Phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên – thành tựu mới của phê bình văn học Việt Nam

Trần Đình Sử

42817723_936689799849519_851955188917862400_n

Hôm nay chúng ta vui mừng trao giải Văn Việt về phê bình văn học cho tập sách “Phê bình kí hiệu học” của tác giả Lã Nguyên, được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2018.

Năm nay có ba tác phẩm được xét; quyển của Lã Nguyên được nhất trí chọn làm tác phẩm được giải với 5/5 số phiếu.

Quyển sách được giải vì nó đã có những cống hiến quan trọng cho nền lí luận và phê bình văn học Việt Nam đương đại.

Thứ nhất, cuốn sách đã góp phần giới thiệu tổng hợp lí thuyết kí hiệu học hiện đại của trường phái Tartu-Moskva vào Việt Nam cùng với nhiều trường phái kí hiệu học khác, nhất là kí hiệu học văn hoá của Ju. Lotman, M. Bakhtin, V. Tiupa, N. Tamarchenco. Cùng với kí hiệu học, cuốn sách vận dụng lí thuyết diễn ngôn, tức là hướng nghiên cứu văn học từ phương diện thực tiễn giao tiếp – nghiên cứu văn học mà thoát li giao tiếp giống như nghiên cứu ngôn ngữ chỉ trong phạm vi từ điển. Chúng ta đều biết kí hiệu học thế giới đã được giới chuyên môn Việt Nam chú ý từ những năm 79 thế kỉ trước, song đó chủ yếu là kí hiệu học của F. de Saussure và Jakobson. Từ đó đến nay lí thuyết này đã có những bước tiến dài. Công trình của Lã Nguyên đã phản ánh kịp thời những bước tiến ấy.

Thứ hai, Lã Nguyên đã vận dụng lí thuyết vào phê bình văn học một cách nhuần nhuyễn. Lí thuyết trong sách của Lã Nguyên không khô cứng nhờ ông chọn cách dùng lí thuyết để phân tích tác phẩm, khiến các hiện tượng văn học tự bộc lộ ra các đặc điểm của mình cho người đọc thể nghiệm. Với cách làm đó, người đọc tiếp nhận ông một cách dễ dàng và thú vị. Đọc các bài về thơ Tố Hữu, về Nguyễn Tuân, về “nói to nói nhỏ”, người đọc đều có cảm giác như vậy. Ông thể hiện một phong cách phê bình rất hiện đại. Đó là phê bình học thuật, nó không diễn, không bình tán, khiến người đọc xa rời văn học. Phê bình của ông đem người đọc vào sâu trong tung thâm của biểu đạt và ý nghĩa, vào trong bản thân cơ chế tạo nghĩa của văn bản. Và khi đã vào, người đọc tự hình thành ý niệm về văn bản.

Thứ ba, quyển sách đã có ý thức chọn lọc các đối tượng phê bình. Ngòi bút phê bình của tác giả, trước hết hướng tới hai vấn đề. Một là tiếng nói thời đại, bao gồm các hiện tượng văn học lớn từ năm 1945 cho đến nay, từ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trước 1975, qua các đổi mới từ sau 1975 đến những năm 90 và những dấu hiệu hậu hiện đại từ những năm 90 trở lại đây. Ngòi bút tác giả đã khắc hoạ được những đặc trưng cơ bản của một thời đại văn học. Đó là mô hình giao tiếp của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, tính chất tượng đài của nó, tiếng “nói to nói nhỏ” của nó cùng diện mạo thể loại của nó. Thứ hai là tìm tòi về ngôn ngữ tác giả của một số nhà văn, bao gồm tác giả trước 45 như Nam Cao, Nguyễn Tuân, tác giả văn học xã hội chủ nghĩa như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, và các tác giả thời đổi mới như Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Thị Hoài, Sương Nguyệt Minh, Đặng Thân. Mỗi nhà văn tác giả đều phát hiện và khái quát được những nét ngôn ngữ nghệ thuật đáng chú ý, mới mẻ và giàu ý nghĩa đối với thời đại.

Cuối cùng, cuốn sách giàu gợi ý và nhiều triển vọng. Một cuốn sách phê bình hay không chỉ thể hiện ở những gì nó đã làm được, mà quan trọng hơn là cái phương hướng mà nó gợi ra. Nó cho thấy tiềm năng của lí thuyết văn học hiện đại, kí hiệu học và lí thuyết diễn ngôn. Nó cho thấy triển vọng của một lối phê bình học thuật mà giàu có tính tư tưởng, bám sát các hiện tượng văn học của thời đại, thấm đượm tinh thần thời đại. Nhà phê bình cùng một nhịp thở với văn học hiện đại, hướng đến tiếng nói trung thực, tự do đối với nghệ thuật. Một cuốn sách ấm áp tình yêu đối với các hiện tượng văn học mới của văn học nước nhà.

Ban Giám khảo chúc mừng tác giả và chúc mừng thành công mới của phê bình văn học Việt Nam.

Comments are closed.