Vương Trí Nhàn – Giữa tản văn và phê bình văn học

Trần Đình Sử

Vương Trí Nhàn là nhà phê bình văn học kiêm nhà biên tập viên lí luận phê bình của Nxb Hội Nhà văn, rất nổi tiếng với những phê phán, chỉ trích thói hư tật xấu của người Việt. Ông sinh tháng 11 năm 1942 ở Hà Nội, quê gốc ở xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có truyền thống vẽ tranh dân gian và văn hóa Kinh Bắc. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn hệ ba năm Đại học Sư phạm Vinh năm 1964, ông tham gia quân đội nhân dân Việt nam. Ở đó ông lần lượt dạy học, làm báo, rồi từ năm 1968 ông về làm biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân đội. Đến năm 1979 ông chuyển sang làm biên tập viên cho Nxb Tác phẩm mới, sau này là Nxb Hội Nhà văn cho đến khi về hưu.

Vương Trí Nhàn là nhà phê bình văn học thuộc thế hệ sau năm 1975. Ông là sản phẩm của nhà trường xã hội chủ nghĩa, nhưng do sớm đọc M. Bakhtin, ông có xu hướng quan tâm văn hóa học. Hoạt động văn học của Vương Trí Nhàn gồm nhiều mặt. Ông sưu tập, biên soạn các loại sách tham khảo, dịch thuật, nghiên cứu các đề tài ông được mời tham gia, viết báo theo đặt hàng, và viết phê bình, sáng tác văn học theo thể loại tản văn. Ông tự học Nga văn và đọc tài liệu tham khảo tiếng Nga, thỉnh thoảng cũng dịch một ít tài liệu. Ông tham gia dịch cuốn Những vấn đề thi pháp của Dostoievski với chúng tôi. Với tư cách là trưởng phòng lí luận phê bình của Nxb Tác phẩm mới, ông đã đặt tôi viết cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu cho dịp kỉ niệm năm chẵn 40 năm văn học cách mạng 1985, tham gia viết cuốn Một thời đại văn học mới (1987) cùng với Lại Nguyên Ân, Ngô Thảo, Nguyễn Đăng Mạnh và tôi.

Sớm sinh hoạt trong môi trường văn nghệ, lăn lộn với cuộc sống, bù khú với các thế hệ nhà văn, Vương Trí Nhàn đã học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp, nhất là khiếu quan sát con người và đời sống, đồng thời ông cũng hiểu biết nhiều điều từ đời sống và nghề nghiệp viết lách của các nhà văn, khiến cho ông sớm thích thú với việc viết các chân dung văn học và khai thác các mặt đời thường của họ. Nhưng ông là nhà văn có quan điểm tự do, không tự khép mình vào khuôn khổ nào hết. Ông có bài đăng báo từ năm 1965, có sách Sổ tay truyện ngắn, 1980, sau đó có Khảo về tiểu thuyết, sưu tập các ý kiến về hai thể loại, nhưng tập sách phê bình văn học đầu tiên của ông tới năm 1986 mới xuất bản với cái tên rất khiêm tốn: Bước đầu đến với văn học. Cuốn sách chưa đáp ứng nhiều những kì vọng của bao người chờ đợi ông, vì đó là một tập bài phê bình thiên về tính báo chí, tuy có một số nhận xét tinh tế, song các bài viết đều tản mạn. Vấn đề thể loại của phê bình văn học của ông cũng thành vấn đề. Các khái niệm như tiểu luận, phiếm luận, tản văn không phân biệt nhau rõ rệt. Thể loại phiếm luận thích hợp với cá tính tự do của ông. Hình như ông không viết được tiểu luận, mà chỉ viết được các bài dạng tùy bút văn học. Thực tế ông vẫn viết tiểu luận, nhưng vẫn nghiêng về tản văn. Ông viết phê bình không bao giờ trích dẫn nguồn, tự cho là nguồn thứ nhất, nặng về chủ quan. Các nhan đề sách như Những kiếp hoa dại, Cánh bướm và hoa hướng dương nghe không giống cách hình dung nhà văn chiến sĩ thời ấy. Tất cả những điều đó dự báo những điều khác biệt đầy cá tính ở nơi ông. Cùng năm 1986 ông có sách Một số nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội, kể chuyện đời sống văn học với nhiều kí ức và chi tiết đời thường. Đến Những kiếp hoa dại – chân dung và phiếm luận văn học (1993) Vương Trí Nhàn vừa viết các chân dung văn học qua tưởng tượng, hư cấu về các nhà văn đã mất, trừ Nguyễn Huy Thiệp, vừa viết tản văn về đời sống, để lộ cái khuynh hướng quan sát về đời sống văn hóa trong giới văn học. Có những bài rất sâu sắc như Văn hóa quà vặt, Phê bình trong cơ chế tự thỏa mãn, phê bình một số hiện tượng tầm thường trong đời sống. Vương Trí Nhàn là người rất nhạy bén đối với vấn đề văn hóa. Ông đã nêu vấn đề hội nhập quốc tế rất sớm từ những năm 90 và bị một số người phản đổi để 10 năm sau Hội Nhà văn lại nêu lại vấn đề đó. Nhưng cái tên sách trên gợi nhiều đến các chân dung, các đời văn hoang dại. “Kiếp hoa dại”, một cách nhìn lạ, bởi không phải là “những chiến sĩ văn nghệ”, mà là những cây hoa dại với đủ thứ thói tật, như chất lang chạ, quyền được hách, thói suồng sã… Ông quan tâm đến đặc điểm văn hóa nghề nghiệp của đời văn. Đến sách Cánh bướm và hoa hướng dương (1999) cái hướng viết về đời văn các tác giả và các quan sát về văn hóa không chỉ càng càng thêm đậm nét, mà đã thành một tiếng nói rất riêng của Vương Trí Nhàn. Tập Buồn vui đời viết (2000) của ông đã nêu lên bao nhiều hiện tượng bất cập trong đời sống văn hóa với nỗi lòng băn khoăn sâu nặng. Tiếng nói của ông không hòa điệu với tiếng nói chung. Sức hấp dẫn của ông là ở cá tính. Đặc sắc của Vương Trí Nhàn là những suy nghĩ từ đời sống, từ thực tế, không hề mang tính sách vở. Tôi từng nhận xét Vương Trí Nhàn là người viết tản văn hay và ông cứ dùng dằng giữa văn học và phê bình văn học. Khổ một nỗi, ít thấy ai viết tản văn mà thành gia, có lẽ vì thế mà ông không đầu tư về phía ấy. Mối bận tâm về tình trạng văn hóa người Việt của ông thường trực và lấn lướt mối bận tâm về văn học! Nếu cứ tản văn mà đi thì biết đâu ông có thể là nhà tạp văn nổi tiếng, nhưng ông lại mê chuộng phê bình tưởng không rứt ra được, rồi cuối cùng cũng không theo phê bình mà chuyển sang nghiên cứu văn hóa.

Về chân dung văn học, tập đại thành của ông là tập Cây bút đời người, 2002, viết chân dung dày dặn của 12 nhà văn: Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thành Long, Nhị Ca, Thanh Tịnh, Tế Hanh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Xuân Diệu. Các chân dung này là sự viết lại, bổ sung các bài đã viết trong hai tập trước. Cũng là một kiểu tản văn. Cuốn sách được xếp vào loại sách hay. Khác với loại chân dung phác thảo mấy nét thường thấy, đây là những chân dung dài, thường 20 trang, có khi 40 trang, dài nhất gần 50 trang, viết khá kĩ về từng tác giả. Ông kể về cách làm thơ của Xuân Quỳnh do chị kể lại, cuộc đời dang dở của Nghiêm Đa Văn, khát vọng cháy bỏng của Nguyễn Khải muốn đứng ở đỉnh cao, cái phần bị lãng quên của Lưu Quang Vũ. Ở tập này điều đáng chú ý trước tiên là quan niệm của tác giả về chân dung nhà văn. Vương Trí Nhàn hiểu “bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện”, các nhà văn “thường xuyên sáng tạo ra” “con người của chính ông ta, tính cách của ông ta”. Nhà phê bình sẽ phát hiện ra con người ngoài văn học đó mà làm nên chân dung của họ. Nếu ở các nhà phê bình khác chân dung nhà văn thường mang những nét đẹp lí tưởng hóa, thì Vương Trí Nhàn muốn chứng minh ngược lại: “ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, ở đây cũng có thánh thần và có ma quỷ, và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý.”(Lời dẫn). Và những đặc điểm ấy làm cho đời họ, số phận họ có điều thú vị. Đây cũng là một ý tưởng đáng chú ý để tránh lối lí tưởng hóa ngây thơ. Hóa ra, ra Vương Trí Nhàn muốn dựng chân dung những con người làm văn chương ngoài văn chương của họ. Theo quan niệm lí thuyết hiện thời, khi đề cập đến tác giả, người ta chia ra làm ba bình diện. Một là tác giả tiểu sử, tức là con người thực ngoài đời, ngoài văn chương với đủ loại hành trạng tốt xấu của nhà văn. Hai là chủ thể sáng tạo, tức con người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm, tồn tại hàm ẩn, và ba là hình tượng tác giả, cái phần tác giả tô vẽ về mình hoặc người đọc cảm thấy mà hình dung về họ. Nghiên cứu, phê bình văn học đề cập tới hai bình diện sau. Bình diện thứ nhất sẽ được các nhà văn học sử quan tâm ít nhiều. Xét như thế thì tập sách của Vương Trí Nhàn không hoàn toàn thuộc lĩnh vực phê bình, bởi phê bình trước hết lấy tác phẩm văn học làm đối tượng. Có thể nói Vương Trí Nhàn hình như có xu hướng trở về với trường phái phê bình tiểu sử học, tức là khám phá cái phần nằm bên ngoài văn bản cuả nhà văn mà trước đây Sainte Beuve đã khởi xướng. Xu hướng này đã bị các nhà văn đầu thế kỉ XX như Marcel Proust, hay nhà phê bình Nothrop Frye đã kịch liệt phản đối và hô hào phải vượt qua, bởi theo họ, đó chỉ là một thứ phê bình bên ngoài, không liên quan gì tới văn học cả. Nhưng may, Vương Trí Nhàn vẫn để tâm ít nhiều vào con người sáng tác của nhà văn chân dung của ông. Có thể nói các tác giả chân dung ít người đi sâu vào mặt này như ông, có thể vì họ không có cái kinh nghiệm của ông. Chân dung văn học của ông là một lối văn kể những mẩu chuyện mà ông đã trải nghiệm với nhà văn, hay nghe kể về nhà văn, khác với chuyện tưởng tượng. Ông kể cách làm thơ của Xuân Quỳnh, việc học ngoại ngữ không thành của chị, sự quy định của hoàn cảnh, khát khao và lầm lỡ, và ảo tưởng trong thơ về những gì tốt đẹp nhất. Về Lưu Quang Vũ vốn rất nổi về kịch, thì ông chỉ viết về một mảng thơ “chán đời” bị quên lãng của ông, mà thực ra ngày nay người ta đã phát hiện ở nhà thơ này nhiều điều đi trước thời đại. Ông kể về cách viết của Nguyễn Khải, ông liên hệ cách ý thức về ngôn ngữ của các nhân vật trong truyện của nhà văn để hình dung quan niệm của nhà văn đối với ngôn ngữ, một ý hay, và về cuối đời nhà văn chỉ khai thác bản thân mình để viết. Viết về Nguyễn Minh Châu Vương Trí Nhàn chỉ ra nhà văn viết với một ý thức hiện đại. Nguyễn Thành Long, người đã viết truyện Lặng lẽ Sapa được đề cao và Một trò chơi nguy hiểm bị phê phán. Các chân dung về Nhị Ca, Thanh Tịnh, Tế Hanh đều hiền lành. Viết về Nguyễn Tuân – người nhập vai, Vương Trí Nhàn bắt đầu với con người lãng tử, kế thừa từ những thế hệ lãng tử cao quý trong quá khứ, rồi đi kháng chiến ông trở thành người cán bộ, người làm nghề, người chơi, nhà văn như là người đi đường, ý nói ông nhập vai nhiều kiểu người. Ý tưởng thật hay, nhưng đi vào bài viết vẫn có những chỗ thiếu nội dung, phải độn. Đến Tô Hoài Vương Trí Nhàn mới kể sự hình thành nghề văn và bản lĩnh văn học của ông bằng những chi tiết rất vụn vặt, bình thường. Văn hóa của ông chưa qua hết tiểu học, cho nên ông tự học liên tục, viết văn tạp, đủ các thứ nhếch nhác xung quanh, nhưng nhà văn đứng cao hơn. Viết liên tục, ở đâu cũng viết được, không cầu kì. Nhờ thế lên Việt Bắc ông nhập cuộc rất nhanh. Trong viết lách ông rất chăm chút bản thảo. Trong quan hệ với mọi người, ông luôn luôn thỏa hiệp, để cho việc trở nên nhẹ nhàng. Nhưng cũng tùy tiện. Gặp việc khó xử thì tránh mặt. Ông được coi là lõi đời, sành sõi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt. Về già ông nín nhịn, lãng tránh. Khi cần ông viết cho qua. Đời viết văn phù du. Tô Hoài thực dụng, có chút hư vô, một chút khinh bạc. Theo ông Nhàn phương châm nhà văn Tô Hoài là viết nhiều, không coi mình là quan trọng, khen chê đối với ông vô nghĩa. Vương Trí Nhàn tập trung kể về một người làm nghề có ngọn ngành. Về Xuân Diệu nhà phê bình nhấn mạnh mấy điểm, sự sống chẳng bao giờ chán nản, nhẫn nhịn như một cách sống và sáng tạo để đối diện với hư vô. Nhưng nhà viết chân dung cũng không quên cái nết tham lam, sự khó tính, khiến cho chân dung có nét nhòe, nét dung tục. Ví như chuyện ông giấu biệt việc ông là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn, làm tuyển tập thì tham, muốn tuyển hết tác phẩm của mình. Nếu đủ tính khoan dung thì nên coi đó là “chuyện hàng ngày ở huyện”. Tuy nhiên, ở nước mình, thói quen lí tưởng hóa nhà văn, lãng mạn hóa họ, phê bình một chiều cũng là sản phẩm tư duy thịnh hành của một thời, nhất là các thầy cô dạy văn bên sư phạm, cho nên việc làm của Vương Trí Nhàn cũng có tác dụng chữa trị nào đó, khiến cho người đọc bớt chút hồn nhiên, ngây thơ. Với lại việc phát hiện mặt đời thường, nhếch nhác của nhà văn cũng đã thể hiện qua Chân dung nhà văn của Xuân Sách (1992), được mọi người hâm mộ. Tập hồi kí Cát bụi chân ai của Tô Hoài (1992) dựng chân dung Nguyễn Tuân, có các chi tiết đời thường trái chiều, cũng được mọi người thích thú. Thực ra trong thích thú ấy có chút vạch áo cho người xem lưng, mà các tác giả lớn chẳng mấy ai lấy làm điều. Trong chiều hướng ấy, cuốn Cây bút đời người cũng được nhiều người thích thú, tất nhiên không tránh khỏi có người phản ứng. Nhưng đến nay thì cuốn sách đã được coi là sách hay, được tái bản, một đóng góp của tác giả. Nếu không có mối quan hệ khăng khít với các nhà văn hẳn tác giả không thể viết được như vậy và viết cũng có mức độ, thiết nghĩ không có gì quá đáng. Năm 2003 ông có tập Ngoài trời lại có trời, giới thiệu về tác phẩm, tác giả văn học nước ngoài, giúp mở rộng tầm mắt. Nhìn lại chân dung văn học của Vương Trí Nhàn thấy chủ yếu ông thiên về quan sát các chi tiết bề ngoài của con người nhà văn, cũng có lúc dính chút phong cách nghệ thuật, chút ít nghề nghiệp.

Là nhà phê bình có tài nhận xét tinh tế, song ít khi thấy ông phê bình hẳn hoi một tác phẩm văn học, thường thì ông quan tâm các khía cạnh thi pháp hay suy xét về tính cách của tác giả. Tập Phê bình và tiểu luận của ông (2008) tập hợp nhiều bài phê bình và nghiên cứu có giá trị. Ông quan sát sự diễn biến của thi pháp thể loại văn học. Bài Một thể tài thích hợp với thời chiến nghiên cứu thể kí và sự xâm nhập của nó vào truyện và tiểu thuyết. Nghiên cứu Sự tiến hóa của truyện ngắn, ông xác nhận “Tính nội dung của hình thức là một điều có thật”. Từ quan niệm ấy, ông tiến hành loại hình hóa các thể tài truyện ngắn Việt Nam một thời kì. Truyện ngắn-tiểu luận thời 1945-1946 như Tiếng nói của Nguyên Hồng, Một lần tới thủ đô của Trần Đăng, Người tù binh da đen của Ngyễn Đình Thi. Cho đến Đôi mắt của Nam Cao vẫn rõ có chất tiểu luận. Truyện ngắn sau đó lại gắn với sự thay đổi, đổi đời của con người, có tính truyện. Truyện ngắn thời chống Mỹ có tính nửa truyện nửa kí, truyện ngắn từ năm 1967-70 lại có chất thơ. Nhà phê bình cho rằng phải thay đổi về nội dung thì mới có thể có hình thức mới. Đó là một nhận định rất đúng. Có lẽ nên gọi đó là những biến đổi của truyện ngắn thì đúng hơn là “sự tiến hóa”. Bài Thử nhận diện tiểu thuyết sau 1945 chỉ ra sự đổi thay từ tiểu thuyết toàn cảnh, sang tiểu thuyết kí sự và nói chung các nhà văn chưa có quan niệm đúng về tiểu thuyết. Nhận xét về chủ đề của truyện ngắn Việt Nam sau 1945, Vương Trí Nhàn khái quá thành các chủ đề thức tỉnh, nhận thức, ân nghĩa, ân tình, đời thường trong bao quát của chủ đề giải phóng con người. Các bài viết về Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Kim Lân, Nguyên Hồng, Tô Hoài thiên về chân dung tác giả. Bài phê bình sách Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải được gọi là những “nhận xét”, thể hiện năng lực phản biện gần như “lột trần tác giả” của ngòi bút Vương Trí Nhàn. Bài phê bình Nhận diện con người hậu chiến trong Thời xa vắng của Lê Lựu cũng thể hiện cách phân tích sắc sảo của nhà phê bình. Ông chỉ ra một cuốn sách yếu về tay nghề mà cuốn hút người đọc vì chất sống tươi ròng. Phê bình thơ Đồng Đức Bốn, Vương Trí Nhàn chỉ ra cái chất cũ kĩ, cổ sơ, quê mùa, hoang dại. Bài phê bình về tiểu thuyết của Bảo Ninh gợi ra rất nhiều khía cạnh, nó cho thấy một năng lực thẩm văn dồi dào.

Các tập sách Chuyện cũ văn chương (2001) gồm 64 mẩu chuyện văn ngắn kiểu tản văn, phiếm luận đăng báo, kể đủ chuyện văn chương thời trước, gặp gì viết nấy. Tập Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho tới 1945 (2005) với 17 bài, chủ yếu là các tiểu luận đã đăng trên Tạp chí nghiên cứu văn học, đề cập tới 10 nhà văn tiếp xúc và góp phần hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Nhìn chung lại, văn chương của Vương Trí Nhàn chỉ viết nghiêng về chuyện văn, chuyện đời, số phận tác phẩm của các nhà văn, mà ít đi sâu vào tác phẩm, nhà văn, mặc dù có thể ông biết rất kĩ về họ. Nhìn chung ông không hát chung một bè với dàn đồng ca phê bình. Trái lại, ông thiên về phản tư, thường có những nhận xét sắc sảo về đời sống văn học, những thói tục tiêu cực, mà dần dần ông thấy nổi lên trong đó là vấn đề văn hóa, và ông chuyển sang văn hóa học. Ông không phê bình văn học theo kiểu học thuật, lí thuyết, mà kết hợp nhuần nhuyễn nhận xét, cảm thụ và phân tích, khái quát tạo thành những tác phẩm văn gây ấn tượng. Có thể nói, tản văn là phong cách phê bình của ông, tạo nên chất văn của ông. Ông cũng đã có một cơ hội nghiên cứu văn hóa Việt Nam với nhà văn Tô Hoài, ấp ủ một công trình về văn hóa Việt Nam, nhưng rồi vẫn chưa thấy sách ra. Tôi được biết ông đã từng tham vấn nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu, nhưng không may học giả này mất sớm. Nói là văn hóa học, song ông quan tâm mặt trái của văn hóa nhiều hơn. Ông đã viết về Những chấn thương tâm lí hiện đại (phiếm luận, 2009), năm 2018 cùng Trần Văn Chánh ra sách Người xưa cảnh tỉnh – thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỉ XX, trích dẫn nhiều ý kiến về thói hư tật xấu người Việt. Đó là những vấn đề mà ông đã dành rất nhiều tâm huyết, thuộc phê bình văn hóa, nhưng đã nằm ngoài phê bình văn học.

Comments are closed.