Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (8)

Chữ và nghĩa – từ ổn định tới bất ổn, từ bất ổn qua hàm hồ (1)

Nguyễn Thanh Văn

Solzhenitsyn – giải Nobel văn học 1970– có nhận xét thông tin là một loại bạo lực của thời hiện đại. Ý kiến của ông tất n hiên lấy cảm hứng thực tế từ thời đại Stalin. Sự thực, truyền thông áp đặt không hẳn chỉ là sở hữu của ngài Stalin – dù giải Guinness chỉ có ông ta tranh với Mao Chủ tịch và băng Hitler – Goebbels – mà là ngón nghề không xa lạ chi của ngành tâm lý chiến của mọi chính quyền lẫn các tập đoàn, phe nhóm cần tranh thủ, giành giật quần chúng. Tùy theo cấp độ từ bình thường là quảng bá một chủ trương, giải thích một chính sách tới lối tuyên truyền thiên vị, tô vẽ, qua vụ lợi, vu cáo và nạn áp đặt, nhồi sọ có tính bạo lực mà Solzhenitsyn tố cáo. Ví dụ, chính quyền G. Bush cũng có màn diễn tố khổ Iraq sở hữu vũ khí giết người hàng loạt để khởi động chiến tranh mà sau đó cả thế giới mới rõ là dùng bằng chứng giả. Ngôn ngữ và chữ nghĩa không đồng nhất với phạm trù thông tin, nhưng tính “bạo lực” – vô thức và có ý thức – không phải không có, xuất phát từ không phải một nguồn, có khi chỉ là một dạng biểu cảm tập thể vô hại, vô tư và có khi lẫn dụng ý của một “nhóm lợi ích”, ví dụ màn chính trị hóa các từ ngữ vốn trung tính một cách hàm hồ, thô thiển và có lúc thô bạo và mang tính xúc phạm.

Mở đầu tự dưng lỡ miệng mà ưa lớn chuyện ra vậy, nhưng bài viết chỉ bàn quanh việc sử dụng từ ngữ lấp liếm, lằng nhằng, thiếu quang minh chính đại phổ biến và kéo dài hiện nay thôi. Nếu có bạn đọc cho riêng các ví dụ và lập luận cuối bài là có phong vị “chính chị chính em”, người viết đành không phản đối. Sự sai lệch trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đáng bàn, chính trị không thể là ngoại lệ và chỉ có trong não trạng nô lệ mới để dành cho các nhà chính trị và lãnh tụ anh minh quyền sử dụng chữ nghĩa và hướng dẫn dân chúng hiểu ngôn ngữ theo cách hiểu tự thị của giới mình. Nếu thực tế hơn, thấy được cả sự tham gia của quán tính bảo thủ khi dùng ngôn ngữ và kiến thức ngữ học giới hạn mang qui mô quốc gia – tình trạng chung của mọi cộng đồng trên thế giới có khi chẳng khác – thì việc nhìn lại chỗ thích hợp hay không thích hợp của vài lối dùng từ ngữ hy vọng không tới nỗi không cần thiết.

Trước hết, không ai không biết cùng dùng một từ vẫn có cách hiểu, tiếp nhận, biểu cảm khác nhau. Ta phê một truyện tình thiếu khí vị lãng mạn, nhưng bà mẹ cảnh cáo con gái rằng thằng rể tương lai có lời đồn “lãng mạn” lắm. Biết lập thuyết, có lý luận là lời khen vào loại sang cả trong giới học thuật, nhưng giữa xóm giềng họ tộc với nhau mà bị xếp là “lý thuyết” (gia) thì chớ vội mừng. Dân An Nam ta kém óc phê phán, phản biện nên cần trau dồi món logic thiệt kẻo thằng Tây thằng ta nó lừa cho, nhưng đi xin việc ở xứ ta mà trước lỡ có tiếng giỏi “tranh luận” thì khả năng thất nghiệp rất lớn. Ai cũng hiểu và dùng từ “vô tư” đúng ngữ cảnh và thấy cách nói “vô tư thôi!” để đáp lại gợi ý của bạn rằng “buổi nhậu chiều nay ông phải trả đó!” nghe hơi bất ổn. Nhưng riết cũng quen, ban đầu nói vui rồi chấp nhận lúc nào không biết. “Vô tư” có âm hưởng “no problem” nghe cũng hay hay, và hay nhất là tránh sắc thái trịnh trọng không cần thiết. Một ví dụ thú vị nữa liên quan cách dùng từ “lả lơi” mà nghĩa và biểu cảm quá rõ với người Việt lâu nay. Thử nghe lại lời bài hát Lá thư của Đoàn Chuẩn “Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương – nét bút đa tình lả lơi…”. Thì ra vào thời ta hay gọi là thời tiền chiến, từ “lả lơi” không chỉ tính cách không đoan chính cho lắm của các chàng háu gái, mà có nghĩa gần với “bay bướm”, “lãng mạn”, cùng lắm là “đa tình” như tác giả dùng kèm, thậm chí có hương vị “hào hoa” là khác. Vậy mà lùi thời gian vài thế kỉ, chúng ta bất ngờ nhận ra nghĩa gần với lối biểu cảm hiện đại khi Thúy Kiều chợt nhận xét Kim Trọng “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. “Lả lơi” mà Thúy Kiều cảnh giác chính là thứ “lơi lả” có mùi lẳng lơ mà dân gian gọi là lăng nhăng, hoặc sắp tính chuyện lăng nhăng. Và các bà mẹ thời hiện đại e cũng cảnh giác không kém khi nghe con gái cưng thỏ thẻ khoe “Anh ấy tốt bụng, tế nhị mà lả lơi lắm mẹ ơi!”. Cách hiểu và sử dụng từ ngữ quả có thay đổi, dù chậm và không dễ nhận.

Ở mặt vùng miền, không gian cũng có hiện tượng tương tự. Khi mới vào miền Nam, một hôm tôi đang lơ đãng đứng đợi một cô bé bán hàng chừng 12, 13 tuổi để mua hộp sữa – cô chủ trẻ đang bận bán cho hai, ba người khách khác – thì nghe tiếng “Mua gì cưng?”. Tuổi tôi lúc đó gấp đôi tuổi cô bé nên tôi tưởng cô đang hỏi ai. Cô lặp lại “Mua gì cưng ơi?”, mắt nhìn tôi dò hỏi. Tôi ngoái đầu và phát hiện không còn ai trong tiệm và tiện phát hiện luôn thì ra mình là “cưng” của con bé. Như vậy “cưng” trong suy nghĩ của tôi phải có quan hệ cách biệt tuổi tác, trên dưới, khác với cô chủ Nam bộ mà từ “cưng” chỉ biểu cảm sắc thái thân thiện, không có yếu tố tuổi tác chi phối. Ở với người Nam có dịp hiểu nhận xét của ai đó về yếu tố gọi là “dân chủ” trong ngôn ngữ Nam bộ (?). Lần đầu tiên tôi nghe một bà cao giọng gọi với theo chồng: “Khi dzề nhớ ghé rước chị giúp dziệc luôn thể nghe anh!”, nghe kì kì. Người Huế chỉ “rước” bề trên, các cụ và các mệ, không có vụ rước bề dưới, con cháu, người làm. Không phải bà con Nam bộ dùng sai chữ, mà chỉ do thói quen biểu cảm khác nhau. Bà vợ người Biên Hòa của tôi rất nể sợ em gái ông già vợ tôi, người có tên gọi trong họ hàng là cô Tư, nhưng trước khi xách giỏ đi chợ vẫn gọi to: “Tư ơi, có gởi mua gì hông?”. Cứ nghĩ một cô dâu gốc Sè Gòong ra thăm quê chồng Trị Thiên mà lỡ ới Bác Cả rằng “Cả ơi, dzề ăn cơm!” là ngửi thấy mùi phức tạp vùng miền rồi.

Bây giờ thì đề cập những trường hợp ít “nhẹ nhàng” hơn. Từ “giặc” ai cũng hiểu. “Giặc” thường đối nghịch nghĩa với “ta”, “phe ta” và là một trong những từ gây ác cảm nhất trong tiếng Việt. Nhưng khi dân gian nói “chạy giặc” thì gần như không có tính phe phái. Dù phe sắp kéo tới là địch hay phe ta vốn có lòng ủng hộ đi nữa thì việc chạy trốn tên bay đạn lạc đều có thể diễn tả là “chạy giặc”. “Giặc” ở đây có thể xem đã mất nghĩa gốc, nghĩa đen và trở thành đồng nghĩa với bom đạn, tai họa chiến tranh. Nên lỡ nghe bà con ta kể chuyện “chạy giặc” lại rơi đúng thời điểm phe ta – phe mô cũng rứa thôi – đang dàn quân cũng nên thông cảm thôi. Khi đã thành “nếp nói” thì khó bỏ. Có chuyện vào tháng 4. 1975, một số bà con Thừa Thiên ở dọc quốc lộ 1, nghe ngớt tiếng súng ùa ra thấy đoàn quân lạ, quân phục xuề xòa, nhưng thái độ nghiêm chỉnh, không có ý sách nhiễu chi, bèn níu tay mà rằng “Bộ đội phải khôn? May quá, mấy chú bộ đội vô kịp… khôn thì tụi Việt cọng nó pháo kích e chết sạch cả thôi!”. Câu chuyện thiệt tình không liên quan “ngữ học”, “ngữ nghĩa” chi cả, chỉ nói tính hồn nhiên, bỗ bã của dân ta khi ăn nói.

Về từ “ngụy” đã được bàn quá nhiều và dù cũng chưa hẳn thỏa đáng với mọi người, mọi quan niệm, tôi xin phép không bàn thêm. Chỉ xin nhận xét dân gian không phải lúc nào cũng theo cách đánh giá chính thống của các nhà tâm lý chiến các chế độ. Có khối trường hợp dân chúng có lý của họ. Ví dụ khi một cuộc chiến mà hai (hoặc ba…) phe không có phe nào có chính nghĩa rạch ròi hơn phe khác, người dân ngoài chuyện cảm tình với ai “nhẹ nhàng” với họ hoặc cá nhân và thân nhân có tí phúc lợi gắn kết hơn thì kèm thêm tâm lý ai mạnh thắng phứt cho xong, hơn là chết tới người cuối cùng. Có thiếu chi trường hợp người chiến thắng không thuộc mẫu favorite vẫn được thừa nhận. Chẳng hạn trường hợp Đinh Bộ Lĩnh không chính thống như anh em Ngô Xương Xí thuộc dòng anh hùng Ngô Quyền, không có đạo đức ấn tượng gì với nhân dân đương thời và dù có nhiều sử gia đời sau có cách lý giải khác nhau về nhân thân của ông thì cái tiếng giữ trâu không thể chỉnh sửa thành bề dày văn hóa cao nổi. Đại khái cũng như thời Tam Quốc, dân ta chỉ mong thống nhất quốc gia để đỡ đóng thuế nhiều phen và giao thông qua các vùng miền bớt bị ngăn trở đó thôi. Và tất nhiên để còn thấy mặt chồng con, có người cày bừa mà nương dựa. Không khó suy ra sử nhà Nguyễn đánh giá Tây Sơn là ngụy thì nếu Tây Sơn chiến thắng họ sẽ đánh giá chính họ mới là chính thống. Đến lượt, phe “thứ ba” – bao gồm người dân thường và giới cầm bút – cũng có chỗ công tâm vừa có cả mùi vị cơ hội chủ nghĩa: có người không ưa triều Nguyễn thì đổ cho là “cõng rắn cắn gà nhà”, có chính quyền tự cho Tây Sơn có lý lịch nông dân giống mình – nói cho công bằng anh em Quang Trung khó ngoi lên trong chế độ Trường Chinh và Lê Duẩn vì là gốc phú nông, không thuộc thành phần bần cố nông – thì đề cao tới cùng. Rồi khi vật đổ sao dời thì đẩy triều Nguyễn lên tận mây xanh – và xu thế hiện nay sẽ còn đẩy cao hơn nữa –, xem Tây Sơn là đám nông thôn vô học, chưa nói có vị phê nhà Tây Sơn với cảm hứng phê phán dân chuyên chính vô sản đời nay. Có khi có bậc sử gia thiếu cẩn trọng, quên rằng không thể so sánh, chung mâm một Nguyễn Hoàng kiệt hiệt với một gã cháu vô tài bất lương mang tên Nguyễn Phúc Khoát mà trăm họ đều căm ghét hay vị trí lịch sử khác nhau một trời một vực giữa vua Hàm Nghi, Duy Tân và quý ngài Dục Đức, Khải Định.

Hơi thiên giọng lịch sử nước nhà một tí rồi, giờ xin chuyển qua bàn chút nét văn hóa phương Tây, nghĩa là văn hóa của một bộ phận nhân loại khó xem nhẹ, nên đáng cho ta suy gẫm. Tất nhiên trong quan hệ với vấn đề từ ngữ ta đang bàn.

Giữa phương Tây và phương Ta có những lối hiểu, định giá không tương hợp. Những ví dụ sau không nhằm cổ vũ Tây Ta chi cả, bởi Ta hay thì giữ mà Tây đúng cũng nên học theo. Thử xét cách dùng các từ “rebel” (nổi loạn/kẻ nổi loạn), “prodigal” (đứa con hoang) và thái độ của người Anh, người Pháp đối với các khái niệm này và cách nghĩ của người Việt ta với các từ “nổi loạn” và “phản kháng”, “đứa con hoang” và “đứa con ngoan”), và cả “xét lại” (nhập từ các nước cộng sản) hàm nghĩa đối lập với “trung kiên”, “nhất trí” … Có thể thấy do sớm thấy được sự mâu thuẫn không tránh được của sự vật và thế giới và có truyền thống chấp nhận sự khác biệt, đối kháng để tiến bộ (có phản đề trước khi có hợp đề) nên dân Tây dễ chấp nhận có tranh luận, đối lập, không thích trò chủ nhân ông đời đời của “chân lý”. Các khái niệm “nổi loạn”, “đứa con hoang” hay “phản kháng” được dùng với nghĩa tích cực xuất phát từ sự phát hiện tính trì trệ của tư duy, nếp bảo thủ của cộng đồng và sự thỏa mãn của loài người – chưa nói sự lợi dụng và thói độc quyền của thế lực lớp trên – và dẫn tới một nếp văn hóa cổ vũ tính cách phản kháng, phản biện để mở đường cho hướng đi và tốc độ mới. Do nếp bảo thủ con người ta không những không muốn nghe đề xuất mới mẻ mà có khuyng hướng tìm cách cô lập và cản trở người tiền phong nên các khái niệm nổi loạn, đối lập, phản biện trở thành những phẩm chất được đề cao tưởng không có chi đáng ngạc nhiên. Hình tượng Prométheus cướp lửa trời bất chấp bị xiềng xích, đày đọa, chú vịt xấu xí bị khinh rẻ hóa ra là dòng thiên nga và sự hy vọng của những công dân có ý thức trong xã hội – cả xã hội bình thường hay xã hội suy đồi, đang xuống dốc – vào những đứa “con hoang” mà không hướng vào những đứa con ngoan, là từ những ý vừa phân tích.

Xã hội Tây phương có tiếng và tai tiếng về lắm mặt cực đoan, nhưng không thể phủ nhận cách nhìn nhận tích cực đối với cái mới, việc tìm tòi, sự bứt phá và thể nghiệm, sự cổ vũ dành cho người đi tiền phong đã có tác động rất tích cực về mọi mặt, thúc đẩy nền văn minh của trời Tây và đào sâu, đi xa về mọi lĩnh vực, vượt cả nền văn minh Trung Hoa rực rỡ một thời nhưng chững lại vì thú tồn cổ và tinh thần “thuật nhi bất tác”. Nhìn vào lịch sử ra đời của khái niệm “Lễ” của văn hóa Trung Hoa – vào thời võ biền, triều đình và xã hội toàn một bọn cậy quyền, thô bạo, giết người như ngóe – không khỏi nhận ra cốt cách tự trọng, ý niệm về kỉ cương, kỉ luật của họ. Nhưng đức “Lễ” Trung Hoa sớm trở thành công cụ của kẻ mạnh, là trường học huấn luyện thần dân tùng phục vương quyền. Nói thực, khác với khái niệm “politeness” ở châu Âu hàm ý yêu cầu sự lịch sự, tôn trọng dành cho nhau, cho cả hai phía; trong cách hiểu chữ “Lễ” của Tàu và in đậm trên văn hóa cha ông ta – dù bậc thánh nhân có đề cập cả việc vua chúa cũng phải giữ lễ với bầy tôi – thì nhấn mạnh chiều dưới với trên, trẻ với già, dân với vua quan và quan lại với đức vua. Tất cả hiển nhiên nhằm củng cố thêm quyền lực cho đối tượng vốn đã có quá thừa quyền lực mà hệ quả cũng hiển nhiên không kém là thủ tiêu đối thoại, tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau dẫn tới cái họa lớn nhất là sự cạn kiệt trí tuệ xã hội trong cuộc đua theo hình mẫu đã hết thiêng của người xưa và người bề trên.

Trong xã hội truyền thống Việt ta từng quen thuộc lòng kính cẩn với người trên, với di sản của người xưa, được giáo dục tinh thần kế thừa, ngay trong trước tác cũng tinh thần “thuật bất nhi tác” y lời Khổng Tử, nên phẩm hạnh của “đứa con ngoan” là thước đo mà mọi đứa con có giáo dục ở xứ ta khắc ghi trong tâm tư. Có thể nói theo nghĩa nào đó cái hỗn danh nặng nề “thằng mất dạy” có nghĩa là đứa con không đi theo đường cha mẹ chỉ, không lặp lại bài học hai cụ – chủ yếu là bậc thân phụ – đã tiếp nhận từ đời ông tổ, ông cao. Thực tế, cha ông không thiếu bài học máu xương truyền cho mai hậu. Cứ nhìn ra Biển Đông mà nghiệm bài học giữ nước là biết lớp con cháu quên lời cha ông sẽ đi về đâu. Nếu bài học cha ông để lại đại khái sống thiện, yêu thương láng giềng và đồng bào, trọng đạo nghĩa … thì giá trị bền vững không cần nghĩ bàn thêm. Nhưng không một ai bước ra đời mà không từng kinh nghiệm bài học đấng bề trên chắt chiu giao cho không đủ với đời và chưa bao giờ là thần dược cho bá bệnh. Vấn đề là xã hội, thế giới không phải là mái nhà của ba mẹ mà là cõi giới của toàn thiên hạ và không ai ưu tiên cho “con của mạ” như thuở thiếu thời. Kinh nghiệm và thực tế của “toàn thế giới” sớm cho thấy cuộc đấu tranh của quy luật, của chọn lọc, và của vô lường đòi hỏi trí tuệ, trong đó có trí tuệ cá nhân và trước hết là trí tuệ cá nhân. Vì không thể cào bằng trí tuệ và không bao giờ có thứ trí tuệ tập thể chung chung tối cao như “sáng kiến” đầy tình cảm và sặc mùi đạo đức chủ nghĩa của một số nhà cách mạng và chính trị – dù có thiện chí hay mị dân hay đơn thuần là một trò đểu cáng: trí tuệ tập thể thực tế lại do cá nhân siêu lãnh tụ hoặc một dạng tam đầu chế chia quyền bính do các thế gia chưa triệt hạ nổi nhau – nghĩa là treo đầu tập thể mà rao bán cá nhân, một thứ cá nhân xác định quyền uy không qua thực lực mà qua trò chính trị lá lay, mê tín – quan phòng và sở hữu. Chính là cái bối cảnh phát sinh câu nói “Chủ nghĩa tập thể là nơi ẩn núp của những kẻ tầm thường” của Pasternak, tác giả Bác sĩ Zhivago, Nobel văn chương 1958. Cuối cùng phải thừa nhận và nhắc lại rằng phần vinh quang mà một tập thể đúng đắn có thể đóng góp được là tạo không gian văn hóa và môi trường chính trị cổ vũ cho sự ra đời của trí tuệ cá nhân. Tất nhiên, một trí tuệ cá nhân không thể không tự biết sinh lực, năng lượng của mình được tiếp từ sự gắn bó với những nguồn mạch thiêng liêng của dân tộc và nhân loại, nếu không sẽ không có thứ trí tuệ nào cả, y như Archilles rời gót chân khỏi mặt đất và mất toàn bộ công lực.

Từ “ngoan” và “ngoan ngoãn” chỉ nên dùng cho lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và có thể chấp nhận ở cấp phổ thông cơ sở. Việc đánh giá một học sinh cấp 3 hay sinh viên đại học là “ngoan ngoãn” hoàn toàn bất ổn. Chấp hành một quy định đúng đắn của nhà trường là tính kỷ luật, giữ phong cách hòa nhã, ôn tồn vì thực hiện nếp sống văn minh cộng đồng chứ không phải vì tiêu chí “ngoan ngoãn”. Vì sao? Lứa tuổi thanh niên cần tư duy độc lập và logic, học tranh luận và phản biện – đã có người định nghĩa “Đại học là bờ trán của quốc gia” – nên thói quen khen thanh niên “ngoan ngoãn” thật không hợp thời tí nào. Và cái chuẩn xem (đoàn viên) thanh niên là “cánh tay” (của Đảng) có cái nghĩa ngầm “ngoan ngoãn” truyền thống. Có thể nói là một tiêu chí sai với thực tế sáng tạo và đóng góp của tuổi trẻ Việt và tuổi trẻ thế giới trong lịch sử, nó xúc phạm và hoàn toàn khiếm nhã với thanh niên và sinh viên. Thanh niên có cái quý nhất là “cái đầu”, không phải chỉ có hai cánh tay chỉ để thực hiện “đắc lực” tư tưởng hay mệnh lệnh của ai đó mà không phân tích, phản biện! Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định lứa thanh niên kéo dài tới cả tuổi 30, vậy ông Vũ Trọng Phụng hưởng dương 27, ông Chế Lan Viên xuất bản Điêu tàn năm 17 tuổi và cả ông Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư năm 26 tuổi vẫn thuộc lứa dùng “cánh tay”, không dùng đầu và trái tim chăng! Riêng ông Cừ ở tuổi “cánh tay” sao lại kiêm chức năng “đầu óc” của Đảng được hè!

Đoạn tản mạn khá dài nhưng hy vọng giúp tôi tránh vụt chạc, hồ đồ khi diễn ý. Và quay trở lại việc đối chiếu nếp nghĩ Đông Tây ở trên, không thể không thấy một chế độ của thời hiện đại vừa to tiếng và “thực tế” xóa bỏ những nền tảng phong hóa, văn hóa cổ điển vừa nửa ngầm nửa công khai duy trì và phát huy những tư duy, nếp nghĩ lạc hậu cốt có lợi cho tập đoàn chính trị của mình mà không quan tâm về lâu dài càng có hại cho dân tộc thế nào. Nạn mê tín ở các am miếu chùa chiền, kinh doanh “tâm linh”, cán bộ các ngành, cấp sử dụng bằng giả và thật mà như giả, mặc nhiên cho việc quảng bá lối sống khoe của và khoe “của” của dạng nửa người mẫu – diễn viên nửa gái bán dâm … là vài minh chứng. Nhân đây xin nhắc một hạng trí thức Việt Kiều hẳn rất bắt mắt các chú các anh “trên” bên Tuyên giáo: một ông từ trời Tây thỉnh thoảng về thăm quê hương, ngày xửa ngày xưa vốn làm cho một tờ báo chống cộng, bỗng thay đổi tư duy bắt đầu cho phép mình cất giọng “cho tôi thay mặt Đảng”, “để đỡ lời cho chính quyền” … trước sự kinh ngạc của người nghe. Xin nói rõ không phải vấn đề thay đổi chính kiến – quyền tư duy và thay đổi tư duy của mọi người kia mà – nhưng ở lập luận của nhân vật tôi đang kể chuyện rằng đất nước này “giao cho người cộng sản” là đúng đắn rồi. Một hôm nghe con người có tới 5, 6 bằng thạc sĩ, tiến sĩ – đại khái như tiến sĩ ẩm thực – đang lảm nhảm ngôn ngữ đòi “bảo trợ” cho chính quyền Hà Nội, tôi bèn hỏi lý do lập luận của ông. Câu trả lời là ông từng nghe anh chị em Việt Kiều về nước than vãn chuyện in tác phẩm bị ách lại, chính quyền gây khó dễ cho các tác giả trong nước và đặc biệt ngoài nước. “Toàn sai sự thật!” – nhà sưu tập văn bằng hùng hồn chứng minh – “Cụ thể trường hợp của tôi đây đã in gần chục cuốn ở Việt Nam và không hề bị bất cứ ai khó dễ!”. Khi còn tại thế ông Lê Hiếu Đằng từng hỏi chúng tôi: “Ai mời cha nội Việt Kiều ăn nói khó nghe ni tới bàn cà phê rứa?”. Cả bàn phì cười. Riêng tôi có mất chút thời gian đáp lời bậc trí thức yêu nước – yêu nước mới về thăm quê – kiêm yêu Đảng – yêu Đảng nên mới hư cấu và ca ngợi sự tôn trọng tư tưởng của Đảng dù Đảng không hề nhờ vả chi – rằng thiệt như ông nói, loại sách kinh cà phê, kinh ca cao và thậm chí cả sách bình kinh Phật thứ thiệt như Pháp Hoa, Phổ Môn của ông đúng là rất được cán bộ văn hóa hoan nghênh. Nội dung ca cao kinh và cà phê kinh xưa nay không làm chết ai. Chuyện kinh kệ Phật Thánh không phải chuyện nói chơi, vạ miệng ăn đòn nhưng cái ni thì Đức Phật từ bi có chứng giám: bất cứ chế độ mô, dù không độc tài hay đặc biệt độc tài, đều luôn hoan hỉ thỏa dạ khi thấy từ dân gian tới kẻ sĩ bất chấp nắng mưa chính trị, lũ bão thời sự ngày đêm tay cứ kè kè bản kinh Lương hoàng sám, cuốn Nam hoa kinh hoặc Tân ước… Tiện cho người cai trị và hai kinh (đô) dễ vững vàng hơn là chứng kiến kẻ sĩ đòi dân chủ dân quyền và lớp lớp dân đen tay kè kè đống đơn kiện tụng phất phơ trước cơ quan công quyền. Bậc trí thức viễn phương đuối lý bèn thốt lên một câu nghe hệt như người qua bàn tay của Đảng đào tạo: “Ông là tay bất mãn!”. Thì ra khách phương xa về nhưng ông ta thuộc tạng người “thỏa mãn”, còn sự hàm hồ có hương vị dốt nát khi sử dụng từ “bất mãn” theo xu hướng chính trị hồ đồ chủ nghĩa thì không khó hiểu lắm. Nhìn lại bài và ngờ đoạn vừa viết ít ăn nhập với nội dung chung thì phải, nhưng lỡ tán ra mong bạn đọc tha lỗi – xem như thêm thông tin về một dạng trí thức thời hậu hiện đại vậy! Và nếu trang viết lọt mắt fan của Đảng này đang đâu đó ở Cali hay San José, mong ông có dịp hiểu cái lý do vì sao trước tác tâm linh của ông được an toàn tới mức ông phải khóc rưng rức ca ngợi chính sách văn hóa của Đảng đến mức (lố bịch) như thế!

Không chấp nhận tư tưởng dị biệt, không chấp nhận trí tuệ cá nhân dẫn tới không thừa nhận phản biện và không chấp nhận khái niệm đối lập về chính trị là bước thụt lùi về lịch sử. Và để lấp vào “lỗ” phi thực tế và phi học thuật đó tất nhiên phải ra sức tuyên truyền huyền thoại về một giai cấp siêu việt, một lớp cách mạng tinh hoa được sinh ra để lãnh đạo dân tộc và tiếp tục một số hư cấu truyền thống mà không nghi ngờ rằng ngay trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hẳn không còn ai tin tưởng: công dân việt nam sẽ được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” và dân chủ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn triệu lần dân chủ tư bản chủ nghĩa. Nói thiệt chỉ có cỡ Đinh La Thăng và nhóm lợi ích trên dưới cùng chấm mút là được enjoy cái món “hưởng theo nhu cầu” này! Cách biện minh duy nhất theo lối tuyên truyền quen thuộc nghe có chút logic (hình thức) là chưa có “diện” thì phải xây dựng “điểm” trước cái đã. Nghĩa là nhân dân ta cần tự hào tự tín xem số lãnh đạo cộng sản giàu như triệu phú Mỹ, xài phí và lãng phí “theo nhu cầu” là hình ảnh tương lai của chính mình – không kiếp này thì kiếp sau, không kiếp sau thì kiếp sau nữa. Vội chi hè!

Comments are closed.