Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 4)

Hoàng Tuấn Công


○ “nhất ngon là đầu cá gáy, nhất thơm là cháy cơm nếp Lời khen quá đáng những món ăn không phải là ngon nhất, thơm nhất”.

Bởi không hiểu nghĩa đen câu tục ngữ, nên thay vì giải thích, GS Nguyễn Lân quay ra phê phán đó là “lời khen quá đáng”. Tuy nhiên, câu này ý dân gian không khen “đầu cá gáyngon nhất trong tất cả các món ăn, mà “đầu cá gáy” là bộ phận ngon nhất của con cá gáy; cũng như “cháy cơm nếp” là phần thơm nhất trong nồi cơm nếp. Chúng ta còn thấy cách nhận xét kiểu này của dân gian như Nhất phao câu, nhì đầu cánh, phao câu và đầu cánh là những bộ phận ngon nhất, đặc biệt nhất của một con gà, không phải ngon nhất trong mọi thứ thức ăn. Hoặc Đầu cá trôi, môi cá mè, là những bộ phận ngon nhất của những con cá ấy. Mặt khác, từ “ngon” ở đây phải được hiểu là món ăn đem lại hương vị đặc biệt cho người thưởng thức (mà chỗ khác, phần khác của món ăn đó không có được); đây cũng là cách nói dân gian gây chú ý, tạo hiệu quả khi truyền đạt một thông tin.

○ “mạ già ruộng ngấu Đó là những điều kiện tốt để tăng năng suất lúa”.

Đó không phải là “điều kiện tốt để tăng năng suất lúa”. Ngược lại, cấy mạ già sẽ không cho năng suất cao. Bởi mạ già khi cấy sẽ đẻ nhánh kém, có khi chỉ sau một tháng, cây lúa đã có đòng, trổ bông bé như bông may, hạt lép. Tục ngữ Việt có câu Mạ già chóng trổ. Ngày xưa, nếu mạ già đến mức đã có ống (đốt sinh trưởng tạo đòng lúa), nông dân sẽ bỏ đi không cấy. Thế nên, dân gian mới dặn dò nhau qua đôi câu đối mừng Xuân: “Vui Tết, quyết không để mạ già cấy chậm; Mừng xuân, gắng làm cho lúa tốt nhiều bèo.” (5000 hoành phi câu đối Hán Nôm). Tục ngữ Mường: “Tiếc ruộng gần nhà cấy mạ có đốt – Tiệc roóng khênh nhá cần má cò dột”, ý nói: Ruộng gần nhà (ruộng tốt, tiện cày cấy, chăm sóc) mà đi cấy mạ có đốt (mạ già) thì phí quá, tiếc quá. Hay “Con gái trẻ lấy chồng già, khác nào ruộng trước nhà cấy mạ có đốt – Con mài lễ dầu rá nhơ trưa khênh nhá cần má cò đột”, cũng có ý tiếc (hay lời khuyên) cô gái trẻ, lấy phải (hoặc không nên lấy) chồng già, hoài phí tuổi thanh xuân.

Vậy, nên hiểu câu “Mạ già ruộng ngấu” như thế nào? Trong canh tác lúa nước, thường xảy ra hai trường hợp: mạ đợi ruộng, hoặc ruộng đợi mạ. Tức là mạ gieo đủ tuổi cấy mà đất chưa làm kịp (do hạn hán, lụt lội hoặc không có trâu bò cày bừa); hoặc đất đã cày bừa, chuẩn bị sẵn sàng, mà mạ lại còn non (do mạ chết, phải gieo lại, hoặc thiếu giống). Thế nên tục ngữ Tày có câu “Ruộng chờ mạ, ruộng kỹ càng tốt, mạ chờ ruộng mạ muộn chẳng được hạt nào”, nghĩa là: ruộng chờ mạ thì có thời gian làm đất kỹ, ngấu; nhưng mạ chờ ruộng thì sẽ quá lứa, thành mạ già, cấy không cho thu hoạch.

Dân gian nói “Mạ già, ruộng ngấu” nghĩa là 2 điều kiện: mạ (đã đến tuổi cần phải cấy); ruộng ngấu (đã cày bừa kỹ, nhuyễn từ lâu), tất cả đã sẵn sàng, không còn lý do gì không tiến hành công việc (cấy). Nghĩa bóng: Điều kiện tốt có thể đem lại kết quả ngay sau đó, thường nói về khả năng thụ thai của cặp vợ chồng mà trai gái đều đã trưởng thành, giống như “mạ già, ruộng ngấu”, cắm cây lúa xuống là sinh trưởng, phát triển ngay; Công việc cần triển khai ngay vì điều kiện khách quan và chủ quan (yếu tố cần và đủ) đều đã hợp lý. GS Nguyễn Lân đã không phân biệt được nghĩa của từ “già” theo từng ngữ cảnh: 1.Giả cả, già lão, không còn trẻ trung, quá tuổi trưởng thành (già – trẻ); 2.Già giặn: trưởng thành, không còn non dại, yếu ớt nữa (đây mới là nghĩa của “già”, trong “Mạ già ruộng ngấu”).

Tham khảo: Ngày xưa, vợ chồng có khi chênh lệch tuổi tác rất lớn, vợ 16-17 tuổi, chồng còn trẻ con 12-13 tuổi, nên cưới xong phải đợi mấy năm sau mới có con. Trong vở chèo cổ Quan âm Thị Kính, đoạn Sùng Ông vu cho Thị Kính tội giết chồng, mới vờ gọi Mãng Ông “sang mà ăn cữ cháu”. Mãng Ông ngỡ thật, từ ngoài đi vào, vui vẻ nói: “Đấy tôi biết ngay mà! Mạ già ruộng ngấu, không cắm cây mạ thì thôi, chứ cắm là mọc ngay cây lúa cho mà xem”.

Hiện nay, nếu lỡ cấy mạ già, lúa bị trổ sớm, người ta dùng biện pháp kỹ thuật bón nhiều đạm, phun thêm phân bón qua lá, làm cỏ sục bùn, làm đứt rễ cũ, kích thích lúa ra rễ mới, điều khiển cho cây lúa “trẻ lại” và đẻ nhánh, tiếp tục sinh trưởng đủ ngày, đủ tháng, có thể cho năng suất tương đương thửa ruộng khác. [Tác giả (HTC) đã từng trực tiếp tham gia hướng dẫn nông dân xử lí diện tích lúa cấy mạ già, dẫn đến trổ sớm như thế này ở xã Hoằng Quì-Hoằng Hoá, Thanh Hoá, vụ xuân 2005-2006].

○ “ngập ngà ngập ngừng Tả vẻ người nào định nói điều gì nhưng còn rụt rè, không dám nói ra”.

Đây chỉ là hình thức láy nhằm tạo hiệu quả mạnh hơn, chứ không phải thành ngữ. Mặt khác, “ngập ngà ngập ngừng” chỉ thái độ, việc làm, lời nói do dự, rụt rè, nửa muốn, nửa e ngại, không quả quyết, chứ không phải chỉ là “định nói điều gì”. Ví dụ: Không đi, cứ ngập ngà ngập ngừng; Bước chân ngập ngà ngập ngừng… Từ điển Vietlex: “ngập ngừng đg. tỏ ra do dự, rụt rè, vừa muốn lại vừa e ngại, không quả quyết: bước chân ngập ngừng ~ ngập ngừng mãi mới dám hỏi ~ “Làm chi trong dạ ngập ngừng, Đã có nơi đấy thì đừng nơi đây.” (Ca dao)”.

○ “ngâu tháng bảy (Theo truyền thuyết Ngưu lang và Chức nữ cả năm phải xa nhau, chỉ được gặp nhau một lần vào tháng bảy, rồi lại phải xa nhau, nên khóc sướt mướt. Ngâu tức là Ngưu lang) Nói những cơn mưa rào vào tháng bảy”.

Tiết tháng Bảy mưa Ngâu là mưa dầm dề, dai dẳng chứ không phải “mưa rào”, ào ào rồi tạnh ngay. Phải là mưa dầm thì mới hình dung ra giọt nước mắt buồn thương, ảm đạm của vợ chồng Ngâu chứ? Mưa dầm là thời tiết đặc trưng của tháng bảy, nên trong Văn tế thập loại chúng sinh Nguyễn Du mới viết “Tiết Tháng Bảy mưa dầm sùi sụt, Toát hơi may lạnh ngắt xương khô.Đại Nam Quấc âm: “mưa ngâu: mưa nhỏ mà mát mẻ”; Từ điển Vietlex: “mưa ngâu d. mưa kéo dài nhiều ngày, thành nhiều đợt, thường có ở miền Bắc Việt Nam vào tháng bảy âm lịch: “Tháng bảy là tháng mưa Ngâu, Bước sang tháng tám là đầu trăng thu” (Ca dao)”; Từ điển Lê Văn Đức: “mưa ngâu dt. Mưa rải-rác vào đầu tháng 7 âm-lịch. X. Mưa Ngưu-lang Chức-nữ”; Từ điển Văn Tân: “mưa ngâu Mưa dai dẳng vào tháng bảy âm lịch”. Trong khi, “mưa rào” được các từ điển giảng nghĩa như sau: Từ điển Vietlex: “mưa rào d. mưa hạt to và nhiều, mau tạnh, thường do các đám mây dông gây ra: trận mưa rào.”; Từ điển Đào Văn Tập: mưa rào Mưa lớn hạt và mau tạnh <> trời làm một trận mưa rào”.

Mặt khác, “Ngâu tháng bảy” không phải tục ngữ, cũng chẳng phải thành ngữ, đây chỉ là tên một tiết khí trong năm mà thôi.

○ “ngây ngấy sốt Có nghĩa là hơi sốt”.

Đây chỉ là quán ngữ, không phải thành ngữ.

○ “nghề chơi cũng lắm công phu Những kẻ ăn chơi trong chế độ cũ lấy câu này để đề cao việc ăn chơi của họ”.

Đây chỉ là sự suy diễn theo quan điểm cái gì dưới “chế độ cũ cũng xấu, mà bạn đọc thường thấy trong từ điển của GS Nguyễn Lân. Thực ra đây là một câu thơ trong Truyện Kiều, đoạn “Tú bà ghé lại thong dong dặn dò”:

Nghề chơi cũng lắm công phu

Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.”

Nghề chơi” trong câu thơ trên, được Từ điển Truyện Kiều giải nghĩa là “Nghề ăn chơi, chỉ nghề mãi dâm.” Ấy là những “ngón nghề” mà Tú bà truyền cho Kiều:

Chơi cho liễu chán hoa chê

Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời

Khi khoé hạnh khi nét ngài,

Khi ngâm ngợi nguyệt khi cười cợt hoa,

Đều là nghề nghiệp trong nhà

Đủ ngần ấy nết mới là người soi.”

Nghĩa thứ hai của nghề chơi”, Đào Duy Anh giải thích là Nghệ thuật để giải trí, ví dụ Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày.” Hiện nay, nhiều người dùng câu “Nghề chơi cũng lắm công phu” (đặc biệt báo chí hay dùng “giật tít” phụ) để chỉ những thú chơi công phu tới mức trở thành một môn nghệ thuật, thú thưởng thức nghệ thuật như: chơi cây cảnh, chơi đồ cổ,v.v…Như vậy, dù hiểu theo nghĩa nào cũng không có chuyện “Những kẻ ăn chơi trong chế độ cũ lấy câu này để đề cao việc ăn chơi của họ”, như cách giải thích của GS Nguyễn Lân.

○ “nghỉ bắc cầu Tức là nghỉ thêm một ngày ở giữa hai ngày nghỉ chính thức (Thí dụ ngày lễ vào ngày thứ ba, thì được nghỉ thêm ngày thứ hai sau ngày chủ nhật)”.

Đây không phải thành ngữ, tục ngữ. Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam chính GS Nguyễn Lân xếp “nghỉ bắc cầu” vào “đgt” (động từ) và giải thích: “Nghỉ thêm một ngày vào giữa hai ngày nghỉ chính thức”.

○ “ngoay ngoảy như gái rẫy chồng ốm Chê người vợ không chung thuỷ khi thấy chồng ốm thì bỏ chồng”.

○ “đay đảy như gái rẫy chồng ốm Chê những người vợ không chung thuỷ với chồng khi chồng mang bệnh”.

Giải nghĩa như vậy đều là nhầm. Đối tượng mà hai dị bản thành ngữ nói đến không phải chính cô gái “rẫy chồng ốm”, mà là một kẻ nào đó giống “như gái rẫy chồng ốm”. Ví dụ: Giao cho công việc gì đó mà dứt khoát không nhận, cứ “ngoay ngoảy như gái rẫy chồng ốm”. Cũng như khi nói Gầy như que củi, là ví ai đó gầy giống que củi, chứ không phải nói về chính que củi đó “gầy”. “Gái rẫy chồng ốm” đáng chê hay đáng khen thế nào lại là chuyện khác.

○ “ngồi thúng cất cạp (Thúng là thuyền nhỏ đan bằng tre: cạp là cái đai ở chung quanh mép thuyền) Ý nói: Cần đến người ta mà lại cản trở hoạt động của người ta”.

○ “ngồi thúng cất thúng Có nghĩa: Dùng thứ gì thì tự mình phải chăm nom thứ ấy”.

Thực ra đây là hai dị bản đồng nghĩa, chứ không phải hai nghĩa khác nhau như cách giảng của GS Nguyễn Lân. Cũng không có chuyện “cản trở” hay “chăm nom” gì như soạn giả giải thích. “Ngồi thúng” đây có nghĩa là người trong cuộc, liên quan đến việc nào đó, thì tự mình sẽ rất khó xử lý cho khách quan, chẳng khác nào một người ngồi trong cái thúng mà lại cầm lấy chính cái cạp thúng mà nâng lên. [“Cất”, đây có nghĩa là nâng lên, chứ không phải là “cất” trong cất giấu, cất đặt đi, như GS Nguyễn Lân hiểu lầm rồi giảng thành “Dùng thứ gì thì tự mình phải chăm nom thứ ấy”]. Thế nên mới có dị bản nói rõ hơn “Ngồi thúng khôn bề cất cạp” là vậy.

○ “ngũ thập chu niên Nói ngày kỷ niệm năm mươi năm một sự kiện gì”.

Ngũ thập chu niên” quả có nghĩa là “năm mươi năm (chính xác là năm mươi năm tròn). Tuy nhiên, tại sao lại đưa cụm từ này vào sách “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, thì có lẽ chỉ có GS Nguyễn Lân mới hiểu nổi.

○ “người, roi; voi, búa (Quản tượng dùng búa đánh vào đầu voi) Đây là một chủ trương sai về giáo dục cho rằng dạy bảo phải dùng bạo lực”.

Không đúng! Một câu tục ngữ, thành ngữ thường được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Với câu “Người roi, voi búa”, GS Nguyễn Lân chỉ mới hiểu một cách trần trụi theo nghĩa đen, đã vội phê phán “chủ trương sai về giáo dục” vì “dùng bạo lực”. (Đúng ra là phương pháp giáo dục, chứ không phải “chủ trương” về giáo dục. GS không phân biệt được “chủ trương” và “phương pháp” khác nhau thế nào hay sao?).

Diễn giải nghĩa đen: Dạy người thì dùng roi, dạy voi phải dùng búa [cây đòng] (người mà dùng búa thì ngã quay lơ; còn voi mà dùng roi quất thì giống như xua ruồi muỗi cho nó). Nghĩa bóng: Phải tuỳ từng đối tượng, hạng người mà có cách dạy bảo, giáo dục khác nhau. Câu gần nghĩa: Tuỳ bệnh bốc thuốc [Đối bệnh dụng dược – 對病用藥]; Thịt nạc dao phay, xương xẩu rìu búa. GS Nguyễn Lân được phong Nhà giáo nhân dân, cả đời gắn bó với giáo dục, lại không hiểu điều đó sao? Như vậy, phương pháp giáo dục đúng đắn, khoa học của dân gian, qua cách hiểu của GS Nguyễn Lân trở thành “chủ trương sai về giáo dục”.

Tham khảo: Phương pháp của Nhà giáo dục Khổng Tử là tuỳ từng hạng người mà có cách dạy khác nhau: Với người từ hạng trung bình trở lên có thể dạy cho biết những tri thức cao sâu; với người từ hạng trung bình trở xuống, chớ nên giảng dạy điều cao siêu. [Nguyên văn: Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngứ thượng dã, trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngứ thượng dã – 中人已上可以語上也,中人以下, 不可以語上也]. Dịch giả Đoàn Trung Còn giảng: “Dạy đạo cho đệ tử, đức Khổng Tử tuỳ tư chất, tài năng của mỗi người. Đạo lý của ngài có hai khoa: 1.Hình nhi hạ học (hiển giáo, exotérisme) để dạy cho người bực thấp đến bực vừa; 2.Hình nhi thượng học (mật giáo, ésotérisme) để dạy người vừa bực cao, nhứt là để dạy bực mộ về Thiên lý.” (Luận ngữUng dã).

(hết kỳ 4)

Comments are closed.