Về tác phẩm “Thế giới mới tươi đẹp” của Aldous Huxley

Phạm Nguyên Trường

30724966_1808378239465139_7430733875271172096_n

Aldous Huxley sinh năm 1894 ở Surrey, Anh, trong gia đình quý tộc. Ông là triết gia nhân văn chủ nghĩa, hòa bình chủ nghĩa và là cây bút châm biếm nổi tiếng của thế giới. Ông được coi là một trong những trí thức kiệt xuất nhất của thời đại. Tốt nghiệp ngành văn chương Anh tại Balliol College, Oxford nhưng trước đó, Huxley hoàn thành quyển tiểu thuyết đầu tiên khi mới 17 tuổi dù không xuất bản và nghiêm túc theo nghiệp cầm từ những năm đầu của lứa tuổi 20. Năm 1962, Hội Văn học Hoàng gia Anh (RSL) trao tặng ông danh hiệu cao quý Companion of Literature. Ông cũng được đề cử giải Nobel trong nhiều năm. Ông mất năm 1963.

Aldous Huxley viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và tiểu luận… nhưng Thế Giới Mới Tươi Đẹp, cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, được xem là tác phẩm đỉnh cao của ông.

clip_image0024

Lấy bối cảnh London vào năm A.F.632, tương đương năm 2540, tác giả dẫn người đọc vào một thế giới của một nhân loại mới, nơi loài người được làm lại hoàn toàn bằng công nghệ. Khác với việc sinh ra, lớn lên và phấn đấu để xác lập vị thế trong xã hội như thông thường, trong thế giới của Aldous Huxley, “sản phẩm” người được tạo ra bằng công nghệ và quan hệ thể xác chỉ để thỏa mãn nhu cầu khoái lạc của bản thân. Khi lần đầu tiên trông thấy thế giới mới, John-Người hoang dã – nhân vật chính trong tiểu thuyết của Aldous Huxley và tín đồ nhiệt thành của Shakespeare – đã kêu lên đầy hứng khởi: Ôi thế giới mới tươi đẹp! Và, tác giả cuốn tiểu thuyết với tựa đề Ôi thế giới mới tươi đẹp! dẫn ta vào thế giới mới ấy.

Cuốn tiểu thuyết ý tưởng này, thuộc loại viễn tưởng, đúng hơn là ‘phản-khôngtưởng’ hay ‘khôngtưởng-đen’, cực kì nổi tiếng từ khi nó ra đời. Không một người có học nào ở phương Tây không biết đến nó. Một hình dung ghê rợn về tương lai của loài người. Là không tưởng, tức là chỉ có trong tưởng tượng, nhưng nó gợi cho ta suy nghĩ về những xu thế có thể có của sự phát triển của công nghệ, của nền văn minh, và những hệ lụy đối với nhân tính của loài người.

Ngay từ khi được tạo ra bằng công nghệ, con người đã được chia thành 5 loại ở 5 đẳng cấp theo thứ tự từ cao xuống thấp theo các chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Epsilon. Tương ứng với mỗi đẳng cấp, những “sản phẩm” người sẽ được đào luyện theo khung chuẩn, nhằm xây dựng thành một thế giới trật tự. Đó là một thế giới toàn cầu, nơi không có cạnh tranh, ai làm việc nấy, không có phấn đấu, cũng chẳng có những lo lắng, khổ đau. Và thế giới ấy quả là tươi đẹp theo một nghĩa nào đó.

Đó là một Nhà nước Toàn cầu, được điều hành bởi mười vị Đại Kiểm soát tối cao. Khẩu hiệu của nó là “Cộng đồng, Đồng nhất, Ổn định.” Các công nghệ sinh sản và nuôi dạy con người đảm bảo tính Đồng nhất và Ổn định này; nhờ sự phát triển tột bực của công nghệ, sản xuất dư thừa đảm bảo thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất; tiêu dùng và hưởng thụ được khuyến khích; tất cả mọi người đều hài lòng với thân phận mình, ganh tị – căn bệnh mạn tính của nhân loại (cũ), nguồn gốc của mọi bất bình và rối loạn – không còn đất sống. Mục tiêu của xã hội là hạnh phúc cho tất cả mọi người, và khi mà mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn thì còn mong muốn gì hơn nữa ngoài việc mong cho cuộc sống cứ như thế ổn định đến muôn đời?

Trước hết, con người được sinh ra hoàn toàn theo lối mới. Không còn tàn dư gì của những mối quan hệ gia đình và huyết thống, chúng đã lùi sâu vào quá khứ, vì theo lời Mustapha Mond, vị Đại Kiểm soát Thế giới, “Lịch sử, nói chung, là chuyện nhảm nhí, tầm phào, ba láp.” Khi nói chuyện với sinh viên, ông mô tả cuộc sống gia đình, chồng vợ, việc sinh đẻ và nuôi con (của “thời xưa”) bằng những cảnh nhớp nhúa, tởm lợm mà những thanh niên thời ấy không thể hình dung nổi. Thời mới bây giờ những từ như “cha”, “mẹ” bị coi là tục tằn, người ta coi đấy là húy kị, thậm chí một nhân viên viết báo cáo lên thượng cấp phải ghi “m…” thay cho từ “mẹ”. Chung thủy bị coi là lố bịch, trinh tiết là tởm lợm. Sao vậy? Vì xã hội có phong tục và chuẩn mực đạo đức mới về tình dục. Trẻ con 9,10 tuổi được dạy chơi “trò chơi Dâm dục,” thanh niên trai gái được khuyến khích “ngủ với càng nhiều người càng tốt”, thay đổi bạn tình luôn luôn. Duy trì một mối quan hệ thân mật trong thời gian dài là điều cấm kị. “Mỗi người thuộc về mọi người khác,” tất cả đều thuộc về cộng đồng, không có gì là thầm lén, riêng tư. Ở đây, tình dục không có chức năng sinh sản, mà chỉ có mục đích duy nhất là khoái lạc, bản năng tình dục được buông thả không giới hạn, nhưng những biện pháp tránh thai được áp dụng nghiêm ngặt. Ngoài thời gian lao động không mấy nặng nhọc, mọi người thoải mái vui chơi, xã hội lo cung cấp cho họ những phương tiện tiêu khiển, cá nhân không được dùng thời gian một mình, vì không phải lo thiếu nhu cầu vật chất và không có những mối quan hệ riêng tư, nên không cần (và không được phép có) những phút suy tư trầm lắng. Và đấy là điều mà người ta gọi là hạnh phúc: một hạnh phúc cho tất cả, ngang nhau! Và để cho hạnh phúc luôn luôn đầy đủ, còn có thêm một thứ: soma, đó là những viên thuốc gây ảo giác được phát cho mọi người theo khẩu phần; mỗi khi người ta thấy buồn phiền, bất an, thiếu hạnh phúc, một viên soma sẽ đưa họ vào trạng thái lơ mơ phiêu bồng không cảm giác không ý thức, và họ lại thấy hạnh phúc.

Triết lí nền tảng của Thế giới mới tươi đẹp được Mustapha Mond thảo luận một cách hệ thống với người Hoang dã khi ông hạ cố giải đáp các thắc mắc của anh, sau khi anh cùng với Bernard Marx và Helmholtz bị bắt và được đưa tới gặp ông. Cuộc thảo luận của người Hoang dã, người duy nhất lúc này có đủ trình độ để thảo luận, với một trong mười người lãnh đạo (kiểm soát!) cao nhất của thế giới, người rất biết lắng nghe, cho thấy tính chất của một nền “chuyên chế nhân từ”.

Mustapha cho biết xã hội cần tiêu khiển, bằng những trò vui vô tâm, chứ không cần nghệ thuật cao cấp. (Kịch) Shakespeare chẳng hạn, bị cấm ở London, trước hết, vì nó cũ. Nghệ thuật phải Mới và dễ hiểu, đại chúng. Cái Đẹp thì hấp dẫn, mà hấp dẫn là nguy hiểm: nó dẫn đến mất ổn định. Toàn bộ xã hội được xây dựng trên những thành tựu cao ngất của khoa học, nhưng nghiên cứu khoa học thật sự bị cấm đoán, hay ít ra, phạm vi nghiên cứu bị hạn chế. Nghệ thuật thật sự thì làm ra Cái Đẹp, khoa học thật sự thì khám phá ra sự thật về thế giới và con người, nhưng mục tiêu của xã hội không phải là sự thật và cái đẹp, mà là tiện nghi và hạnh phúc. Hạnh phúc phổ biến đảm bảo ổn định xã hội, điều mà sự thật và cái đẹp không làm được. Dễ hiểu là trong một xã hội như thế, tôn giáo là không cần thiết, vì Thượng Đế thì “vắng mặt”, “Thượng đế không tương hợp với máy móc và thuốc men khoa học, và hạnh phúc phổ biến”. Theo Mustapha “Người ta tin điều gì đó bởi vì người ta đã được đào luyện để tin chúng. Tìm lí do tồi cho những gì người ta tin vì những lí do tồi khác – đó là triết học.” Ông nói “không thể có một nền văn minh lâu dài nếu thiếu những trò vui đồi bại… Nền văn minh tuyệt đối không cần những thứ như sự hi sinh, cái tuyệt mỹ, cái cao cả hoặc cái anh hùng” và không có cơ hội nào để xuất hiện những thứ đó.

Tóm lại, nhân danh hạnh phúc phổ biến và ổn định xã hội, tất cả những gì là cao quí, cũng như những tình cảm thông thường của con người, bị xóa bỏ hoàn toàn. Cái gọi là nhân phẩm, nhân cách hoàn toàn vắng bóng. Cá nhân không được phép tự ý thức quá mạnh, không được phép có tư duy độc lập, có khuôn mặt riêng của mình, vì sẽ không thích hợp với đời sống cộng đồng. Một thế giới như thế, liệu có mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người? Mustapha có tài hùng biện, nhưng ông đã không thuyết phục được người Hoang dã. Anh nói “Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.” “Thật ra,” Mustapha Mond nói, “anh đang đòi quyền được bất hạnh.” “Vậy thì được,” người Hoang dã nói giọng thách thức, “tôi đòi quyền được bất hạnh.” Anh đã khước từ thứ “hạnh phúc” không xứng đáng với Con Người. Vâng, câu trả lời là thế giới như thế không mang lại hạnh phúc cho con người.

Bằng một giọng văn giễu nhại hết sức tỉnh táo, Aldous Huxley lần giở từng góc cạnh của thế giới hoàn hảo kia để đưa người đọc đến thực tế. Một xã hội hoàn chỉnh như thế không thể là thật nhưng cái thực tại ảo mà nó phác họa ra lại khiến người đọc giật mình. Chẳng phải chúng ta cũng đang dốc sức sản xuất điên cuồng để vật chất thừa mứa? Và chúng ta cũng đang cố gắng dùng những tiến bộ khoa học để tối giản sự tham gia của con người vào các hoạt động, nhường chỗ cho máy móc? Người ta nói rằng các nhà văn lớn cũng là nhưng nhà tiên tri.

Xã hội mà Huxley vẽ lên là không tưởng, nhưng không phải vì thế mà không đập vào ý thức chúng ta như những cảnh báo mạnh mẽ: trong mọi hình thức tàn phá hủy diệt, không gì đáng sợ hơn là húy diệt tính người. Như một cú đập thẳng cánh, sự thật về tham vọng của con người qua câu chuyện hài hước mà Aldous Huxley dựng nên khiến người đọc sẽ phải nhìn lại chính đời sống bản thân rồi tìm ra cách điều chỉnh nó. Cười đó, nhưng lại xót xa đó. Bởi nếu đối chiếu với đời sống hiện đại, những điều tác giả đề cập, từ những năm 1930, hình như đã và đang hiện diện ở đâu đó. Nếu không tiết chế, thế giới mà chúng ta đang vận hành sẽ đi đến những kết quả tương tự như trong tưởng tượng của văn tài kiệt xuất này.

Cám ơn chủ tịch giải đã chọn trao giải cho tác phẩm này. Và xin chúc mừng dịch giả Hiếu Tân – Tiết Hùng Thái.

Comments are closed.