Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 26)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

Chiều 24/8/1988

Tiếp tục thảo luận tại Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương Đảng

LẠI NGUYÊN ÂN (nói, không ghi lại)

NGUYÊN NGỌC: – Hơn nửa năm qua, Nghị quyết 05 đã đi vào đời sống.

– Người ta nói những lệch lạc: video, thương mại sách. Nhưng những cái ấy không liên quan đến văn nghệ sĩ.

Nghệ sĩ có biến đổi: nghệ sĩ tham gia các vấn đề đời sống… Văn nghệ đang dần dần trở lại văn nghệ thực.

Ví dụ sự xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng rất đáng chú ý. Không chỉ là nhà văn viết những đề tài gắn với chính trị như chúng tôi mà còn là cái gì khác nữa, ta còn khó gọi tên. Ta có những hiện tượng như Phạm Thị Hoài. Thuộc một kiểu người viết khác, ta chưa hiểu. Tôi đọc truyện Thông lộ của Phạm Thị Hoài, tưởng thông lệ, sau được giải thích: truyện nói về sự giao tiếp của con người.

Văn học đang mở ra.

Video là có, nhưng không liên quan đến văn nghệ sĩ. Trong khi sách vụ án và chuyện vụ án trên báo Công an đầy tội ác và bạo lực, và làm tiền nữa.

Vấn đề lãnh đạo văn nghệ. Ta cố tìm cái lõi của vấn đề. Cái lõi theo tôi là quan hệ giữa quản lỷ và tự do sáng tác. Tự do sáng tác liên quan đến bản chất của sáng tạo. Sáng tạo bản chất là tự do. Nghịch lý là quản lý thế nào để phát huy được tự do. Sáng tạo là unical, đơn nhất. Vấn đề can thiệp là không thể can thiệp. Sáng tạo có phần tiềm thức, có phần ý thức, có khi như nhập đồng.

Đảng tác động toàn diện để tác động vào văn nghệ sĩ. Quyền lực can thiệp có thể tạo ra tác phẩm dở chứ không phải tác phẩm hay. Tác phẩm chỉ đúng thôi thì vô nghĩa.

Vấn đề là tạo không khí, tạo climat social [= không khí xã hội]. Vì sao gần đây anh em viết hay hơn? Vì đã có bầu không khí đó. Vấn đề là bồi dưỡng tư cách và dũng khí của nghệ sĩ trước xã hội để họ dám làm hơn.

Nghệ thuật dự báo chứ không phải chép lại hiện thực. Tôi nghĩ quan điểm Lenin là như vậy. Trước động đất có những hiện tượng sinh vật, tự nhiên… Nghệ sĩ tương tự như vậy.

– Công chúng có khả năng tự đánh giá tác phẩm. Tác phẩm sẽ bị mất nếu không có thái độ, không có phản xạ của công chúng.

CHU VĂN: Cần phổ biến Nghị quyết 05 đến tận các cấp ủy (đọc bài viết sẵn).

VŨ TÚ NAM: Tôi là một trong số những người vừa chịu sự quản lý và bản thân cũng là người quản lý.

– Công thức “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” cũng phải được định nghĩa.

Văn nghệ là lĩnh vực ai cũng có ý kiến được. Thậm chí không phải Đảng lãnh đạo mà ngay cả cá nhân “tôi” cũng lãnh đạo.

– Phân biệt cấp ủy và các cơ quan thực hiện là như thế nào? Cũng là cơ quan chức năng của Đảng nhưng chức năng ra sao?

Tôi đồng ý các ý kiến: lãnh đạo của Đảng với văn nghệ chủ yếu là phát huy dân chủ, là để nó phát triển chứ không phải là gác. Con đường của nó lớn, mục tiêu rõ, nhưng người ta theo nhiều cách khác nhau tới đích (vừa đi vừa cười, hoặc khóc, mếu, chửi… nhưng cùng tới đích). Dân chủ hóa trong văn nghệ cũng như trong kinh tế phải tạo ra hiệu quả, nếu không thì phải xem lại. Văn nghệ phải chú trọng chất lượng. Cũng không thể xem bất cứ cái gì mới xuất hiện là hay như anh Ngọc nói. Nó phải hay, nếu không thỉ không có nghĩa.

Lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải làm sao cho khỏi chồng chéo. Ví dụ với xuất bản: từ Tuyên huấn TW, Ban văn hóa văn nghệ, Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Hội Nhà Văn, Bộ Tài chính, Cục xuất bản, A.25, v.v. Ví dụ Sở Văn hóa Sông Bé vừa có công văn cấm Cô gái thành Rôm của A. Moravia (bản dịch, Nhà xuất bản Tác phẩm mới). Hội Nhà Văn có lúc có Đảng đoàn, có lúc không. Ban Thư ký bây giờ có làm công tác Đảng không? Vậy phải bàn chức năng từng cấp, từng bộ phận. Trong lãnh đạo, Đảng có rất nhiều tổ chức, nhưng có khi rất tùy tiện. Sự hiểu biết văn nghệ không đầy đủ. Hình như nhiều tính chất tản mạn, không nhất trí, chưa kể lý do cá nhân, địa phương, yêu ghét.

Trong công tác văn nghệ, công việc tổng kết dài hơi ít. Lãnh đạo từng thời kỳ thay đổi. Có những bộ phận chuyên theo dõi, nhưng làm không đầy đủ, nghiêm túc. Ví dụ đã đến lúc phải xem lại những vụ việc trong văn nghệ, rút kinh nghiệm trước hết trong nội bộ Đảng. Vấn đề không phải là minh oan, công tội… mà là tổng kết kinh nghiệm. Lý do là tổ chức không có sự kế tục lâu dài. Lại có lý do cá nhân: người sau thay thế phủ nhận người trước.

Đánh giá văn học hiện nay, thời gian qua có đổi mới, không phải như có anh Phạm Xuân Nguyên viết: có đổi mà không mới. Nó làm xã hội quan tâm, quan tâm tức là khen và chê, nhưng không bị ở bên rìa.

Nhưng nếu không có tổng kết nghiêm túc sẽ dễ lặp lại khuyết điểm cũ: một chiều. Không nên một chiều. Không phải để hai chiều mà không kết luận, nhưng nếu không cẩn thận lại rơi vào quy chụp, võ đoán. Lại có những chuyện phi văn học, võ đoán xen vào, cả ẩn ý phía sau bài viết, không có lợi cho không khí dân chủ, tạo điều kiện cho sự nhất trí.

Tôi đồng ý: trong Đảng nên rút kinh nghiệm để có quy chế lãnh đạo từ Trung ương xuống tỉnh. Phải có luật nhà nước.

Về sáng tác, tôi nói thêm vào ý kiến anh Nguyên Ngọc: khuynh hướng thương mại không phải không ảnh hưởng đến văn học, nhưng chỉ một bộ phận, còn lại những anh em tâm huyết với văn học thì không. Về sách vụ án, tôi có đọc, thấy bản thân sách vụ án không có tội. Có cái có ích, nói tư liệu công an, nhưng không phải văn học. Loại 2 là những nhà văn tài năng viết thành truyện tâm lý xã hội, có tác dụng lớn hơn. Mình chưa có loại này. Ví dụ Câu lạc bộ chính khách, Ông cố vấn. Loại 3: nhân danh vụ án để viết khiêu dâm. Khuynh hướng thương mại lớn đến mức một cuốn nhuận bút 7 chỉ vàng. Sức hấp dẫn về tiền dữ dội lắm. Bây giờ có công thức mới: tiểu thuyết tình nhưng đệm chuyện làm tình giật gân cộng với chống tiêu cực: có ông giám đốc hoặc phó giám đốc tiêu cực, có chuyện đấu tranh và cuối cùng thắng lợi. Một số anh em viết sung sức cũng bị cuốn vào thương mại. Cũng là một kiểu uốn cong ngòi bút. Cái hại là những sách ấy ngốn rất nhiều giấy. Mà giấy bây giờ rất căng thẳng. Một trong những nguyên nhân là nhà nước không quản lý được giấy, giấy bị hút vào loại sách mà Tp. HCM. gọi là sách đen… Không thể nói được là tất cả giấy đều in văn học chân chính. Cũng không thể nói mảng thơ in là văn học chân chính. Nếu công nhận nhiều thành phần kinh tế thì cũng phải công nhận nhu cầu các món ăn tinh thần khác nhau. Thương mại là thế nào? Thơ in là sách. Xét theo kinh tế nó chỉ là một hàng hóa. Các khâu giấy, in, phát hành đều có vấn đề. Phát hành rất thành vấn đề, bị thả nổi. Chế độ nhuận bút nếu tăng cũng không có nghĩa nếu không có giấy. Nhiều anh em nói phải báo động về giấy.

LÊ XUÂN VŨ: Tình hình khó khăn chung […]

Nghe anh Trần Quốc Vượng dường như vấn đề Đảng lãnh đạo không thành vấn đề. Nhưng không phải như thế, vì phải trả lời những vấn đề: bây giờ có cần Đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ không? Có thể lãnh đạo được không?

Nói như anh Đặng Nhật Minh, nếu nhà văn đối diện trang giấy một mình thì can thiệp không được. Thời ấu trĩ bắt chữa câu này câu nọ −> không nên lặp lại. Nhưng giai đoạn tác phẩm ra đời, là sản phẩm xã hội, lại để tự do phê bình, lại có thể cứ để ý kiến đúng sai mà không xử chăng? Ở Liên Xô người ta đang muốn nói văn học Nga cao hơn văn học Xô-viết. Từ lý luận ấy có vẻ Đảng không lãnh đạo được. Từ lý luận về xung đột giữa hai bá quyền mà anh Ân nêu, với tác phẩm của nhà văn lớn, Đảng không thể hiểu được. Vậy có cần lãnh đạo không? Có lãnh đạo được không?

– Có ý kiến không nên can thiệp vào sáng tác, không nên bắt sửa, −> vậy không nên lãnh đạo?

– Anh Lê Ngọc Trà nói 40 năm văn học nghèo nàn, −> phát triển quá rộng ý đ/c Nguyễn Văn Linh.

– Anh Nguyên Ngọc nói vừa rồi, phản ánh là thuộc tính, không phải nhiệm vụ văn nghệ.

– Anh Mai Ngữ bảo phê bình thời qua là phê bình Gia-ve. (29)

– anh Lại Nguyên Ân tóm gọn phê bình thời quan gồm “phê bình quyền uy” và “phê bình xu phụ”.

Các ý kiến này đều tìm cách hạ thấp văn học cách mạng. Cứ cho rằng văn học của ta còn nhiều yếu kém. Nhưng ta không đủ tin vào văn học ta chăng?

Đúng là phải phê bình kịch liệt những biểu hiện thiếu dân chủ. Nhưng phải thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, phải chỉ ra những mặt được của văn nghệ cách mạng.

– Về bài Nguyễn Thanh Hà: (30) chẳng có gì liên quan nhau gì cả.

– Chúng ta là những người hành động, phải biết trong hoàn cảnh nào mình viết? Những tờ báo Việt kiều đang phản ánh rất mạnh những bối rối trong văn nghệ ta. Không phải ở văn nghệ ta không có những việc đặt lại những vấn đề tày đình, ví dụ cả chống Mỹ cứu nước…

Ta bàn là bàn sự lãnh đạo của Đảng hiện nay phải quan tâm những vấn đề ấy. Ta buồn cho văn nghệ tác động chưa nhiều. Nhưng nên xem Lenin nói về vấn đề Đảng lãnh đạo văn nghệ như thế nào.

– Đổi mới là quá trình. Ta nôn nóng đốt cháy giai đoạn. Không được.

– Phải phê phán với tư cách người trong cuộc. Nhân dân có ý kiến: các anh bày các tiêu cực ra nhiều khi với tư cách người đứng ngoài.

– Về nội dung lãnh đạo, còn nhiều vấn đề. Nhưng có vấn đề phê và tự phê bình. Công tác lý luận phê bình như thế nào, hệ thống cơ chế như thế nào, phê bình là gì? Cảm giác của tôi: phê bình hiện giờ không bình đẳng. Thường là tự do thảo luận công khai, nhưng những người có ý kiến khác đã được nói hết chưa? Anh Nguyễn Đình Thi phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm báo Văn nghệ đã nói: tôi gặp một số anh em trong giới văn nghệ, họ bảo có gửi bài đến nhưng không đăng. Tôi cũng được nghe chuyện tại sao không ký tên thật? Có một ông bằng xương bằng thịt, nhưng ông ấy thích ký bút danh. Nhưng đấy là việc của người ta.

Về nội dung các bài đăng ra trên Tạp chí Cộng sản, có gì sai các anh cứ nêu ra cho.

Văn hóa tranh luận = nói trung thực, cương trực. Việc tranh luận, Đảng phải uốn nắn. Ta cùng tìm ra chân lý, không nên khinh miệt “Anh ấy mà cũng đòi đổi mới à?”.


(29) Gia-ve (Javert): một nhân vật trong bộ truyện Những người khốn khổ của nhà văn Pháp Victor Hugo, nhân vật này chuyên theo dõi, tố giác nhân vật chính Jean Valjean.

(30) Chỗ này nhắc đến một bài báo đăng trên “Tạp chí Cộng sản” ký tên Nguyễn Thanh Hà mà dư luận cho là một cách nói không đường hoàng (vì tác giả dường như ký một bút danh chứ không ký họ tên thật) nhằm ủng hộ ông Hà Xuân Trường trong các cuộc thảo luận, tranh luận về văn nghệ đương thời. Diễn giả Lê Xuân Vũ lúc này là người phụ trách ban văn nghệ của “Tạp chí Cộng sản” .

Comments are closed.