Vương Trí Nhàn
TRƯỚC NGÀY MỸ NÉM BOM B52
20/10
Lên Hương Ngải. Chưa nói tin Hà Nội thì những người ở cái đất sơ tán này đã đoán có thể 22 sẽ có một cái gì đó. Vì đài UPI nói 22/10, Nixon sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng, và sẽ đi vận động bầu cử.
Tôi phục những người ở đây, vì sự đoán định khá chi tiết. Đoán hai bên Bắc Việt & Mỹ đã kịp xong, sắp tới ký 4 bên. Đoán Kissinger sẽ đến Hà Nội. Và lại đoán ông ta sẽ ở nhà khách của chính phủ. Sẽ gặp các ông trên. Hẳn sẽ rất thú vị. Được nói chuyện với Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng – những người đối mặt với mình bấy lâu. Có thể là xin gặp cả tướng Giáp. Hai bên có những điểm trọng nhau nên cũng tương đắc với nhau.
Rồi mọi người nói về những ngày hòa bình. Thế là dân tộc này có thể gọi là từ giã vũ khí. Không ai xúi bẩy được nữa – Nguyễn Minh Châu nói vậy.
Nguyễn Khải thích chí vì hãy biết rằng không phải cái chết lúc nào cũng treo trên đầu mình nữa. Từ nay trở đi, chỉ còn những bi kịch cá nhân.
Nguyễn Minh Châu lại bảo hoà bình nghĩa là một cái nhà không bị đuổi, có chỗ ngồi viết.
Hải Hồ hào hứng vì sẽ đi công tác nay Vinh, mai Đồng Hới, sẽ không bị cảnh gia đình thúc bách.
Nhưng có người như Nhị Ca nói:
– Ngày mai, các ông sẽ thấy có những yêu cầu khác. Sẽ thấy chiến tranh làm kiệt quệ đi, bào mòn sức lực và bao nhiêu khả năng nâng cao đời sống bị bỏ qua. Như ông Nhàn không nói làm gì, đó là một trường hợp thành đạt và hãnh tiến rồi. Còn như bao nhiêu thằng thương binh, bệnh binh, nó mới bị khổ sở, thiệt thòi… nó kêu lên thì mới thật ghê đấy.
Dẫu sao tất cả đều nghĩ những ngày cực khổ đã qua rồi. Dự đoán sẽ là nửa năm đầu, mọi người còn vui thoải mái. Độ nửa năm trở ra, lúc bấy giờ mới lại có những tâm trạng bất mãn, những sự cáu kỉnh, những người đòi nghĩ lại về những năm chiến tranh – còn nhiều chuyện lắm.
Chuyện văn học. Ng Khải cho biết vừa rồi, thường vụ (bộ phận nòng cốt của Ban Chấp hành Hội Nhà văn) họp, cũng bàn về giải thưởng văn học 15 năm. Nhưng mà là cho tác giả, chứ không phải cho những quyển sách cụ thể.
– Tôi viết cái Chủ tịch huyện đưa ra năm 1965 thì mọi người kêu nhiều lắm. Bảo là nặng quá. Đến năm nay thì mọi người lại kêu là nhẹ tay quá rồi.
– Thế thì anh mừng chứ gì (tôi muốn nói: mừng vì trình độ quần chúng)?
– Mừng cái chết tiệt. Xã hội mình ngày càng nhiều chuyện tham ô mà lại mừng.
Một hôm, ông Khải sang nhà mình – Xuân Sách kể – Thôi thế là hỏng rồi, công lao lo liệu của mình là đi toi cả rồi, ông Sách ạ.
– Sao thế?
– Thằng Huỳnh nằm nghe ông Ngô Thảo và ông Thái nói thế nào mới xoay ra làm đơn xin đi bộ đội, chỉ còn thiếu lấy máu ra viết quyết tâm thư nữa thôi.
Mình (XS) phải sang, dùng mọi cách giảng giải cho nó biết. Ví dụ bây giờ muốn đi, phải tập trung ở trường, ở xã như thế nào, qua các khâu khám sức khoẻ như thế nào, để cho nó sợ. Dĩ nhiên không nói là ông Khải bảo.
Thỉnh thoảng, ông Khải lại khoe:
– Thằng Huỳnh, thế mà nó cũng biết gớm đấy.
– Chứ sao, ông áp bức nó lắm, nhưng nó vẫn phải có cuộc sống của nó chứ.
Sách (bình luận về sau):
– Hai người con của ông Khải mang hai đặc tính của thời đại – một là đặc tính của những người anh hùng, hai là đặc tính của bọn cơ hội.
Chuyện giới văn nghệ.
Khải: Tôi thấy ông Hồ Phương, ông Hữu Mai cứ tí tởn, vì những chuyện nào là phải xem hội nghị Hà Nội người ta làm sao, nào là phải viết cái gì đó đúng với thời kỳ được viết này… Toàn là các ông dại. Qua khúc quanh, chính là nên đi chậm lại.
Châu: Kinh nghiệm làm ăn là mình cứ từ từ. Nhà tiên tri không thể giống như một anh chàng láu táu.
Khải: Với lại tiên tri là trong lĩnh vực tư tưởng. Dân văn nghệ mình tiên tri gì!
Châu: Cái cửa sắp tới mở vẫn là cửa giả thôi. Còn cánh cửa thật còn lâu mới thấy. Anh nào dại thì cứ đi làm mồi.
Lưu Quang Vũ kể: Các ông lại bảo tôi đi làm thơ tình. Nhưng tôi cần gì phải làm thơ tình?
Trong khi đó, – vẫn theo Vũ – các ông già được đánh bóng, ngay cả chữ dùng hiện nay đã trở nên sáo mòn đi rồi, cứ trông như ông Xuân Diệu thì biết.
Ông Hoàng Tùng nói chuyện: Báo chí của ta cường quyền, công chức và công thức. Báo chí của ta cũng giống như một công báo vậy.
Trên cứ làm như trách nhiệm về báo chí hiện nay là do ai khác chịu trách nhiệm chứ không phải là trên. Rồi than trách là từng ấy năm cách mạng, không có một nhà báo nào cho ra hồn.
– Thì toàn bộ lối tổ chức của xã hội ta là cửa quyền, công thức và công chức chứ gì, báo chí, ông ấy nói thế, nhưng trên thít một lần, dưới thít chặt hơn, dưới nữa lại thít chặt hơn một mức nữa. Trách gì được người cán bộ.
…Nhưng, có phải hoài nghi không, khi nghĩ cái kiếp văn nghệ vẫn chông chênh nhất. Mọi người đều cảm thấy bị theo dõi rất nghiêm ngặt. Và đừng có lơ mơ. Ví dụ như ba khẩu hiệu hiện nay: hoà bình, xóa bỏ hận thù, và hòa hợp dân tộc. Các ông trên nói thế, nhưng phải hiểu, phải nói thế nào?
Nói hoà bình nhưng không được chống chiến tranh. Phải thấy đây là thắng lợi của chiến tranh.
Nói xóa bỏ hận thù, nhưng nên nhớ rằng tiếng súng nhỏ còn nổ, còn người chết. Và chính các cụ ấy "đánh chẳng được thì tha làm phúc". Chứ các cụ thích thú gì những tay chóp bu bên kia. Chính các cụ thù hằn nặng hơn hết.
Và hoà hợp dân tộc ư? Mọi người tin rằng còn lâu mới có thể hòa hợp được thống nhất được. Chẳng qua, cái thế cùng phải chịu. Rồi cũng đến để miền Nam cho nó, coi là việc nhà nó. Bây giờ nó tạm đuổi mình ra một góc nhà, để rồi nay mai đuổi tuốt.
Vậy mà văn nghệ lại đòi tranh khôn chỉ đường ư? Đừng hòng.
Người ta có thể dùng văn nghệ như một thứ trò chơi, nói nhăng nói cuội thì được, nhưng chớ có động vào những vấn đề cơ bản.
Một người như tôi, trong những lúc này, làm sao tôi không buồn được? Những gì tôi đọc được cho tôi biết rằng chung quanh ta, các nước người ta đã đi xa lắm, và chúng ta đã lạc hậu lắm.
Vậy thì thắng lợi đối với tôi là gì? May lắm chỉ là một dịp làm cho mọi người thức tỉnh. Không thể sống như hôm qua được nữa. Cách lãnh đạo hiện nay đã cũ. Cách quan hệ với thế giới hiện nay đã cũ. Như về mối quan hệ quốc tế, thời đại này là của hai phe. Phải chơi với cả hai phe. Phải như Sihanuk trước kia vậy. Sihanuk gọi đó là chính sách chui vào mắt bão mà sống.
Như về cách quan hệ với thế giới. Nước Nhật đi với cả Mỹ lẫn Trung quốc thì sao? Phải việc gì cũng dám làm làm, miễn là có ích.
Tôi không hình dung ra những hậu họa sẽ đến về sau. Nhưng tôi nghĩ rằng là cách duy nhất lúc này là phải từ bỏ thế cô lập để ra với thế giới.
Tự hỏi:
– Người ta được lợi gì sau cuộc chiến tranh này?
– Một nền hòa bình con đẻ của nền chiến tranh, là hòa bình thế nào?
Nhớ một ý của Ng Khải: Ví dụ như về vấn đề quân sự, mình thấy chính ra nguyên lý của mình đúng thôi, mình làm sai nguyên lý nên hỏng. Ông Văn từng nói quân đội ta có thể đánh thắng bất cứ một đội quân tay sai nào khác của đế quốc. Nhưng quân sự là tiếp tục của chính trị. Ở miền Nam, mình không nắm được dân nữa, mà nó cũng không phải là tay sai theo nghĩa cũ nữa, thì quân sự mình còn xoay làm sao nổi. Đó là mình đi ngược lý thuyết của mình chứ gì?
Nhị Ca còn bảo một nước nông nghiệp như mình, không thể nuôi một đội quân viễn chinh quá lớn được.
Dân tình, cái gọi là dân tình trong những năm tháng này.
Ngày bắn rơi 4000 máy bay tôi đi ra đường, thấy hai ông xích lô gặp nhau hỉ hả: Mới ngày nào Johnson thách bắn rơi 1000 máy bay thì bó giáo lai hàng. Giờ đã 4000 rồi.
Thế nhưng, người ta đã bắt đầu lo sống sao những ngày hòa bình tới.
Dân bàn giăng giăng ở đường ở chợ. Dân là như vậy, như một cái đê. Khi bình thường thì không sao. Nhưng khi đã rã, là vỡ, lở hàng loạt.
Người ta đã không quan tâm đến gì thì thôi. Khi đã quan tâm, thì quan tâm đến cùng.
Chị tôi, một người buôn bán nhỏ cũng bảo: Người ta đồn ký cả rồi, 25 này thì công bố.
Bàn nhiều quá, đến nỗi trên cũng phải sợ, tự hỏi, cho đi kiểm tra, không hiểu ở đâu mà tin tung ra như vậy?
Rồi khi thất vọng, thì mọi người lại đùa với nhau: Không phải mùa vịt mà Hà Nội phải ăn bao nhiêu vịt giời.
25/10
Mỗi ngày một tin. Thời tiết lúc ấm lúc lạnh. Lúc nghe tin ngừng bắn 0 giờ ngày này, lúc nghe tin 0 giờ ngày kia. Rồi không có giờ nào cả. Vì 19 không, 20 không, đến 23, 24 không, và hôm nay 25 thì theo ngôn ngữ phương Tây, đài BBC mới mô tả, hình như là có một sự ngừng bắn từ vĩ tuyến 20 trở ra, còn như cũng không có lời tuyên bố chính thức nào cả.
Bây giờ ở đâu người ta cũng bàn tán.
Một câu ca dao hồi ông Pốt-goóc-nưi (Podgornyi ) sang đây được nhắc lại:
Trước là để đón bác Nưi
Sau là bu cháu xả hơi vài ngày
…
Hôm nay bác đã đi rồi
Lại lên sơ tán, lại ngồi săn tin
Lắng nghe ngoài đường thôi, thử nhìn cái người đi xe đạp kia hay người ngồi quán bia nọ, họ đang nói gì với nhau? Họ đang bàn về thời sự. Những người không quen biết gì nhau, ở những nơi công cộng, như là thư viện, cũng có thể nói chuyện với nhau về chiến sự. Vì mọi người đều cảm thấy bây giờ, nói như chữ nghĩa trong thơ, là đứng chung trong một chiến hào, một số phận và nói nôm na, tức là chung một hố.
Sáng nay, lúc đi đường, tôi được nghe kể, như vậy là Kissinger lật lọng rồi. Hà Nội trải thảm trên đường, mà vẫn không thấy lão ta đâu. Y như những ngày trước đám cưới, họ nhà gái đã sửa soạn, họ nhà giai thì mãi không đến mà rước dâu đi. Ở nhà thì con gái bụng cứ to mãi ra. Một nền hòa bình đẻ non cũng không có.
9/11
Trong những năm này, mỗi người thật dễ nói láo. Nhưng láo lếu nhất, vẫn là sự phát triển của thực tế. Cả những người thạo đời nhất cũng không vẽ nên nổi một cái gì điên đảo hơn thực tế.
11/11
Những tin tức của giới chính trị vỉa hè, chưa bao giờ thấy sự có mặt của nó rõ như vậy. Ở đâu nó ra, mà nó rất đúng? Nó là khao khát của mọi người. Khao khát theo hướng dẫn của sự thông minh, sự biết điều. Nó hình thành từ cả lý trí, lẫn tình cảm. Nó là của những người thường, nó không in dấu chính thống. Các tác giả tung nó ra không phải vì những sự vụ lợi – nhưng chính vì thế, nó có thể chính xác. Không phải ở chi tiết mà ở đại cục.
Trong những năm nhiều biến động, có những người trở nên dối trá khác thường, nhưng lại có những người trở nên chân thành khác thường.
Những đồng nghiệp cao tuổi của tôi chưa bao giờ lộ rõ khao khát hòa bình như bây giờ. Lý do của họ: Tuổi già. Họ đã chán chiến tranh lắm rồi. Họ cần một sự ngơi nghỉ.
Lúc này đây, tình hình thời sự như là chín mùi. Mọi người không thích bàn tới nó nữa. Người ta bận việc nhà cửa gia đình. Với lại để cho đầu óc nghỉ ngơi ít lâu, để lúc nào đó, có thể xông ra hành động.
Sau đợt đi Quảng Trị, trong những ngày sắp hòa bình này, muộn quá, tôi mới chợt phát hiện ra một thực tế lớn lao – cái cuộc đấu tranh của cả dân tộc bao nhiêu lâu nay cho thống nhất, hòa bình, – nó sẽ chi phối toàn bộ tương lai.
Nguyễn Văn Thiệu trong kia than thở: Cộng sản mang chiến tranh tới, gieo rắc chiến tranh trên lãnh thổ của tôi, bây giờ họ lại nói hòa bình, hòa bình.
Một buổi trao đổi chính trị bên bàn trà.
Xuân Thiều: Chiến tranh, là cái nó muốn kéo dài, nó định lấy nốt cả Quảng Trị. Khẩu hiệu của mình ngày trước là Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu bây giờ là Trường kỳ kháng chiến nhất định thất bại. Đánh lâu, mình không có đủ sức đâu.
Nhị Ca: Cái chính theo tôi, là chuyện kỷ luật. Bây giờ mệt quá rồi, không ai bảo được ai nữa. Đánh Huế, 4 F xin hoãn.
Đoàn Công Tính kể: Mặt trận bảo, các Sư không nghe. Trên sư hạ lệnh, các tiểu đoàn không nghe. Cán bộ sư bây giờ chết dở chứ gì.
Hồ Phương: Đúng. Có nước nào quân đội phát triển như nước mình, phát triển một cách không cân đối. Có nước nào đánh nhau có xe tăng, lại không có máy bay yểm trợ. Ở Nghệ An, xem thế này thì biết. Vừa có thằng phi công bị bắn rơi, nó bắn 2 pháo hiệu lên, cả đàn nó à vào, thằng nghi binh chỗ này, thằng dứ chỗ khác. Ông con nhà mình đánh xong hồi kẻng còn về nhà giục con, vào hầm, vào hầm. Du kích không dám thò đầu ra. Nó đàng hoàng xuống, dìu người của nó. Xong, máy bay nó mới bật hết cả pha lên, như trêu ngươi mình vậy.
26/11
Hà Nội mưa phùn. Mặt đường như vỡ ra, loang láng phía trước mặt.
Hà Nội của những ngày cuối 1972, tê liệt, đắng ngắt đi vì thất vọng – niềm hy vọng hoà bình mãi mãi vẫn còn là hy vọng, kẻ thù nó dứ mình như trẻ con, mình vừa sờ đến được, thì nó lùi ra xa. Cái sức sống của Hà Nội chỉ có thể cảm thấy được, qua cái vẻ lầy lụa nhớp nhúa của một cuộc sống nơi một xứ nhiệt đới. Tất cả là ở trình độ sát mặt đất, những hàng quà vặt, những cú phe phẩy, tham lam mưu mẹo trên mỗi mặt người, chủ nghĩa thực dụng…
Hà Nội cuối 1972 này, lại bẩn hơn lên vì những người đánh xe bò, xe cát, đi qua thành phố. Những chiếc xe đứng ngang ngạnh trên đường, đến ô tô cũng phải sợ. Một lối sống bất chấp mọi điều chung quanh.
Nguyễn Minh Châu: “Trong bọn đi xe bò, không mặt nào ra hồn cả. Mặt nào cũng như là mặt bò”.
Chưa bao giờ thấy ghét mình, ghét mọi người, ghét cái thực tế trì trệ vì chiến tranh hiện nay, – như là lúc nhìn vào những người đi xe bò.