Núi Thiên Nhẫn…

Lê Học Lãnh Vân

Mấy ngày nay rừng các tỉnh phía Bắc Miền Trung bốc cháy. Một ngày mười mấy đám cháy bùng lên. Báo cho biết: cháy tới núi Thiên Nhẫn. Đang cháy dưới chân núi Thiên Nhẫn… Đau lòng và nghe rung động cả một trời trong tôi…

A) Thiên Nhẫn là một quần thể các ngọn đồi, núi trong vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Tên Thiên Nhẫn được nhắc tới trong các bài viết của và viết về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Ngô Gia văn phái, Nguyễn Du… viết về văn hóa miền Trung, về danh thắng của vùng Nghệ An. Thiên Nhẫn (cũng được đọc là Thiên Nhận) nghĩa là Ngàn Trượng.

Thời Bắc thuộc, Nghệ An và Hà Tĩnh là đất Hoan Châu, một trọng địa của nước Việt xưa. Bước sang thời tự chủ, dù có được gọi bằng các tên khác nhau, châu Hoan vẫn được dùng chỉ vùng đất này.

Khi quân Nguyên Mông tràn sang, trên chiến thuyền rút quân tránh thế giặc mạnh để bảo toàn lực lượng, vua Trần Nhân Tôn viết hai câu thơ căn dặn về chiến lược:

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh

Diễn nghĩa: Các ngươi nên nhớ chuyện cũ Cối Kê [nhờ nhẫn nhịn mà chiến thắng]. [Chúng ta] vẫn còn chục vạn binh ở vùng Hoan, Diễn.

Cuối đời Trần, quân Minh cướp nước Việt. Lê Lợi dấy binh, thời kỳ đầu khó khăn tới nổi Lê Lai phải liều thân cứu chúa, sau chính nhờ dùng lực lượng châu Hoan châu Diễn mà tạo bước ngoặt lớn, chỉ vài năm đuổi quân Minh khỏi nước.

B) Nhớ thủa nhỏ được học sử, học văn, học địa lý. Kiến thức không có gì cao xa, nhưng những cái tên như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh đã gắn liền với châu Ái, châu Hoan. Ấy là nhờ các bậc Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Quảng Hàm…

Cộng với ca dao hữu tình…

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Cộng với thơ văn thi trung hữu họa… Như Nguyễn Thiếp khi về ở chân dãy Thiên Nhận, bên thành Lục Niên, viết “Thiên Nhận sơn thanh thủy cộng thanh” (Nước xanh cùng với núi Thiên Nhận xanh).

Phải chăng nhờ đó mà dù sinh trưởng tại Sài Gòn, quê quán Lục Tỉnh Miền Tây, cái tên Thiên Nhận đã nấp trong tiềm thức không biết tự bao giờ…

C) Hồi trung học, do quen biết gia đình, được thầy Nghiêm Toản dạy chữ Hán một năm. Tới cuối năm, thầy cho học bài Đại tác cửu thú tư qui (bài 2) (Làm thay người đi thú lâu năm mong được về) của Nguyễn Du. Là Đường thi thất ngôn, bài có hai câu đầu:

Thiên nhận Hoành Sơn nhất đới hà

Bạch vân hồi thủ cách thiên nha

Diễn nghĩa: Núi Hoành Sơn cao ngàn trượng [cách] một dãy sông

Ngoảnh đầu [nhìn lại] thấy mây trắng [mịt mù], xa cách chân trời.

Khi giảng bài, Thầy nói nỗi quê hương là nỗi sâu thẳm, rứt khỏi lòng không được. Thầy nghĩ Nguyễn Du chơi chữ, viết thiên nhận mà nhớ Thiên Nhận, một ngọn núi quê hương. Về địa giới hành chính, Thiên Nhận thuộc Nghệ An, gần với quê hương Nguyễn Du vì cùng trong vùng văn hóa hai bờ sông Lam, vùng văn hóa Lam Hồng có đặc sắc hát ví dặm. Ngó Thầy đang nhè nhẹ xoay chén trà trên tay, cậu học trò không biết Thầy nói Nguyễn Du nhớ quê hay nói chính mình di cư vào Nam…

Sau này táy máy dịch thơ hai câu đó:

Ngàn trượng Hoành Sơn một dãy sông

Cuối trời mây trắng ngoảnh đầu trông

C) Hai chục năm sau, tại Paris, thường có cơ hội dùng cơm trưa với bác Hoàng Xuân Hãn. Lại biết bác Hãn, thầy Nghiêm Toản và học giả Nguyễn Hiến Lê từng giao thiệp gần nhau thời tạp chí Thanh Nghị, sực nhớ câu nói của thầy Nghiêm Toản về thiên nhận Hoành Sơn, hỏi ý bác Hãn, bác không có ý kiến. Bác nói muốn nói điều đó, mình cần quen biết với người thân trong gia tộc Nguyễn Tiên Điền, cần có bằng cứ văn bản… “Anh ấy [Nghiêm Toản] cẩn thận, đã nói với cháu chắc có bằng cứ. Bác không có nên không dám nói.

Hôm đó, được nghe vài tâm sự của bác Hoàng Xuân Hãn…

Quê bác cách nơi Nguyễn Du sinh ra không xa. Từ chỗ bác nhìn thấy rừng núi Hồng Lĩnh. Cả một vùng rộng lớn núi non, ngày trẻ thường dạo chơi.

Vùng địa lý núi Thiên Nhận thực là địa linh nhân kiệt. Từ xa ngó về khi thấy mây mù che kín, khi thấy mây thành dãy trắng ôm núi xanh sẫm. Lên lưng chừng núi khí lạnh tràn qua, sương thành mây, mây thành sương…

Vùng đất Lam Hồng đó giàu có văn hóa, có nhiều danh nhân như La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Hồng Sơn Liệp Hộ Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh[1]

Bác không về Việt Nam nữa đâu. Về không làm được gì, cũng chẵng còn mấy người thân, bạn bè… Đất xưa thay đổi nhiều rồi. Nước cũng thay đổi. Nghe người quen cũ, con cháu các bạn qua đây kể lại thấy mình về thì bơ vơ, lạc lõng.[2]

D) Khoảng năm sáu năm trước, có dịp ra làm việc tại trại bò sữa Nghệ An của công ty TH True Milk. Lúc đó trại bò này lớn nhất Việt Nam, mười mấy ngàn con bò. Một ông Tân Tây Lan coi việc điều trị bệnh bò cho biết những người Việt Nam ông quen biết tại Hà Nội rất giàu có. Anh bạn Việt Nam phụ trách kỹ thuật chăn nuôi nói xứ Nghệ có nhiều người qua Lào kiếm sống theo nghề chăn nuôi hay nghề gỗ, có nơi đàn ông có sức đi làm xa gần hết, phụ nữ ở nhà coi chăm sóc người già, trẻ nít. Còn một nghề nữa là vận chuyển ma túy… Trùm mới giàu có, người vận chuyển cực lắm. Bị bắt trùm thoát, người vận chuyển chết thế thân, tội lắm chú ơi! Nghe nói vậy, đâu biết thật hư mấy phần!

Theo đường ra biển, nơi truyền thuyết nói vua An Dương Vương chém đầu Mỵ Châu. Leo lên một cụm đất ngó ra hướng đông, biển nơi nào cũng xanh mà chuyện ngày xưa còn văng vẳng, nỏ thần sơ ý trao tay giặc, hay cố ý trao tay giặc? Lại quay về thăm vùng núi Thiên Nhận, thấy nhiều đồi trọc…

Thiên Nhận ơi, Thiên Nhận ơi…

Ngày 04 tháng 7 năm 2019


[1] Ông Hoàng Xuân Hãn kính trọng ông Hồ Chí Minh. Xin độc giả xem bài viết này như một tài liệu, không là tuyên truyền chính trị. Tác giả chỉ ghi lại và xin không tranh luận về nhận xét này của ông Hoàng Xuân Hãn.

[2] Ông Hoàng Xuân Hãn lúc nào cũng nghĩ về Việt Nam. Năm 1996 ông viết bức thư gởi ông Võ Nguyên Giáp phân tích lẽ nên không nên trong việc giữ và phát triển đất nước, với các nhận xét về mối họa từ phương Bắc. Ông đi bộ tới tòa đại sứ Việt Nam nhờ chuyển thư, trên đường về trượt chân ngã và mất vài hôm sau.

Comments are closed.