Chú Dưỡng và đội nhạc hiếu

Truyện Thái Sinh

Chuyện tưởng đã xưa như trái đất mà té ra vẫn giàu tính thời sự, đẳng cấp bốn chấm không (4.0). Ở làng quê Việt Nam, cái tốt khi đã biến mất thì đúng là biến ngay tắp lự, biệt vô tăm tích, không cách gì kêu gào đánh thức nổi. Trong khi đó cái xấu, thứ mà người ta vừa ghét vừa căm vừa sợ, thì như con đỉa trâu thù lù kinh dị, chỉ biến tướng theo đủ các cách thức, để tiếp tục bám trụ một cách dai dẳng lì lợm trong cuộc sống, kiên trì lập trường dị dạng của giai-cấp-xấu-xí… 

Truyện khiến người ta phải cau mặt nhếch mép, để chua chát chửi thầm: Sao lại có thứ người dơ dáng mặt dạn mày dày đến thế!

Xin gởi tới các bạn truyện mới “ráo chuột” của nhà văn Thái Sinh.

VĂN VIỆT


Chú Dưỡng là em họ xa của bố tôi, chú về hưu được chừng hai hay ba năm nay khi mới ngoài bốn mươi tuổi. Nghe nói chú làm ở đội thông tin cổ động trên huyện, chả biết do cái tội cãi lại cấp trên hay chuyện tòm tem cô văn thư nên chú được người ta cho nghỉ sớm. Chú bán ngôi nhà trên phố huyện về mua ngôi nhà cạnh gia đình tôi để gần anh gần em những khi tắt lửa tối đèn, chú bảo với bố tôi như thế.

Làng Tào ngày xưa gọi bố mẹ là thầy, ầm. Bây giờ đám trẻ không gọi như vậy nữa, vì nó quê quê thế nào ấy. Trong tâm khảm tôi, nếu trở lại thời bé con tôi vẫn gọi thầy, ầm như xưa. Thầy tôi có biết dăm ba chữ nho còn ầm tôi thì mù chữ, bà kể có mấy đêm đi học lớp bình dân học vụ nhưng con chữ chả chui được vào đầu, tay quen cầm liềm, cầm cuốc đã chai sần nay cầm bút như cầm khúc cây cứ run bắn, viết chữ như con giun, chán quá nên bỏ. Bà bảo: Nhiều tối ngồi học, bụng réo sôi ùng ục, chị mày lại rúc vào bú càng rát ruột hơn. Đói bỏ mẹ, chữ với chả nghĩa…

Vào những đêm trăng sáng giời, chú Dưỡng trải chiếu ra giữa sân mời thầy tôi và mấy người hàng xóm sang uống nước chè xanh hút thuốc lào hóng mát. Mọi người nói về mùa vụ, ruộng đồng chuyện dường như đã vãn, chợt thầy tôi bảo:

– Anh cũng chả biết công việc của chú trên huyện làm cái gì. Nhưng hôm rồi nghe mấy ông trên xã nói với nhau đám văn nghệ sĩ dạo này gớm lắm, đang âm mưu tạo phản gì đấy?

Chú Dưỡng cười khục khục trong cổ:

– Đám văn nghệ sĩ trói gà không chặt thì tạo phản cái gì. Công việc của em ý bác? Làm trong ban nhạc phục vụ các hội nghị, em gảy đàn kéo nhị cho các ả nàng hát, công việc chỉ thế thôi.

Thầy tôi ngáp dài bảo:

– Thế mà từ ngày về đây anh chả được nghe chú gảy đàn, kéo nhị hát hò bao giờ.

Nghe thế, chú Dưỡng vào trong buồng lôi ra chiếc đàn bầu phủ bụi, chú lặng lẽ lên lại dây nhìn mọi người:

– Nhiều hôm em cũng muốn mang đàn ra chơi, vì sau khi đi làm đồng về ngồi rỗi như thế này ngứa chân ngứa tay lắm nhưng chưa hiểu bà con xóm giềng ở đây họ lại bảo mình là thứ văn nghệ ủy mỵ, hão huyền nên thôi. Bây giờ em xin biểu diễn vài bài tặng các bác để về nhà ngủ ngon.

Tiếng đàn bầu của chú vang lên trong đêm khuya thanh vắng của làng quê nghe da diết, buồn thăm thẳm. Tôi như đắm mình mê mẩn trong tiếng đàn, trăng lên rồi khuất dần sau ngọn tre bấy giờ mọi người mới ra về.

Chẳng hay tiếng đàn của chú lại vang xa đến thế, đêm sau trai gái trong làng kéo nhau đến nghe chú Dưỡng chơi đàn. Ông Hoàng cũng mang cây nhị đến góp vui, rồi anh Lãm mang trống đến, bác Triều mang cây kèn tới. Tôi được chú Dưỡng dạy cho cách thổi sáo trúc, cũng thổi bậm bẹ được đôi ba bài. Bỗng dưng nhà chú Dưỡng trở thành nơi tụ hội của cánh văn nghệ sĩ của làng Tào. Đêm đêm dân làng kéo đến uống nước chè xanh, nghe chúng tôi biểu diễn văn nghệ. Bác Triều và chú Dưỡng kiêm luôn ca sĩ, hát những bài: Suối mơ, Làng tôi, Ngày mùa, Ru con… Nghĩa là ai thuộc bài gì thì hát, ai muốn hát bài gì cũng được: Chèo, dân ca quan họ Bắc Ninh, chầu văn… Hát cốt cho vui, cho quên đi nỗi mệt đồng áng, cho quên đi cái đói cái nghèo.

Nhóm nhạc do chú Dưỡng tập hợp được tám, chín người gì đó lâu rồi tôi không nhớ hết tên. Chỉ biết bác Triều là cựu sĩ quan quân đội làm trong đội tuyên văn gì đó, còn anh Lãm tay trống cự phách của đoàn văn công trên tỉnh, do anh ấy đẹp trai quá, nên nhiều em mang trống với anh ấy, nên bị đuổi khỏi đoàn. Còn ông Hoàng hơn chú tôi dăm sáu tuổi là đảng viên kỳ cựu, năm rồi không trúng cấp ủy nên về làm phó bí thư chi bộ. Kỳ thực, tôi cũng chả biết mấy lai lịch về các thành viên của nhóm nhạc đó.

Nhóm nhạc làng Tào do chú Dưỡng khởi xướng đã khuấy động cái làng quê vốn rất thanh bình đến u mê trở nên sống động mỗi khi đêm xuống. Nhìn lũ trẻ thau tháu chưa tối đã đến sân nhà chú Dưỡng trải chiếu nhận chỗ, rồi các cụ râu tóc bạc phơ chống gậy đứng ngoài ngõ nghe đàn hát khiến tôi cứ rạo rực trong lòng. Sướng nhất là những hôm nhóm nhạc được mời đi biểu diễn ở các làng khác, họ đón bằng xe đạp, có người gánh hộ nhạc cụ rồi được thưởng một bữa rượu say túy lúy kèm theo mấy đồng thù lao. Ngày nay gọi là nhuận bút, bấy giờ gọi là nhuận miệng.

Bác Triều cười hềnh hệch:

– Được nhuận miệng bóng mỡ như bữa này cũng đáng cái mặt nhóm nhạc làng Tào…

Nói rồi bác nâng chén ép chúng tôi uống cạn hết chén rượu, rồi kể những năm tháng chiến tranh chống Pháp biểu diễn văn nghệ bên những thương binh cụt chân cụt tay. Tự nhiên bác ôm mặt khóc hu hu:

– Tào lao hết chỗ nói. Người thì la hét lên vì đau đớn, còn người thì căng hết lồng ngực để hát. Tiếng hát át tiếng bom, nghe cũng hay đấy, nhưng hát mà thay được thuốc men thì tao hát mãi…

Trông bác Triều vừa nói vừa uống, nước mắt đầm đìa nom tội nghiệp lắm. Anh Lãm cười tủm tỉm gõ đũa vào chiếc bát đựng canh miệng la lớn:

– Cắc tùng cắc, này hết canh rồi nhá… Hết rồi à, thế thì cặc tùng cặc vậy, chan với húp cái gì. Mang cho tớ gáo nước sôi tớ chế bát canh cũng được, kẻo bác Triều khóc hết nước mắt bây giờ…

Chú Dưỡng chắp tay:

– Tôi lạy các ông, ăn uống nhanh nhanh để về. Người ta hầu các ông như thế đủ rồi, cái thứ đàn thuê hát mướn có gì mà oai để vành vẻ người ta. Nói vậy có phải không ông Hoàng?

Ông Hoàng gật đầu vẻ nghiêm trọng:

– Rất mong các ông giữ gìn thanh danh của nhóm nhạc, kẻo người ta quy cho lỗi này tội kia như nhóm Nhân văn Giai phẩm thì chả mấy chốc mà tan, ăn đòn nhừ tử…

Nghe bốn chữ Nhân văn Giai phẩm mặt ông nào ông nấy đều biến sắc, tôi là thằng ranh con biết gì về Nhân văn Giai phẩm nên nghe ông Hoàng nói, lại nhìn bác Triều lau nước mắt nước mũi bằng vạt áo thì không nhịn được cười.

Người các làng khác gọi nhóm nhạc của chú Dưỡng là Nhóm nhạc làng Tào, nghe ra cũng sang trọng hơn là đội văn nghệ hay tổ văn nghệ gấp trăm lần. Kể từ đó, tối nào chúng tôi cũng tụ họp tại nhà chú Dưỡng tập tành những bài hát mới, phù hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Chú Dưỡng và anh Lãm đọc được bản nhạc nên thay nhau dạy chúng tôi xướng âm tập hát. Thanh niên làng Tào nhiều người sau này biết đàn hát vang lừng khắp nơi là nhờ nhóm nhạc của chú Dưỡng dạy cho.

Một hôm xã có giấy mời gọi chú Dưỡng lên làm việc, cầm tờ giấy mà tay chú run lên bần bật. Giọng chú lạc đi:

– Lại có chuyện gì đây, phản động hay đồi trụy? Chú quay sang tôi – Chiều cháu đi cùng chú lên xã nhé, không chừng đi tù cả lũ vì đàn ca hát xướng…

Nghe tôi kể chuyện đó, thầy ầm tôi tỏ ra lo lắng:

– Chú cháu chúng mày biểu diễn, hát hò những bài hát gì có phản động không để người ta gọi lên thế?

Tôi khép nép:

– Toàn bài hát ca ngợi đảng, Bác động viên sản xuất chứ có phản động gì đâu…

Giọng thầy tôi át đi:

– Thôi ngày mai mày chuyên tâm vào học hành, chứ văn nghệ văn gừng có ngày tù mọt gông. Chú Dưỡng bị về hưu sớm cũng do cái tội thơ phú chọc ngoáy ông nọ bà kia. Bây giờ đã khá rồi đấy, chứ vào hồi giảm tô cải cách chú Dưỡng mà cãi ông bà Đội (những người trong đội cải cách ruộng đất) thì chỉ ăn đất. Đòm! Đòm hết. Gương tày liếp kia, ông giáo Viễn bị trói lôi ra đình vì dám làm ca dao chê Đội ngu không biết chữ mà đi dạy người biết chữ. May mà có anh em trên trên huyện làm to về xin cho, nhưng cũng phải quỳ lạy ông bà Đội mới tha tội chết đó…

Ầm rơm rớm nước mắt vỗ về tôi:

– Thầy nói phải đấy con ạ. Từ mai con xin chú Dưỡng không tham gia vào nhóm nhạc nữa, báu gì loại xướng ca vô loài ấy mà theo…

Vừa nhả khói thuốc lào, thầy tôi gõ chiếc xe điếu vào cột nhà bằng tre giọng dịu đi:

– Chiều nay mày cứ theo chú Dưỡng lên xã xem họ bảo thế nào. Nếu xấu quá thì tính sau. Vả lại, mày là thằng nhóc con theo đám hát biết quái gì mà sợ…

Nghe thầy tôi nói cứng thế nên tôi cũng đỡ sợ.

Đúng hai giờ chiều chúng tôi có mặt tại trụ sở ủy ban hành chính xã. Ông chủ tịch xã chừng hai rưỡi mới đạp chiếc xe Thống nhất đến, ông rập chiếc chiếc chống xe đánh roách một cái rồi dựa xe gần tường nghe rất oai vệ rồi hất chiếc sắc cốt màu đen ra phía sau lưng bước chân liêng liếng lên hè hất hàm hỏi chú Dưỡng trống không?

– Đến lâu chưa?

Chú Dưỡng năm ấy bốn lăm tuổi, hơn ông chủ tịch hai tuổi, ông tên là Đại, người làng gọi kèm theo tên bố ông ấy là Đại Vị. Ông Đại chỉ học hết lớp bảy trường làng, hồi ấy gọi là tốt nghiệp cấp II, do học dốt quá, không vào được cấp III nên ở nhà cày ruộng. Thanh niên làng Tào hồi ấy đều ra mặt trận còn lại những tay mắt hiếng, điếc lòi như thằng Thụ thì ở nhà. Ông Đại do chân đi chữ bát lại có dị tật ở tay nên nhập ngũ được mấy hôm thì cho về. Ngày ấy người học hết cấp II ở làng Tào kể cũng là khá, vì vậy ông được mời làm thư ký đội sản xuất, rồi cứ thế lên chức kế toán hợp tác xã, vào đảng rồi sang làm thư ký ủy ban… Kỳ đại hội vừa qua ông trúng chức phó bí thư đảng bộ được cử làm chủ tịch ủy ban hành chính xã.

Chúng tôi vào phòng làm việc của ông, chú Dưỡng nét mặt tỏ vẻ rất căng thẳng ngập ngừng một lúc mới nói:

– Thưa anh, có việc gì anh gọi chú cháu tôi lên đây vậy?

Ông Đại chả thèm nhìn chú Dưỡng, hút thuốc lào sòng sọc hai ba điếu phả khỏi mù mịt khắp phòng rồi mới hiêng hiếng mắt nhìn chú, giọng nghiêm khắc:

– Vừa rồi nhóm nhạc của các anh đi biểu diễn những đâu vậy, có thu tiền của họ không?

Chú Dưỡng hai bàn tay xoắn vào nhau, giọng lạc đi:

– Dạ… dạ báo cáo đồng chí chủ tịch, nhóm nhạc của chúng tôi được các làng Hiệp, Ninh Hiệp, Chèm… mời đến biểu diễn khi làng họ mở đám…

– Biết rồi! Ông Đại cắt lời – Những bài hát, bản nhạc được ai cho phép biểu diễn, hả? Hả?

Lặng đi một lát, chú Dưỡng hít một hơi thật sâu mặt chợt đanh lại, dường như sự chịu đựng của con người nghệ sĩ trong chú đã cạn, đến giờ là con người của kẻ sĩ trỗi dậy, chú nhìn thẳng vào mắt ông Đại đáp:

– Những bài hát chúng tôi mang đi biểu diễn do học trên Đài Tiếng nói Việt Nam, còn những bài dân ca do các cụ tự ngàn xưa truyền lại…

– Có hát nhạc vàng không?

– Không! Toàn những bài ca cách mạng, ca ngợi đảng, Bác và nhân dân thôi…

– Tốt!

– Vậy đồng chí chủ tịch gọi chúng tôi lên đây làm gì?

Lão Đại mỉm cười, hút mấy điếu thuốc lào nữa rồi mới chậm rãi:

– Nói là thế này, nhóm nhạc của các anh đi biểu diễn phục vụ các làng xung quanh chả có gì chê trách cả. Càng tôn thêm tiếng tăm của làng Tào ta thôi. Chỉ xin nhắc các anh một điều này, đến đâu được người ta mời tiệc rượu thì luôn phải nghĩ cho cái sĩ diện của người làng Tào, sĩ diện của người nghệ sĩ, đừng ăn uống bê tha quá, có khi họ mời nhưng mình từ chối chẳng hạn, trong bữa rượu thì nói năng có chừng có mực… Đấy, giả dụ như thế. Còn bây giờ có một việc thế này, đảng bộ quyết định thành lập đội nhạc hiếu của xã. Làng Tào chưa có đội nhạc hiếu, mỗi lần làng có đám bà con phải chạy sang tận Phùng Thương, Sen Chiều mời mọc đưa đón họ tốn kém lắm. Vả lại, làng có một đội nhạc hiếu vẫn hơn, phục vụ bà con trong làng. Đám ma mà không có trống kèn thì chả ra đám ma. Nói thế đồng chí hiểu chứ?

Nghe vậy, gương mặt chú Dương cứ ngây ra, chú đã lờ mờ đoán ra điều gì lão Đại vừa nói, nên hỏi:

– Ý đồng chí chủ tịch là thế nào?

– Còn thế nào nữa- Lão Đại vỗ tay xuống bàn- Nhóm nhạc làng Tào kiêm luôn đội nhạc hiếu, vừa hát hò vừa thổi kèn đám ma. Xin nói rõ luôn là đội nhạc hiếu của làng sẽ có quyết định thành lập và có sự lãnh đạo của đảng trong đó. Đảng bộ xã nghị quyết rồi, đồng chí Đinh Trọng Hoàng phó bí thư chi bộ thôn Ngõ Giai làm đội trưởng đội nhạc hiếu, đồng chí Lâm Chí Dưỡng làm đội phó.

Chú Dưỡng ngập ngừng:

– Xã để chúng tôi về bàn thảo anh em trong nhóm đã…

Lão Đại gắt:

– Đảng đã phân công các anh không được từ chối…

– Nhưng nhạc hiếu chúng tôi chưa tập bao giờ.

Lão Đại cười lớn:

– Chưa tập thì về tập đi. Bác đã dạy Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên. Việc đánh thắng Pháp chúng ta còn làm được huống gì thổi kèn đám ma?

Lúc đó có mấy người dân đang thập thò ngoài cửa, dường như có việc gì nên lão Đại chống tay xuống bàn đứng lên:

– Thôi thế đồng chí Dưỡng nhé, cứ thế tập hợp anh em mà tập tành cho tốt, xã gửi quyết định xuống sau…

Sau khi thông báo ý kiến chỉ đạo của xã xuống anh em nhóm nhạc, ông Hoàng băn khoăn điều gì không nói ra, bác Triều cười chảy nước mắt:

– Bố khỉ! Tớ trước thổi kèn xung trận, giờ về làng thổi kèn đám ma kiếm ăn. Kể cũng hay đấy chứ?

Anh Lãm gõ xe điếu cày vào chiếc điếu bát giọng oang oang:

– Thế cũng hay, có đám thì có rượu. Đảng bảo hát thì hát, Đảng bảo khóc thì khóc. Danh giá gì đám đàn thuê khóc mướn hở các vị? Miễn có chén và có tiền mang về cho vợ là được, thời buổi gạo châu củi quế, tôi xin giơ tay đây.

Đội nhạc hiếu của làng Tào ra đời như thế. Tôi là học sinh chỉ là thành viên dự bị, nghĩa là chỉ thay chân những ai trong đội có việc đi vắng. Còn lại công việc của tôi là nhận phiếu ghi tên đoàn đến viếng chuyển cho chú Dưỡng xướng danh, hoặc khi tiền thướng cho đội kèn trống đầy chiếc phèng đồng thì xếp lại cất vào hòm. Tính ra mỗi đám cũng được vài chục đồng tiền thướng tùy đám tang to nhỏ. Chú Dưỡng sau khi chia tiền cho các thành viên cười như mếu:

– Chả bõ thức đêm khóc than khản cổ. Cụ nội nhà ông Đại sắp thăng rồi, hôm qua nghe lão ta dắng, đám nhà tôi cũng nay mai thôi, Đội nhạc hiếu các ông không nhận lời đám nào khác nhé. Các ông tới làm cho lâm li bi đát đầy sự xót thương… Đám này không có thù lao gì đâu, tiền thướng thì để lại cho gia chủ một nửa gọi là có chút hương khói cho người đã khuất. Nói trước để các vị biết tinh thần như vậy… 

Hơn một tuần sau thì cụ nội nhà lão Đại mất. Đội nhạc hiếu đến trước cả khi người ta chưa bắc rạp. Chú Dưỡng, bác Triều, ông Hoàng gương mặt rầu rĩ, một sự rầu rĩ buồn phiền giả tạo mà tôi đã đọc được. Anh Lãm thì cố ra vẻ trầm mặc nhưng hễ nhìn thấy cô nào nom hay hay con mắt bưng trầu nước đi qua là nháy mắt với tôi.

Sau khi khâm niệm xong, hơn hai giờ chiều thì phát tang, tiếng trống tiếng kèn vang lên, lão Đại còn mượn cả bộ tăng âm tận trên huyện cho đám ma nhà lão thêm hoành tráng. 

Những lời khóc than cụ nội của đám con cháu và những người khóc thuê sao mà buồn thế. Người ta kể nể công lao của cụ nội ngày xưa đánh Tây, đuổi giặc như thế nào… cứ y như lão Đại được sinh ra từ cái cách mạng yêu nước từ thuở vua Bảo Đại còn ở truồng. Rồi họ kể lể rằng đã đun bát cháo lươn thơm ngon như thế mà sao cụ không ăn, cụ bảo thèm lắm cơ mà, ới cụ ơi là cụ. Họ tranh nhau khóc, tranh nhau kể công rồi lăn lộn trên đất vỗ vào quan tài bình bịch như muốn đánh thức cụ nội trở lại cõi dương thế.

Đau xót quá, thương đau quá, khiến những người đến viếng không cầm nổi nước mắt.

Một cô mặc váy vải thô, hình như là cháu cụ nội ở trên thành phố, nhìn đôi bắp chân da trắng ngần đủ hiểu. Anh Lãm mắt hau háu nhìn cô gái ngồi dạng tè he, đầu gục xuống đầu gối khóc rên rỉ, chiếc váy ngắn co tận đầu gối, khiến cái lá đa phơi ra rõ mồn một. Tiếng trống của anh Lãm thúc liên tục nhịp đôi, nghe tiếng trống chúng tôi hiểu anh Lãm nói gì, Góc trong cùng kìa! Góc, góc trong cùng kìa…. Nhiều người dự tang lễ cũng bụm miệng cười. Ông Hoàng, bác Triều nhìn thấy cúi mặt xuống, chú Dưỡng sau cái cười mỉm mặt đỏ tía tai giật lấy hai chiếc dùi trống của anh Lãm gõ liên hồi vào thành trống như đánh thức những người đang mê man trong đau khổ tỉnh lại.

– Thưa bà con xóm giềng và gia quyến, đội nhạc hiếu xin nghỉ giải lao ba mươi phút để con cháu trong nhà ăn cơm chiều. Những ai đến phúng viếng, xin ngồi uống nước ăn trầu chia buồn với gia chủ…

Lão Đại liêng liếng cái chân ra bắt tay những người đến viếng, mắt đỏ hoe vì thương cụ nội, lão háy mắt với chú Dưỡng và ông Hoàng gật đầu khen đội nhạc hiếu chơi được.

Anh Lãm vừa ăn vừa cười lục khục trong cổ vẻ mặt rất sung sướng. Chú Dưỡng phải lườm mấy bận, ra hiệu tang ma vui vẻ nỗi gì mà cười.

– Được xem hài kịch và phim mát không mất tiền sao bác lại bảo không vui kia chứ?

Nghe thế khiến chú Dưỡng gắt lên:

– Tôi xin anh, đừng có mà giễu cợt như thế. Đây cũng là cái cần câu cơm của gia đình anh và gia đình chúng tôi đấy. Con cái anh có bát cơm, miếng thịt cũng nhờ đàn thuê khóc mướn như thế này. Anh muốn tai họa đổ xuống đầu cả đội hay sao mà cười?

Vừa lúc đó một người đàn bà nhòm vào, hỏi:

– Dạ, các bác gọi em có việc gì ạ?

Anh Lãm nhanh miệng:

– Cho xin bát canh xương, ông Triều thổi kèn khô cả họng húp canh như uống nước. Cơm đám mà thổi khô thế này ăn không có canh sao nuốt được…

Người đàn bà dạ ran, một lúc sau bê bát canh xương bốc khói nghi ngút vào cho đội nhạc hiếu, anh Lãm đỡ bát canh.

– Thôi nhé, chúng tôi chỉ cần bát này thôi, gia đình sang bàn bên tiếp các cụ và quan khách đi nhé…

Lão Đại đến bên chú Dưỡng nói nhỏ:

– Ông nhớ xướng to tên và chức vụ các vị quan khách trên huyện và thành phố giùm tôi, để làng xóm và bàn dân thiên hạ biết mối quan hệ của tôi thế nào…

Chú Dưỡng gật đầu, chờ lão Đại đi khuất mới lầm bầm:

– Đám ma cho người sống chứ không phải đám ma cho người chết…

Tôi được chia năm hay sáu đồng tiền thướng đem về đưa cho ầm. Ầm bảo:

– Thật tội bà cụ quá, lúc sống thì chả mấy người nhòm ngó, ốm lăn ốm lóc cả năm giời rụng hết tóc, trọc cả đầu có được đồng thuốc men gì đâu. Cái nhà ấy xem ra cũng muốn cụ đi càng sớm càng tốt cho đỡ tốn cơm hay sao ý. Khi nằm xuống thì cỗ bàn linh đình, xe lớn xe bé về chật làng. Số tiền này ầm ra chợ mua cái lễ mang lên chùa cầu mong cho linh hồn cụ sớm siêu thoát…

Cuối năm ấy, các đội sản xuất và đội nhạc hiếu đều phải họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu cho năm tới. Ông Hoàng đội trưởng viết bản kiểm điểm chừng hai trang giấy, đến phần chỉ tiêu phấn đấu thì ngắc, chạy sang chú Dưỡng hỏi. Chú Dưỡng e hèm rồi gật gù:

– Tỷ lệ sinh thì có thể ước tính trung bình hàng năm, còn người chết thì biết thế quái nào được. Rách việc quá! Thôi, thế này nhá, ông cứ ghi số đám ma đội nhạc hiếu phục vụ sang năm bằng năm nay, ra cuộc họp tôi giải thích cho lãnh đạo xã biết sau…

Hôm họp tổng kết, đội nhạc hiếu được vinh dự đón cả bí thư lẫn chủ tịch xã đến tham dự, ý chú Dưỡng muốn lấy lòng hai vị lãnh đạo và bắn tin trước năm nay tổng kết có rượu ở nhà hàng. Các đội sản xuất may mắn lắm thì phó chủ tịch hay trưởng ban kinh tế xã đến dự là cùng. Trước khi vào buổi họp anh Lãm chơi một bài trống chào mừng, rồi đến chú Dưỡng độc tấu đàn bầu bài dân ca quan họ Bắc Ninh Bèo dạt mây trôi, gọi là có chút văn nghệ văn gừng cho rôm rả. Sau đó mới đến phần giới thiệu đại biểu, vỗ tay bôm bốp.

Ông Hoàng sau một hồi kính thưa kính gửi như đại hội chi bộ của ông rồi mới dõng dạc đọc bản kiểm điểm đội nhạc hiếu rất chi là lâm li thống thiết. Đến phần chỉ tiêu phấn đấu thì đọc lí nhí khiến lão Đại phải hỏi lại rồi cúi xuống ghi chép vào sổ.

Sau đó mọi người thảo luận, tiếp đến là ông bí thư đảng bộ xã lên quán triệt các nghị quyết, rồi nhắc đến xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở, nhất là chuyện tang ma, cưới xin, thời chiến các gia đình không nên phô trương tốn kém tiền của mà dành thời gian cho chiến đấu và sản xuất.

Ông chủ tịch Đại cũng phát biểu một bài tràng giang đại hải, toàn những chuyện trên giời dưới biển, rồi ông moi chuyện đám ma nhà ông vừa như khen đội nhạc hiếu rồi nhắc nhở cái chuyện Góc trong cùng khiến chúng tôi không dám cười. Trong đám ma cần phải thể hiện sự thương xót người quá cố không chỉ đối với gia đình ông mà mọi gia đình khác đội đến phục vụ. Cuối cùng ông hỏi:

– Sao chỉ tiêu năm tới lại chỉ bằng năm nay là sao?

Chú Dưỡng đứng lên, gãi đầu:

– Chúng tôi cũng chả biết làng Tào năm tới số người chết là bao nhiêu nên chỉ dám ngam ngám con số như thế…

– Đội nhạc hiếu làng Tào có đi phục vụ các đám làng khác không?

– Dạ có! Mỗi năm dăm sáu đám không nhiều…

Lão Đại đập tay xuống bàn khiến mọi người giật nảy mình.

– Thì kéo số người chết của làng khác vào làng mình. Đã là chỉ tiêu thì năm sau phải cao hơn năm trước…

Tiếng vỗ tay rào rào tán thưởng. Một ý kiến chỉ đạo quá hay của lão chủ tịch Đại khiến ai cũng nở nụ cười sung sướng. Chú Dưỡng mừng run người, nên nói nhịu.

– Cảm ơn đồng chí chủ tịch xã Vĩ Đại, mọi ý kiến quý báu của đồng chí bí thư, chủ tịch đội nhạc hiếu làng Tào xin tiếp thu và hứa phấn đấu trong năm tới…

Buổi họp tổng kết của đội nhạc hiếu làng Tào kết thúc tại đó, chúng tôi cùng nhau ra quán đầu làng uống một bữa rượu tưng bừng. Khi ra về, chú Dưỡng nhét vào túi ông bí thư và ông chủ tịch mỗi người cái phong bì, gọi là chút quà mọn. Lão Đại cười nhăn nhở:

– Mấy bà hàng xén còn đóng thuế môn bài cho xã đấy nhé…

Chờ hai ông đi khuất, chú Dưỡng đập hai tay xuống bàn mắt trợn ngược như ma làm rồi khóc rống lên, giọng uất ức.

– Không cái nghề nào lại nhục hơn cái nghề này. Hát nịnh cũng bị chửi, khóc thuê cũng bị chửi. Ới đám cười thuê khóc mướn ơi…

Ngày 4/5/2019

Comments are closed.