A. SEKHOV
Chắc chắn ông không thể hình dung
Hết thập niên thứ hai thế kỉ 21
Những gì ông viết trăm năm trước
Vẫn đầy nhóc
Trên xứ sở từng được gọi Quốc gia Pháp ngữ
Ánh sáng, Tiến bộ, Văn minh
Đọc những gì ông viết
Cay đắng làm sao
Hờn tủi làm sao
Nhợt nhạt làm sao
Đời là thế thật quá đỗi tầm phào
Sự tầm phào tiêu mòn sinh khí
Tiếng cười cũng phải khe khẽ
Niềm vui cũng phải cầm chừng
Lời tỏ tình cũng không dám vang ngân
Tiếng khóc, cả tiếng khóc cũng cầm chừng
Không thành tiếng
Chim hải âu lờ đờ bay
Những con người lờ đờ sống
Béo tốt và gầy guộc
Phú quý và ăn mày
Đám trí thức tâm hồn nghèo xơ xác
Những viên chức tép riu môi trễ mắt cụp héo hắt
Người sống, sống hiu hiu tẻ ngắt
Người chết, chết âm thầm lặng lặng
Những thây ma sống
Những người sống thây ma
Nỗi buồn cơm áo
Ôi! Còn có nỗi buồn
Còn có nỗi lo
Còn có bất hạnh
Trời ơi kinh hoàng niềm vui miếng ăn
Trái phúc bồn tử chua lè
Là cả một nỗi niềm
Là cả một hạnh phúc
Một món mứt trở thành lẽ sống
Cây trong vườn ước vọng thiêng liêng
Miếng ăn cầm tù nhân gian
Hiu quạnh quá
Chỉ nghĩ thôi mà muốn khóc
Chỉ nghĩ thôi thấy ngạt thở suốt trăm năm…
A. Sekhov
Chắc chắn ông không hề biết
Xứ An Nam nay gọi Việt Nam
Phận người như rác
Như cây cỏ như mây trôi bèo dạt
Miếng ăn bằng trời
Miếng ăn bằng đất
Trăm năm cõi người
Sống như chết
Và chết thì như sống
Luẩn quẩn cõi người cõi ma
Vẫn rau dưa mắm muối tương cà
Vũ trụ luận bát cơm quả trứng
….
Đang viết dở, phải ăn cơm.
Cơm cấp bách hơn thơ./.
NHỚ A. SEKHOV
Tôi hình dung
Gương mặt ông lúc nào cũng đượm buồn
Nụ cười héo hắt
Cặp kính cận che bớt đôi mắt như đang ngơ ngác
Vô vàn điều khiến ông bối rối
Toàn những chuyện tầm phào
Toàn những chuyện tào lao
Toàn những chuyện thường ngày nhỏ mọn
Toàn những chuyện nhí nhắt không thể gọi tên
Toàn những chuyện điên rồ và ngu ngốc
Toàn những chuyện mọc ra từ cuộc đời thường nhật mênh mông hoàng hôn xám nhạt
Toàn những chuyện trong cõi người nửa đáng thương và nửa thì đáng ghét
Thậm chí đôi khi hoàn toàn đáng ghét
Những cô nàng đỏm dáng
Những anh béo anh gầy
Những viên chức quèn nhát nhúa
Những nhân viên nhà nước về hưu với thói quen quái gở
Những nhà giáo nửa hiền lành nửa ma ranh nửa trí thức nửa lưu manh vặt
Những …
Những…
Những…
Thập loại chúng sinh nhẫn nại sống trong ngôi nhà cửa quanh năm bưng bít
Thập loại chúng sinh sợ nắng ban mai, sợ tuyết lạnh đầu mùa, sợ mùa xuân tưng bừng hoa nở, sợ mùa hè nắng chói chang, sợ mùa thu lãng mạng và sợ mùa đông dài xám ngăt
Thập loại chúng sinh như những thây ma chưa kịp chết và cũng chưa kịp sống…
Ngòi bút của ông cứ thủng thẳng kể
Cứ thủng thẳng tái sinh trên những trang viết
Cái nước Nga mênh mông ngột ngạt
Cái nước Nga ngột ngạt mênh mông
Những người Nga cao quý và đê tiện
Những người Nga dũng cảm và hèn nhát
Những người Nga nhăn nheo già và ngu ngơ trẻ
Những người Nga…
Một cánh chim hải âu cũng đủ khiến họ mừng vui
Một khóm phúc bồn tử trái chua chua chát chát cũng khiến họ đợi chờ
Những chàng trai trẻ thở dài thở dài ngao ngán
Những trí thức thiu thiu buồn thê thảm
Thói nô lệ hiện hình trên nét mặt trên giọng nói trên nụ cười trên cái nhìn trên dáng vẻ
Trời đất thói nô lệ hóa thành bầu khí quyển
Thói nô lệ quánh đặc khắp nơi nơi…
Anton Pavlovich Chekhov!
Trăm năm đọc lại
Trời ơi!
TỰ DO
[Nhớ bài thơ LIBERTÉ của P. Éluard]
Tự do của mỗi Dân tộc
Tự do của mỗi Con người
Được luận bàn bằng ngôn từ
Chân thật hoặc hoa mĩ
Trơn tru hoặc ngọng nghịu
Tự do
Tự do
Tự do
Tự do không bao giờ tự đến
Tự do không bao giờ xin được
Tự do không phải là của bố thí
Tự do chỉ có Chúa ban tặng
Ban tặng cho những Con người dũng cảm
Ban tặng cho những Dân tộc dũng cảm
Và Chúa sẽ lấy đi
Khi sự Hèn nhát bắt đầu
Tự do không thể có được
Chỉ bằng lời
Tự do phải được bảo vệ bằng Công lí
Công lí phải được bảo vệ bằng Vũ khí
Ngôn từ khi ấy
Cũng phải trở thành vũ khí….
Một Con người dũng cảm
Một Dân tộc dũng cảm
Xứng đáng có Tự do
Khi biết đáp trả bạo quyền
Khi biết đáp trả
Khi biết đáp trả
Tự do!
Tự do!
Tự do!
Không ra đời từ nòng súng!
Nhưng Tự do cần được bảo vệ
Bằng súng
Trong tay những con người dũng cảm!
Tự do!
Khi ấy
Có khi phải đổi bằng máu!
THƠ VỀ CÁI QUÁI DỊ
[Tự nhiên nhớ Nhà thơ Charles Pierre Baudelaire – tác giả Những bông hoa Ác]
Một cái xác bốc mùi
Đang tự hủy
Phơi trần trần dưới ánh sáng mặt trời
Bên rìa đường tấp nập người nhìn và đi về phía trước
Xác chết, ừ chưa phải là xác chết
Nó vẫn sống, hình như còn rất lâu
Nhung nhúc dòi bọ béo múp
Những con dòi sinh ra từ đó…
Những con dòi những con dòi ghê tởm
Đục khoét tới xương tủy nhưng chúng khôn ngoan
Tạm thời chừa não và tim…
Cái cái xác phân hủy dần
Nhưng sẽ sống lâu
Rất lâu
Lâu đến như là tất yếu
Người ta đắp điếm lên cái xác rìa đường
Bằng đủ thứ
Kinh nhất là bằng ngôn từ
Cái xác thối được huyền thoại hóa
Là Khủng long, là Đại bàng, là Mãnh sư, là Mãnh hổ
Người ta tẩn mẩn tìm diệt dòi bọ
Với niềm tin
Con vật bẩn thỉu kia lại sẽ…
Trở lại như xưa
Đại bàng, Khủng long, Mãnh hổ, Mãnh sư
Người ta tin là thế
Ôi kinh hoàng cái xác không chịu chết bên đường.
CAO BÁ QUÁT
Ông không hài lòng và phản kháng
Hình như theo lề lối cũ?!
Giấc mơ Đường Ngu Nghiêu Thuấn
Mộng phù Lê như lá úa cuối mùa
Như cờ rách nát khi tàn cuộc
Như ánh hoàng hôn le lói nhạt nhòa
Dũng cảm hay liều lĩnh đi theo lối cũ?
Kiêu hãnh hay là gàn dở?
Sự dũng cảm của những người gàn dở
Sựu kiêu hãnh của những người liều lĩnh
Chân dung Cao Chu Thần
Chân dung một thời khốc hại
Chân dung trái ngang của một thời u mê tăm tối
Chân dung ủ ê buồn án tru di
Ba họ vạ lây đầu rơi máu chảy
Ba họ vạ lây vì lòng dũng cảm đến gàn dở
Vì sự kiêu hãnh đến liều lĩnh
Ba họ có tội tình gì?
Án tru di thảm khốc
Thảm khốc án tru di
Tiếng than ai oán vọng âm Cao Bá Nhạ…
Một đời theo sách thánh hiền
Thánh hiền cuối mùa chữ nghĩa thành xiềng xích
Chữ nghĩa quấn chặt
Ba bồ chữ hóa thành gánh nặng
Ba bồ chữ không cứu được mạng người
Ba bồ chữ trở thành nhảm nhí
Uổng công tụng niệm
Uổng công sinh ra làm người….
Ta kẻ hậu sinh
Đọc Cao Bá Quát
Lòng không thể dửng dưng
Nhưng chật đầy những nỗi phân vân
Ngợi ca, ta không thể!
Chê trách, ta không nỡ!
Sinh nhầm thời ư? Câu cửa miệng cũ mèm!
Chỉ thấy tiếc cho một người tài đã chọn nhầm lí tưởng
Đường Ngu Nghiêu Thuấn ảo tưởng xa vời….
TRẦN KHÂM (TRẦN NHÂN TÔNG)
Đang ngồi ngai vàng, ông bỏ tất
Triều đình ư? Đầy mưu hèn kế bẩn
Ngai vàng ư? Chiếc dép rách làm khốn nạn bao kiếp nhân sinh
Thế là đủ, ông về với núi với rừng với mây với gió với suối trong với trăng thanh….
Thật đáng ghét lũ đàn bà nhũng nhẵng bám theo rồi tự tìm cái chết
Nhưng chưa bằng lũ lũ hậu sinh
Lũ lũ hậu sinh khốn nạn khôn cùng
Thêu dệt và tấn phong
Trần Khâm – tên cha mẹ đặt mất hút giữa vô vàn lòe loẹt danh xưng
Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế!
Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật!
Kinh nhất là danh xưng Phật Hoàng!
Tượng của ông lại ngự trên dép rách!
Vinh danh tận cùng
Khốn nạn tận cùng
Phù vân mây bay bay mãi
Trời xanh cao vời vợi
Hậu sinh nào ai đã ngẩng đầu
Hậu sinh cúi đầu khom lưng quỳ gối vái lạy
Hậu sinh mấy ai còn đọc Cư trần lạc đạo…
Hậu sinh mê đắm cõi ta bà
Nhấn chìm Trần Khâm trong thói xa hoa
Nhấn chìm Trần Khâm trong biển ngôn từ màu mè giả vờ cao siêu bí ẩn
Ngài trở thành nguồn đầu cơ vô tận
Nơi nhân gian huỵch toẹt
Ai muốn ăn oản thời năng lên chùa
Ai cần ăn oản thời chăm thờ Phật
Trần Khâm! Ôi Trần Khâm nghiệp chướng mấy trăm năm ngày mỗi ngày thêm dày!
Yên Tử mang mang mây khói
Yên Tử xa vời thăm thẳm suối khe
Yên Tử
Đỉnh phù vân
Mây cứ bay đừng bận tâm cõi nhân gian đầy bụi.
Đ.T