Trần Doãn Nho, bút hiệu, sử dụng khi sáng tác; Trần Hữu Thục, tên thật, sử dụng khi viết tiểu luận.
Sinh trưởng tại Huế. Theo học đại học Huế và Sài Gòn, tốt nghiệp ngành Triết. Trước 1975, dạy học: Phụ khảo Triết Đại Học Văn Khoa Huế; đi lính: sĩ quan quân đội VNCH; viết: cộng tác với các tạp chí văn học Sài Gòn: Văn, Tân Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Đối Diện. Sau 1975, ở tù đến 1981.
Định cư ở Hoa Kỳ 1993, làm việc cho Sở Giáo dục Công lập thành phố Worcester, bang Massachusetts. Cộng tác với các tạp chí văn học giấy hải ngoại: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 và các tạp chí mạng: Da Màu, Gió – O, Talawas, Diễn Đàn Thế Kỷ, Diễn Đàn Forum, Bauxite Việt Nam, Văn Việt.
Đã xuất bản 8 tác phẩm: 2 tập truyện ngắn (Vết xước đầu đời, Căn phòng thao thức), 1 tập ký và tùy bút (Loanh quanh những nẻo đường), 1 tạp bút (Từ ảo đến thực), 1 truyện dài (Dặm trường), 3 tập biên khảo văn học (Viết và Đọc, Tác giả, tác phẩm và sự kiện, Ẩn dụ cuộc phiêu lưu của chữ); Bút ký Một đêm (One Night) trong tập Loanh quanh những nẻo đường được dịch đăng ở tạp chí văn học Meanjin, Melbourne University, số 2, 2015, dịch giả: Tôn Thất Quỳnh Du.
Hiện đã hưu trí, cư ngụ tại Dallas, bang Texas.
dấu tích đời
Những lúc đó, không hiểu sao con bình tĩnh quá. Có lẽ con tin lời anh Sang. Anh Sang nói đúng, phải sống trong khung cảnh chết chóc rồi mới hết sợ hãi cái chết. Nhưng con lầm (không biết anh Sang có lầm không). Cho đến bây giờ, nỗi hoang mang càng lúc càng chất đầy trong con. Càng nhớ lại những ngày hai bên đánh nhau trong Thành Nội, con càng thấy mình hoảng hốt. Con không hiểu nổi tại sao hôm Việt Cộng rút đi rồi, gồng gánh về nhà, con đã thản nhiên đi ngang nhìn vào xác những ông bộ đội nằm phình to giữa đường, trên mặt, ai đó nghịch ngợm gắn những viên đạn vào mồm, cắm những cây nhang vào mũi. Giá như bây giờ, được thấy lại, chắc chắn là con sẽ ngất xỉu. Thằng Phương bây giờ cũng muốn đi lính đó má. Nói bảo với con nó chán ngán những ngày đi lang thang quá rồi. Nó ngán phải đến phòng thi. Nó bảo với con, khi học xong ở Thủ Đức, nó sẽ xin đi Nhảy Dù. Con đã rùng mình khi nó nói dự định đó với con. Má mà biết chuyện này chắc má buồn kinh khủng nữa. anh Sang đi lính, Hưng đi lính, Phương đi lính. Chỉ còn má và con, ngày nào cũng đợi thư và nghe tin chiến sự…
*
Tiếng hát ồ ồ của thằng Phương ở trước nhà làm Ngọc chợt tỉnh. Giấc ngủ buổi chiều nặng nề. Ngọc mơ hồ cảm thấy một nỗi hoảng hốt vu vơ, có lẽ do giấc mơ mà Ngọc không nhớ rõ, kéo dài. Trời mưa tự hồi nào, nhỏ và đều. Ngọc ôm gối nằm lắng nghe những tiếng động lẫn trong tiếng rơi trên mái tôn. Thằng Phương cao giọng hát, đứt quãng. Ngọc thấy buồn cười. Bài tình ca tiền chiến nhẹ nhàng đâm ra như bị méo mó dưới giọng hát của Phương. Thằng Phương lúc nào cũng là một nỗi vui miên man và Ngọc thực sự không hiểu nổi. Phương say sưa với đời sống riêng của mình như con chim nhỏ say sưa hót, say sưa nhảy nhót. Cái đời sống riêng đó quả nằm ngoài sức hiểu biết của Ngọc. Chả thế mà, rất nhiều lần, Ngọc thấy Phương như xa cách hẳn mình. Nửa đêm, Phương đi chơi khuya về kêu, Ngọc mở cửa thấy khuôn mặt Phương phờ phạc. Má Ngọc thức dậy rầy Phương dữ, thế mà hắn không nói gì, tỉnh bơ đi vào phòng. Để rồi một lát sau, Ngọc nghe Phương tắm, tiếng nước dội xối xả, rồi im lặng, rồi lại nghe tiếng động. Ngọc nhìn ra sân thì thấy Phương thản nhiên ngồi phì phà hút thuốc ở gốc cây măng cụt. Nhiều lúc, Phương rủ hai ba đứa bạn về nhà ngủ lại, giường không đủ chỗ, cả bọn trải chiếu giữa đất lăn kềnh ra ngủ, buổi sáng thức dậy cả bọn lại mặc áo quần vào, đi.
Ngọc không bao giờ có ý nghĩ dùng quyền làm chị để la Phương. Dường như Ngọc không dám có ý nghĩ đó. Phương có quyền có đời sống riêng cũng như Ngọc có đời sống riêng. Đòi sống riêng của Ngọc, Ngọc mơ hồ có cảm tưởng thật rã rời, chán ngán. Ngọc bơ vơ ở ngay giữa những sôi động tình cảm của mình. Sự tha thiết của Hưng không đủ giải tỏa cái cảm giác đó và nhiều khi còn làm Ngọc thật bực mình. Tinh thương lồng trong sự nghiêm nghị của má Ngọc chỉ có một tác dụng thừa thãi, làm Ngọc lắm khi bàng hoàng khi nhận ra điều đó. Má đã hiện diện, che kín một khoảng đời Ngọc. Bây giờ thì không còn nữa. Tình cảm của má hiển nhiên, rõ ràng như ánh sáng và Ngọc lẫn trốn vào đó những lúc cô độc, không thắc mắc, như người bộ hành núp dưới bóng cây râm mát, rồi lại tiếp tục đi. Có điều, lúc nào bà cũng như quá cẩn trọng trong sự phát lộ tình cảm của mình. Nên ít khi Ngọc dám nói thẳng những xao động mãnh liệt trong tâm hồn với má. Nhiều lần, Ngọc cảm thấy thấp thoáng sự vỗ về của bà có vẻ như đã được tính toán. Ngọc bơ bơ hơn ở đó. Ngày anh Sang đi lính, Ngọc thấy bà cố giấu nỗi buồn dưới vẻ mặt thật bình tĩnh. Ngọc nức nở tiễn anh Sang đi, lúc trở về, Ngọc thấy hai mắt bà đỏ hoe. Suốt mấy hôm sau đó, bà không hề nhắc đến tên anh Sang.
Phương vẫn còn hát ồ ồ bên ngoài. Ngọc kêu:
– Phương ơi, hát hay lắm sao mà hát hoài hát hủy vậy không cho người ta ngủ.
Phương ngừng hát, cười:
– Em hát mặc em, chị ngủ cứ ngủ mắc mớ gì! Hát hay không bằng hay hát mà.
– Mày khi nào cũng cà rỡn. Má đi đâu rồi?
– Hình như đi đám anh Ngữ.
– Ngữ nào?
– Ngữ thiếu úy con bà Đội Hàng chớ Ngữ nào!
Ngọc chưng hửng:
– Trời ơi, anh chàng cao cao, đen đen, mới về phép hôm trước đó phải không? Mà chết ở đâu vậy?
– Chết đâu ở Quảng Tín, mới chở xác về chiều hôm qua.
Ngọc đi rửa mặt và cảm thấy xao xuyến. Lúc này, cái chết nào cũng thật bất ngờ. Ngọc nhớ đến anh Sang, chợt rùng mình. Anh Sang viết thơ về lúc nào lúc nào cũng nói đến số mệnh. Số mệnh là niềm tin cuối cùng cho những người đối diện với cái chết. Ngọc viết thư cho anh Sang cũng bảo Ngọc tin ở số mệnh. Nhưng Ngọc vẫn lo sợ. Anh Sang ơi, sao lại có quá nhiều người trùng hợp số mệnh với nhau, họ chết cùng một lúc, chết rất bất ngờ và thê thảm như thế. Em không biết rõ là em có sợ chết hay không, nhưng mỗi lần nghe tin một người quen chết là em hoang mang. Và mỗi lần hoang mang, em lại nhớ anh và rùng mình.
Ngọc đứng tựa cửa sổ nhìn nền nhà sũng nước mưa. Ngọc mường tượng căn phòng học cũ có cửa sổ mở trông ra vườn, tự dưng thấy bàng hoàng tiếc nuối. Hồi mới chạy giặc về, nhìn ngôi nhà sụp đổ, Ngọc thản nhiên như nhìn một trò chơi con nít bị phá hủy sau khi hết hứng thú. Nhưng về sau, khi phải ở chật chội trong căn nhà xây tạm, Ngọc mới có cảm giác mất mát. Phải chi anh Sang về lại đây để nhìn buổi chiều mưa, nước đọng thành vũng trên nền nhà cũ, những song cửa sổ cong queo, lởm chởm còn mắc trên vách, những hình vẽ rồng phượng trên bức tường kê tủ thờ, nhòe nhoẹt bên đống gạch vụn. Anh Sang ơi, có thể khi đi hành quân qua các làng mạc, chứng kiến bao khung cảnh hoang tàn còn thê thảm hơn thế này, chắc anh rất dửng dưng lúc được tin nhà mình sập hết sau Mậu Thân, chẳng thế mà khi nghe em báo tin, anh không hề hỏi tới hỏi lui. Lúc mới trở về em cũng như thế, dửng dưng. Cả thành phố đổ nát chứ đâu chỉ riêng nhà mình. Nhưng giá dụ, bây giờ anh có mặt ở đây, chắc anh mới thấy những tiếc nuối – những tiếc nuối thật tình cờ – như em.
Phương đến bên Ngọc, nói:
– Chị Ngọc, hôm nào đi lính, em phải nói với má sao cho ổn?
– Làm sao mà ổn được. Chắc chắn má không bao giờ cho em đi. Má đã khổ sở vì anh Sang lắm rồi đó.
– Biết làm sao. Chả lẽ ngày hai bữa ăn rồi đi long nhong ở cái thành phố này, chán muốn chết. Mà đến lúc rồi cũng phải đi thôi chị Ngọc. Thời buổi này, chạy đâu cho khỏi lính, trốn đâu cho khỏi chiến tranh hả chị Ngọc?
– Nhưng em vẫn còn miễn dịch mà.
– Mà ở nhà thì làm quái gì? Chị biết không, đôi lúc, thấy mình vô trách nhiệm thấy mẹ. Thằng Thụ chết, thằng Lượng cũng chết, thằng Phong cụt chân, thằng Thành mù một con mắt. Chị cứ nghĩ, mỗi lần tụi bạn đi hành quân về kể toàn chuyện khổ cực mà mình thi ăn rồi đi chơi, nghĩ nó không ra làm sao cả.
Nói xong, chưa kịp hỏi thêm, Phương đã bỏ đi. Bây giờ, số phần con trai như treo trên trời. Mà có lẽ số phần của mọi người cũng đều như treo trên trời. Bom đạn không còn phải là một biến cố, mà thường trực. Nhiều đêm, Ngọc nằm mơ thấy những giấc mơ bom đạn khủng khiếp, tỉnh dậy, Ngọc thấy mình rơi xuống từ một khoảng không. Lúc đó, Ngọc có cảm giác sắp chết và thấy thèm một vòng tay thật ấm, vòng tay của Hưng, của Sa. Ngọc ôm gối nghe một nỗi thiếu thốn kỳ lạ mà tình yêu si dại của Hưng dường như không đủ bù lấp. Tình cảm của anh chàng lúc nào cũng lộ liễu, tràn đầy với những đưa đón, những buổi đi dạo, những món quà hay những bức thư tình chất đống nhàm chán lắm khi chưa đọc đã biết nói gì. Ngọc khỏi cần phải chạy quanh, đuổi bắt băn khoăn. Tình yêu chả lẽ chỉ chừng đó thôi sao! Trông tầm thường quá. Với Ngọc, sự gắn bó giữa Hưng và Ngọc bây giờ nằm trong những kỷ niệm xưa cũ đã bắt rễ từ quá khứ và có lẽ không còn gì hơn nữa. Ngọc đâm ra chán ngán.
Những lần như thế, Ngọc say sưa nghĩ đến Sa, xót xa tiếc nuối. Sa thấp thoáng trong Ngọc bằng hình tượng những kỷ niệm thật chải chuốt. Trí nhớ đưa Ngọc trở về ngôi nhà ở Kim Long với hàng dừa trước cổng và một khu vườn đầy cây ăn trái. Sa ở nhà cạnh bên. Ngọc có tuổi thơ và có Sa. Những kỷ niệm êm ả giữa Sa và Ngọc thành hình, không toan tính, không sửa soạn. Chưa hề một thư tình, chưa hề một nụ hôn. Ngọc còn nhớ rõ, đêm trước hôm Sa theo gia đình và Đà Nẳng, Sa cầm tay Ngọc bóp mạnh, im lặng. Ngọc khóc nức nở, rứt tay bỏ về. Rồi thôi. Mãi đến bây giờ, Ngọc không hiểu rõ vì sao chuyện tình giữa Sa và Ngọc bị bỏ dở. Có thể là vì thế mà mỗi lần nghĩ đến Sa, lúc nào Ngọc cũng mang máng tiếc nuối. Hưng đến, vồ vập, hăm hở. Nhưng không hiểu sao, tình cảm sô nổi dành cho Hưng lúc đầu cứ lịm dần theo những ngày tháng hẹn hò đều đặn và buồn nản. Thật buồn cười. Trong Ngọc, Sa chen vào Hưng, Hưng lẫn trong Sa.
Phương vừa chảỉ tóc vừa hỏi Ngọc:
– E cũng hơn nửa tháng rồi, sao không thấy thư anh Sang gửi về, chắc lại bận đi hành quân, chị Ngọc hả?
Ngọc ậm ừ trong cổ, đưa mắt nhìn mưa rơi trên những đám lá non run rẩy. Dạo này, thường có những ngày mưa bay, mưa không lớn, nhưng liên miên. Những trận mưa ào ạt khoảng tháng bảy đã qua. Mùa thu thật dịu. Ngọc rời cửa sổ, tự dưng bâng khuâng. Ngọc nghĩ đến những đôi tình nhân đang dìu nhau đi dưới mưa và nhớ Sa một cách kỳ lạ. Yêu một người và bị níu kéo bởi một người khác, khiến Ngọc luôn luôn thấy tâm hồn mình bất định. Tiếc nuối chồng chất tiếc nuối khác, xô đẩy nhau tạo nên trong Ngọc những xao động. Ngọc đâm ra sợ hãi ngay cả những ước mơ và mong đợi của mình. Nhìn trở lại, dường như ước mơ nào rồi cũng rã rời, mong đợi nào rồi cũng thành thừa thãi. Ngọc không nói được với má, cũng chẳng nói được với Hưng. Má thì xa cách. Hưng thì hồn nhiên, lúc nào dường như cũng tỏ ra thỏa mãn với những gì mình có. Anh chàng chung tình, chung tình quá đỗi, nhưng cách sống yên phận của Hưng làm Ngọc bực mình. Ngọc ao ước được si dại, được đắm đuối trong tình yêu, muốn luôn luôn chạy theo, muốn đuổi bắt một cái gì khó khăn để khỏi thấy mình thừa thãi. Hưng vô tâm, chẳng hề hiểu điều đó. Lắm lúc, Ngọc thấy mình thật phi lý, vừa muốn đuợc yêu, được chiều lại vừa muốn bị hất hủi. Càng thấy phi lý, Ngọc càng khắc khoải.
*
Buổi chiều, Hưng đến đón Ngọc ở trường. Hưng đưa Ngọc đi ăn kem, rồi hai dứa vào Đại Nội. Sau Mậu Thân, cà khu hoàng thành tan hoang. Thành quách, cung điện, lâu đài đổ nát. Nắng chiều vàng nhạt xuyên qua các mái ngói rệu rã, đậu trên các cây bông sứ, phản chiếu xuống hồ một thứ ánh sáng bơ vơ, buồn thảm. Ngọc mênh mang nhớ những ngày trước chiến cuộc, khi mọi thứ còn nguyên vẹn, anh Sang chưa đi lính, Tài Vân chưa chết, buổi chiều rủ nhau long nhong vào Đại Nội, vừa đi lang thang vừa trò chuyện vẩn vơ thật là êm đềm hết biết. Anh Sang thì lúc nào cũng triết lý, Hưng thì lúc nào cũng rộn ràng, Tài Vân như dáng dấp cổ kính của các cung điện thì lúc nào cũng hiền hòa, trầm lặng. Lúc đó, nắng vàng, nắng tươi, cỏ cây xôn xao lay động. Ngọc lắng nghe giọng anh Sang say sưa nói về hạnh phúc, đau khổ, nhìn nụ cười Tài Vân nhẹ nhàng, loáng thoáng như có như không, nghe Hưng vừa đi vừa hát, Ngọc thấy cuộc đời sao mà dễ thương một cách kỳ lạ. Anh Sang và Tài Vân, Hưng và Ngọc tươi vui, trong sáng, tưởng như cứ như thế mãi mãi, không có gì trắc trở.
Nhưng rồi tất cả đột nhiên thay đổi. Anh Sang bị gọi nhập ngũ, bỏ học nửa chừng. Hôm tiễn anh lên đường, Tài Vân buồn thật buồn. Khi chiếc xe GMC chuyển bánh, anh Sang đưa tay vẫy vẫy, đôi mắt Tài Vân long lanh, ươn ướt. Rồi chiến cuộc nổ ra, lay động tận gốc rễ cái thành phố bình yên và trầm lặng của Ngọc. Những tưởng hiểm nguy chỉ dành cho người ra đi, ai ngờ lại rơi vào người ở lại. Giờ đây, đôi mắt Tài Vân đó đã rữa nát trong lòng đất trong lúc anh Sang đang dẫn lính đi hành quân một vùng đâu đó ở miền Nam. Những gãy đổ tình cờ như con bão rớt cuốn hút những mơ ước vào hư vô, không còn một dấu tích. Ngọc như bị xô đẩy vào một vùng hoang dã, xa lạ, ở đó, mọi kỷ niệm đều vỡ vụn như những đống gạch ngói trên lầu Ngọc Môn. Ngọc đổi tính, nhìn đời sống bằng một tâm trạng bất an thường trực. Anh Sang ơi, lúc nào anh về để được cắm vài cành hoa trên mộ của Tài Vân? Anh biết không, khi bị pháo kích chết ngay giữa ngã tư trên đường chạy giặc về chợ Cầu Kho, Vân được người đi đường bó vào trong chiếu, hối hả chôn ở một góc hồ Tịnh Tâm, đây vốn trước là những vồng khoai, bây giờ là nơi chôn cất tạm bợ những người chết. Anh Sang ơi, bây giờ Tài Vân vẫn còn nằm đó, chưa biết khi nào mới được cải táng. Chẳng lẽ cứ ở đó đến ngàn đời!
Nói là vào Đại Nội chơi, hóa ra, cả hai đứa đi đứng lừng khừng, chẳng thấy hứng thú gì mà rốt cuộc chỉ để chịu đựng những cảm giác lạc lõng. Cảnh lạc lõng, người lạc lõng. Nản chí, Ngọc kéo Hưng đến ngồi ở tầng cấp dưới cùng của lầu Ngọ Môn, lượm những hạt soỉ nhỏ ném vu vơ, đầu óc lang mang nghĩ đến sự mất mát tiếp nối của những ngày sắp đến. Hưng nói giọng thật buồn:
– Chỉ còn một tuần phù du thôi, Ngọc nhỉ.
– Đừng nhắc nữa, Hưng. Hết chia tay rồi lại chia tay. Em chịu không muốn nổi nữa.
Chì Ngọc, Hưng chỉ nhắc nhở những kỷ niệm xưa cũ. Ngọc nghe xôn xao. Nhớ đến những lần lạnh nhạt với Hưng, Ngọc thấy thật vô lý và bất nhẫn. Sự chân thành của Hưng nhiều lần làm Ngọc bực mình, chán ngán, bây giờ đột nhiên làm Ngọc xúc động. Hưng đi rồi, những ngày bình an bỏ lại. Như anh Sang, Hưng sẽ ôm súng, sẽ hành quân, sẽ là những cánh thư nhàu nát từ chiến trường gửi về. Hưng tầm thường, nhưng lúc Hưng đi rồi, biết đâu, Ngọc chẳng thèm khát sự tầm thường đó như một chuyện cần thiết không thể thiếu vắng. Ngọc yên lặng nhìn những đọt cây trụi lá khẳng khiu, những cây phượng mùa hè không nở bông đỏ chói như thường lệ, vô tình ngả xuống lòng Hưng, vội nhỏm dậy. Hưng cảm động gỡ những cánh bông sứ trên áo Ngọc vò nát, thì thầm nói về sự nhớ nhung, cô độc khi xa Huế, xa Ngọc và nhẹ nhàng hôn tóc Ngọc. Ngọc gỡ tay Hưng, đứng dậy.
Lúc trở về nhà, Ngọc thấy má ngồi tiếp chuyện với ông Thành, người-tình-xưa-cũ-của-má. Ông ta dong dỏng cao, khuôn mặt rắn rỏi, lâu lâu lại ghé đến thăm má. Má tiếp ông ta ở bàn làm việc ngoài mái hiên như khách quen hơn là người tình cũ, nhưng trông bà rất vui. Ông ta nguyên là sĩ quan, bị thương nặng trong một trận đánh dữ dội ở cao nguyên, ruột đứt phải nối bằng ống cao su, giải ngũ, giờ là thương phế binh. Hỏi, má chỉ cho biết ông ta là bạn cũ của má, và không nói gì thêm. Ngọc tò mò hỏi cậu, cậu Ngọc nói là hai người hồi trước thương nhau lắm, nhưng vì ông ta có tham gia trong một tổ chức thanh niên chống Pháp, nên ông bà ngoại má vốn là công chức của Pháp không chịu gả. Chuyện tình đành dang dở. Về sau ông bà ngoại ép gả cho ba Ngọc. Tuyệt vọng, ngày đám cưới, má Ngọc uống thuốc ngủ tự tử, nhưng người nhà hay được, cứu sống. Đúng là vết thương định mệnh. Hèn gì mà má có một cuộc sống lặng lẽ. Từ ngày biết chuyện, Ngọc thấy xốn xang, thương má nhiều hơn. Và đâm ra thông cảm với thái độ dửng dưng, đôi khi lạnh lùng của má. Nếu tình yêu của má không trắc trở thì không có Ngọc trên đời. Ngọc nghĩ giá mà như thế cũng hay.
Ngọc nói chào bác Thành. Người đàn ông cười hiền hòa:
– Cháu đi học về?
Ngọc cúi đầu nói dạ, rồi đi vào trong. Ngọc loáng thoáng nghe má Ngọc nói: “tính con Ngọc nó giống tôi lắm.” Giọng người đàn ông: “tính giống mà dáng dấp cũng chẳng khác mấy Phượng hồi xưa, đã ít nói lại hay buồn vơ vẩn. Khổ là phải. Thế mà cũng hăm lăm hăm sáu năm rồi.” Dường như người đàn ông thở dài.
Ngọc thay quần áo lên giường nằm, suy nghĩ vẩn vơ về những rắc rối của cuộc đời. Những yêu thương, dang dở, những gặp gỡ, chia cách. Tường như mọi người đều xô đẩy nhau cuốn vào vòng luẩn quẩn. Anh Sang, Tài Vân, Sa, Hưng, má, người-tình-xưa-cũ-của-má, mỗi người đều có một chỗ hỏng dưới chân, đàng sau là kỷ niệm chen chúc với những tiếc nuối, những hoa hoè, những vỡ vụn. Tương lai dựng nên bằng những dấu tích mờ mịt. Ngọc thảng thốt nghĩ đến định mệnh, nghĩ đến ngày lấy chồng, đẻ con, rồi cuộc sống lăn tròn trong những tháng ngày đều đặn, nối tiếp nhau. Sự lựa chọn nào cũng mang lại một cảm giác rã rời. Ngọc tưởng chừng như mình đang lao vào một khoảng trống mênh mông. Có ngày rồi Ngọc cũng như những cành cây mít, cây sầu đông khẳng khiu trong vườn, mệt nhoài như lũ chim xác xơ sau cơn gió bão. Có ngày rồi cũng không biết phải đợi chờ gì nữa.
Phương đã về, hát nghêu ngao từ ngoài cửa ngõ. Thằng nhỏ đến lạ, gì đó thì gì, hắn vẫn chơi vui hớn hở như thể chẳng còn gì xảy ra. Mai kia mốt nọ, Phương đi lính rồi, cái giọng hát ồ ồ vô duyên ấy sẽ cũng làm Ngọc nhớ tiếc bâng khuâng.
*
Lúc đi học về, Ngọc thấy Phương đứng đợi ở của ngõ, reo lớn: có thư anh Sang, chị Ngọc ơi. Ngọc hỏi mới đem lại chiều nay hả? Phương nói không phải thư bưu điện, thư tay gửi riêng cho chị, anh Thức đem đến. Thế mày đọc chưa? Chưa, thư riêng viết cho chị mà.
Ngọc vội vã lấy thư bóc ra đọc. Chữ anh Sang viết run run:
“Ngọc thương,
Anh đang nằm tại bệnh viện. Anh bị thương nặng ở chân trái trong trận đánh hôm 4/8. Không chắc khỏi cưa. Anh không mất bình tĩnh. Anh vẫn còn tin ở số mệnh. Em đừng buồn lắm và khoan báo tin gì cho má biết hết. Cách đây hai hôm, anh mơ thấy Tài Vân suốt đêm. Trận đó, có ba người bạn cùng khóa với anh chết, trong đó, có Sa. Chắc em còn nhớ Sa, anh ta hồi xưa ở gần nhà mình trên Kim Long đó. Dù sao, anh cũng muốn đưọc sống để về. Thương em.
Tái bút: Cắm hương trên mộ Tài Vân giùm anh.”
Phương hỏi dồn dập: anh Sang viết chi vậy chị Ngọc, chi vậy…?
Ngọc vứt thư cho Phương rồi úp mặt khóc nức nở.
*
… Đàng nào, anh Sang cũng sắp về. Con cầu nguyện anh vẫn còn nguyên vẹn. Suốt mấy hôm rồi, con không ngủ được. Con có cảm tưởng mất hẳn chỗ tựa. Con bỏ học đi lang thang ba bốn ngày nay. Như má biết, Hưng cũng đã đi lính tuần trước. Mấy lần, khi ngồi ăn cơm với má, con định nói với má về chuyện anh Sang, nhưng con vẫn không nói đươc. Biết anh Sang sẽ về, con vừa mừng vừa sợ. Chắc con không đủ can đảm nhìn nếu anh bị cưa mất một chân. Con còn nhớ có lần má vào bệnh viện quân đội thăm anh Lương về má nói: con người ta lúc sinh ra đầy đủ bộ phận, săn sóc từng chút mà lớn lên kẻ mất tay người mất chân nhìn không được con mắt. Bây giờ, con không còn bình tĩnh nữa má. Con hoang mang quá sức. Má ơi, chiến tranh gì mà buồn quá, hả má…
(Tạp chí Văn số 125, Sài Gòn 1969)