“Chiến sĩ – Nghệ sĩ” và Hội Nhà văn Việt Nam

Mấy điều tâm sự cùng các đồng nghiệp hội viên trong Hội Nhà văn Việt Nam

Bùi Minh Quốc

Tác giả gửi Văn Việt

images

Nhà thơ Bùi Minh Quốc

Cặp từ “Chiến sĩNghệ sĩ” là tôi mạn phép mượn tên một bài của nhà văn cách mạng Nguyễn Khải viết lúc gần cuối đời đăng trên 2 số báo Văn Nghệ 17, 18 ngày 29.4/5.5.2007(về cái danh xưng “nhà văn cách mạng”, “văn học cách mạng” rồi một dịp khác sẽ phải bàn cho ra lẽ nội hàm của hai chữ “cách mạng”, ở đây tôi cứ dùng theo các nhà lý luận chính thống).Rõ ràng là cố ý, Nguyễn Khải đặt “chiến sĩ” lên trước “nghệ sĩ”, ngược hẳn với các văn kiện của đảng cầm quyền, của Hội nhà văn và các nhà lý luận chính thống suốt bao năm ròng vẫn luôn tung hô và truyền giảng : “Nghệ sĩ – Chiến sĩ”.Trong bài viết, qua người thật việc thật là chính mình và bậc đàn anh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải chua chát thú nhận : từ cái phần đời chiến sĩ rất đẹp xông pha chiến đấu (với một niềm xác tín chân thành) cho những giá trị nhân văn cao quý trong quá khứ thời chiến, đến thời bình thì tự đánh tụt hạng đời mình thành một thứ công chức tẻ nhạt thảm hại, dù hàng ngày vẫn trưng ra cái nhãn hiệu “Nghệ sĩ – Chiến sĩ”, dù nắm giữ cương vị lãnh đạo (tổng thư ký và phó tổng thư ký) Hội nhà văn, một tổ chức kế thừa và phát triển truyền thống chiến đấu vì dân vì nước của Văn hoá Cứu quốc ra đời trước Cách mạng Tháng Tám 1945 mà Nguyễn Đình Thi là thành viên nòng cốt chủ trì sáng lập.

              Hình như khá đông các nhà văn trong Hội nhà văn Việt Nam (cả sáng tác lẫn nghiên cứu) và bạn đọc của mình hầu như đều đinh ninh rằng cái phạm trù “Nghệ sĩ – Chiến sĩ” chỉ hình thành và xuất hiện cùng với Văn hoá Cứu quốc và Cách mạng Tháng Tám 1945.Thậm chí không ít người còn nghĩ rằng đó chỉ là một lực lượng văn học đặc thù sản sinh bởi thời chiến chuyên về loại văn chương “xông lên xốc tới” nặng tính minh hoạ và tuyên truyền.Tôi thì thấy khác.

              Ngược thời gian về tận cội nguồn xưa nhất của văn chương Việt, trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của tôi thì, bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của quốc gia Việt, thật kỳ lạ mà như là không thể khác, đã được tuyên bằng một tiếng thơ chiến đấu cất lên ngay giữa trận tiền :

              Nam quốc sơn hà Nam đế cư

              Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

              Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Bản dịch thơ (Lê Thước – Nam Trân dịch) :

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

              Quả thật, rất đáng nên suy ngẫm về điều này : phải chăng Tuyên ngôn Độc lập đồng thời cũng có thể là Tuyên ngôn Thơ, cuộn sôi hồn Nước, hàm tụ linh khí dân tộc, ươm chứa cả cái mệnh Thơ, mệnh người – thơ, luôn hoà quyện sắt son với mệnh Nước và số phận con người suốt trường kỳ lịch sử, không bao giờ được thiếu vắng cái chất chiến đấu, chất chiến sĩ.

              Cái hồn ấy, cái mệnh ấy, không ngừng hun đúc qua Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, rồi  Nguyễn Đình Chiểu :

              Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

                  Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

(Xin phép ghi chú thêm cho khỏi hiểu lầm : chắc rằng chúng ta không bao giờ qui giản cái chữ “ đạo” của cụ Đồ Chiểu vào một thứ tư tưởng xơ cứng, thô thiển, cũng như không bó hẹp mấy chữ “chiến đấu”, chiến sĩ” chỉ gắn với chiến tranh và người lính)      

              Rồi Thạch Lam (viết năm 1937) :

              “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để mà tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

              Cũng năm 1937, tuyên bố “một quan niệm về văn chương”, Trương Tửu viết :

       “Không có gì giúp người cầm bút đủ tự hào để phấn đấu, đủ can đảm để thắng, đủ an ủi để ngã, bằng nhận thấy rằng trong các công trình phá hoại và kiến thiết vinh quang nhất của xã hội loài người, bao giờ nhà văn cũng đứng mạnh dạn vào hàng ngũ tiên phong. Bao giờ nhà văn cũng vui vẻ, hăng hái giữ nhiệm vụ tên lính cảm tử phất cao ngọn cờ tranh đấu, dắt xã hội chạy tìm những chân trời mới và đẹp trên con đường gay go của hạnh phúc.
 Mỗi khi hai lực lượng thuận và phản tiến bộ xung đột nhau, báo tin những giông tố hãi hùng, nhà văn, nhờ một linh khiếu – một trực giác – đặc biệt, lập tức dẫn đạo tư tưởng của đoàn thể đi vào cuộc tranh đấu và không bao giờ quên ủng hộ mặt trận nào hy sinh để làm toàn thắng lý tưởng và hạnh phúc. Giờ phút ấy nhà văn hòa vận mạng mình vào vận mạng của xã hội tương lai, viết bằng chữ máu vào trang giấy sáng sủa của thế kỷ một lời tiên tri, loài người sắp đi thêm được một bước”.

                 Tôi đã dẫn Trương Tửu hơi dài, bởi không muốn bỏ sót chút gì trong tuyên ngôn mà riêng tôi cho là rất quan trọng này của ông, và có lẽ cũng là của văn chương Việt hiện đại.Tôi chưa thấy nhà văn Việt Nam hiện đại nào như Trương Tửu đã nêu lên sớm đến thế, rành mạch và hùng hồn đến thế cái sứ mệnh lớn lao đến thế, gian truân khổ ải mà cũng cao sang đến thế, đáng say mê đến thế của người Nghệ sĩ – Chiến sĩ.Sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, một vụ chế độ toàn trị đàn áp hàng trăm trí thức văn nghệ sĩ có tư duy độc lập, Trương Tửu (cùng Phan Khôi, Thuỵ An) bị “khai trừ vĩnh viễn” khỏi Hội nhà văn Việt Nam, một tổ chức mà cả ba nhà văn ấy đều là thành viên sáng lập. Hai chữ “vĩnh viễn” trong thông báo kỷ luật bộc lộ tất cả sự hằn học thảm hại của kẻ “ra đòn” đối với Trương Tửu (cùng Phan Khôi, Thuỵ An). Nhưng họ làm sao có thể khai trừ nổi Trương Tửu (cùng Phan Khôi, Thuỵ An) ra khỏi văn học Việt Nam ? Làm sao có thể khai trừ nổi cái phẩm chất, khí phách, bản lĩnh chiến sĩ ra khỏi con người nhà văn ? Bất chấp mọi hành vi chụp mũ chính trị độc ác, mọi thoá mạ xúc phạm hèn hạ, mọi đoạ đầy dai dẳng triền miên, Trương Tửu đã giữ vững cái phẩm chất, khí phách, bản lĩnh ấy đến trọn đời.Trương Tửu đã thắng.Lẽ phải đã thắng.Cái thế lực độc ác và dối trá của chế độ toàn trị đã phải lùi một bước trước sức mạnh của lẽ phải muôn đời.Hội nhà văn Việt Nam đã phải khôi phục hội tịch cho cố nhà văn hội viên Trương Tửu (tạm chưa xét đến động cơ thầm kín của việc phục hồi, chắc không hoàn toàn là thực tâm muốn gián tiếp sửa sai).

              Rồi đây các “Nghệ sĩ – Chiến sĩ” (bao gồm cả sáng tác lẫn nghiên cứu, nhất là nghiên cứu với cách tiếp cận khoa học) trong Hội Nhà văn Việt Nam hẳn sẽ phải đào sâu vào cái tình trạng tụt hạng giá trị mà Nguyễn Khải đã gắng can đảm tự phơi bày lúc gần cuối đời.Cũng vào cuối đời, Nguyễn Khải viết “Đi tìm cái tôi đã mất”.Cái tôi đã mất ấy là cái tôi thế nào ? Là cái tôi của cậu bé con quan bị hắt hủi vì thân phận con vợ lẽ luôn khao khát trở thành người có địa vị xã hội ? Là cái tôi người chiến sĩ vì nhân dân quên mình ? Là cái tôi nhà văn cách mạng nguyện hiến trọn đời văn cho sự nghiệp văn hoá đưa con người từ vương quốc của tất yếu đến vương quốc của tự do ? Là cái tôi quan chức phó tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam sẵn sàng thoả hiệp với cái thế lực độc ác và dối trá bề trên để được yên thân yên vị ? Là tổng hoà tất cả những cái tôi ấy thành một cái tôi mang tên Nguyễn Khải ? Trong tất cả những cái tôi ấy, cái nào mất, cái nào còn ? Cái này làm mất cái kia, hay tại “cái nước mình nó thế” ? (Nhân tiện, xin bày tỏ : khi một người trí thức, hơn nữa lại là một “Nghệ sĩ – Chiến sĩ” buồn bã thốt lên “Cái nước mình nó thế” thì tiếp đó dứt khoát phải có trách nhiệm tự vấn : “Thế còn mình thế nào ?”).Nói chuyện mất còn, không thể không liên hệ đến Phùng Quán, một “Nghệ sĩ – Chiến sĩ”cùng thế hệ Nguyễn Khải.Mọi người đều biết cái tôi của Phùng Quán là cái tôi “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”.Cái tôi ấy Phùng Quán có để mất không và có phải đi tìm lại không ? Hiển nhiên là không.

              Nhiều năm qua, và cho đến nay vẫn thế, các “Nghệ sĩ – Chiến sĩ” trong Hội nhà văn Việt Nam ra sức lẩn tránh không dám nhìn thẳng vào bản thân mình để tự xét giữa cái danh và cái thực có còn hoà quyện hay đã trở nên danh một đằng thực một nẻo.Hình như tự nhiên có một sự thoả thuận ngầm từ Ban lãnh đạo tối cao đến Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Đảng đoàn Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật cùng các cơ quan ngôn luận dưới quyền đều nhất loạt cố ý lờ tịt, lẩn tránh chuyện phẩm chất “chiến sĩ” trong danh hiệu “Nghệ sĩ – Chiến sĩ”.Sao vậy ? Sự thể đã quá rõ : vì thực chất phần lớn các vị công chức, quan chức (dán nhãn “cán bộ lãnh đạo”) đã phản bội cái phẩm chất chiến sĩ nơi chính bản thân mình từng hiện ra (có vẻ) rất đẹp của một thời hăng say trong sáng.

              Hai mươi năm trước, có lần tôi tặng cho một giáo sư nguyên là phó ban văn hoá văn nghệ bài mình viết về đề tài“Nghệ sĩ – Chiến sĩ” đăng trên tạp chí Văn học (Viện Văn học), ông bảo : “Chuyện này lỗi thời rồi”.Có đúng vậy không ?

              Cuối cùng, cho phép tôi được nhấn mạnh, đây chỉ là một số suy nghĩ riêng, chắc chắn là còn cảm tính, nông cạn và giản đơn, thành tâm bày tỏ như một niềm tâm sự với riêng các đồng nghiệp hội viên trong Hội nhà văn Việt Nam, một tổ chức kế thừa và phát triển truyền thống của Văn hoá Cứu quốc để mong được trao đổi ý kiến rộng rãi, còn vấn đề tìm kiếm một quan niệm văn chương mới trong thời kỳ mới của các nhà văn Việt Nam là chuyện quá lớn, xin không dám lạm bàn.

             

              Đà Lạt 06.04.2014

          BMQ

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Comments are closed.