Ngô Nhật Đăng
NHỚ PHỐ
“Đồ Hà Lồi, đồ ăn xổi ở thì” – bà già ở giữa phố nói. Đấy là bà nói về một ông ở đầu phố.
Phố cũ Hà Nội như một cái làng, chuyện nhà ai ở phố chỉ năm phút sau là tất cả đều biết, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện vui chuyện buồn. Đám ma, đám cưới, nhà ai có con được đi học nước ngoài hay “Khổ thân bà C. vừa nhận được giấy báo tử thằng H.” thế là cả phố kéo đến, chung vui hoặc chia buồn chẳng cần được mời, “tự nhiên như người Hà Nội. Bọn nhóc thì khỏi nói, cùng phố thì cùng nghịch cùng chơi, cùng học một trường, cùng đi đánh nhau vì một thằng bị bọn phố khác bắt nạt, khi đói bụng thì cũng tự nhiên sang nhà nhau lục cơm nguội trong nồi.
Ông đầu phố thì khác, gia đình ông với cả phố không thân mà cũng chẳng sơ, gặp ai cũng chào hỏi thưa gửi, thậm chí còn có vẻ quá lễ phép, nhưng trên nét mặt ông hiện rõ một thông điệp: “Tôi chỉ muốn yên thân, tôi không động đến ai thì cũng đừng ai động đến tôi”. Trong nhà ông lúc nào cũng phải trữ hai tháng gạo. Ông dạy con cái: “Trời làm giáp hạt chỉ một tháng, mình có hai tháng gạo không bao giờ phải sợ cảnh ngồi trên đống vàng mà chịu chết đói”. Khi ông hấp hối, con cái nói trong nhà vẫn đủ hai tháng gạo ăn, nghe xong, ông mới chịu nhắm mắt xuôi tay.
Tôi hỏi bà già: “Tích cốc phòng cơ sao bác lại gọi ông ấy là ăn xổi ở thì?”, nghĩ bụng, nếu nói “ăn xổi ở thì” thì phải vận vào bà mới phải, ông bà thuộc loại khá giả trước 54, có hai cái nhà mặt phố, một cái vừa ở vừa làm cửa hàng, một cái cho thuê. Tiếp quản về, làm ăn vẫn giữ nếp cũ, sinh hoạt cũng cố gồng theo nếp cũ nên “phú quý giật lùi” cứ lui dần, lui dần vào cuối ngõ hẻm, nhà phố bán hết. Bà bảo: “Người Hà Nội cũ trọng sỹ diện, đàng hoàng được một ngày thì cũng phải đàng hoàng”. Nghe tôi hỏi, bà trả lời: “Tôi hỏi cậu, hàng phố chết đói hết thì con cái ông ấy sống với ai? Ăn xổi ở thì. Sống độc không bằng chết bầy, cổ nhân đã dạy như thế”.
Nhớ năm ấy, Hà Nội có động đất, tôi đang ở chợ Hàng Da, mặt đất rung chuyển, cái cột đèn gần cổng chợ cũng lắc lư như lên đồng, thấy hai bà, một bà hàng hoa, một bà hàng lá, thường ngày cãi nhau ghê lắm giờ nắm tay nhau, bà hàng lá bảo: “Tôi cùng đi với bà cho có chị có em. Sang thế giới bên kia có người cãi nhau cũng vui”, tự nhiên phì cười. Thì ra chết bầy còn hơn sống độc thật.
Người Hà Nội cũ kỳ cục lắm, làm được 10 đồng phải dừng lại nghĩ cách tiêu hết 10 đồng đã rồi tính tiếp, tiền chẳng bao giờ ở trong túi được lâu. Bạn xa đến nhà đúng lúc hết tiền, không cần phải nhắc người vợ sẽ có cách lo một bữa cơm đàng hoàng để chồng đãi bạn, nhiều khi là một đồ vật nào đó trong nhà “đội nón ra đi”. Trong thời nhố nhăng, người Hà Nội cũ chẳng mấy ai giàu nhưng cũng chẳng có ai nghèo, họ có muôn vàn cách kiếm tiền lương thiện. Tất nhiên, ngày xưa muốn giàu có lớn thì phải làm ăn thật thà, lương thiện, bây giờ đồng tiền lương thiện ở thời buổi nhố nhăng không bao giờ là món tiền lớn. Có người quen mới về nhập cư Hà Nội hỏi tôi: “Bọn Hà Nội các ông lười bỏ mẹ, suốt ngày thấy la cà, bia bọt, tiền ở đâu ra vậy?”. Chịu.
Người Hà Nội mới không thế, họ có kế hoạch rõ ràng, ví dụ bao nhiêu năm phải mua được xe đẹp, nhà lớn… chứ cái kiểu sỹ diện cũ thì có mà đói nhăn răng, đời nó khinh cho. Người Hà Nội mới cũng sợ bạn ở xa, có một ông thú nhận, mỗi lần có người tỉnh ngoài về Hà Nội gọi điện cho ông là ông “Xin lỗi, tôi đang đi tỉnh ngoài, thật là tiếc quá. Lần sau có về Hà Nội thì nhớ gọi tôi nhé” dù ông đang ngồi quán bia và lên giọng giảng giải thế nào mới là người Hà Nội. Nên Hà Nội thay đổi hẳn, giàu lên, bộ mặt cũng khác trước và trông ai cũng mãn nguyện. Có nhiều nếp cũ mất đi, và, người cũ trở thành thiểu số.
Bây giờ lại nảy nòi ra một cuộc tranh luận ai mới là người Hà Nội và người Hà Nội phải như thế nào? Tiêu chí đầu tiên là sống ở Hà Nội được bao nhiêu lâu. Tào lao. Thầy tôi đến ông là 13 đời chỉ sống ở Hà Nội thế mà chưa bao giờ thấy ông nói thế nào mới là “người Hà Nội”. Hay như nhà tôi, từ khi Lý Công Uẩn chọn Thăng Long là kinh đô thì đã có người sinh sống, cách tôi 10 đời thì có một ông theo lệnh vua dẫn gia đình và mộ dân đi mở đất tận Thanh Hóa, con cháu sau này cũng đi khắp nơi, ông ngũ đại phải vào Huế vì Bộ Học (bây giờ gọi là Bộ Giáo dục) ở kinh đô. Ông nội tôi cũng “lang bạt kỳ hồ”, có thời gian sang tận Pháp, đến bố tôi thì mới quay về Hà Nội, thế thì tôi là người Thanh Hóa hay người Hà Nội? Tôi chẳng quan tâm. Có một ông già Thanh Hóa được hỏi một cách xỏ xiên rằng: “Tại sao Thanh Hóa là đất phát vua (rất nhiều triều đại kể cả Trịnh – Nguyễn đều phát tích từ Thanh Hóa) mà cũng là đất phát ăn mày (Thanh Hóa có những vùng chuyên đi ăn mày)?”. Ông trả lời: “Sao hỏi ngu thế, vua hay ăn mày đều lấy thiên hạ làm nhà cả”. Bậc chí lớn trùm đời chẳng băn khoăn về nơi xuất xứ của mình cũng như người khác, bây giờ lại sinh ra cái gọi là “kỳ thị vùng miền”.
Thủ đô thường là nơi tụ hội tinh hoa khắp nơi, miền Bắc là Hà Nội và miền Nam là Sài Gòn, điều này chung cho mọi thủ đô và các thành phố lớn trên thế giới. Tinh hoa thì ở đâu cũng giống nhau, làm nên cái hồn cốt để thành phố ấy khác với mọi thành phố trên thế giới không phải là tầng lớp tinh hoa mà là những “tiểu thị dân”. Nhưng giới “tinh hoa” thì lại khăng khăng mình mới là chuẩn mực đại diện cho vùng đất họ đang sinh sống.
Tiểu thị dân Hà Nội có từ bao giờ? Trong cuốn Đông Dương ngày xưa và ngày nay của Henry Cucherousset về thời kỳ thế chiến thứ nhất (1914-1918) ở An Nam, học giả và cũng là quan cai trị thực dân này viết rằng, khi thế chiến bùng nổ, người Pháp phải trở về nước phục vụ, toàn xứ Đông Dương chỉ còn 180 người Pháp cả công chức và binh lính. Người Pháp lo sợ công cuộc xây dựng thuộc địa sẽ bị ngừng lại, thậm chí sụp đổ vì không có giới tinh hoa người Pháp hướng dẫn. Nhưng ngược lại, Việt Nam lại phát triển không ngờ, miền Nam trước đó chỉ xuất khẩu chừng vài chục ngàn đến trăm ngàn tấn gạo, đến 1915 đã xuất khẩu trên 1,3 triệu tấn và những năm sau lại cao hơn. Các thành phố và thị xã ngoài Bắc cùng các “con đường cái quan” được xây dựng một cách nhanh chóng, các trường Cao đẳng và Đại học được thành lập nhiều nhất là trong thời kỳ này. Không những thế, thuộc địa còn cung cấp cho “mẫu quốc” hàng ngàn lính trận cũng như hàng ngàn lính thợ cùng hàng triệu đồng bạc Đông Dương qua phong trào “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”. Sau này nước Pháp đã tri ân và vinh danh xứ An Nam vì thế.
Cucherousset sau khi liệt kê các giai cấp mới xuất hiện như tư sản và trí thức, ông dành rất nhiều cảm tình cho một lớp người mới xuất hiện đông đảo và phát triển một cách nhanh chóng mà ông gọi là “những người tiểu trung lưu” chính họ đã tạo ra cái hồn của Hà Nội.
Hôm rồi, có mấy người vào Facebook của tôi “phản biện”, có người gọi tôi là “tên thợ chữ xứ vườn Gò Công”, rằng anh ta mới là “người Hà Nội” vì sống ở Hà Nội từ năm 1997. Phì cười. Quan sát mấy ông bạn “Hà Nội cũ” thì thấy vẫn đều đều bia bọt chém gió, vẫn “phớt Ăng-lê” như các tay thị dân chân chính của xứ sở sương mù thì lại phì cười thêm lần nữa.