Tiếng Việt thời LM de Rhodes – các dạng so sánh: bằng, hơn, hơn nữa và cực/rất… (phần 22A)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về các dạng so sánh: bằng, hơn, hơn nữa và cực/rất, thậm, lắm… vào thời LM de Rhodes trong tự điển Việt Bồ La và các tài liệu liên hệ. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVK (Trương Vĩnh Ký), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), ĐNQATV (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán). Cấu trúc ngữ pháp La Tinh, ngôn ngữ chính thức của tòa thánh La Mã trong một thời gian dài, cũng cho thấy ảnh hưởng không nhỏ trong các tài liệu viết về tiếng Việt, nhất là về cú pháp từ các giáo sĩ Tây phương.

1. Ảnh hưởng của ngữ pháp La Tinh trong Bản Báo Cáo/BBC

Các giáo sĩ dòng Tên như Maiorica, Pina, de Rhodes đều phải học La Tinh trong quá trình huấn luyện trước khi được gởi đi truyền đạo vào thế kỉ 17. Thành ra rất dễ nhận ra ảnh hưởng của ngữ pháp La Tinh trong các tài liệu viết về ngôn ngữ như tiếng Việt chẳng hạn. Một cách tóm tắt thì tiếng La Tinh có ba bậc so sánh[2] (three degrees of comparison/A): xác định (positive/A), hơn/kém bình thường (comparative/A) và bậc cao/thấp nhất (superlative/A). Thí dụ như so sánh các tính từ (comparison of adjectives) bằng cách thêm hậu tố -ior (chỉ bậc hơn) hay -issimus (chỉ bậc cao nhất) như thí dụ sau đây – trích từ trang này (sách ngữ pháp La Tinh, 1903) http://dcc.dickinson.edu/grammar/latin/comparison-adjectives clip_image002

Để ý là các hậu tố (suffix/A) trên cũng có cùng gốc với các hậu tố -er (hơn) và -est (cao nhất) của tiếng Anh: dear (thân), dearer (thân hơn) và dearest (thân nhất), v.v. Ngoài cách thêm hậu tố để so sánh, gọi là morphological comparison (so sánh hình thái), tiếng La Tinh còn dùng trạng từ để so sánh như dùng chữ magis (hơn) và chữ maximē (nhất hạng) – gọi là syntactical comparison (so sánh cú pháp):

idōneus (phù hợp) – magis idōneus (phù hợp hơn) – maximē idōneus (phù hợp nhất)

Do đó, BBC cũng ghi các dạng so sánh trong tiếng Việt dùng hơnhơn nữa như tốt, tốt hơn/tốt hơn nữa, lành, lành hơn/lành hơn nữa, hoa này tốt hơn hoa kia, trái này lành[3] hơn trái nọ, trái kia lành hơn nữa. Rất dễ nhận ra tương quan giữa cách dùng magis/L và hơn, đều là phụ từ (trạng từ/adverb) thêm vào tính từ để chỉ mức độ thêm/hơn lên, tuy thứ tự chữ (word order) khác nhau: magis thường đứng trước so với hơn phải đứng sau tính từ. Bậc cao nhất thì dùng các phụ từ rất (rứt/VBL/BBC) và cực: rất cao (rứt cau/BBC), rất thánh, cực lớn (cực mlớn/VBL/BBC). Tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn lập (isolating language) nên không có kiểu thêm hậu tố như các ngôn ngữ hòa kết, chắp dính (biến hình) ở phần trên (tiếng La Tinh, Anh…). Trong cuốn Dictionarium Anamitico-Latinum (1838), LM Taberd cũng dựa vào ngữ pháp La Tinh và đưa ra nhiều thí dụ về trường hợp so sánh hơn (gọi là "bậc comparativo") và so sánh cao nhất (gọi là "bậc superlativo"): các trường hợp khác hơn và bổ túc cho BBC như cách dùng thứ nhất (primus/L), tốt hạng nhất (eximius/L). Dựa vào các tài liệu Pháp ngữ, các tác giả Việt Nam Văn Phạm (sđd, năm 1940) phân tích chi tiết hơn và gọi các cách dùng bằng/như/ngang/kémhơn/nhất là tỉ hiệu đẳng cấp (so sánh hơn và kém) và tối cao đẳng cấp (mục 201 đến mục 203). Tối cao đẳng cấp có hai loại: (a) tuyệt đối tối cao đẳng cấp như lắm, quá, vô cùng, vô số (đứng sau trạng từ hay tính từ) và rất, cực, chí, tối, thậm, đại (đứng trước trạng từ hay tính từ) (b) tỉ hiệu tối cao đẳng cấp như nhất, hơn cả, hơn hết cả, kém nhất, kém hơn cả, bét, v.v.

2. So sánh bằng nhau (equal comparison)

VBL ghi nhận cách dùng bằng nhau[4] (trang 25) và như (trang 556). Bằng là một dạng âm cổ hơn của bình HV 平, thí dụ như trong Kinh Lạy Cha vào thế kỉ 17 có câu "… mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cùng tha nợ kẻ có nợ chúng tôi vậy", "Ai bằng đức Chúa trời?" PGTN trang 67… Như cũng liên hệ đến như HV 如 cũng có nghĩa như bằng. Xem lại tương quan giữa bằng và bình qua các cách đọc và âm cổ. Chữ bình/biền 平 (thanh mẫu tịnh 並 vận mẫu canh 庚 hay tiên 仙 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

符兵切 phù binh thiết (TVGT, ĐV, QV)

皮明切 bì minh thiết (QV)

蒲兵切 bồ binh thiết (TV, VH, LT)

皮兵反 bì binh phản (NTLQ 玉篇零卷)

皮并反 bì tinh phản (NT)

房連切 phòng liên thiết (QV), 毗連切 bì liên thiết (TV, CTT)

皮命切 bì mệnh thiết (TV, LT, CV, CTT)

悲茗切 bi mính thiết (TV, LT)

TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 緶 胼 骿 蠙 玭 軿 駢 便 平 諞 楩 (biền bình *tiện tân)

CV ghi cùng vần/bình thanh 平 枰 評 苹 玶 缾 屏 萍 蓱 輧 郱 洴 駢 凭 憑 馮 淜 (bình biền bằng phùng phanh)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 病 評 平 偋 枰 竝 並 凭 (bệnh tịnh *bình *bằng)

蒲明切,音苹 bồ minh thiết, âm bình (CV, CTT, TVi, TĐTAT 重訂直音篇) – TVi ghi âm bình/bính 音屏

皮兵切 bì binh thiết (TTTH)

仲良切,音長 trọng lương thiết, âm trường/trướng/trưởng (TVi)

蒲光切,音房 bồ quang thiết, âm bàng/phòng (TVi – Tự Vị năm 1651) so với dạng bằng của tiếng Việt thời VBL (năm 1651): nguyên âm trước/nhỏ -i- đã mở lớn hơn để cho ra -a- (và ă).

蒲眠切,音緶 bồ miên thiết, âm biền (CV, TVi)

卑明切 ti minh thiết (TViB), v.v.

Giọng BK bây giờ là píng so với giọng Quảng Đông ping4 peng4 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] piang2 pin2 [海陆丰腔] pin2 piang2 pe2 [客语拼音字汇] piang2 pin2 [陆丰腔] pin3 piang3 [客英字典] pin2 [东莞腔] pin2 piang2 [沙头角腔] pin2 piang2 [台湾四县腔] pin2 piang2 pe2 [宝安腔] pin2 | piang2 潮州话:pêng5 (phêng), pên5 (phêⁿ), tiếng Nhật hei hyou ben và tiếng Hàn phyeng phyen. Các dạng âm cổ phục nguyên của bình là *bjen/bien hay *bʰĭɐŋ so với các dạng bình, bằng, phẳng[5] (b > ph) và nét nghĩa thẳng trong tiếng Việt. Thời VBL/1651 hiện diện các cách dùng đàng phẳng (đường thẳng), phẳng mặt phẳng da, mặt còn phẳng (mặt còn thẳng, da thẳng…); thời Béhaine/Taberd (1772/1838) còn dùng bằng thẳng (bây giờ thường nghe băng phẳng)… Một biến âm khác là phăng (đi phăng phăng, làm phăng, nói phăng (đi ngay, nói ngay ra/nói thẳng ra – nét nghĩa mở rộng). VBL đã ghi dạng bằng an, bằng yên (bàng iên) hay bình an HV 平安 và công bằng (công bình) 公平, cho thấy thời VBL đã có dạng bằng so với bình – xem các hình chụp bên dưới

clip_image004 VBL[6] trang 135

clip_image006VBL trang 25

Các dạng "bằng nhau, bằng an" (VBL trang 25), "bằng an" (PGTN trang 64…) và "công bằng" (VBL trang 135, PGTN trang 50…), "bằng" (PGTN trang 67…) đều cho thấy cách đọc bằng của chữ bình HV 平 vào thời VBL (in năm 1651): đây là một khuyết điểm của chữ Nôm vì khả năng đọc khác nhau từ cùng một tự dạng. Các LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838), ở Đàng Trong, đều đọc là bình (bình an 平安). Khuynh hướng này phản ánh phần nào phương ngữ trong tiếng Việt (Đàng Trong so với Đàng Ngoài) đã hiện diện vào thời VBL.

Ngoài cách dùng bằng, VBL còn ghi tàyngang như "đánh ngang đầu, gỗ ngang thuyền" VBL trang 521, mục ngang và "tày, bằng… tày người nên hai mươi tuổi (~ bằng người lên hai mươi tuổi/NCT)" VBL trang 716 mục tày nhau (bằng nhau). Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh 2e ghi "Sắc thân Bụt thời tốt thay. Trong thế gian chẳng thửa tày bằng", Ức Trai/Quốc Âm Thi Tập 48b "Chúc thánh cho tày Nghiêu Thuấn nữa. Được về ở thú điền viên" Thiên Nam Ngữ Lục, câu 613, 2755 cũng dùng tày[7] (~ bằng):"Anh hùng trí lực ai tày… Cậy khôn cậy mạnh ai tày ", v.v. Lưu tích của tày còn trong cách dùng chỉ bậc cao nhất dựa vào so sánh bằng nhau trong tiếng Việt hiện đại: "tội ác tày trời (tày đình)".

3. So sánh hơn và nhất (superlative)

BBC ghi dùng hơn hay hơn nữa (xem cách dùng này trong Ta Thán 22) để chỉ mức độ cao hơn, một dạng chữ Nôm là hân HV 欣. Thí dụ như trong các bài thơ của thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442) – trích từ trang này http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Nguyen-Trai-Quoc-Am-Tu-Dien/Introduction?uiLang=vn

富貴欣富貴名

Phú quý lòng hơn phú quý danh (Ta Thán 13)

固德欣女固才

Có đức thì hơn nữa có tài (Ta Thán 22)

v.v.

3.1 Có khả năng hơn liên hệ[8] với hân HV 掀 qua nét nghĩa là lên/nâng lên/đưa lên/vểnh lên. Chữ hân/hiên/*hôn 掀 拫 搟 (thanh mẫu hiểu 曉 vận mẫu nguyên 元 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

虛言切, 音軒 hư ngôn thiết, âm hiên (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, VH) -TVGT/TV/LT ghi nghĩa là cử xuất 舉出

虛斤切 hư cân thiết (TVGT)

許斤切, 音欣 hứa cân thiết, âm hân (TV, LT)

胡恩切 hồ ân thiết (TV, LT) để ý tương quan ân – ơn: hân > hơn

丘近切 khâu cận thiết (TV, LT) – khứ thanh 去聲

許訖切 hứa cật thiết (TV, LT) âm hất 音迄

許言切 hứa ngôn thiết (NT, TTTH) – NT/NKVT/TTTH ghi nghĩa là cử 舉

許言反 hứa ngôn phản (NKVT 五經文字), 火斤反 hỏa cân phản (NKVT 五經文字)

胡根反 hồ căn phản (KH)

TNAV ghi vận bộ 先天 tiên thiên (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 軒 靬 嘕 仚 祆 掀 鶱 (hiên/hân)

虛延切 hư diên thiết (CV, TVi) – TVi ghi âm hiên 音軒

虛焉切, 音軒 hư yên thiết, âm hiên (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là xiān so với giọng Quảng Đông hin1 và các giọng Mân Nam 客家话: [宝安腔] hen1 [客语拼音字汇] hian1 [海陆丰腔] hien1 [客英字典] hien1 [东莞腔] hiun1 [梅县腔] hien1 [台湾四县腔] hien1 潮州话:heng1 [揭阳] hêng1 [潮阳] hing1, hiang1, (hurng hiang), tiếng Nhật là kon ken và tiếng Hàn heun. Một dạng âm cổ phục nguyên của hân là *hian, so sánh các biến âm ghi lại thời VBL như nhin (nhân – nhơn), nhít (nhất), liên (luôn), viên (vườn)… Thành ra có khả năng vần -iên/uyên của hân/hiên (nguyên 元 theo QV) mở rộng hơn để cho ra dạng -uơn (nguyên – nguơn), quyển 卷 – cuốn, quyền 權 – quờn… So với uy 威 – oai, tuyền 全 – toàn… Để ý chữ Nôm hơn viết bằng chữ hân HV 欣, xem các chữ với thành phần hài thanh là hân 欣 hay cấn 艮 thì ta có tương quan

欣 訢 hân – hơn (hên, gặp may hay gặp chuyện vui): hơn hớn, hớn hở

恨 hận – hờn (oán)

掀 拫 hân/hiên – hơn (cao/lớn hay trên tiêu chuẩn khi so sánh, nghĩa mở rộng của nét nghĩa "nâng cao"). Dạng hơn trong tiếng Việt còn tương ứng với vần ân 恩 trong cách đọc hân (hồ ân thiết/TV) mà tiếng Việt là vần ơn.

clip_image008VBL trang 338: hơn (hân ), hờn (hận ), hớn hở (hân hỉ 欣喜)

3.2 Rất (rứt/VBL)

clip_image010VBL trang 664

Thường gặp trong VBL, PGTN và các tài liệu chữ Nôm (LM Maiorica): "bằng thưởng kẻ lành thì rất (rứt) nhân (nhin), rất lành, mà phạt kẻ dữ thì chí linh chí công vậy" PGTN trang 50, "đến sau rất thánh đức Chúa Bà phải đi ngoại quốcthì đem rất (rứt) thánh đồng thân về thành Nazareth… rất thánh[9] linh hồn đã biết trọn (blọn) hết mọi sự ngày sau có" PGTN trang 147, 149, 153… Rất có một dạng chữ Nôm là lật 栗 慄. "Rất thửa cơ quan, mựa còn để tăm hơi lọt lọc" Cư Tần Lạc Đạo Phú 27b, "Lạy Rất Thánh Đức Bà, tôi có" Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 18. Tự điển Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) dùng chữ lật 慄, nhưng LM Béhaine ghi thêm dạng trất 窒. LM Taberd lại đề nghị rất có gốc là lật 慄 (sợ hãi), dựa vào cách dùng ẩn dụ trong tiếng Việt như "nhiều gớm, nhiều dễ sợ, nhiều ghê gớm, nhiều khủng khiếp…”. Xem lại chữ lật 栗 (thanh mẫu lại 來 vật mẫu chất 質 nhập thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

力質切,音慄 lực chất thiết, âm lật (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, TTTH, LTCN 六書正)

力日切 lực nhật thiết (NT)

力蘖切,音裂 lực nghiệt thiết, âm liệt (TV, LT, CV, TVi)

TNAV ghi vận bộ 齊微 (入聲作去聲 nhập thanh tác khứ thanh)

CV ghi cùng vần/nhập thanh 栗 㮚 慄 溧 鷅 篥 (lật)

CV ghi cùng vần/ nhập thanh 列 烈 迣 洌 冽 裂 厲 迾 栗 蛚 栵 茢 戾 盭 攦 捩 (liệt lệ)

力質切, 鄰入聲 lực chất thiết, lân nhập thanh (TVi)

列七切, 鄰入聲 liệt thất thiết, lân nhập thanh (CTT)

力蘖切,音勒 lực nghiệt thiết, âm lặc (KH)

音列 âm liệt (CTT), 音勒 âm lặc (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là lì so với giọng Quảng Đông leot6 leot2 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] lit8 [海陆丰腔] lit8 [客英字典] lit8 [沙头角腔] lit8 [东莞腔] lak8 [台湾四县腔] lit8 [客语拼音字汇] lid6 [宝安腔] lit8, giọng Mân Nam/Đài Loan lat8, tiếng Nhật ritsu và tiếng Hàn lyul. Một dạng âm cổ phục nguyên của lật là *rjet so với dạng rất còn bảo lưu trong tiếng Việt (rứt vào thời VBL), hay một biến âm là rích (quê rích, thưa rích/ĐNQATV, cũ rích). Chữ lật 凓 bộ băng và liệt 冽 còn bảo lưu trong tiếng Việt qua dạng rét… Tiếng Việt vào thời VBL còn dùng rất với nhất: “rất nhất” hay “nhất thiên hạ[10] hàm ý trên hết mọi sự (excellentissimus/L), sau này không thấy dùng "rất nhất" nữa (có lẽ vì logic hơi khó hiểu: đã nhất rồi thì làm sao hơn được nữa hay có trường hợp "rất nhất" nữa – NCT).

clip_image012VBL trang 553

3.3 Thậm (valde/L)

VBL giải thích thậm là valde/L nghĩa là rất, lắm (valde/L), cực (Taberd/1838) và ghi lại các cách dùng thậm phải (~ rất đúng/NCT), thậm lớn (~ rất lớn/NCT). Các LM Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) ghi thêm các dùng thậm dễ (~ rất dễ/NCT) và thậm khó (~ rất khó/NCT) cho thấy thậm đã từng được dùng khá tự do trong tiếng Việt. "Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải… Chúa cả sinh ra trời đất thì thậm phải" PGTN trang 18, 27; "Mày xin làm vậy thì thậm phải 甚沛… mà lìa chốn thiên đàng xa lắm thì thậm phải" Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 19, 50. Thiên Nam Ngữ Lục câu 2686 "Lỗi nguyền chúng thấy quỷ thần thậm minh" (thậm minh 甚明 là rất sáng). Ngay cả đến thời học giả Trương Vĩnh Ký, ông cũng dùng thậm như trong cách nói "Việc này thậm ức (cette chose est excessivement injuste/P)" ~ việc này rất oan ức (NCT) – trích từ trang 23 cuốn Abrégé de Grammaire Annamite (1867, sđd). Xem lại chữ thậm HV 甚 (thanh mẫu thường 常 vận mẫu xâm 侵 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

時鴆切,音任 thì trậm thiết, âm nhậm (ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, TVi) (A)

常枕切 thường chẩm thiết (TVGT, ĐV, QV, TG 字鑑)

市荏切 thị nhẫm thiết (NT, TTTH)

食荏切 thực nhẫm thiết (TV, LT, VH)

時稔反 thì nhẫm phản (NTLQ 玉篇零卷)

TNAV ghi vận bộ 侵尋 xâm tầm (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 甚 葚 椹 (thậm thẩm)(A)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh (B)

食枕切,音忍 thực chẩm thiết, âm nhẫn (CV) (B)

食枕切, 忱上聲 thực chẩm thiết, thầm thượng thanh (TVi)

時正切, 音愼 thì chánh thiết, âm thận (CTT) – vào thời CTT (1670), các âm thâm và thận đọc gần giống nhau hay nhập là một (m,n > n) so với âm shèn (giọng BK bây giờ).

式忍切 thức nhẫn thiết (CTT), v.v.

Giọng BK bây giờ là shèn shén shí so với giọng Quảng Đông sam6 sap6 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] sim5 [客英字典] shim3 [台湾四县腔] siim5 siim3 [梅县腔] shim5 [海陆丰腔] shim6 shim3 [东莞腔] sim3 [陆丰腔] shim6 [宝安腔] sim3 [客语拼音字汇] sim4, giọng Mân Nam/Đài Loan là sim2, tiếng Nhật shin jin và tiếng Hàn sim. Một dạng âm cổ phục nguyên của thậm là *ʑi̯əm, so với dạng sọm (*siọm) còn bảo lưu trong tiếng Đàng Ngoài (Tonkin) như trong thành ngữ "Sọm người hơn sọm của" hay "già sọm ~ sóm sém, sóm sọm, giàu sọm", v.v. Để ý thêm ở đây là quá trình biến đổi từ phụ âm xát/đầu lưỡi thành phụ âm tắc/đầu lưỡi chưa hoàn toàn chấm dứt vào thời LM de Rhodes sang An Nam: thí dụ như vi sang vẫn có thể dùng vi thang, lơ xơ ~ lơ thơ, Thuận (Thŏận) Hóa ~ Sinua, nguyệt sa (nguyệt thoa). Tiếng Việt bây giờ chỉ còn[11] dùng "thậm chí" 甚至 hàm ý rất là, rất (hết) mực, ngay cả…

3.4 Lắm (valde/L – VBL trang 395)

VBL ghi nghĩa của lắm như rất: tốt lắm nghĩa là rất tốt (valde bonus/L ~ very good/A ~ très bon/P). Lắm có một dạng chữ Nôm là lẫm 凜, thông với lẫm 懍 (sợ): "Thợ tiện lắm đồ 便凛徒" Chỉ Nam Ngọc âm Giải Nghĩa, 42a (Tự điển chữ Nôm, Tập 1, sđd). Xem lại chữ lẫm 懍 懍 伈 懔 (thanh mẫu lại 來 vận mẫu xâm 侵 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

力稔切 lực nhẫm thiết (QV)

力稔反 lực nhẫm phản (LKTG) QV/LKTG ghi 畏也 úy dã (nghĩa là sợ hãi)

力荏切 lực nhẫm thiết (NT, TTTH)

力錦切,音廩 lực cẩm thiết, âm lẫm (TV, VH, CV, TVi/CTT)

力錦乀 lực cẩm phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)

盧感切,音壈 lô cảm thiết, âm lẫm (TV, VH)

巨禁切, 音禁 cư cấm thiết (TV, LT, TViB) TV ghi nghĩa là 心怯也 tâm khiếp dã

盧敢切, 音欖 lô cảm thiết, âm lãm (TVi)

魯感反 lỗ cảm phản (KH)

TNAV ghi vận bộ 侵尋 xâm tầm (thượng thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 廩 稟 懍 凜 (lẫm lẫm/bẩm), v.v.

Giọng BK bây giờ là lǐn so với giọng Quảng Đông lam5 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] lim3 [宝安腔] lim3 [客语拼音字汇] lim3 [台湾四县腔] lim3 [客英字典] lim3 [海陆丰腔] lim3 [陆丰腔] lim3 潮州话:nim2 [潮州、饶平] lim2 [澄海] ning2, tiếng Nhật rin ran. Một dạng âm cổ phục nguyên của lẫm[12]*liəm, tiếng Việt còn bảo lưu dạng lắm[13] – từ nét nghĩa kính sợ để cho ra nghĩa nhiều lắm, cao lắm (làm cho ta phải kính sợ, gây ấn tượng mạnh vì mức độ quá cao):

lật (sợ) – rất

lẫm (sợ) – lắm

ghe/ghê (ghê gớm/ghê sợ) – ghe chữ Nôm cổ là 稽 (kê HV) nghĩa là nhiều – td. nhiều ghê

nhiều/giàu khiếp đảm (tiếng Việt hiện đại)

giàu dễ sợ, giàu khủng khiếp/kinh khủng (tiếng Việt hiện đại)

v.v.

3.5 Các cách dùng chỉ bậc cao nhất vào thời VBL

Rất dễ nhận ra các cách dùng khác chỉ bậc cao nhất như cực , đại , quá … "lại ngồi ở được tòa cực trọng, cực vui… vì yêu bạn đã quá… có chịu người ta phán xét mình cực trái lẽ… đoạn thì trở mặt rất trọng… Vì vậy giết người là tội cực trọng" PGTN trang 82, 88, 265, 273, 298. Tuy không thấy ghi[14] trong VBL, nhưng PGTN còn dùng chí đồng

nghĩa với rất như "rất nhân, rất lành, mà phạt kẻ dữ, thì chí linh chí công vậy… thật có ý sâu nhiệm, mà chí linh chí công…" trang[15] 50, 68.

3.5.1 Một cách diễn tả bậc cao hơn (hay nhất) trong tiếng Việt là dùng một từ khác (có thể là từ láy hoàn toàn, một từ khác cùng nghĩa, từ Hán Việt liên hệ…) ghép với tính từ ở bậc xác định như trắng lộp (VBL trang 424). Lộp có thể liên hệ đến lập HV 苙 hay còn gọi là Dahurian angelica – một loài cây mọc ở xứ lạnh như Siberia, Nhật, Bắc TQ, Hàn quốc – loài cây thuốc truyền thống này của TQ có hoa trắng (nên còn gọi là bạch chỉ 白茝) có rễ làm thuốc trị các chứng cảm cúm như nhức đầu, sổ mũi, nóng lạnh… Vì màu trắng của hoa nên lập (> lộp) ghép với trắng để cho ra dạng trắng lộp (tláng lộp/VBL), tự điển Béhaine/Taberd còn ghi trắng lộp lộp trắng lộp (mục lộp/Béhaine, Taberd đổi thành trắng lộp lộp) là trắng vào bậc nhất ~ trắng nhất hạng[16] (albissimus/L – trắng nhất/NCT – the whitest/A).

clip_image014VBL trang 424

clip_image016

Chùm hoa màu trắng của lập (bạch chỉ, lập > lợp, lộp[17] ..) – hình trích từ trang https://en.wikipedia.org/wiki/Angelica_dahurica#cite_note-5

Một cách dùng tương tự là trắng toát (VBL trang 805) – toát[18] có thể là một biến âm của tuyết 雪 – do đó cụm từ ghép *trắng tuyết > trắng toát tương tự như cấu trúc bạch tuyết 白雪 diễn tả màu trắng đẹp như tuyết. Học giả Trương Vĩnh Ký đã dành 8 trang (từ trang 23 đến trang 30) trong 129 trang của cuốn Abrégé de grammaire annamite (năm 1867, sđd) để giải thích cấu trúc so sánh tiếng Việt, và 7 trang trong 8 trang giải thích cấu trúc từ ghép để chỉ sự so sánh hơn, hơn nữa và hơn nhất. Cách tiếp cận như trên phản ánh chiều sâu của sự phân tách ngữ pháp của TVK, không bị giới hạn bởi ngữ pháp La Tinh, Pháp như các học giả tiền bối. Đây là một chủ đề rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

3.5.2 “Trên hết mọi sự”

VBL trang 809 ghi cách dùng "trên hết mọi sự" hàm ý mức cao nhất (super omnia/L: super là trên, omnia là tất cả/hết cả/mọi sự). Cách dùng này từng hiện diện thời VBL (1651) và vẫn được ghi nhận liên tục trong các tự điển Béhaine, Taberd, Huỳnh Tịnh Của (trên hết mọi sự ~ hơn hết mọi sự), Génibrel (1898). PGTN dùng "trên hết mọi sự" 20 lần, td. trang 16, 17, 317:"Tôi lạy đức Chúa trời, là Chúa cả trên hết mọi sự (Adoro Supremum coeli Dominum/L)… làm Chúa thật trên hết mọi sự… thật có lo buồn ăn năn trên hết mọi sự lo"; "Lại sự sống là sự người ta trọng trên hết mọi sự" Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 84, "có mến Đức Chúa Lời trên hết mọi sự" Đức Chúa Giê Su quyển chi cửu trang 40, v.v. Cấu trúc "trên hết + mọi sự" (above all/A – surtout, par-dessus tout/P) rất thường gặp trong các ngôn ngữ mà học giả Gorshenin gọi là loại A (Type A) – Absolute Comparison Superlative (so sánh bậc nhất tuyệt đối/NCT) – xem thêm chi tiết trong bài viết tóm tắt của Yvonne Treis (sđd) về ngữ pháp phổ quát (universal grammar) và năm loại so sánh chính của Gorshenin.

Tóm lại, các tài liệu như VBL/PGTN cũng như các tác phẩm Nôm cùng thời cho ta nhiều thông tin thú vị về cách dùng chữ để so sánh hơn kém[19], bậc nhất trong tiếng Việt vào TK 17. Thí dụ trong bài này là các từ bằng, tày, ngang, hơn, rất, lắm, thậm, cực và một số cách dùng không được ghi trong VBL nhưng lại hiện diện trong PGTN như chí linh, chí công, vô hồi vô số. Rất dễ nhận ra sự tương quan giữa cách dùng tiếng Việt và Hán Việt vào thời đại này, cũng như một số từ HV đã biến mất trong tiếng Việt hiện đại như thậm, chí, tày. Tiếng Việt còn có cấu trúc từ láy để chỉ hạng hay bậc cao hơn nữa như "ầm ầm, đời đời, rân rân, sẩm sẩm…" và phép tỉ dụ để chuyển tải nét nghĩa này như " chói lói con mắt (rất sáng/chói mắt), chói lói tai (rất ồn), trắng như cò, mặt mồ hóng (mặt rất đen), hằng hà sa số[20]…”. Không nên ngạc nhiên khi thấy ảnh hưởng qua lại của các ngôn ngữ, đặc biệt là trong ngữ pháp so sánh[21] – tham khảo thêm bài viết tóm tắt của học giả Pháp Yvonne Treis (2018, sđd) về ngữ pháp phổ quát liên hệ đặc biệt đến chủ đề bài này. Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho người đọc về tiếng Việt phong phú để tìm hiểu sâu xa hơn nữa.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Anamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Louis Caspar (Cố Lộc) (1877) "Tự Vị Annam-Pha Lang Sa Dictionnaire Annamite-Francais" Imprimerie de la Mission (Tân Định)

3) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

4) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

5) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (Sai Gon).

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (Sai Gon).

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).

8) Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ (1940) "Việt Nam Văn Phạm" NXB Lê Thăng (Hà Nội).

9) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON).

(1867) "Abrégé de grammaire annamite" NXB Imprimerie Impériale – đây là cuốn sách dạy cách đọc và học ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên do người Việt viết, được Trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) cho in bằng thạch bản năm 1864.

10) Trần Xuân Ngọc Lan (1985) "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội, 1985) – Viện Khoa Học Xã Hội (Thành Phố HCM).

11) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

12) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) "Lexicon Cochin-sinense Latinum" đăng trong cuốn "A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing" viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích.

13) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

(1999) "Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh – chữ Nôm và tiếng Việt" NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội.

14) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

15) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – "Dictionarium Anamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

16) J.S. Theurel (Cố Chiêu) và Taberd (1877) "Dictionarium Anamitico-Latinum" Ex typis Missionis Tunquini occidentalis (Ninh Phú – Việt Nam 25/7/1877).

17) Thiên Nam Ngữ Lục (khuyết danh, chữ Nôm) xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII, có thể đọc trên mạng http://sachbaovn.vn/doc-truc-tuyen/sach/Thien-Nam-Ngu-Luc-MTkwRDRC

18) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" – có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html, v.v.

(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài… thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min… Tiếng Việt thời LM de Rhodes" – có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

(2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” – có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html

(2015) "Sinh thì là chết?" – có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

(2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

(2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo – vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" – có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/

19) Yvonne Treis (2018) "Comparative Constructions: An Introduction" CNRS-LLACAN – Dartmouth College Library, 2018, On the expression of comparison: Contributions to the typology of comparative constructions from lesser-known languages (guest editors: Yvonne Treis & Katarzyna I. Wojtylak), 16 (1), pp.i-xxvi. ff10.1349/PS1.1537-0852.A.492ff. ffhal-02005012f.

20) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1897) "Grammaire Annamite A L’Usage des francais de L’Annam et du Tonkin" NXB F.-H. Schneider (HaNoi).


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Nếu kể so sánh bằng (như, đồng, ngang) nhau thì có bốn bậc so sánh theo truyền thống ngữ pháp cổ điển: bậc xác định (positive degree), bậc bằng nhau (equative degree), bậc so sánh hơn/kém (comparative degree) và bậc so sánh cao nhất/hơn nhất/kém nhất (superlative degree) – xem thêm chi tiết trong bài viết "Comparative Constructions: An Introduction" của tác giả Yvonne Treis (sđd).

[3] BBC dùng bonus/L (lành, tốt, thiện, ích lợi) là lành cho hoa – không thấy cách dùng này nữa trong tiếng Việt!

[4] Tuy không ghi lại trong BBC, nhưng VBL trang 521 ghi trường hợp ngang như "đánh ngang đầu" và trang 716 ghi tày (~ bằng) như "tày người nên hai mươi tuổi".

[5] Xem thêm chi tiết trong loạt bài "Bụt hay Phật?" cùng tác giả (NCT) cho thấy các phụ âm mạnh có khuynh hướng trở thành phụ âm yếu như b > p > ph (f) hay định luật Grimm (Grimm’s law, 1822).

[6] LM de Rhodes/cộng sự viên có lẽ đã lộn công bộ bát 公 (trong cách dùng công bằng) và công/bộ công 工 (trong cách dùng trả công, mất công), nên nhập chung một mục. Đây là một khuyết điểm của chữ quốc ngữ.

[7] Tày liên hệ đến tề/trai/tư/tễ HV 齊: tày là cách đọc phù hợp với phiên thiết 前西切 tiền tây thiết (TV, LT, VH, CV, TG 字鑑, LTKN 俗書刊誤, TVi) hay 牋西切 tiên tây thiết (TV, LT, CV, LTKN 俗書刊誤, TVi). Tề có một nét nghĩa cổ là bằng nhau như trong thơ Khuất Nguyên (343 TCN – 278 TCN) "與日月兮齊光 dữ nhật nguyệt hề tề quang huy" (sáng như mặt trời và mặt trăng như nhau/NCT), hay trong thơ Đỗ Mục (803-852): Nhất nhật chi nội, nhất cung chi gian, nhi khí hậu bất tề 一日之內, 一宮之間, 而氣候不齊 (A phòng cung phú 阿房宮賦)" Cùng trong một ngày, cùng trong một cung, mà khí hậu sao lại không giống nhau (bất tề ~ không bằng nhau/NCT). Tiếng Việt bây giờ không còn dùng tày nhau, ví tày, sánh tày, so tày, ai tày, chẳng tày… (thời Béhaine/Taberd Huỳnh Tịnh Của). Nghĩa cổ của tày (tề HV) chỉ còn bảo lưu trong vài câu nói như (gan) tày trời/đình, học thầy không tày học bạn, v.v.

[8] Nhưng theo học giả Paul Schneider trong cuốn “Dictionnaire historique des idéogrammes vietnamiens” thì hơn liên hệ đến hiền HV 賢.

[9] Để ý thứ tự chữ (word order) "rất thánh" đứng trước danh từ được bổ nghĩa như đồng thân/linh hồn, một hiện tượng thường gặp trong các tài liệu chữ quốc ngữ thời LM de Rhodes, hay chữ Nôm (LM Maiorica) ngay cả đến TK 19 (LM Philiphê Bỉnh). Đây là một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

[10] nhất thiên hạ là thứ tự chữ theo tiếng Việt, so với thứ tự Hán ngữ là thiên hạ đệ nhất 天下第一. Nhất HV có nét nghĩa mở rộng để chỉ hạng nhất, đứng đầu (trên hết, hạng nhất – superlative) so với so với các nét nghĩa chỉ số đếm một hay cả/toàn (~ nhất) – như nhất thế 一世 nghĩa là nhất đại 一代 ~ nhất đời (một đời hay khoảng ba mươi năm). Tuy nhiên tiếng Việt nhất đời lại có nghĩa hơn hết trong đời người khác với một đời – thí dụ như "sướng nhất đời" nghĩa hoàn toàn khác với "sướng (cả) một đời"!

[11] Có thể xem cụm từ thậm xưng 甚稱 (nói quá, nói phóng đại ~ hyperbole/A ) là vết tích của nét nghĩa rất của thậm trong tiếng Việt (ngữ pháp).

[12] Tiếng Việt hiện đại vẫn còn dùng "oai phong lẫm liệt" chỉ dáng oai nghiêm và làm cho người ta phải kính sợ.

[13] Tuy nhiên, học giả Lê Ngọc Trụ cho rằng lắm liên hệ đến lạm 濫 (Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam, 1992).

[14] Để chỉ mức cao nhất tuyệt đối, Việt Nam Văn Phạm còn ghi các từ tuyệt, tối như tuyệt đẹp, tối linh, đáo để.

[15] Chí HV (rất) dùng 13 lần trong PGTN trong chí linh, chí công. Tiếng Việt hiện đại vẫn thấy dùng chí thân, chí tình, chí lí, chí hiếu (chí tài ~ rất có tài, chí tâm ~ hết lòng). Tuy nhiên không thấy chí thánh được dùng so với rất thánh vào thời VBL (rất thường gặp trong PGTN và các tài liệu chữ Nôm của Maiorica).

[16] Các cách dùng tương đương với trắng lộp lộp (so sánh bậc nhất): trắng lồm lộp (đồng hóa âm thanh p > m), trắng lộp (VBL/Béhaine.Taberd/TVK), trắng bạch 白, trắng tinh 精 (tinh là gạo giã trắng), trắng phết, trắng toát, trắng hếu, trắng phóc, trắng phau phau, trắng nỏn/TVK, trắng nhách/TVK, trắng như tuyết/TVK, trắng như bông/TVK…

[17] Tự điển Béhaine ghi lộp bằng liệp HV 獵, nhưng tự điển Taberd lại ghi lộp bằng lạp HV 蠟. Khả năng liên hệ lộp với bạch lạp 白蜡 (sáp trắng) vì hoàng lạp 黃蠟 cũng từng hiện diện cùng thời (Bản Thảo Cương Mục – quyển tam cửu – trùng bộ – mật sáp/Lí Thì Trân); so với cách dùng bạch tuyết (tuyết trắng) đã xuất hiện rất lâu đời (td. trong Cáo Tử Thượng/Mạnh Tử hay trong Văn Tuyển soạn vào những năm 520-530…).

[18] Giọng Mân Nam có một dạng đọc tuyết là soat (> toát tiếng Việt, biến âm s > t) so với một dạng âm cổ phục nguyên là *sjuæt. Để ý các cách nói lạnh toát, trắng toát đều liên hệ đến các tính chất đặc biệt của tuyết.

[19] Học giả Trương Vĩnh Ký (1864/1867/sđd) giải thích trường hợp so sánh kém hơn bằng cách dùng cấu trúc "không có/được/đặn… cho bằng": td. "chúng tôi không có giàu cho bằng nó". Học giả Vallot (1905, sđd) ghi chú thêm là ta tránh dùng "ít hơn/kém" (moins/P) vì không được lịch sự như cách phủ định "không, chẳng" như "anh cao hơn tôi" tương đương với "tôi không cao bằng anh". Các tác giả Việt Nam Văn Phạm (1940, sđd) chỉ nhận xét là "người ta thường dùng những tiếng không bằng, không như để thay tiếng thua, tiếng kém: Tư-mã Ý tài không bằng Gia-cát Khổng-minh hay Tư-mã Ý không tài bằng Gia-cát Khổng-minh" (~ Tư-mã Ý thua/kém tài Gia-cát Khổng-minh hay Gia-cát Khổng-minh tài hơn Tư-mã Ý- NCT). Ảnh hưởng truyền thống xã hội (lễ nghĩa) vào ngữ pháp như đại từ nhân xưng (anh, em, tôi, chú, bác, tao…), so sánh kém hơn (dùng không bằng) là chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

[20] Hằng hà sa số 恆河沙數 có xuất xứ từ Phật Giáo trong kinh Kim Cang, hàm ý rất nhiều như số cát ở sông Hằng (sông Ganges hay Ganga ở Ấn Độ). VBL còn ghi các cách dùng tương đương như vô số, kể chẳng xiết

[21] Có lẽ vì thế nên bảng so sánh Swadesh (Swadesh list) có các tính từ nặng nhẹ, xa, gần, tốt, tồi, (số) một, hai… Nhưng không có các phụ từ chỉ so sánh như hơn, kém, bằng, (hạng) nhất, (hạng) nhì, v.v.

Comments are closed.