Ba bài học từ quá trình dân chủ hóa tại Đài Loan

Rất gần gũi với Việt Nam.

Y Chan

Ảnh bìa sách: Amazon. Ảnh nền: Rovin Ferrer/ Unsplash. Đồ hoạ: Luật Khoa.

Có rất nhiều yếu tố biến Đài Loan trở thành một thỏi nam châm thu hút vô số học giả, và là đề tài cho các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới.

Đó là một nước hiếm hoi có quá trình chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ một cách hoàn toàn hòa bình, dù không hề thiếu gian truân và kịch liệt.

Là một nền dân chủ non trẻ, chỉ mới hơn 30 năm, nhưng Đài Loan nhanh chóng xác lập vị thế là một trong những thể chế dân chủ ổn định và vững mạnh nhất thế giới. [1]

Sự tồn tại của Đài Loan càng đáng chú ý hơn trước mối đe dọa thường trực suốt hàng chục năm qua từ Trung Quốc, một hình mẫu theo đuổi các giá trị hoàn toàn ngược lại.

Tìm hiểu về nền dân chủ của Đài Loan, đặc biệt là quá trình chuyển đổi của họ, luôn đem lại những bài học đáng giá, nhất là cho những nước như Việt Nam.

Quyển sách “Democratizing Taiwan” (Dân chủ hóa Đài Loan) của tác giả J. Bruce Jacobs là một trong những nguồn tham khảo có giá trị, cho cả những người mới bắt đầu lẫn những ai đã sành sỏi về đảo quốc này. [2]

J. Bruce Jacobs, học giả người Úc sinh ra tại Mỹ, được xem là một người khổng lồ trong lĩnh vực nghiên cứu về Đài Loan. [3] Ông từng nhận được các huân chương cấp cao nhất của nhà nước Đài Loan và Úc dành cho công dân có cống hiến xuất sắc. Ông qua đời vào năm 2019.

Không chỉ là một nhà nghiên cứu và quan sát về Đài Loan, bản thân Jacobs cũng trở thành một phần lịch sử nước này. Ông là người trong cuộc của một số sự kiện bước ngoặt trong quá trình dân chủ hóa Đài Loan.

“Democratizing Taiwan” được xuất bản cách đây đã 10 năm, nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị tham khảo. Cuốn sách thậm chí còn có quá nhiều thông tin chi tiết mà chỉ những ai đặc biệt lưu tâm và theo dõi lịch sử chính trường Đài Loan mới thẩm thấu hết.

Các đối tượng độc giả khác nhau sẽ rút ra được một số điều riêng biệt từ công trình nghiên cứu và tổng hợp công phu này.

Với phần lớn độc giả Việt Nam, có ba bài học gần gũi đáng được nhắc đến.

Cùng dòng máu vẫn có thể là thực dân ngoại xâm

Bài học thứ nhất là việc tác giả dùng từ “chế độ thực dân” (colonial regime) để nói về hệ thống cai trị của Quốc Dân Đảng tại Đài Loan trước khi tình trạng thiết quân luật được bãi bỏ năm 1987.

Nhiều nhà nghiên cứu về Đài Loan nhận định lịch sử của Đài Loan là lịch sử của một vùng đất thuộc địa bị những kẻ ngoại xâm cai trị.

Từ thế kỷ 17, người bản địa Đài Loan lần lượt trải qua các chế độ thực dân của Hà Lan, Tây Ban Nha, gia tộc Trịnh Thành Công, triều đình Mãn Thanh, và sau đó là đế quốc Nhật Bản.

Năm 1945, sau khi kết thúc Thế Chiến II, Đài Loan quay về dưới sự kiểm soát của Trung Quốc – lúc này có tên gọi là Trung Hoa Dân Quốc, do Quốc Dân Đảng nắm quyền. Và năm 1949, sau khi thất trận ở đại lục, toàn bộ chính quyền Quốc Dân Đảng rút lui về Đài Loan để bảo toàn lực lượng.

Vào lúc này, phần lớn người Đài Loan đều có gốc Hoa do các đợt di cư từ ba thế kỷ trước. Cùng dòng máu, nên với người ngoài, ít ai nghĩ chế độ của Quốc Dân Đảng là thực dân hay sự tiếp nối lịch sử ngoại xâm của Đài.

Tuy nhiên, với nhiều dẫn chứng cụ thể, Jacobs chỉ ra chế độ của Quốc Dân Đảng tại Đài Loan có đầy đủ tính chất của một chế độ thực dân ngoại xâm.

Nó được xây dựng để phục vụ và bảo toàn quyền lực cho một nhóm thiểu số người đại lục (mainlander), những người Trung Quốc qua Đài Loan sau năm 1945, vốn chỉ chiếm chưa tới 15% dân số Đài Loan vào thời điểm trên.

Chính quyền Quốc Dân Đảng áp đặt một căn tính chung, dựa trên nhóm thiểu số đó, lên toàn bộ người dân Đài Loan, gốc Hoa lẫn bản địa. Nó phục vụ cho tham vọng quyền lực riêng của Quốc Dân Đảng, và tạo ra một cơn khủng hoảng căn tính dân tộc cho Đài Loan tới tận ngày nay.

Ngoài ra, giống như nhiều chế độ thực dân ngoại xâm khác, chính quyền Quốc Dân Đảng không e ngại dùng vũ lực để đàn áp đẫm máu những ai dám thách thức quyền lực độc tôn của họ.

Tác giả dẫn lại một câu nói được cho là cảm nhận của nhiều người Đài Loan vào thời điểm Quốc Dân Đảng vừa sang nắm quyền thay cho Nhật Bản: bọn chó (Nhật) đã tệ, bọn heo (Trung Quốc) còn tệ hơn.

Cởi trói không đồng nghĩa với dân chủ

Ngay chương đầu của sách, J. Bruce Jacobs đã đặt vấn đề về sự khác biệt giữa hai khái niệm “tự do hóa” (liberalization) và “dân chủ hóa” (democratization).

Theo Jacobs, các chính quyền độc tài trong một số trường hợp thực thi những chính sách cơi nới các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Họ thậm chí có thể cho phép các chính trị gia độc lập lẫn đối lập tham gia tranh cử. Nhưng mấu chốt là họ không bao giờ từ bỏ quyền lực tối thượng (ultimate control).

Những chính sách này được xem là “tự do hóa”, không phải “dân chủ hóa”.

Từ đầu thập niên 1970, Đài Loan đã trải qua ít nhất hai làn sóng tự do hóa. Tuy nhiên, dưới sự cầm quyền của Tưởng Giới Thạch và sau đó là con trai Tưởng Kinh Quốc, không có lực lượng nào được phép thách thức vai trò độc tôn của Quốc Dân Đảng.

Tác giả đề xuất một cách dịch khác của “liberalization”, phù hợp hơn với trường hợp của Đài Loan, đó là “cởi trói dần” (鬆綁化 – loosening restrictions).

Dưới góc độ này, Jacobs nhận định rằng Tưởng Kinh Quốc, dù được khen ngợi khi thực thi các chính sách cởi trói cho xã hội Đài Loan vào những năm cuối đời, vẫn không phải là nhân tố quyết định cho nền dân chủ của Đài Loan (vai trò đó thuộc về Lý Đăng Huy, người kế nhiệm sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời năm 1988).

Những thông tin về bối cảnh của Đài Loan trong sách sẽ giải thích vì sao tự do hóa/ cởi trói dần là không đủ và không thể giải quyết các vấn đề nhức nhối của xã hội nước này.

Dân chủ đầy khiếm khuyết, nhưng ai cũng có cơ hội công bằng

Những chính sách cởi trói vào cuối thập niên 1980 là tiền đề để Đài Loan có thể tiến hành dân chủ hóa một cách trọn vẹn và hòa bình, không đổ máu.

Nhưng dân chủ không phải là phần thưởng cuối cùng. Nó không phải viên thuốc thần kỳ giải quyết mọi vấn đề của xã hội. Nó cũng không tự động biến mỗi công dân thành những con người tốt đẹp hơn.

Thông qua những ghi chép tỉ mỉ chi tiết trong sách về từng cuộc bầu cử lớn nhỏ tại Đài Loan, người đọc không khỏi có ấn tượng về một sự lộn xộn và những tật xấu nhan nhản của chính trường nước này thời dân chủ.

Điểm khác biệt so với chế độ độc tài là các vấn đề này được công khai và, trong rất nhiều trường hợp, dưới áp lực của cử tri, được sửa đổi và hoàn thiện liên tục.

Điều quan trọng nhất là dưới chế độ mới, mọi người đều có cơ hội công bằng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Người đọc có thể thấy điều đó qua cách các đại biểu dân cử của những tộc người bản địa thiểu số, dù chỉ chiếm một tỷ lệ cực kỳ ít ỏi, vẫn có thể thương lượng điều đình với những đảng phái lớn để đạt được các thỏa thuận có lợi cho nhóm cử tri của mình.

Người đọc cũng có thể cảm nhận được điều đó qua cách người dân Đài Loan ngày càng chủ động tham gia sâu vào các hoạt động chính trị, từ việc bỏ phiếu ủng hộ các chính trị gia đến vận động gây áp lực buộc chính quyền phải thay đổi.

Và cơ hội công bằng không chỉ dành cho “người tốt”, ngay cả “kẻ xấu” một thời như Quốc Dân Đảng – thực dân/ ngoại xâm/ độc tài – vẫn có cơ hội như mọi đảng phái khác trong một thể chế dân chủ.

Năm 2000, Quốc Dân Đảng lần đầu tiên mất quyền lực vào tay Dân Tiến Đảng. Nhưng đến năm 2008, cử tri quyết định trao quyền lại cho họ.

Quốc Dân Đảng dù mất đi vị thế độc tôn của thời độc tài nhưng đổi lại, họ vẫn là một thế lực cạnh tranh bình đẳng với mọi nhóm chính đảng khác, và luôn có cơ hội giành được chính quyền nếu thuyết phục được các cử tri.

Được lợi lớn nhất là toàn bộ người dân Đài Loan.

Đọc thêm:

Từ độc đảng sang đa đảng: Đài Loan đã dân chủ hóa cuộc bầu cử như thế nào

Lý Đăng Huy – Chân dung về “Mr. Dân chủ” của người Đài Loan

Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2022/09/ba-bai-hoc-tu-qua-trinh-dan-chu-hoa-tai-dai-loan/

Comments are closed.