Hiện đại hóa, sự Thay đổi Văn hóa, và Dân chủ: Trình tự Phát triển Con Người (kỳ 5)

Donald InglehartChristian Welzel

Nguyễn Quang A dịch

NXB Dân Khí – 2022

Nguyên bản: Modernization, Cultural Change, and Democracy: The Human Development Sequence. Cambridge University Press, 2005.

undefined

Bản đồ Văn hóa Toàn cầu

Hình 2.4 cho thấy vị trí của tám mươi xã hội được khảo sát trên hai chiều chính của sự biến thiên ngang-văn hóa của chúng ta. Trục dọc trên bản đồ văn hóa toàn cầu phản ánh sự phân cực giữa quyền uy truyền thống và quyền uy thế tục-duy lý liên kết với quá trình công nghiệp hóa. Trục ngang phản ánh sự phân cực giữa các giá trị sinh tồn và các giá trị tự-thể hiện liên kết với sự lên của xã hội hậu công nghiệp. Các ranh giới quanh các nhóm nước trong hình này được vẽ sử dụng các vùng văn hóa của Huntington (1996) như một chỉ dẫn[1] (chúng tôi kiểm định sức mạnh giải thích của sự phân loại này muộn hơn). Bản đồ văn hóa này giống một bản đồ sớm hơn của Inglehart (1997: 334–37) dựa vào các Khảo sát Giá trị 1989–91. Mặc dù Hình 2.4 dựa vào một phân tích nhân tố mà sử dụng ít hơn nửa số các biến như đã được Inglehart (1997) sử dụng – và dựa vào hầu như hai lần nhiều nước hơn – các vị trí của các xã hội tương ứng trên bản đồ này là nổi bật tương tự với các vị trí trên các bản đồ văn hóa được tạo ra sớm hơn. Sự giống nhau giữa bản đồ này và các bản đồ sớm hơn phản ánh sự thực rằng hai chiều then chốt này của sự biến thiên ngang-văn hóa là rất vững chãi. Sử dụng các phân tích nhân tố dựa vào một tập nhỏ hơn nhiều của các khoản, cùng các vùng văn hóa rộng xuất hiện, về cơ bản trong cùng các vị trí, ngay cả khi chúng tôi thêm hàng chục xã hội mà đã không được bao gồm trước đó.

Vẽ bản đồ vị trí của sáu mươi sáu xã hội được khảo sát trong đợt 1995–97 của các Khảo sát Giá trị tạo ra một bức tranh rất giống với bản đồ dựa vào các khảo sát 1989–91 (xem Inglehart and Baker, 2000, để xem xét bản đồ này). Các khảo sát 1995–97 gồm một số nước thêm mà đã không được khảo sát trong 1989–91, thêm sáu nước Mỹ Latin và thêm hai nước nói tiếng Anh, tất cả số đó rơi vào các vùng văn hóa tương ứng mà đã xuất hiện trên bản đồ 1990.

image

HÌNH 2.4. Bản đồ văn hóa của thế giới vào khoảng 2000.

Đợt bốn của các Khảo sát Giá trị trao ưu tiên cao cho việc phủ tốt hơn các vùng văn hóa Islamic và Phi châu, mà trước đó phần lớn đã bị bỏ qua bởi vì các khó khăn về tài trợ, hạ tầng cơ sở, và sự tiếp cận. Như thế, đợt 1999–2001 đã thêm Algeria, Morocco, Ai Cập, Jordan, Iran, Indonesia, Tanzania, Uganda, và Zimbabwe cũng như Việt Nam, Hy Lạp, và Luxembourg vào nhóm các xã hội được khảo sát. Tuy nhiên, hình mẫu tổng thể được thấy trong Hình 2.4 là giống một cách đáng chú ý với hình mẫu nhận được trong các khảo sát trước, mặc dù chúng tôi đã thêm một số xã hội có các đặc trưng kinh tế xã hội và văn hóa rất khác với các xã hội được khảo sát trong các đợt Khảo sát Giá trị sớm hơn.

Các phiên bản trước của bản đồ văn hóa và phiên bản hiện thời đầy đủ hơn tất cả đều cho thấy các cụm văn hóa nhất quán. Mặc dù các cụm này đại diện toàn bộ di sản lịch sử của một xã hội, kể cả các nhân tố mà là độc nhất của một nước cho trước, các cụm là hết sức cố kết. Chúng cho thấy một hình mẫu có tính hệ thống tồn tại bất chấp các sự kỳ dị của mỗi xã hội. Hai nhân tố lịch sử có tính hệ thống là đặc biệt quan trọng trong việc nhóm các xã hội vào các cụm cố kết: truyền thống tôn giáo của các các xã hội và lịch sử thuộc địa của họ. Như thế, các xã hội Tin lành về mặt lịch sử có khuynh hướng xếp hạng cao trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện hơn các xã hội Công giáo La Mã về mặt lịch sử. Ngược lại, tất cả các xã hội nguyên-cộng sản xếp hạng tương đối thấp trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện. Các xã hội Chính thống giáo về mặt lịch sử tạo thành một cụm cố kết bên trong vùng nguyên-cộng sản rộng hơn – trừ Hy Lạp, một xã hội Chính thống giáo mà đã không trải qua sự cai trị cộng sản và xếp hạng cao hơn nhiều trên các giá trị tự-thể hiện so với các xã hội Chính thống giáo khác. Các xã hội Islamic rơi vào hai cụm: một nhóm lớn hơn chứa các xã hội Islamic dòng chính (Indonesia, Iran, Bangladesh, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Algeria, Jordan, và Ai Cập) tạo thành một nhóm tương đối chặt trong phần tư tây nam của bản đồ, trong khi các xã hội Islamic mà đã trải nghiệm sự cai trị cộng sản (Azerbaijan và Albania) là thế tục hơn các xã hội Islamic khác rất nhiều. Các sự khác biệt về GDP trên đầu người và cấu trúc nghề nghiệp có các ảnh hưởng quan trọng lên các thế giới quan thịnh hành, nhưng các ảnh hưởng văn hóa là bền bỉ.

Các truyền thống tôn giáo có một tác động lâu bền lên các hệ thống giá trị đương thời của các xã hội này, như Weber, Huntington, và những người khác đã chỉ rõ. Nhưng văn hóa của một xã hội phản ánh toàn bộ di sản lịch sử của nó. Một sự kiện lịch sử trung tâm của thế kỷ thứ hai mươi là sự lên và sự sụp đổ của một đế chế cộng sản mà một thời đã cai trị một phần ba dân số thế giới. Chủ nghĩa cộng sản đã để lại một dấu ấn rõ trên các hệ thống giá trị của những người đã sống dưới nó. Tất cả các xã hội đã trải qua sự cai trị cộng sản rơi vào một cụm lớn trong phần tư trên bên trái của bản đồ. Đông Đức vẫn gần về văn hóa với Tây Đức bất chấp bốn thập niên của sự cai trị cộng sản, nhưng hệ thống giá trị của nó đã bị kéo tới vùng cộng sản. Và mặc dù Trung Quốc là một thành viên của vùng Khổng giáo, nó cũng rơi vào bên trong vùng bị ảnh hưởng cộng sản rộng hơn.

Ảnh hưởng của các quan hệ thuộc địa là rõ ràng trong sự tồn tại của một vùng văn hóa Mỹ Latin. Philippines cũng có thể được đặt vào vùng này, phản ánh sự thực rằng bất chấp sự xa cách địa lý của chúng, Philippines và Mỹ Latin chia sẻ dấu ấn của sự cai trị thuộc địa Hispanic và Giáo hội Công giáo Roma. Các quan hệ cựu thuộc địa cũng giúp giải thích sự tồn tại của một vùng nói tiếng Anh chứa nước Anh và các xã hội nói tiếng Anh khác. Tất cả bảy xã hội nói tiếng Anh được bao gồm trong nghiên cứu này cho thấy các đặc trưng văn hóa tương đối giống nhau. Tác động của thuộc địa hóa có vẻ đặc biệt mạnh khi được tăng cường bởi sự di cư ồ ạt từ xã hội thuộc địa. Như thế, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Uruguay, Chile, và Argentina tất cả đều tương đối gần nhau trên ranh giới giữa châu Âu Công giáo và Mỹ Latin: dân cư của Uruguay, Chile, và Argentina phần lớn có nguồn gốc từ những người nhập cư từ Tây Ban Nha và Italy. Củng cố các phát hiện này, Rice and Feldman (1997) tìm thấy các tương quan mạnh giữa các giá trị của các nhóm sắc tộc khác nhau ở Hoa Kỳ và các giá trị thịnh hành trong các nước nguồn gốc của họ – hai hoặc ba thế hệ sau khi gia đình họ di cư sang Hoa Kỳ.

Các bản đồ này cho biết rằng Hoa Kỳ không phải là một nguyên mẫu của hiện đại hóa văn hóa cho các xã hội khác noi theo, như một số tác giả hiện đại hóa sau chiến tranh cho là thế. Thực ra, Hoa Kỳ là một trường hợp lệch lạc, có một hệ thống giá trị truyền thống hơn rất nhiều so với bất kể xã hội hậu công nghiệp khác nào trừ Ireland. Trên chiều truyền thống/thế tục, Hoa Kỳ xếp hạng dưới các xã hội giàu có khác, với các mức về tín ngưỡng và sự tự hào dân tộc so sánh được với các mức được thấy ở một số xã hội đang phát triển. Hiện tượng chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ đã được Lipset (1990, 1996), W. Baker (2005), và những người khác thảo luận; các kết quả của chúng tôi ủng hộ lý lẽ của họ. Hoa Kỳ có xếp hạng giữa các xã hội tiên tiến nhất trên chiều sinh tồn/tự-thể hiện, nhưng ngay cả ở đây, nó không dẫn đầu thế giới. Những người Thụy Điển, những người Hà Lan, và những người Australia là gần đỉnh cao của sự thay đổi văn hóa hơn những người Mỹ. Rõ ràng, hiện đại hóa không phải là Mỹ hóa.

Các Vùng Văn hóa Thực tế Đến đâu?

Vị trí của mỗi xã hội trên bản đồ văn hóa toàn cầu là khách quan, được xác định bởi một phân tích nhân tố của dữ liệu khảo sát từ mỗi nước. Các ranh giới được vẽ quanh các xã hội này là chủ quan, sử dụng sự phân chia thế giới của Huntington (1996) thành vài vùng văn hóa. Các vùng này là “thực tế” như thế nào? Các ranh giới này đã có thể được vẽ theo một số cách khác nhau, bởi vì các xã hội này đã bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố. Như thế, một số ranh giới chồng gối lên nhau – thí dụ, vùng nguyên-cộng sản chồng gối các vùng văn hóa Tin lành, Công giáo, Khổng giáo, Chính thống giáo, và Islamic. Tương tự, nước Anh được định vị tại chỗ giao nhau của vùng nói tiếng Anh và châu Âu Tin lành; về mặt kinh nghiệm, nó gần với tất cả sáu xã hội nói tiếng Anh khác, và bản đồ của chúng tôi tính đến nước Anh trong vùng đó. Nhưng với chỉ sự sửa đổi nhẹ, chúng tôi đã có thể vẽ các ranh giới này để đặt nước Anh trong châu Âu Tin lành, vì nó cũng gần về văn hóa với các xã hội đó. Thực tế là phức tạp. Nước Anh cả là một nước Âu châu Tin lành về mặt lịch sử và một nước nói tiếng Anh, và vị trí theo kinh nghiệm của nó phản ánh cả hai khía cạnh của thực tế đó. Tương tự, chúng tôi đã vẽ một ranh giới quanh các xã hội Mỹ Latin mà Huntington coi là một vùng văn hóa phân biệt: tất cả mười xã hội đó quả thực cho thấy các giá trị tương đối giống nhau trong phối cảnh toàn cầu. Nhưng chỉ với những sự thay đổi nhỏ, chúng tôi đã có thể vẽ ranh giới này để xác định một vùng văn hóa Hispanic mà gồm cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, mà theo kinh nghiệm cũng tương đối gần với các xã hội Mỹ Latin. Chúng ta cũng có thể vẽ một đường ranh giới còn rộng hơn mà gồm cả Mỹ Latin, châu Âu Công giáo, và Philippines và Ireland trong một vùng văn hóa Công giáo Roma rộng hơn. Tất cả các vùng này có thể được biện minh cả về mặt khái niệm và kinh nghiệm.

Các bản đồ văn hóa hai-chiều dựa vào sự giống nhau của các giá trị cơ bản, nhưng chúng cũng phản ánh khoảng cách tương đối giữa các xã hội này trên nhiều chiều khác, như tôn giáo, các ảnh hưởng thuộc địa, tác động của sự cai trị cộng sản, cơ cấu của lực lượng lao động, và mức phát triển kinh tế. Đáng chú ý rằng ảnh hưởng của nhiều nhân tố lịch sử khác nhau đến vậy có thể được tóm tắt bởi một bản đồ hai-chiều tằn tiện (parsimonious). Nhưng bởi vì các nhân tố khác nhau này không luôn luôn trùng khớp nhau ngăn nắp, có một số sự dị thường. Thí dụ, Đông Đức và Nhật Bản rơi khá gần nhau. Điều này là thích đáng theo nghĩa cả hai xã hội là hết sức thế tục, tương đối giàu, và có các tỷ lệ công nhân công nghiệp cao; nhưng nó cũng có vẻ gây ngạc nhiên bởi vì Nhật Bản được định hình bởi một di sản Khổng giáo, trong khi đó Đông Đức được định hình bởi Đạo Tin lành (mặc dù, thật lý thú, khi những người Nhật soạn một hiến pháp kiểu Tây phương, họ đã chọn hiến pháp Phổ như tấm gương của họ). Bất chấp các sự dị thường như vậy, các xã hội với một di sản văn hóa chung rơi vào các cụm chung. Nhưng vị trí của chúng đồng thời phản ánh mức phát triển kinh tế xã hội, kết cấu nghề nghiệp, di sản tôn giáo, và các mối quan hệ đế quốc quá khứ, như di sản thuộc địa Hispanic hay Anh hay dấu ấn của đế chế Soviet. Không gian hai-chiều này phản ánh một thực tế đa chiều, và mức đáng chú ý của sự cố kết kinh tế xã hội và văn hóa mà chúng ta tìm thấy phản ánh sự thực rằng văn hóa của một xã hội được định hình bởi toàn bộ di sản lịch sử của nó.

Lý thuyết hiện đại hóa ngụ ý rằng khi các xã hội phát triển về mặt kinh tế, các nền văn hóa của chúng sẽ có khuynh hướng dịch chuyển theo một hướng có thể tiên đoán được, và các phát hiện của chúng tôi hợp với tiên đoán này. Các sự khác biệt kinh tế xã hội được liên kết với các sự khác biệt văn hóa lớn và tỏa khắp, như chúng ta đã thấy trong Hình 2.1. Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy bằng chứng rõ ràng về ảnh hưởng của các vùng văn hóa lâu đời. Sử dụng dữ liệu từ các khảo sát 1995–97 cho mỗi xã hội, chúng tôi đã tạo ra các biến giả (dummy) để phản ánh liệu một xã hội cho trước có chủ yếu nói tiếng Anh hay không, hay có nguyên-cộng sản hay không, và vân vân, cho mỗi trong các cụm được phác họa trên các bản đồ văn hóa. Phân tích theo lối kinh nghiệm của các biến này cho thấy rằng vị trí văn hóa của các xã hội cho trước còn xa mới ngẫu nhiên. Tám trong chín vùng được phác họa trên các bản đồ văn hóa cho thấy các mối quan hệ có ý nghĩa thống kê với ít nhất một trong hai chiều chính của sự biến thiên ngang-văn hóa (ngoại lệ duy nhất là cụm châu Âu Công giáo: nó là khá cố kết nhưng có một vị trí trung lập trên cả hai chiều). Thí dụ, biến giả cho châu Âu Tin Lành cho thấy một tương quan 0,46 với chiều truyền thống/thế tục-duy lý và một tương quan 0,41 với chiều sinh tồn/tự-thể hiện (cả hai tương quan là có ý nghĩa tại mức 0,0001). Tương tự, biến giả nguyên-cộng sản tương quan tại 0,43 với chiều truyền thống/thế tục-duy lý và tại −0,74 với chiều sinh tồn/tự-thể hiện.

Các cụm văn hóa này có đơn giản phản ánh các sự khác biệt kinh tế xã hội? Thí dụ, có phải các xã hội Âu châu Tin Lành có các giá trị giống nhau đơn giản chỉ bởi vì chúng là giàu? Câu trả lời là không. Như các phân tích của chúng tôi cho thấy, dù một xã hội có một di sản Công giáo hay Tin lành hay Khổng giáo hay Chính thống giáo hay cộng sản có một sự đóng góp độc lập cho vị trí của nó trên bản đồ văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế xã hội là rộng khắp. GDP trên đầu người cho thấy một tác động quan trọng lên các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý, cho năm trong tám vùng văn hóa (dùng một biến giả cho mỗi vùng văn hóa trong một hồi quy riêng rẽ).[2] Hơn nữa, GDP trên đầu người cho thấy một tác động đáng kể lên các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện đối lại sự kiểm soát cho mỗi trong tám vùng văn hóa. Tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý còn nhất quán hơn GDP trên đầu người, cho thấy một tác động đáng kể tại bảy trong tám phân tích hồi quy. Tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động trong khu vực dịch vụ có một tác động đáng kể tại sáu trong tám hồi quy về các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện (Inglehart and Baker, 2000).

Tuy nhiên, tác động của di sản văn hóa lịch sử của một xã hội bền bỉ khi chúng ta kiểm soát cho GDP trên đầu người và cơ cấu lực lượng lao động trong các phân tích hồi quy đa biến (multiple regression). Như thế, biến giả nguyên-cộng sản cho thấy một tác động mạnh và có ý nghĩa thống kê lên các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý, kiểm soát cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tác động thế tục hóa của chủ nghĩa cộng sản thậm chí còn lớn hơn tác động của độ lớn của khu vực công nghiệp và hầu như lớn như tác động của GDP trên đầu người. Biến giả nguyên-cộng sản cũng có một tác động âm có ý nghĩa lên các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện. Biến giả Âu châu Tin Lành và các biến nói tiếng Anh đều có các tác động có ý nghĩa lên chiều truyền thống/thế tục-duy lý. Nhưng, mặc dù các xã hội nói tiếng Anh tụ thành cụm gần cực bên phải của chiều sinh tồn/tự-thể hiện, xu hướng này biến mất khi chúng ta kiểm soát cho sự thực rằng chúng là tương đối giàu và có tỷ lệ lực lượng lao động cao trong khu vực dịch vụ. Nhưng mỗi trong tám biến giả cho thấy một tác động có ý nghĩa lên ít nhất một trong hai chiều.

Khi chúng ta kết hợp các cụm được thấy trong Hình 2.4 thành các vùng văn hóa rộng hơn với khích thước mẫu lớn hơn, chúng ta tạo ra các biến có sức mạnh giải thích còn lớn hơn. Như hình chứng minh, các xã hội Công giáo của Đông Âu tạo thành một cụm con phân biệt của thế giới Công giáo – nửa đường giữa các xã hội Công giáo Tây Âu và các xã hội Chính thống giáo. Cụm Mỹ Latin cũng ở gần hai nhóm Công giáo; và hai xã hội Công giáo về mặt lịch sử khác, Philippines và Ireland, ở gần, như thế chúng ta có thể kết hợp tất cả các nhóm này để hình thành một siêu vùng Công giáo Roma rộng. Tương tự, vùng Âu châu Tin lành và tất cả vùng nói tiếng Anh trừ Ireland có thể được hợp nhất thành một vùng Tin lành rộng về mặt lịch sử. Mỗi trong hai vùng này phủ một dải địa lý, lịch sử, và kinh tế mênh mông, nhưng chúng phản ánh tác động của các ảnh hưởng lịch sử-tôn giáo chung – và mỗi trong số chúng là tương đối cố kết trong phong cảnh toàn cầu.

Cho đến giờ chúng ta đã xem xét toàn bộ các xã hội hợp thế nào vào các vùng văn hóa rộng được di sản tôn giáo lịch sử của chúng định hình. Nhưng một số xã hội chứa số đông cả những người Công giáo và Tin lành (hay Hindu và Muslim, hay Kitô và Muslim). Các nhóm con này hợp vào đâu trong bức tranh? Phân rã các kết quả mức-quốc gia theo các đặc trưng mức-cá nhân cho sự thấu hiểu vào tác động của các truyền thống tôn giáo được truyền như thế nào ngày nay. Có hai khả năng chính: các định chế tôn giáo cho trước bây giờ đang truyền dẫn các giá trị Tin lành hay Công giáo hay Islamic một cách phân biệt vào các tín đồ tương ứng của chúng bên trong mỗi xã hội; hay các truyền thống tôn giáo cho trước đã định hình văn hóa quốc gia của các xã hội cho trước, nhưng ngày nay tác động của chúng được truyền chủ yếu qua các định chế toàn quốc đến dân cư như một toàn thể, kể cả những người có ít hay không có tiếp xúc với các định chế tôn giáo. Nếu giả như cách trước là đúng, chúng ta có thể kỳ vọng tìm thấy những người Công giáo Đức rơi vào vùng văn hóa Công giáo, với các đồng bào Tin lành của họ định vị xa khỏi họ, gần góc đông bắc của bản đồ. Nếu cách diễn giải sau là đúng, chúng ta sẽ kỳ vọng để thấy chỉ các sự khác biệt khiêm tốn giữa những người Công giáo và Tin lành bên trong một xã hội cho trước.

Như Hình 2.5 cho biết, bằng chứng kinhh nghiệm rõ ràng ủng hộ diễn giải sau cùng. Mặc dù các xã hội Công giáo hay Tin lành hay Islamic về mặt lịch sử cho thấy các giá trị rất phân biệt, các sự khác biệt giữa những người Công giáo và Tin lành hay Muslim bên trong các xã hội cho trước là tương đối nhỏ. Tại Đức, chẳng hạn, các giá trị cơ bản của những người Công giáo Đức là giống với các giá trị cơ bản của những người Tin lành Đức hơn là với các giá trị cơ bản của những người Công giáo ở các nước khác rất nhiều. Những người Công giáo Đức là Đức hơn Công giáo rất nhiều. Cùng đúng thế ở Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Hà Lan, và các xã hội hỗn hợp tôn giáo khác: những người Công giáo có khuynh hướng một chút truyền thống hơn các đồng bào Tin lành của họ, nhưng họ không rơi vào vùng văn hóa Công giáo lịch sử hay bất kể đâu gần nó. Khá ngạc nhiên, điều này cũng đúng về các sự khác biệt giữa những người Hindu và Muslim ở Ấn Độ và những người Kitô và Muslim ở Nigeria: các giá trị cơ bản của những người Muslim Nigeria là gần với các giá trị cơ bản của các đồng bào Kitô của họ hơn với các giá trị cơ bản của những người Muslim Ấn Độ. Về các vấn đề mà trực tiếp gợi lên bản sắc Islamic hay Kitô, điiều này hầu như chắc chắn không đúng; nhưng về hai chiều giá trị cơ bản này, các sự khác biệt ngang-quốc gia làm còi cọc các sự khác biệt bên trong-quốc gia. Cũng có các hình mẫu tương tự cho các biến khác: các sự khác biệt giáo dục, thế hệ, nghề nghiệp, và sắc tộc trên hai chiều giá trị này là nhỏ bên trong hơn giữa các xã hội rất nhiều. Các quốc gia, và các vùng văn hóa trong đó chúng được nhúng vào, có một tác động lớn đến các hệ thống niềm tin của người dân trong việc tạo ra các hệ thống niềm tin quần chúng quốc gia phân biệt (cho một thảo luận chi tiết hơn về điểm này, xem Chương 9).

Các xã hội Tin lành hay Công giáo bày tỏ các giá trị phân biệt ngày nay chủ yếu bởi vì tác động lịch sử mà các giáo hội tương ứng của chúng đã có lên các xã hội như một toàn thể, hơn là qua ảnh hưởng đương thời của các giáo hội lên các cá nhân cho trước. Vì lý do này chúng tôi phân loại nước Đức, Thụy Sĩ, và Hà Lan như các xã hội Tin lành về mặt lịch sử: Đạo Tin lành đã định hình các nước này về mặt lịch sử, mặc dù ngày nay (như một kết quả của sự di cư, tỷ lệ sinh Tin lành tương đối thấp, và tỷ lệ thế tục hóa Tin lành tương đối cao) chúng có thể có nhiều người Công giáo hành đạo hơn người Tin lành hành đạo.

Các phát hiện này gợi ý rằng, một khi đã được thiết lập, các sự khác biệt ngang-văn hóa liên kết với tôn giáo đã trở thành một phần của một văn hóa quốc gia mà được truyền bởi các định chế quốc gia và các phương tiện truyền thông đại chúng của các xã hội cho trước tới nhân dân của quốc gia đó như một toàn thể. Bất chấp sự bàn bạc rộng rãi về toàn cầu hóa văn hóa, quốc gia vẫn là một đơn vị then chốt của kinh nghiệm chung, với các định chế giáo dục và văn hóa của nó đang định hình các giá trị của hầu như mọi người trong xã hội đó.

image

CÁC GIÁ TRỊ SINH TỒN Vs. TỰ THỂ HIỆN

HÌNH 2.5. Các sự Khác biệt giữa các Giá trị của các nhóm Tín ngưỡng bên trong các xã hội hỗn hợp.

Nguồn: Các Khảo sát Giá trị 1999–2001.

Hình 2.6 cung cấp một minh họa khác về nguyên lý này, so sánh các giá trị của các nhóm thu nhập cao, trung bình, và thấp bên trong mỗi của các xã hội được thấy trong Hình 2.5. Các mức phát triển kinh tế cao liên kết với sự nhấn mạnh lớn hơn đến các giá trị thế tục và các giá trị tự-thể hiện, mà là vì sao các nước giàu có khuynh hướng định vị ở khu vực cao bên phải của bản đồ văn hóa toàn cầu. Vì thế, chúng ta kỳ vọng các tầng lớp an toàn hơn về kinh tế bên trong mỗi xã hội sẽ rơi gần góc phải trên cao của bản đồ hơn các tầng lớp ít an toàn hơn, nhưng câu hỏi là, Bao nhiêu? Những người giàu có đều rơi vào góc phải trên cao, bất chấp quốc tịch – hay xu hướng trung tâm của một nước trói buộc ngay cả những người giàu đặc biệt và những người nghèo trong quỹ đạo văn hóa của quốc gia này? Như Hình 2.6 minh họa, môi trường quốc gia vẫn là một ảnh hưởng quan trọng lên các giá trị của người dân. Bên trong các xã hội giàu có, các công dân giàu hơn có khả năng hơn để nhấn mạnh một cách nhất quán các giá trị thế tục-duy lý và các giá trị tự-thể hiện hơn những người nghèo, nhưng các giá trị của những người Đức giàu (được định nghĩa như một phần ba trên đỉnh của phân bố thu nhập) là giống hơn với các giá trị của những người Đức nghèo (một phần ba dưới đáy của phân bổ thu nhập) hơn họ giống các giá trị của những người giàu Thụy Sĩ hay Mỹ. Mặc dù bên trong các nước giàu các thành viên giàu hơn và có giáo dục hơn của xã hội có khuynh hướng có các giá trị thế tục hơn những người ít giàu hơn, điều này không nhất thiết đúng trong các nước thu nhập thấp: như Hình 2.6 cho biết, tại Ấn Độ (India) và Nigeria những người giàu hay có các giá trị hơi truyền thống hơn những người nghèo. Nhưng điểm chính được hình này minh họa là, bên trong một nước cho trước, các tầng lớp giàu và nghèo có khuynh hướng có các giá trị giống nhau hơn so với các giá trị của các công dân của các nước khác – giàu hay nghèo. Ngay cả trong thời đại internet, quốc tịch của người ta vẫn là một bộ tiên đoán mạnh về các giá trị của người đó.

image

SINH TỒN Vs. TỰ THỂ HIỆN

HÌNH 2.6. Các sự khác biệt giữa các giá trị của các nhóm thu nhập (theo các phân vị ba [tertiles]: Thấp-Lower; Giữa-Middle; và Cao-Upper) bên trong năm xã hội.

Nguồn: Các Khảo sát Giá trị 1999–2001.

Tính bền bỉ của các hệ thống giá trị phân biệt có vẻ phản ánh sự thực rằng văn hóa là phụ thuộc con đường. Các định chế tôn giáo Tin lành đã giúp định hình đạo đức Tin lành, các mức tương đối cao của sự tin cậy giữa cá nhân, và một mức độ tương đối cao của chủ nghĩa đa nguyên xã hội – tất cả điều đó có lẽ đã đóng góp cho sự thực rằng công nghiệp hóa đã xảy ra sớm trong các nước Tin lành hơn là trong phần còn lại của thế giới. Rồi sau đó, sự thực rằng các xã hội Tin lành đã (và vẫn) là tương đối thịnh vượng đã định hình chúng theo những cách phân biệt. Mặc dù chúng đã trải nghiệm sự thay đổi xã hội và văn hóa nhanh, các xã hội Tin lành và Công giáo (và Khổng giáo, Islamic, Chính thống giáo, và khác) về mặt lịch sử vẫn phân biệt. Việc nhận diện các cơ chế cụ thể qua đó các sự phát triển phụ thuộc con đường này xảy ra sẽ đòi hỏi các phân tích lịch sử chi tiết mà chúng tôi sẽ không thử ở đây. Nhưng bằng chứng khảo sát từ các xã hội quanh thế giới chứng minh rằng các nền văn hóa này đã vẫn phân biệt.

image

GNP/đầu người (theo sức mua ngang giá PPP, U.S. = 100

HÌNH 2.7. Di sản văn hóa và sự tin cậy giữa cá nhân, kiểm soát cho mức phát triển kinh tế.

Để minh họa các cụm này cố kết thế nào, hãy xem xét một trong các biến then chốt trong văn liệu về các sự khác biệt ngang-văn hóa, sự tin cậy giữa cá nhân (một thành phần của chiều sinh tồn/tự-thể hiện). Almond and Verba (1963), Coleman (1990), Putnam (1993), và Fukuyama (1995) cho rằng sự tin cậy giữa cá nhân là thiết yếu cho việc xây dựng các hiệp hội mà trên đó dân chủ dựa vào, và các tổ chức xã hội phức tạp mà trên đó các doanh nghiệp kinh tế quy mô lớn dựa vào. Như Hình 2.7 chứng minh, hầu như tất cả các xã hội Tin lành về mặt lịch sử xếp hạng cao về sự tin cậy giữa cá nhân hơn hầu như tất cả các xã hội Công giáo về mặt lịch sử. Điều này đúng ngay cả khi chúng ta kiểm soát cho các mức phát triển kinh tế: như văn liệu ngụ ý, sự tin cậy giữa cá nhân tương quan đáng kể với mức GDP trên đầu người, (r = 0,60), nhưng ngay cả các xã hội Công giáo giàu xếp hạng thấp hơn các xã hội Tin lành về mặt lịch sử thịnh vượng ngang nhau. Một di sản của sự cai trị cộng sản cũng có vẻ có một tác động lên biến này, với các xã hội hậu-Soviet xếp hạng đặc biệt thấp. Như thế, các xã hội Tin lành về mặt lịch sử duy nhất xếp hạng tương đối thấp về sự tin cậy là hai xã hội đã trải nghiệm sự cai trị cộng sản – Estonia và Latvia. Trong số hai mươi xã hội trong đó hơn 35 phần trăm công chúng tin rằng có thể tin cậy hầu hết mọi người, thì mười bốn là Tin lành về mặt lịch sử, ba bị ảnh hưởng Khổng giáo, một chủ yếu Hindu, một xã hội khác là Islamic, và duy nhất một (Tây Ban Nha) là Công giáo về mặt lịch sử. Không chỉ các nước Tin lành mà cả các xã hội bị ảnh hưởng Khổng giáo có khuynh hướng xếp hạng cao về sự tin cậy giữa cá nhân. Và, mặc dù chúng có khuynh hướng có các mức thu nhập thấp hơn các xã hội Công giáo về mặt lịch sử rất nhiều, về trung bình các nước Islamic xếp hạng về sự tin cậy cao hơn các xã hội Công giáo. Trong số mười xã hội xếp hạng thấp nhất trong Hình 2.7, sáu là Công giáo về mặt lịch sử, và không xã hội nào là Tin lành về mặt lịch sử cả.

Bên trong các xã hội cho trước, những người Công giáo xếp hạng khoảng cũng cao về sự tin cậy giữa cá nhân như những người Tin lành xếp hạng. Không phải là một vấn đề về tính cách cá nhân mà kinh nghiệm chung của các quốc gia cho trước mới là cái cốt yếu. Như Putnam (1993) đã chỉ rõ, các tổ chức ngang, được kiểm soát cục bộ là thuận lợi cho sự tin cậy giữa cá nhân; sự cai trị của các bộ máy quan liêu lớn, có thứ bậc, tập trung có vẻ làm xói mòn sự tin cậy giữa cá nhân. Về mặt lịch sử, Giáo hội Công giáo Roma đã là nguyên mẫu của định chế có thứ bậc, được kiểm soát tập trung; các giáo hội Tin lành đã tương đối phi tập trung và mở hơn cho sự kiểm soát địa phương (cục bộ). Sự tương phản giữa sự kiểm soát cục bộ và sự thống trị của một hệ thứ bậc xa xôi có vẻ có các hệ quả dài hạn quan trọng cho sự tin cậy giữa cá nhân. Các xã hội mà nhấn mạnh các mối quan hệ dọc dựa vào các hệ thứ bậc mạnh có khuynh hướng làm vậy với cái giá của các mối quan hệ ngang mà tạo ra sự tin cậy giữa cá nhân suy rộng. Rõ ràng, các sự khác biệt ngang-văn hóa này không phản ánh ảnh hưởng đương thời của các giáo hội tương ứng. Giáo hội Công giáo đã thay đổi rất nhiều trong các thập niên gần đây. Và trong nhiều nước, nhất là các nước Tin lành, sự đi nhà thờ đã co lại đến điểm nơi chỉ một thiểu số nhỏ dân cư đi nhà thờ đều đặn. Đa số có ít hay không có tiếp xúc nào với nhà thờ ngày nay, nhưng tác động của việc sống trong một xã hội mà về mặt lịch sử được định hình bởi các định chế Công giáo hay Tin lành hùng mạnh một thời vẫn còn ngày nay, định hình tất cả mọi người – Tin lành, Công giáo, hay khác – những người hòa nhập vào văn hóa của quốc gia đó.

Tạo ra các Nhân tố vùng Văn hóa

Ta có thể tạo ra một phân tích hà tiện hơn rất nhiều nếu ta tóm tắt tác động của các vùng văn hóa trong một biến duy nhất hơn là sử dụng tám hay chín biến giả riêng rẽ. Chúng tôi đã làm vậy như sau: sử dụng dữ liệu từ tất cả các khảo sát sẵn có từ một vùng văn hóa cho trước nhận được từ ba đợt Khảo sát Giá trị (tiến hành từ 1981 đến 1997), chúng tôi tính mức mà các xã hội của một vùng cho trước lệch khỏi số điểm trung bình được tiên đoán cho nhóm đó bởi một sự kết hợp của GDP trên đầu người (sử dụng các ước lượng ngang giá sức mua [PPP] của World Bank), tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp (cho nhân tố các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý) hay khu vực dịch vụ (cho nhân tố các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện), và số năm trải nghiệm dưới sự cai trị cộng sản. Chúng tôi sử dụng phân tích phân loại đa biến (multiple classification) để tính các số điểm hiệu chỉnh này. Các số điểm này đo mức mà các xã hội trong một vùng văn hóa cho trước cho thấy các giá trị phân biệt, kiểm soát cho sự giàu có kinh tế, cơ cấu xã hội, và số năm dưới sự cai trị cộng sản của chúng.

Như đã được nhắc đến, đợt 1999–2001 của các Khảo sát Giá trị đã trao ưu tiên cao cho việc nhận được sự phủ các xã hội Islamic hơn đã nhận được trong ba đợt đầu tiên. Các xã hội Islamic chủ yếu mà được khảo sát trước đã là Thổ Nhĩ Kỳ, Albania, và Azerbaijan – tất cả các xã hội đó được định hình bởi các chế độ mà đã dành các nỗ lực mạnh để tối thiểu hóa ảnh hưởng của Islam – cộng Bangladesh và Pakistan, mà đã gồm trong khảo sát 1995–97 nhưng không trong bất kể đợt trước nào. Vì thế cơ sở dữ liệu Islamic của chúng tôi đã ít ỏi và đại diện quá các xã hội Islamic thế tục nhất. Để bù cho việc này, trong tính nhân tố vùng văn hóa Islamic, chúng tôi tận dụng sự thực rằng cả Nigeria và Ấn Độ có đông dân số Islamic (khoảng nửa dân số trong trường hợp Nigeria). Chúng tôi đã phân rã Nigeria và Ấn Độ thành các mẫu Islamic và không-Islamic riêng rẽ và đối xử hai mẫu Islamic cứ như chúng là các nước riêng biệt, kể cả số điểm trung bình của chúng như phần của mẫu được dùng để tính nhân tố vùng Islamic trên cả hai chiều. Việc này cho chúng tôi bảy nước Islamic từ đó để tạo ra các hằng số vùng văn hóa Islamic mà được dùng như một thành phần của mô hình mà tiên đoán các vị trí 1999–2001 của tất cả các nước Islamic –phần lớn số nước đó đã chưa bao giờ được khảo sát trước. Bảng 2.5 cho thấy các nhân tố vùng văn hóa được tính cho mỗi vùng văn hóa. Như bảng này cho biết, các xã hội châu Âu Tin lành về mặt lịch sử rơi khoảng nửa độ lệch chuẩn cao hơn trên cả các chiều so với các xã hội khác, ngay cả kiểm soát cho sự thực rằng chúng là tương đối giàu và đã không trải nghiệm sự cai trị cộng sản. Các xã hội nói tiếng Anh xếp hạng cao trên các giá trị tự-thể hiện hơn các mức kinh tế của chúng tiên đoán, nhưng chúng có các giá trị truyền thống hơn các đặc trưng khác của chúng tiên đoán.

Sử dụng các nhân tố dịch chuyển vùng văn hóa này trong các phân tích hồi quy cung cấp sự ủng hộ thêm cho việc kết luận không chỉ rằng hệ thống giá trị của một xã hội bị ảnh hưởng một cách có hệ thống bởi sự phát triển kinh tế xã hội mà cả rằng các vùng văn hóa và một di sản nguyên-cộng sản có một ảnh hưởng bền bỉ và tỏa khắp lên các giá trị và các niềm tin đương thời. Các Bảng 2.6 và 2.7 cho thấy các kết quả của các phân tích hồi quy OLS (Ordinary Least Quare-Bình phương Tối thiểu Thông thường) của các sự khác biệt ngang-quốc gia về các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý (Bảng 2.6) và các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện (Bảng 2.7), như được đo trong sáu mươi tư xã hội. Cho cả hai chiều, chúng tôi thấy rằng GDP trên đầu người (được đo theo sức mua ngang giá, PPP) và cơ cấu của lực lượng lao động đóng các vai trò chính. Quá trình công nghiệp hóa (được đo bằng tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp) có một tác động lớn lên các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý, trong khi hậu công nghiệp hóa (được đo như tỷ lệ phần trăm của lực lượng lao động trong khu vực dịch vụ) có một tác động lớn lên các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện.

Người dân của các xã hội nghèo hơn, trong đó khu vực nông nghiệp vượt khu vực công nghiệp, có khuynh hướng giữ các giá trị truyền thống, trong khi người dân trong các xã hội giàu hơn, trong đó khu vực công nghiệp lớn hơn khu vực nông nghiệp, có khuynh hướng giữ các giá trị thế tục-duy lý. Nhưng di sản lịch sử của một xã hội cho trước cũng có một ảnh hưởng quan trọng lên các giá trị và hành vi hiện thời của nhân dân của nó, ngay cả khi chúng ta kiểm soát cho sự thịnh vượng kinh tế và cơ cấu nghề nghiệp.[3] Như Bảng 2.6 cho biết, vị trí vùng văn hóa của một xã hội cũng cho thấy một mối quan hệ đáng kể với các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý. Điều này phản ánh các thứ như sự thực rằng các xã hội Khổng giáo, trong hàng thế kỷ, đã được đặc trưng bởi một thế giới quan tương đối thế tục. Chúng vẫn thế ngày nay. Các chế độ Cộng sản đã có các cố gắng lớn để xóa sạch các giá trị tôn giáo truyền thống, và họ đã có thành công nào đó. Nhưng các xã hội Công giáo Roma đã tỏ ra tương đối chống cự sự thế tục hóa, ngay cả kiểm soát cho các tác động của sự phát triển kinh tế xã hội và sự cai trị cộng sản.

BẢNG 2.5. Các Nhân tố độ Lệch vùng Văn hóa trên Hai Chiều

image

 

Lý thuyết hiện đại hóa cho rằng quá trình phát triển kinh tế xã hội và sự lên của khu vực công nghiệp là thuận lợi cho một thế giới quan thế tục-duy lý. Như Bảng 2.6 chứng minh, khi chúng ta kiểm soát cho di sản văn hóa của một xã hội, tác động của GDP trên đầu người có ý nghĩa ở mức 0,001, trong khi tác động của công nghiệp hóa trở nên không đáng kể khi chúng ta tính cả số năm dưới sự cai trị cộng sản (Mô hình 3). Mô hình 4 giải thích hầu hết biến thiên ngang-quốc gia trong các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý với bốn biến: GDP trên đầu người, độ lớn của lực lượng lao động công nghiệp, số năm dưới chủ nghĩa cộng sản, và nhân tố dịch chuyển vùng văn hóa. Như các Mô hình 3 và 5 chứng minh, cả số năm dưới sự cai trị cộng sản và nhân tố dịch chuyển vùng văn hóa có đóng góp đáng kể cho tỷ lệ phần trăm của phương sai được giải thích. Và cho thêm cả hai chỉ báo văn hóa vào hồi quy làm tăng tỷ lệ phần trăm của phương sai được giải thích từ 45 lên 80 phần trăm. Di sản lịch sử của một xã hội tạo ra sự khác biệt lớn.

BẢNG 2.6. Tiên đoán các Giá trị truyền thống versus thế tục-duy lý trong 1999-2001

image

 

Các chỉ báo hiện đại hóa kinh tế xã hội (GDP trên đầu người và lực lượng lao động hậu công nghiệp) trong Mô hình 1 của Bảng 2.7 giải thích 61 phần trăm của biến thiên ngang-quốc gia trong các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện. Lần nữa, ảnh hưởng của các nhân tố truyền thống là cũng đáng kể, thêm 23 phần trăm vào tổng phương sai được giải thích trong các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện. Cả hiện đại hóa và truyền thống văn hóa của một xã hội định hình cả các giá trị thế tục-duy lý và các giá trị tự-thể hiện, nhưng các nhân tố lịch sử có một tác động tương đối lớn hơn lên các giá trị thế tục-duy lý, trong khi các nhân tố hiện đại hóa có một tác động tương đối lớn hơn lên các giá trị tự-thể hiện.

BẢNG 2.7 Tiên đoán các Giá trị Sinh tồn/Tự-Thể hiện trong 1999–2001

image

Tóm tắt

Mức độ mà cả các giá trị thế tục-duy lý và các giá trị tự-thể hiện có mặt, có thể được giải thích bằng một sự kết hợp của các lực làm chậm và thúc đẩy, với truyền thống và hiện đại hóa ảnh hưởng đến cả hai quá trình thay đổi văn hóa. Nhưng sự cân bằng giữa các lực này khác nhau hết sức. Truyền thống văn hóa của một xã hội có tác động mạnh hơn nhiều lên các giá trị truyền thống/thế tục-duy lý so với lên các giá trị sinh tồn/tự-thể hiện, trong khi các giá trị tự-thể hiện bị định hình mạnh hơn nhiều bởi các lực hiện đại hóa so với bởi các lực truyền thống. Trong phối cảnh lịch sử rộng hơn này, ta phải đi xa hơn Weber: không phải là sự duy lý hóa của quyền uy mà là sự giải phóng khỏi quyền uy là cái trở thành xu hướng chi phối của hiện đại hóa, biến đổi hiện đại hóa thành một quá trình phát triển con người mà thúc đẩy sự giải phóng con người trên mọi mặt trận. Sự biến đổi nhân văn này của sự hiện đại có các hệ quả mức-xã hội quan trọng. Như chúng ta sẽ thấy trong nửa thứ hai của cuốn sách này, sự phát triển con người tăng cường xã hội dân sự, các quyền tự do chính trị, sự cai quản tốt, và bình đẳng giới – và làm cho dân chủ ngày càng có khả năng, nơi nó chưa tồn tại, và ngày càng phản ứng nhanh nhạy, nơi nó tồn tại rồi. Các giá trị tự-thể hiện đóng một vai trò chính trong quá trình này.


[1] Một chiến lược thay thế nhưng không có cơ sở lý thuyết là sử dụng một trong nhiều kỹ thuật tạo cụm (clustering) sẵn có để nhận diện các nhóm quốc gia và vẽ các đường ranh giới. Chúng tôi thích sử dụng các sự phân loại lý thuyết do Huntington đề xuất hơn và sau đó để kiểm định (test) sức mạnh giải thích của chúng. Tuy nhiên, các kỹ thuật tạo cụm tạo ra các kết quả đại thể giống các kết quả cho thấy ở đây.

[2] Các biến giả được tạo ra cho biết tư cách thành viên của một xã hội trong một vùng văn hóa cho trước (được mã hóa 1) hay sự không thuộc về nó (được mã hóa 0), gồm một vùng nguyên-cộng sản, một vùng Tin lành Âu châu, một vùng nói tiếng Anh, một vùng Mỹ Latin, một vùng Phi châu, một vùng Nam Á, một vùng Kitô-Chính thống giáo, và một vùng Khổng giáo. Xem Hình 2.4 cho các xã hội cá biệt bao gồm trong các vùng này.

[3] Bằng việc kiểm soát cho sự phát triển kinh tế xã hội, chúng ta có thể đánh giá thấp tác động của di sản lịch sử của một xã hội. Vì là có thể rằng Đạo Tin lành, Khổng giáo, hay chủ nghĩa cộng sản đã giúp định hình mức phát triển kinh tế xã hội đương thời của một xã hội. Thí dụ, Weber quy một vai trò cốt yếu cho Đạo Tin lành trong việc khởi động tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, và là một sự thực lịch sử rằng – trong pha ban đầu của nó, tuy rõ ràng không phải ngày nay – công nghiệp hóa đã tập trung áp đảo trong các xã hội chủ yếu Tin lành và giữa mảng Tin lành của các xã hội hỗn hợp.

Comments are closed.