Quyền biểu tình và công cuộc khai dân trí, chấn dân khí

Lê Học Lãnh Vân

Biểu tình là một tập họp đông người nhằm biểu hiện sự ủng hộ hay phản đối một ý chí, một quan điểm chính trị hay xã hội.

Biểu tình có những dạng tập hợp khác nhau và cách hành động khác nhau. Dạng thông thường nhất là tụ tập nơi khoảng trống công cộng hay đường phố, đi diễu hành và tập họp tại một nơi nghe diễn thuyết.

Biểu tình được xem là biểu lộ ý kiến tập thể ôn hòa, có khi là phản kháng không bạo động, thí dụ phản đối một chính sách gây thiệt hại cho một thành phần xã hội nào đó. Biểu tình thì bất bạo động, nhưng do là một tập hợp đông người trên một không gian nhỏ nên có thể có hôi của, có rối loạn, có đập phá… Trách nhiệm giữ an nình cho biểu tình là trách nhiệm của công an. Chính phủ cần trung thực, không mập mờ giữa hoạt động giữ an ninh với hoạt động trấn áp biểu tình, và sự trung thực này nâng cao vị thế chính phủ. Việc giữ an toàn cho các cuộc biểu tình, bảo đảm biểu tình ôn hòa không dẫn tới bạo loạn cho thấy dân trí cùng với năng lực và bản chất của chính phủ một quốc gia!

Biểu tình không nhất thiết phản đối chính phủ, thí dụ trường hợp chính phủ chỉ có một nguồn lực tài chánh, muốn phân bố cho ngành giáo dục, nhưng bị bên quân đội phản đối, đòi đầu tư phát triển vũ khí. Nếu ý dân nghiêng về đầu tư cho giáo dục, các cuộc biểu tình nổ ra sẽ là chỗ dựa an toàn và hợp lý cho quyết định của chính phủ đầu tư cho giáo dục. Nếu dân biểu tình đòi đầu tư cho quốc phòng thì chính phủ sẽ an tâm đầu tư cho quân đội. Trong trường hợp này, biểu tình giúp quốc gia điều chỉnh chính sách cho thích hợp hơn, hữu hiệu hơn, hợp lòng dân hơn mà cả Bộ Giáo dục lẫn Bộ Quốc phòng đều dễ dàng đồng thuận vì cùng dưới sự trọng tài của dân chúng. Sự thông cảm và đồng thuận của các thành phần trong dân tộc và giữa dân chúng với chính quyền tốt hơn nhiều so với xã hội không có biểu tình.

Hoặc thí dụ trường hợp chủ quyền Tổ Quốc bị xâm phạm. Nếu thế nước đang yếu, cần thời gian chuẩn bị, thì chính phủ có thể mềm dẻo ngoại giao trong lúc dân chúng biểu tình chống kẻ xâm lấn và ủng hộ chính phủ. Nếu chính quyền được dân hiểu và ủng hộ, các cuộc biểu tình là chỗ dựa với sức mạnh vô biên cho chính phủ!

Các nguyên nhân thường nhất của một cuộc biểu tình là chống áp bức, đòi công bằng xã hội, đòi quyền lợi kinh tế hay bảo vệ một giá trị cốt lõi. Khi quốc gia bị xâm lấn, các cuộc biểu tình chống xâm lăng là phản ứng đương nhiên của một quốc gia.

Biểu tình được coi là quyền đương nhiên của người dân. Quyền biểu tình được cấu thành từ ít nhất hai quyền sau đương nhiên khác: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tụ tập. Nói cách khác, nếu không có một trong hai quyền nói trên thì không thể có quyền biểu tình.

Tôi bắt đầu theo dõi thời sự từ sau cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm, từ đó cho tới năm 1975, trong 12 năm từng chứng kiến bao cuộc biểu tình. Nhất là mỗi khi có biến cố ảnh hưởng tới chủ quyền đất nước, tới lòng tự hào dân tộc. Xã hội Miền Nam từng chứng kiến những cuộc biểu tình có có thể xô nghiêng thành phố lớn. Thời đó các báo nổi tiếng thế giới như Washington Post, New York Times hay Le Monde, Le Parisien… tường thuật biểu tình tại Sài Gòn. Có thể nói, người Việt có đủ năng lượng tiến hành những cuộc biểu tình lay động thế giới!

Nếu nhìn lui lại xa hơn nữa, năm 1926, khi Phan Châu Trinh mất, đám tang ông là một cuộc biểu tình vĩ đại, chỉ riêng tại Sài Gòn, trên một phần tư dân số Sài Gòn – Chợ Lớn tham dự cuộc biểu tình. Các tỉnh trên toàn quốc cũng tổ chức truy điệu, tạo nên một phong trào khổng lồ. Cần biết cụ Phan Châu Trinh là nhà yêu nước vĩ đại, nhà chí sĩ giành trọn cuộc đời đấu tranh giành độc lập bằng biện pháp “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, bảo vệ chủ quyền dân tộc, do đó biểu tình đưa tang ông cũng chính là biểu tình chống chế độ thực dân Pháp. Cuộc biểu tình chống Pháp đó xảy ra thời Pháp thuộc, dưới một chính quyền thực dân, dị tộc, được xem là khắc nghiệt và tàn bạo. Những cuộc biểu tình là môi trường thực tập để “khai dân trí, chấn dân khí”. Nếu xem biểu tình là văn minh so với khởi nghĩa nông dân thời phong kiến, chúng ta có nên nghiêng mình kính trọng dân trí và dân khí của hơn 90 năm trước? Và cũng có nên đặt câu hỏi về hoàn cảnh, điều kiện sống của xã hội thời đó?

Bây giờ, 44 năm sau ngày đất nước thống nhất và dưới sự lãnh đạo tập trung, Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa, thực tế kiểm soát vùng biển rộng lớn mà trước đây chưa xa ông cha người Việt làm chủ, lại đang gây ra sự kiện xâm lấn vùng biển rộng lớn chung quanh bãi Tư Chính, khiến Hoa Kỳ phải lên tiếng bênh vực. Vậy mà nhìn chung dân Việt bốn phương im lặng! Dân trí và dân khí của người Việt hiện nay so với hơn 90 năm xưa như thế nào?

Trước hoàn cảnh này, có thể đặt hai câu hỏi:

1) Dân Việt không biểu tình bởi vì họ không còn quan tâm tới việc mất đảo, mất biển, mất nước, mất dân tộc?

2) Dân Việt không biểu tình bởi vì họ không thể tự do biểu tình?

Nếu câu hỏi (1) được trả lời là ĐÚNG, thì có lẽ những ai còn quan tâm tới vận nước không cần phải hành động gì cả. Người viết nghĩ rằng trước sau gì Tổ Quốc cũng mất, không phương cứu vãn! Chỉ còn một, hai thế hệ nữa thôi!

Nếu câu hỏi (2) được trả lời là ĐÚNG, thì còn hy vọng. Sẽ có ngày dân chúng lấy lại được quyền biểu tình cùng các quyền tự do căn bản khác được công bố trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà chính quyền Việt Nam công nhận. Đây là công cuộc rất lớn, cần sự tham gia của cả nước, dân chúng và chính quyền. Trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam hiện nay, tôi tin một một lộ trình thích hợp rất cần thiết, nhanh quá thì nhiều rủi ro mà chậm quá thì mất cơ hội. Việt Nam đang cần một nhà lãnh đạo đủ năng lực đưa ra lộ trình thích hợp được người dân ủng hộ.

Trong việc rất liên quan tới “khai dân trí, chấn dân khí” này, và trong lúc thời cuộc thế giới, khu vực và quốc gia thuận lợi, xin chúc chính quyền làm tròn vai trò của mình. Việt Nam càng vững vàng tiến về mục tiêu thì dân trí càng nhanh chóng được mở mang, dân khí nhanh chóng được bồi đắp mạnh mẽ, đât nước nhanh chóng no ấm, giàu mạnh, đủ sức bảo vệ nền tự chủ lâu dài chứ không chỉ có tính thời thế hay thời khắc như hiện nay!

Ngày 02 tháng 08 năm 2019

Comments are closed.