Văn học miền Nam 54-75 (572): Nguyễn Mộng Giác (kỳ 6)

Nước cạn, hoa lau

Một đêm gió thổi chờ trôi mất
Nước cạn hoa lau chỉ một niềm.
Tản Đà

Xếp dọn mọi thứ đâu vào đó, thì đã chín giờ tối. Chỉ còn hai giờ nữa là đến giờ giới nghiêm, mà mai Tịnh lại phải đi sớm. Có cái gì canh cánh bên lòng Tịnh. Chàng nhớ hình như mình còn quên một cái gì, cái gì quan trọng lắm. Tịnh bần thần đi ra đi vào một lúc, mới nhớ đến chị Trầm. Tịnh chưa đến chào chị, chưa báo cho chị biết từ mai chàng không còn ăn cơm tháng ở đó nữa. Và nhất là… chưa đến thực hiện thử cái ý định Tịnh nghĩ từ lâu mà cố quên đi, ý định đã bừng bừng trỗi dậy mãnh liệt từ lúc chàng nhận được giấy gọi.

Khi Tịnh đến hiệu, thì khách còn đông lắm. Vài bác công chức già, năm ba người lính vừa nhai cơm vừa nói chuyện ồn ào. Chị Trầm bận túi bụi phía sau cái tủ kính đựng các thức ăn. Thấy Tịnh đến, chị vui mừng hỏi:
“Sao em đến chậm vậy? Chị tưởng em lại ham chơi, quên về”.
Tịnh cố bình tĩnh nói:
“Em phải đi chào hết bạn bè, bà con. Mai Tịnh đi”.
Chị Trầm ngước vội lên:
“Đi đâu?”
“Em phải trình diện. Không học được nữa”.
Chị Trầm không tin ở tai mình, cái tay cầm muỗng nước mắm để lơ lửng ở thế lưng chừng, mắt nhìn Tịnh vừa tra hỏi vừa xót xa. Tịnh nói tiếp, cho nó xong đi:
“Em lại chào chị, và sẵn dịp báo cho chị biết mai em không ăn cơm nữa”.
Lúc ấy, người lính ngồi ở bàn ngoài gõ thìa vào chén gọi tính tiền. Chị Trầm định giả lơ để nói chuyện với Tịnh, nhưng tiếng gõ mỗi lúc mỗi hối thúc cấp bách hơn. Chị Trầm đành bảo:
“Em lại ngồi chỗ bàn cơm ăn đi. Chờ chị một chút. Chị trở vào liền”.
Tịnh đã ăn cơm ở nhà thím Bảo, nên chỉ ngồi ở cái bàn con sát quày hàng lơ đãng nhìn chung quanh. Chị Trầm từ ngoài vào, đi thẳng đến phía Tịnh, tay dúi sâu mấy tờ giấy bạc bèo nhèo vào túi áo. Chị nói:
“Sao Tịnh không cho chị biết sớm. Các em lần lượt đi hết, quán này chỉ còn mấy ông công chức già trong toà hành chánh và mấy anh quân cảnh bên đồn. Tháng trước có Viễn, có Lý. Bây giờ đến em. Nhưng Tịnh có vào cùng một chỗ với Hà không?”
Tịnh bảo:
“Chắc cũng vào đó chứ đi đâu. Hà nó đi trước, mà lại oai. Bây giờ vào đó, nó thành đàn anh của Tịnh rồi. Mặc sức mà bắt nạt”.
Chị Trầm xuýt xoa:
“Em để tới phút chót mới báo, làm sao chị kịp viết thư và gửi quà cho nó. Nhà chỉ còn có hai chị em côi cút, từ ngày nó đi, chị không thiết làm ăn gì nữa. Chị còn tiếp tục mở quán, là vì sợ nó xin tiền không có mà gửi. Em vào trong đó có gặp Hà…”
Một đám đông quân nhân kéo vào quán, nhiều người trong bọn đã say, bước chân nam chân xiêu. Tịnh đọc thấy sự bực bội trong ánh nhìn của chị Trầm, nói trước:
“Thôi để em ra phía trước coi cọp tivi một chốc, chờ khách đi hết em trở lại. Chị bận quá em sợ phiền”.
Chị Trầm bối rối không biết phải nói gì để xin lỗi. Thấy Tịnh đứng dậy thật, chị cuống quít:
“Nhưng em phải trở lại nghe không. Chị muốn nhắn vài chuyện cho Hà”.
Tịnh ra phía trước đường đứng nhìn vơ vẩn lên trời. Chờ cho khách về hết, chàng mới trở vào quán. Chị Trầm hỏi:
“Tin tức có gì lạ không Tịnh?”
“Tin tức gì?”
“Tin đọc trên truyền hình ấy”.
“Tịnh cũng không nghe nữa. Lúc trở ra, thấy họ đã tắt rồi. Khán giả chì thích cải lương. Mỗi lần thấy cái ông ăn mặc chững chạc đọc tin chiến sự hiện lớn trên tivi, trẻ con nhao nhao phản đối. Lũ trẻ không khoái tin chiến sự. Tịnh cũng vậy”.
Tịnh nghĩ đến hình ảnh một cái máy truyền hình có dáng người thật. Nhưng cái khung tivi sẽ nằm ở đâu. Chị Trầm nói:
“Mai em vào đó, nếu gặp…”
Tịnh không nghe thấy chị nói gì, mãi chú ý đến tưởng tượng riêng. Chị Trầm nói chưa hết, Tịnh đã cắt lời:
“Chị nghĩ hay thật. Nếu có cái tivi người, thì khuôn hình nằm chỗ nào? Trên trán được không?”
Thấy hình ảnh ngộ nghĩnh quá, chị Trầm cũng thích thú cười lớn. Chị quên mất câu nói dở dang. Trầm phụ họa:
“Ừ, phải đấy. Nếu trên trán ai cũng có cái khuôn hình, thì tiện biết mấy. Óc nghĩ thứ gì, là hiện ngay thành chữ trên trán. Người khác đọc được liền, khỏi phải mỏi miệng nói hoặc lắng tai nghe”.
Tịnh nghĩ xa, vặn lại:
“Lỡ mình nghĩ lung tung?”
“Thì hình trên khung nhảy loạn xạ”.
Tịnh chợt nghĩ đến ý định của mình, hỏi lại:
“Lỡ mình không muốn cho ai hay biết điều mình nghĩ?”
“Không được. Bấy giờ phải thành thực. Ai nấy đều trong suốt. Không còn giấu giếm được gì. Mà muốn giấu cũng được. Chỉ việc lấy tóc phủ khung hình lại”.
Tịnh cười, chỉ vào mái tóc loà xoà của Trầm:
“Thế thì đàn bà lợi quá, không công bằng”.
Chàng chợt nghĩ đến một trò chơi thú vị, buột miệng nói ngay:
“Chị buồn ngủ chưa? Chưa phải không. Hay mình chơi trò này đi. Tưởng tượng trên trán chị và trên trán Tịnh đều có khuôn hình cả. Chị đọc ý nghĩ của Tịnh còn Tịnh đọc ý nghĩ của chị. Ai đọc sai, bị phạt”.
Trầm thấy trò chơi lạ lùng, thích chí bằng lòng. Trên khuôn mặt đượm buồn của cô gái ba mươi từ lâu nhẫn nhục cam chịu mọi thứ, phảng phất một sức sống mới. Nàng xoay người hẳn lại, đối diện với Tịnh, hai cùi chỏ chống lên bàn. Tịnh nhắc:
“Chị phải vén tóc cao lên chứ”.
Trầm cười, hất cả mái tóc ra phía sau vai, hỏi Tịnh:
“Đã đọc rõ chưa?”
“Còn mờ. Phải điều chỉnh lại đài mới được. Chị ngồi yên nhìn thẳng nhé”.
Trầm gắng ngồi yên, mặt ngước cao lên trần như một pho tượng ranh mãnh.
“Tịnh đọc được chưa?”
“Chưa. Thôi cho chị đọc khuôn hình của Tịnh trước”.
Trầm cười nhẹ, tìm ý một lúc rồi chậm rãi đọc, như đứa bé mới học diễn văn:
“Được. Tịnh đang nghĩ: Ở… đây… chán… quá… rồi. Đi… là… phải”.
Tịnh phản đối:
“Sai. Hoặc chị đọc lầm hoặc cái máy hư. Thôi để Tịnh đọc chị nhé: Mai… lo… dậy sớm”.
Trầm cắt ngang:
“Đoán mò. Dĩ nhiên là chị phải dậy sớm để đi chợ”.
“Nhưng Tịnh chưa đọc hết. Còn nữa: Qua rồi một ngày nhọc nhằn. Đi về cho người ta nghỉ”.
Trầm lại cướp lời:
“Sai. Hoàn toàn sai. Cái truyền hình của chị tốt, nhưng loa phóng thanh của Tịnh tệ quá. Chữ hiện một đàng, đọc một nẻo”.
“Thế chữ hiện cái gì?”
“Chị chỉ nghĩ: Không bao giờ, vâng, không bao giờ chị quên được đêm nay. Đêm cuối tiễn Tịnh lên đường. Cậu em ngoan. Thật ngoan. Chưa bao giờ Hà cho chị những phút thích thú như Tịnh”.
Tịnh thấy lòng nao nao, hơi hối hận vì đã có những ý định không đẹp ban đầu. Cái ý định bày thử một cuộc chơi, để trắc nghiệm khả năng đối với một người đàn bà. Để thấy cuộc đời mình vẫn còn có một ý nghĩa. Để tự an ủi rằng dù không trọn quyền định hết cả đời mình, mình vẫn có thể giữ trọn chủ động trong tầm tay ngắn. Chàng đâm lo âu, sợ mình đã đi quá xa, nên ngồi lặng một lúc, mắt mơ màng nhìn lên trần nhà. Trầm tò mò nhìn vẻ khác thường của Tịnh, lòng tràn hoài nghi. Nàng hỏi:
“Còn Tịnh thì đang nghĩ đến những chuyện xa, thật xa. Chị đọc thấy trên khung hình của Tịnh câu này: Ta buồn… ta nhớ… giá có Thuý Ngọc ở đây”.
Tịnh giật mình, nhìn lại kỹ gương mặt Trầm, thấy vẻ phụng phịu giấu đằng sau sự mỉa mai khinh mạn cố tình. Chàng vội nói:
“Á à, cái máy phóng thanh của chị cũng tệ chẳng kém. Đang không lại chen chuyện Ngọc vào đây. Tịnh nói thật, Ngọc chỉ là một người quen, từ thời thơ ấu cho đến lúc đi học”.
Trầm nghiêng đầu, vừa cười mỉm vừa hỏi:
“Thật không?”
“Thật trăm phần trăm”.
“Nhưng khi nào nói đến Ngọc, chị vẫn thấy đôi mắt Tịnh long lanh. Như mấy cái đèn pha xe mười bánh, cực mạnh, bất chấp sương mù hay giông bão phía trước”.
“Chị chỉ tưởng tượng”.
“Chị có tưởng tượng đâu. Chị chỉ đọc trên khuôn hình của Tịnh mà biết đấy chứ”.
“Chị đọc sai”.
Trầm hồi hộp, e ngại một lúc, mím môi cố dằn nhưng không được, tò mò hỏi:
“Thế đọc đúng thì thế nào?”
Tịnh không chuẩn bị ý tưởng kịp, chần chờ hoãn binh:
“Đúng ư? Tịnh đang nghĩ… đang nghĩ như chị. Nghĩ đến buổi tối đẹp nhất trên đời. Nghĩ đến… nghĩ đến hình ảnh một chị Trầm khác hẳn chị Trầm thường ngày”.
Trầm thích thú giục:
“Khác những gì? Sao mà khác?”
Giọng Tịnh cố làm ra mơ mộng:
“Một bà chị… một bà chị hiền như các bà chị hiền trong truyện thần tiên. Giọng nói nhẹ, ánh mắt âu yếm, tâm hồn hiền hoà. Tịnh mơ ước có riêng một người chị như vậy, suốt một đời”.
Trầm đã biết được điều muốn biết. Nàng muốn ngộp thở vì xúc động. Trước mặt hình dáng Tịnh nhạt nhoà chỉ còn lờ mờ một cái miệng cười, một mái tóc đen. Nàng không tự chủ được, thú thực hết lòng mình:
“Tịnh làm chị sung sướng. Cả đời sống côi cút, không có lấy một niềm hy vọng. Có nhiều lúc chị có cảm giác không thể chịu đựng được nữa, muốn bỏ đi biệt đi mất, ra sao thì ra, dù…”
Tịnh cướp lời và Trầm nghe giọng nói của Tịnh có nhiều khác lạ, như cố dằn một niềm phẫn nộ bất chợt:
“Có bao giờ chị mơ ước đi tới một nơi nào đó, một nơi xa lạ, không ai quen biết mình, sống buông thả mặc tình với một người đàn ông đến trước, trong vòng một đêm, một ngày, hay một tuần, rồi bình thản lên xe về nhà, tiếp tục cuộc đời heo hút cũ”.
Trầm nghe rõ lắm, nhưng chết lặng không biết trả lời thế nào. Nàng rơi hẳn vào một trạng thái hư đãng, phức tạp chưa bao giờ cảm thấy. Nàng thích thú vì khám phá rằng mình vẫn còn là một cái gì để kẻ khác mong ước, không phải là cái bóng vô nghĩa trước sự thờ ơ lạnh nhạt của khách đời. Nhưng đồng thời nàng thấy tủi nhục đến xót xa. Đó là sự khám phá hạnh phúc đồng thời với nỗi tan vỡ của ảo tưởng. Nàng thì thào:
“Em dám nói thế với chị hở Tịnh?”
Bây giờ Tịnh mới thực sự sợ hãi, hối hận đã có những ý tưởng quái đản phi luân đến như vậy từ đâu, và đã để cho ác quỉ dìu vào âm mưu xấu xa trong mấy ngày liền không cho chàng bỏ cuộc. Tịnh lí nhí:
“Xin lỗi chị. Tịnh quẫn trí mất rồi. Tịnh thật là một đứa hèn mạt, xấu xa”.
Tịnh định tiến về phía Trầm, nhưng nàng giật mình lùi lại, giọng hốt hoảng:
“Thôi, khuya rồi. Tịnh về nghỉ mai còn đi sớm. Chị đã quên hết những lời em nói, dù là lời phải hay lời trái. Em của chị lên đường bình yên nhé!”
Tịnh không biết làm gì khác hơn là lặng lẽ chào Trầm, rồi ra khỏi quán. Lúc bước đến cửa, Tịnh nghe chị Trầm chạy theo nói với:
“Tịnh cho chị nhắn một chút. Nói giùm với Hà là chị đã nhận được thư. Chị sẽ tìm cách vào trước ngày Hà chọn đơn vị.

*

Hai người nói đủ thứ chuyện cho đến khi trời tối. Tịnh muốn cho Trầm thấy cảnh bên cầu đẹp đúng y như mình tưởng tượng. Trầm công nhận trí tưởng tượng của Tịnh chính xác và phong phú. Cảnh đèn trên cầu phản chiếu trên mặt sông đẹp thực. Nhưng sương bắt đầu xuống. Trầm và Tịnh trở lại con đường nhỏ ra cầu, rồi theo quốc lộ đi ngược lên bến xe. Phố xá lặng lẽ êm ả. Trầm thấy lòng xúc động, khe khẽ hát một câu dài. Tịnh lắng nghe, nhưng chịu không biết nàng hát bài gì, chỉ thấy điệu nhạc thong thả êm ả như tiếng chuông chiều. Đêm đã về. Bóng tối vây phủ hai người. Đêm guốc và tiếng giày vang vang trên đường nhựa, đều đặn, thanh bình. Chưa bao giờ Trầm được hưởng một cảm giác thoải mái nhẹ hẫng như vậy. Trầm thú thực:
“Nếu khi chiều không nghe lời Tịnh, thì đã phí mất một đêm đẹp trong đời”.
Tịnh bảo:
“Khi nghe Hà đã đi đơn vị rồi, chị thiểu não như người mất hồn. Trông thảm lắm”.
“Làm sao không buồn được. Đem tiền nong quần áo vào cho nó, không ngờ chỉ vào trễ có mấy tiếng đồng hồ. Nếu khi chiều có xe ra, chị đã về rồi. Mà làm sao em ra ngoài được?”
“Tịnh được phép ra phố mua đồ bếp cho đại đội. Vào trong này, em làm phụ bếp mà”.
Chị Trầm cười:
“Thế bây giờ ông bếp cho tôi ăn gì đây?”
“Em sẽ đãi chị một bữa cơm ngon không thua quán cơm chị. Chỗ nầy khá lắm. Ăn xong, em sẽ đưa chị về đến tận cổng nhà trọ”.
“Nói chơi vậy thôi, chứ tối nay Tịnh phải để chị trả tiền. Hôm trước Tịnh đến chào, lẽ ra chị phải làm việc tiễn hành. Chỉ tại Tịnh chờ đến giờ chót mới biết. Hôm nay chị xin thay thế một bữa tiệc khác”.
Tịnh định từ chối, nhưng nghĩ đến bữa tối hôm trước khi vào lính, chàng ngượng ngùng liếc mắt dò xem thái độ chị Trầm. Chàng thấy chị không có chút hờn giận căm tức nào. Chàng lặng lẽ đi bên Trầm, miệng huýt sáo để giấu bối rối. Đến cái quán chỗ ngã ba, Tịnh hỏi:
“Hay mình vào đây?”
Trầm ngạc nhiên hỏi lại:
“Cái quán này vắng quá. Tịnh sợ buồn không?”
Tịnh cười chỉ về phía có ánh đèn ngũ sắc:
“Dưới kia thì lại ồn ào quá”.
Trầm cho câu nói ấy ngầm chứa nhiều điều hứa hẹn, mặt đỏ bừng cúi xuống nhìn bước chân hai người trên sỏi, không nói gì. Tịnh thấy mình đi hơi xa Trầm, cố nhích lại gần hơn. Gió bể thổi mạnh vào bờ, hất tung tà áo xanh của Trầm lên trời, rồi dán chặt lên ống quần Tịnh. Trầm định cúi xuống kéo vạt áo lại, thì Tịnh cũng định cúi xuống gỡ vạt áo Trầm ra. Hai người cùng cụng đầu vào nhau. Trầm cười nhỏ, thẹn thùng:
“Chết. Tịnh có đau không?”
“Không chết. Vẫn sống nhăn răng. Nhưng chị có đau không?”
Hai người cùng cười lên sung sướng. Trầm quên hết e thẹn giữ gìn, cười hỉ hả, chạy nhanh xuống bờ cát. Nàng cúi xuống chỉ một con còng nhỏ đang sợ hãi chạy tìm chỗ núp dưới ánh đèn đường, rối rít bảo:
“Tịnh, Tịnh, lại đây. Trông con còng tội nghiệp chưa?”
Tịnh đến nơi thì con còng đã chui vào hang sâu. Chàng giả vờ hỏi:
“Tịnh có thấy con còng nào đâu?”
“Nó vừa chui vào đây rồi”.
“Con còng hay con cua?”
Trầm bực tức cãi:
“Cua khác còng khác chứ. Con cua to bằng cả bàn tay. Còn con còng nhỏ tí tẹo mới chạy lăng quăng dây”.
Tịnh nói:
“Tịnh thì chỉ thấy có cua mà thôi. Lại không phải cua sống biết bò. Chị có ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt trong gió hay không? Đố chị biết mùi gì nào. Cua ram muối đấy. Cua ram muối của Tịnh hấp dẫn ngon lành hơn con còng gió của chị”.
Trầm hiểu ý Tịnh, chỉ ngón tay trỏ vào Tịnh trách:
“Đồ ham ăn. Ra biển, gần trời cao biển rộng, mà chỉ nghĩ tới cua ram muối. Phàm phu tục tử”.
Rồi cười ròn rã. Hai người dắt nhau trở lại quán. Trầm nhường cho Tịnh tự chọn món ăn, rồi suốt buổi tối ngồi ngắm Tịnh ăn ngon lành. Tịnh lâu lâu nhắc:
“Sao chị không ăn chỉ ngồi cười?”
“Trầm có ăn đấy chứ”.
“Đâu. Ly bia của chị còn nguyên và dĩa thịt gà phía chị còn đầy”.
“Chị ăn nhiều mà. Không dám ống hết ly bia, sợ say”.
Trầm nâng cốc bia lên uống một ngụm nhỏ cho có, rồi đặt cốc xuống, lấy đũa gắp một miếng thịt gà bỏ vào chén của Tịnh. Tịnh vội can:
“Tịnh ăn nhiều rồi. Chị ăn đi chứ”.
Rồi gắp miếng thịt bỏ lại chén Trầm. Hai người cứ mời qua mời lại như vậy mãi, ép nhau ăn các thứ ngon, đến nỗi cuối cùng thức ăn trên bàn không còn gì cả. Trầm cũng uống luôn cả hai ly bia đầy. Không quen uống rượu, nàng thấy máu nóng bốc lên mờ cả mắt, trong đầu từng tiếng gõ đều gõ đều như nhịp búa. Ánh đèn từ quán chiếu lên khuôn mặt nàng càng làm tăng thêm vẻ hồng hào. Lần đầu tiên, Tịnh thấy Trầm khá đẹp. Còn Trầm thì đăm đăm nhìn chàng thanh niên khuôn mặt lãng mạn sầu mộng trước mặt, môi mím lên điếu thuốc, khói nhả ra từng ngụm thật khinh bạc tự tin. Lúc bấy giờ có nhiều người vào quán cười nói inh ỏi, lời lẽ tục tĩu. Trầm giả vờ không nghe thấy, còn Tịnh thì khó chịu gọi bồi tính tiền. Trầm giành trả. Tịnh không biết làm sao, chờ Trầm trả xong tiền rồi cùng với Trầm ra khỏi quán. Đêm đã về từ lâu. Trăng nhú lên khỏi mặt nước, làm hồng rực cả một vùng biển lặng. Tịnh thấy cảnh đẹp quá, đề nghị:
“Mình đi dọc theo bờ biển một chút cho đỡ nặng bụng. Chị có gấp về không?”
Trầm trả lời nhỏ: “Không”, rồi chuếch choáng bước theo Tịnh. Hai người đi cạnh nhau bên bờ nước, càng ngày càng xa khúc biển náo nhiệt ồn ào. Gió nhẹ mơn man ở gò má, Trầm thấy khoan khoái giơ cả hai tay lên trời, bảo Tịnh:
“Đêm dễ chịu quá. Tịnh hãy đưa tay cao cho buồng phổi mở, hút hết mát dịu của gió. Bắt chước Trầm đây này”.
Tịnh nhìn Trầm. Bấy giờ trăng lên cao hơn chiếu vào đôi mắt nàng, phản chiếu ánh long lanh. Trầm cử động đôi tay như lối trẻ con tập thể dục. Tịnh nhìn Trầm một lúc, trả lời:
“Chị phải làm cô giáo mới đúng. Nhưng Tịnh đâu phải là cậu bé mà chị dạy cách thở”.
“Chị cứ thấy Tịnh là cậu bé như thường, tức không?”
“Tức chứ. Trước kia khi còn đi học, thì nhận là bé bỏng cũng được đi. Nhưng bây giờ Tịnh đã chì rồi. Tịnh là Phù Đổng Thiên Vương, ăn bữa tiệc chị đãi xong, vươn vai một cái, thành người lớn liền. Bây giờ Tịnh lại coi Trầm như một cô bé. Như một cô bé nhỏ”.
Trầm cười không tin, giọng cười trong như thủy tinh, rạng rỡ dưới trăng. Nàng nói:
“Bậy quá. Đã mất tiền lại còn mất luôn tước người lớn. Nhưng làm cô bé cũng thú, chứ sao. Làm cô bé…”
Trầm vừa nói đến đó, thì chân bước hụt vào một hố cát. Nàng kêu lên, ngã quỳ trên cát ấm. Tịnh vội cúi xuống nắm cánh tay Trầm nâng dậy, miệng rối rít:
“Có sao không cô bé? Có việc gì không, cô bé của anh?”
Rồi, trong một thoáng, Tịnh muốn thi hành ý định một tháng trước. Không chần chờ, Trầm vừa đứng lên ngang tầm tay thì Tịnh đã ôm chầm lấy nàng, hai tay ôm chặt thân thể đang nóng bừng của nàng. Trầm mềm nhũn trong tay Tịnh, hai bàn tay chới với run rẩy một lúc rồi cũng ôm chặt lấy lưng Tịnh. Nàng ngả đầu ra phía sau, mắt nhắm nghiền, miệng thì thào:
“Tịnh… Tịnh. Có nhớ đêm hôm ấy… Tịnh đã hỏi chị. Chị muốn sống hết trọn với Tịnh, như cỏ cây, muông thú…”
Tịnh cảm thấy thân thể Trầm càng ngày càng nặng. Nàng đã bỏ thõng hai chân. Áo Trầm ươn ướt mồ hôi, và theo đà nhẹ nhàng lặng lẽ, Tịnh đưa bàn tay theo Trầm ngả dần xuống lủng cát ấm. Trầm nhắm mắt, miệng mỉm cười. Tịnh nghẹn không nói được gì. Chàng đã chủ định ngay từ khi nghe Trầm mời chàng đi ăn, nhưng tình thế biến chuyển đột ngột, đưa chàng vào cái thế thụ động. Vì vậy, Tịnh lặng người, hoang mang không biết phải làm gì, chỉ quì gối bên cạnh Trầm đầu óc bừng bừng, nước bọt trào ra ở đầu lưỡi. Trầm mở mắt say đắm ngắm Tịnh.

*

Tịnh và Trầm ra khỏi vùng huyền hoặc của trăng dãi, cát ấm, cỏ dại, đêm sâu lòng bần thần, rã rời. Hai người đi bên nhau, nhưng không ai nói với ai lời nào. Mãi tới lúc đến gần nhà trọ của Trầm, Tịnh cố nói một cái gì:
“Hoà bình rồi, thế nào Tịnh cũng được trả về. Lúc ấy…”
Trầm vội cắt lời, giọng nói vỡ đi vì hốt hoảng:
“Còn đánh nhau mà. Nhất định em không về được đâu”.
Nói xong, Trầm đi nhanh vào cổng, như chạy trốn. Tịnh nghe thoang thoảng trong câu nói cuối cùng của Trầm, có cái gì giống như một niềm mong ước mâu thuẫn đến kỳ dị, xót xa.

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14648&rb=08

Comments are closed.