Minh triết phương Tây (kỳ 17)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Triết học thăng hoa (tiếp theo)

Vấn đề thực thể, như chúng ta thấy, dẫn đến nhiều giải pháp khác nhau. Nếu Spinoza quan niệm thực thể là nhất nguyên, Leibniz ở đối cực cho rằng có một lượng vô cùng lớn những thực thể. Hai lý thuyết này liên quan đến nhau tựa như quan điểm của Pamenide với những người theo thuyết nguyên tử thời cổ-Hy Lạp, nhưng chúng ta đừng đẩy quá xa nhận định này. Lý thuyết của Leibniz dựa trên nhận xét rằng nếu thực thể chỉ có một, thì nó không thể đàn hồi nở rộng bởi nếu vậy ắt sẽ có vô số thực thể. Từ đó, Leibniz suy ra có rất nhiều thực thể, chúng không đàn hồi, và vì vậy không là vật chất. Leibniz đặt tên chúng là đơn tử (monad), và tính chất cơ bản của chúng là linh hồn ở nghĩa rộng nhất của từ ngữ.

clip_image002

Gottfried Wilhelm Leibniz

Lebniz (1546-1716) sinh ở Leipzig[1], cha là giáo sư đại học. Từ rất sớm, ông tỏ ra nhạy bén và thông minh, vào đại học ở tuổi 15, học triết học, hai năm sau ra trường rồi chuyển tới Jena để học luật. Vào 20 tuổi, ông ghi danh học tiến sĩ luật ở Đại học Leipzig, nhưng không được nhận vì tuổi quá nhỏ. Tại Altdorf, đại học ở đó dễ dãi hơn, chẳng những cho ông tốt nghiệp mà còn mời ông giảng dạy. Nhưng có nguyện vọng khác, Lebniz từ chối. Năm 1667, ông nhận công vụ ngoại giao với Tổng Giám mục ở Mainz, một nhà chính trị tìm cách gầy lửa từ tro than tàn dư của Đế quốc sau sự tàn phá của cuộc chiến 30 năm. Nhưng trên hết, vị này nhắm là làm sao khiến Louis XIV[2] nước Pháp không xâm lăng nước Đức.

Với trách vụ này, Leibniz đến Paris năm 1672 và ở lại đó đâu gần bốn năm. Để tránh mũi dùi quân sự chĩa vào Đức, ông tìm cách thuyết phục Louis XIV mang quân đánh những kẻ phản đạo Ki-tô và chiếm lấy Ai Cập. Ông thất bại, nhưng có dịp gặp nhiều triết gia và khoa học gia có tầm cỡ ở Paris. Malebranche thời đó nổi như cồn. Và Arnaud, đại diện của phong trào tôn giáo Jansenism[3] thời đó gây tranh luận ở Paris. Rồi nhà vật lý Hoà Lan là Huygens cũng là người giao du với Leibniz. Năm 1637, Lebniz đến Luân Đôn và gặp nhà hoá học Boyle cũng như Oldenburg, kẻ trở thành thư ký của Royal Society, một định chế đầy danh vọng mà sau này Leibniz là một thành viên. Một năm sau cái chết của Tổng Giám mục đã thâu nhận Leibniz, Công tước ở Brunswick cần một quản thủ thư viện nên mời ông. Leibniz không nhận, tiếp tục sống tha hương. Khi ở Paris năm 1675, Leibniz bắt đầu nghiên cứu Toán vi phân, một khám phá độc lập với công trình của Newton chỉ ít năm trước. Leibniz xuất bản nghiên cứu của mình trong Acta Eruditorum 1684 dưới dạng gần với cách thức hiện đại hơn là lý thuyết dòng chảy (theory of fluxions) kiểu Newton. “Principia” của vị này chỉ xuất hiện ba năm sau. Và một trận cãi vã nổi lên; đáng lẽ phải coi nội dung là chính, người ta chia phe ủng hộ và bài bác phân chia theo ranh giới quốc gia (Đức và Anh). Điều này khiến nền toán học Anh bị chựng lại cả thế kỷ trong khi Toán học trên lục địa phát triển dễ hơn qua xử dụng ký hiệu toán rất thuận tiện của Liebniz mà những nhà toán học Pháp tiếp thu và phổ biến. Năm 1676, Liebniz đến thăm Spinoza ở Hague, sau ông nhận chức quản thủ thư viện ở Hanover, vị trí ông giữ cho đến khi lìa đời. Ông bỏ thời gian viết về lịch sử của Brunswick, tiếp tục nghiên cứu khoa học và triết học. Cạnh đó, ông cố gắng tìm tòi một lược đồ để cải cách nền chính trị Âu châu. Truy lùng phương thức hàn gắn vết nứt rạn của giáo hội, tiếng ông nói chỉ thoáng qua tai những người điếc. Khi Goerge ở Hanover trở thành Vua nước Anh năm 1714, Liebniz không được mời đi theo đoàn người vào cung điện Luân Đôn nhân dịp đăng quan, chắc chắn là vì cuộc tranh cãi về toán vi phân. Liebniz cay đắng vì bị quên lãng, chết hai năm sau đó.

Triết học theo Liebniz không dễ thảo luận. Phần lớn ông viết từng đoạn, lại không chỉnh sửa cho nên có những bất nhất. Ngoại cảnh đời ông là lý do chính, ông viết trong những lúc nhàn rỗi hiếm hoi, viết chưa xong đã bị ngừng. Nhưng còn một lý do khác khiến ta đọc ông khá khó khăn. Đó là tính chất hai mặt của triết học Liebniz. Một mặt, là siêu hình về thực thể đúc kết từ lý thuyết đơn tử, mặt khác là Lôgíc khai triển song song với những ức đoán siêu hình. Đối với chúng ta, mặt Lôgíc có lẽ quan trọng, nhưng Liebniz lại coi mặt siêu hình không kém phần quan yếu. Đối với ông, đi từ mặt này qua mặt kia là chuyện dễ dàng không cần tra vấn. Quan điểm này hiện không còn giá trị, ít nhất là đối với những triết gia Anh, và phát biểu rằng ngôn ngữ và Lôgíc có lẽ đều tự-hàm (self-contained) là một quan điểm siêu hình tự thân có khiếm khuyết.

Về Siêu hình học, ta ghi nhận rằng Liebniz đã xử dụng những kiến thức hàng đầu của nền khoa học thời đó. Lý thuyết đơn tử đặt cơ sở cho siêu hình trong nhiều trước tác suốt gần hai thế kỷ sau đó. Về Lôgíc, công trình của Liebniz không phổ biến và chỉ được đánh giá một cách chính xác vào đầu thế kỷ 20 này. Như đã trình bày, Liebniz giải quyết vấn đề thực thể qua khái niệm đơn tử. Đồng ý với Spinoza, ông cũng cho rằng thực thể không tương tác. Điều này hàm ý hai thực thể có thể có quan hệ nhân quả. Không có liên hệ tương tác nào, đơn tử được gọi là những thực thể không-cửa sổ (tức không trao đổi với bên ngoài nó, Ng.dịch). Nhưng như vậy, làm thế nào giải thích được sự kiện những phần khác nhau trong vũ trụ gắn kết qua liên hệ nhân quả? Lời giải đáp nằm trong lý thuyết phụ động của Geulincx với thí dụ hai cái đồng hồ ta đã nói trên. Khái quát hóa lý thuyết này đến số vô cùng lớn của mọi thực thể, chúng ta thu hoạch được lý thuyết về sự hài hòa tiên định (pre-established harmony) theo đó mỗi đơn tử phản ánh toàn thể vũ trụ, và Thượng Đế điều hành mọi đơn tử độc lập trong vận hành một hệ thống khổng lồ của những chuyển động song song.

Mỗi đơn tử là một thực thể với phẩm tính và chiếm dụng những vị thế khác biệt. Điều này khác với khẳng định chúng ở những vị trí khác nhau, bởi vì chúng phi thời gian và không gian. Thời và không gian là cảm quan bề mặt, chỉ phiến diện, không có thực. Hiện thực đàng sau là sự sắp đặt những đơn tử, mỗi cái có một vị thế riêng, và phản ánh vũ trụ một cách hoàn toàn cá biệt. Nếu hai đơn tử giống hệt nhau, chúng chỉ là một. Đây là nguyên lý cũa Liebniz về tính đồng nhất của điều không tách phân được. Và thật vô nghĩa khi ta bảo hai đơn tử có thể khác nhau tùy vị trí của chúng.

Bởi tất cả đơn tử đều khác nhau nên ta có thể sắp xếp chúng trong một trật tự tùy theo độ rõ ràng chúng phản ánh thế giới. Mỗi vật thể là một tập hợp đơn tử. Thân thể con người, cũng vậy, được thiết kế tương tự nhưng khác ở chỗ có một đơn tử nổi trội vì có khả năng thấu thị rỏ ràng. Đơn tử đặc biệt này được gọi là linh hồn của con người, dẫu với nghĩa rộng, mọi đơn tữ đều có thể là linh hồn, bởi phi vật thể, không tàn hủy được, và vì vậy bất tử. Ngoài khả năng thấu thị, đơn tử nổi trội này còn hàm chứa những mục tiêu có vai trò chấp thủ sự hài hoà tiên định. Mọi sự trong vũ trụ đều xẩy đến với đầy đủ lý tính, nhưng thế cách tự do chọn lựa được cho phép bởi vì hành động của con người không chỉ đến từ cưỡng bách nghiêm ngặt của những bức thiết thuần Lôgíc (logical necessity). Thượng Đế, hệt như thế, cũng có tự do này dầu Thượng Đế không thể vi phạm lề luật của Lôgíc. Ngược lại với Spinoza, lý thuyết về tự do chọn lựa của Liebniz dễ chấp nhận hơn, và là thế cách tổng quan thường được trình bày với khái niệm đơn tử.

Đối với câu hỏi muôn đời vể sự hiện hữu của Thượng Đế, Liebniz đã trình bày đầy đủ những luận cứ siêu hình ta đã từng thấy. Trong 4 luận cứ, cái thứ nhất là luận cứ bản thể theo St. Anselm, cái thứ nhì là nguyên do đầu tiên của Aristotle. Luận cứ thứ ba, là sự thật cần thiết, điều đòi hỏi hiện hữu của một trí năng thiêng liêng. Và cuối cùng, luận cứ thứ tư, dưới hình thức luận cứ kiến tạo (argument from design), chứng minh sự hài hòa tiên định. Những điều vừa kể đều đã có trước và những nhược điểm của mỗi luận cứ từng được bàn. Kant đã phủ định loại luận cứ siêu hình này một cách tổng quát. Trong Thần học, xin nhắc rằng Thượng Đế là thể loại kết toán của lý thuyết về bản thể những sự vật. Thượng Đế này không liên quan gì đến cảm thức, xúc động, và Thượng Đế trong Thánh kinh. Ngoại trừ phái Tân-Thomist, những nhà thần học không còn dựa vào quan điểm một thực thể linh thiêng trong triết học truyền thống trên vấn đề này.

Siêu hình học Liebniz chừng mực nào lấy cảm hứng từ những khám phá tích tụ được với phát minh kính hiển vi. Leeuwenhoek (1632-1723) đã tìm ra những con tinh trùng và chứng minh rằng trong một giọt nước có vô số những vi sinh vật. Đây là cả một thế giới cực tiểu so với thế giới trong đó chúng ta đang sống. Nhận biết chúng dẫn đến khái niệm đơn tử như một điểm tối hậu không tách phân được của linh hồn. Toán vi phân cũng hướng về cùng một nhận định. Điều quan trọng trong hệ thống tư duy Liebniz là bản chất hữu cơ tự nhiên của những đơn tử cấu tạo này. Luận điểm này khiến Liebniz tách khỏi cách nhìn cơ học của Galileo và Descartes. Mặc dầu không phải không có khó khăn, thế cách nhìn này của Liebniz đã cho phép ông tìm ra nguyên lý bảo tồn năng lượng[4] ở dạng thô, và nguyên lý tác động tối thiểu[5] (principle of least action). Tuy nhiên, sự khai triển của vật lý nói chung vẫn theo những nguyên tắc chỉ đạo của Galileo và Descartes.

Dẫu có xác đáng đến đâu chăng nữa, nguyên tắc Liebniz đề đạt khiến nhiều gợi ý cho Siêu hình học của ông dễ tiếp thu. Chúng ta khởi đầu bằng cách ông chấp thủ Lôgíc Aristotle về chủ thể-xác quyết (subject-predicate). Hai nguyên tắc tổng quát được coi như định đề. Đầu tiên là nguyên tắc mâu thuẫn, theo đó hai đề xuất mâu thuẫn nhau nếu có một đúng thì cái kia phải sai. Nguyên tắc thứ hai là lý tính toàn túc (principle of sufficient reason) theo đó một sự vụ có sẵn xuất phát từ lý lẽ có trước nó. Áp dụng hai nguyên tắc này vào những đề xuất giải tích, tức là chúng thuộc loại chủ thể-xác quyết, chẳng hạn như “mọi tiền đồng đều là kim khí”. Đề xuất này đúng trên nguyên tắc mâu thuẫn, trong khi nguyên tắc lý tính toàn túc đưa đến nhận định rằng mọi đề xuất nếu đúng đều có tính giải tích (analytic), nhưng chỉ Thượng Đế mới thấy như thế được. Còn cho trí tuệ con người, một sự thực như vừa nói có tính điều kiện. Ở điểm này, cũng như với Spinoza, chúng ta thấy những cố gắng xác lập một chương trình khoa học lý tưởng. Khoa học gia tìm những lý thuyết nhằm nắm bắt những điều kiện như chúng là hệ quả của những cái khác, và tự chúng, chúng trở nên điều kiện cần. Chỉ Thượng Đế mới có thể thu hoạch được một nền khoa học lý tưởng, toàn hảo, bởi Thượng Đế nhìn được mọi điều dưới sự soi rọi của sự bức thiết ở mức tổng quan.

Những thực thể không tương tác là hậu quả của quá trình lịch sử sinh động tiềm ẩn ngay trong chính nó. Điều này đến từ cái gì đúng trong lịch sử thì đã xảy ra, và tính giải tích của mọi đề xuất lịch sử đều đúng. Tính cách này hoàn toàn tất định trong lý thuyết của Spinoza, vì ở đấy sự tự do chọn lựa không có chỗ đứng. Đối với Thượng Đế và sự Sáng Thế, tính Thiện khiến thế giới được tạo ra là tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, ngược lại, Thượng Đế và sự Sáng Thế có thể vắng bóng theo Liebniz. Cách nhìn này có lẽ đến từ lý thuyết Aristotle về tự đích (entelechy) khởi đi từ tiềm năng (potentiality) đi đến thể hiện (actuality), theo đó thế giới là tất cả hiện thực có thể xuất hiện ở một thời điểm với một số những tiềm năng kích hoạt.

Với sự tiếp nhận Lôgíc chủ thể-xác quyết, lẽ ra Liebniz có thể công bố công việc của ông trong Lôgíc Toán, một chủ đề chỉ được quan tâm ở thế kỷ sau. Ông trực giác thấy có thể phát kiến một ngôn ngữ hình thức phổ quát toàn hảo, và kéo những hoạt động của não bộ vào tính toán. Điều này có vẻ liều lĩnh vội vàng, nhưng tuy nhiên, với những bộ não điện tử, ông tiên liệu nó trở thành khả thi trong phạm trù Lôgíc[6]. Và với hy vọng tiến đến một ngôn ngữ toàn hảo, con người mang hy vọng có thể một ngày nào đó khả thủ một khoa học về Thượng Đế.

Quan tâm đến những ý thể rõ rệt, tách biệt, và hệ quả của cuộc kiếm tìm một ngôn ngữ phổ quát toàn hảo là hai truy lùng thuần lý của triết học trong truyền thống Descartes. Thế cách này, ở nhiều mặt, tương ứng với mục đích của khoa học như chúng ta ghi nhận. Ở đây, chúng ta có con đường vạch ra để đi, chứ chẳng phải là mục tiêu tối hậu. Liebniz đã nhìn ra diểm này khi ông cho rằng chỉ Thượng Đế mới khả thủ một nền khoa học toàn hảo.

Một phản bác cực đoan của triết học Duy Lý được nêu ra trong những công trình của một triết gia Ý tên Giambattista Vico (1668-1744). Phát biểu của Liebniz mà những kẻ theo Thiên Chúa giáo trong đó có Vico khó thể chấp nhận đã thôi thúc vị này đưa ra những nguyên tắc mới trong Nhận thức luận. Thượng Đế thủ đắc hiểu biết toàn hảo về thế giới bởi vì Thượng Đế tạo ra nó. Con người, được tạo ra, chỉ có thể hiểu thế giới một cách bất toàn. Đối với Vico, điều kiện khả tri sự vật là làm ra nó, nghĩa là chúng ta chỉ biết những gì chúng ta có thể tạo được. Và ta bảo sự thật, hệt như với sự vật, cũng vận hành như vậy.

Thời ông sống cho đến 50 năm sau khi chết, Vico hoàn toàn không được ai biết đến. Sinh ở Naples, cha là một người bán sách, ông trở thành giáo viên năm 31 tuổi ở đại học Naples. Ông ở vị trí khiêm nhượng này cho đến khi về hưu năm 1741. Suốt đời nghèo khó, ông phải phụ vào đồng lương ít ỏi của mình bằng cách đi kèm tại tư gia hoặc biên soạn văn bản cho giới quí tộc. Không được thông cảm bởi những người đồng thời một phần vì thông điệp của ông không rõ, ông không có dịp may gặp gỡ hoặc trao đổi gì với những triết gia có tầm cỡ thời ông.

Lý thuyết theo đó sự thật phải là vận hành dẫn đến những hệ quả quan trọng. Đầu tiên, nó cung ứng lý lẽ tại sao sự thật toán học là những tri thức chắc chắn không thể nghi hoặc được. Con người sáng tạo Toán qua cách thức trừu tượng và tùy ý. Vì sáng tạo ra Toán, con người hiểu được nó. Nhưng Vico cho rằng Toán không cho phép điều nghiên và khám phá tri thức về tự nhiên như những triết gia Duy Lý đề nghị. Lý do là vì Toán không gạn lọc từ kinh nghiệm, nó ly cách tự nhiên, và là một kiến trúc tùy tiện của trí tuệ.

clip_image004

Gambattista Vico

Thượng Đế tạo ra tự nhiên và vì thế Thượng Đế hiểu nó là gì. Nếu con người muốn biết về tự nhiên, không nên theo con đường toán học trừu tượng mà phải dùng phương pháp dựa trên quan sát và kiểm nghiệm. Vico gần gũi Bacon hơn là Descartes. Qua khuyến cáo về Toán, ông thực chưa nhìn thấy vai trò của nó trong nghiên cứu khoa học. Nhưng đồng thời, ông cũng cảnh báo nguy cơ thả lỏng những ức đoán toán học nhiều khi làm như thay thế được những nghiên cứu có tính thực nghiệm. Phương pháp đúng thì hẳn ở đâu đó giữa hai thái cực chúng ta vừa đề cập. Cách nhìn theo đó Toán học đắc thủ những gì không nghi ngờ được đã có ảnh hưởng rất nhiều, và đồng thời có những tư tưởng gia chia sẻ quan điểm của Vico về tính tùy tiện của Toán học. Quan điểm của nhà Mácxít Sorel [7]cũng như ghi nhận của Goblot và Meyerson nên nhắc lại ở đây. Tương tự, những người theo thuyết Duy Lợi và những kẻ thực dụng cũng đồng quan điểm. Mặt khác, ngay tính gọi là tùy tiện trên cũng được nghiên cứu như một Trò Chơi bởi những nhà toán học chuộng hình thức. Và thật rất khó đánh giá ảnh hưởng của Vico. Chúng ta biết cả Marx lẫn Sorel đều có tham khảo công trình của Vico. Nhưng ảnh hưởng của Vico ra sao thì khó biết vì tư tưởng ông linh hoạt chứ không lúc nào cũng biểu lộ ra một cách rõ ràng. Ít ra, ta có thể phát biều rằng mặc dầu trước tác của Vico ít được biết đến, nó đã ươm mầm cho nhiều triển khai của triết học vào thế kỷ 19.

Một hệ quả quan trọng của nguyên tắc Vico là lý thuyết của ông về Lịch Sử. Toán học khả tri vì là do con người làm ra, nhưng toán không là hiện thực. Thế giới tự nhiên, là hiện thực, con người không thể biết được vì thế giới đó do Thượng Đế sáng tạo. Nhận định như vậy, Vico có tham vọng đặt cơ sở cho một nền khoa học mới vừa khả tri vừa hiện thực. Ông cho rằng đó chính là Lịch Sử, phạm trù mà con người cộng tác với Thượng Đế, khác hẳn cách nghĩ của những người theo triết thuyết Descartes mà theo đó Lịch Sử là phi khoa học. Thế cách cho rằng xã hội là khả tri còn hơn cả vật chất được hồi phục trong thế kỷ vừa qua bởi triết gia Đức Dilthey[8], và những nhà xã hội học Max Weber[9] và Sombart[10].

Giả thiết mới do Vico đề xuất được trình bày đầy đủ trong trước tác “Tân khoa học” viết đi viết lại nhiều bản. Đối với người đọc, đây là một tập hợp hổ lốn nhiều vấn đề không được phân chia rạch ròi. Ngoài triết học, Vico bàn luận về phương pháp thực nghiệm và nghiên cứu Lịch Sử, nhưng những vấn đề đưa ra thường lẫn lộn khó nắm bắt. Chính tác giả cũng không biết mình từ lãnh vực này sọ qua lãnh vực kia, nhưng mặc dầu tác phẩm khó đọc vì rối rắm, nó vẫn để lại một lý thuyết quan trọng.

Cái gì là đồng hóa hiểu biết (sự thật) với sự (dữ) kiện ? Sau khi khảo sát, nguyên tắc không mấy chính thống vừa nêu ra này có những hệ quả hợp lý trong khuôn khổ Nhận thức luận. Làm ra một cái gì đó giúp ta hiểu nó hơn, dĩ nhiên. Điều này rõ ràng là khá tự nhiên trong phạm trù hành động của con người. Lấy thí dụ về âm nhạc chẳng hạn. Để hiểu một tác phẩm, chỉ nghe thôi thì không thể bằng ghi lại ký âm, hay chơi bản nhạc, ngay cả cho những người không chuyên, và chính tác động vừa kể giúp cho cá nhân đào sâu thêm kiến thức âm nhạc của mình. Điều này áp dụng trong cả khoa học. Một sự hiểu biết về cái ta có thể làm ra với vật liệu ta có chắc hẳn sát sườn cụ thể hơn sự hiểu biết thuần trừu tượng đến từ bên ngoài. Quan niệm này sẽ là nền tảng cũa Triết lý Thực dụng theo Peirce mà chúng ta sẽ bàn sau. Nhưng trong mọi trường hợp, hiểu một cách thông thường, “có làm mới biết” chẳng phải là lạ. Như vậy, trong toán học mà chỉ biết những định lý thì không đủ mà ta cần biết áp dụng chúng vào một số những bài toán cá biệt. Nhưng thế không phải đòi hỏi ta coi thường những tìm tòi trừu tượng mà chỉ nhấn mạnh rằng sự hiểu rạch ròi về chúng cần được xem chúng vận hành ra sao trong thực tế. Bề mặt, điều này gợi cho ta nguyên tắc thực dụng của Protagoras. Tuy nhiên, Vico không chủ trương rằng con người là thước đo vạn sự như kiểu phái Biện Thuyết xưng tụng. Điều ông nhắc nhủ là tầm quan trọng của sự tái tạo những yếu tố trong quá trình tri thức, chứ không phải chỉ vận hành mới là hiểu biết tối yếu. Sự nhấn mạnh đến vận hành mà Vico đề xướng đi ngược lại với những ý thể rõ rệt và tách phân được trong triết lý Duy Lý.

Trong khi phái Duy Lý lơ đi rằng tưởng tượng có thể gây ra lầm lẫn, Vico ngược lại nêu rõ vai trò của tưởng tượng trong những khám phá. Trước khi đến một khái niệm nào đó, ông cho rằng chúng ta còn ở mức độ nhận biết những thực tế chưa rõ rệt, thậm chí có khả năng là sai lạc. Cách nhìn này không hoàn toàn thỏa đáng, bởi dẫu suy tưởng có lờ mờ đến đâu chăng nữa thì ta cũng không thể khẳng định rằng nó phủ nhận mọi khái niệm. Trên vấn đề này, có lẽ tốt hơn là cho rằng tư duy ở trạng thái ban sơ cấu kết qua hình ảnh và ẩn dụ chỉ là trung gian, và khi nó thành khái niệm thì nó ở trạng thái cuối đã được bổ sung. Để hiểu rõ hơn, phái Duy Lý giải trình khoa học như thành phẩm trong cung cách lớp lang. Còn với Vico, ông ngụ ý một nền khoa học đang trên bước hoàn thành và giải trình nó theo trật tự những phát kiến. Những điều này, tuy thế, không được rõ ràng trong trước tác của ông như ta mong muốn.

Về Lịch Sử, cái do con người làm thành, Vico cho rằng đây thuộc thể loại hành động tất định có xác quyết. Ông cảm nhận sử gia rất có khả năng khám phá ra lề luật tổng quát về vận hành lịch sử, giải thích tại sao sự việc xẩy đến, cũng như dự đoán được chúng sẽ biến đổi ra sao một cách lường trước được. Về điểm này, ông không bảo mọi chi tiết được dự báo một cách máy móc, nhưng chỉ cho rằng trên bình diện rộng, nhiều chiều hướng có thể được ghi nhận. Với ông, chuyện con người như thủy triều lúc lên lúc xuống, và số phận của loài người cũng vận hành theo chu kỳ. Lý thuyết chu kỳ này có từ thời tiền-Socrares. Vico đề xuất lại nó dưới dạng những giai đoạn có định kỳ trong trí tuệ con người, vừa là tác giả kịch bản, vừa diễn xuất.

Từ cách thế vừa nêu lên, lý thuyết của Vico không hướng về quá khứ mà quay nhìn vào tương lai giống như lý thuyết lịch sử của Hegel. Đồng thời, phương pháp tiếp cận này tương hợp với những nghiên cứu duy nghiệm về lịch sử hơn là lý thuyết trật tự của phái Duy Lý. Lý thuyết về khế ước xã hội như Hobbes và Rousseau chủ trương là một biến dạng của phái Duy Lý, khá có tính máy móc (mechanical), và rất tính toán. Nó giả định rằng con người thình lình phát hiện ra mình có khả năng lý luận và tính toán, và từ cơ sở đó quyết đoán một cách thuần lý thế cách xây dựng một xã hội trên mặt lý thuyết. Ngược lại, Vico nhìn con người như thành viên trong một tổ chức xã hội phát triển tiệm tiến qua tích lũy truyền thống. Từng bước, những con người này cùng nhau tiến đến một cuốc sống cộng đồng đồng thuận.

Điều gì đúng cho một xã hội đều hầu như đúng với ngôn ngữ. Ngôn ngũ thành hình vì những hoạt động chung khi con người cần chia sẻ thông tin với đồng loại. Ở dạng sơ khai, ngôn ngữ là điệu bộ và cử chỉ. Khi phát triển, ngôn ngữ dần dần không còn trực tiếp chỉ định những vật thể và trở thành một mẫu hình âm ngữ có qui định. Ban đầu, ngôn ngữ là thơ. Dần dần sau này, nó trở thành khoa học. Nhà ngữ pháp xếp loại những nguyên tắc cho cấu trúc ngôn ngữ nhầm lẫn khi chấp thủ nguyên tắc Duy Lý và cho rằng ngôn ngữ là một kiến tạo tự do hình thành từ khả năng ý thức của con người. Chúng ta từng thấy ngôn ngữ triết học và khoa học là một sản phẩm muộn mằn của văn minh khi chúng ta thảo luận về triết lý thời cổ đại. Ở đấy, chúng ta thấy sự nhọc nhằn vật vã với ngôn ngữ thông tục để có thể định danh những cái mới. Điều này đưa tới nhận định một nguyên tắc thường hay bị quên lãng. Khởi đi từ một ngôn ngữ thông tục, một nhiệm vụ trong khoa học và triết học là rèn ra những dụng cụ ngôn từ mới để có thể xoay trở với những tìm tòi nghiên cứu những khái niệm mới. Đây cũng là một thông điệp của trường phái Descartes về những ý thể rõ rệt và tách phân được. Vico không thấy điều này, và có lẽ chính vì thế ông không nắm được triết lý Duy Lý trong khoa học luận.

Chúng ta có thể tiếp cận ngôn ngữ theo hai cách thế đối nghịch. Một là, theo Liebniz, ta coi ngôn ngữ như dạng thuần lý của tính toán (calculus), với những khái niệm rõ ràng và khác biệt, và những qui luật cho tính toán xác định rạch ròi. Hai là, theo Vico, ta coi ngôn ngữ như điều tự nhiên xuất phát từ nhu cầu thông tin, và bác bỏ mọi cố gắng hình thức hóa ngôn ngữ như những lệch lạc. Trên quan điểm này, cách nhìn lý trí với Lôgíc không cần, và tiêu chuẩn độc nhất mang lại ý nghĩa cho ngôn ngữ là thông lệ sữ dụng nó. Nhưng cả hai cách thế nói trên đều không thỏa đáng. Cách thế Duy Lý chỉ sai hướng một khai triển có bởi tùy vào mục tiêu nó nhằm đi tới, và cách thế kia thì phủ nhận điều nghiên hình thức (formalize) có khả năng khiến trí tuệ thoát được sự bưng bít qua sự phá bỏ những giới hạn chật hẹp của tầm nhìn thời đại. Ngoài điểm này, cách thế thứ hai vừa đề cập thường cho rằng những diễn ngôn đã thực là trong sáng, hoàn chỉnh và đạt yêu cầu, một cách nhận định hấp tấp và quá lạc quan.

Với tất cả những cách nhìn không chính thống về xã hội học, Vico vẫn là một người ngoan đạo Công giáo. Ông cố làm sao đưa được tôn giáo của thời ông vào hệ tư tưởng của mình. Làm thế được hay không là một vấn đề khác. Nhưng tính không mâu thuẫn không phải là một đặc thù của tư duy Vico, mặc dù, quan trọng hơn cả là ông lại ảnh hưởng khá sâu trong những triển khai triết lý ở thế kỷ 19. Trong xã hội học, Vico tách khỏi quan niệm thuần lý của một cộng đồng thịnh vượng lý tưởng, đề xuất phương pháp thực nghiệm nhằm suy giải làm sao một xã hội có thể lớn lên và phát triển. Về điểm này, phải nói ông là người tiên phong trong lý thuyết khảo cứu về nền văn minh nhân loại. Cuối cùng, tất cả đều liên quan chặt chẽ đến khái niệm cơ bản về tư duy của Vico: sự thật là hành động làm ra nó, hay trong ngôn ngữ Latinh, “verum factum”.


[1] Một trong hai thành phố lớn ở Đức, cách Berlin khoảng 200 cây số.

[2] Được biết như Hoàng Đế-mặt trời, trị vì nước Pháp và Navarre (xứ Basque) trong hơn 72 năm ròng.

[3] Phong trào Kitô ở Pháp, tiếp thu thần học theo Cornelius Jansen, người Hoà Lan chết năm 1638, nhấn mạnh tội tổ tông, sự sa đọa của con người, tính định mệnh và sự tối thiết của ơn Chúa. Phong trào này do Antoine Arnaud lãnh đạo từ 1643, bị nhiều dòng tu phản đối, nhất là những người trong dòng Tên.

[4] Nguyên lý này là một định luật vật lý được phát biểu chính xác vào thế kỷ 19, theo đó toàn bộ năng lượng trong một hệ thống kín là bất biến với thời gian.

[5] Nguyên lý dựa trên Toán tối ưu, áp dụng trong cơ học để tìm phương trình chuyển động của một hệ thống, dẫn đến công thức của Lagrange và của Hamilton trong cơ học cổ điển.

[6] Những tiến bộ vượt bực của khoa học tính toán thông tin cuối thế kỷ 20 là một minh chứng cho tầm nhìn tiên tri của Liebniz (Ng.d)

[7] Sorel (1847-1922) là triết gia Pháp, người để xướng Công đoàn Cách mạng, cổ vũ bạo động và đưa ra khái niệm quyền lực của huyền thoại.

[8] Dilthey (1833-1911) người Đức, là Sử gia, Tâm lý, Xã hội gia và Chuyên gia chú giải văn cổ, được phong Giáo Sư ở Đại Học Berlin . Ông chuyên về phương pháp luận khoa học, quam tâm đến sự kiện lịch sử và cách thế lịch sử như một khoa học, được coi như triết gia thiên về Thực nghiệm hơn là trào lưu Lý Tưởng ở Đức thời ông.

[9] Max Weber (1864-1920) là triết gia, quan tâm đến xã hội học và chính trị kinh tế, đã ảnh hưởng sâu rộng đến lý thuyết xã hội và nghiên cứu trong thế kỷ 20. Ông đề xuất lý thuyết xã hội học kinh qua những giải thích về ý nghĩa và mục tiêu mà cá nhân liên kết với hành động của mình. Ông được coi cùng với Emile Durkheim và Karl Marx như ba kiến trúc sư chính của khoa học nhân văn hiện đại.

[10] Werner Sombart (1863 – 1941) người Đức là kinh tế gia, thủ lãnh của trường phái Tân Lịch Sử, và là một trong những nhà tiên phong về nghiên cứu khoa học nhân văn trong những năm đầu thế kỷ 20.

Comments are closed.