Nhân Hội Sách Xuân 2019[1], đôi điều về mảng sách văn học và ký văn học

Đào Tiến Thi

Là dân làm xuất bản, cho nên mỗi lần đi hội sách, ngoài mua sách, tôi còn quan sát tình trạng xuất bản.

Khoảng 10 năm nay, cứ mỗi hội sách, tôi lại chứng kiến sự phát triển khá mau lẹ của các nhà sách tư nhân. Số nhà sách tiếp tục tăng lên, cũng như đầu sách mỗi ngày phong phú hơn[2]. Nhớ lại khoảng 10 năm trở về trước, hình ảnh tư nhân làm sách được coi là mọt hình ảnh xấu với cái tên gọi “đầu nậu sách”.

Bây giờ thì tình hình đã hoàn toàn khác. Cuộc sống quả là luôn luôn khôn ngoan hơn mọi thứ lý thuyết. Phải nói rằng nếu không có các nhà sách tư nhân thì ngành xuất bản nước ta coi như đã chết từ lâu (Nhà xuất bản Giáo dục làm sách cho học sinh học, Chính trị Quốc gia làm sách lý luận, văn kiện cho Đảng, Tôn giáo làm sách tôn giáo thì không nói làm gì). Mà không có sách thì toàn dân sẽ sống trong ngu dốt, tăm tối, thậm chí nước còn hay mất cũng không biết nữa.

Tuy nhiên, mừng cho các nhà sách tư nhân bao nhiêu thì lại xót thương cho các nhà xuất bản (NXB) chính thống bấy nhiêu, bởi quầy sách của các NXB này vẫn cứ mãi cảnh lèo tèo với vài đầu sách mà nhiều khi chẳng có giá trị gì (cá biệt, NXB Trẻ vẫn còn sức sống kha khá). Giá như có tự do xuất bản, các NXB tư nhân cũng như nhà nước cạnh tranh nhau, thì chắc chắn cùng phát triển, nhất là tư nhân, sẽ còn nhiều hứa hẹn hơn, vì cơ chế hiện nay họ phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”.

clip_image002

Bộ tác phẩm của nhà văn Sơn Nam được NXB Trẻ tái bản

Trong các NXB, tôi đặc biệt quan tâm hai NXB chuyên về sách văn học: NXB Văn học và NXB Hội Nhà văn. Trước năm 1945, ít nhất cũng có hai NXB ở Hà Nội đã sống chuyên bằng kinh doanh sách văn học – có lúc rất phát đạt, đó là NXB Đời Nay và NXB Tân Dân. Nên nhớ dân số cả nước lúc đó chỉ khoảng 25 triệu, còn riêng Hà Nội thì chỉ có 200.000 người (năm 1940), so với ngày nay gần 7 triệu người (2013).

Vì trời nóng quá, tôi chưa kịp tìm đến quầy NXB Hội Nhà văn (cũng không rõ họ có tham gia hội sách này hay không), nhưng chỉ riêng nhìn quầy sách NXB Văn học với một vài tiểu thuyết mỏng dính, một vài tập truyện ngắn và tản văn, nhiều sách in từ 10, 20 năm trước nay đem ra bán “mớ”, 5.000đ, 10.000đ/ cuốn, và tất cả đều rất ít người mua nó, đã đủ biết cảnh chợ chiều của việc kinh doanh sách văn học cũng như cảnh điêu tàn của văn chương đương đại Việt Nam.

clip_image004

Trên túi đựng sách cho khách hàng của NXB Văn học có những dòng quảng cáo như trên. Nó khiến tôi liên tưởng đến những ngày tàn của thi sỹ Tản Đà khi về nằm ở Khê Thượng trong đau yếu và túng quẫn, phải nhận làm “các thứ văn vui buồn thường dùng trong xã hội” kiêm nhận đoán lý số hà lạc.

Nhân nói về sự thảm thương của NXB Văn học, tôi muốn bàn rộng thêm chút về thể ký (tản văn), thể văn mà tôi yêu thích và hôm nay tôi trực tiếp mục kích nhiều hơn các mảng sách khác.

Chả là nhân hội sách, sáng nay có cuộc tọa đàm về hai tập tản văn của hai nhà văn trẻ. Lại thấy xuất hiện cả hai nhà phê bình có tên tuổi, tôi liền tạm ngưng cuộc mua sách để dự. Nghe các diễn giả giới thiệu rất hay về hai cuốn sách này, tôi đã muốn mua ngay. Cho nên dự xong tôi liền quay trở lại quầy sách NXB Văn học. Nhưng thói quen khi mua sách bao giờ cũng xem lướt nội dung, tôi đảo mắt mỗi cuốn mấy bài liền, thì hỡi ôi, không tìm được một cái gì đập vào trí óc. Nó cứ trơn tuột như đa số bài văn của học trò, làm chỉ để chấm điểm. Cho nên nâng lên rồi lại phải đặt xuống (dù cả hai cuốn chỉ có trăm bạc, trong khi mỗi hội sách tôi đều mua từ một triệu tiền sách trở lên).

Thể tản văn, nghĩa hẹp là một trong các thể ký, nhưng nghĩa rộng, cũng để chỉ thể ký nói chung và ở đây tôi dùng theo nghĩa rộng, đồng nhất hai thuật ngữ này.

Theo tôi, một bài ký hay cần đạt ba tiêu chuẩn: 1. Phải đem đến những tri thức hấp dẫn (những tri thức về lịch sử, địa lý, văn hóa,… ngày nay không khó kiếm, nhưng người viết phải chịu khó đọc và tinh lọc nó để đưa vào bài ký). 2. Phải có cái cái nhìn mới mẻ, độc đáo, tinh tế về những sự vật hiện tượng mình thấy. 3. Phải có dũng khí để nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật. Ở tiêu chí thứ ba này, GS. Hoàng Ngọc Hiến coi ký là “sự nhức nhối của của trí tuệ” quả là chính xác. Nguyễn Tuân (sau 1945) và Hoàng Phủ Ngọc Tường có nhiều bài ký dù không hay vẫn đọc được nhờ rất đạt hai tiêu chuẩn đầu. Còn tiêu chuẩn thứ ba thì chỉ có Nguyễn Tuân “cũ” (trước 1945) và các nhà văn Tiền chiến đạt được. Nếu Vũ Trọng Phụng, Tam Lang,… “chiến” với cái xã hội “chó đểu” bằng cách bóc trần sự thật bất công, thì Nguyễn Tuân “chiến” với chính mình: ông giãi bày, phân tích, mổ xẻ cái “tôi” của mình một cách thành thực trên từng trang giấy, vì vậy mà đọc ký của ông có sức hấp đặc biệt.

Có người nói ký đòi hỏi sự từng trải, sự sâu sắc trong tư duy để biện bạch cho sự non tay của nhiều tác giả trẻ. Ký đòi hỏi sự từng trải, sự sâu sắc thì đúng rồi. Có điều sự từng trải, sự sâu sắc không nhất thiết là phải nhiều tuổi. Trước 1945, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp,… viết ký rất hay trong khi họ còn rất trẻ. Hay tản văn của Nguyễn Ngọc Tư (sinh 1979) cách đây khoảng mươi năm đọc cũng “được” lắm. Vậy nên tiêu chuẩn thứ ba có lẽ là quan trọng nhất. Nói một cách khác, là anh có dám sống thực, nghĩ thực và trình bày cái điều anh nghĩ lên mặt giấy hay không, thế thôi.

Trở lại với hai đầu sách tản văn đang nói. Thực ra so với mặt bằng tản văn (ký) nói riêng văn học nói chung hiện nay, họ cũng ở mức “thường thường bậc trung” và số như họ nhiều lắm. Hai nhà văn này tôi lần đầu biết đến, không ác ý gì. Viết mấy điều trên tôi chỉ muốn rung một tiếng chuông chung về cái sự nghèo nàn, nhạt nhẽo của văn học Việt Nam đương đại mà thôi.


[1] Hội sách Công viên Thống Nhất từ 18 – 22-4-2019.

[2] Riêng sách nghiên cứu có phần nghèo đi, bởi mảng sách này nhìn chung chỉ có nhà nước mới đủ sức đầu tư.

Comments are closed.