Đọc Linda Lê: “De personne je ne fus le contemporain”

Nguyễn Ngọc Giao

bia
Nhà xuất bản Stock, Paris, 2022, 154 trang

“Chẳng có ai là người đương thời của tôi / tôi cần gì cái thứ vinh dự ấy” là một câu thơ của Ossip Mandelstam (1891-1938), nói lên sự riêng lẻ đơn độc của một con người, của một nhà thơ nửa đầu thế kỷ 20. Bốn mươi năm sau khi từ trần, Ossip được nhà thiên văn học Liên Xô Nikolai S. Tchernykh đặt tên cho một hành tinh: 3461 Mandelstam mà ông mới phát hiện. Một cách vinh danh nhà thơ lớn đã chết tức tưởi ở Vladivostok trong trại lưu đày, vì những dòng thơ “phản động” và nhất là “phạm thượng” đối với Stalin.

Những tác phẩm của Mandelstam đã được dịch ra tiếng Pháp (Toàn tập: ISBN 978-2-35873-119-5), đã chinh phục nhà văn Pháp ngữ Linda Lê. Những thi phẩm, tất nhiên. Cả một bài văn xuôi 1923  Ossip Mandelstam phỏng vấn “chiến sĩ Quốc tế Cộng sản, người An Nam gầy còm”: Nguyễn Ái Quốc.

OM naq
Ossip Mandelstam và Nguyễn Ái Quốc (những năm 1920 ở Moscow)

Bài phỏng vấn không phải là áng văn xuôi hay ho gì. Khởi thủy, đó chỉ là một trong những bài báo mà trong những năm túng thiếu giữa thập niên 1920 Mandelstam sản xuất với tư cách là phóng viên của  tạp chí Ogoniok.  Nhưng kỳ lạ thay,  đó không phải là một bài báo tắc trách. Nó phản ánh khát vọng giải phóng của chàng thanh niên Đông Dương, thiết tha giành lại nhân phẩm cho đồng bào mình, giành lại độc lập cho dân tộc mình, cho các dân tộc thuộc địa. Và qua cuộc đối thoại, người ta nhận ra mối cảm tình sâu đậm của nhà thơ đối với nhà cách mạng (gần như cùng tuổi) – trong khi chúng ta biết Ossip Mandelstam không mấy mặn mà với Cách mạng Tháng Mười Nga.

Cuộc đối diện khá đặc biệt cách đây gần đúng một thế kỷ này đã gợi hứng cho Linda Lê. 150 trang “De personne je ne fus le contemporain  xen kẽ những thông tin về cuộc đời của Mandelstam và Hồ Chí Minh, những nhận xét và suy nghĩ của nhà văn.

Hai con người đơn độc, một người muốn giải phóng chữ nghĩa, một người muốn giải phóng dân tộc. Là một nhà văn, Linda Lê dành sự đồng cảm lớn nhất đối với nhà thơ, mà cuộc đời kết thúc một cách bi thảm ở miền cực đông Liên Xô. Phải nhiều năm sau, vợ ông và người thân mới tìm ra tờ giấy khai tử, ghi ngày 27.12.1938. Nhưng sự thật, Mandelstam đã tắt thở hai ngày trước đó: bạn tù khai muộn để có thể chia nhau phần ăn.

Đáng tiếc là tuy đọc nhiều về cả hai nhân vật, Linda Lê tưởng rằng trong khi Mandelstam gần như suốt đời bị KGB theo dõi, hành hạ, thì Nguyễn Ái Quốc, “trong những thời gian ở Liên Xô, không bao giờ bị chính quyền gây chuyện, và ngay trong đợt khủng bố đỉnh điểm vào thập niên, đã thoát khỏi bàn tay những ác ôn của Stalin” (tr. 39). Tác giả không biết rằng – sự trùng hợp về thời gian thật cũng lạ lùng – bốn năm 1934-1938 là những năm bi thảm nhất trong cuộc đời của hai người. Mandelstam bị bắt năm 1934, lưu đày ở Voronej rồi Vladivostok. Cùng năm 1934, Nguyễn Ái Quốc thoát chết ở Hồng Kông và lọt qua lưới của mật thám Pháp, về tới Liên Xô, để hai năm sau phải trả lời trước một “Ban thẩm tra” về những trọng tội động trời: làm gì để tòa án Anh tuyên án nhẹ? Tại sao năm 1930 dám tự tiện thành lập Đảng cộng sản Việt Nam mà không có sự ủy quyền của Quốc tế cộng sản? Làm sao về được Liên Xô năm 1934?… (xem bài của Bá Ngọc, Ban thẩm tra vụ việc NGUYỄN ÁI QUỐC ở Quốc tế Cộng sản). Năm 1938, khi Mandelstam tắt thở ở trại Gulag, Nguyễn Ái Quốc mới thoát khỏi Liên Xô, tìm đường tiến dần về tổ quốc.

Trực quan nhạy bén đã giúp được nhà văn cảm nhận rằng hành trình chính trị tưởng như suôn sẻ của Nguyễn Ái Quốc và vòng xoáy hoạn nạn của Mandelstam là “hai mặt” của cùng một cuộc đấu tranh giải phóng trong một “thế kỷ sắt thép”. Song sự đối sánh sẽ sâu sắc hơn nhiều nếu tác giả biết rằng những bi kịch mà Mandelstam trải nghiệm đã xảy ra cho những văn nghệ sĩ Việt Nam không phải chỉ sau năm 1969 (Hồ Chí Minh từ trần) hay 1975 (dưới chế độ “của những người kế tục”), mà ngay từ năm 1956, khi tên tuổi của Mandelstam bước đầu được khôi phục (trong đợt giải-Stalin hóa).

Tiếp theo Linda Lê, nhà văn nào sẽ thể hiện được kích thước Shakespeare trong bi kịch Nguyễn Ái Quốc?

Nguồn: https://www.diendan.org/viet-nam/doc-linda-le-201c-de-personne-je-ne-fus-le-contemporain-201d

 

Comments are closed.