Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 18)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

15/9/1987

65 Nguyễn Du, hội trường tầng 3.

Câu lạc bộ phê bình (Lớp lý luận phê bình trẻ). Thảo luận về phê bình.

PHAN CỰ ĐỆ (nêu vấn đề thảo luận trong tháng 10 tới)

I. Những thành tựu của phê bình

Đánh giá của Đại hội Đảng 4 đối với văn học 30 năm cũng là đánh giá phê bình.

1/ Đấu tranh tư tưởng trong văn học

– phê “vị nghệ thuật” (1936-1939)

– phê trotkyst (những năm 1940-1946)

– chống Nhân văn – Giai phẩm (1956-1958)

– chống chủ nghĩa xét lại, “hiện thực không bờ bến” của Garaudy (1964-1965)

– chống ảnh hưởng văn nghệ Maoism (1979-1980)

2/ Thành tựu

– Lý luận: xây dựng một nền lý luận tương đối hệ thống về mỹ học Marxism.

– Phê bình: biểu dương kịp thời những tác phẩm tương đối tốt từng thời kỳ.

– Nghiên cứu: những công trình tổng kết văn học dân tộc từng thời kỳ quá khứ, hiện đại.

3/ Những khuyết điểm cần vượt qua

(phân biệt khuyết điểm từng người, từng tạp chí, của cả đội ngũ)

– Những ấu trĩ, sơ lược trong chống Pháp:

+ đồng nhất điển hình xã hội và điển hình nghệ thuật

+ cho “chưa có văn nghệ hiện thực XHCN khi chưa có thực tế XHCN”

+ chia văn nghệ thành hiện thực >< phản hiện thực.

– Ảnh hưởng Maoism: xã hội học dung tục, xét thành phần giai cấp nhân vật

– Không thấy đặc trưng văn học: cho thực tế là vùng này kia cụ thể

– Có khi nhầm ý kiến lãnh đạo với các phát biểu riêng

– Lẫn đánh giá tác phẩm: khi lãnh đạo phát biểu đánh giá tác phẩm không chính xác thì không có nhà phê bình nói lại.

Hiện tượng phê bình quyền uy là có thật, nhưng không nên coi “phê bình quyền uy” và “phê bình xu phụ” (11) như hai xu hướng tuyệt đối. Hoàng Văn Hoan gọi Vũ Trọng Phụng là trotkyst chống cộng, bài gửi đến T.C.V.H., Đặng Thai Mai không đăng; có đ/c trong Bộ Chính trị gọi Truyện Kiều là hiện thực phê phán, các cán bộ nghiên cứu và Hoàng Xuân Nhị nói lại, đồng chí kia rút nhận định.

– Hiện tượng “đánh dứt điểm”, quy chụp nặng nề (Đống rác cũ, Mười năm, Những người thợ mỏ, thơ Huyền Kiêu, Sương tan…) này đang được nói lại.

II. Mạnh yếu của phương pháp luận

– Khuynh hướng nghiên cứu lịch sử xã hội được hoàn thiện

– Chưa chú ý cấu trúc bên trong, đặc điểm nghệ thuật, văn bản nghệ thuật, ngôn ngữ phong cách tác giả.

– Xung quanh việc vận dụng phương pháp loại hình

III. Đổi mới tư duy trong nghiên cứu phê bình

1. a/ Yếu lý luận để tổng kết quá khứ và hiện tại, mô tả, phê bình cảm tính, ấn tượng.

b/ Rơi rớt phong kiến trong tư duy: “Văn dĩ tải đạo”. Rơi rớt tiểu tư sản: các thứ quyết định luận (determinisme), các phương pháp luận của các trường phái tư sản.

Đặc điểm ta: tư duy nhỏ của người tiểu sản xuất.

2. Nghĩa của đổi mới tư duy trong Nghị quyết Đại hội 6:

– Phát huy sức mạnh của việc tổng kết

– Đúc kết quan niệm văn học của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng

– Đúc kết thành tựu thể loại

– Tiếp thu lý luận hiện đại

– Mở dư luận dân chủ, bình đẳng

– Tránh thái độ bảo thủ, nhưng tránh mạt sát phủ định quá khứ.

IV. Đội ngũ

– Người phê bình trước cách mạng chuyển qua: ít quá

– Một số từ tuyên huấn chuyển qua: dấu tuyên huấn

– Một số từ nhà trường: dễ công thức, sơ lược

LÃ NGUYÊN (La Khắc Hòa): Với phê bình hiện đại, quan trọng là ở chỗ tạo ra tình huống văn học. Nghiên cứu công, tội của phê bình các thời kỳ, phải đặt vào tình huống văn học, ở chỗ nó tạo ra tình huống văn học.

1930-1975: Phê bình tạo được tình huống; 1975 đến nay: tình huống văn học có đổi, nhưng phê bình chưa tạo ra được tình huống văn học.

Phê bình còn “cũ”, những chuẩn định giá mỹ học cũ, ngay khi thực tế sáng tác đã bay ra khỏi các chuẩn ấy rồi.

TRẦN ĐÌNH SỬ: Ta đứng trước vấn đề thời kỳ phát triển đổi mới. Vấn đề là có đổi mới hay không. Cần một thang giá trị mới, một cách lý luận mới. Vấn đề là phê bình đã có thành tựu, nhưng lối phê bình đó trùm ngập ta. Vấn đề là phải thoát ra. Dân chủ hóa là nhu cầu xã hội. Nói lờ mờ “lá lành đùm lá rách” thì coi nhẹ cải tổ, phát triển.

21/9/1987

Tại báo Văn nghệ:

PHAN HỒNG GIANG thuyết trình về cải tổ ở Liên Xô.

– Tính chất: + Gắn cải tổ với dân chủ hóa

+ Công khai

– Đổi mới: + Đổi mới quan niệm về CNXH

+ Đổi mới về cán bộ

+ Đổi mới về phong cách làm việc

+ Đổi mới về cơ chế

Về văn hóa: khuyết điểm

1/ coi nhẹ văn hóa trong thời gian dài

2/ không thấy hết đặc trưng, đặc thù văn hóa văn nghệ, có thái độ thực dụng, ví dụ chỉ đạo về đề tài

3/ lạm dụng các biện pháp áp đặt, cấm đoán

4/ không trao quyền cho các đơn vị, cơ sở văn hóa văn nghệ, tạo không khí cho bọn xu nịnh, bất tài; khiến cho người có nhân cách khó sống.

5/ các cơ quan chịu trách nhiệm quá phân tán, xé lẻ

6/ chú ý số lượng bề mặt, không chú ý chất lượng

7/ không chú ý bồi dưỡng lực lượng trẻ

8/ coi thường giá trị quá khứ, để di tích văn hóa đổ nát

– Điều chỉnh quan niệm văn hóa-văn nghệ

– Những biện pháp và cơ chế.

9/10/1987

Giao ban chiều thứ sáu hàng tuần tại báo Văn nghệ.

Sau sự kiện Tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh triệu tập cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ trong 2 ngày 7 – 8/10/1987:

– Báo sẽ phản ánh sự kiện này.

– Triển khai các vấn đề lý luận mới của Nghị quyết TW 05 (theo Từ Sơn):

+ quan hệ văn nghệ – chính trị

+ tính nhân bản (nhân loại) của văn nghệ

+ tính dự báo của văn nghệ

+ vấn đề tài năng, vấn đề chính sách với văn nghệ (bác bỏ quan niệm văn nghệ đại chúng; văn nghệ là tài năng, là đỉnh cao) (trong truyền thống có cái hay, có cái không hay).

27/10/1987

Tại thành phố Nam Định: Lễ kỷ niệm 70 năm sinh Nam Cao

– Bùi Thế Bình, Phó bí thư tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm, đọc khai mạc.

– Chu Văn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Nam Ninh đọc diễn văn kỷ niệm.

– Đinh Gia Huấn, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu, kể chuyện chuyến đi địch hậu và hy sinh của Nam Cao.

– Nguyễn Khải (Hội Nhà văn Việt Nam) phát biểu.

30/10/1987

Tại Hội văn nghệ Hà Nội

Gặp mặt hội viên nhà văn hiện ở Hà Nội.

Bằng Việt: khai mạc

Nguyễn Khải: (thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam) phát biểu

Các phát biểu: Như Trang, Thiếu Mai, Vũ Bão.

VŨ BÃO: Tôi là người bị đánh, bị trói, nhưng không chịu trói. Sắp cưới bị cấm, tôi viết ký tên khác: Tạ Văn Dung −> Ta Vẫn Đúng. Bị nạn, nhưng chỗ nào cũng có người cứu.

31/10/1987

Trao đổi giữa Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, La Khắc Hòa về các phạm trù: ý thức nghệ thuật, tính đảng.

6/11/1987

Tại báo Văn nghệ.

Một số hướng triển khai bài vở

– Từ những sáng tác khá (truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Thời xa vắng, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương) −> nêu sự đổi mới.

– Một số nhà văn viết “cũ” tự phê.

– v.v.

19/11/1987

65 Nguyễn Du, hội trường tầng 3.

Câu lạc bộ phê bình

Hai giáo sư Pháp:

– Sự “sống lại” của di sản 2 tác giả đầu thế kỷ: M. Proust, F. Celine.

– Những khuynh hướng trong khoa học nhân văn: R. Barthes, Clause-Levi Strauss.

– Phê bình Pháp những năm 1960-80.


(11) Chỗ này nhắc đến sự nhận xét về phê bình văn nghệ thời bao cấp trong bài “Mấy ý kiến về phê bình văn học” của Lại Nguyên Ân (Quân đội nhân dân, 11. 7. 1987), sẽ dẫn tới cuộc thảo luận trên tạp chí “Văn nghệ quân đội” 1987-88.

Comments are closed.