‘Đình hóa’ và bức thư đầu Thu ‘gửi người em gái Miền Nam’

Ngô Quốc Phương

Chào em, cảm ơn em đã gửi lại cho anh những tư liệu quý, chính là những gì em đã cảm nhận và đã viết lại thời gian trước về Hồng Kông vào lúc sự kiện đang diễn ra sục sôi ngay tại chỗ, cùng những tâm sự, chia sẻ về nhiều điều.

Vào thời điểm này, anh chợt nghĩ tình hình Hồng Kông và nhiều chuyện khác thực ra không chờ đợi cái gì, kể cả đại dịch Covid-19 hay bầu cử tại sứ Cờ Hoa, hay nữa là khoảng thời gian giữa hội nghị Bắc Đới Hà năm nay vừa xong tại Trung Quốc và Bắc Đới Hà tái họp sang năm.

Như em thấy, các hoạt động, các trào lưu và phong trào vẫn liên tục chuyển động, có vẻ không vì bất cứ chướng ngại nào mà dừng bước… như những gì đang xảy ra tại Belarus và Thailand trong tháng Tám này bộc lộ.

Tuy nhiên, đúng là có nhiều thứ còn phải chịu sự chi phối của năm chuyển tiếp và ‘đình hóa’ này. Chuyển tiếp như là kỳ bầu cử tháng 11 ở Mỹ năm nay, để rồi sẽ xem có tân quan tân chính sách không, hay sẽ vẫn là Tổng thống Trump cùng ban cố vấn của ông, cùng chủ nghĩa mang tên ông, sẽ cầm lái nước Mỹ và nhiệm kỳ hai, nếu có chiến thắng bầu cử được lặp lại với các vị đó, sẽ diễn ra ra sao.

Đình hóa ở đây có thể hiểu trong sự liên quan tới Covid-19 mà thế giới vẫn chưa thể gọi là hậu Covid, kể cả tại Trung Quốc, nơi phát sinh ra đại dịch đáng sợ mà nhân loại đang gánh chịu và đương đầu.

Mới đây hội nghị Bắc Đới Hà đã diễn ra, có vẻ như ông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhóm quan chức thân tín vẫn, các cố vấn vẫn còn ‘cầm được cương’, có người nói Covid-19 vừa là họa, vừa là phúc bên trong các nhóm nội bộ của Trung Quốc, vấn đề là ai tận dụng được mà thôi.

Tại khu vực, Mỹ và đồng minh, bạn hữu vẫn tiếp tục cảnh giác với Trung Quốc và đối đầu Mỹ – Trung ở Ấn Thái Dương (riêng ở địa hạt và phương diện này) có vẻ là quyết liệt, bất khả hòa giải tính tới thời điểm hiện nay.

Đình hóa cũng kết hợp bầu cử Mỹ và Covid-19 hoành hành tại Mỹ với chính sách đối đãi với Trung Quốc của Tổng thống Trump, và ông tổng thống Mỹ dường như đang quyết định có lẽ sẽ vẫn giữ nguyên chính sách như hiện nay, tạm thời tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, lên án Trung Quốc như kẻ thù muốn thoán đoạt ngôi vị trật tự của nước Mỹ ở toàn cầu, như một cừu địch số một và trực tiếp, đồng thời có lẽ, như một số người nói, sẽ sử dụng hồ sơ chống Trung Quốc như một lợi thế để có thêm phiếu bầu của cử tri.

Bốn năm qua, như một số người cảm nhận, ban lãnh đạo nước Mỹ của Tổng thống Trump dường như và có lẽ đã tạo ra nhiều tác động, ảnh hưởng lớn tới thế giới, trong đó một ảnh hưởng lớn là buộc thế giới phương Tây và phần còn lại phải suy nghĩ lại ít nhất về phương diện nào bất hợp lý của toàn cầu hóa mà điều chỉnh lại, nhất là nghĩ tới kịch bản điều chỉnh sự lệ thuộc vào cả Trung Quốc… lẫn Mỹ, theo những cách thức, tiếp cận, góc nhìn riêng của từng quốc gia, khối, v.v.

Đình hóa ở xứ ta?

Tại Việt Nam, cũng theo những góc nhìn trong giới quan sát và cảm quan của nhiều giới, có vẻ đang tiếp tục có cả tiến hóa lẫn đình hóa, nhưng đó có lẽ là điều mà em, những sinh viên đang trong thời kỳ hoàng kim ở giảng đường Đại học, những nhà quan sát trẻ tuổi trong cuộc, cùng nhiều vị thiện tri thức đã nhận thấy từng ngày với lợi thế được ở trong nước, thở cùng hơi thở thường nhật của người dân ở đất nước ta…

Một trật tự mới hậu Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng dường như, theo nhiều quan sát, đang được thiết kế, thiết lập, mà có thể nhà lãnh đạo này (được cho là có nhiều hiểu biết ‘lý luận’ và cũng thông thạo địa hạt kế sách, quyền bính) vẫn muốn thiết lập ảnh hưởng của mình hậu hai nhiệm kỳ lãnh đạo tối cao trong đảng của ông, tuy nhiên các nhóm chia sẻ quyền lực khác, vẫn theo một số ý kiến, cũng không thể dễ dàng hy sinh các lợi thế và các nền tảng quyền lực, vị thế của họ cho bốn năm năm tới.

Thành ra, người ta cho rằng sẽ tiếp tục có những màn chuyển động, chuyển vận, đấu tranh, sắp xếp, tái sắp xếp và hình thành hệ thống quyền lực ‘mới’, thông qua nhân sự dần lộ diện từ nay tới vài tháng nữa và tại kỳ Đại hội thứ 13 nếu diễn ra.

Mới đây, có bạn bè từ quê nhà trao đổi và bảo anh rằng những gì xảy ra ở Hà Nội, như một ví dụ với hai nhân vật trung cao và khá cao là cựu Bí thư (nay đã được thay thế) và ông Chủ tịch UBND Thành phố (đang bị đình chỉ công tác) cho thấy phần nào một góc nhỏ bức tranh chuyển động, bởi trung tâm tranh đấu đang nóng và còn nóng ở chỗ khác, cao cấp, thâm sâu hơn nữa, song le, ở Thành phố Hồ Chí Minh, người ta vẫn chưa dám động đến một thế lực rất mạnh, dù nhân vật đó đã thôi chức vụ.

Và ý kiến này chia sẻ thêm với anh rằng nhưng rõ ràng điều trên cho thấy rất nhiều mức độ, cấp độ và lớp lang khác nhau trong các chuyển động quyền bính, quyền mưu, cùng thời sự quan trường tại quê nhà, mà có thể gợi ý vì sao người ta cho rằng vụ ‘đốt lò, củi lửa’ nào đó đã đang diễn ra chỉ là ‘trò giải trí’, biểu diễn kịch viện cao cấp lâu nay…

Chỉ biết rằng, các bạn anh nói, các thế hệ sẽ có sự dịch chuyển, ít nhất ở tuổi tác, song nếu lại có những nhân vật die hard (cùng thế lực, phe nhóm, dây… sau lưng họ) trì thủ, tử thủ tiếp tục nắm giữ và ảnh hưởng tại Đại hội và hậu Đại hội tới, dù có thêm một số ‘khuôn mặt mới’ trong những chiếc ghế mới (có người nói vẫn là những củ khoai lớn nhỏ, non hay già trong một cái bao bố móc ra mà thôi) thì tình hình còn căng và như thế có vẻ sự ĐÌNH HÓA, với ý nghĩa sâu xa nhất của từ này, với tiến hóa và phát triển văn minh của Việt Nam so với những gì cần có, đáng có, nên có theo tiêu chuẩn văn minh của nhân loại, lại không chỉ dừng lại ở câu chuyện do Covid-19 gây ra.

Vài dòng chia sẻ cùng em và nhân dịp đầu Thu, từ xứ Kent nửa quê, nửa thị của xứ Anh, chúc em học hành, nghiên cứu được nhiều thành công và toại nguyện nhé./.

Comments are closed.