Tạ Duy Anh
Trong tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật”, tôi từng để nhân vật nói với mình thế này:
“Tôi tự nhủ là mình không được mủi lòng. Còn những tiếng kêu khác của đồng loại, thê thảm hơn, chói tai hơn mà ta buộc phải làm ngơ”.
Nhân vật với tác giả đôi khi là một. Quả tình nhiều lúc tôi cũng đã rất muốn, thậm chí đã bắt chước, làm giống như nhân vật của mình. Cuộc sống có muôn vàn chuyện đau lòng, làm sao mình đủ sức để quan tâm đến tất cả.
Nhưng không phải cứ bịt tai là không nghe thấy những tiếng thét, nhất là những tiếng thét kêu đòi công lý.
Vụ án cô giáo Lê Thị Dung chính là một tiếng kêu chói tai như vậy.
Tòa án huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, đã tận dụng triệt để sự lỏng lẻo trong các quy định của luật, để tuyên án cô 5 năm tù giam, chỉ vì cô "làm thất thoát", trong gần chục năm, hơn 44 triệu đồng. Họ dựa vào đâu để có bản tuyên án như vậy? Đây rồi, đó là tình tiết TÁI PHẠM NHIỀU LẦN. Nhờ tình tiết mập mờ này, các quan tòa đã Ơ-rê-ca tìm ra cái khung hình phạt ghê gớm, vốn chỉ áp cho tội phạm lớn.
Chỉ cần lấy hai vụ án còn rất mới làm “đối chiếu”: Vụ ông Đặng Thanh Bình làm trái gây thiệt hại cho nhà nước 15.000 tỷ đồng, với mức phạt 03 năm tù treo; vụ bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, công khai thừa nhận đã ăn hối lộ 10.000 USD (khoảng 240 triệu đồng, gấp hơn 5 lần số tiền cô Dung bị cho là ‘chi sai”) và thất thoát 53,6 tỉ đồng, bị xử với mức án 03 năm tù giam, thì nhắm mắt lại Tòa Hưng Nguyên cũng có thể phán quyết cô Dung chỉ phải hoàn trả số tiền 44 triệu 700 ngàn đồng (cứ cho là cô phải chịu trách nhiệm về việc chi sai" cho ngân sách, mà không sợ sai một li. Việc xử lý tiếp theo đối với cô Dung thuộc phạm vi hành chính.
Đẹp cả lý cả tình.
Giờ đây, nếu lấy mức án của cô Dung làm “đối chiếu” ngược, thì ông Bình sẽ phải bị phạt tù khoảng 4000-6000 năm, ông Tuấn ít nhất cũng là 300-1000 năm.
Một bộ luật không cho phép kẻ bắt trộm một con vịt thoát sự trừng phạt, là cần thiết. Nhưng một bộ luật mà khiến kẻ bắt trộm một con vịt phải lĩnh án tới 7 năm tù, thì bộ luật ấy nhất định phải xem lại.
Ngay cả với người có tội, thì công lý là để trừng phạt, chứ không phải để trả thù, tệ hơn ngàn lần nếu nó bị kẻ nắm quyền lực trong tay lợi dụng cho mục đích trả thù cá nhân.
Trong trường hợp khép tội cô Lê Thị Dung, hoặc Tòa án huyện Hưng Nguyên sai, hoặc TẤT CẢ chúng ta đều sai?
Tôi nghiêng về giả định sau.
Sửa chữa sai trái của một phiên xét xử, một bản án, thậm chí cả một cơ quan tư pháp, không có gì khó.
Nhưng sửa cái sai của tất cả chúng ta, thì rất khó.
Có những tiếng kêu chỉ gây chói tai, chỉ khiến ta bịt tai quay mặt. Nhưng khi nó biến thành những tiếng gào thét, có thể khiến vỡ vụn tất cả.
Tôi không muốn đưa ra ví dụ.