Diss Murakami

(Rút từ facebook của Phapxa Chan)

Nhân lần Văn Việt đăng một truyện ngắn của Haruki Murakami “Những người đàn ông không có đàn bà”, kèm theo đôi lời giới thiệu, tôi đã đọc, có thể nói là đọc thêm, cũng có thể nói là đọc lại, để khẳng định một cảm nhận của mình: Murakami vẫn đang bị bóng đè và nói mớ. Cũng nhân chuyện gần đây tôi hay bị bóng đè và sống với lucid dream (*) khá nhiều, tôi sẽ giải thích những liên hệ đó theo kinh nghiệm cá nhân, biết đâu tìm được điểm tương đồng với vài ý kiến phản ảnh về văn hào của chúng ta.

Murakami có làm hài lòng bao nhiêu người đọc trên hành tinh này đi nữa, có một người vẫn không bao giờ bị thuyết phục, đó là chính ông. Tôi là người thiên hướng bản thể luận, tôi phát biểu như vậy, xin bỏ qua mọi tình tiết hiện tượng. Murakami là người khao khát sống, thèm khát sống. Nhưng sống, với ông ấy, chỉ đơn giản là thực sự nhúc nhích được một ngón tay. Tất cả những ai đã trải nghiệm bóng đè đều hiểu được điều này: Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, ta thấy mình đã đứng dậy được, nói cười được; nhưng khốn nạn là, ta không thể dối mình mãi được, ta cay đắng biết mình vẫn đang nằm một đống. Có một mãnh lực kéo ta nằm xuống với ta và cùng chìm vào tầng thứ hai, tầng thứ ba của giấc ngủ; mỏi mệt, ta ngả xuống; giật mình, ta phát hiện đó là một vũng bùn ấm, có nguy cơ nuốt trọn ta. Và cứ thế: nỗ lực, hy vọng, dối mình, hoảng hốt, nhận ra… Đọc văn Murakami đến quyển thứ hai, tinh ý sẽ nhận ra. Đọc đến quyển thứ ba, tinh nữa, sẽ nhận ra một sự mời gọi của cái tôi hôn mê, rủ rê, gạ gẫm mình cùng ngả xuống vũng bùn êm ái mộng mị kia. Nó sẽ nói là, ồ, bạn mỏi chân rồi kìa, nằm xuống ngơi nghỉ chút đi; khi ta đã chịu nằm xuống, nó vỗ về và thủ dâm cho ta; rồi khi ta đã xuất tinh và mệt nhoài, lại chính nó giục giã ta dậy đi tìm chân lý với ánh mắt cổ vũ của kẻ tin rằng, cũng như nó, chẳng bao giờ ta làm được. Tôi tóm tắt thế, quý bạn có thấy quen thuộc với các mánh khoé của Haruki không? Làm ơn, tôi có một cuộc sống thật, hay ít nhất, tôi có một cuộc sống của tôi. Đấy nên là một câu diss khá đau cho Murakami. (Diss được hiểu như một thuật ngữ của rap, xin tự tìm hiểu.)

Nếu để khen, tôi muốn nói, Haruki Murakami là một người mơ thành thục. Hai yếu tố mâu thuẫn ở đây là mơ và thành thục. Mơ, trong nghĩa mộng mơ của nó, nên là sự lạ lẫm, chớm chạm, rụt rè và dễ tổn thương. Murakami quá hiểu điều đó và thành thục đến nỗi ông có thể viết cả tỉ chữ về nó cũng được; nhưng càng viết lại càng làm nó khó giống hơn. Như thế nào nhỉ, đoạn này khá khó trình bày, tôi sẽ cố gắng. Một giấc mơ cần có dưỡng khí mộng mơ; hay nói cách khác, giấc mơ phải có sự sống của riêng nó, càng riêng chừng nào lại càng gần gũi chừng đó. Điều đó khác với trạng thái lucid dream hay bóng đè. Trong “cơn mơ tỉnh”, ta thấy mình làm chủ được mình và giấc mơ; và vì vậy, giấc mơ không còn tính mơ nữa, nó bị can thiệp; cũng vì vậy, người mơ bị can thiệp bởi ảo giác làm chủ của mình. Một hiện tượng nữa trong lucid dream là ta có thể tạo ra thêm một giấc ngủ và một giấc mơ trong lòng nó; và quái đản là, ta có thể mơ hồ kiểm soát được cả giấc mơ trong giấc mơ nữa. Và đó là điều tôi đang nói đến, có một kẻ mê man đang cố vẽ ra một giấc mơ cho thật giống mơ. Chừng đó đã đủ để bạn phán định về giấc mơ và người mơ đó chưa?! Trong văn chương, ta thích thú đọc về những giấc mơ của người khác, nhưng đó phải là những giấc mơ có dưỡng khí mộng mơ, có đời sống thật của nó. Người viết, cũng là người mơ, nên đơn thuần là nạn nhân tường thuật lại bằng cách này hay cách khác.

Murakami luôn lấy lý do là “thế hệ tôi sinh ra ngay sau thế chiến”, “nghe nhạc jazz, nhạc rock”, “nước Nhật thế này, nước Nhật thế kia”, blah blah… để lảng tránh vấn đề của chính ông. Tất nhiên, đó là để trả lời báo giới, để người ta còn mua sách mình; nguyên nhân khác, có lẽ ông sợ ông ngưng viết, tức là ngưng vẫy vùng trong mơ, ông sẽ chết. Tôi hiểu và thông cảm cho điều đó (nếu điều đó có thật). Tôi nghe một người bạn nói rằng, không ai chết trong mơ cả. Đến bây giờ, tôi vẫn tin điều đó, vì trăm lần tôi vẫn còn sống sau những giấc mơ chết chóc. Đôi khi, tôi kể lại chúng; đôi khi, tôi giữ lại những chiêm nghiệm cho riêng mình. Nhưng, không bao giờ tôi là một “người mơ thành thục” như đã ví cho Murakami. Tôi nói ông ta mơ thành thục, kỳ thực đó là một kiểu “khen diss”. Tôi thấy Murakami chưa thành thục. Trong một bài tự biện về công việc làm thơ của tôi (**), tôi nói về việc một người nghệ sĩ có khả năng sử dụng cả ý thức lẫn tiềm thức để tạo nên tác phẩm, để lưu lại giấc mơ cùng những chiêm nghiệm về nó. Nhưng đấy là nói với kẻ đã thực sự thành thục, kẻ đó có thể chơi với giấc mơ; chưa thành thục, sẽ bị giấc mơ chơi lại. Haruki Murakami đang bị như vậy. Là một người luận bản thể, tôi phát biểu như thế.

Tôi sẽ theo dõi tiếp kiếp sau của ông ấy.

————————————
(*) https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Giấc_mơ_sáng_suốt
(**) https://www.facebook.com/100016838682759/posts/363248667579753/

Comments are closed.