôi có kéo dài hơn nửa thế kỷ?

Cuối năm 2020, nhà xuất bản Thế giới đã tái bản cuốn “Việt ngữ nghiên cứu” của Phan Khôi và đã tùy tiện đưa lên trang bìa những thông tin rất không chính xác về ông. Bài này sẽ lần lượt đính chính những chỗ không chính xác đó, nhằm để bạn đọc và nhà xuất bản được rõ, tất nhiên là cũng chỉ rất sơ lược.

 

image

Sự nghiệp cầm bút của Phan Khôi có đúng là kéo dài hơn nửa thế kỷ như nhà xuất bản Thế giới nói không?

Như ta đã biết, Phan Khôi sinh năm 1887, mất vào năm 1959, thọ 72 tuổi. Trừ một năm cuối đời, tức là từ khi ông cho đăng truyện ngắn cuối cùng “Ông Năm Chuột” trên tuần báo “Văn” (1958) Phan Khôi thôi hẳn việc viết lách, nếu có thì chỉ viết cho riêng ông hoặc cho người thân trong gia đình chứ không nhằm để đăng báo hay in sách. Như thế là chỉ còn có 71 năm.

Nếu là sự nghiệp cầm bút của Phan Khôi kéo dài hơn nửa thế kỷ như nhà xuất bản nói thì chí ít Phan Khôi cũng phải bắt đầu viết trước năm 1906. Lúc đó Phan Khôi còn đang đi học, chưa đỗ tú tài nho học thì viết làm sao được?

Nếu lại chỉ tính từ năm 1911, là năm Phan Khôi ra tù cũng chỉ còn lại 1958 – 1911 = 47 (năm).

Cứ cho là sự nghiệp cầm bút của Phan Khôi bắt đầu từ năm 1911, tức là năm ông ra tù (sự thật không phải vậy mà sau đó nhiều năm nữa) cũng chỉ có 47 năm. Thế thì lấy đâu ra mà nhà xuất bản Thế giới dám bảo sự nghiệp cầm bút của Phan Khôi kéo dài những hơn nửa thế kỷ? Sai đến thế là cùng! Thực ra, sự nghiệp cầm bút của Phan Khôi chỉ kéo dài hơn 40 năm một ít mà thôi!

Viết như nhà xuất bản thì các nhà nghiên cứu ở vào các thế hệ sau biết tìm ở đâu cho ra 10 năm kia của sự nghiệp văn chương Phan Khôi?

2- Lằng nhằng thơ cũ, thơ mới; lẫn lộn thi thoại, tập thơ!

Ở phần “Các tác phẩm tiêu biểu” của Phan Khôi, mục “Văn học”, nhà xuất bản Thế giới viết như sau:

Văn học:

– Thơ cũ: Vịnh Thủy Hử, Chơi thuyền trên sông Tân Bình, Khai bút,…

– Thơ mới: Tình già, Hớt tóc, Nắng chiều, Hồng gai, Hai cảnh trên xe hỏa.

– Tập thơ: Chương Dân thi thoại.

– Truyện ngắn: Đọc lệch giết lầm, Ông Năm Chuột, Ông Bình Vôi.

– Tiểu thuyết: Trở vỏ lửa ra.

Thơ Phan Khôi mà phân ra thơ cũ, thơ mới như kiểu nhà xuất bản Thế giới đã làm là rất tùy tiện, thiếu khoa học, bởi chẳng tuân theo một tiêu chí hay một quy luật nào cả.

Xem phần “Thơ cũ” với những bài “Vịnh Thủy hử”, “Chơi thuyền trên sông Tân Bình”, “Khai bút” thì có vẻ như nhà xuất bản quan niệm thơ cũ là thơ được viết theo các thể thơ xưa như cổ phong, song thất lục bát, Đường luật. Thế thì hà cớ gì nhà xuất bản lại xếp bài “Hồng gai” vào “thơ mới”, trong khi “Hồng gai” được viết bằng thể lục bát, ngày 16-3-1951, trên đường Tuyên Hà:

Hồng nào hồng chẳng có gai

Miễn đừng là thứ hồng rài không hoa

Là hồng thì phải có hoa,

Không hoa, chỉ có gai mà ai chơi?

Ta yêu hồng lắm hồng ơi,

Có hoa mà cũng có mùi hương thơm.

Không chỉ thế, nhà xuất bản còn viết sai cả tên một bài thơ của Phan Khôi mới càng lạ!

Nhớ là Phan Khôi có hai bài làm ở hai thời điểm cách xa nhau, trong có nói về việc hớt tóc.

Một là bài “Vè cúp tóc”, mở đầu bằng mấy câu Tay trái cầm lược, Tay phải cầm kéo. Cúp hè! cúp hè!…ông làm vào năm 1906 để cổ động cho phong trào cắt tóc ngắn hồi đầu thế kỷ 20, đăng trên báo “Ngày nay”, số Tết Kỷ Mão (1939) nhưng nó là vè chứ đâu phải là thơ!

Hai là bài thơ bốn câu “Hớt tóc trong bệnh viện quân y”, viết năm 1952, tại Việt Bắc, mãi tới năm 1956 mới đăng trên “Giai phẩm mùa thu”:

Tuổi già thêm bệnh hoạn

Kháng chiến thấy thừa ta

Mối sầu như tóc bạc

Cứ cắt lại dài ra.

Vậy bài thơ “Hớt tóc” mà nhà xuất bản Thế giới nói đó là bài nào? Tôi dám quả quyết rằng, cả đời viết văn, làm thơ của Phan Khôi chẳng có bài thơ nào có tên là “Hớt tóc” cả!

Nhà xuất bản còn nhầm lẫn “thi thoại” với “thơ” mới lại càng quá quắt hơn nữa!

“Chương Dân thi thoại”! Cái nhan đề sách đã viết rõ nó là “thi thoại” không phải thơ, vì sao nhà xuất bản còn xếp nó vào mục “Tập thơ”, trong khi cả đời viết văn, làm thơ, Phan Khôi chưa từng xuất bản một tập thơ nào cả! Chả lẽ nhà xuất bản lại không phân biệt nổi “thơ” với “thi thoại” hay sao?

Tại mục “Truyện ngắn”, chỉ mỗi “Ông Năm Chuột” là đúng, còn lại là…trật lất! “Đọc lệch…giết lầm” chưa rõ có phải là của Phan Khôi thật không, đăng ở đâu, ngày tháng năm nào, chỉ biết là Nguyễn Tấn Long đã đưa vào cuốn Thượng, mục “Phan Khôi”, bộ “Việt Nam thi nhân tiền chiến”, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội năm 1996, từ trang 96 tới trang 98, nhưng cũng chỉ là thuật theo trí nhớ một bài mà Nguyễn Tấn Long cho là của Phan Khôi đăng trên “Phụ nữ tân văn” khoảng năm 1930 chứ không phải nguyên văn của Phan Khôi. Còn “Ông Bình Vôi” là tên một bài khảo cứu! Bản in “Ông Bình Vôi” lần đầu trên “Giai phẩm mùa thu” năm 1956, tác giả đã viết rõ ràng như thế, sao nhà xuất bản còn nhầm?

3- Phan Khôi có dịch “Chủ nghĩa Mác-xít” và “Khuê phụ thán” không?

Về phần “Dịch thuật”, nhà xuất bản Thế giới liệt kê một số tác phẩm mà Phan Khôi đã dịch như sau:

– Dịch sang tiếng Việt: Kinh thánh Việt ngữ (1925), Chủ nghĩa Mác-xít,…

– Dịch sang tiếng Pháp: Khuê phụ thán.

Trước khi chỉ ra các chỗ sai, cho tôi hỏi nhà xuất bản một câu đơn giản: Đã là “Kinh thánh Việt ngữ” thì dịch sang tiếng Việt sao được? Cùng lắm là hiệu đính, nhuận sắc thôi chứ!

Sự thực là Phan Khôi có dịch “Kinh Thánh” cho Hội Tin lành nhưng là dịch từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt; có tham khảo, đối chiếu với bản Trung văn của Tàu.

Còn dịch “Chủ nghĩa Mác-xít” thì sao?

Tôi đọc Phan Khôi từ năm 16 tuổi tới nay đã sang tuổi 83 rồi mà chưa từng thấy Phan Khôi dịch một cuốn sách triết học nào cả. Vậy, thực hư như thế nào?

Sự thực là vào quãng giữa năm 1950, Staline có bài phát biểu trên tờ “Sự thật” của Liên Xô, đầu đề tiếng Nga là Относительна марксизма в языкознании. Tới tháng 10 cùng năm thì Lý Lập Tam (李 立 三), Tào Bảo Hoa (曹 葆 华) và vài người nữa đã dịch ra tiếng Trung với tựa đề “Mã khắc tư chủ nghĩa hòa ngữ ngôn học vấn đề” (马 克 思 主 义 和 语 言 学 问 题), được xuất bản bởi “Nhân dân xuất bản xã” (人 民 出 版 社). Tới năm 1951, Phan Khôi đã dịch từ tiếng Trung ra tiếng Việt và được Vụ Văn học nghệ thuật xuất bản dưới dạng sách, với tựa đề là “Chủ nghĩa Mác về ngôn ngữ học”.

Lại còn dịch “Khuê phụ thán” ra tiếng Pháp mới lại kỳ quái hơn nữa! Xin hỏi tiếp nhà xuất bản một câu. Nếu Phan Khôi từng dịch “Khuê phụ thán” sang tiếng Pháp thì bản tiếng Pháp kia ở đâu?

Sự thực là Phan Khôi từng có ý định dịch 10 bài “Khuê phụ thán” của Thượng Tân Thị qua tiếng Pháp nhưng xét về thiên pháp thì có hơi lộn xộn và trùng điệp sao đó nên Phan Khôi thôi, không dịch nữa, vì tiếng Pháp là thứ tiếng rất sáng suốt, không bao giờ chịu đựng được những ý điệp như thế. Điều này, chính Phan Khôi đã từng viết trong “Chương Dân thi thoại” và về sau Vũ Ngọc Phan cũng đã nhắc lại trong “Nhà văn hiện đại”.

Thế thì sao nhà xuất bản lại dám bảo Phan Khôi đã dịch “Khuê phụ thán” ra tiếng Pháp?

Một lần nữa tôi dám quả quyết rằng, Phan Khôi chẳng hề dịch một bài nào trong số 10 bài “Khuê phụ thán” của Thượng Tân Thị cả!

Sách in 1000 cuốn, 1000 người theo đó hiểu sai về Phan Khôi thì cái hại không biết để vào đâu cho hết?

23-8-2022

Comments are closed.