Sức mạnh của làng Việt Nam

Jean Chesnaux, “Le corps social vietnamien: cohésion et tension”. L’Homme et la société, 1967, 5, pp. 47-56

Nguyên Ngọc trích dịch

Nhân những vấn đề nông thôn đang sôi nổi ở ta, xin trích giới thiệu một bài của nhà nghiên cứu Jean Chesnaux có thể gợi cho ta một số suy nghĩ.

Văn Việt

Couverture fascicule

Sự gắn kết xã hội đáng chú ý của nhân dân Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho sức sống, ý chí tồn tại mà nó đã chứng tỏ suốt lịch sử của mình, và đặc biệt là từ khi có những đội quân Pháp đến vào thế kỷ XIX. Sự gắn kết này có những gốc rễ lịch sử cổ xưa, cả ở cấp làng lẫn cấp Nhà nước.

Dưới nền quân chủ xưa, các công đồng làng, tức các “xã”, được đóng kín trong các lũy tre, sống cuộc sống riêng của họ. Ruộng đất công chiếm một phần quan trọng đất có thể canh tác. Xã được điều khiển bởi một hội đồng hương chức, là nơi ký thác quyền lực công, và theo phong tục có uy quyền lớn; xã có đền miếu riêng, ngôi đình riêng, những nghi lễ cúng bái riêng, những quy tắc và những phong tục tập quán riêng của mình. Những người bên ngoài, ngay cả những phái viên của chính quyền trung ương không được tự tiện vào làng. Sự cố kết của làng còn được củng cố bởi các quan hệ gia tộc: trong cộng đồng đóng kín này, mọi người ít nhiều đều hoặc là anh chị em họ hàng của nhau, hoặc anh chị em rể của nhau. Đúng là qua nhiều thế kỷ, cộng đồng sản xuất nông nghiệp xưa đã bị xóa mờ đi do việc chiếm hữu tư nhân ruộng đất; bên trong làng, đã xuất hiện những người giàu và những người nghèo, đã xuất hiện sự bóc lột bằng ruộng đất của những người này với những người khác, dưới hình thức địa tô, lao dịch, phu phen theo lối phong kiến đủ kiểu, làm lợi cho địa chủ và gây hại cho nông dân nghèo. Nhưng cái thứ chủ nghĩa phong kiến Việt Nam, còn kéo dài tới khi người Pháp đến, không có những tính chất cực đoan và tàn bạo của phong kiến Phổ hay Nga; dẫu sao địa chủ và nông dân vẫn sống cuộc sống như nhau trong nội bộ cộng đồng làng, ở đấy tình đoàn kết rất thực đã làm dịu nhẹ và khiến tình trạng bóc lột giai cấp có những độ đậm nhạt khác nhau.

Chính trạng thái liên hiệp những tế bào nhỏ làng xã nhỏ đó tạo nên tính thống nhất và sức gắn kết của nhân dân Việt Nam. Nhà xã hội học Paul Mus ghi nhận: “Ngay từ cội nguồn của quy hoạch nông nghiệp trên đất nước, làng Việt Nam, bằng chính sức chống chịu của nó, đã là một chánh điện không thể xâm phạm của quốc gia. Không phải vì nó đủ sức chống chọi đơn độc. Nhưng ta bắt gặp hình thế có tính quốc gia đó ở mọi nơi. Nó không tập trung ở bất cứ một chỗ nào để đối thủ có thế nắm lấy như chiếm một thủ đô, như đánh bại một triều đại, như khuất phục một triều đình […]. Trước hết mọi thứ, Việt Nam là một phương thức tồn tại và cư trú mà sức biểu hiện và bành trướng là làng, rồi đến sự sinh sôi nảy nở của những làng, và cuối cùng là một thảm đồng nhất những làng trồng lúa – giăng ngang xẻ dọc một khi đã chiếm được khắp đất nước mà nó cần đoạt giữ hoặc của thiên nhiên hoang dã, hoặc của những dân tộc khác”. Những kẻ xâm lăng xưa kia đã từng được nếm nghiệm khả năng sống sót ở cấp độ làng ấy của Việt Nam, rồi sau đó đến lượt người Pháp vào năm 1885, trong cuộc chinh phục chậm chạp và khó khăn vùng Bắc kỳ. Lần nữa lại đúng là như thế trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất 1946-1954. Nước Pháp nắm được Hà Nội, nhưng kiểm soát quân sự của họ dừng lại ở 8 km bên ngoài thành phố. Paul còn nhận xét: “Bị cắt mất ngọn và chỉ còn mạng lưới các làng, Việt Nam vẫn “giữ vững”, dễ dàng hơn, bởi cơ cấu lịch sử nền tảng của nó”.

Cũng là căn bản như đã thấy ở thực tế làng xã, sức cố kết của Việt Nam truyền thống còn được biểu hiện ở một cấp độ thứ hai, cấp độ Nhà nước quân chủ. Nhà nước quân chủ đó được xây dựng theo mô hình Trung Hoa, nghĩa là theo các nguyên lý Khổng giáo. Nhà vua, là Thiên tử, là người đứng đầu hệ thống quan liêu công, đứng đầu hệ thống chuyên chính Nhà nước và bộ máy bóc lột nông dân. Nhưng ông cũng đồng thời là biểu tượng và hiện thân của toàn thể cộng đồng Việt Nam, ông nhận lĩnh “Thiên mệnh”; chính qua trung gian của ông trật tự của thiên nhiên và trật tự xã hội mới được hòa hợp. Ông chịu trách nhiệm về sự vững chắc của hệ thống đê điều và kênh rạch. Hằng năm ông thực hành nghi lễ cày luống đầu tiên vào mùa xuân, là biểu hiện cầu phúc từ các thế lực của tự nhiên. Kiểu nhà nước truyền thống Việt Nam đó, cũng giống mẫu hình Trung Hoa, nối dài cấu trúc xã hội gọi là “kiểu thức sản xuất châu Á”, được thiết lập trên tính nhị nguyên của những cộng đồng làng sản xuất, và “cộng đồng bên trên”, theo công thức của Marx.

Tính nhị nguyên đó, chiếm ưu thế suốt lịch sử Việt Nam kể từ khi khôi phục lại được nền độc lập vào thế kỷ thứ X, cho đến khi những người thực dân Pháp đến, giải thích vì sao Việt Nam giữ được cùng lúc cả sức mạnh lẫn sự mền dẻo của mình trong suốt cuộc Nam tiến chậm chạp, dọc theo bờ biển. “Dòng chảy của các đồng ruộng” thường được nhắc đến đã phát triển càng dễ dàng, với những làng mới được khai hoang hay chiếm được ở những vùng đất mới sáp nhập một cách tự nhiên vào một hệ thống vừa bao gộp tất cả vừa rất dễ chuyển động.

Những truyền thống gắn kết đó, cả ở cấp làng lẫn ở cấp cộng đồng quốc gia, đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm tính người Việt và trong tinh thần của công chúng Việt Nam, dù nó đã thuộc về một quá khứ xa xưa, và cả khi sự gắn kết xã hội ngày xưa đã được thay thế bằng một tình trạng phân cực tương đối của xã hội thành những giai cấp đối nghịch.

Nguồn: https://www.persee.fr/doc/homso_0018-4306_1967_num_5_1_3690

Comments are closed.