Tự sự về tội ác – Đọc ‘Một ví dụ xoàng’ của Nguyễn Bình Phương

Trần Đình Sử

Tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương (Tao Đàn và Nxb Hội Nhà văn, 2021) là một tiểu thuyết có tiếng vang, tôi muốn nói không phải chỉ do nó được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam chắp cánh, mà còn do chính tầm vóc tư tưởng của nó xác định.

272714628_1847421085443048_885782341427150653_n

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử

Cốt truyện của tiểu thuyết rất đơn giản. Đó là câu chuyện một người có học vị, vì cuộc sống khó khăn, lỡ vi phạm mang quá 2 kg chè Thái, khi bị giữ đã bỏ chạy, vẫy súng thể thao, làm chết một người công vụ, bị kết án tử hình và thi hành ngay trong thời hạn 7 ngày sau khi chủ tịch nước y án. Câu chuyện cũ lắm rồi, cũng không có ai khiếu nại, không hề có sóng gió dư luận gì hết. Một cái chết rất nhạt, chẳng có ai khóc than, thương tiếc. Nhưng Nguyễn Bình Phương đã viết thành một tiểu thuyết dài 200 trang, gồm hai phần. Phần 1, kể về người mắc tội; Phần 2 kể về việc đi tìm hình bóng người đã chết. Nhân vật trung tâm của tác phẩm trước sau vẫn là nhân vật Sang. Cuối tiểu thuyết ông chánh án tối cao, khi trò chuyện với “khách”, dứt khoát xem cái chết của Sang chỉ là một ví dụ xoàng để không mất thì giờ với nó. Đối với ông cái vụ án tiến sĩ cũng chỉ là sự nhí nhố. “Nếu mỗi người là một ví dụ thì cậu ấy là một cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng. Thế nhé”. Rồi ông quay sang huyên thuyên về món đồ cổ mà ông sưu tầm.

Tuy nhiên từ câu nói ấy của vị quan tòa tối cao cho ta thấy đây là một cuốn tiểu thuyết không xoàng chút nào. Một ví dụ xoàng chỉ là một tự sự về một trạng thái đời sống chạy theo vật dục, thiếu vắng tâm hồn, thiếu vắng lương tâm, ý thức, thiếu vắng tính người, tình người, nó gợi ra cho ta rất nhiều suy nghĩ.

Nguyen-Binh-Phuong-sach-vanvn

Tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương

Mở đầu phần 1 là chuyện khách vô tình gặp lại Uyên, người yêu cũ, khách phải trả rất nhiều vàng cho chủ để được gặp lại Uyên. Chuyện bà mẹ kế bên chồng mất hết tiền dành dụm một đời. Qua đó bộc lộ rất nhiều tội ác. Sự loạn luân bố chồng con dâu, không khí ghen tuông, hậm hực thường xuyên trong một gia đình của ông nguyên là phó ty, rồi lên phó chủ tịch tỉnh. Kinh khủng hơn nữa là chính ông ấy nhớ lại là đã tự tay giết chết kiểm lâm Ngạc mà ông này trước đó đã giết chết hai người đào vàng để đoạt túi vàng của họ, rồi ông đoạt lại của Ngạc. Cảnh đếm tiền phúng viếng. Chuyện một người Mèo chặt mẹ thành mấy mảnh. Sang phần 2 ta thấy ông Chính định lấy nhà của bà Vân, và bà này đã chuẩn bị mảnh lưỡi “banh xa lam” kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ, tìm đến nhà Chính định để cắt cổ Chính. Tuy chuyện chưa xảy ra, nhưng cái ý định tội ác táo tợn kia thì đã sẵn sàng rồi. Rồi cuối truyện lại có tin Dương giết vợ, y xẻ thịt vợ đem đi vứt, đi được hai chuyến thì bị lộ. Có người nghi, cho rằng ai dám bảo trong túi thịt lợn của ông Khoát lại không có tảng thịt người. Một không khí tội ác bao trùm khắp nơi. Tiếp đó là phòng khám của vợ khách đang phá thai, nhiều thai nhi lớn nhỏ đã bị phá, bị giết. Nhiều trẻ em vị thành niên phá thai vì bị người thân cưỡng bức nhiều lần. Một cô nhà giàu chưa có bằng lái xe, đè chết một thanh niên dưới gầm xe của mình, đền 40 triệu, trong đó có cả tiền bồi thường xe, là xong chuyện. Quá khủng khiếp. Mạng người quá rẻ. Có thể thấy trong thế giới của Một ví dụ xoàng, tính mạng của con người không có một chút giá trị gì so với của cải, tiền bạc, lạc thú, không được ai tôn trọng.

Nếu như tội loạn luân, tội giết người, giết người cướp của có thể gọi là tội ác tuyệt đối, nghĩa là bất cứ ở đâu, thời nào, đó đều là những tội ác không thể biện minh được. Sang là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết. Anh ta chẳng phải anh hùng, chẳng phải tên khát máu ghê tởm. Anh ta là một trí thức hiền lành, thẳng thắn, có trách nhiệm. Khi nhà trường bị cháy anh đã lao mình vào chữa cháy, để lạc cả con mình. Một người còn ít kinh nghiệm. Tội của anh ta là thuộc loại tội cơ chế, tôi tạm gọi như thế. Nếu trong một xã hội thông thường, như bây giờ, buôn 2 kg chè hay nhiều hơn, thì không phải phạm tội gì hết. Cơ chế quy định, người dân phải tội. Cũng giống như quy hoạch đất, buộc chủ đất phải bán theo giá bèo quy định, dân không bán là có tội. Tội của anh không phải tội ác, mà là tội vi phạm quy định của trên. Còn chuyện giết người của anh là ngộ sát, không phải âm mưu, cố ý. Đem xử người ngộ sát thành cố sát cũng là một tội ác vu cáo. Nhất đó là tội được chỉ đạo từ trên để làm gương. Người xử tội thi hành tội ác một cách máy móc, thuộc vào loại tội ác tầm thường hay sự tầm thường của tội ác (banality of evil), thuật ngữ của bà triết gia Mĩ Annah Arendt, chỉ những kẻ theo lệnh trên mà giết hại những kẻ vô tội. Tức là tội ác vô ý thức, không suy nghĩ. Đó là tội của các nhân viên công an diễn lại hiện trường một cách qua loa, chiếu lệ, không nhằm để tìm sự thật, công lí. Đó là tội của ông chánh án, không lấy công lí làm mục đích xử án, mà xử án theo chỉ đạo từ trên. Trên này cũng phạm tội ác, bởi đối với xử án, thì không có cái gọi là chỉ đạo. Đó là tội của những kẻ thi hành án. Có người gọi đó là vô cảm, nhưng theo tôi, phải gọi là tội ác mới đúng. Ông chánh án tòa án tối cao đã rất đồng tình việc chém cậu bé gọi là Thiên Đức trong câu chuyện nọ. Ông bày tỏ lập trường: “Mạng đứa bé kia, ừ thì cứ cho là oan khuất đi, thử hỏi có thấm tháp gì so với sự an nguy của cả một triều đình”. Vì an nguy triều đình người ta thà giết oan mà được việc, còn hơn tha người.

Tên phát xít Adolf Eichemann, trung tướng chỉ huy việc tiêu diệt gần 6 triệu người Do Thái trong các lò thiêu ở Buckheval, sau 1945 trốn ở Nam Mĩ, bị tình báo Israel bắt, đem xử án treo cổ tại Jerusalem ngày 2 tháng 6 năm 1960, đã tự bào chữa cho mình rằng, hắn chỉ là cái đinh ốc trong cỗ máy lớn, hắn chỉ thừa hành nhiệm vụ trên giao, làm theo quan niệm đạo đức của I. Kant. Arendt gọi đó là tội ác tầm thường (banality). Nhiều người phản đối bà, nói vậy là bào chữa nhẹ tội cho bọn phát xít, nhưng không thấy ý nghĩa sâu xa, rộng lớn trong khái niệm đó. Đó vẫn là tội ác, nhưng là tội ác không suy nghĩ, vô trách nhiệm trong cỗ máy ý thức hệ. Cái tội ác tầm thường kia tuy không kinh thiên động địa, nhưng nó đang hàng ngày hàng giờ, bằng cách không suy nghĩ, không trách nhiệm tham gia vào các tội ác tày trời hủy diệt con người, hủy diệt đồng loại, hủy diệt công lí. Những kẻ xông ra giết chết kẻ trộm chó, đánh chết người bị kêu là cướp. Những kẻ mang giáo đưa kẻ dị giáo lên dàn thiêu thời trung cổ, kẻ giơ tay đấu địa chủ, những hồng vệ bình phá hủy các công trình văn hoá, đánh què các vị lão thành, các nhà văn nổi tiếng trong Cách mạng văn hóa Trung Quốc, các đồng nghiệp bày chuyện vạch mặt phản động các nhà văn có dính dáng đến Nhân văn Giai phẩm, hoặc chỉ đơn giản là kí tên vào đơn thư tố giác ai đó…, ít nhiều đều phạm loại “tội ác tầm thường”. Cái ác này hại người mà nhởn nhơ nằm ngoài pháp luật. Mà người phạm vẫn tự cho mình có đóng góp cho bền vững xã hội. Phải rất lâu, rất lâu, khi ý thức và lương tâm của con người được thức tỉnh, nâng cao thì mới mong có ngày giảm bớt các loại tội phạm này.

Một ví dụ xoàng là tự sự về tội ác, đặc biệt kể về cái ác nằm ngoài pháp luật, cái ác của kẻ bị thống trị, là lính đánh thuê cho tội ác. Nó nhắc ta đừng để cái ác tầm thường trở thành cái ác cực đoan (radical evil), nó nhân danh an nguy của triều đại mà bắt cóc công lí.

Một ví dụ xoàng là một tiểu thuyết hiện đại. Nhà văn đã có một câu chuyện và chuyển nó thành truyện kể. Nhưng tác giả đã không sử dụng hình thức cốt truyện tuyến tính, kết cấu theo trục thời gian, mà kết cấu theo lối lắp ghép có tính lỏng lẻo. Chương mở đầu rất ấn tượng, Sang xuất hiện như một kẻ mạnh mẽ, coi vàng như đất, gặp lại người cũ, gây được sự hấp dẫn, chờ đợi. Tiểu thuyết kể một cuộc đời chỉ còn trong trí nhớ và ấn tượng, bởi phần 1 gồm 14 đoạn, thì 9 đoạn điểm nhìn toàn tri, của người kể ngôi thứ ba, còn lại 5 đoạn, một của ông Chính, một của Sang, hai của Uyên, một của Quyết. Sở dĩ thế là vì chỉ có điểm nhìn dựa vào ngôi thứ nhất mới giúp nhân vật nhìn vào nội tâm mình, tự bộc lộ được chính mình hoặc nhìn sự vật được gần. Ngay tự sự toàn tri vẫn thường kết hợp với điểm nhìn tâm lí, cảm giác của nhân vật. Phải có tự sự của ông Chính ta mới biết tội ác bí mật của ông, tự sự của Uyên cho ta biết nỗi lòng cô ấy, tự sự của Sang tổng kết của một cuộc đời, tự sự của Quyết cho ta thấy thêm Sang là một người hiền lành, biết thương loài vật, đi câu cá mà sợ cá đau. Phần 2 gồm 12 đoạn, 11 đoạn đều là phần quan sát và lắng nghe phỏng vấn của khách, là người con của Sang, nay là nhà văn, nhà báo đi tìm lại hình bóng của cha mình, gỡ từ băng ra, hoàn toàn khách quan, cho thấy nhiều quan điểm của đủ các loại người liên quan đến cái chết của Sang. Ở đây có ba luồng ý kiến. Người đồng nghiệp cũ vẫn còn ấm ức, hằn học với người chết; những người bình thường vẫn còn xót thương người mất, nhất là bất bình với việc hành hình làm nát cơ thể phạm nhân. Bởi theo niềm tin dân gian, thân thể nó đòi hỏi sự toàn vẹn. Có thể xem đó như một đề nghị cải cách, nếu chưa bỏ được án tử hình, thì cũng nên bỏ hình thức bắn vào ngực phạm nhân. Xử án treo cổ vẫn là văn minh, bởi đảm bảo toàn thây cho phạm nhân. Còn cán bộ tổ chức, kẻ thi hành án, chánh án tòa án tối cao, lão Chính đều hoàn toàn vô cảm với cái chết vô tội của nhân vật. Họ thuộc loại người đã mất hết cảm giác về con người. Tuy tự sự phân mảnh, nhưng nhìn tổng thể, tiểu thuyết vẫn hiện lên bức tranh đời sống hoàn chỉnh.

Tiểu thuyết như một dòng đời chảy trôi không ngừng. Nhìn tổng thể, một không gian phân hóa gay gắt. Nhà ông chánh án tối cao nguy nga tráng lệ, nhà trưởng công an thành phố sừng sững, nhà ông nguyên phó chủ tịch tỉnh rộng mênh mông, nhà người dân cấp bốn lụp xụp, tạm bợ. Một không khí hoang vắng, lạnh lẽo bao trùm. Nhiều chỗ nhầy nhụa máu, máu trên mặt người và máu của người bị bắn, những dự cảm về báo ứng, điềm lạ lặp đi lặp lại. Người ta khao khát những trận mưa thật to để rửa hận, làm mát mẻ cho cuộc đời. Giữa người với người ít thấy có các quan hệ ấm áp, thân ái một cách đáng báo động. Ngay quan hệ các gia đình đều rã rời, không thấy tình thương yêu. Gia đình ông Chính, ông Công, ông Bằng, gia đình ông Sang, vợ bể hụi, theo trai, con út bị lạc. Dương đã giết vợ, xem ra vợ của khách tuy có phòng khám cũng thiếu sự ăn nhập với chồng. Tiểu thuyết gieo vào lòng ta rất nhiều ưu tư, phiền muộn, mà thái độ như thế là phù hợp. Không ai vô tư được trước thực trạng ấy. Đó chính là trách nhiệm của nhà văn.

Tiểu thuyết Một ví dụ xoàng không phải loại tiểu thuyết mà người đọc có thể buông mình thả trôi theo dòng sự kiện để giết thời gian. Tiểu thuyết này đòi hỏi người đọc phải kiến tạo, nối kết các sự kiện, chi tiết rời rạc, xa nhau để hiểu được tính chỉnh thể của nó. Người đọc khác nhau có thể đọc khác nhau.

Hà Nội, 2- 7- 2022

T.Đ.S

Comments are closed.