Vài điều ấn tượng trong cuộc tọa đàm "Giao lưu văn hóa Việt – Pháp đầu thế kỷ XX" (Nhân ra mắt cuốn "Dọc đường" của nhà văn Nguyên Ngọc)

Đào Tiến Thi

1. Nhà văn Nguyên Ngọc

Sáng 13/8/2022, tại Le Café ngõ 2 Nguyên Hồng.

Lúc mới vào hội trường, vừa để chờ thính giả còn tiếp tục đến, vừa để chờ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên còn từ sân bay Nội Bài chạy xe về (vừa đêm trước còn ở Hội An với cụ Nguyên Ngọc), các bạn phụ trách kỹ thuật đã "xếp" nhà văn Nguyên Ngọc ngồi trước màn hình ở "đầu cầu" bên kia (Hội An). Năm nay nhà văn tròn 90. Tất nhiên tuổi đó là rất già. Nhưng gần đây trông nhà văn thực sự già đi nhanh quá, phần vì thân thể nhiều đau bệnh phần vì tinh thần cũng đầy đau buồn.

clip_image002

Tôi thấy cứ để hai "đầu cầu" ngồi nhìn nhau như thế vừa không hay vừa lãng phí thì giờ nên mạnh dạn lên "giao lưu". Tôi hướng mắt vào màn hình, hỏi: "Chú nhận ra cháu không?". Không trả lời. "Chú nhận ra cháu không?" – tôi hỏi lần nữa. Vẫn không trả lời. Ánh mắt nhà văn hoàn toàn lơ đãng. Sau cậu Minh, phụ trách kỹ thuật của Nhã Nam bảo: "Anh cứ nói thật to xem sao". Tôi nói to lên, đồng thời cậu ấy quay ống kính về phía tôi, thế là khuôn mặt nhà văn chuyển động ngay:

– Đào Tiến Thi chứ ai.

Tôi sung sướng vỗ vào vai anh Lại Nguyên Ân, hỏi tiếp:

– Còn ai đây chú?

– Lại Nguyên Ân.

Chà, thế là thực ra tinh thần nhà văn vẫn rất tốt, mắt cũng tinh, chỉ phải cái nặng tai thôi. Tôi kêu gọi:

– Các bác, các anh chị và các bạn lên giao lưu với bác Nguyên Ngọc đi.

Thế là lần lượt nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Trần Nguyên Vấn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Kự,… lên hỏi thăm, bắt chuyện và tất cả đều được nhà văn Nguyên Ngọc nhận ra không khó khăn gì.

Mở đầu, ban tổ chức mời nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu. Vài phút đầu có vẻ nhà văn khó khăn trong giọng nói lẫn diễn đạt, nhưng sau đó linh hoạt ngay. Mạch lạc, chắc chắn, hùng hồn, say sưa. Không còn thấy đâu tuổi già và sự mệt mỏi nữa. Cả hội trường im phăng phắc. Ban đầu là sự kính trọng, tiếp theo là sự hấp dẫn. Sau, ngoài sự kính trọng và sự hấp dẫn, thính giả còn cảm thấy cái gì đó rất thiêng liêng.

2. Diễn giả

Ba diễn giả thuộc ba lớp tuổi: Mai Anh Tuấn còn rất trẻ (thế hệ 8X), Lại Nguyên Ân U80, thuộc bậc trưởng lão trong làng nghiên cứu – phê bình và Phạm Xuân Nguyên không còn trẻ nhưng cũng chưa già, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều có điểm chung là sự uyên bác, sự từng trải và lịch lãm.

clip_image004

Mai Anh Tuấn thể hiện sự kính trọng Nguyên Ngọc ở cách tiếp cận: nhìn ảnh hưởng của văn hóa Pháp thông qua những người "khổng lồ" (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,…) và trong số này có không ít nhân vật "có vấn đề", bị "khuất lấp" bởi vô vàn thành kiến và cách đánh giá cũ.

Phạm Xuân Nguyên, để làm sáng rõ tư tưởng của Nguyên Ngọc, đã tái hiện bối cảnh "xung đột văn hóa" hồi nửa đầu thế kỷ XX. Các cụ Nho học từ chống đối, dần dần chấp nhận và cuối cùng là tiếp thu tự giác tư tưởng và văn chương Pháp như thế nào.

Lại Nguyên Ân cho rằng Nguyên Ngọc thuộc vài ba nhà văn lớn thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ nhưng chỉ duy nhất có Nguyên Ngọc dám nhìn lại lịch sử để có con mắt tiếp cận hoàn toàn mới. Nếu so sánh với một bậc thầy về tư tưởng trong giới nhà văn là Nguyễn Đình Thi, thì Nguyễn Đình Thi, cho đến khi qua đời, vẫn bị giam trong các thành kiến cũ, không vượt lên được chính mình.

3. Chia sẻ, thảo luận và giải đáp

Phần chia sẻ, thảo luận và giải đáp các câu hỏi của diễn giả khá sôi nổi và chân tình. Ai cũng thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ nhà văn Nguyên Ngọc. Có một số bạn trẻ thành thật phát biểu rằng nhờ có những bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc và nhờ những cuộc tọa đàm như thế này mới biết được hóa ra dân tộc ta đã có một thời kỳ vẻ vang về văn hóa như thế (chứ không phải thời thực dân Pháp cai trị, tất cả đều tăm tối).

clip_image006

Có một câu nói của một bạn trẻ mà tôi nghĩ rằng rất hay: "Cuộc xâm lược và nô dịch của thực dân Pháp vừa là cái rủi nhưng cũng vừa là cái may cho lịch sử Việt Nam". Ôi, giá có điều kiện tôi sẽ "đàm đạo" với cháu về mệnh đề này. Nhân đây xin kể câu chuyện của tôi: Hồi 2007, NXB Giáo dục của tôi, lần đầu xuất bản lịch với chủ đề "lịch văn hóa – giáo dục" – tức là đưa những câu danh ngôn, những sự kiện, nhân vật thuộc lĩnh vực văn hóa – giáo dục (của Việt Nam) vào mỗi tờ lịch. Tôi trong nhóm soạn thảo nội dung và riêng tôi phụ trách mảng sự kiện – nhân vật. Tôi thấy thời phong kiến nước ta không có nhiều sự kiện văn hóa – giáo dục (chủ yếu là các sự kiện và nhân vật thuộc về chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc), nhưng thời thuộc Pháp thì rất phong phú, vả lại, nhiều "dấu vết" của nó còn in đậm đến ngày nay, nên tôi soạn ra chủ yếu các sự kiện – nhân vật của thời kỳ này. Nào là ngày thành lập Viện Pasteur, ngày thành lập Trường Y khoa Đông Dương, Đại học Đông Dương, Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ngày thành lập Nha Khí tượng Việt Nam, hoạt động của Viện Viễn Đông Bác cổ, của Hội Đô thành Hiếu cổ (Hội Những người bạn Cố đô Huế),… Khi đem duyệt, vấp phải ngay những ý kiến lo ngại, rằng như thế có phải là ca ngợi cuộc "khai hóa" của thực dân Pháp hay không.

Tôi phải cố sức bảo vệ quan điểm của mình, rằng đây kết quả khách quan đem lại, nằm ngoài mục tiêu khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Vì muốn khai thác khoáng sản, lúa gạo, rừng, biển của Việt Nam,… thì họ buộc phải mở đường giao thông, bưu điện, trường học, báo chí,… Trong một số trường hợp cụ thể, chúng ta cũng may mắn gặp được một số người Pháp tốt bụng, có tài (ví dụ bác sĩ Yersin), họ đem đến cho chúng ta lý tưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Cách mạng Pháp 1789, giúp người Việt Nam mở mang đầu óc, biết chống lại những chính sách vô lý của thực dân Pháp. Và khi đó, họ là "những người bạn Pháp" chứ không phải "thực dân Pháp".

Nhìn ở mặt khác, ta phải rất tự hào kết quả "khai hóa" này. Vì nó thể hiện khả năng và những đóng góp của người Việt Nam. Trước khi thực dân Pháp đến, người Việt Nam đã đạt trình độ văn minh ở mức nào đó thì mới tiếp thu được văn hóa, văn minh Pháp, và do đó, người Pháp mới mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam (so với các thuộc địa ở châu Phi). Ví dụ, Viện Vi trùng học Pasteur Sài Gòn thành lập năm 1891, chỉ sau Viện Pasteur Paris có ba năm và là Viện Pasteur hải ngoại đầu tiên của nước Pháp.

Câu chuyện trên là suy nghĩ của tôi lúc đó (cách đây 15 năm) chứ bây giờ thấy rất nhiều thứ còn phải suy nghĩ thêm. Câu hỏi vì sao giai đoạn này dân tộc Việt Nam "tăng tốc lịch sử" nhanh đến như vậy khiến tôi lúc nào cũng băn khoăn. Trong phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc ông cũng đã đề cập và chắc trong cuốn Dọc đường còn đề cập kĩ hơn. Tôi cũng đặt ra câu hỏi này cho ba vị diễn giả, các vị trả lời rất hay nhưng tôi thấy vẫn đủ. Có lẽ phải xem xét lại từng chính sách của người Pháp và từng hành động nỗ lực của mỗi cá nhân người Việt Nam. Và nhất là thấy hai cái này xung đột đồng thời cũng tương tác với nhau như thế nào đó để từ đó nảy ra những con người "khổng lồ" và nhiều thành tựu vô tiền khoáng hậu (như văn chương Tự lực Văn đoàn chẳng hạn). Trong vấn đề này chỉ cần nghiên cứu sâu một nhân vật, một sự kiện thôi cũng sẽ cho thấy nhiều điều. Ví dụ, vì sao dân ta dấy lên phong trào đòi thả rồi đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu quyết liệt đến như vậy? Phải chăng tư tưởng "Tự do – Bình đẳng – Bác ái" do chính người Pháp gieo vào nền giáo dục Việt Nam đã được người Việt Nam thấm nhuần, và một phần khác, do chính sách khoan dung của giới cầm quyền Pháp? Và cụ Phan Bội Châu, vì sao từ chống Pháp quyết liệt, trước khi bị bắt (lần 2 – 1925) nhiều năm, cũng đã chuyển sang tư tưởng "Pháp Việt đề huề"?

Comments are closed.