Ảo tưởng tự do

Inrasara

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn trả lời phỏng vấn: "Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi… Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn" (báo Thể thao & Văn hóa, ngày 8-2-2011).

"Bây giờ người viết hoàn toàn tự do” là thứ ảo tưởng tự đánh lừa.

"Tự do" của đại bộ phận nhà văn Việt Nam hôm nay là tự do viết về đủ thứ chuyện, thử nghiệm mọi thủ pháp, mọi hệ mĩ học, đổi mới với cách tân, hậu hiện đại với trình diễn đủ cả khiến không ít người mang ảo tưởng tệ hại về tự do văn học – ảo tưởng cả ở bộ phận cây bút được cho là cấp tiến. Chỉ trong vùng tối sáng nhập nhằng kia thôi, sến với tục tĩu lên ngôi và làm mưa làm gió.

Khốn khổ thay, ta được tự do tất, ngoại trừ phơi bày cái sự thật thực nhất của hiện trạng xã hội diễn ra ngày qua ngày, quanh ta.

Viết tự do luôn đi với in ấn và phát hành tự do, thảo luận tự do, phê bình tự do, giảng dạy tự do. Nhà văn Việt Nam hoàn toàn tự do đăng sáng tác của mình lên mạng, đủ loại mạng văn học mở ra khắp nơi, cả blog cá nhân hay vài năm qua là facebook – không sai. Nhưng đâu là không gian tự do thực cho độc giả giáp mặt trực tiếp với tác giả và tác phẩm như là chất kích thích cho sự phát triển của một nền văn học đích thực?

Chuyện đã qua thì nên cho qua, phiền là lối nghĩ độc hại này vẫn tạo ảo tưởng cho không ít nhà văn Việt Nam, rằng ta hoàn toàn tự do. Không có tự do sáng tạo, văn học bị thương đã đành; không tự do mà ta ảo tưởng là đã, thì chỉ có chết.

Cứ nhìn vào sinh hoạt văn học mươi năm qua cũng đủ thấy. Thiếu vắng tự do đã đành, mà ngay diễn đàn cho tự do tranh luận cũng không.

Việt Nam chưa có diễn đàn tranh luận đúng nghĩa. Tranh luận vụn vặt dễ biến thành tranh cãi, đẩy tới thành cãi cọ, cả chửi bới cũng không chừa. Năm ngoái, bài thơ “chửi mất gà” đoạt giải báo Văn nghệ một thời làm “xôn xao dư luận”, đó lại là xôn xao giả. Không có một “trung tâm” điều tiết, càng không có tay cầm chịch uy tín điều hướng, nỗi tranh luận kia trở thành vô bổ.

Không có tự do thì không có văn học đúng nghĩa.

Với cuộc chơi văn chương chữ nghĩa, chỉ có tài năng lớn cộng với dũng cảm lớn trong môi trường tự do đích thực mới hạ sinh tác phẩm lớn.

Nhà văn Việt Nam đã hoàn toàn tự do "bay", tự do "uống" và tự do lên… đường về nô lệ.

Comments are closed.