Duyên Anh
ĐỜI SỐNG Ở TỈNH LỴ ÊM Ả NHƯ nước hồ thu. Nếu một viên sỏi ném xuống đủ làm mặt hồ gợn sóng thì một viên khác, thường, dù rất nhỏ mọn, cũng đủ làm xôn xao tỉnh lỵ. Những đồng nghiệp của tôi đã không hiểu thế. Họ mang theo đời sống Sài Gòn về tỉnh lỵ. Ở Sài Gòn, Thầy giáo tự do sống, tự do nghỉ, tự do chơi khi bước ra khỏi cổng trường. Chằng ai cần chú ý. Chắng ai thèm chú ý. Trò gặp Thầy còn ngoảnh mặt làm ngơ nữa là.Hoặc thầy vội vã chạy trường, không muốn nhìn trò cúi đầu chào mình. Thầy tha hồ bài bạc, đĩ điếm. Dẫu gặp trò nơi bài bạc, đĩ điễm cả thầy lẫn trò đều phớt tỉnh, coi nhau như người xa lạ.
Cái xã hội xô bồ Sài Gòn chấp nhận vậy. Tôi không bảo các ông thầy lo thụ hưởng và học trò đều hư đốn. Chỉ một số nhỏ. Ở lãnh vực nào cũng có một số nhỏ tồi tệ. Và nên bỏ qua.Riêng lãnh vực giáo dục, tôi nghĩ, không thể tha thứ cho một ông thầy vô trách nhiệm. Người chăn chiên ghẻ lở, cả bầy chiên sẽ ghẻ lở. tôi rất đau lòng thấy báo chí mô tả những cơ sở giáo dục như những cơ sở bán chữ nghĩa. Tình nghĩa thấy trò đã phôi pha, nhất là tình nghĩa thầy trò tư thục. Người ta trút hết tội lỗi cho chiến tranh. Tự nhiên, chiến tranh trở thành cái thùng rác chứa đầy cặn bã xã hội. Người ta phán xét thầy, trò một cách não lòng. Trò thì không nhìn thấy tương lai nên chán chường hiện tại, cái hiện tại tối mò, ánh sáng đủ chiếu trên con đường một chiều dẫn vào quântrường. Đó chính là cái cơ sở để nổi loạn.Thầy thì đời sống vật chất bấp bênh, nặng gánh gia đình, đàng nhốt lương tâm thật kỹ, chạy trường nháo nhác kiếm tiền, Những ông thầy nổi tiếng hái ra bạc, mở lớp riêng, thu nhận học trò như rạp chiếu bóng thu nhận khán giả. Và, những ông thầy đó, tối tối xoa mạc chược ăn thua trăm ngàn. Chưa đủ, có ông còn tằng tịu với ca sĩ phòng trà, tung tiền bạc kiếm được từ những học trò hiếu học, ham bằng dâng hiến tình nhân. Không nuối tiếc. Nhưng nếu một học trò chậm đóng học phí, thư ký vô tận lớp đọc thông báo mời ngay.Có lẽ, mỗi hoàn cảnh xã hội tâm hồn con người mỗi khác. Tôi vẫn mơ ước nhà giáo hôm nay bằng lòng cuộc sống của các thầy đồ ngày xưa. Giáo viên tiểu học sống âm thầm, đạm bạc , thiệt thòi từ vật chất đến tinh thần, nào đã lên tiếng phàn nàn, chống đối, đòi hỏi?
Trong đời tôi, có hai mẩu chuyện làm tôi xúc động và đọc lại bất cứ lúc nào cũng làm tôi rơm rớm nước mắt. Đó là mẩu chuyện ông huyện Đức nhờ thầy nuôi ăn học thành tài trở về thăm trường cũ trong Tấm Lòng Vàng của Nguyễn công Hoan và mẩu chuyện ông Carnot làm quan to nước Pháp nhân dịp rảnh rỗi ghé thăm thầy xưa tóc đã bạc phơ, má đã lõm, mắt đã mờ. Đến nỗi, trò Carnot phải khoanh tay, cúi đầu: Con là Carnot đây, thầy còn nhớ con không? Tôi đã hình dung ra vĩ nhân Carnot qua bức tranh mộc mạc ở cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp dự bị và tôi tưởng chừng như còn nghe rõ tiếng nói thiết tha của ông Carnot. Bây giờ, ở nước tôi, một vị thủ tướng về thăm trường cũ chỉ kể chuyện chọc phá các vị giám thị với các học trò! Carnot tâm sự: “Ta bình sinh nhờ ơn Cha Mẹ rồi tới Thầy ta đã dạy dỗ nên người”. Các vị thủ tướng của nước tôi thật là khác vĩ nhân Carnot. Ở nước Pháp, giáo viên tiểu học được xếp nên nấc thang giá trị cao nhất, được kính trọng nhất. Tổng thống, thủ tướng đứng hàng thứ 5. Ở nước tôi, một ông quận trưởng cũng thừa quyền xông vào lớp học, hành hung và nhục mà thầy giáo. Và ở Sài gòn, thầy giáo đành tự nhận mình chỉ là kẻ bán chữ nghĩa. Bởi vậy, tôi xin đi dạy ở tỉnh lỵ dù tôi đậu ra trường cao và được ưu tiên ở Sài Gòn. Tôi nhớ mang máng một câu đề cao thiên chức nhà giáo của Tagore: Nhà giáo là một ngọn đuốc, Nếu ngọn đuốc không cháy sáng thì làm sao gom những ngọn đuốc khác-theo chủ nghĩa Tagore-ở Sài gòn chẳng những đã không thắp sáng mà còn bị đốt cháy rụi. Tôi sợ bị đốt cháy rụi. Nói thật lòng mình, tôi hãnh diện vì ông Nội tôi, hãnh diện vì sự bần cùng của ông đồ trong buổi chiều tàn của Nho học, hãnh diện vì ngôi nhà các môn đệ của ông tôi xây cất thờ phụng Thầy dạy học của mình, hãnh diện vì câu chuyện ông tôi cõng Bố tôi đi ăn cỗ bị hắt hủi, hãnh diện vì ông tôi không đổi bút lông thành bút chì mà tôi sẽ thắp sáng bằng ngọn đuốc nhà giáo.
Tỉnh lỵ, tôi đã nói, một việc nhỏ mọn đủ làm tất cả xôn xao. Tôi buồn vô cùng khi nghe xong một giờ thuyết trình của ông già Năm về các bạn đồng nghiệp trẻ của tôi, họ xứng đang bị thằng Phong miệt thị. Theo tôi, một thầy giáo từ Sài Gòn về tỉnh lỵ phải coi như từ cuộc đời vô nhà tu. Chúng ta đều là người, Khổng Tử, Mạnh Tử là người. Người Khổng tử trở thành thánh nhân chỉ vì dám nhắm mắt trước mọi quyến rũ vật chất. Khổng tử cũng thèm ăn trái cấm mô phạm như bất cứ một bậc thầy nào. Ngài đã nín cơn thèm. Và ngài là Khổng tử, là vạn biểu thế sư. Tôi muốn bênh vực cái tuổi trẻ của một số đồng nghiệp của tôi. Họ quan niệm rằng ròng rã 16 năm học tập khổ cực, đợi mãi mới kiếm được ngày kiếm tiền, thì phải thụ hưởng. thụ hưởng vội vàng. Thụ hưởng thật nhiều để trả thù những ngày bạch diện thư sinh, bánh mì và xôi là bạn thân thiết của những buổi sáng học trò. Muốn thụ hưởng thỏa đáng, cần phải kiếm tiền. tôi không có ý nghĩ coi thường các trường tư, nhưng các trường tư ở tỉnh lỵ vốn mang nặng mặc cảm về giáo sư của họ. Họ thấy giáo sư của họ thiếu bằng cấp cao, thiếu chất đại học sư phạm. Họ vồn vã mời các giáo sư trường công. Các đồng nghiệp của tôi đã lao vào lửa.Họ được ưu đãi, nịnh bợ ở trường tư. Họ được trường tư đem bằng này, cấp kia của họ quảng cáo đầu trường, xó chợ cùng các tên tuổi của họ. Họ thỏa mãn tự ái tuổi trẻ của họ. Họ đến với những người đãi ngộ họ. Và họ quên bổn phận của họ đối với học trò. Tỉnh lỵ buồn tẻ. Họ ham vui chơi, Họ tổ chức bài bạc sát phạt với nhau. Giao du rộng hơn, họ chơi bài với các ông bà lớn trong tỉnh. Hãy mường tượng một ông thầy thức trắng dêm Chúa Nhật đánh bạc, sáng thứ hai vào lớp!
Hãy tưởng tượng khuôn mặt bơ phờ, hốc hác, ngáp vặt suốt giờ dạy! KHông còn gì bệ rạc hơn. Cả tỉnh lỵ biêt những thầy ham bài bạc. Cả tỉnh lỵ đồn đãi những ông thầy gian díu với nữ sinh. Chưa hết, những ông thầy trẻ thường la cà ở các quán cà phê, quán rượu, tư cách vất đi hết. Các ông thầy trẻ tiếp nữ sinh trong phòng riêng của mình và cửa khép kín.
ở trong lớp, ông thầy trẻ đứng trên bục gỗ nhìn học trò suýt soát tuổi mình đâm ra tự ti mặc cảm. Ông thầy tự tôn mặc cảm thì dằn mặt, hạch hỏi, truy học trò gắt gao để lấy oai. Để làm cái thế thượng phong. Ông mày tao với học trò một cách phách lối, sai hẳn với những bài học sư phạm của ông. Học trò ngầm chống đối, những cậu quá khích nuôi hận thù và đợi dịp tỏ thái độ.
Thái độ như thái độ của bọn thằng Phong. Nhiều ông thầy trẻ hung huênh hoang, phô trương tài học, kiến thức và cách ăn diện đúng mốt. Ông thầy tự ti mặc cảm thì nhút nhát, hiền tới thái độ hè, không làm chủ nổi lớp học, không chinh phục được học trò. Lớp học ồn ào, đầy tiếng cười ngạo mạn. Ông thầy lặng thinh chấp nhận một đời công chức bình thường. Ngọn đuốc thầy giáo không thắp sáng nổi. Để học trò chống đối hay coi thường, ông thầy đã bất lực trong vai trò giáo huấn. Những ông thầy đánh bạc, tán nứ sinh, la cà ở các quán cà phê bị khớp miệng, chỉ giảng bài như cái máy và không dám nói về đức dục. tôi cho rằng sự sa đọa của giáo dục hôm nay là tại quan niệm sai lầm của Bộ Giáo Dục. Người ta giới hạn tuổi tác khi tuyển sinh viên vào các trường sư phạm. Các ông thầy trẻ tuổi trời và tuổi đời chưa bao nả nên chưa đủ kiên nhẫn và kinh duyệt. Các ông quá gần gũi học trò nên dễ bị đồng hóa với học trò.
Ngày xưa, những ông thầy thường bằng tuổi hay lớn hơn Cha Mẹ của học trò. Nhìn ông thầy, chửa hiểu tài ba của thầy ra sao, học trò đã kính trọng thầy của mình rồi. Học trò xưng con với thầy trìu mến như xưng cn với Cha Mẹ. Thầy giáo đầy quyền uy, Một tiếng thước kẻ đập mạnh xuống mặt bàn, cả lớp im phăng phẵ, sợ hãi. Lời Thầy rót vào tai, thấm vào hồn. thầy mắng, cúi mặt xấu hổ, biết ơn thầy dạy dỗ. Gặp thầy ngoài đường, cách xa hàng chục thước, đã dừng lại, đứng nép bên đường, mũ trên đầu bỏ ra, câm trên tay khoanh trước ngực chờ thầy tới gần để lễ phép chào Thầy. Đấy là những anh học trò ăn mặc sạch sẽ, đâu tóc chải chuốt, chứ những anh đầu bù tóc rối, mặt mũ nhem nhuốc, thấy bóng dáng thầy từ xa, đã tìm cách trốn tránh. Một chiếc khuy áo đứt, sợ thầy khiển trách, cũng còn chẳng dám chào thầy ngoài phố. Thầy đáng kính nể hơn Cha Mẹ. Được Thầy đến nhà chơi là một vinh hạnh. Đứng như cây gỗ, không dám nhúc nhích, thầy hỏi câu nào mới dám trả lời câu đó. Hình ảnh của những thày giáo của thế hệ tôi đã chìm khuất vào dĩ vãng. Người ta làm cách mạng, làm đảo lộn tất cả, Tôi chấp nhận, Nhưng làm cách mạng giáo chức, làm trẻ trung hàng ngũ giáo chức, sự trẻ trung chỉ vụ hình thức và chỉ tạo ra một lớp thầy giáo trẻ không được học trò kính nể thì tôi không chấp nhận.
Chưa kể những ông thầy bê bối, vô giáo dục trong sứ mạng giáo dục, hãy nói về những ông thầy trung học để nhị cấp như tôi, với số tuổi sấp sỉ học trò (học trò ở tỉnh học muộn, đa số khai rút tuổi đi) làm sao tôi dám xưng thầy và gọi học trò là con, mặc dù nền văn hiến của nước tôi cho phép tôi xưng hô như thế. Tôi sẽ bị chống đối ngay. Cách mạng đã hơn ba lần dấy động. Dấu chân Không Mạnh đã bị xóa mờ. Và chỉ thấy rõ rệt những bước chân cùi Tây phương in dấu trên đường giáo dục. Những bước chân cùi được mời vào xứ xở của những thằng mù. Và những thằng mù thay phiên nhau phá hoại nền văn minh dân tộc.
Người ta đã gạt những nhà mô phạm chân chính khỏi nền giáo dục bằng cách giới hạn tuổi tác khi tuyển sinh viên đại học sư phạm. Ba mươi tuổi là quá già. Mà ông thầy đệ nhị cấp cần trên dưới 40 tuổi mới đủ lấy cái uy của một ông thầy để học trò phải kính trọng. “ Tiển học lễ , hậu học văn”. Tôi nghĩ, quan niệm giáo dục cũ cần được bảo vệ đến nơi đến chốn. Ông thầy là sư phụ, là maitre. Ông thầy không thể là cán bộ giáo dục. Ông thầy là nhà tu hành, khổ hạnh hơn nhà tu hành vì không khoác được áo tu hành.
Những ngọn đuốc, theo ý Tagore chẳng bao giờ cháy sáng. Bởi vì, những nhà giáo già chân chính bị bạc đãi cả vật chất lẫn tinh thần; những nhà giáo trẻ coi chuyện dạy học như một đợi thời cơ, như một định mệnh an bài, như một thiếu suy nghĩ, như một lối kiếm sống hay, xót xa hơn, như một cách kiếm thêm tiền. Những người đã tốt nghiệp đại học sư phạm, đa số, muốn đời sống vững chắc bằng khoảng lương cố định, về già có hưu trí. Tôi đã rơi vào ý nghĩ miệt thị giáo sư trẻ tuổi của học trò. Tôi không trách họ. Điều đáng trách là cái chính sách giáo dục vô chính sách hôm nay. Phần nào đó, đáng trách, còn là chiến tranh. Chiến tranh đã du nhập vào đất nước này nhiều tệ trạng. Và tệ trạng đáng kết án đã làm người tuổi trẻ chán nản hiện tai, nghi ngờ tương lai. Thầy và trò đều trẻ tuổi. Từ đó, tư tưởng sống vội, hưởng nhanh đâm chồi, nẩy mộng. Để buông xuôi trách nhiệm. Sĩ khí không rụt rè gà phải cáo mà bệ rạc, tang thương.
Riêng tôi, tôi đã chọn nghề dạy học, đã thừa hưởng tinh thần chịu đựng của ông Nội tôi, Không có hoàng hôn của giáo dục bây giờ. Mà chỉ ngộ nhận mà mặc cảm và bỏ cuộc. Tagore nói : “ Tôi ngủ và tôi đã mơ rằng cuộc sống chỉ là vui thú, tôi thức dậy và nhận thấy rằng cuộc sống chỉ là phục vụ. Và tôi cảm thấy rằng phục vụ là vui thú.” Mọi vui thú đều có giá của nó. Tôi đã chọn nghề dạy học làm nỗi vui thú. Tôi phải trả cái giá cho nỗi vui thú của tôi.
Không hiểu sao, tôi rất tự tin. Rằng, ngọn đuốc tôi sẽ cháy sáng để mồi lửa cho những ngọn đuốc của thằng Phong.
***
LỚP HỌC RIÊNG CỦA TÔI KHAI giảng vào buổi sáng Chúa Nhật. Học trò đến thật đông khiến tôi cảm động và phấn khởi. Không có bọn thằng Phong và những cậu học trò yêu cầu tôi kể chuyện ăn chơi ở Sài Gòn, đòi cho coi báo Playboy. Họ ngoan ngoãn, lễ phép. Tôi bắt đầu làm việc với họ bằng lời nói chân thành:
– Tôi tốt nghiệp đại học ban Hán Việt, nhưng tôi hy vọng đủ khả năng dạy thêm các em những môn cần thiết như sinh ngữ, toán. Ta học cùng với nhau. Nếu bài nào tôi quên hay không hiểu rõ, các em cho phép tôi tra cứu lại và chúng ta sẽ làm sáng tỏ sau.
Một cậu học trò giơ tay, đứng dậy:
– Thưa thầy, thầy đừng khiêm tốn với chúng em.
Tôi nói:
– Tôi khiêm tốn với mọi người. Khiêm tốn là tự trọng. Sự học vốn được coi như cái bể. Học hỏi mà. Học đến chết vẫn chưa biết hết điều mình muốn học. Học để thi đậu thì dễ. Học để hiểu biết đến nơi đến chốn mới khó. Các em cần dành thì giờ đọc sách báo khoa học, chính trị, nghệ thuật thì mới có kiến thức phổ thông. Thuộc vài bài thơ của Nguyễn công Trứ, Cao bá Quát hay chứng minh nhanh như máy những bài toán hình học khó, không phải là vốn liếng bước xuống cuộc đời. Thứ dùng để đánh bóng giá trị một con người không bao giờ là bằng cấp. Đó là sự hiểu biết sâu rộng, cao xa và cách xử thế. Học làm người mới khó, các em đồng ý chứ?
Đám học trò im lặng, ngơ ngác. Tôi có cảm tưởng họ đang là những cánh chim nhỏ bé và nghĩ tôi là ngọn cây cao. Tôi phá tan sự im lặng của họ:
– Tôi cũng đang học làm người.
Cậu học trò khác đứng dậy, khoanh tay:
– Thưa thầy, chưa một thầy trẻ nào nói những lời của của thầy cho con nghe.
Tiếng “con” ngọt lịm. Tôi xấu hổ quá. Nhưng chợt nhớ câu mắng con gái của ông già Năm, tôi không yêu cầu đứa học trò xưng “em” với tôi.
– Các thầy nói gì?
– Thầy toán đe dọa hỏng bài toán là trượt lên đại học… Quân Trường, tu nghiệp tại Đồng Đế.
Cả lớp phì cười. Cậu học trò vẫn nghiêm trang:
– Thầy lý, bảo ban A, ban B hệ số cao. Sinh ngữ chỉ sai một câu chả sao, chứ lý, hóa sai câu đầu là hỏng hết, là trượt , là đi lính.
Tôi hỏi:
– Em sợ đi lính à?
Cậu học trò không đáp. Tôi vẫy tay cho cậu ngồi xuống. Tôi muốn nói với đám học trò của tôi đừng sợ đi lính. Nếu họ muốn làm người thì quân trường là trường học dạy làm người hay nhất.
Học trò đệ nhị, hầu như, sợ làm lính. Họ thích làm sĩ quan, nếu phải đi lính. Do đó, mảnh tú tài là một vấn đề sinh tử của họ. Và vấn đề sinh tử ấy đã làm đổ máu, đã gây ẩu đả ở các trường thi. Giám khảo dễ dãi, mảnh bằng vô giá trị. Giám khảo khó khăn thì bị ăn đòn, ăn dao. Nếu chế độ quân dịch được đối xử bình đẳng, nghĩa là, bất kể tiến sĩ, kỹ sư, cử nhân, bác sĩ, tú hay không mảnh bằng nào, đến tuổi nhập ngũ phải đi hết, không được hoãn hay miễn dịch vì lý do tối cần thiết, lý do học vấn… và đều là lính binh nhì sau thời gian thụ huấn quân sự thì chằng còn ai sợ đi lính. Rồi thời gian làm bổn phận công dân được ấn định rõ rệt, hai hay bốn năm và thực thi nghiêm chỉnh, người tuổi trẻ biết chắc ngày về để làm tương lai của mình, họ sẽ hăng hái nhập ngũ. Ai thích làm sĩ quan phải chọn lính làm cái nghề và phải thi vào trường Võ Bị Quốc Gia. Tương lai quân đội Việt Nam sẽ không còn sĩ quan tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức nữa. Và chế độ quân dịch sẽ bình đẳng. Hiện tại, vì nhu cầu sĩ quan cần thiết, trường Võ Bị Quốc Gia đào tạo sĩ quan hiện dịch rất công phu, chưa đủ cung cấp cho chiến trường những sĩ quan cấp úy vừa giỏi cả văn lẫn võ nên cái ranh giới đệ nhị và tú tài là một vấn đề sinh tử của học trò. Vấn đề đó làm đảo lộn giáo dục, nghiêng ngả học đường, phôi pha tình nghĩa tình thầy trò. Và ông thầy trẻ dùng quân dịch để áp đảo học trò. Và các tư thục dùng đòn quân dịch dể dọa nạt học trò chầm trễ lệ phi. Chiến tranh chỉ đang trách phần nhỏ. Những kẻ lợi dụng chiến tranh buôn bán chữ nghĩa mới đáng trách nhiều. Họ còn tệ mạt hơn kẻ làm giàu trong chiến tranh.
Tôi hỏi cả lớp:
– Đã em nào xem xem phim L’enfer des hommes chưa?
Đám học trò tỉnh lỵ của tôi nhao nhao:
– Thưa thầy, chưa ạ. Phim hay không thầy?
Tôi đáp:
– Hay ở chỗ vai chính đóng lại đời lính quân dịch của mình.
Tôi tóm tắt cuộc đời anh binh nhì Audie Murphy trong đệ nhị thế chiến. Anh ta không hề học ở West Point. Nhờ chiến đấu anh dũng và thay thế cấp chỉ huy khi cấp chỉ huy gục ngã, anh được thăng trung úy, được rất nhiều huy chương. Có một huy chương chính do tướng De Lattre de Tassigny gắn lên ngực anh. Thế chiến chấm dứt, Audie Murphy dời Âu Châu về Mỹ làm tài tử xinê, đóng phim cao bồi. Một trong những cao bồi tôi thích nhất là Le nettoyeur mà tôi hứa sẽ có dịp kể cho bọn thằng Phong nghe.
Tôi kết luận:
– Giá trị của người lính là ở sự chiến đấu anh dũng, không bao giờ là cái lon đeo trên cổ áo.
Mỗi Chúa Nhật, ngoài giờ dạy thêm học trò sinh ngữ, việt văn, toán, tôi thường nói với họ về những mẩu chuyện mà “các thầy trẻ khác không nói”. Học trò các trường tư, bạn bè của họ, tới xin học tôi, tôi nhận dạy. Và tôi phải mất thêm buổi chiều. Như thế, tôi không có Chúa Nhật. Nhưng tôi bằng lòng phục vụ họ, phục vụ là vui thú. Tagore đã nói đúng. Mỗi buổi sáng Chúa Nhật, sau một tháng phục vụ những người học trò hiếu học, bọn thằng Phong xuất hiện. Nó vào lớp khi tôi đang giảng một đoạn văn của Dickens. Vẫn tác phong quen thuộc, thiếu chỗ ngồi, bọn chúng ngồi lên bàn đầu của các cô học trò. Thằng Phong rút thuốc lá ngậm miệng rồi quẹt một que diêm Mỹ vào đế giày, mồi thuốc. Nó cười, hai hàm răng nghiến chặt cái đầu lọc:
– Phiền bạn không, bạn Định?
Tôi nói:
– Không phiền cho tôi, nhưng phiền cho các cô ngồi sau lưng các anh.
Thằng Luyện quay lại đàng sau, nham nhở:
– Các em phiền các anh? Tụi này chịu chơi mà…
Mấy cô học trò không đỏ mặt xấu hổ, nhưng đã xanh mặt tức giận, Thằng Thiện giả đò vươn vai, ngáp dài:
– Chúa nhật mà dạy với học thì sức đâu lên nước Thiên Đàng! Về nước địa ngục hết trọi.
Không ai cười câu nói khôi hài vô ý thức của con ngựa chứng trừ cái băng bốn thằng của nó. Đám học trò đổi thái độ, nhất là Nguyễn văn Lành. Tôi nhìn những tia mắt anh lửa giận dữ của họ và nói một câu bâng quơ “Mọi chuyện sẽ ổn thỏa”, nhằm bảo với họ rằng, hãy bình tĩnh , kẻo đổ vỡ tất cả. Tôi vẫy tay :
– Buổi chiều, chúng ta sẽ tiếp tục. Sáng nay, học thế là đủ, ít ra, đủ chứng minh phẩm cách của người học trò. Các em có thể về.
Ngựa chứng đầu đàn cười ngạo mạn. Nó đấm nắm tay xuống mặt bàn:
– Buổi chiều, liệu tiếp tục nổi không?
Tôi dục học trò:
– Các em về đi!
Nguyễn văn Lành và người bạn trường tư của nó đứng dậy. Và Lành hỏi:
– Thầy cũng về chứ, thưa thầy?
Tôi đáp:
– Tôi ở lại. Tôi không có nhà. Nhà tôi là nhà trường.
Bốn con ngựa chứng nhất loạt nhảy xuống khỏi bàn học. Chúng quay lưng vể phía bảng đen, đối diện bọn Nguyễn văn Lành như bốn tên cao bồi sửa soạn rút súng. Thằng Phong nghiến răng:
– Mày ngon hén, Lành?
Cô nữ sinh ngồi cạnh con gái ông già Năm lên tiếng:
– Ảnh không mất dạy như anh. Chiều nay, thầy sẽ dạy và tôi sẽ đến học.
Thằng Phong nhún vai:
– Sai ông già đem lính kiểng tới bảo vệ hả? Tụi này có biệt kích, ông tỉnh trưởng dám đàn áp học sinh không?
Tôi biết cô học trò Nhị BI hiền lành, duyên dáng, tên Phạm kim Liên là ái nữ ông tỉnh trưởng. Nàng như mọi cô gái khác. Giản dị, hòa hợp với bạn bè. Nàng đã tỏ thái độ với con trai ông phó nội an. Nàng nói:
– Anh thách thức ba tôi đấy nhé.!
Tôi đứng trên bục gỗ ngó một vết rách trên manh áo học đường. Và tôi bảo:
– Các em về hết đi, nếu các em thương tôi.
Đám học trò lục đục dời khỏi lớp. Họ không chịu về mà đứng ở sân trường chờ đợi, Tôi hiểu họ chờ đợi để can thiệp đúng lúc, nếu bọn thằng Phong gây sự hành hung tôi. Tôi không cần họ can thiệp. Tôi đủ sức đối phó với đám ngựa chứng. Tôi phải chinh phục bọn thằng Phong. Và tôi muốn chúng hiểu tôi đã khắc ghi lời vàng ngọc của Lyon Phelps vào tim phổi. Dạy học không bao giờ là một nghề nghiệp tầm thường hoặc một kế sinh nhai. Mà là một thiên chức và một đam mê. Tôi thích dạy học. Nếu bọn thằng Phong hiểu tôi, chúng sẽ hết đồng hóa tôi với một số đồng nghiệp trẻ tuổi thiếu đam mê, quên thiên chức của mình và chúng không miệt thị, không khiêu khích tôi nữa. Chúng sẽ ngồi ngoan dưới ghế học trò, kính yêu thầy trên bục gỗ. Nhớ lại những ngày tôi còn ở trường sư phạm, vị thầy khả kính của tôi, Sư huynh Mai Tâm, đã dạy tôi Nghệ thuật dạy học. Tâm lý giáo dục, tâm lý thanh thiếu niên do ngài soạn thảo, tôi đều dùng làm sách gối đầu giường. Tôi cũng đọc Tác phong nhà giáo của Simon và tự kiểm điểm tác phong của mình. Tôi thấy không có gì để bọn thằng Phong nghi ngờ tư cách và kiến thức của tôi. Về nghệ thuật dạy học, Sư Huynh Mai Tâm dạy rằng: Thầy giáo phải ưa chuộng các môn mình dạy, thầy giáo phải yêu mến các môn sinh của mình, thầy giáo phải hiểu biết các môn sinh của mình, thầy giáo phải siêng năng học hỏi và tu dưỡng trí thức, thầy giáo có tính vui vẻ, khôi hài… Những cái “phải” trong trong nghệ thuật dạy học, có thể, tôi chưa vững vì tuổi nghề chưa bao nả. Nhưng nhất định không thiếu sót. Tôi tự hỏi tại sao Sư huynh Mai Tâm, vị thầy kính yêu của tôi, chinh phục được tất cả các môn đệ của ngài. Mà môn đệ của ngài lại thúc thủ trước đám ngựa chứng. Tôi thật sự chưa hiểu bọn thằng Phong chăng? Chiến tranh đã làm một số tuổi trẻ thành phố trở nên cô đơn, lạc lõng và khó hiểu chăng? Tôi không tin tình người Việt Nam dễ phôi phai đến thế. Tôi muốn tìm hiểu rõ ngọn nghành u ẩn của bọn thằng Phong. U ẩn của tuổi trẻ là một căn bệnh. Căn bệnh sinh nhiều biến chứng, biến chứng trong lớp học, biến chứng ngoài cuộc đời.
– Nè ông giáo sư, tụi này cóc ngán thằng nào ráo trọi.
Thằng Luyện nói, Nó bóc thanh kẹo cao su, bỏ vô miệng nhai và nó thổi bong bóng. Rồi đưa hai bàn tay đập vỡ cái bong bóng. Một tiếng nổ nhẹ, nó hỏi tôi:
– Nghề không?
Tôi đáp:
– Em có tài vặt, người nào nhiều tài vặt, ra đời đỡ khổ.
Nó cười:
– Dạy học được chứ?
Tôi chưa kịp trả lời thằng Luyện thì thằng Phong đã hất hàm:
– Con Liên là gì của giáo sư?
Tôi cắn chặt môi để kìm cơn xúc động. Ngựa chứng đầu đàn liếm mép:
– Tôi ngờ quá.
Không ai đau khổ và nhẫn nhục hơn tôi lúc này. Tôi có thể tát mạnh vào mặt thằng Phong, đạp nó ngã chúi và cho mỗi con ngựa chứng một bài học bằng bạo lực nếu tôi không coi chuyện dạy học là một thiên chức và một đam mê.
– Anh Phong.
– Gì?
– Tôi là thầy giáo.
– À, thiếu gì thầy giáo cua học trò. Khối thằng học trò mất đào vì đào của chúng nó ham làm vợ thầy giáo. Tôi đã mất một con đào. Tình địch của tôi là thằng thầy trẻ như ông ấy.
– Tôi muốn anh bình tĩnh.
– Tôi không muốn bình tĩnh.
– Anh phán xét tôi sai cả. Anh ngộ nhận. Tôi muốn hiểu các anh và các anh hiểu tôi. Nếu các anh không thích học, các anh để các bạn anh học.
– Hiểu thì ăn cái giải gì?
– Không ăn cái giải gì hết, nhưng sẽ không làm anh ân hận một mai.
– Chúng tôi thề cóc có ân hận. Đời còn chó gì đáng để mình ân hận. Ông ham dạy, bọn nó ham học khiến tụi này mắc cở nên không khoái ông giở trò. Dạy ít thôi, Dạy cả Chúa Nhật. Chúa sẽ phạt ông!
– Tôi giúp đỡ họ.
– Miễn phí à? Tốt, tốt, tháng đầu trổ tài nghệ quyến rũ học sinh. Tháng sau sẽ thu tiền rồi tiền in bài. Tháng kế tiếp là học phí tượng trưng. Thủ đoạn “cua pạc” miễn phí, tụi này quen quá.
– Anh lại ngộ nhận.
– Sức mấy, tôi thừa kinh nghiệm.
– Anh chưa có “kinh nghiệm”, chưa có một tí “kinh nghiệm” nào về tôi. Trong tâm hồn anh chứa đầy thành kiến. Anh sẵn chiếc mũ hôi hàm để chụp lên đầu bất cứ một ông thấy giáo nào của anh, miễn là họ trẻ, họ chỉ hơn các anh vài tuổi.
Ngựa chứng đầu đàn nhả khói thuốc, suy nghĩ. Những đứa khác nín lặng chờ đợi phản ứng của xếp chúng. Tôi khai thác triệt để lời dạy về nghệ thuật tuyên truyền của Lénine: Muốn lời nói của mình đi vào tâm hồn của người nghe thì phải làm sao cho lời ấy đi qua lỗ tai của người nghe đã.” Tôi luôn luôn nghĩ rằng những thanh niên ngang tàng nhất, bướng bỉnh nhất là những thanh niên giàu tình cảm nhất. tình cảm ấy bị chôn lấp. Nếu ta khai quật lên được, tình cảm sẽ làm mềm những trái tim ngỡ rằng chai lì, sắt đá. Đó cũng là nghệ thuật trong nghệ thuật dạy học.
– Anh Phong, Nguyễn quý Phong, Trần chí Thiện, Lê quang Luyện, Tôn Thất Du.
Thằng Thiện gật gù:
– Thuộc tên dữ đa?
Tôi nói:
– Các anh hãy dẹp bỏ tự ái đi, nếu không, bước xuống cuộc đời, các anh sẽ khổ sở vì tự ái.
Tôi giơ tay:
– Các anh đừng cắt ngang, đừng vội bỉ thử. Ta hãy coi chỗ ta đang đứng không phải là lớp học và tôi chưa từng dạy học. Tạm coi chúng ta là bạn. Tôi là người bạn tình cờ của các anh, tôi muốn kể cho các anh nghe về cuộc đời tôi. Tôi không còn trẻ như các anh ngó qua bề ngoài đâu. Tôi có một thời thơ ấu tối tăm, chật vật, một nghề dạy học xây bằng đau khổ, nghèo hèn, buồn tủi và ước mơ. Không bao giờ tôi đồng hóa các anh với bọn du đãng ngoài học đường, tại sao các anh đồng hóa tôi với người khác? Tại sao, tại sao?
Ngựa chứng đầu đàn trả lời:
– Tại vì…
Nó đang tìm một câu nói thật tàn nhẫn , độc địa, tôi không để nó nói. Khoanh tay trước ngực, tôi nhìn con ngựa chứng đầu đàn:
– Thành thật một chút, anh Phong. Có phải anh tự cảm thấy nhỏ bé trước tôi không?
Ngựa chứng đầu đàn nghiền nát cái đầu lọc của điếu thuốc. Nó phì điều thuốc khỏi môi:
– Anh là cái thớ mẹ gì?
Và nó ngoắt tay. Cả bọn bước ra ngoài. Gian lớp trống vắng. tôi vừa hé mở cánh cửa tâm sự của con ngựa chứng, của những con ngựa chứng trong sân trường. Một tia sáng chiếu vào tâm sự ấy. Tâm sự của những kẻ tự ti mặc cảm. Tội nghiệp, chúng nó hẳn cô đơn và đáng thương xót. Tôi cũng dời lớp học, liền đó. Ở sân trường, đám học trò đứng yên lặng ngó tôi. Mỉm cười rất thoải mái, tôi nói lớn:
– Chiều nay chúng ta vẫn làm việc.
***
NGỰA CHỨNG KHÔNG BÉN MẢNG tới sân trường đã hơn tuần lễ. Chằng ai theo dõi chúng nó cả. Ông hiệu trưởng cầu an, ngoảnh mặt làm ngơ. Ông tổng giám thị cũng vậy. Ở tỉnh lỵ, ông phó tỉnh trưởng nội an nhiều quyền lắm, kể cả quyển chụp mũ phản động lên đầu bất cứ ai ông muốn. tôi hiểu thế. Nhưng tôi cứ hành động theo lương tâm một nhà giáo. Ông thầy được giao nhiệm vụ giáo huấn thì phải làm công việc giáo huấn, giáo huấn không xong chỉ còn cách giải nghệ. Tôi tự thấy tôi có bổn phận đối với bọn thằng Phong. Chúng nó hư hỏng là lỗi tại gia đình, học đường và xã hội. Để chúng nó bỏ bê sách vở, phá phách lớp học, khinh mạn thầy giáo. Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của tôi là tạo cho chúng nó niềm tin mà chúng tưởng đã bị tước đoạt. Không có gì tai hại cho tuổi trẻ bằng sự lừa gạt họ. Căn bệnh tưởng bị lừa gạt, tưởng bị tước đoạt niềm tin đang gây nhiều biến chứng trầm trọng.
Chung quy vẫn là lỗi của những người chịu trách nhiệm với tuổi trẻ. Dường như, ở thời đại hôm nay, người già thiếu độ lượng, khoan dung ban cho người trẻ. Người già cầu an, bỏ bê người trẻ. Rồi chờ người trẻ phạm tội để kết án. Ông hiệu trưởng của tôi, chẳng hạn.
Tôi chợt nhớ một phim cao bồi xem cách đây mười năm. Tôi quên tên phim, chỉ nhớ tên tài tử Jeff Chandler, John Saxon. Bọn du đãng có bốn đứa. Cầm đầu là John Saxon lai Mễ tây cơ. Ba đứa kia còn non choẹt. a dua theo John Saxon, khi chúng phóng ngựa tới một quận lỵ, sherif quận này đã bị giết chết. Thoạt đầu, chúng ăn uống, cười nói nham nhở. Thấy quận lỵ không có sheriff, chúng không muốn đi nữa. Công lý nằm trong tay kẻ có súng. Chúng có súng. Chúng bắt đầu phá phách. Jeff Chandler là một đại úy hồi hưu. Ông đã đứng tuổi và cụt tay trái. Biết ông là thiện xạ, một số người trong quận đến yêu cầu ông đuổi bọn du đãng ra khỏi quận. Ông từ chối. Bọn du đãng bắn súng bừa bãi, gieo khủng bố. Không ai dám chống, chúng tưởng dân ở đây sợ chúng nên ngang ngược hơn. Chúng cướp tiền và hãm hiếp con gái. Đến lượt người yêu của Jeff Chandler xuýt bị hãm hiếp, ông đại úy lầm lì này mới ra tay. Kết quả: tội ác đã xảy ra và ba tên du đãng phơi xác. Tên cuối cùng non choẹt, vất súng, khóc lóc xin tha chết và hứa về nhà học hành chăm chỉ.
Cuốn phim không giải thích, Nếu ta muốn suy nghĩ. Cuốn phim chỉ là cuốn phim cao bổi bình thường. Có lẽ, đạo diễn muốn ta suy nghĩ rằng tội ác có thể ngăn chặn từ đầu nếu Jeff Chandler không cầu an, ích kỷ. Ông đại úy già trổ nghề bắn ngay thì bọn du đãng đã biến mất. Phải đợi người yêu của ông đụng chạm, tức là quyền lợi riêng của ông bị đe dọa, ông ta mới chịu đương đầu. Thì người chết và tội ác có dấu vết. Bọn thằng Phong giống bọn du đãng tôi vừa kể. Ông hiệu trưởng đang sắm vai của Jeff Chandler. Ông ta chưa bị chúng nó bỉ thử nên vẫn khoanh tay ngồi yên, và chúng tưởng ông khiếp nhược. Tôi không khiếp nhược. Tôi không muốn hành động như Jeff Chandler. Tôi chỉ muốn bọn thằng Phong ngoan ngoãn ngồi trên ghế học trò. Hay, ít ra, tôi muốn chúng nó hiểu chúng nó đã đứng bên bờ vực thẳm.
Một buổi tối, sau bữa cơm, con gái ông tùy phái già dẫn Kim Liên sang phòng tôi, Tôi bối rối một thoáng rồi tỏ vẻ không bằng lòng. Tôi bảo Lan gọi Ba nàng qua. Và tôi phân trần:
– Bác Năm, tôi đang tìm cách chinh phục bọn thằng Phong.
Ông Năm hiểu ý tôi, ông nói:
– Quên bọn mất dạy đó đi, thầy.
Tôi vò đầu:
– Sáng Chúa Nhật trước, chị Liên (tôi cố ý dùng tiếng chị để Liên khỏi xưng em) bênh vực tôi trong lớp. Bọn thằng Phong ngờ tôi có tình ý gì với chị ấy. Tôi xuýt điên lên. Tôi không muốn bất cứ một nữ sinh nào tới thăm tôi cả.
Ông già Năm tròn xoe mắt:
– Bọn hỗn láo đó dám nghi ngờ tầm bậy.
Ông Năm đâu hiểu thằng Phong còn dùng lời nói tàn nhẫn phũ phàng kết tội tôi.
Tôi thở dài:
– Tôi muốn chúng nó hết dám nghi ngờ tầm bậy. Tôi muốn làm khác, sống khác với những người chúng nó khinh bỉ.
Kim Liên nhỏ nhẹ:
– Em xin lỗi thầy.
Tôi chợt ân hận:
– Chị không có lỗi gì cả. Tôi mong chị hiểu tôi.
Kim Liên khoanh tay:
– Em tới đưa thư của ba em cho thầy.
Tôi nói:
– Bận sau, chị nên gởi ở văn phòng, họ sẽ chuyển cho tôi.
Kim Liên chớp mắt:
– Em sẽ nhớ.
Nước mắt nàng ứa ra. Tôi bắt tội nghiệp. Chỉ cần bảo về là Kim Liên về ngay. Nhưng tôi không nỡ. Tôi gượng cười:
– Phòng của tôi thiếu ghế tiếp khách. Chúng ta chịu khó sang bên bác Năm.
Kim Liên trao bức thư rồi rút chiếc khăn từ trong cái bóp nhỏ, thấm nước mắt. Ông già Năm vỗ vai con gái:
– Con đưa cô Liên về dinh đi.
Tôi không giữ nàng lại. Kim Liên theo con gái ông tùy phái dời phòng tôi, Nàng quên chào tôi. Ông già Năm vẫn đứng bất động. Ông nói:
– Thầy không giống những ông thầy trẻ đã dạy ở trưởng này.
Ông tiếp:
– Thật bất hạnh cho bọn thằng Phong.
Ông hỏi:
– Ông tỉnh biết chuyện rồi à?
Tôi bóc phong thư ra coi. Và nói:
– Ông ấy mời tôi ăn cơm chiểu mai. Tôi sẽ phiền bác Năm chuyển dùm bức thư cáo lỗi.
Ông già Năm ngạc nhiên:
– Thầy từ chối à?
– Ăn tối với ông tỉnh xong, tôi sẽ phải ăn cơm với nhiều phụ huynh khác , nếu họ mời tôi. Nhưng nếu họ không mời , tôi sẽ bị đàm tiếu, người thầy phải biết cử xử cho hợp tình. Hơn nữa ông tỉnh trưởng có quyền thế, dù ông rất tốt, mà tôi, tôi muốn học trò của tôi đứng thẳng trước quyền thế. Chỉ cần làm việc lương thiện, mọi người đều có quyền đứng thẳng và kẻ quyền thế sẽ đến với ta thay vì ta tìm họ.
Ông già Năm ngồi trên mép chiếc ghế bố nhà binh của tôi. Ông vấn thuốc rê, châm lửa hút. Im lặng lúc lâu giữa hai chúng tôi. Rồi ông già Năm liệng điếu thuốc vừa vấn công phu và mới hút được vài hơi. Ông nói:
– Thầy giữ gìn quá đấy.
Tôi cười:
– Bác cũng nên hiểu rằng ông tỉnh trưởng có cô con gái là học trò của tôi.
Ông già Năm thích chí đọc nhanh 2 câu thơ cổ:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Ông gật gù:
– Thầy nghĩ đúng. Sắc đẹp nó thường làm hỏng sự nghiệp của mình.
Tôi đùa với ông già Năm:
– Sắc đẹp của vợ tôi thì sao?
Ông già Năm liếm mép:
– Cũng hỏng luôn.
Hai chúng tôi cười dòn dã. Lần đầu tiên, kể từ ngày tôi dạy ở đây, tôi mới được cười thoải mái. Ông già Năm là “đồng chí” của tôi. Ông đã âm thầm khích lệ tôi. Tôi biết tôi có thể dìu bọn thằng Phong về bàn học nhờ những Nguyễn Văn Lành và ông già Năm. Người ta cứ hay ồn ào một chuyện nhỏ mọn. Con chuột đẻ ra trái núi. Nhưng người ta lại ngại ngần ngăn chặn tội lỗi từ một chuyện nhỏ mọn. Ông già Năm và tôi nói chuyện khá lâu. Đêm hôm ấy, tôi ngủ thật ngon. Sáng dậy, tôi tin tưởng ở tôi, ở đạo đức của một ông thầy. Đạo đức chưa phải là đồ bỏ. Đạo đức vẫn còn đầy uy quyền nhiệm mầu cải tạo xã hội và con người.
Những lớp học có giờ của tôi đã dần mất hết sự đùa bỡn quá đà của học trò. Họ bằng lòng rồi thích thú nán lại trong lúc ra chơi hay tan trường để nghe tôi nói về những kinh nghiệm của tuổi trẻ bước xuống cuộc đời. Không còn cậu học trò nào đòi tôi kể chuyện ăn chơi ở Sài gòn hay đòi xem báo Playboy. Tôi thường khuyên họ trau giồi sinh ngữ để có vốn đọc sách báo khoa học nước người. Tôi cũng khuyên họ tìm hiểu sử, địa thế giới và trao đổi với họ quan niệm thưởng ngoạn văn chương, âm nhạc, hội họa… Tôi nghĩ, nếu họ biết thưởng thức đúng đắn, văn học nghệ thuật nước nhà sẽ nâng cao giá trị. Và những hình thức nghệ thuật rẻ tiền sẽ bị đào thải hay chỉ còn sống thoi thóp. Nếu tôi không đủ đạo đức và tài năng dìu bọn thằng Phong về bàn học, tôi cũng được thỏa mãn tự ái nghề nghiệp. Vì, ngựa chứng trong trường không thêm con số. Vẫn bốn con, cô đơn lạc lõng. Ông hiệu trưởng khen tôi yêu nghề. Chuyện đó tầm thường quá. Nhà giáo dạy học phải yêu nghề khi chọn nghề ra đời mà chính mình không yêu nghề thì quả là lố bịch, giả dối. Thỉnh thoảng, có dịp xuống phố, gặp học trò, tôi hãnh diện được họ lễ phép chào, Tình thầy trò không thể phôi pha, không một hoàn cảnh nào làm nó phôi pha nếu ông thầy thực sự là một ông thầy.
Bỗng nhiên, tôi trở thành “nhân vật” của của học trò trung học tỉnh lỵ. Học trò trường tư cũng biết tôi và tỏ vẻ quý mến tôi khi gặp họ ngoài phố, thường là những trường hợp hạn hữu. Tôi sống âm thầm trong trường, làm bất cứ điều gì có thể giúp ích cho học trò của tôi. Ông già Năm hoan hỉ báo tin tôi rằng các em học đệ tứ mong chóng lên lớp để được học với tôi. Thú thật, tôi rất sung sướng. Đó là phần thưởng mà cuộc đời tặng tôi sau lần bắt tôi hưởng những bỉ thử, ngộ nhận của bọn thằng Phong. Tôi có vẻ lý tưởng? Tôi không phủ nhận điều đó. Khi người ta còn lý tưởng và, nhất là, còn hoàn cảnh để bảo vệ lý tưởng của người ta thì phải bảo vệ đến nơi, đến chốn. Những đồng nghiệp của tôi, trước ngày dời trường sư phạm, đều ăm ắp lý tưởng. Tôi nghĩ, trừ một số thầy giáo coi nghề dạy như một an bài của định mệnh, còn thì đều coi nghề dạy là một thiên chức, một đam mê. Nhưng thiên chức và đam mê dần dần bị cái cảnh thê tróc tử phọc nó ám ảnh. Cái màn khói u ám đã làm ngọc quý bớt sáng rồi không sáng. Rồi hoàn cảnh xã hội, rồi vật giá leo thang, đồng tiền mất giá toa rập với nhau bóp méo lý tưởng của người thầy giáo. Câu có thực mới vực được đạo ở đâu và bao giờ cũng đúng. Tôi không trách những ông thầy tư thục chạy trường như vũ nữ chạy bàn, như ca sĩ chạy phòng trà. Họ cần sống, gia đình họ đòi họ phải làm việc hết sức của họ. Bởi vì chưa có một viện dưỡng lão cho thầy giáo trường tư, chưa có làng tư thục, chưa có quỹ tương trợ cho thầy giáo. Bởi vì nhà nước và cả phụ huynh học sinh không khi nào hiểu thấu nỗi túng quẫn vật chất của những ông thầy con cháu đầy đàn. Bởi vì xã hội Việt Nam đã bạc bẽo với thầy giáo, đã không ưu tiên số một, đãi ngộ tối đa thầy giáo, những người đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai, đào tạo công dân lương thiện. Nếu tôi trách móc chỉ là trách móc những ông thầy trẻ chưa lâm vào tình trạng thê tróc tử phọc đã quên cái thiên chức của mình. Họ ham mê bài bạc, rượu chè, trai gái. Đánh bạc thua, tất phải xoay xở. Họ bỏ bê trường lớp, làm cả những công việc mà nhà giáo không thể chấp nhận. Vì mất thì giờ chạy tiền gỡ gạc, họ bỏ bê học trò. Làm sao học trò có thể kính trọng những ông thầy giáo mà họ biết rõ thầy của họ bài bạc bê bối? tôi rất buồn câu “Làm những gì tôi nói và đừng làm những gì tôi làm” mà các ông thầy thường át giọng bình phẩm của học trò. Cái xã hội phân hóa, tan nát giá trị hiện tại, tôi nghĩ, muốn cứu vãn, hàn gắn, những ông thầy cần phải hy sinh. Phải tự khép kín mình cơ hồ như một thầy tu. Hãy thử nhìn vào các trường do các Sư Huynh Dòng Lasan đảm trách thì rõ. Tấm áo không làm nên thầy tu, nhưng tấm áo thầy tu của các Sư Huynh Dòng Lasan đã làm nên những ông thầy giáo đáng kính trọng. Đến một ngày nào đó, không những các thầy giáo mà còn là các nhà lãnh đạo dân tộc, phải khép kín mình vào đời sống tu hành chân chính thì cái bức dư đồ rách mới mong bồi vá được.
Tôi không sợ hãi bốn con ngựa chứng trong sân trường dẫm nát thiện chí của tôi nữa. Chúng nó đang cô đơn, lạc lõng . Chúng nó sẽ cô đơn, lạc lõng hơn. Hoặc chúng phải về tàu ngựa cũ, ngoan hiền dưới bàn học, hoặc chúng sẽ rơi xuống vực thẳm, sẽ hối hận trọn đời chúng, mà tôi, tôi chỉ muốn dìu chúng về bàn học.
***
ÔNG TỈNH TRƯỞNG TỚI TRƯỜNG thăm tôi trong giờ dạy. Ông không đòi vào lớp mà chịu khó đợi tôi ở văn phòng. Tôi bắt đầu kính trọng lối xử thế của ông vì ông biết kính trọng nghề nghiệp của tôi. Ông già Năm hớt hả báo tin. Tôi nhờ ông xin lỗi ông tỉnh trưởng hết giờ dạy sẽ lên. Ông già Năm ngạc nhiên. Học trò của tôi cũng ngạc nhiên. Tôi nói:
– Việc học của các em là quý. Tôi không thể ăn cắp giờ của các em. Mười phút của tôi bằng nhiều giờ của mấy chục em.
Tôi trách khéo Kim Liên:
– Cái hiện tại mà tôi có là do tôi làm ra. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có, cũng do tôi làm ra. Tôi không thích ỷ lại, nhờ vả.
Hết giờ học, tôi lên ngay văn phòng, Ông tỉnh trường đang nói chuyện với ông hiệu trưởng. thấy tôi, ông đứng dậy, niềm nở bắt tay tôi:
– Giáo sư Định?
Ông hiệu trưởng trả lời:
– Vâng.
Tôi nói:
– Xin lỗi đại tá đã mất công chờ đợi.
Ông tỉnh trưởng vui vẻ:
– Giáo sư mắc dạy con tôi mà…
Ông hiệu trưởng không cần giới thiệu. Khi ông già Năm mang nước mời khách quý thì ông hiệu trưởng cáo lỗi ra ngoài. Ông bảo đến giờ họp ở Ty Tiểu học. Tôi hiểu ông tỉnh trưởng muốn nói chuyện riêng với tôi.
– Giáo sư chê cơm của gia đình tôi hai lần đấy nghe, giáo sư. Nhưng tôi không dám làm phiền giáo sư đâu. Tôi biết giáo sư không muốn ra ngoài.
Tôi chưa kịp giải thích, Ông tỉnh trưởng đã nói:
– Tôi đã gọi ông phó nội an của tôi, bắt ông ta phải dạy thằng con cầu tự của ông ta. Cái thằng mất dạy Phong, tôi đã cảnh cáo ba nó, bất cứ đứa nào đụng tới giáo sư là tôi bắt nhốt nó. Phụ huynh ở đây khen giáo sư đứng đắn và thương yêu học trò.
Tôi nói:
– Cám ơn đại tá, đại tá quá lo cho tôi, thực ra trò Phong chưa hề hỗn láo với tôi, có lẽ tại trò Phong học mất căn bản nên chán nản học hành.
– Giáo sư độ lượng đấy. Con gái tôi mới cho hay chính thằng Phong đã hành hung mấy thầy trẻ trước. Tôi có trách ông hiệu trưởng không báo cho tôi biết.
– Các cô nữ sinh hiền lành nên ưa quan trọng hóa vấn đề.
Ông tỉnh trưởng bỗng bỏ rơi thằng Phong và nhìn tôi bằng đôi mắt ăm ắp tình cảm:
– Giáo sư thấy Kim Liên thế nào?
Tôi đáp:
– Chị Liên học khá, Sinh ngữ hơi kém, cần học thêm ở nhà.
Ông tỉnh trưởng nói:
– Tôi biết giáo sư khó khăn, chẳng dám nhờ vả.
Tôi hỏi:
– Đại tá muốn tôi giúp gì đây?
Ông tỉnh trưởng nhún vai:
– Tôi chắc là giáo sư từ chối. Tôi muốn giáo sư kèm thêm sinh ngữ cho Kim Liên.
Tôi nói:
– Mỗi Chúa Nhật tôi đều kèm thêm sinh ngữ cho những cô, cậu học trò kém sinh ngữ, nếu chị Liên biết cách học, chỉ cần học thêm ở nhà.
– Con bé không biết cách học. Nó mến giáo sư vô cùng. Nếu được giáo sư kềm cặp, nó sẽ giỏi.
– Khổ nỗi, tôi…
Tôi ngừng lại, không muốn cho ông tỉnh trưởng biết sự thật về bọn thằng Phong. Tôi hứa hẹn bâng quơ:
– Vâng, thưa đại tá, để tôi lo liệu thì giờ rồi tôi sẽ trả lời sau.
Vừa lúc trống trường vào học, ông tỉnh trưởng hỏi:
– Giáo sư còn giờ dạy không?
Tôi đáp:
– Còn.
Ông tỉnh trưởng bắt tay tôi cám ơn, và ông ra về. Tôi gặp thêm một sự bối rối và sự bối rối có vẻ bi đát hơn ngựa chứng. Suốt hôm đó, tôi suy nghĩ. Cô học trò Kim Liên đã xía vào việc của tôi. Cô ấy thương tôi, đồng ý, nhưng quả thật nếu ông tỉnh trưởng bênh tôi vì con gái ông ta thương tôi, ông cảnh cáo ông phó nội an và ông phó nội an bênh con ông ta thì tôi không những bị thằng Phong ghét mà còn bị nó thù hận. Khi đã thù hận, vấn đề khó giải quyết. Tôi hết hy vọng dìu đám ngựa chứng trong sân trường trở về bàn học. Tôi giận Kim Liên. Tôi phải cần gặp ông phó nội an. Sáng hôm sau, nhằm buổi sáng không có giờ dạy, tôi đến tòa Hành Chánh xin yết kiến ông phó nội an. Ông ta tiếp tôi rất lạnh nhạt. Không một ly nước. Không mời hút thuốc dù ông ta hút và dù tôi sẵn sàng từ chối hút thuốc. Ông ta hỏi thăm tôi hay chơi xì phé ở đâu mà chẳng chịu tới nhà ông chơi. Ông ta ngộ nhận tôi như thằng Phong vậy, chờ ông ta nói bóng gió chán chê, tôi mới đề cập đến chuyện thằng Phong:
– Thưa ông phó, trò Phong có thể trở thành một học trò giỏi giang.
Ông phó gật gù:
– Tôi biết, ông đại tá của tôi đã giáo dục tôi cách dạy con. Con hư tại bố mẹ. Trò hư tại thầy. Mong giáo sư dạy nó nên người.
Tôi nói:
– Tôi sẽ dạy trò Phong nên người. Tôi đến đây vì nó, vì tương lai của nó và cũng vì ông tỉnh trưởng can thiệp vào chuyện riêng của thầy trò tôi. Ông phó nên hiểu tôi là người kêu ngạo, không sợ ai ngoài lẽ phải, không cầu cạnh, nhờ vả ai cả. Tôi làm thầy giáo và tôi biêt cách giáo huấn học trò, khỏi cần ai dọa học trò của tôi, tôi chấp nhận mọi hậu quả.
Ông phó nín thinh. Đôi mắt ông ngầu đỏ, bời tức giận. Tôi cáo lỗi ông, ra về. Đích thân ông mở cửa văn phòng và đóng cửa cái rầm. Đúng là tác phong võ biền. Tôi biết ông chưa học câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu quý thầy”. Thời tao loạn thường có những ông quan vô học. Ta nên thương xót và tha thứ. Tôi phỏng chừng ngày mai sẽ gặp ngựa chứng. Và đúng, ngựa chứng đã vào lớp sau ngót hai tuần lễ đi hoang. Vẫn tác phong cũ. Tóc tai bù xù hơn. Khuôn mặt hốc hác hơn. Nếu chúng ta đã đọc và hiểu câu nói của người xưa: “Kẻ sĩ một ngày không đọc sách, soi gương mình thấy đê tiện, đáng ghét”, chúng sẽ xấu hổ lắm.
Tôi quan sát lớp học, thiếu Nguyễn văn Lành. Hơi xúc động, ngựa chứng đầu đàn bi bô:
– Bẩm thầy, thằng Lành và tụi bạn trường tư của nó bị té xe, vết thương rất nặng.
Đám ngựa chứng cười hoan hỉ, thằng Phong nói:
– Tôi sợ thằng Lành hết đi học nổi.
Nó mím môi, hất đầu:
– Hôm lâu rồi, giáo sư hứa kể chuyện phim Le nettoyeur, hôm nay kể cho đỡ buồn.
Tôi mỉm cười:
– Anh Phong, anh Luyện, anh Thiện, anh Du nên lắng nghe và nhớ câu chuyện. Như thế này: Thị trấn có bốn du đãng mất dạy, người sherif già bất lực, dân chúng yêu cầu gởi người sherif trẻ, và sherif trẻ tới bằng chuyến xe. Anh ta non choẹt, ăn mặc như công tử bột, tay xách cái lồng chim, bọ du đãng đón anh ta rồi cười ngạo mạn, khinh bỉ.
Tôi cố tình im lặng một lát. Thằng Phong sốt ruột:
– Cuối cùng ra sao?
Tôi khẽ nhún vai:
– Cuối cùng, nghĩa là khi vào việc, anh sherif nhỏ thó đã hạ hết bọn du đãng, rửa sạch dấu dơ bẩn cho thị trấn.
Ngựa chứng đầu đàn nhún vai:
– Thế hả?
Và khiêu khích tôi:
– Rồi đi đến đâu?
Tôi thản nhiên:
– Rồi đi đến sự tốt đẹp. Công dân thị trấn ấy không còn kẻ nào bất lương, xã hội trật tự, và người sherif lên ngựa ra đi.
– Đi đâu?
– Đến một thị trấn hỗn loạn khác.
– Rồi hắn làm gì?
– Quét dọn.
Ngựa chứng đầu đàn nhấm nhẳn hỏi tôi, Nó cố tình chọc cho tôi tức giận, Nó đã lầm, với nó, tôi đủ kiên nhẫn, thừa giờ chịu đựng. Bởi tôi tự hào tôi là thầy giáo của nó, Trong khi thằng Phong dồn tôi vào chân tường thì đàn em nó hút thuốc, phà khói, nhai kẹo cao su nhóp nhép. Thực tâm, tôi muốn nó “biểu diển” hết sự hỗn xược của nó và “biểu dương” hết uy quyền của nó. Tôi muốn đóng một vai lép vế trên cái sân khấu nhỏ bé ở bục gỗ này.
Tâm lý của đám đông thường là dồn tình cảm cho kẻ bị áp bức. Hẳn nhiên, học trò của tôi đang đinh ninh tôi bị bọn thằng Phong áp bức. Tôi muốn họ thương tôi, hiểu tôi để không giống bọn thằng Phong, chứ chẳng muốn họ bênh tôi.
– Quét dọn gì?
Thằng Phong hỏi xách mé, Học trò của tôi nghiến răng, tức giận, tôi nói:
– Các em hãy bình tĩnh nghe nốt câu chuyện người sherif nhỏ thó.
Ngựa chứng đầu đàn liếm mép:
– Nên lắm. Vậy hắn quét dọn gì?
Tôi trả lời:
– Quét rác. Và anh đừng vội khinh thường những người mà gặp lần đầu tiên anh tưởng họ khiếp nhược.
– Ông dọa tôi?
– Không, không bao giờ tôi dọa anh.
– Ông đã nhờ đại tá tỉnh trưởng can thiệp.
– Anh lầm.
– Ba tôi nói mà!
– Tôi đã gặp ba anh.
– Mách à?
– KHông phải đâu, tôi khen anh sẽ nên người nếu anh chịu khó học hành.
– Đừng đạo đức giả?
Nó đang ngồi, vụt đứng dậy, móc từ túi quần jean ra một con dao. Nó bấm dao cái tách. Lưỡi dao bật ra. Nó cắm phập dao xuống mặt bàn:
– Giết người thì cũng đến đi tù là cùng. Đi tù thì khỏi đi lính.
Tôi cười:
– Anh Phong, anh không thể giết ai được cả. Tôi sợ chính anh sẽ giết anh.
Nó đưa hai ngón tay quệt ngang đôi môi ướt của nó:
– Để xem.
Và nó búng ngón tay tanh tách. Đàn em nó theo nó dời khỏi lớp. Con dao vẫn cắm trên bàn. Đến cửa lớp, nó ngoái lại:
– Tao cấm thằng nào rút lưỡi dao lên.
Đợi nó khuất dạng, xoa tay, tôi hỏi học trò tôi:
– Các em thấy bọn thằng Phong ra sao?
Một trò giơ tay, đứng dậy:
– Thưa thầy, chúng nó là bọn khốn nạn.
Trò khác:
– Thưa thầy, chúng nó là bọn phản phúc, vô giáo dục.
Trò thứ ba quyết liệt:
– Thưa thầy, thầy độ lượng quá nên bọn nó tưởng thầy sợ hãi. Mai mốt anh em vể phép. Em sẽ nhờ anh em trửng trị bọn nó. Anh em là biệt kích dù, có súng.
Trò thứ tư:
– Thầy cho phép chúng em hành tội chúng nó. Không lẽ ba nó dám bỏ tù hay thủ tiêu cả lớp chúng em. Còn ông tỉnh nữa chứ. Chúng em đoàn kết, chúng em nhận hết tội, không làm thầy bị liên lụy.
Tôi chớp mắt. Tôi không thích khóc. Và lâu rồi , từ ngày tôi lủi thủi bước xuống cuộc đời, tôi chẳng còn lấy một giọt nước mắt để khóc chuyện đời. Thế mà hôm nay, dù cố nén xúc động, dù tưởng mình chỉ còn vài giọt nước mắt dành dụm cho tình thương vợ, thương con mai này, tôi đã ứa nước mắt, ứa thật nhiều trước đám học trò của tôi. Cơn xúc động kéo dài khiến tôi quên cả cách xưng hô khách sáo. Tôi run run nói:
– Thầy cám ơn các anh.
Một trò khoanh tay đứng lên:
– Thưa thầy, đó là bổn phận của chúng con.
Tôi khẽ lắc đầu:
– Đừng xưng con với tôi.
Cậu học trò đứng thẳng:
– Thưa thầy, thầy xứng đáng là thầy của chúng con, xin thầy hiểu lòng chúng con.
Tôi vẫy tay:
– Anh ngồi xuống, anh Thành. Thầy sẽ nhớ các anh trọn đời. Các anh thương thầy, thầy rất cám ơn. Nhưng nếu thực sự thương thầy, các anh hãy để cho thầy khuyên nhủ bọn thằng Phong, đừng hành hung chúng nó, một mai, trong các anh, sẽ có người chọn nghề dạy học. Lúc đó, các anh sẽ hiểu giáo dục gắn liền với kiên nhẫn, chịu đựng. Người ta có thể dạy con cọp làm xiếc, tại sao người ta không dạy được học trò hư hỏng nên người hữu ích, lương thiện, ngoan lành? Thầy sẽ thất bại trong bổn phận dìu bọn thằng Phong về bàn học nếu các anh can thiệp. Đã một người làm hỏng rồi. Đó là ông tỉnh trưởng. Các anh phải nghe lời thầy.
Lớp học im phăng phắc. Tôi hỏi:
– Ai muốn đến thăm anh Lành?
Cả lớp nhất loạt giơ tay. Tôi rút khăn thấm nước mắt:
– Chiều nay, chúng ta đi thăm anh ấy. Và, bây giờ, chúng ta có thể làm việc.
Tiếng những trang sách vở mở ra nghe quyến rũ lạ lùng.
***
TÔI VẤT TỜ BÁO XUỐNG ĐẤT:
– Lành!
Đang làm bài, Lành buông bút:
– Thưa thầy, thầy sai con làm việc gì ạ?
Tôi lắc đầu:
– Không phải chỉ riêng trường mình có ngựa chứng.
Lành ngạc nhiên:
– Thầy nói sao?
Tôi thở dài:
– Báo đăng tin ở tỉnh X. học trò vào tận lớp đánh giáo sư khiến giáo sư hoảng sợ trốn về Sài Gòn.
Nguyễn văn Lành tròn xoe đôi mắt:
– Đến nỗi ấy ư?
Tôi nói:
– Thôi làm bài đi. Ta sẽ theo dõi vụ này.
Nguyễn văn Lành tiếp tục làm bai vở của nó. Nó đã sống cạnh tôi được hai tuần. Lành ở một quận heo hút, ra tỉnh lỵ trọ học. Vì bênh vực tôi, Lành bị bọn thằng Phong hành hung hai lần và cấm chỉ Lành đi học. Bọn thằng Phong dẫn lính tới nhà trọ của Lành ra lệnh: Nếu Lành còn bén mảng tới trường, chúng sẽ bắn Lành bể sọ. Khi tôi và bạn bè của Lành đến thăm nó, nó khóc lóc tội nghiệp. Nó rất thèm học nhưng đã khiếp sợ bọn thằng Phong rồi. Nó bảo nó phải về quê, chờ ngày đăng lính. Tôi thấy có trách nhiệm với Lành. Tôi an ủi, trấn tĩnh nó. Cuối cùng, tôi dẫn Lành vào trường sống chung với tôi. Như thế, Lành không sợ bọn thằng Phong đón đường hành hạ. Lành sống với tôi, bọn thằng Phong càng ghét tôi. Chúng nó tưởng tôi thách thức chúng nó. Không một ông thầy nào thèm thách thức với học trò của mình cả. Nguyễn văn Lành xứng đáng được nâng đỡ và khích lệ trước đường học vấn. Nó thường kể chuyện quê nhà nó, miền quê hương nghèo nàn, u tối, chưa tửng có ai đậu nổi bằng tú tài từ xưa tới giờ. Nó cần bằng tú tài, thèm có bằng tú tài và nếu còn học được, nó sẽ xoay sở lên Sài gòn học để về thắp sáng quê hương yêu dấu của nó bằng sự hiểu biết của nó. Lành là hình ảnh những học trò miền Đông của tôi, là hình ảnh tôi những năm tháng cũ. Tôi cố gắng giúp đỡ nó, Lành sung sướng lắm. Nó đòi theo tôi cho tới ngày ước nguyện của nó thành tựu.
– Thưa thầy…
– Gì?
– Người ta có bắt thằng học trò ác ôn ầy không?
– Chưa rõ, báo ngày mai sẽ đầy đủ tin tức hơn.
– Chắc ông giáo sư trẻ?
– Hả?
– Chắc ông giáo sư trẻ bị thằng học trò mất dạy hành hung, phải không thầy?
– Ừ.
Tôi nóng lòng đọc báo mới. Ở tỉnh lỵ không có cái thú chiều nay đọc báo ngày mai như ở Sài Gòn. Báo để hôm nào, đọc buổi trưa hôm đó. Buổi trưa chưa đến, buổi sáng ngựa chứng đã vào lớp. Ngựa chứng chỉ xuất hiện vào những hôm tôi bối rối. Thằng Phong mang tờ nhật báo. Nó vô lớp sớm nhất, dùng kim gút đóng đóng tờ báo lên bảng đen và lấy bút chì đỏ đóng khung cái tin ba cột Giáo dục thời loạn, trò xin thầy tí huyết. Khi tôi vào lớp, vừa ngồi xuống ghế, thằng Phong đã bi bô:
– Giáo sư tuổi trẻ tài cao, giáo sư đọc nhật báo Vương Đạo chưa?
Tôi đã thấy tờ báo ghim trên bảng, gật đầu:
– Rồi.
– Vui không?
– Sao anh lại hỏi tôi kỳ cục thế? Học trò hành hung thầy có chi là vui. Nhưng nếu bảo là vui thì tôi rất vui là anh chưa hành hung tôi.
Ngựa chứng đầu đàn tái xanh mặt:
– Giáo sư kê tủ đứng vào họng tôi đấy hả?
Tôi nói:
– Anh đừng hiểu lầm. Tôi đã có lần bảo ba anh là anh không đến nỗi tệ, anh sẽ trở thành người khá giỏi.
– Tôi cóc cần giỏi.
– Đáng tiếc cho anh.
– Không ai tiếc cho tôi. Tôi muốn hỏi giáo sư rằng tại sao ông giáo sư trẻ ở tỉnh X. bị học trò xin tí huyết? Có phải ông ta chơi bạc bịp hay cua đào của học trò không?
Anh chịu khó theo dõi báo Vương Đạo.
– Đồng ý là tôi sẽ theo dõi, tôi phải theo dõi. Nhưng tụi tui thích biết ý kiến riêng của giáo sư về vụ Giáo dục thời loạn, học trò xin thầy tí huyết.
– Theo tôi, đó là cách đặt cái “tít” vô ý thức của một tờ báo vô ý thức.
Ngựa chưng đầu đàn cười khẩy:
– Giáo sư chịu chơi đấy. Ông dám chống nhà báo. Ông không sợ nhà báo hỏi thăm sức khỏe ông à?
– Tôi không sợ những kẻ vô ý thức trách nhiệm. Tôi chỉ sợ lẽ phải. Nhà giáo thì sợ nhất là thiếu bổn phận. Anh đừng để tôi thiếu bổn phận vơi bạn cùng lớp của anh.
Ngựa chứng đầu đàn phá ra cười. Tiếng cười của nó thật gượng gạo, đáng thương xót. Thằng Phong hiểu nó không đủ khả năng bắt tôi giận dữ, dù nó đã dồn tôi tới chân tường. Chỉ cần tôi bộc lộ sự thù ghét, khinh bỉ. Nó muốn thế. Là nó có lý do của nó để loại bỏ tôi khỏi ngôi trường này. Tôi không thể dời ngôi trường này được. Bây giờ, những hạt giống thương yêu của học trò tỉnh lỵ miền Tây đã gieo xuống thửa ruộng tâm hồn tôi. Tôi yêu họ như yêu học trò tỉnh lỵ miền Đông. Bọn thằng Phong không phải là tất cả học trò. Nhà giáo Doãn quốc Sỹ nói đúng Đừng bao giờ nhìn một cây rồi bị nhuyễn hoặc quên rừng. Một người đi trên đường phục vụ đã nhìn rõ đốm lửa nhận đường của mình thì khó mà quên hoặc bị huyễn hoặc . Tự đáy lòng tôi, tôi thương bọn thằng Phong ghê gớm. Tôi biết một mai nếu tôi thành công trong sứ mạng dìu ngựa chứng trở về bàn học ngoan ngoãn, ngựa chứng sẽ cho tôi một tình thương yêu tha thiết hơn bất cứ ai cho tôi. Nỗ lực rồi cậy trông, tôi đang nỗ lực để cậy trông tình yêu thương của ngựa chứng.
– Giáo sư Định!
– Tôi vẫn nghe anh đây.
– Hôm nọ thằng nào nhổ con dao kỷ niệm của tôi?
Một cậu học trò dứng dậy:
– Tao nhổ đấy.
Ngựa chứng đầu đàn đấm tay xuống mặt bàn:
– Đưa trả gấp.
Cậu học trò tên Thành, Trần văn Thành nhìn tôi:
– Thưa thầy, con biết con có lỗi. Xin thầy cho phép con nói một câu với nó thôi.
Và cậu nói, giọng cương quyết.
– Anh tao giữ, mày quen anh tao mà, thử ghé nhà đòi xem sao. Anh tao mới về phép.
Tôi xua tay:
– Các anh nên đợi giờ ra chơi hãy nói chuyện đó.
Thành ngoan ngoãn ngồi xuống. Ngựa chứng đầu đàn tái mặt. Nó nghiến răng ken két:
– Giáo sư mướn cả biệt kich dù?
Rồi nó khôi hài:
– Bọn mình nguy đến… tính mạng rồi, Dọt lẹ!
Bốn con ngựa chứng xô bàn ghế bỏ ra khỏi lớp. Trần thanh Tâm đứng dậy. Khuôn mặt nó buồn rầu như thể nó sám hối tội lỗi.
– Thưa thầy, con đã làm thầy mang tiếng.
Tôi an ủi Thành:
– Anh có bổn phận của anh. Thầy không trách anh gì cả.
Thành ấp úng một câu hôm nào:
– Thưa thầy, thầy độ… lượng… quá.
Tôi nói:
– Các anh cũng nên độ lượng. Một xã hội không hận thù là một xã hội gồm toàn những người độ lượng. Xã hội ấy đang được xây dựng ở những lớp học như lớp học này.
Lớp học yên lặng. Tôi nghe rõ từng tiếng chớp mắt. Và tôi mỉm cười:
– Chúng ta làm việc.
Giờ học luôn hào hứng và có ý nghĩa khi ngựa chứng xuất hiện, phá đám rồi bỏ đi. Buổi trưa hôm đó, tôi và Lành bàn luận bài báo Giáo dục thời loạn, trò xin thầy tí huyết đăng tiếp trên tờ Vương Đạo.
– Bắt được thằng học trò du đãng chưa , thưa thầy?
– Người ta đang truy nã nó.
– Vậy thì nó khó thoát.
– Có lẽ.
Tôi liệng tờ báo cho Thành:
– Em đọc đi.
Lành theo dõi bài báo xong, khuôn mặt nó hí hửng. Tôi hỏi:
– Em bằng lòng cách đối xử đó hả?
Lành đáp:
– Thưa thầy, phải đối xử thế. Con thấy không thể tha thứ những học trò phản thầy nếu con có quyền hành. Học trò hành hung thầy thì nên bỏ tù nó.
– Em tìn rằng bỏ tù học tro hư đốn là học đường nghiêm chỉnh chứ?
– Dạ.
– Rất tiếc, giáo dục không đồng nghĩa với truy tố.
– Thưa thầy.
– Em muốn hỏi chi?
– Giả dụ thầy bị thằng học trò ác ôn hành hung, thầy sẽ làm gì?
– Thầy sẽ xét lại thầy.
– Thầy không buộc tội nó?
– Không.
– Tại sao, thưa thầy?
– Giản dị lắm, bởi vì thầy giáo không phải là ông biện lý. Người ta đã quên vẽ cái còng làm biểu hiệu cho giáo dục.
– Vậy thằng học trò phản phúc đó vô tội?
– Nó vô tội.
– Thưa thầy, ai có tội.
– Tất cả phải chịu trách nhiệm. Chiến tranh, xã hội phân hóa, kinh tế suy sụp, tình trạng bất ổn hiện tại, sinh hoạt khó khăn, sự lôi cuốn của chính trị, sự bỏ bê tuổi trẻ, sự trống vắng đành anh tha thiết, nỗi tuơng tư thần tượng của tuổi trẻ và nỗi buồn thần tượng sụp đổ. Vân vân….Nhưng kẻ chịu trách nhiệm trước nhất vẫn là bài báo với những hàng “tít” vô ý thức thổi phồng một sự bé nhỏ cần quên đi. Một thằng học trò hành hung thầy không có nghĩa là toàn thể học trò hành hung thầy, cái “tít” Giáo dục thời loạn, trò xin thầy tí huyết đọc lên nghe như nền giáo dục đã băng hoại. Đó không phải là sự báo động mà là sự tiếp tay phá hoại giáo dục. Em nên quên chuyện này đi. Và tôi, tôi cũng muốn quên. Ngày mai bảo họ đổi tờ báo khác, tôi cũng không đọc báo Vương Đạo nữa. Vương Đạo chỉ chuyên làm “xì căng đan” giáo dục.
Tôi nói một mạch. Để trấn an tôi thì đúng hơn là để trấn an Lành. Tôi hoang mang vô cùng. Nền giáo dục xuống dốc như những bài báo tường thuật, bình luận ư? Rồi người thầy giáo còn đủ uy tín đứng trên bục gỗ? Thật khó kết tội những người học trò ngang ngược. Chiến tranh không vào lớp học nhưng dao búa đã vào. Dao búa đã vào lớp học của những ông thầy tương lai. Một khi sinh viên đại học sư phạm vác dao búa vào lớp diễu oai, dọa đập “đồng chí” để tranh chấp vị này nọ ở những cuộc bầu bán, nguyền rủa nhau bằng những ngôn ngữ không thể chấp nhận được tại trường sư phạm thì họ nghĩ gì, làm gì khi học trò hành hung họ? Tôi bảo Nguyễn văn Lành rằng tôi sẽ xét lại tôi nếu tôi bị hành hung là thế.
Và cũng bởi lẽ, ở trường sư phạm, không vị thầy nào giảng dạy bài học thầy kết tội trò. Cả lý thuyết lẫn thực hành. Thời đại nào cũng có một số học trò nhỏ phản phúc, đâu phải riêng chỉ thời đại này, điều khiến tôi ngạc nhiên và băn khoăn là, ở thời đại này. Điều khiến tôi ngạc nhiên và băn khoăn ở thời đại này là người ta đã phóng đại những mụn ghẻ lở để la hoảng đó là ung thư! Còn những hình ảnh đẹp thì thu nhỏ lại, thật nhỏ và làm cho lu mờ, đen tối. Những Carnot Việt Nam không bao giờ là đề tài hấp dẫn, ăn khách bằng những tên học trò đánh thầy, đối với báo chí. Những Hoàng cơ Nghị ít khi được báo chí thắp sáng nhưng báo chí sẵn sàng đốt cháy giáo giới bằng một thầy giáo hoang đàng.
Bỗng nhiên, tôi thương xót cái thiên chức, cái đam mê của thầy giáo, tôi hy vọng cơn gió độc ở tỉnh X. sẽ tan biến và nó đừng biến thành bệnh truyền nhiễm.
Truyện “Ngựa chứng trong sân trường” của Duyên Anh còn 5 phần tiếp theo, Văn Việt xin ngưng ở đây để đăng tiếp tác giả khác của VHMN 54-75. Bạn đọc có thể xem tiếp các phần sau tại địa chỉ: http://vietmessenger.com/books/?title=nguachungtrongsantruong