Những tin tức về một ngôi làng (kỳ 3)

Tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hiện

14.

đối với tuổi thơ tôi thì ngôi làng của tôi là thế giới thu nhỏ và những nhân loại bất hạnh là cha mẹ tôi và anh Hai Lực của tôi, nhưng đấy chỉ là khi đã có vốn liếng kiến thức để nhìn lại cuộc đời mình, còn bấy giờ, chuỗi ngày tuổi thơ, hết thảy những gì diễn ra chung quanh, làng xóm tôi, gia đình cha mẹ anh em tôi, như một cuộc hòa âm kỳ diệu, hết thảy như đang quyện vào nhau, con người và đất đai, con người và con người, tôi không hiểu hết, nhưng thấy rất vui, cuộc sống như những gì rất lạ, nhưng vô cùng quyến rủ, những cánh đồng cày nhộn nhịp tiếng bò, tiếng người, mùi thơm của đất, mùi thơm của cỏ, những cơn mưa bất chợt đổ xuống xóm làng, lũ chim chóc cứ bay đi bay về xóm làng, có thể là trong lòng tôi vui nên nhìn mọi người đều vui, ngay những ngày thiếu khó, nhà tôi ăn cháo ăn khoai thay cơm, tôi cũng thấy rất vui, mưa, những cơn mưa mùa đông hạn chế đến mức tối đa sự dịch chuyển của con người, tôi theo con bò cái đẻ ra gò thổ mộ của làng, con bò gặm cỏ trong mưa, còn tôi thì ngồi thụp xuống bên trong cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi, tự nhiên tôi có một ngôi nhà ở giữa mưa, chiếc nón lá đội đầu của tôi là mái che ngôi nhà, còn cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi là phần còn lại của toàn bộ ngôi nhà, ngồi trong ngôi nhà ở giữa mưa tôi cứ tưởng là mình đang bình yên, thật ra thì không phải thế, vào những tháng năm đói khó, cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi gắn liền với cuộc sống của nhà tôi, thế giới là những cơ may, và cái cơ may ấy đã diễn ra ở một miền quê heo hút, hãy cứ thử tưởng tượng, lúc bấy giờ, ở các nơi trên mặt đất, mùa đông người ta ra đường bằng các phương tiện xe cộ, nếu là đi bộ thì mặc áo mưa bằng các thứ vải đi mưa, trong khi đó ở quê tôi, mùa đông ra đường, người ta mặc cái áo mưa chằm bằng lá núi như bộ lông của một con chim đại bàng, tôi cứ muốn diễn tả như thế nào để cho hết thảy mọi người đều có thể hình dung cái áo tơi mưa chằm bằng lá núi ở quê tôi, năm ngày một phiên chợ huyện, cứ hết năm ngày thì anh Hai Lực tôi lại gánh gánh áo tơi chằm bằng lá núi đi chợ huyện, khi quay về thì có cả gạo nấu, cả mắm, cá, từ quê tôi xuống chợ huyện khoảng mươi cây số, về sau, khi tôi đã có thể cùng anh tôi gánh áo tơi đi chợ huyện, tôi mới hình dung ra, vào mùa đông, cuộc sống của nhà tôi là gắn liền với những cơn mưa và những cái áo tơi chằm bằng lá núi, trời hết mưa, nhà ta cũng hết gạo nấu, từ lâu, mẹ tôi cũng đã tổng kết về cuộc sống về mùa đông của nhà tôi, cái cơ may của thế giới là có một miền đất vào mùa đông người ta ra đường còn chịu mặc cái áo tơi làm bằng lá núi, vào những ngày mùa đông, cha mẹ tôi cặm cụi ngồi chằm từng tấm áo đi mưa, kết những chiếc lá núi to lớn và không thấm nước thành từng tấm thì gọi là chằm, lá núi là do anh Hai Lực tôi đi lấy ở núi Mun, vùng rừng núi phía nam làng, những ngày không đi chợ huyện, anh tôi lại vào rừng Mun, mùa đông năm ấy, phiên chợ huyện nào anh Hai Lực tôi cũng gánh áo tơi quay về, tôi thì cha tôi đã đặt cách cho việc chăm sóc con bò cái đẻ, trời mưa, tôi lừa con bò cái đẻ ra gò thổ mộ của làng, con bò gặm cỏ trong mưa, còn tôi thì ngồi trong ngôi nhà làm bằng áo tơi và cứ thấy thắc mắc trong lòng là tại sao đến lúc ấy thì người ta không còn mua áo tơi làm bằng lá núi của anh Hai Lực tôi, tôi cứ muốn diễn tả thế nào để cho mọi người đều có thể hình dung cảnh tôi ngồi trong căn nhà lá giữa mưa để nghĩ ngợi về cái lý do tại sao người ta không còn mua áo tơi của nhà tôi, thứ vật thể cho đến lúc viết địa chí của làng vẫn cứ thấy lấp lánh trong ký ức tôi: cái áo tơi chằm bằng lá núi, rồi bấy giờ con bò cái đẻ đã làm tôi bối rối, nó trở dạ đẻ trong mưa, con bò cứ nằm dài ra trong mưa, thở hổn hển, sáng ấy, trời mưa to, ngoài tôi ra, chẳng có đứa nào trong làng lùa bò ra gò thổ mộ của làng, tôi chưa kịp kêu la cầu cứu thì con bò cái đã sinh con xong, con nghé con vùng chạy trong mưa, thì chẳng phải tôi đã nhường ngôi nhà bằng áo tơi cho con nghé đó sao, vừa dứt mưa là tôi liền lấy áo tơi của mình làm tả cho con nghé, tôi ẵm con nghé chạy trước, con bò cái lúc thúc chạy theo sau, trưa ấy, cả nhà tôi ăn khoai mì luộc, con bò cái đẻ uống nước cám, còn con nghé con bú mẹ, tôi vẫn nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt cha mẹ tôi và anh Hai Lực tôi, chẳng lẽ cha mẹ tôi và anh trai tôi lúc bấy giờ đã đến được một thứ bến bờ nào đó ở bên ngoài mọi nỗi bất hạnh.

15.

có một thứ bến bờ (tôi vẫn muốn gọi thế) nằm ngay giữa cuộc sống tôi đã nhìn thấy qua những người cày ruộng ở làng tôi, thứ bến bờ như biểu tượng không vui trong cách nhìn thế giới, tôi phải đi gặp anh Bốn Bơn người đóng cày gỗ ở làng tôi, buổi chiều hôm, thật lận đận, cũng thật khó được chấp nhận khi đề xuất một di sản văn hóa như thế, giữa lúc văn minh đương đại cung cấp cho cuộc sống bao nhiêu phương tiện tối tân hiện đại, tôi lại đề xuất một thứ di sản văn hóa những người mù đặc về đời sống nông nghiệp của nhân loại sẽ cho là chuyện buồn cười: cái cày gỗ, từ chọc lỗ chuyển sang cày bằng cày gỗ trong gieo trồng quả là một biến cố làm thay đổi gương mặt nhân loại, phát minh, hay phát kiến, nói bằng cách nào cũng không nói hết sự vĩ đại trong tư duy của tổ tiên chúng ta, những kẻ hậu thế trong niềm cảm hứng về công lao nghĩ ngợi của tiền nhân, nhiều lúc nhiều nơi đã biến cây cày gỗ thành những biểu tượng thần kỳ trong cuộc tiến hóa, “ông cày gỗ” trong các nghi lễ đồng áng (trong xuân kỳ, thu tế, hay lễ tết nguyên đán) như một vị thần xuất chúng, hay “thần cày”, hay “đệ nhất thần làng” trong các câu chuyện ngụ ngôn là những bài học khởi nghiệp, ở làng tôi, với ông nghè Quân, cây cày gỗ trở thành người bạn văn (Ở làng tôi, một thời ông nghè Quân đã lập văn xã với các bạn bè gồm chim chóc cỏ hoa và cây cày gỗ, thi ca của ông Quân còn lưu trong tập bản thảo mấy trăm trang: văn tập Rối Rắm) này anh cày gỗ có biết vì sao khi đem hạt lúa gieo xuống đất thì nảy mầm hay không, biết chứ sao không, bởi vạn vật trong trời đất đều có lòng mong mỏi trở thành hình thể khác, ông Quân trò chuyện với cây cày gỗ có vẻ giống với các triết nhân thời trước Socrate bên Hy Lạp, sau cuộc đối thoại thi ca này là cuộc đối thoại mang tính lịch sử giữa cây cày gỗ và cây cày máy, đồng làng tôi vẫn cày bằng bò với cây cày gỗ, thỉnh thoảng thì cũng có cày máy, đồng làng đang lặng lẽ với những bước chân chậm chạp của lũ bò kéo cày gỗ thì bỗng tiếng cày máy cất lên (một vài nhà trong làng cũng thử đi thuê cày máy về cày ruộng nhà mình) này anh cày gỗ chừng nào thì nhường đồng làng lại cho chúng tôi, cây cày máy hỏi, tra vấn đầy thách thức, chừng nào, trả lời cây cày máy là những trăn trở, là cuộc lẩn quẩn trong hình thể khu vườn, hay giữa vòng khép của khoảnh ruộng đồng làng, cuộc bứt phá xảy ra những trăm năm trước, có nơi nhìn thấy được khung trời cao rộng, có nơi vẫn cứ ở lại chốn nghìn năm, vì sao, những tra vấn vẫn cứ cất lên trong thi ca, triết học, và làng tôi, vẫn đang mỉm cười với cây cày gỗ, nhưng tôi phải đi hỏi anh Bốn Bơn, người đóng cày gỗ ở làng tôi, về cái ách cày, phần tử không phải chủ đạo trong cơ cấu cây cày gỗ, nhưng tôi vẫn cứ thấy ở đó, nơi cái ách cày, niềm thao thức về sự tồn tại của những sinh linh luôn gắn bó với con người là lũ bò kéo cày, phải bắt đầu với cái mỏ cày, chính là người cày nắm lấy phần tử này để làm công việc lật đất nhờ qua các công cụ lưỡi cày và trạnh cày, và bắp cày là cái then truyền bí ẩn trong hệ thống cày gỗ (then truyền bằng gỗ mà nối được người cày với sức kéo) bắp cày bắt đầu với mỏ cày và kết thúc ở cái ách cày đặt trên đôi vai của lũ bò kéo cày, cây gỗ núi trên núi Mun về đến nhà tôi thì biến thành cây đòn gánh để lũ bò cày gánh cây cày gỗ trên đồng làng, anh Bốn Bơn nói với tôi về cái ách cày, hóa ra, theo anh, thì lũ bò cày gánh cày trên ruộng, chứ không phải kéo cày như xưa nay nghĩ, gánh cày, như con người ta gánh lúa gánh rạ trên đồng làng, cách nghĩ của anh Bốn Bơn dẫn đến thứ khái niệm về dân chủ, lũ bò cày là bạn đồng hành của con người trong công cuộc làm ra cơm áo, tôi phải đi gặp anh Bốn Bơn vào buổi chiều hôm, vào giờ này thì hết thảy những người cày ruộng đều trở về nhà, chị Bốn Bơn đang ở cữ, đẻ đứa thứ tư, đông thế, liệu anh có nuôi nổi lũ chúng ăn học đường hoàng không anh, tôi hỏi, anh Bốn Bơn liền đem cái kiến thức cha ông truyền lại ra nói, đông đứa mới tát biển dời núi nổi chứ chú, có tiếng khóc trẻ thơ ở trong buồng cữ, tôi thử nhìn vào buồng cữ, nhánh xương rồng treo ở cửa buồng còn tươi rói, đẻ trạm xá xã, tiêm thuốc tây, nhưng về nhà thì nằm lửa, không dám bỏ tục lệ cha ông, giờ tôi phải đi lừa con nghé còn ở ngoài đồng, chú à, anh Bốn Bơn vừa nói vừa đi nhanh ra ngõ, ở trong làng đang vang lên tiếng heo gà, tiếng la mắng con cái, tiếng khua nồi niêu chén bát, bò đã về chuồng, người đã về nhà, nhưng lũ gà chưa kịp cho ăn đã lên chuồng kêu la inh ỏi, lũ trẻ nít chưa kịp cho ăn kêu khóc inh ỏi, cái cảnh buổi chiều hôm ở làng tôi như máu đang trở về tim (hết thảy gìà trẻ lớn bé đi đâu, ở đâu, vào lúc ấy đều phải trở về mái nhà của mình) những gì xảy ra vào những chiều hôm ở làng tôi là rất riêng, bề bộn, nhưng cái nào cũng có góc cạnh, khắc khoải, chìm đắm, những gì xảy ra có vẻ như chẳng ăn nhập chi với chuyện chăn dân của nhà đương cục, có vẻ như không hề biết, hay không muốn biết, chuyện chính trị, chuyện chính trường, bèo bọt, lầm than, chết chóc, đang diễn ra bốn phía, có vẻ như biết mình chẳng thể đi cùng thế giới để đến miền văn minh sáng sủa (ăn ra con người, ở ra con người…) biết mình chỉ có thể ở lại với ngôi làng quê có cánh đồng làng trước ngõ, có ngọn gió làm te tàu lá chuối sau nhà, nghìn năm như vẫn còn nghe tiếng con người gọi nhau ra đồng làng, nghìn năm như vẫn còn nghe tiếng con nghé gọi bầy buổi chiều hôm.

16.

vậy mà vẫn còn có chỗ như cuộc vươn lên tới chỗ đỉnh cao của tinh thần nhân loại, giữa cuộc nghìn năm như còn nghe tiếng con người gọi nhau ra đồng làng vẫn còn có cuộc văn chương, suốt dọc dài khắc khoải áo cơm thi thoảng chữ nghĩa lại cất lên, cứ như xứ sở không đành lòng để mình chìm đắm, vùng vẫy một chút dấu tích, trăm năm con tắc kè kêu, cười khóc theo mùa, bọng cây vông đồng, đêm con tắc kè chêm vào bóng tối những khúc đệm nặng như cái chết lũ cua cá mùa khô cạn, nước mắt nhảy nhót tràn qua cát bụi, lênh đênh bọng cây vông đồng, buổi sớm mai con tắc kè rót vào ánh sáng ngôn ngữ có nguồn gốc tự thuở tiếng động đầu tiên phát ra trong hỗn mang, tắc kè… tắc kè… nếp gấp hoang mang của những đám mây không màu, không trọng lượng, chú thích cho những cú va đập của ngu tối, lận đận bọng cây vông đồng, tiếng con tắc kè chạm vào buổi chiều hôm, xám ngắt bước chân lũ quỉ nói tiếng người, những câu chữ của quỉ trôi giữa cơn giận dữ của đất… tôi nói về con tắc kè nơi bọng cây vông đồng chỗ đầu làng như thể thay cho người làng tôi nói lời cám ơn con cháu của lũ khủng long tàn nhẫn (hồi kỷ tam điệp, đại trung sinh) nếu con tắc kè sống ở bọng cây vông đồng chỗ đầu làng tôi là con cháu lũ khủng long thật thì cuộc tiến hóa có cơ may tươi sáng, mấy trăm năm con cháu con tắc kè vẫn sống ở bọng cây vông đồng chỗ đầu làng tôi cho đến khi bom đạn chiến tranh làm ngã đổ cây vông đồng, cây vông đồng chỗ đầu làng tôi không còn, nhưng đêm vẫn nghe thấy tiếng con tắc kè, trăm năm con tắc kè lưu vong, tôi lại tả về cuộc rày đây mai đó của con cháu loài khủng long tàn nhẫn, con tắc kè nay trú ở đám cây ăn quả ở xóm trên, mai lại chuyển đến đám cây ăn quả ở xóm dưới, có vẻ như đã đến lúc con người và những sinh vật trong trời đất gắn bó nhau hơn, nay con tắc kè ở vườn nhà người này mai lại sang vườn nhà người khác, cứ thế, đêm, con tắc kè có vẻ như cố để lộ thân phận giữa cuộc vận động của thế giới, những dịch chuyển, những tiếng kêu, sự sơ hở của tính thể, hay nói khác là đã nhìn thấy hình tướng của sự vật, nói ra, hay kêu lên, là những phát lộ ra bên ngoài của căn tính, cái tiền nghiệm không chịu im lặng mãi, nói ra, từ đó là linh láng những máu và nước mắt, đêm con tắc kè để lộ mình là biển khổ, cái hậu nghiệm ngổn ngang, thống thiết, buồn… đêm, tôi chiêm nghiệm tôi, tôi chiêm nghiệm người làng tôi, qua sơ hở của con cháu loài khủng long tàn nhẫn, nghe tiếng tắc kè kêu như nhìn thấy được sinh mệnh của làng, rồi bỗng dưng tiếng kêu đêm của con tắc kè (đang trú nơi gốc bưởi nhà tôi) có vẻ gì hơi khác, hơi chùng xuống thứ đáy sâu nào đó, bồng bềnh, sầu não, giận dữ… sơ hở nào đây, tôi chỉ biết mới hôm qua, trong làng xảy chuyện, ông trưởng làng đã bị hạ bệ, người nói là do ông đã lén cắt xén điền thổ của làng, người bảo là do ông đã dám nói ra ở trên huyện trên tỉnh có kẻ đã đem bán đứng khu rừng rộng mênh mông ở phía nam làng tôi cho bọn con buôn vua chúa ở ngoại quốc mới xâm nhập vào quê hương xứ sở tôi.

17.

phải nói ngôi làng nơi tôi sinh ra là thứ xứ sở luôn đậm đặc trong tình cảm của tôi, làng tôi, mấy từ ngắn ngủn nhưng có sức áp đảo trong nghĩ ngợi của tôi, cứ lắng xuống những hình ảnh, những liên tưởng, cho đến khi làm bật ra thứ ngõ ngách, những biến thể dịu dàng, xao động, như thể đang chạm vào vùng trinh tiết của vĩnh cửu, chỉ một chút hình bóng nào đó của đất đai thoảng lên trong trí nhớ cũng đủ để hình thành những nghĩ ngợi có tính cách sinh tử về ngôi làng nơi tôi sinh ra, tôi muốn nói đến tình yêu tôi đã dành cho nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, chúng, tình yêu ấy từng lúc lưu vào ký ức tôi, có vẻ như luôn chờ đợi tôi nói ra, bây giờ là tôi nói về hàng cây bông gòn trước ngõ nhà tôi (ở làng tôi, hồi ấy, dường như nhà nào cũng có hàng cây bông gòn trước ngõ) trắng những buổi ban mai chạy nhảy dưới bầu trời tháng sáu, một vùng tuổi thơ tôi gắn bó với hình ảnh hàng cây bông gòn trước ngõ, tháng sáu, hoa bông gòn bay trắng bầu trời trên sân vườn nhà tôi, hoa bông gòn chứ không phải hoa gòn, hoa gòn đậu thành trái bông gòn, tháng sáu trái bông gòn khô trên cây, nứt vỏ, bông gòn từ các khe nứt bay nhập vào bầu trời trên đầu tôi, hàng cây bông gòn trước ngõ nhà tôi là do tổ tiên tôi trồng tự những trăm năm trước vào thời đất nước tôi còn có vua, những cây bông gòn vươn lên bầu trời bình yên, rồi người ở kinh về theo lệnh vua, tháng sáu, những bao bông gòn trắng tinh sự minh bạch của một vùng đất được mang về kinh, một thời làng tôi đã làm ra thứ vật liệu để làm chăn gối cho vua, thuở ấu thơ tôi đã gối cùng thứ gối với vua, gối bông gòn, gối gối bông gòn vừa bú mẹ vừa nghe những bài hát đồng dao mẹ hát, cái gối bông gòn nằm đâu đó thật sâu trong ký ức tôi thi thoảng lại ngoi lên như người đưa tin, buổi ấy đất nước tôi nơi đâu cũng có bóng dáng lũ ngoại xâm, tôi là thiếu niên cứu quốc, hết thảy lũ cùng lứa tôi ở trong làng đều là thiếu niên cứu quốc, anh trai và chị dâu tôi là thanh niên cứu quốc, cha mẹ tôi là nông dân cứu quốc, cả làng cứu quốc, cả nước cứu quốc, những đêm trăng, lũ nhỏ cùng lứa tôi tụ tập ở sân nhà tôi để học ca hát, chị dâu tôi vừa hát vừa múa làm mẫu cho bọn nhỏ chúng tôi, có vẻ như chuỗi ngày thần tiên của một đoạn đời tuổi thơ, đây thái dương hồng sáng chiếu khắp nơibài ca cứu quốc (tôi không còn nhớ chính xác là sáng chiếu hay sáng chói) chúng tôi múa hát trên bóng hàng cây bông gòn trên sân, ánh trăng đêm như cưu mang một cuộc chuyển động đầy tính sử thi, vang lên giữa những cơn gió đêm từ dưới giã thổi về mát rượi là những bài hát mơ hồ nhưng với bọn nhỏ chúng tôi lúc bấy giờ là rất thân thiết như bài hát ru của mẹ, rồi tôi lại phải xa hàng cây bông gòn trước ngõ, tôi đi học chữ ở trường huyện (sau khi cha tôi đã cho tôi thôi chăn bò và học xong chữ ở trường làng) chiều thứ bảy về, chiều chủ nhật hôm sau lại đi, những đồng bạc cắc mẹ cho, ruột nghé gạo vắt ngang qua ngực áo (đồ đựng gạo bằng vải được may theo hình thù ruột một con bò nghé) tôi ra khỏi lòng mẹ đã mười mấy năm mà mỗi lần rời mẹ đi đâu đó là lại thấy lạc lõng, bơ vơ, mỗi chiều chủ nhật trở lại trường huyện là tôi lại khóc, nhà em có hàng cây bông gòn trước ngõ, tháng ba năm trước cây bông gòn ra hoa, kết trái, tháng sáu năm sau trái bông gòn khô nứt trên cây, bông gòn tràn ra từ những kẽ nứt hóa thành những đốm hoa trắng muốt tấp vào niềm vui của em, nhưng khi đi học chữ ở trường huyện là em phải xa làng quê, xa mẹ, em đi, xóm làng và mẹ em khuất mất đằng sau những xóm làng khác, chỉ còn nhìn thấy đọt hàng cây bông gòn trước ngõ buồn bã in lên nền trời chiều, cũng chỉ trong chốc lát giữ được chút hình ảnh ngôi làng quê có mẹ em ở đó, thật sự là em đã khóc vì buồn nhớ mẹ… thầy giáo dạy văn khen tôi tả cảnh làng quê rất thật, khi nói cái gì mình thật lòng yêu mến thì sẽ thành văn chương, ông nói với lớp học của tôi, rồi gọi tôi lên đọc bài luận văn tôi viết cho cả lớp cùng nghe, một biến cố mang tính cách luận điểm văn chương đã diễn ra, thầy giáo dạy văn chỉ vào người tôi, và nói: em là một mảnh hồn của đất đai buồn, tôi không hiểu hết câu nói của thầy nhưng cảm thấy vui sướng như đang bay vào cõi thần tiên, nhưng liền sau đó thì thầy giáo dạy văn không còn dạy văn ở trường tôi nữa, thầy giáo dạy văn mới đã đến dạy văn ở lớp học tôi, chúng tôi rất muốn hỏi thăm về thầy giáo cũ nhưng rồi chẳng đứa nào dám hỏi, cũng không bao giờ nghe thầy hiệu trưởng của trường hay những thầy giáo khác nhắc đến người thầy đã khắc vào đời tôi hình ảnh của một vẻ đẹp ngoại lệ, rồi bom đạn chiến tranh đã cày xới làng tôi làm ngã đổ không biết bao nhiêu thứ, trong đó có hàng cây bông gòn trước ngõ nhà tôi, một ngày tháng sáu không còn những trái bông gòn khô rụng trước ngõ nhà tôi, tôi đã gặp lại thầy giáo cũ của tôi, mấy chục năm thầy trò mới gặp lại, chúng tôi không thể nén được những giọt nước mắt, nhưng vì đâu hồi ấy thầy đã ra đi, tôi hỏi, theo cách nhìn lúc bấy giờ thì ca ngợi nỗi buồn là một khuyết điểm, thầy đã bị phê phán vì đã làm mất đi vẻ đẹp của công cuộc cứu quốc em à, thầy tôi có vẻ đang cố nén nỗi đau của một vết thương quá lớn để nói cho tôi biết lý do ra đi lúc ấy của ông, có nghĩa người ta đã cho là thầy sai lầm và không cho thầy tiếp tục dạy học, tôi hỏi, không sao đâu em, cuộc sống là vậy, đôi khi chúng ta rơi vào sự u tối lầm lạc nhưng cứ ngỡ đang văn minh tiến bộ, thầy tôi nhìn tôi vui vẻ nói, tôi có cảm tưởng lịch sử đã tặng cho tôi những xáo trộn trong nhận thức, cứ thấy như mình đang khờ khạo bước giữa một thế giới mọi thứ đang rối tung lên.

18.

cuộc sống làng quê tôi là bản hòa âm nhiều cung bậc, với buổi thiếu niên của tôi là một khúc vui thật sự, nhưng với tính hiếu kỳ của tuổi mới lớn, như vì sao đêm lại nghe tiếng vạc kêu sương, buồn, hay vì đâu đêm nghe có tiếng huýt gió của con người là con rắn xanh mò đến, những gì diễn ra quanh tôi luôn là những câu chuyện thực, mà huyễn hoặc, cứ đầy ắp trong nghĩ ngợi những tra hỏi và những lời đáp không bao giờ đến bờ bến, hiện thực như những âm vang bỏ lửng, nghe, thấy, và muốn hỏi, những ngạc nhiên luôn quyến rủ tôi, vậy có phải cứ gieo xuống đất bất cứ hạt cây gì cũng sẽ mọc lên một cây khác và cho ra quả, câu hỏi xảy ra trong nhận thức tôi ngay từ lúc cha mẹ tôi bắt đầu câu chuyện trồng cây bông vải (cây lúa cho cơm ăn, cây bông vải cho áo mặc, những lý thuyết bao giờ cũng giản đơn, khiếm khuyết, tàn nhẫn) đêm, tôi thức giấc nghĩ ngợi về cuốn sử làng, đang viết, và đang nghĩ, có cả cái khuyết sử, và cái có sử, bỗng nhìn thấy cái mầm cây, ai hô hoán vào buổi sớm mai con nai bình tĩnh đứng uống nơi bờ suối, vầng trăng hạ tuần còn nhợt nhạt nơi vòm trời tây, đổ xuống buổi khuyết sử những nụ cười mông muội, nhưng đã thử nhổ lên, cái mầm cây bên dưới còn đeo hạt, đã có sự liên tưởng giữa cây và hạt chưa, những khúc sử đứt đoạn làm dấy lên những cảm hứng vĩ đại, khoa học, thi ca, những sấm ngôn vô thức, cho đến tận giờ con người đã có thể làm ra những cánh rừng, tháng giêng, mùi hoa xoài hoa bưởi còn phảng phất trong vườn, và sự vô tình của con người, cha tôi vác cây cày, lùa đôi bò ra ruộng, đi cùng cha tôi có tôi và mẹ tôi, vào lúc tôi và mẹ tôi đặt những hạt bông vải xuống đường cày cha tôi mới mở chính tôi đã không biết là mình đang mang tâm trạng khuyết sử (buổi hoàng hôn, ai ngồi trong hang lạnh, sau cuộc săn, thật sự vẫn còn nhớ, hay không còn nhớ gì cả chuyện xảy trong ngày, chuyện giữa con người và con mồi săn, giữa con người và tự nhiên) tôi cùng với cha mẹ tham gia vào việc trông cây bông vải mà lòng vẫn chưa ổn, có thật sau đấy có vải để mặc hay không, những đường cày cha tôi mới mở thật sự có làm xáo trộn cuộc sống lũ giun đất, trong lúc tôi và mẹ tôi đặt những hạt bông vải xuống đường cày, lũ giun phải chạy vạy đi tìm chỗ ở mới, và cha tôi thì nghĩ ngợi theo cách của ông, những nghĩ ngợi có hơi hướng một nhà thổ nhưỡng, năm này đất ruộng nhiều giun thế cây bông vải chắc tốt, ông nói, vậy thì rốt cuộc đã có một sự liên quan nào đó, rất hệ trọng, và bền vững, giữa sự màu mỡ của đất đai và lũ giun đất, những câu hỏi mang tính bản thể luận như thế, mà bấy giờ tôi đâu biết, ẩn nấp đâu đó trong nhận thức tôi luôn đánh động trong tôi một thứ tinh thần vĩ đại là tình yêu xứ sở, tôi yêu đám cây bông vải cha mẹ tôi lặn lội từng ngày ở đó, nếu nói con người cùng thiên nhiên tồn tại thì cứ mường tượng, đêm, không phải thi khách với những câu chữ biết nói, thơ, mà là người trồng bông vải, cha tôi, sau ruộng bông vải là chiếc xa kéo sợi, cái khung cửi đạp bằng chân, kéo sợi, và dệt vải, những nghĩ ngợi không biết nói, thơ của người trồng bông vải nằm nơi bờ cỏ, người trồng bông vải nằm một bên, ruộng bông vải nằm một bên, thở dưới vòm trời đêm, gà trong xóm chưa gáy sáng cha tôi đã trở về, bát nước chè quế mẹ tôi đã pha sẵn, vun bọt, sáng lên một góc sống, con người bước vào một ngày mới, cũng vô thức như đám bông vải trên đồng làng, tháng sáu, bông vải nở trắng ruộng, thay vì niềm vui là nỗi sợ hãi khi nhìn thấy những đám mây đen kéo qua bầu trời trên đồng làng, mưa mà đổ xuống lúc này thì người trồng bông vải trắng tay, năm này may không có mưa trái mùa, cha tôi nói khi toàn thể bông vải trên đồng làng đã đem hết về nhà, ánh mắt ông nở nụ cười khô khốc như thể còn vương vấn âm vang tiền sử, trong lúc tôi nghĩ ngợi về những ngày mẹ tôi dệt xong những cây vải khún (cách gọi thứ vải dệt bằng sợi cây bông vải) thì trên sân nhà tôi diễn ra một cộng đồng chưa thấy nói trong sử sách nào, đám con trai con gái cùng lứa ở trong làng mang xa kéo sợi đến sân nhà tôi để kéo sợi, bầy người tuổi trẻ, trong đó có tôi, muốn họp nhau dưới ánh đèn đốt bằng khối dầu rái (nhiên liệu lấy ở khu rừng phía nam làng) chỉ đủ soi những chiếc xa kéo sợi và những gương mặt, cuộc hang động của bầy người đương đại mang tính thi ca hơn là kinh tế xã hội, chỉ là để vui với việc kéo sợi, ở bờ rào tre nhà tôi lũ đom đóm cũng lây vui, lập lòe lửa miên trường, thôn dã với ngọn lửa tạo sinh từ loài đom đóm luôn là cuộc gắn kết tiến hóa, soi sáng nỗi heo hút, lận đận, vậy mà vẫn cứ cất lên cuộc lãng đãng nghìn năm, có một thứ đa tình thôn dã, vắng anh em như con chim lạc rừng, kéo sợi, và hát, người con gái hát câu ấy về sau đã chết trong một cuộc oanh kích của máy bay giặc Pháp, còn lúc ấy đang ngồi bên tôi, nàng vừa quay xa kéo sợi vừa khẽ xoãi chân ra, khoèo chân tôi, rồi đứng lên, kêu là đi uống nước, tôi cũng đứng lên, lặng lẽ bước theo nàng, chắc đám bạn chúng tôi giả vờ không nghe thấy, tiếp tục hò hát, tôi và nàng thẳng ra bụi chuối phía sau nhà, cảnh đêm khuya đủ để cho tôi nắm lấy tay nàng, nhưng tôi đã vội vã rụt tay về vì có ngọn gió khuya bất chợt làm rung rinh tàu chuối, có thể là sự nghiêm túc của đám chuối sau nhà tôi đã làm cho tôi và nàng khó khăn trong việc trò chuyện, nhưng bên nhà em thì chừng nào cày lại ruộng bông, em cũng không biết nữa, cuối cùng chúng tôi cũng nói được, nhưng là chỉ nói về chuyện ruộng trồng bông vải, tôi biết bấy giờ tôi và nàng chưa đủ ngôn ngữ cho một tình yêu thực thụ, chỉ mới tình bông vải.

19.

rồi có cái gì đấy, như định mệnh, vắt ngang qua lịch sử gần như làm tiêu tan cả những khối tình lớn lẫn những khồi tình con, trước đó cũng có, con bò nhà anh sang ăn đám lúa đang lên đòng của nhà tôi, hoặc, con gà nhà anh sang phá đám cải đang lên xanh của nhà tôi, những mâu thuẫn, thứ tình cảm khúc mắc, không thông suốt, giữa con người với con người (chưa được đúc kết thành hệ thống, hay khái niệm) cũng bình thường như chuyện mưa nắng bất thường, những tình cảm khúc mắc ấy cũng chỉ là thứ hình thái tinh thần không được đẹp cho lắm, một thứ phụ phẩm của nhận thức, không mấy nguy hiểm, nhưng là vùng u ám trong dòng chảy về cõi người lẽ ra không nên có ở con người, nhưng từ hôm có ngọn gió lớn có vẻ mới lạ ấy thổi qua làng đã làm phát sinh niềm giận dữ không còn giống chút nào với những giận dữ con người vốn sở đắc trong quá trình tiến hóa, sự giận dữ còn nguyên vẻ hang động, gần như vô thức như tiếng gào của con thác mùa lũ, dường trong ngọn gió lớn thổi qua làng có chứa sẵn thứ kích tố khơi gợi được những khả năng phân tích và liên tưởng của trí tuệ, cách nhận thức mang tính chất liên văn bản mới mẻ được ngọn gió lớn làm bùng lên khiến cho người làng tôi gần như mất hết sự hồn nhiên chất phác của những con người vốn hiền như đất đồng làng, mọi người bắt đầu nhìn sự vật với đôi mắt như chẳng còn nước mắt (khóc là hèn yếu) bắt đầu cách nhìn kẻ khác chỉ với hai cách, hoặc là bạn, hoặc là kẻ thù của ta, điệu thức buồn bỗng cất lên giữa dòng chảy nghìn năm trong veo, êm ái, sự thật, nó là thứ nhị nguyên khô héo từng làm khổ sở cả một vùng trời đất phía tây, cuộc trúc trắc đã làm phá vỡ cuộc nhân văn quê mùa lộng lẫy, nhưng sự lầm tưởng đương đại lại gọi là ngọn gió mới, cứ nghe vọng lại ở trong làng tiếng hô vang của đám đông, cách tỏ đồng tình của đương đại, thuở ngọn gió lớn có vẻ mới lạ ấy mới thổi qua làng quả tình người làng tôi có vui mừng thật sự, bởi bỗng chốc nhìn thấy được, nghe được, những điều mới mẻ, giác ngộ, cách nhìn thế giới mang hơi hướng của mặc khải, đã giác ngộ ra rằng bị áp bứ0c, bị tước đoạt tự do, chuyện những nghìn năm trước đã được nói ra, ở khắp nơi, trên mặt đất này, nhưng những người trồng lúa và trồng bông vải ở làng tôi thì mới nghe lần đầu, những điều nghe thấy như những câu kinh không vần có sức chuyển đổi cuộc sống đang cơ cực, hoan hô ngọn gió lớn, cứ nghe vọng lại trong làng những lời chúc tụng, những ánh mắt sáng lên, như đang trở thành kẻ khác, ai kẻ áp bức ta, ai kẻ tước đoạt tư do của ta, những lời gào thét, tiếng sấm giữa mùa xuân, giận dữ chuyển thành căm hận, có kẻ bừng con mắt dậy bỗng thấy mình biến thành kẻ phản bội đồng bào mình, bên cạnh cảnh tất bật cơm áo còn có cảnh thể hiện giác ngộ, những cách sống và chết theo ngọn gió mới đã được tuyên bố, không còn nhìn thấy nhịp điệu cư thôn, hiền hòa, chắc chắn, lung linh vẻ cổ kính, bởi bỗng chốc hình thành từ những cư dân trồng lúa và trồng bông vải những kẻ thù của làng xóm, đêm, nghe tiếng con vạc kêu sương mà nghe như chúng đang đánh dấu một khúc sử mới lạ, khi cuồng phong đã lắng, đêm, người ta nghe thấy có rất nhiều tiếng khóc, từ phía gò thổ mộ của làng, từ các ngôi nhà ở trong làng, ai khóc ai, không biết,

20.

hay khổ đau trong quá khứ đã trở thành có hình dạng, sự chuyển thể, biến thể, của vật chất, nỗi khổ đau, hay con người khổ đau, nói cho cùng, đều là vật chất, nhất định đấy không phải giấc mơ, đấy là vào một ngày tháng tám, mùa thu, ông lão đã gọi đúng người đang viết sử làng, có ai ở nhà không, tôi đang ở trong nhà thì nghe có tiếng gọi ngoài ngõ, bên dưới bầu trời mùa thu lúc bấy giờ là toàn bộ những sự thể quen thân, nắng sớm mai tơ lụa, vuốt ve, chẳng thể nắm bắt được sự quyến rủ của tự nhiên, nhưng nhìn thấy đám chuồn chuồn như thể đang bị mê hoặc, đang bị chi phối, một cách không thể cưỡng lại, mùa thu đang nói gì với lũ chúng hay sao, giống như một vùng nước xoáy, hàng trăm nghìn con chuồn chuồn đang có mặt trên bầu trời trên sân nhà tôi cứ cuồn cuộn lao xuống thấp, rồi cất lên cao, vũ khúc mùa thu, ơ hay… lại thấy nhớ tuổi thơ của ta, ông lão buột nói lúc tôi vừa giáp mặt ông, rõ ràng lúc bấy giờ, trước mặt tôi, ở trên sân nhà tôi, là một ông lão cùng với những sự vật: chiếc gậy đang chống, chiếc nón đang đội, bộ áo quần ông đang mặc, và chiếc xe đầy ắp củi, chiếc xe bánh gỗ mình đã nhìn thấy ở đâu nhỉ, à, minh họa cho một bài tập đọc trong một cuốn quốc văn giáo khoa thư nào đó, mà sao lại mang củi đến nhà mình nhỉ, dù sao thì ta vẫn cứ thích cái cách cho chuồn chuồn cắn rốn để biết bay, ông lão nói, không nhìn tôi, nhưng tôi biết là ông đang nói với tôi, cái cách ông cười thành tiếng, vói tay lên trời như để tóm lấy một con chuồn chuồn nào đấy là giống hệt với cái cách tuổi thơ của tôi, ơ hay… cũng đám chuồn chuồn cũ đấy thôi, ông lão nói, lê gậy đuổi theo đám chuồn chuồn vẫn đang tiếp tục vờn nắng ở trên sân, việc đem đặt chiếc xe củi ngay giữa sân nhà tôi, nói năng, đi lại, không hề chút lúng túng, có vẻ thông thuộc nhiều thứ, chứng tỏ ông lão không phải là kẻ quá xa lạ với làng tôi, khi người ta đi xa, rồi có dịp quay lại, thấy thứ cảnh cũ còn đó, bỗng nảy ra tình cảm khó hiểu, không biết là mình đang vui hay đang buồn, thế giới trong cách nhìn con người thường là thế, ông lão nói, tôi bắt đầu thấy nể nang cách nói năng có vẻ trí tuệ của ông, thế giới luôn là thứ khác trong cách nhìn mỗi người, thưa ông, tôi nói, như thể để bắt đầu cho một khám phá, việc một sáng mùa thu bỗng có kẻ đẩy xe củi vào sân nhà tôi là không bình thường chút nào, làng ở gần núi, không thiếu củi, nhưng lại có người mang củi đến bán, mà sao lại đem củi đến bán cho người đang chép sử làng nhỉ, thưa, ông có định mang củi sang các nhà khác trong làng hay không, tôi hỏi câu này như đột phá cho cuộc khám phá, mà sao chúng ta không ngồi xuống đây để trò chuyện nhỉ, ông lão bỗng đề nghị, rồi lũ chuồn chuồn vẫn cứ đảo lượn trên cuộc trò chuyện giữa ông lão bán củi và người chép sử làng, cho đến lúc ấy tôi vẫn nghĩ ông lão là người bán củi, thật tình mà nói làng chẳng thiếu củi, thưa ông, tôi lại nói như để dò hỏi, không phải củi đâu, nó là thuộc về câu chuyện đã cũ, ông lão nói, bắt đầu giảng cho tôi nghe những chuyện liên quan với xe củi, trong lúc nói ông luôn dùng hai bàn tay phủi lên áo như thể là đang có rất nhiều bụi bám ở đó, đến lúc ấy tôi mới ngớ ra, bộ quần áo ông đang mặc là áo tang, áo quần của người chết, thì cứ cho là ông ấy trở về từ cõi chết cũng được chứ sao, tôi nghĩ, con người ngập ngụa trong cát bụi, tăm tối, nhưng cứ ngỡ nhìn thấy được thế giới, ông lão nói, vẫn không quên phủi lên áo, cuộc đời vốn là cát bụi vô minh, thưa ông, tôi nói như để tiếp sức cho dòng suy nghĩ của ông lão, ngày ấy có ngọn gió lớn thổi qua làng ta làm dấy lên những nhận thức cứ tưởng là giác ngộ, chim chóc buồn không còn muốn hót, ta đi nói với người làng, rằng đấy là gió chướng đang mang lại tai ương, nhưng không được, người ta đã không nghe ta, đả đảo lũ có chữ đang chống lại loài người, bọn họ hò hét, chửi rủa, và đem ném ta vào cõi chết, mấy mươi năm nghiền ngẫm ta đã nhìn thấy phương thuốc cho căn bệnh vô minh, là người chép sử làng, anh phải biết, ông lão nhìn vào mắt tôi, nói, rồi đứng lên, quay trở ra ngõ, và lẫn vào cát bụi, tôi cứ thấy lạnh toát cả người, nỗi sợ hãi của kẻ đang trải qua thứ từ vựng trầm uất nhưng tinh tế và kiêu sa của trần gian, trước mặt tôi lúc bấy giờ chiếc xe củi đã biến đâu mất, chỉ thấy có ngọn lửa đang bùng cháy giữa nắng sớm mùa thu

21.

thật ra, kể từ hôm con người tìm ra lửa, thứ vật thể này đã mang trong mình bi kịch không bao giờ giải nổi, làm cháy lên cả những sự thật lẫn những lầm lẫn, cháy lên, và những cuộc trầm luân, câu chuyện họ Dương ở làng tôi là thứ tin tức luôn làm cháy lên trong lòng người đời sau ngọn lửa muốn đốt sạch những cung cấm huy hoàng cùng những thuyết minh luôn che đậy mầm thối rữa của các triều đại, không phải chỉ người đi nhiều học rộng, mà ngay cả người không biết đọc sách là gì, buổi chiều hôm, gác cây cày vào hiên hè, sau một ngày làm lụng trên đồng làng, bữa ăn cuối của ngày có đông đủ vợ con, trong cuộc đoàn tụ như thế không thể không chạnh lòng về cái chết của một người như thể một ví dụ tối đa về niềm thống khổ, họ Dương mất vào cuối thế kỷ mười tám, lai lịch của người nằm dưới ngôi mộ ở mé con đường ngang qua đồng làng tôi, nhưng cũng chỉ là thứ lai lịch truyền miệng, theo lời truyền, có lúc người ta đã đọc thấy những lời ấy trên bia mộ của kẻ chết đường, nhưng chuyện có bia mộ hay không chẳng còn quan trọng, những trăm năm qua, trong lòng người làng tôi vẫn đinh ninh người nằm dưới mộ là họ Dương, nhưng những lũ lụt trong các thế kỷ luôn làm xói mòn con đường ngang qua đồng làng, ngày nay xương cốt họ Dương có còn nằm ven con đường này hay không chẳng ai biết, ngày nay người ta chỉ áng chừng thế này: mộ ông ấy là ở chỗ này này, xương cốt người chết (cũng chỉ còn trong ý nghĩ) dịch chuyển theo con đường ngang qua đồng làng theo ý nghĩ người làng, cuộc dịch chuyển từ thân xác sang khái niệm như thể đang đề xuất với trần gian một cách nghĩ khác về sự tồn tại của con người, họ Dương làm lính cho chúa Nguyễn, ở kinh, khi Tây Sơn dấy binh thì biệt tích, trong hồ sơ gia phả làng tôi có một ghi chép ngắn về họ Dương, câu “khi Tây Sơn dấy binh thì biệt tích” chứng tỏ ghi chép chỉ được thực hiện khi nhà Tây Sơn không còn nữa (chứ làm sao người ta dám nói một lời như thế khi còn đương triều Tây Sơn) nhưng vì sao làm lính cho chúa Nguyễn ở kinh lại chết ở quê nhà, nhất định là người làng tôi đã nghĩ ngợi (rất nhiều) về cái chết ấy sau khi tìm thấy ghi chép về con người ấy, có thể, vào lúc triều Nguyễn đã an định ở kinh đô Huế, vào một đêm mùa đông, ở làng tôi, có người đọc sách nào đó ngồi ở trong nhà nghe mưa gió ngoài trời, giọt nước mái tranh, và giông sấm, trang sách hay là mưa đêm đang thu nhỏ thế gian vậy nhỉ, kẻ đọc sách bỗng đặt chân lên những ngả, nếu là dừng lại bên con suối rừng, thời loạn, tiếng con cá quẫy dưới dòng cũng khác trước, nhưng nếu là dừng chân nơi xóm nhỏ, đã khuya, nhưng đèn nhà ai còn sáng, ghé vào, nghe tiếng bàn luận về một triều đại sắp đổ, đánh một giấc vì mệt, sáng ra lại thấy mình đang nằm trên nấm mồ ai, nhưng cây xương rồng đang trổ hoa trước dinh thự của ai vậy nhỉ, loài cây cỏ vô tri bỗng trở nên biểu tượng của cao sang (cũng giống như có một thời một vị quan triều mua một cây lộc vừng vốn là giống mọc hoang theo bờ sông suối người quê hái lá đọt làm rau, đến mấy nghìn đô la Mỹ) trước là dinh ngài thống binh của chúa Nguyễn, nhưng giờ là dinh của ngài đô thống của chúa Trịnh, kẻ này vốn là lính cũ nay chuyển sang làm lính mới, có tiếng đàn từ trong nhà vọng ra, rõ ràng người đang trò chuyện là đang mặc áo lính của họ Trịnh, kẻ đọc sách ngẫm nghĩ, rồi nhắm mắt cố quên đi cuộc bể dâu, nhưng bỗng nghe có tiếng gươm đao, mở mắt thấy làng xóm mình có chinh chiến, ơ hay, chính là người mặc áo lính chúa Trịnh kẻ đọc sách đã gặp ở kinh đã ngã chết trên con đường ngang qua đồng làng, ngã chết ở cái ngả ba lịch sử máu me, bây giờ thì cả họ Nguyễn lẫn họ Trịnh đều là kẻ thù của Tây Sơn, biết rồi, kẻ hai lần mặc hai màu áo lính ở kinh đã chết ở quê nhà vì màu áo đang mặc là khác với màu áo của đám binh lính đang thắng cuộc, đi trốn lịch sử, nhưng trốn không được, biết rồi, đừng nghĩ ngợi nữa, kẻ đọc sách tự nhủ, rồi tắt đèn, nằm nghe mưa rơi.

(Còn tiếp)

Comments are closed.