Lã Nguyên
KÍNH THƯA QUÝ VỊ! THƯA CÁC BẠN!
Mấy hôm nay tôi cứ nghĩ, nếu không có sự ngẫu nhiên, chắc cảm nhận của ta về hạnh phúc sẽ khác đi. Tôi được sinh ra vào ngày mồng 3 tháng 3. Văn đoàn của chúng ta lấy ngày thành lập Ban Vận động làm ngày trao giải thường niên. Thế là cuốn sách Phê bình kí hiệu học của tôi được trao giải đúng vào ngày tôi chào đời. Có phải đó là một sự ngẫu nhiên không? Sự ngẫu nhiên đầy thú vị ấy đã nhân đôi cảm nhận của tôi về hạnh phúc: hạnh phúc không chỉ vì được trao giải, mà còn vì sự hiện hữu của mình trên thế gian này.
Tôi nhớ, trong một cuốn sách bàn về nghệ thuật, Lev Tolstoi nêu câu hỏi: – Người ta viết sách để làm gì? Ông trả lời: – Người thì vì tiền, người vì danh, có người vì cả hai thứ ấy. Ông lại hỏi: – Vì cái gì mà độc giả bỏ tiền mua sách để người viết sách có cả danh lẫn tiền? Ông trả lời: – Vì ai cũng muốn được hạnh phúc. L. Tolstoi không biết rằng cho đến tới tận thế kỉ XXI , ở Việt Nam, đa phần nhà văn vẫn cần được “nuôi”, không ai sống được bằng nghề viết sách, không mấy ai viết sách để kiếm tiền, thân phận của người viết sách chẳng ra gì, nói theo lời Nguyễn Huy Thiệp, danh hiệu nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hay nhà trí thức nói chung “chỉ là danh hiệu lỡm người bạc phúc”. L. Tolstoi không biết rằng ở Việt Nam, dẫu chẳng được danh, không được tiền, nhiều người vẫn viết sách chẳng qua vì họ cũng muốn được hạnh phúc như độc giả của họ.
Vâng, tôi sống bằng nghề dạy học và bằng đồng lương còm cõi của ông “giáo khổ trường công” tôi vẫn có thể sống qua ngày. Giá không vì niềm khát khao hạnh phúc, chắc tôi sẽ chẳng viết phê bình để làm gì. Chỉ trong nghiên cứu văn học, chỉ khi viết phê bình, tôi mới thực sự được làm người tự do: tự do là mình, không buộc mình phải giống ai, tự do lựa chọn cái này hoặc cái kia, tự do nói lời riêng của mình trước con người và thế giới. Được sống tự do như thế, với tôi, là niềm hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời này.
Năm 2018, tôi in hai cuốn sách: Số phận lịch sử của các lí thuyết văn học và Phê bình kí hiệu học. Mỗi cuốn sách là một sự lựa chọn tự do của cá nhân tôi.
Cuốn thứ nhất là sự lựa chọn lí thuyết. Qua nội dung và lôgic cấu trúc của cuốn sách, tôi nói lời chia tay với mĩ học và lí luận văn học xô-viết chính thống từng thống trị ở Liên Xô từ những năm 1920, đến những năm 1930 được du nhập vào Việt Nam và cho đến nay vẫn đang tiếp tục sống thoi thóp ở nước ta. Chia tay với học thuyết “văn học tòng thuộc chính trị”, với xã hội học văn học ngây thơ, thô thiển mà hạt nhân là kinh tế luận, giai cấp luận, phản ánh luận, tôi chào đón các lí thuyết tiên tiến của nhân loại và chọn riêng cho mình môn kí hiệu học văn hóa làm hướng tiếp cận các sáng tác nghệ thuật.
Cuốn thứ hai là sự lựa chọn phương pháp phê bình và các xu hướng nghệ thuật. Tiếp cận sáng tác văn học từ góc độ kí hiệu học, tôi chia tay với kiểu phê bình lấy khen – chê là mục đích để đến với phê bình khoa học. Từ góc độ phê bình kí hiệu học, tôi nói lời vĩnh biệt xu hướng nghệ thuật sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà thực chất là nghệ thuật tuyên truyền, minh họa, nghệ thuật điển phạm, từ chương, nghệ thuật của những câu chữ, khuôn mẫu có sẵn. Tôi nồng nhiệt chào đón những tác phẩm văn nghệ thể hiện tinh thần dân chủ, nhân văn và các xu hướng cách tân của thời đại mới.
Tôi nghiệm ra, không có sự lựa chọn nào diễn ra thông thuận, dễ dàng. Phải mất hàng chục năm nghiễn ngẫm, tôi mới có được xác tín riêng để làm người tự do. Tôi biết sự lựa chọn của tôi chẳng dễ được chấp nhận từ quan điểm chính thống đang ngự trị phổ biến ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, trong một bài viết, nhà phê bình tài năng Đỗ Lai Thúy, người bạn “cùng lứa bên trời” với tôi, đã ví cuốn Phê bình kí hiệu học của tôi với tiếng “sư tử gầm giữa hoang mạc”.
Dĩ nhiên tôi có cơ sở để không bi quan về môi trường học thuật và sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam như thế. Chẳng phải Nhà xuất bản Phụ nữ đã trở thành bà đỡ mát tay cho cả hai cuốn sách nói trên của tôi đó sao? Riêng cuốn Phê bình kí hiệu học chỉ sau mấy tháng phát hành, nay đã được tái bản. Thế là cuốn sách đã được đông đảo bạn đọc, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, chấp nhận cấp “thông hành” cho nó. Chẳng phải những cặp mắt xanh của Hội đồng giải thưởng của Văn Đoàn độc lập đã tán thành trao giải thưởng cho cuốn sách của tôi đó sao? Nghĩa là tôi không thiếu tri âm. Tôi thực sự là người hạnh phúc.
Cảm ơn Nhà xuất bản Phụ nữ và đông đảo độc giả, cảm ơn Văn đoàn độc lập và Hội đồng giải thưởng của Văn đoàn đã trao cho tôi niềm vinh dự và hạnh phúc lớn lao này.
Cảm ơn Quý vị và các bạn đã cùng tới chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc tại lễ trao giải ngày hôm nay.
Tp Hồ Chí Minh, Ngày 28 tháng 2 năm 2019
Lã Nguyên
Xin mời xem video clip: Nhà nghiên cứu văn học Lã Nguyên (La Khắc Hoà) phát biểu nhận giải Văn Việt lần thứ Tư (2019):