Tại sao văn học?

Mario Vargas Llosa (Nhà văn Peru, Nobel văn học 2010)

 Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh

Dịch giả gửi cho Văn Việt

imagesRất nhiều lần, tại các hội chợ sách hay các hiệu sách, tôi gặp cảnh một quý ông đến bên tôi xin chữ ký. “Đây là xin cho vợ tôi, cho con gái tôi, cho mẹ tôi”, ông ta nói. “Vợ tôi rất thích đọc sách và yêu văn học”. Nghe thế lập tức tôi hỏi: “Thế còn ông thì sao? Chẳng lẽ ông không thích đọc sao?” Câu trả lời luôn là như nhau: “Tất nhiên, tôi thích đọc chứ, nhưng tôi bận bịu lắm”. Tôi đã nghe lời giải thích này hàng chục lần: người đàn ông ấy và hàng nghìn người khác giống ông ta có rất nhiều việc quan trọng phải làm, có rất nhiều bổn phận, rất nhiều trách nhiệm trong cuộc sống, đến mức mà họ không thể bỏ ra được chút thời gian quý báu của mình để vùi đầu vào một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ, hay một tập tiểu luận phê bình lấy vài giờ. Theo như lập luận phổ biến này thì văn học là một hoạt động có cũng được mà không cũng xong, hiển nhiên là nó cao quý và hữu ích cho việc vun đắp cảm xúc đẹp và hành vi tốt, nhưng chủ yếu nó là thứ tiêu khiển, giải trí, là thứ trang điểm mà chỉ những ai nhàn rỗi mới dùng đến. Đại để văn học cũng giống như thể thao, phim ảnh, cờ bài; nó có thể bị thí bỏ một cách không phân vân khi người ta cần “ưu tiên” cho những nhiệm vụ và bổn phận thiết yếu trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

Có vẻ như, văn học ngày càng trở nên là hoạt động của phái nữ. Trong các hiệu sách, tại các hội nghị, hay tại các cuộc đọc truyện của các nhà văn, và thậm chí tại các khoa nhân văn trong trường đại học, phụ nữ rõ ràng là lấn át đàn ông về số lượng. Lý do hay được đưa ra là phụ nữ tầng lớp trung lưu đọc nhiều hơn vì họ làm việc ít giờ hơn nam giới và vì vậy nhiều người trong số họ cảm thấy họ có thể biện minh cho việc dành thời gian cho chuyện văn chương thơ phú dễ hơn đàn ông. Tôi thấy ác cảm với cách giải thích chia đàn ông và đàn bà ra thành hai phạm trù lạnh lùng và gán cho mỗi phái những ưu khuyết điểm của họ; nhưng không nghi ngờ gì là ngày càng có ít người đọc sách văn học và trong số độc giả còn lại thì phụ nữ là chiếm ưu thế.

Trường hợp này xảy ra hầu như ở khắp nơi. Tại Tây Ban Nha chẳng hạn, theo một điều tra mới đây do Tổng hội nhà văn Tây Ban Nha thực hiện thì một nửa dân số trong nước không bao giờ đọc một quyển sách. Cuộc điều tra cũng cho thấy trong thiểu số có đọc thì số phụ nữ đọc sách vượt quá số đàn ông là 6,2%, một tỷ lệ có vẻ như ngày càng tăng lên. Tôi mừng cho những phụ nữ đó, nhưng tôi lại thấy tiếc cho những đàn ông đó, và cho hàng triệu người có thể đọc sách nhưng lại quyết định không đọc.

Họ khiến tôi thương hại không chỉ vì họ không biết được thú vui họ đã bỏ lỡ, mà còn vì tôi tin rằng một xã hội không có văn học, hay một xã hội trong đó văn học bị đẩy sang bên lề cuộc sống xã hội và cá nhân, như một thói tật phải giấu kín, và bị biến thành như sự tôn thờ của một giáo phái, là một xã hội bị kết án trở nên man rợ về mặt tinh thần, và thậm chí là gây nguy hiểm cho sự tự do của nó. Tôi muốn đưa ra một vài lập luận chống lại ý tưởng xem văn học là một việc tiêu khiển thời gian xa xỉ, và để bênh vực cho quan điểm xem nó như là một sự khai tâm quan trọng và thiết yếu nhất, một hoạt động không thể thay thế để đào luyện các công dân trong một xã hội hiện đại và dân chủ, một xã hội của những cá nhân tự do.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyên môn hóa tri thức, nhờ sự phát triển phi thường của khoa học và công nghệ và nhờ sự phân mảnh của tri thức ra thành vô số phân ngành khác nhau. Xu hướng văn hóa này, có lẽ, sẽ được chờ đợi tập trung vào những năm tới. Chắc chắn, sự chuyên môn hóa mang lại nhiều lợi ích. Nó cho phép khai thác sâu hơn và thực nghiệm lớn hơn. Nhưng nó cũng có những hậu quả tiêu cực, vì nó loại trừ những đặc điểm chung về trí tuệ và văn hóa cho phép đàn ông và phụ nữ cùng tồn tại, cùng giao tiếp, cùng cảm thấy có tình đoàn kết. Sự chuyên môn hóa dẫn tới sự thiếu hiểu biết xã hội, sự phân chia con người thành ra những khu biệt lập của giới kỹ sư và giới chuyên gia. Sự chuyên môn hóa tri thức đòi hỏi những ngôn ngữ chuyên biệt hóa và những bộ mã ngày càng bí thuật vì thông tin ngày càng trở nên chuyên biệt và phân ngành. Đây là chủ nghĩa phân lập và sự phân chia mà một câu ngạn ngữ đã cảnh báo chúng ta: chớ nhìn lá mà quên cây, nhìn cây mà quên rừng. Biết có rừng sẽ tạo ra cảm giác chung, cảm giác thuộc về, chúng gắn kết xã hội lại với nhau, ngăn nó khỏi tan ra thành vô số những phân mảnh duy ngã. Chủ nghĩa duy ngã của các dân tộc và các cá nhân sinh ra chứng hoang tưởng và mê sảng, làm sai lệch hiện thực, từ đó gây nên sự hận thù, chiến tranh, và thậm chí là diệt chủng.

Ngày nay, khoa học và công nghệ không thể đóng vai trò hợp nhất, chính bởi vì tri thức quá phong phú và tốc độ tiến triển của nó quá nhanh chóng, dẫn đến sự chuyên môn hóa sâu trở nên mờ mịt, khó hiểu. Nhưng văn học đang là, và sẽ vẫn là, chừng nào nó còn tồn tại, một mẫu số chung của kinh nghiệm con người, qua đó mọi người có thể nhận biết bản thân và giao tiếp với nhau, dù khác nhau về nghề nghiệp và hướng sống, về địa lý và văn hóa, về hoàn cảnh cá nhân. Có những cá nhân có quyền phép vượt qua được lịch sử, dù cuộc đời họ rất khác nhau: với tư cách là độc giả của Cervantes, Shakespeare, Dante, Tolstoy, chúng ta hiểu nhau băng qua không gian và thời gian, và chúng ta cảm thấy mình là thành viên của cùng một giống loài, đọc những tác phẩm các nhà văn viết ra, chúng ta học được điều chúng ta chia sẻ với tư cách những con người, điều chung trong tất cả chúng ta dù cho có rất nhiều những sự khác biệt tách rời chúng ta. Không gì bảo vệ con người chống lại thiên kiến ngu ngốc, tệ phân biệt chủng tộc, thói bè phái tôn giáo hay chính trị, và chủ nghĩa quốc gia thái quá tốt hơn cái sự thật luôn có trong một nền văn học lớn: đó là đàn ông và đàn bà của mọi dân tộc và mọi nơi chốn đều bình đẳng, và chỉ có sự bất công mới gieo rắc ở họ sự phân biệt đối xử, nỗi sợ, và sự bóc lột.

Không gì tốt hơn văn học dạy chúng ta biết nhìn thấy, qua những khác biệt tộc người và văn hóa, di sản phong phú của loài người và biết quý trọng những khác biệt đó như là biểu hiện sự sáng tạo nhiều mặt của nhân loại. Đọc một thứ văn hay là một trải nghiệm thích thú, cố nhiên; nhưng đó còn là trải nghiệm học hỏi chúng ta là ai và thế nào, trong sự toàn vẹn cũng như sự chưa hoàn hảo của con người mình, với những hành động, những ước mơ, những linh hồn của chúng ta, khi một mình cũng như khi trong những quan hệ nối chúng ta với những người khác, trong hình ảnh trước công chúng và tận sâu trong thâm tâm.

Tổng số phức hợp của những sự thật trái ngược này – như Isaiah Berlin gọi chúng – tạo nên chính bản chất của phận người. Trong thế giới ngày nay, tri thức mang tính toàn thể và sống động như vậy về con người chỉ có thể tìm thấy ở văn học. Thậm chí không một bộ môn nào khác của khoa nhân văn – không phải là triết học, sử học hay nghệ thuật, và chắc chắn không phải là các khoa học xã hội – có khả năng giữ được cái nhìn toàn vẹn đó, diễn ngôn phổ quát đó. Các khoa học nhân văn đã chịu thua trước sự phân chia và chia nhỏ tri thức, biệt lập mình ra thành những khu vực kỹ thuật ngày càng chia cắt mà ý tưởng và từ ngữ của chúng nằm ngoài tầm với của phụ nữ và đàn ông. Một số nhà phê bình và nhà lý thuyết thậm chí còn định biến văn học thành khoa học. Nhưng ý muốn đó không bao giờ xảy ra, bởi vì văn học không tồn tại để nghiên cứu chỉ một khu vực kinh nghiệm đơn lẻ. Nó tồn tại để thông qua trí tưởng tượng làm phong phú thêm cho toàn bộ cuộc sống con người, một cuộc sống không thể chia cắt, chặt khúc, hay quy về những chuỗi sơ đồ hoặc công thức mà không biến mất. Đây là ý nghĩa câu Proust nói: “Cuộc sống thực, cuối cùng đã soi sáng và phơi bày, cuộc sống duy nhất đã sống đầy đủ, là văn học”. Ông nói thế không phải là cường điệu, cũng không phải chỉ để nói tình yêu đối với thiên chức của mình. Ông đưa ra một ý kiến cụ thể rằng là nhờ văn học mà cuộc sống được hiểu rõ hơn và được sống tốt hơn; và rằng cuộc sống đang sống đòi hỏi phải sống nó đầy đủ hơn nữa và phải chia sẻ nó với những người khác.

Mối liên kết anh em mà văn học thiết lập giữa các con người giúp họ đối thoại với nhau, làm cho họ ý thức được nguồn gốc chung và mục đích chung, xuyên qua mọi rào chắn thời gian. Văn học mang chúng ta vào quá khứ và nối chúng ta với những người ở những thời trước đã mơ mộng, đã buồn vui qua những tác phẩm còn đến với chúng ta nay, những tác phẩm vẫn còn khiến chúng ta vui buồn, mơ mộng. Cái cảm giác thấy mình là thành viên của cả khối nhân loại đã sống qua thời gian và không gian là thành tựu cao nhất của văn hóa, và không gì làm nó sống lại ở mỗi thế hệ hơn là văn học.

Borges luôn bực tức mỗi khi ai hỏi ông: “Văn học thì có ích gì?” Ông cho đó là câu hỏi ngu ngốc và đáp lại: “Không ai hỏi tiếng hót chim hoàng yến hay cảnh ráng chiều hoàng hôn là có ích gì cả”. Nếu những sự đẹp đẽ là tồn tại, và nếu nhờ chúng cuộc sống trở nên bớt xấu xí và bớt buồn bã hơn, dù chỉ trong chốc lát, thì cần chi phải hỏi chúng có ích gì? Nhưng câu hỏi này là một câu hỏi hay. Vì những cuốn tiểu thuyết và những bài thơ không giống tiếng chim hót hay cảnh mặt trời lặn xuống chân trời, do chúng không phải được tạo nên bởi ngẫu nhiên hay thiên nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, nên hỏi vì sao và bằng cách nào chúng đi được vào thế giới, chúng nhằm mục đích gì, và vì sao chúng sống được lâu thế, là câu hỏi hợp lẽ.

Các tác phẩm văn học ra đời như những bóng ma vô hình vô ảnh trong tâm não nhà văn, khi nhà văn xây đắp nó bằng sức mạnh của vô thức, sự cảm nhận thế giới và cảm xúc kết hợp lại; đó là cái mà nhà thơ hay nhà văn vật lộn với ngôn từ để dần dần cấp cho chúng hình thức, cơ thể, chuyển động, nhịp điệu, hòa điệu, và cuộc sống. Một cuộc sống nhân tạo, hẳn nhiên, một cuộc sống được tưởng tượng ra, một cuộc sống làm bằng ngôn ngữ – thế nhưng đàn ông và phụ nữ lại tìm kiếm cuộc sống nhân tạo này, người thì thường xuyên người thì đôi khi, bởi vì cuộc sống thực đối với họ là ngắn ngủi, không thể đưa lại cho họ những điều họ muốn. Văn học không phải bắt đầu qua tác phẩm của một cá nhân riêng lẻ. Nó tồn tại chỉ khi được những người khác chấp nhận và trở thành một phần của đời sống xã hội – khi nhờ việc đọc mà nó trở thành kinh nghiệm được chia sẻ.

Một trong những hiệu quả tốt đẹp đầu tiên là ở cấp độ ngôn ngữ. Một cộng đồng không có văn học viết sẽ tự biểu hiện mình ít chính xác, ít sắc thái phong phú, ít rõ ràng hơn một cộng đồng có công cụ giao tiếp chính, từ ngữ, được bồi đắp và hoàn thiện qua các tác phẩm văn học, Một cộng đồng không đọc sách, không sờ tới văn học là một cộng đồng câm điếc và bị mắc chứng mất ngôn ngữ, bị vấp phải những vấn đề khủng khiếp trong giao tiếp do ngôn ngữ sống sượng, thô sơ. Điều này cũng đúng cho các cá nhân. Một người không đọc sách, hay đọc ít, hay chỉ đọc lớt phớt, là một người bị trở ngại: hắn có thể nói rất nhiều những chẳng nói được bao nhiêu, bởi vì vốn từ của hắn không đủ để thể hiện bản thân.

Đây không chỉ là hạn chế về từ ngữ. Nó còn cho thấy sự hạn chế về trí tuệ và óc tưởng tượng. Đó là sự nghèo nàn của tư duy, vì lý do đơn giản là những tư tưởng, những quan niệm ta dùng để nắm bắt những bí ẩn của thân phận chúng ta không tồn tại ngoài ngôn từ. Chúng ta học được cách nói chính xác, sâu sắc, chặt chẽ, tinh tế là nhờ có thứ văn học tốt, và chỉ nhờ có thứ văn học tốt. Không bộ môn hay phân ngành nghệ thuật nào khác có thể thay thế văn học trong việc trau chuốt ngôn ngữ mà mọi người cần đến để giao tiếp. Biết nói năng lưu loát, biết tùy ý sử dụng từ ngữ phong phú và đa dạng, biết tìm ra cách nói phù hợp cho mỗi ý tưởng và mỗi cảm xúc ta muốn truyền đạt, là cách chuẩn bị tốt nhất cho suy nghĩ, giảng dạy, học tập, trò chuyện, cũng như cho tưởng tượng, mơ mộng, cảm nhận. Từ ngữ sẽ tác động ngầm trở lại trong mọi hành động của chúng ta, ngay cả trong những hành động tưởng như rất xa ngôn ngữ. Và vì ngôn ngữ phát triển nhờ văn học mà trở nên tinh tế, trau chuốt, nên nó càng làm tăng thêm khả năng vui thích của con người.

Văn học thậm chí còn nâng tình yêu, khoái cảm và hành động tình dục lên địa vị sáng tạo nghệ thuật. Không có văn học, sắc dục (eroticism) sẽ không tồn tại. Tình yêu và khoái cảm sẽ nghèo nàn đi, chúng sẽ thiếu mất sự duyên dáng, tế nhị, chúng sẽ không có được cường độ mạnh mẽ do văn học đưa lại. Sẽ là không ngoa khi nói rằng những người đã đọc Garcilaso, Petrarch, Gongora, hay Baudelaire sẽ quý trọng khoái cảm và hưởng thụ khoái cảm nhiều hơn là những người thất học bị các bộ phim truyền hình rẻ tiền biến thành lũ ngốc. Trong một thế giới vô học, tình yêu và ham muốn không khác gì những thứ thỏa mãn loài vật, cũng như chúng không thể vượt quá được sự thực hiện những bản năng sơ đẳng.

Các phương tiện truyền thông nghe nhìn được trang bị đầy đủ cũng không thể thay được văn học trong việc dạy cho con người biết cách sử dụng chắc chắn, thành thục các khả năng hết sức phong phú của ngôn ngữ. Ngược lại, các phương tiện truyền thông nghe nhìn có xu hướng gạt từ ngữ xuống hàng hai để ưu tiên cho hình ảnh, đó mới là ngôn ngữ hàng đầu của các phương tiện này, và thu hẹp ngôn ngữ vào tiếng nói, dạng tồn tại tối thiểu không thể thiếu của nó, tách xa dạng viết. Nhận xét một bộ phim hay một chương trình truyền hình có “tính văn” là cách lịch sự để nói rằng cái đó chán. Vì lý do này, các chương trình văn học trên truyền thanh và truyền hình ít khi thu hút được công chúng. Theo như tôi biết, ngoại lệ duy nhất là chương trình Apostrophes của Bernard Pivot ở Pháp. Và điều này dẫn tôi tới ý nghĩ là văn học không chỉ hết sức cần thiết để có hiểu biết đầy đủ và nắm được thành thạo ngôn ngữ, mà số phận của nó còn là gắn chặt, không thể chia cắt, với số phận của sách, cái sản phẩm công nghiệp mà hiện nay nhiều người cho là đã lỗi thời.

Chuyện này khiến tôi nghĩ tới Bill Gates. Ông mới đến Madrid cách đây không lâu và đã tới thăm Viện Hàn lâm hoàng gia Tây Ban Nha, cơ quan liên doanh với Microsoft. Trong bài phát biểu của mình tại đây, Gates có đoan chắc với các thành viên Viện Hàn lâm rằng ông bảo đảm với tư cách cá nhân là chữ cái “ñ” sẽ không bao giờ bị loại ra khỏi phần mềm máy tính – một lời hứa cho phép bốn trăm triệu người nói tiếng TBN trên năm lục địa thở phào, vì việc xóa bỏ một chữ cái quan trọng như thế ra khỏi không gian ảo sẽ gây nên một vấn đề lớn. Tuy nhiên, ngay lập tức sau khi có sự nhượng bộ tử tế này đối với tiếng TBN, thậm chí là trước khi rời khỏi trụ sở của Viện Hàn lâm, Gates đã công khai thú nhận tại cuộc họp báo rằng ông mong muốn hoàn thành mục tiêu cao nhất của mình trước khi chết. Mục tiêu đó, ông nói, là đặt dấu chấm hết cho giấy và rồi cho sách.

Theo suy luận của ông, sách là vật đã lỗi thời. Gates cho rằng màn hình máy tính có khả năng thay cho giấy trong tất cả các chức năng mà giấy thực hiện từ trước cho tới nay. Ông cũng nhấn mạnh, ngoài chuyện là ít nặng nề, máy tính còn chiếm ít không gian, dễ mang đi; thêm nữa, việc truyền tin tức và văn học qua truyền thông điện tử, thay vì bằng sách báo, sẽ mang lại lợi ích sinh thái do ngừng việc phá rừng, một thảm họa do ngành công nghiệp giấy gây ra. Người ta vẫn tiếp tục đọc, Gates an ủi cử tọa, nhưng họ sẽ đọc trên các màn hình máy tính và do vậy môi trường sẽ có nhiều thêm chất diệp lục.

Tôi không trực tiếp nghe Gates nói, chỉ đọc tin trên báo. Nếu tôi có mặt tại đấy chắc tôi sẽ la ó Gates vì đã tuyên bố không chút xấu hổ ý định đẩy tôi và các đồng nghiệp của tôi, những người viết sách, vào đội quân thất nghiệp. Và tôi sẽ tranh cãi kịch liệt với ông. Liệu màn hình có thực sự thay được sách trong tất cả các phương diện không? Tôi không chắc là thế. Tôi hoàn toàn ý thức được cuộc cách mạng to lớn mà các công nghệ mới như Internet đã tạo ra trong các lĩnh vực truyền thông và chia sẻ thông tin, tôi thừa nhận là Internet đã giúp đỡ vô giá cho tôi trong công việc hàng ngày; nhưng sự biết ơn của tôi đối với các tiện nghi đó không hàm chứa niềm tin là màn hình máy tính có thể thay thế tờ giấy, hay việc đọc trên máy tính có thể thay cho đọc sách. Đây là cái hố sâu mà tôi không thể vượt qua. Tôi không thể chấp nhận ý tưởng cho rằng hành động đọc không mang tính thực dụng hay tính công việc, đọc không để tìm kiếm thông tin hay tìm kiếm sự giao tiếp có ích và tức thời, đọc chỉ để vui với những mơ mộng và thích thú từ các con chữ, trên màn hình máy tính cũng có được cảm giác thầm kín, có được sự tập trung đầu óc hay sự tĩnh lặng tâm hồn như khi cầm một cuốn sách lên đọc.

Có lẽ thiên kiến này là do thiếu thực tiễn, và do cách nghĩ lâu nay gắn văn học với sách và giấy. Nhưng thậm chí dù cho tôi thích lướt Web để đọc tin thế giới thì tôi sẽ vẫn không bao giờ mở màn hình để đọc một bài thơ của Gongora hay một tiểu thuyết của Onetti hay một tiểu luận của Paz, bởi vì tôi tin chắc rằng hiệu quả của việc đọc như thế sẽ không giống nhau. Tôi tin rằng, dù tôi không thể chứng minh được, khi sách biến mất, văn học sẽ bị giáng một đòn mạnh, thậm chí là đòn chí tử. Thuật ngữ “văn học” sẽ không biến mất, hẳn nhiên. Nhưng gần như chắc chắn là nó sẽ được dùng để chỉ một kiểu văn bản khác với cái chúng ta hiểu là văn học hiện nay, giống như “opera xà phòng” khác với các bi kịch của Sophocles và Shakespeare.

Còn một lý do khác để công nhận văn học có một vị trí quan trọng trong đời sống của các dân tộc. Thiếu nó, tư duy phê phán – động cơ thực sự của sự thay đổi lịch sử và là cái bảo vệ tốt nhất cho tự do, sẽ bị tổn thất không thể bù đắp được. Đấy là vì mọi thứ văn học tốt đều là cấp tiến, đặt ra những vấn đề cơ bản về thế giới ta sống. Mọi tác phẩm văn học vĩ đại đều có thiên hướng nổi loạn, điều này thường là nằm ngoài ý định của tác giả.

Văn học không nói gì với những người bằng lòng với số mệnh của mình, thỏa mãn với cuộc sống họ đang sống. Văn học là thức ăn của tinh thần nổi loạn, là nơi truyền bá thái độ không thỏa hiệp, là nơi trú ngụ cho những người có quá nhiều hay có quá ít trong cuộc sống. Người ta tìm đến văn học che chở khi bị bất hạnh cũng như khi bị thiếu thốn. Cưỡi con ngựa gầy Rocinante đi theo chàng kị sỹ cuối mùa trên những cánh đồng xứ La Mancha, giong buồm ra khơi trên lưng cá voi cùng với thuyền trưởng Ahab, uống thạch tín cùng với bà Bovary, biến thành côn trùng cùng với Gregor Samsa: đấy là mọi cách chúng ta bày ra để gạt bỏ mình khỏi những sai lầm và áp đặt của cuộc sống bất công này, một cuộc sống buộc chúng ta luôn phải trở nên giống nhau khi ta muốn là những người khác nhau, cũng như muốn thỏa mãn nhiều ham muốn ám ảnh ta.

Văn học làm nguôi ngoai sự không thỏa mãn này chỉ trong chốc lát – nhưng trong khoảnh khắc kỳ diệu đó, trong phút giây lơ lửng tạm thời đó của cuộc sống, ảo ảnh văn học nâng ta lên và đưa ta thoát ra ngoài lịch sử, và chúng ta trở thành công dân của một xứ sở vô thời gian và theo cách đó chúng ta là bất tử. Chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, giàu có hơn, phức tạp hơn, hạnh phúc hơn và minh mẫn hơn chúng ta vốn có trong vòng quay nghiệt ngã của đời thường. Khi ta gấp sách lại và quên đi sự hư cấu văn học, ta trở lại cuộc sống hiện tại và so sánh nó với xứ sở huy hoàng mà ta vừa rời bỏ. Một nỗi thất vọng vô cùng ập đến chúng ta! Đồng thời ta cũng ngộ ra một điều lớn lao rằng thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết là tốt hơn, đẹp hơn, đa dạng hơn, đầy đủ hơn và hoàn thiện hơn cuộc sống ta sống khi tỉnh thức, một cuộc sống bị quy định bởi những hạn chế và sự tẻ nhạt của thân phận chúng ta. Theo cách này, một thứ văn học tốt, thứ văn học đích thực luôn mang tính chất ngược ngạo, lật đổ, nổi loạn: đó là sự thách thức những gì đang tồn tại.

Làm sao chúng ta không cảm thấy bị lừa gạt sau khi đọc Chiến tranh và hòa bình, Đi tìm thời gian đã mất và trở lại cái thế giới tầm thường đang sống với những điều vụn vặt, những giới hạn và những điều cấm đoán nằm chờ khắp nơi, và cứ mỗi bước đi lại phá hỏng ảo ảnh của chúng ta? Thậm chí còn lớn hơn nhu cầu duy trì văn hóa và làm giàu ngôn ngữ, đóng góp lớn nhất của văn học cho sự tiến bộ của con người có lẽ là nhắc nhở ta (trong phần lớn trường hợp là không hề cố ý) rằng thế giới này bị tổ chức hỏng; rằng những người tỏ ra trái ngược, mạnh mẽ và hạnh phúc là giả bộ; rằng thế giới có thể được cải thiện, làm cho giống hơn với những thế giới mà đầu óc tưởng tượng và ngôn ngữ của chúng ta đã tạo ra. Một xã hội tự do và dân chủ cần phải có những công dân có trách nhiệm và có tinh thần phê phán, biết được nhu cầu liên tục xem xét thế giới ta đang sống và cố gắng, dù cho đây là một nhiệm vụ ngày càng bất khả thi, làm cho nó giống hơn nữa cái thế giới chúng ta muốn sống. Và không có phương tiện nào xúi giục sự bất hòa với tồn tại tốt hơn là đọc thứ văn học tốt; không có phương tiện nào tốt hơn tạo nên những công dân có tinh thần phê phán và độc lập, những người không bị các nhà cầm quyền thao túng, những người mang trong mình một ý chí linh hoạt và một tâm hồn rung động.

Tuy nhiên, nói văn học là phản kháng bởi vì nó làm cho độc giả thấy ra sự thiếu hoàn thiện của thế giới, không có nghĩa – như nhà thờ và chính quyền dường như nghĩ nó như vậy khi thiết lập sự kiểm duyệt – các tác phẩm văn học sẽ gây ra lập tức những bước ngoặt xã hội hay thúc đẩy các cuộc cách mạng. Hiệu quả xã hội và chính trị của một bài thơ, một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết không thể đoán trước được bởi vì chúng không phải làm tập thể hay trải nghiệm tập thể. Chúng do các cá nhân làm ra và được các cá nhân đọc, mà có bao nhiêu cá nhân thì có bấy nhiêu kết luận được họ rút ra từ cái viết và cái đọc của mình. Vì vậy, rất khó, hay thậm chí là không thể, xác lập được những mô hình chính xác. Hơn thế, hiệu quả xã hội của một tác phẩm văn học lại ít liên quan với phẩm chất thẩm mỹ của họ. Cuốn tiểu thuyết xoàng của Harret Beecher Stowe (tác giả Túp lều bác Tôm – ND) dường như đã đóng vai trò quyết định trong việc khơi dậy ý thức xã hội và chính trị về nạn nô lệ khủng khiếp ở Mỹ. Việc hiệu quả của văn học khó xác định không hàm ý là chúng không có. Điều quan trọng là hiệu quả đấy thể hiện qua những hành động của các công dân được hình thành nhân cách một phần nhờ sách.

Thứ văn học tốt, trong khi tạm làm khuây nỗi bất an của ta thì thực ra lại làm tăng nó lên vì khơi dậy trong ta thái độ phê phán và không thỏa hiệp đối với cuộc sống. Thậm chí có thể nói văn học làm cho con người dường như bất hạnh hơn. Sống bất hòa, gây hấn với tồn tại, là tìm kiếm những điều không có, là tự kết án mình lao vào những trận đánh vô ích giống như đại tá Aureliano Buendía trong Trăm năm cô đơn chiến đấu mà biết chắc là sẽ mất hết. Tất cả những điều đó là đúng. Nhưng cũng là đúng rằng không có sự nổi loạn chống lại cái tầm thường, bẩn thỉu của cuộc sống, chúng ta sẽ vẫn sống trong trạng thái nguyên thủy, và lịch sử sẽ phải dừng lại. Cá nhân tự trị sẽ không có, khoa học và công nghệ sẽ không phát triển, các quyền con người sẽ không được ghi nhận, tự do sẽ không tồn tại. Tất cả những cái đó là nguồn gốc của nỗi bất hạnh, của những hành động phản kháng lại cuộc sống bị coi là thiếu hụt và không thể chịu đựng nổi. Vì tinh thần coi khinh cuộc sống như nó đang là – và những sự tìm kiếm cùng với cơn điên của Don Kihote do đọc các tiểu thuyết hiệp sĩ – nên văn học được coi như cái đinh thúc ngựa lớn.

Ta hãy thử lần lại lịch sử. Hãy hình dung một thế giới không có văn học, một nhân loại không đọc thơ văn. Trong một nền văn minh teo tóp kiểu như vậy, nơi ngôn ngữ kém phát triển, chỉ giống như những tiếng rên rỉ hay tiếng bắt chước, các cử chỉ phần nhiều thay cho ngôn từ, thì chắc chắn sẽ không có các tính từ. Những tính từ kiểu như bệnh Đông Ky Sốt, tính chất Kafka, tính chất Rabelaire, tính chất Orwell, bệnh ác dâm, bệnh bạo dâm, tất cả đều là từ văn học mà ra. Chắn chắn, chúng ta sẽ vẫn có những người điên rồ, những nạn nhân của chứng hoang tưởng và mặc cảm bị bức hại, những người thích khẩu vị khác thường và dư thừa thái quá, những động vật hai chân gây ra nỗi đau hay nhận lấy nỗi đau. Nhưng chúng ta sẽ không học được cách nhìn thấy, phía sau những hành vi thái quá bị những chuẩn mực văn hóa ngăn cấm ấy, những đặc điểm chính yếu của thân phận con người. Chúng ta sẽ không khám phá được những nét riêng của mình, như chỉ tài năng của Cervantes, Kafka, Rabelais, Orwell, de Sade, và Sacher-Masoch mới biết mở ra cho ta thấy.

Khi tiểu thuyết Don Kihote xứ Mancha xuất hiện, những độc giả đầu tiên, giống như tất cả các nhân vật trong sách, thấy lão hiệp sĩ điên rồ đó thật buồn cười. Hiện nay chúng ta biết việc caballero de la triste figura (lão hiệp sĩ mặt buồn) cứ khăng khăng coi cối xay gió là tên khổng lồ, cứ làm những việc dường như phi lý, thực ra đó là hình thức cao nhất của tính hào hiệp, và là cách chống lại sự khốn cùng của thế giới này với hy vọng thay đổi nó. Quan niệm của chúng ta về lý tưởng, về chủ nghĩa lý tưởng, với tất cả nội hàm đạo đức tích cực, sẽ không phải như chúng hiện có, sẽ không phải là những giá trị rõ ràng và đáng kính nếu như chúng không được thiên tài của Cervantes thể hiện qua một nhân vật đầy sức thuyết phục như vậy. Cũng có thể nói thế về một Đông Ky Sốt phụ nữ nhỏ hơn, thực tế hơn, đó là Emma Bovary, người đã hừng hực đấu tranh để được sống một cuộc sống huy hoàng của đam mê và xa hoa như trong những tiểu thuyết nàng đã đọc. Giống như con bướm, nàng đã lao vào ngọn lửa và bị chết cháy.

Những khám phá của tất cả các nhà sáng tạo văn học vĩ đại mở mắt cho ta thấy những phương diện chưa biết của thân phận chúng ta. Họ giúp ta có khả năng khai thác và thấu hiểu đầy đủ hơn cái hố thẳm chung của con người. Khi ta nói “tính chất Borges” thì cái từ đó lập tức gợi nên sự ngăn cách đầu óc ta với trật tự duy lý của thực tại và đi vào một vũ trụ tưởng tượng, một cấu trúc tinh thần nghiêm ngặt và thanh nhã, hầu như luôn là rối rắm và bí hiểm, đầy thách đố với những tham chiếu và ám gợi văn học, nhưng ta không thấy sự kỳ dị của nó là xa lạ vì ta nhận ra ở đó những ham muốn che giấu và những sự thật thầm kín của cá nhân ta được hiện hình chỉ nhờ vào sự sáng tạo văn học của Jorge Luis Borges. Cái từ “tính chất Kafka” đến trong đầu, giống như ống kính xếp nếp của máy ảnh kiểu cũ, mỗi khi ta cảm thấy mình là những cá nhân bị đe dọa, không được bảo vệ, trước sự đàn áp của những cỗ máy quyền lực gây ra nhiều đau khổ và bất công trong thế giới hiện đại – các chế độ độc tài, các đảng phái cầm quyền, các giáo hội khắc nghiệt, các hệ thống quan liêu ngột ngạt. Không có những truyện ngắn và tiểu thuyết do người đàn ông Do Thái bị dày vò, luôn sống đề phòng ở Praha viết ra bằng tiếng Đức này thì chúng ta không thể hiểu được cảm giác bất lực của một cá nhân bị biệt lập, hay nỗi khiếp sợ của những nhóm người bị truy bức và phân biệt đối xử, phải đương đầu với quyền lực bao trùm tất cả có thể đập tan họ ra từng mảnh và hủy diệt họ mà kẻ thừa hành thậm chí không cần ra mặt.

Tính từ “tính chất Orwell”, người bà con đầu tiên của “tính chất Kafka”, biểu thị một nỗi đau đớn khủng khiếp, một cảm giác phi lý cùng cực mà các chế độ độc tài toàn trị trong thế kỷ XX gây ra, đó là những chế độ độc tài chuyên chế tinh vi nhất, độc ác nhất lịch sử trong việc kiểm soát hành động và tâm lý của các thành viên xã hội. Trong tác phẩm 1984 George Orwell mô tả một nhân loại chỉ còn là những cái bóng lạnh lùng nhan nhản khắp nơi lệ thuộc vào Anh Cả, một chúa tể độc tài đã kết hợp khủng bố và công nghệ để tiêu diệt tự do, tính tự nhiên và bình đẳng, biến xã hội thành một khối người máy. Trong cái thế giới ác mộng đó, ngôn ngữ cũng phải phục tùng quyền lực, bị biến thành một thứ “tiếng mới” lọc hết mọi sự phát kiến và chủ quan, trở nên chỉ còn là một chuỗi những âm thanh vô vị đủ để củng cố thân phận nô lệ của cá nhân vào hệ thống. Đúng là điều tiên tri đại họa của 1984 đã không xảy ra như dự tính, và chủ nghĩa cộng sản toàn trị ở Liên Xô cũng theo cách như chủ nghĩa phát xít toàn trị ở Đức và ở những nơi khác; ít lâu sau nó cũng bắt đầu xấu đi ở Trung Quốc, ở Cu Ba lỗi thời, và ở Bắc Hàn. Nhưng mối nguy hiểm không bao giờ biến mất hoàn toàn, cho nên cái từ “tính chất Orwell” vẫn tiếp tục mô tả mối nguy đó và giúp ta hiểu được nó.

Vì vậy những cái không hiện thực của văn học, những sự giả dối của văn học cũng là phương tiện quý báu để biết được phần lớn những thực tại bị che giấu của con người. Những sự thật mà nó phơi bày không phải bao giờ cũng là dễ chịu; đôi khi hình ảnh của chính chúng ta hiện ra trong tấm gương thơ văn là hình ảnh của quái vật. Điều này xảy đến khi chúng ta đọc những cảnh xác thịt nhầy nhụa do Sade nghĩ ra, hay những sự cào xé và hiến tế tàn bạo có đầy trong những cuốn sách đáng ghét của Sacher-Masoch và Bataille. Đôi khi quang cảnh kinh tởm và dã man đến mức nó trở nên không cưỡng lại được. Nhưng điều tệ nhất trong những trang sách đó không phải là máu, là sự sỉ nhục, là sự thích thú tra tấn một cách thấp hèn; điều tệ nhất là sự phát hiện ra rằng chứng bạo lực đó, chứng quá khích đó không hề xa lạ với chúng ta, rằng chúng là một phần sâu thẳm của bản tính người. Những con quái vật thèm khát lấn tới đó giấu mặt trong những góc sâu kín của thực thể chúng ta; và từ nơi tối tăm chúng sống chúng tìm dịp thuận tiện để hiện ra, để áp đặt quy tắc của sự ham muốn buông thả nhằm hủy diệt lý trí, cộng đồng và thậm chí sự tồn tại. Và không phải khoa học là kẻ đầu tiên thám hiểm vào những nơi âm u đó của đầu óc con người để phát hiện ra tiềm năng hủy diệt và tự hủy diệt của những nơi đó trong óc người. Chính văn học đưa lại những phát hiện này. Một thế giới không có văn học sẽ phần nào bị mù trước những tầng sâu khủng khiếp mà chúng ta rất cần phải thấy.

Man rợ, thấp kém, thiếu nhạy cảm tinh tế, ngu dốt và bản năng, trơ lỳ với đam mê và tình yêu, cái thế giới không văn học như vậy, cơn ác mộng mà tôi phác ra như vậy, sẽ có những đặc điểm chính là chủ nghĩa tuân phục và sự phục tùng toàn thể của loài người vào quyền lực. Theo nghĩa này, đây cũng là một thế giới thuần túy loài vật. Các bản năng gốc sẽ quyết định thực tế đời sống hàng ngày như vật lộn để sống sót, sợ hãi cái chưa biết, thỏa mãn những nhu cầu của cơ thể. Sẽ không có chỗ cho tinh thần. Hơn thế, trong thế giới đó, cuộc sống đơn điệu sẽ mang theo bóng tối của nỗi bi quan, của cảm giác đời người là thế rồi và luôn mãi thế, không ai và không cái gì có thể thay đổi được.

Khi hình dung ra một thế giới như vậy, người ta hay nghĩ đến những bộ tộc nguyên thủy còn đóng khố, những cộng đồng ma thuật-tôn giáo nhỏ sống bên lề xã hội hiện đại ở Mỹ Latin, châu Đại dương và châu Phi. Nhưng tôi nghĩ khác. Cơn ác mộng mà tôi nhắc nhở ở đây là kết quả không phải của sự phát triển thấp, mà là của sự phát triển cao. Do hậu quả của công nghệ và sự phụ thuộc của chúng ta vào nó, ta có thể hình dung xã hội tương lai đầy những màn hình máy tính và loa phóng thanh, chứ không hề có sách, hay một xã hội trong đó sách – cụ thể là các tác phẩm văn học – trở thành cái giống như thuật giả kim ở vào thời vật lý: một thứ kỳ dị có từ xưa, nay ở thời văn minh truyền thông được một số ít người điên điên khùng khùng đem ra chế tác lại trong các hầm tối. Tôi sợ là cái thế giới điều khiển học ấy, dù có thịnh vượng và mạnh mẽ đến đâu, dù tiêu chuẩn sống và thành tựu khoa học có cao đến đâu, cũng sẽ bị mọi rợ một cách sâu sắc và hoàn toàn vô hồn – một nhân loại cam chịu thành những người máy hậu văn học, bị khước từ tự do.

Tất nhiên, không chắc là bức tranh không tưởng rùng rợn này sẽ có lúc nào xảy ra. Kết cục của câu truyện chúng ta, kết cục của lịch sử, chưa được viết, và nó không được quyết định trước. Cái chúng ta muốn trở thành phụ thuộc hoàn toàn vào cách nhìn và ý chí của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn tránh sự kiệt quệ của trí tưởng tượng, tránh sự biến mất của cảm giác bất an quý giá là cái tinh lọc cảm xúc chúng ta và dạy chúng ta biết nói hùng hồn, chính xác, tránh sự suy yếu của tự do, thì chúng ta phải hành động. Nói chính xác hơn, chúng ta phải đọc.

Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh

The New Republic, Issue Date: 05.14.01

 

Be first to comment