Mừng 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 – 6/10/2017) (2)

Xóa một cái án về dịch thuật: THÂN OAN CHO DỊCH GIẢ PHAN KHÔI(1)

Phan An Sa

Gần sáu mươi năm nay, lớp độc giả có tuổi vẫn chưa quên chuyện hồi cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, một số nhà nghiên cứu – hòa vào bản trường ca chống Nhân văn – Giai phẩm – đã phê phán dịch giả Phan Khôi, đại ý: ở giữa thời Dân chủ Cộng hòa, mà khi gặp một chữ Pháp có nghĩa là khoai tây, ông lại không dịch là khoai tây, mà dịch ra một cái tên nghe rất trái tai và khó chấp nhận, là khoai nhạc ngựa. Và vì ngay sau đó ông trở thành nhân vật phản diện chủ chốt trong câu chuyện Nhân văn – Giai phẩm, nên nhiều người còn ra ý phê phán nặng hơn, cho rằng: thái độ chính trị của ông đối với chính thể đương thời là thiếu nghiêm túc!

Về các khiếm khuyết trong dịch thuật có liên quan đến một dịch giả uy tín như Phan Khôi, về sau này độc giả chỉ được đọc như thế và chỉ biết như thế, không ai cất công tìm hiểu để biết tại làm sao sự thể lại ra nông nỗi ấy? Vậy là mặc nhiên chuyện đó trở thành một cái án ông phải đeo, mà rủi thay, ông thì đã trở thành người thiên cổ ngay sau đó ít lâu, nên cái án đó ông vẫn phải đeo cho tới tận bây giờ!

Hôm nay, đã có đủ chứng cứ để nói rằng: phê phán dịch giả Phan Khôi theo cách đó, là cách làm không công bằng theo lối “dậu đổ bìm leo”, và cái án mà ông phải đeo suốt chừng đó năm cho đến tận bây giờ, là một cái án oan!

Khẳng định như vậy là bởi vì, trong quá trình đi tìm lại các bài báo hồi giữa thế kỷ XX của nhà báo kiêm dịch giả Phan Khôi, chúng tôi đã phát hiện được hai “mẩu vụn” trên báo chí hồi đó đủ sức bác bỏ cái điều mà những ai đó – hoặc là vì bị sai khiến, hoặc là do lười nhác trong nghiên cứu – đã theo đuổi bấy lâu. Gọi “mẩu vụn” là gọi theo cách Phan Khôi đã từng dùng ngày ấy.

*

1. Tuần báo Cứu Quốc (Hà Nội) số 2772 ngày 5/8/1956, ở trang 5, mục Mấy nét sổ tay, có một “mẩu vụn” của tác giả X, nhan đề Đại lẩm cẩm!, nguyên văn như dưới đây:

Trong truyện “Một ông vua nước Cộng hòa” (Tuyển tập Mác-xim Goóc-ki, Văn nghệ xuất bản) người ta thấy nhiều chữ dịch lủng củng và lẩm cẩm. Đây là một thí dụ:

Khi dịch chữ pomme de terre (khoai tây) ra tiếng ta, dịch giả đã không dịch là khoai tây mà lại dịch là “khoai nhạc ngựa”, với mấy dòng chú thích: Tránh chữ khoai tây đi, tôi dịch là khoai nhạc ngựa. Đây là một tiếng mới, theo chữ Hán (!!). Chữ Hán gọi pomme de terre là mã-linh-thự. (P.K).

Cứ cái đà này thì rồi có ngày dịch giả P.K. của chúng ta sẽ dịch hành tây, nhà ga, xà phòng, v.v… thành ra nghĩa chữ… Hán tuốt. Chẳng hạn xà phòng thì sẽ dịch là “cục đen béo” hay “cục nhờn nhờn”. Vì tiếng Trung Quốc, xà phòng chả gọi là “phì táo” mà!

Tránh chữ tây, mượn chữ nho

Lẩm cà lẩm cẩm, ngây ngô nực cười.

Chữ gì dùng đã quen rồi,

Đã thành tiếng Việt, ta thời nên theo.

“Mẩu vụn” này cho thấy, ông X phê bình dịch giả Phan Khôi vẫn còn theo cách chân thành và thiện chí, hoàn toàn khác với những giọng điệu phê bình ông sau đó chỉ vài tháng.

clip_image002

“Mẩu vụn” Đại lẩm cẩm! của tác giả X,

tuần báo Cứu Quốc (Hà Nội) số 2772 ngày 5/8/1956

2. “Mẩu vụn” thứ hai là của dịch giả Phan Khôi trả lời ông X, cũng đăng ngay trên tuần báo Cứu Quốc (Hà Nội) sau đó hai tuần, ở số 2774 ngày 19/8/1956. “Mẩu vụn” đó của ông, có cái nhan đề, đọc lên, nghe như có cả tiếng reo vui trong đó, đầy hả hê, đầy thích thú, khiến độc giả khó tin đó là bài báo của một nhà báo nổi tiếng nghiêm túc và nhà báo ấy đã ở vào tuổi bảy mươi! Tên của “mẩu vụn” đó là Đồng ý! Đồng ý!, nguyên văn như sau:

Báo Cứu Quốc số 2772 ra ngày 5-8-1956, dưới mục “Mấy nét sổ tay”, có chỉ trích sự tôi dịch chữ pomme de terre, không dịch là “khoai tây” mà dịch là “khoai nhạc ngựa”, bảo tôi là “đại lẩm cẩm”, tôi đồng ý, thế mà chẳng là “đại lẩm cẩm” thì là gì?

Nhưng sao trang đầu của bài dịch trong sách, có cái chú thích về chữ dinde không dịch là “gà mái tây” mà dịch là “gà bừu”, người chỉ trích lại không đem ra mà chỉ trích?

Trong cái chú thích này, tôi nói: “Tôi không dám dịch là gà mái tây”. Tại sao tôi không dám?

Trong hai chữ “không dám” ấy, tôi ngụ cái ý riêng bực mình và mai mỉa của tôi.

Đã lâu rồi, tôi bị người phụ trách ngành tôi chữa những chữ “tây” chữ “tàu” nhiều lần lắm, cho nên tôi nói không dám. Vì sợ rằng, nói “gà mái tây”, “khoai tây”, thì bị họ chữa?

Người ta bảo rằng, bây giờ “bánh tây” nói “bánh mì”, “dầu tây” nói “dầu hỏa”, “thuốc tây” nói “tân dược”, “chè tàu” nói “chè Trung Quốc”, “mực tàu” nói “mực Trung Quốc”: xã hội đã quen dùng như thế, thì người viết văn phải viết theo như thế.

Tôi muốn viết bài để phản đối cái thuyết vô nghĩa lý đó, nhưng tôi đã bị có những tờ báo từ chối, không chịu đăng, cho nên tôi mượn sự dịch để biểu lộ cái ý bực mình và mai mỉa của tôi.

Bởi vậy, đối với sự chỉ trích của báo Cứu Quốc, tôi rất đồng ý. Có chỉ trích như thế thì các sự kiêng kỵ vô lý ấy mới thành ra vấn đề.

clip_image002[7]

“Mẩu vụn” Đồng ý! Đồng ý! của dịch giả Phan Khôi

tuần báo Cứu Quốc (Hà Nội) số 2774 ngày 19/8/1956

3. Hồi đó, chắc chắn ông X có đọc “mẩu vụn” của dịch giả Phan Khôi trả lời mình. Đã chân thành và thiện chí khi phê bình, thì theo lẽ, đọc được “mẩu vụn” đó của dịch giả trả lời mình, đã biết vì cớ gì lại dịch như thế, thì ông X phải có mấy lời xin lỗi và cùng dịch giả lên tiếng bảo vệ lối dịch trong sáng, gần gũi với tiếng nói của dân tộc, mới là phải. Vì suy cho cùng, tuy có phê bình nhau, nhưng hai người họ lại cùng chung chiến lũy trong cuộc đấu tranh giữ gìn ngôn ngữ dân tộc, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhưng đến đây thì xem ra ông X không phải là người trọng lẽ công bằng và còn khiếm khuyết trong lối xã giao, nên ông ấy chỉ viết mỗi một “mẩu vụn” ấy phê bình Phan Khôi, rồi thôi luôn. Có lẽ ông X thôi luôn vì một lý do mà Phan Khôi đã nói toạc ra, rằng “… tôi bị người phụ trách ngành tôi chữa những chữ “tây” chữ “tàu” nhiều lần lắm, cho nên tôi nói không dám”. Qua mẩu báo nhỏ của ông X phê bình Phan Khôi, thì chắc chắn đến 99 % ông X cũng là “dân chữ nghĩa” như Phan Khôi, cùng một ngành với Phan Khôi, thì thế nào ông ấy lại chả biết người phụ trách ngành mình, là ai? Và ông X lỉnh đi là có cái lý của ông ấy, chắc thế (!?).

Thế là, sự im lặng đó của ông X thành ra như là một tội ác, chẳng khác nào “gắp lửa bỏ tay người”. Từ đó trở đi, những nhà nghiên cứu ít chịu nghiên cứu, cứ thế nói theo, nên bài ca lên án dịch giả Phan Khôi mà ông X là người “lĩnh xướng” gần sáu chục năm trước, cứ còn âm vang mãi đến bây giờ.

Lục lại lịch sử, có điều này độc giả nên tường tận: ngày 5/8/1956 – là ngày ông X đăng báo Cứu Quốc “mẩu vụn” phê bình dịch giả Phan Khôi – thì Phan Khôi chưa công bố bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ trên Giai phẩm mùa thu – Tập I, tức là ông chưa “thành ra vấn đề” – như cách ông vẫn hay nói – nên ông X mới phê bình ông nhè nhẹ như thế và vẫn gọi ông cách thân mật là “dịch giả P.K. của chúng ta”. Và cũng vì ông chưa “thành ra vấn đề” nên ngày 19/8/1956 ông mới còn có cơ hội trả lời ông X bằng mẩu báo nhỏ cũng đăng báo Cứu Quốc sau đó hai tuần, như đã kể trên. Nhưng chỉ mười ngày sau, nhằm ngày 29/8/1956, bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của ông trình làng trên Giai phẩm mùa thu – Tập I, thì ngay lập tức ông và bài báo của ông “thành ra vấn đề”! Kể từ đó ông không còn có cơ hội nói lại cho mình được nữa, đến tận khi sang thế giới bên kia, nơi ông vẫn chỉ là sự im lặng tức tưởi, về tất cả mọi chuyện, chứ đâu chỉ có cái chuyện dịch thuật cỏn con này!

Bây giờ được đọc hai “mẩu vụn” trên đây, độc giả đương thời mới biết: dịch giả của bộ Kinh Thánh hàng ngàn trang trong những năm 1921 – 1925, chẳng phải vì vốn tiếng Pháp tự học quá nghèo nàn, hoặc vì thái độ chính trị thiếu nghiêm túc, mà dịch chữ pomme de terre (khoai tây), ra khoai nhạc ngựa. Nhà dịch giả kỳ cựu ấy cố tình dịch theo lối “nghịch nhĩ” như vậy chỉ là để phản đối một thứ học phiệt mới xuất hiện dưới thời Dân chủ Cộng hòa – tuy không hẳn giống với thứ học phiệt mà chính ông đã chỉ trích đích danh trên báo chí hồi năm 1930 – nhưng nó vẫn là học phiệt và thứ học phiệt đó lại còn được bảo vệ bằng thứ quyền lực bất khả xâm phạm.

Vì lẽ đó, cái án oan về dịch thuật của dịch giả Phan Khôi, bây giờ cần phải được xóa trắng, thân oan cho ông, mới là phải đạo!

Khép lại bản án dịch thuật của dịch giả Phan Khôi kéo dài những sáu mươi năm, phải kể đến cái công của những người đã vì lẽ công bằng, mà tận tụy truy tìm cho bằng được tang chứng, vật chứng đã bị phủ dày lớp bụi thời gian. Không có những người như thế, thì cái án oan về dịch thuật của Phan Khôi, ông còn phải đeo đến bao giờ?

Phủi được lớp bụi thời gian đi rồi, để lộ ra những dòng chữ thuộc về lịch sử, thì tên tuổi của nhà dịch giả ấy như lại thêm một lần phát sáng!

*

Nhân đây cũng xin nhắn với độc giả: Trên mạng Internet có đăng nhiều ý kiến cũng nói về câu chuyện này, nhưng xem ra các ý kiến đó đều không có căn cứ xác thực, lại được suy diễn theo ý chủ quan, nên không đủ độ tin cậy. Thử hỏi: còn gì đáng tin cậy hơn khi chúng tôi được trình ra để độc giả đương thời có cơ hội thưởng lãm chính những dòng Phan khôi viết và đăng trên báo Cứu Quốc cách nay gần sáu mươi năm? Đó là căn cứ duy nhất để người đương thời thêm một lần hiểu đúng chân dung một Phan Khôi như ông đã từng hiện diện trước cuộc đời. Mọi sự làm cho chân dung nhà dịch giả nghiêng về bên này hoặc bên kia bờ chính trị, chỉ vì bị ràng buộc bởi ý thức hệ, đều là không nên, vì nó bôi lem sự thật. Mà sự thật là thứ, bình sinh, nhà dịch giả ấy tôn thờ!(2)./.

Linh Đàm

tháng 6 /2013 – tháng 7/2014

P.A.S.

__________________

Chú thích:

(1). Tham luận, trích trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học PHAN KHÔI – NHỮNG ĐÓNG GÓP TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA DÂN TỘC của UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 6/10/2014 tại Thành phố Tam Kỳ.

(2). Xin nói thêm: chính từ hai “mẩu vụn” trên đây mà tờ báo Cách mạng Quốc gia ở Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm có bài Phan Khôi bị chỉnh với giọng điệu vừa gièm pha vừa đả kích ông và chế độ miền Bắc lúc đó. Ông buộc phải có bài Trả lời một tờ báo ở Sài Gòn đăng trên trang nhất báo Nhân văn số 1 ngày 20/9/1956 tại Hà Nội.

Comments are closed.