Lãng tử Tô Hải

Vũ Thư Hiên

(Nhớ bạn. Thế mà đã 4 năm rồi ta xa nhau)

image

Người hỏi cung tù nhân, tên chữ là chấp pháp, bao giờ cũng mở đầu bằng câu:

– Anh gặp anh ta, hắn ta, ông ấy, thằng ấy… khi nào?

Câu hỏi buồn cười. Nó là công thức muôn thuở của công an. Nó có từ khởi thuỷ của ngành này, là thứ chưa khi nào bị thay thế.

Tôi không ngạc nhiên khi rơi vào tù tôi bị tra vấn cặn kẽ về bạn bè. Tôi chỉ ngạc nhiên khi họ hỏi về Tô Hải. Hoá ra anh cũng nằm trong diện bị nghi ngờ. Mà Tô Hải thì có chính trị chính em bao giờ.

Tuy nhiên, tôi có chút yên tâm – Tô Hải được nhắc đến là “anh ta” chứ chưa phải “thằng ấy”. Nếu Tô Hải đã nằm trong tù thì chắc chắn đã bị gọi là “thằng ấy” rồi. Lệ là thế.

Giờ ta đã biết Tô Hải là người thế nào. Với cuốn hồi ký “Thằng Hèn” anh nói toạc, nói sạch sành sanh suy nghĩ của mình về đủ thứ dính dáng hai lĩnh vực nghệ thuật, chính trị.

Mới thấy viễn kiến của ngành công an thật đáng nể.

Tôi chẳng nhớ gặp Tô Hải lần cuối khi nào để trả lời họ. Mà tại sao họ lại quan tâm đến cái lần cuối ấy đến thế nhỉ?

Nhớ đến Tô Hải là trong óc tôi hiện lên những đồi sim lúp xúp ở Ninh Bình. Chúng tôi từng cùng nhau hành quân qua những đồi tím hoa sim ấy. Ký ức có cuộc sống của nó. Ký ức hoá ra độc lập với ta. Không phải cái gì ta muốn nhớ thì nó ghi vào. Thích gì nó ghi nấy.

Vào mùa sim chín, có thể ăn quả sim để dỗ cơn đói. Quả sim ngọt ít, chát nhiều. Ăn nó giống trò chơi hơn là ăn.

Lại nữa, nói đến hoa sim là nhớ đến Hữu Loan với màu hoa “tím chiều hoang biền biệt”. Nhà thơ có thể sống mãi chỉ với một bài thơ.

Hồi ấy chúng tôi trẻ. Chúng tôi đi, lầm lũi đi. Hết ngày này sang ngày khác. Hết tháng này sang tháng khác. Liên miên. Không thể nhớ nổi chúng tôi đã qua những con đường nào. Chúng có tên và không tên.

Cuộc kháng chiến chống Pháp không hứa hẹn ngày kết thúc. Nó là trường kỳ như tổng bí thư Trường Chinh viết, sao y bản chính Trì Cửu Chiến Luận của Mao Trạch Đông .

Chúng tôi đi, đi miệt mài, đi không đếm bao nhiêu con đường, bao nhiêu dặm đường đã qua. Như lời bài hát: “Đi là đi chiến đấu Đi là đi chiến thắng Đi là mang mối thù thiên thu…” của Phạm Duy.

Trong một cuộc hành quân liên miên bất tận ấy, Tô Hải viết “Nụ cười sơn cước”. Khẩu mousqueton trên vai, bao gạo trễ bên hông, cả hai nặng chịch, thế mà Tô Hải vẫn liếc ngang liếc dọc các sơn nữ bên đường:

Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi

Mây mờ buông xuống núi đồi

Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời

Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi

và dâng sầu lên mi mắt người về.

Thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót

và mưa Xuân đang tưới luống u sầu,

buồn cho dòng nước mờ xóa bóng chim uyên

và gió chiều còn khóc thương

mối tình còn vấn vương.

Ai về sau dãy núi xanh lơ,

nhắn giùm tim tôi chưa phai mờ,

Hình dung một chiếc thắt lưng xanh,

một chiếc khăn màu trăng trắng,

một chiếc vòng sáng lóng lánh,

với nụ cười em quá xinh.

Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng,

dệt tơ xe mấy cung yêu thương

gửi lòng trong trắng,

của mấy bông hoa rừng

đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi.

Tô Hải là thế.

Tôi quen Tô Hải đủ lâu để có thể đoán có bao nhiêu bóng hồng đã lướt qua đời anh. Nhiều lắm lắm í. Người ta chê Tô Hải chuyện ấy. Tôi tôi thì không. Tôi chỉ ghen với anh thôi.

Tô Hải thời thanh xuân rất đẹp giai với hàng ria mép giống tài tử màn bạc Mỹ Clark Gable. Nhiều người nghĩ: anh chàng này phải là tay sát gái. Là bạn Tô Hải, tôi không nghĩ thế. Tô Hải là người giàu tình cảm. Mà không phải chỉ giàu tình cảm với phái đẹp. Về tình cảm Tô Hải giàu đủ mọi đường.

Trở về sau chín năm kháng chiến, anh viết:

Ngày về tươi vui.

Nhưng giữa thủ đô ai chẳng ngậm ngùi

Bao mái tóc xanh quấn vành khăn trắng

Bao má nhăn nheo lệ cuốn tơi bời

Chờ chồng mong con ngày về chiến thắng

Trông toán quân về đếm thiếu những ai…

Đó là tình cảm thực. Với Tô Hải, chiến tranh là chiến tranh. Chiến tranh không đồng nghĩa với chiến thắng. Có điều sự thực thà ấy không vừa lòng những người đang bừng bừng men rượu "đứng trên đầu thù”. Đảng trưởng Trường Chinh đập bàn, hạ lệnh cấm bài hát.

– Lệnh của hắn ta ban ra là finita la comedia đấy, cậu ạ – Tô Hải nhún vai – Thằng ngu ấy cứ cái gì trái ý nó là nó cấm. Nhưng làm gì được tớ.

Vụ bài hát bị cấm không có hậu quả nặng nề. Lệnh vua, nhưng là lệnh miệng, không văn bản. Tuy nhiên, nó được chấp hành nghiêm chỉnh. Bộ đội không được hát. Văn công không được diễn.

Tô Hải không hề hấn gì. Anh bình an vô sự. Tô Hải có lý lịch cách mạng không tì vết. Trong kháng chiến anh làm nhiều ca khúc cho bộ đội, kể cả những bài tếu táo:

Trường lục quân đang cần lính đánh Tây

Tớ vội vàng bỏ nhà ra đi ngay

Bao công việc ấm ớ phó thác cho bu mày…

Ấy thế mà đùng một cái, ở cuối đời Tô Hải bỗng biến thành một tên “phản động”. Không phải phản động thường, mà phản động có số má.

Một hôm, rất bất ngờ, tôi nhận được lời nhắn của một cô gái xưng là con gái anh:

– Ông Tô Hải có gửi cho ông mấy đĩa mềm. Tôi có thể chuyển cho ông bằng cách nào?

“Ông Tô Hải” chứ không phải “cha tôi”, cô ấy viết thế.

Chơi với Tô Hải, tôi không biết được bao nhiêu về vợ con anh.

Người trao mấy cái đĩa cho tôi không phải con gái anh mà chồng cô – một anh chàng Do Thái thấp bé, ăn nói nhỏ nhẹ, dễ mến.

– Ông ấy là nhạc sĩ? – anh ta hỏi.

Tôi gật.

– Ông ấy có nổi tiếng không?

Tôi gật tiếp.

Mấy cái đĩa mềm chứa bản thảo của cuốn sách sau này có tên “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”.

Tô Hải nhắn:

– Cậu soạn lại cho tớ. Tớ chỉ quen viết blog, không biết viết văn.

Thời bấy giờ chưa có unicode, hoặc có rồi mà tôi không biết. Lọ mọ chuyển qua chuyển lại các dạng chữ, rồi tôi cũng đọc được.

Đúng như Tô Hải nói, nó là văn blog, đặc sệt phong cách Tô Hải – bộc trực, toạc móng heo, không lựa lời, không uốn éo.

Tôi không thể chối từ lời gửi gắm ủa bạn. Tôi làm. Nó chiếm của tôi tròm trèm hai tháng. Thêm một lần ngạc nhiên, sửng sốt thì đúng hơn, khi tôi đọc lời tâm sự của một nghệ sĩ viết về đời sáng tác của mình. Khó khăn nhất khi biên tập cuốn sách. Phải có chú thích về những nhân vật anh nhắc tới – chúng quá nhiều, lại không phải là những người ai cũng biết.

Đọc hết mấy cái đĩa mềm ấy tôi giật mình. Anh khước từ tuốt tuột những sáng tác của anh trong đời mình mà anh miệt thị, gọi là đời một thằng hèn.

Quan điểm này hiển nhiên cực đoan. Nhưng Tô Hải là thế. Không thế không phải là Tô Hải. Yêu rõ ràng. Ghét cũng rõ ràng.

Nhưng những gì anh viết đâu có phải đáng vứt đi tất cả. Nhiều sáng tác của anh vẫn sống dai, sống khoẻ cùng với thời gian. “Khúc hát biên thuỳ” chẳng hạn. Nó vẫn được đánh giá cao, vẫn được biểu diễn. Tô Hải trở thành “phản động” thì người ta trình diễn vào cuối buổi phát thanh, lúc mọi người đã yên giấc.

Dấu chân người đi còn đó.

Thật vui khi được biết những năm cuối đời lãng tử Tô Hải đã có một bến đỗ yên bình – một người tình, cũng là người vợ, yêu anh, tự hào về anh.

Thằng Hèn đã ra đi.

Từ bến đỗ ấy.

Comments are closed.