Năm năm Ban Vận động Văn đoàn Độc lập & Văn Việt: Làm được gì? Gì chưa làm được?

Hoàng Hưng

Thoắt cái đã năm năm!

Vui buồn lẫn lộn!

Vui vì anh chị em ta, những người Việt viết văn tử tế trên toàn cầu liên kết nhau, đã làm được những việc đúng đắn và có ích, nhiều việc lúc đầu không mấy người nghĩ là làm được.

Thử điểm lại vài việc:

– Lập ra và duy trì báo điện tử vanviet.info (với phiên bản vandoanviet.blogspot.com và FB Văn Việt), một tờ báo hàng ngày khá phong phú, không gián đoạn ngày nào, đến nay đã có chỗ đứng vững vàng trong làng báo điện tử tiếng Việt, một địa chỉ không thể thiếu cho những người quan tâm đến văn chương, văn hoá Việt Nam cả trong nước lẫn ngoài nước.

– Lập ra và duy trì Giải Văn Việt (đến năm nay là lần thứ Tư) uy tín ngày càng được khẳng định vì sự công tâm và tinh thần khuyến khích cái mới, cái sáng tạo cả trong nước lẫn ngoài nước.

– Xuất bản được ba đầu sách: hai tuyển tập Truyện ngắn, một tuyển Thơ (40 năm Thơ Việt Hải ngoại)

Chủ động hoặc phối hợp với các nhân sĩ trí thức lên tiếng nhanh chóng về những vấn đề thời sự của đất nước, nhất là những vấn đề về chủ quyền đất nước, dân chủ, nhân quyền, văn hoá, môi trường, dân oan, như: phản đối Giàn khoan Tàu Cộng xâm nhập lãnh hải, phản đối Formosa đầu độc biển miền Trung, phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng… Hay cuộc thảo luận “Thoát Trung về văn hoá” trên Văn Việt năm 2014 đã được Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam mời trình bày công khai tại trụ sở của Hội ở Hà Nội.

– Lên tiếng bảo vệ các nhà văn bị tước đoạt quyền tự do đi lại, tự do thân thể và tự do xuất bản.

Tinh thần nổi bật qua những việc làm trên:

– Tự do, độc lập, nhân bản, dấn thân: Văn Việt và Giải Văn Việt từ đầu đến nay luôn tuân thủ nguyên tắc là một diễn đàn tự do, độc lập, không chịu bất cứ sự “lãnh đạo”, khống chế, gây áp lực hay mua chuộc… của thế lực chính trị kinh tế nào. Bài vở trên báo và tác phẩm được Giải chỉ có một tiêu chí là chất lượng nghệ thuật và nội dung nhân bản, không phân biệt quan điểm chính trị, nghệ thuật; tuy nhiên Văn Việt đề cao những cây bút và tác phẩm gắn bó với số phận của đất nước, của dân tộc, dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của người dân Việt Nam. Chỉ cần dẫn ra một số tác phẩm đã đoạt Giải Văn Việt: Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Những tháng năm cuồng nộ (Khuất Đẩu), Hỗn độn (Nguyễn Khắc Phục), Nhảy múa để chết (Nguyễn Viện), Truyện ngắn của Di – Hạnh Nguyên, của Mai Sơn, Những ghi chép ở tầng 14 (Thận Nhiên); Vua Gia Long và người Pháp (Thuỵ Khuê), Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (Ngô Thế Vinh), 40 năm thơ Việt Hải ngoại (Nguyễn Đức Tùng), Phê bình ký hiệu học (Lã Nguyên)… đủ thấy được tinh thần trên.

– Hoà hợp dân tộc: Ngay từ lúc đầu, Ban Vận động đã có chủ trương mạnh dạn là mời các nhà văn hải ngoại tham gia; điều này chưa từng có tiền lệ. Đến nay, trong Ban có trên 10 nhà văn ở Mỹ, Pháp, Đức, Canada sát cánh cùng với gần 50 nhà văn trong nước. Số tác giả sinh sống ở Hải ngoại có mặt trên diễn đàn Văn Việt lên tới gần 200, chiếm ½ tổng số tác giả. Mỗi kỳ Giải Văn Việt đều có những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình sống tại Hải ngoại tham gia Hội đồng Giải (Nam Dao, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Thuỵ Khuê, Bùi Vĩnh Phúc, Thường Quán, Lê Minh Hà, Trịnh Y Thư, Nguyệt Cầm, Trang Châu, Nguyễn Hàn Chung) cũng như đoạt Giải. Trên diễn đàn Văn Việt, nổi bật là ba chuyên đề lớn mang tinh thần “hoà hợp” đã và đang thực hiện, và Văn Việt có thể tự hào là tờ báo giới thiệu một cách hệ thống và khá đầy đủ những gương mặt quan trọng nhất: Văn học miền Nam 1954-1975 (đã có gần 550 kỳ, và còn tiếp tục), 40 năm Thơ Việt Hải ngoại (gần 60 kỳ, với 53 tác giả), Văn Hải ngoại sau 1975 (đã có gần 120 kỳ, và còn tiếp tục).

– Cách tân, sáng tạo: Văn Việt khuyến khích những cố gắng cách tân, sáng tạo trong sáng tác và nghiên cứu phê bình, thể hiện rõ nhất qua những tác phẩm đoạt Giải như truyện của Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Viện, Di-Hạnh Nguyên, Thận Nhiên… nghiên cứu của Lã Nguyên, đặc biệt rõ trong Thơ: Ngu Yên, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Phapxa Chan, Vũ Lập Nhật…

Buồn vì còn rất nhiều điều chúng ta mong muốn mà chưa làm được:

– Đầu tiên là chưa thu hút được nhiều cây bút trẻ tham gia tổ chức và đóng góp tác phẩm cho diễn đàn.

– Chưa tổ chức được những cuộc thảo luận, hội thảo tác phẩm.

– Chưa xuất bản được những tác phẩm mà hệ thống xuất bản nhà nước từ chối.

– Cuối cùng, chưa thành lập được một Tổ chức Văn đoàn chính thức.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ai cũng biết rõ, đó là chúng ta bị sự ngăn trở thật vô lý của thể chế hiện hành.

Ngoài việc dựng tường lửa để chặn mạng Văn Việt, không cho phép xuất bản sách in, cản phá thô bạo những cuộc trao giải Văn Việt hằng năm, chắc không ai có thể hình dung các biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng của Văn Việt triệt để và bất cần luật lệ đến mức: những bạn trẻ, thậm chí những người không còn trẻ nhưng vẫn ở tuổi đang phải “làm ăn”, chỉ cần tham dự sâu với Văn Việt là “được” theo dõi, cảnh cáo, phá phách đến nơi đến chốn mọi công việc sinh sống! Cách hành xử kiểu như thế đối với văn hoá văn nghệ chỉ từng thấy vào 50 năm trước, thời Nhân Văn-Giai Phẩm! Thật là đáng cười ra nước mắt! Và cũng như đối với vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, mai đây, lịch sử văn hoá Việt Nam chắc chắn sẽ không quên hiện tượng đáng hổ thẹn này!

Nói thế, không để phủ nhận trách nhiệm của những người có vai trò chủ chốt trong tổ chức Ban Vận động Văn đoàn và Diễn đàn Văn Việt. Chúng tôi chưa cố gắng hết sức, chưa dũng cảm hết mức, chưa dấn thân hết mức để đáp ứng sự trông đợi của bạn đọc.

Nói thế, để càng biết ơn các bạn cộng tác viên là tác giả, người làm kỹ thuật, nhà tài trợ… trong nước cũng như ngoài nước đã bất chấp những phiền phức để gắn bó thuỷ chung, đóng góp cho Văn Việt trongnăm năm qua; cũng như biết ơn những bạn vì những khó khăn không thể vượt qua, đã đành tạm ngưng cộng tác với Văn Việt tuy trong lòng vẫn in đậm dấu ấn của Văn Việt.

Nói thế, để khẳng định: Văn Việt phải sống, và sẽ sống, phải và sẽ phát triển trong mọi tình huống, để tiếp tục thực hiện tâm nguyện từ những ngày đầu của nó: đóng góp vào sự phát triển một nền văn học tiếng Việt tự do, nhân bản, cập nhật với thời đại.

Xin cảm ơn sự chia sẻ của tất cả các bạn

H.H.

Mời các bạn xem video clip: https://youtu.be/bgnwAzbPJp8

Comments are closed.