Siberi – buồn viễn xứ khôn khuây

Tạp bút Nguyễn Văn Dũng

Tạp bút của võ sư Karatedo Nguyễn Văn Dũng, người thầy của hàng vạn môn sinh xứ Huế cũng như nhiều tỉnh thành khác và nhiều nước. Không chỉ dạy chữ ở trường học, Nguyễn Văn Dũng còn dạy học trò cách phát huy sức mạnh để có thể tự vệ và bảo vệ những gì mình yêu quý…

Xin giới thiệu cùng các bạn.

VĂN VIỆT

Cuối thu năm 2014, từ St. Petersburg tôi bay thẳng lên Siberi. Máy bay đáp xuống phi trường Tsentralny lúc 5g sáng, bên ngoài nhiệt độ 3 độ âm. Tôi thót tim. Đúng là quê xứ của hoang lạnh và lưu đày.

Thử hình dung, Trung Quốc là đất nước rộng lớn với 9,6 triệu km2, vậy mà Siberi còn rộng hơn thế, rộng đến 13,1 triệu km2, chiếm 77% diện tích nước Nga. Để xác định vị trí các thành phố trên vùng đất mênh mông này, người ta phân biệt đông, tây, nam và bắc Siberi. Nơi tôi đến là thành phố Omsk, nằm về phía tây-nam Siberi, cách thủ đô Moskow 2.700 km.

Để chuẩn bị cho một mùa đông mênh mông tuyết trắng, trời Siberi nắng vàng hươm và trong như lọc. Hoan đưa tôi loanh quanh một vòng thăm thành phố. Hóa ra nơi này cũng có một dòng sông, sông Irtush, nước trong leo lẻo, bát ngát đôi bờ. Thời phong kiến, Omsk là thủ phủ của Tây Siberi, ngày nay Omsk là trung tâm hành chánh của bang, là thành phố công nghiệp quốc phòng, là điểm nối kết quan trọng của tuyến đường sắt xuyên Siberi, Omsk còn được mệnh danh là “Chicago của Siberi”. Con sông Irtush như dòng kẽ nhạc chảy qua thành phố phả ra giai điệu trầm lắng và nồng nàn, đến nỗi tôi cứ tưởng như mình đang đi trên thành phố quê mình.

Thỉnh thoảng giữa đám nhân gian làng nhàng của một thành phố công nghiệp, bỗng xuất hiện đôi ba nhan sắc cực kỳ kiều mị, cao sang và quí phái. Tôi trố mắt không hiểu. Hoan giải thích, thuở xưa nhiều vị quan lại trong triều bị lưu đày lên đây, thế là vợ con họ cũng lên theo. Và những nhan sắc kia chính là hậu duệ thứ mấy đời của quí phu nhân ngày ấy. Hèn gì.

Omsk vừa tròn 300 năm tuổi. Thành phố nào cũng bắt đầu từ bước chân những người khai phá, nhưng Omsk còn bắt đầu bằng mồ hôi, nước mắt và máu của những tù nhân. Thời Nga hoàng, Omsk là quê xứ lưu đày của những tội phạm hình sự, những nông dân nổi loạn, những quan lại chống triều đình; những trí thức trẻ khao khát tự do và phản kháng chế độ quân chủ chuyên chế… Một trong số họ là đại văn hào Fiodor Mikhailovich Dostoevsky, tác giả “Anh em nhà Karamazov” – một kiệt tác văn học.

Dostoevsky tham gia nhóm Petrashevsky của những trí thức trẻ ở kinh đô St. Petersburg, năm 1849 ông bị bắt và bị kết án tử hình, sau được giảm xuống lao động khổ sai. Cảnh lao tù ở Omsk khắc nghiệt đến mức Dostoevsky mô tả đó là một “ngôi nhà chết” và ông như “bị đóng trong quan tài”. Nhiều người chết vì đói, vì lạnh, vì bệnh, vì điên, vì bị hành quyết, nhưng Dostoevsky vẫn trụ được. Sau bốn năm ngục tù, ông còn phải thêm năm năm lính trơn phục vụ trong Trung đoàn Siberi. Năm 1860, ông về lại St. Petersburg. Những trải nghiệm qua đoạn đời khắc nghiệt ấy đã chuyển hóa ông, cùng với niềm tin sắc son “Tình yêu cứu rỗi thế giới”, nền tảng cho những tác phẩm vĩ đại của ông sau này.

Tại quê xứ lưu đày này, còn có một tù nhân liên quan đến một nhà văn nổi tiếng khác, đó là Olga Ivinskaia, người yêu dấu của Boris Pasternak. Olga là hình mẫu của Lara trong tiểu thuyết Dr. Jhivago. Mùa thu năm 1949, Olga bị bắt vì quan hệ với Pasternak, một nghi can gián điệp. Nàng bị tuyên án năm năm lưu đày ở Siberi. Chính tình yêu đã giúp Olga trụ vững trước những sỉ nhục, tra tấn và điều kiện sống khắc nghiệt. Còn Pasternak, chỉ còn biết mỏi mòn chờ đợi “Kim đồng hồ ngái ngủ/ Bò trên mặt thời gian/ Ngày dài hơn thế kỷ/ Và vòng tay ôm tràn”. Về sau, tác phẩm Dr. Jhivago được dựng thành phim có tên Việt ngữ Vĩnh biệt tình em. Có sự khác nhau giữa đời thực, truyện, và phim. Trong đời thực, Olga vĩnh biệt Pasternak trong khóc thầm lặng lẽ. Trong truyện, họ vĩnh biệt nhau khi Lara đi về vùng Viễn Đông còn Jhivago trở lại Moscow. Trong phim, Jhivago chết vì chấn động tim khi đuổi theo chiếc xe bus thấp thoáng hình bóng Lara sau cửa kính. Tuy nhiên, cả ba cùng giống nhau một điểm: tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, và vĩnh cửu.

Thời Nga hoàng, nếu Siberi là chốn lưu đày của hàng vạn người thì sau này, cuộc “Đại thanh trừng” dưới thời Stalin con số ấy lên đến hàng triệu, hàng chục triệu. Thời Nga hoàng nếu tù nhân như “bị đóng trong quan tài” thì sau này còn khủng khiếp hơn, đến nỗi đôi khi tù nhân phải ăn thịt nhau để tồn tại. Nhiều tài liệu cung cấp những chi tiết rợn người về “Tấn thảm kịch Nasino”. Nasino là tên một hòn đảo nhỏ trên sông Ob, nơi giam giữ 6.000 tù nhân. Giữa mùa đông tuyết giá, không chăn nệm, không thực phẩm, không lều bạt, tù nhân phải ăn thịt nhau để sống. Đó là một trong những chương đen tối nhất của lịch sử lưu đày ở Siberi.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhiều lần Stalin cũng bị bắt và bị đày lên Siberi. Tôi thầm nghĩ, từng nếm mùi cay đắng ở Siberi, sao ông nỡ xuống tay đày ải hàng triệu người đến đó! Hay ông muốn thử xem ai trong số họ đủ gan góc vượt ngục được như ông! Nay, ông thuộc về lịch sử, nhưng người đời vẫn không thống nhất khi đánh giá công trạng của ông. Nhiều người cho rằng ông là tên bạo chúa, nhiều người khác, đặc biệt nhiều người Nga coi ông là vị anh hùng dân tộc. Đã một thời người ta xưng tụng ông, là “Người cha của tổ quốc”, “Thiên tài kiệt xuất của nhân loại”, “Đại kiến trúc sư của chủ nghĩa cộng sản”, “Người trông nom hạnh phúc loài người”… A. V. Avidenko trong Khúc ca Stalin đã viết “Hàng thế kỉ sẽ trôi qua, và các thế hệ vẫn sẽ xem chúng ta là những người trần hạnh phúc nhất, may mắn nhất, bởi vì chúng ta sống trong một thế kỉ mà nhiều thế kỉ mới có, bởi vì chúng ta được đặc ân trông thấy Stalin, lãnh tụ tôn kính của chúng ta… Và khi người phụ nữ tôi yêu cho tôi đứa con đầu lòng, tiếng đầu tiên nó sẽ bập bẹ sẽ là: Stalin...”. Ngay đến một đất nước xa xôi như Việt Nam mà vẫn có người yêu quí ông còn hơn cha hơn mẹ, “Thương cha thương mẹ thương chồng/ Thương mình thương một thương Ông thương mười”. Thế đấy, biết làm sao được, khen chê là miệng tiếng người đời. Hy vọng rồi thời gian sẽ đặt ông về đúng vị trí mà lịch sử dành cho ông.

Ôi, Siberi! Có bao giờ bạn đi lại trên một mảnh đất mà dưới chân là máu thịt của bao người. Có bao giờ bạn thoảng nghe trong gió lời than khóc của những hồn oan. Có bao giờ bạn xao xuyến bởi âm vang nỗi khắc khoải và hoài vọng của một thời đã xa. Tôi đã sống những ngày ở Siberi với cảm thức ấy. Đó là những ngày sao mà da diết và buồn như là nước mắt.

Điều ngạc nhiên là tại một nơi xa lắc xa lơ thế này mà vẫn có đến 500 người Việt định cư. Nghe đâu ở Moscow con số đó lên đến 100.000 người – là một trong hai cộng đồng người nước ngoài đông nhất ở thủ đô nước Nga. Họ vất vả mưu sinh bằng đủ thứ nghề, môi giới, lao động tay chân, hoặc buôn bán nhỏ… Do thu nhập thấp, nên mức sống của họ không cao, trừ một số ít trở thành đại gia giàu có nhờ là chủ nhân của các “Xưởng may đen” nằm sâu dưới lòng đất. Ở Moscow có hàng mấy trăm xưởng may loại ấy. Mỗi xưởng may có cả vài trăm công nhân. Mọi chuyện ăn ở, lao động, sinh hoạt tất thảy đều diễn ra dưới lòng đất; nhiều công nhân cả năm không lên khỏi mặt đất, không thấy mặt trời. Sản phẩm của những xưởng may “chui” này là các mặt hàng nhái đủ loại thương hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Nike, Chanel, Gucci, Burberry, Tommy, D&G, Zara… Làm thế nào họ có thể qua mặt được lực lượng an ninh và mạng lưới công an khu vực dày đặc, chuyện ấy chắc bạn thừa biết, tôi chỉ muốn nói đến số phận của hàng ngàn, hàng vạn lao động khổ sai là con em chúng ta dưới bàn tay sắt của họ. Rồi tương lai các em sẽ thế nào? Ước mơ hiện nay của các em là gì? Ai thật sự chịu trách nhiệm trong chuyện này?

Mà đã hết đâu, mấy ngày ở Moscow, tôi được anh bạn cung cấp thêm nhiều thông tin nghe mà buồn thúi ruột. Nhiều cô gái trẻ chạy vạy kiếm một xuất lao động sang Nga với giấc mơ đổi đời, nào dè vừa ra khỏi phi trường Moscow, các cô bị lột hết giấy tờ tiền bạc, bị nhốt xuống hầm, bị dùng vũ lực buộc phải bán dâm. Thời còn chợ Vòm, có đến 500 cô gái bất hạnh dạng ấy hành nghề tại đây. Chao ơi, với đồng loại mà đối xử như thế đã là vô đạo, đàng này với đồng bào ruột thịt của mình mà còn đối xử như thế thì không biết họ là loại gì.

Điều đau nhất là ở đâu cũng vậy, cộng đồng người Việt không bao giờ đoàn kết nhau, đã thế lại còn ra sức triệt phá nhau không gớm tay. Do phải đánh đổi tất cả vì mục đích kiếm tiền, họ trở nên xảo trá, chụp giật, hung hăng, gây gổ, đánh nhau. Trong con mắt người Nga, họ là một-lũ-khôn-ra-gì.

Không biết có bao giờ họ chịu suy ngẫm một cách nghiêm túc nguyên nhân nào khiến họ cứ lẹt đẹt mãi ở tầng thấp xã hội, lại còn bị người bản xứ coi thường. Tôi ngờ rằng là do họ mang nặng mặc cảm tự ti. Biểu hiện ngược chiều của loại tâm lý này là thái độ khi nào cũng huênh hoang, nghênh ngang, coi trời bằng vung, chẳng coi ai ra gì. Họ gọi người Nga là Bọn Nga ngố, gọi đồng hương là Bọn Cộng; cùng dân Bắc với nhau mà gọi nhau Bọn Cộng, tức là muốn nói ta đây không phải như chúng nó. Thử hỏi trong giao tiếp, ai có thể tin mình, tôn trọng mình, muốn làm ăn với mình khi chính mình lại không tin và không tôn trọng mình. Hình như đây là nhược điểm chung của người Việt, còn nặng nhẹ thế nào tùy mỗi lúc mỗi nơi.

Ngoài ra, mải lo kiếm tiền, họ quên rằng đồng tiền không phải là tất cả; rằng nhiều người tuy không giàu có nhưng người khác phải ngước nhìn. Một anh bạn trẻ theo thầy trò tôi đi thăm Quảng trường Đỏ, Điện Kremlin, Thánh đường St. Basil, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Kiến trúc, lang thang bên dòng sông Moscow…, anh thú thật “Hai mươi năm ở Nga, đây là lần đầu tiên cháu đến những nơi này”. Thấy tôi sững sờ, anh tiếp: “Người Việt ở đây đều thế cả, ai cũng đầu tắt mặt tối lo làm ăn chẳng còn thì giờ đâu nghĩ tới chuyện thưởng ngoạn văn hóa”. Thảo nào. Vừa thấp giai tầng vừa lùn văn hóa. Mà sự đời, đã không sang thì làm sao khiến người ta trọng. Với tôi, Moscow một nửa chiến tranh một nửa hòa bình, một nửa cũ một nửa mới, một nửa buồn một nửa vui. Thú thật, đây là một trong những điểm của một nửa Moscow buồn mà tôi mang theo lên Siberi, giờ nhớ lại cứ ray rứt mãi.

Ở Omsk tình hình vẫn thế, tuy có dễ thở hơn. Hoan là một trong số ít người Việt tương đối thành công ở thành phố này. Hoan là học trò võ của tôi hồi còn ở Việt Nam. Hoan sang Nga năm 1994, lúc đầu cũng “chiến đấu” ở Matxcova nhưng rồi bị đánh bật ra khỏi thủ đô, vèo lên tận Siberi xa xôi. Thu năm ngoái, Hoan mời thầy sang thăm Nga, nhưng rồi lấn cấn vụ cảnh sát Nga bố ráp người Việt quá gắt gao nên tôi khất lại. Thu năm nay, Hoan từ Omsk bay về Moscow đón rồi đưa thầy đi thăm Moscow, St. Petersburg và một số thành phố khác trước khi lên Omsk thăm gia đình Hoan. Điều tôi bất ngờ ở Hoan là lang thang khắp đó đây, mỗi lần gặp người ăn xin nào bao giờ Hoan cũng dừng lại, nghiêng mình trao cho họ ít tiền. Tôi theo quan điểm của người Nhật, tích cực làm từ thiện nhưng không bao giờ cho người ăn xin tiền. Tôi để ý thấy cách cho tiền của Hoan, đó không phải là cách ban phát của kẻ bề trên mà là thể hiện sự cảm thông, chia sẻ của một tấm lòng. Bây giờ thì tôi hiểu ra, Hoan thành công được nơi đất khách quê người không chỉ vì có sức khỏe, thông minh, tháo vát, mà còn vì có tấm lòng nhân ái, sẻ chia. Thế đấy, ở đời ai không biết cho đi thì sẽ không có gì nhận lại. Một lần, tôi hỏi Hoan có nhớ nhà không. Hoan thú thật “Do bận rộn mưu sinh nên không có thì giờ để nhớ, nhưng nhiều đêm thức giấc, bỗng da diết nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cha nhớ mẹ…, rồi hai hàng nước mắt cứ chảy dài”.

Biết tôi thích cô tịch, Hoan tổ chức cho hai thầy trò chuyến dã ngoại cách thành phố 60 cây số. Chúng tôi nghỉ đêm nơi một ngôi biệt thự sang trọng giữa rừng, xa xa phía trước con sông Irtush bát ngát đôi bờ. Thế là suốt ngày tôi một mình tha thẩn trong rừng. Hình như kiếp trước tôi là con sóc con nai chi đó, bằng chứng bầy sóc cứ bu lấy tôi. Không biết do nhận ra người quen hay chỉ là để chờ thức ăn. Chúng dạn dĩ và gần gũi tới mức tôi có thể chơi đùa với chúng hàng giờ không chán.

Buổi chiều tôi thích tha thẩn dọc theo bờ con sông Irtush. Hoàng hôn trên sông mới xao xuyến làm sao. Té ra Irtush là một trong mười con sông dài nhất thế giới, đổ về biển bắc. Có đến đây mới biết, con sông nào chảy qua thành phố cũng đều cứng nhắc, diêm dúa, không còn giữ chút gì bản sắc vốn có của nó. Đã sông thì phải phóng khoáng, mềm mại, trầm lắng… Chỉ có thế mới đủ sức mang những thứ rác rưởi phù du của trần thế đổ ra biển, bền bỉ từ thế hệ này đến thế hệ khác…

Có bao giờ bạn được đắm mình trong một không gian tuyệt đối tĩnh lặng và huyền nhiệm như thế này chưa. Bạn sẽ thấy mọi sự trở nên trong suốt, còn cái thế giới này thì chỉ bé như mảnh sân trước đình làng. Ở đó, chiều chiều trai tráng xóm trên xóm dưới, xóm trong xóm ngoài tụ tập bày đủ thứ trò chơi, kéo co, ù mọi, đấu vật, đá kiện, đá banh, giặc giả… Cũng tranh thắng, cũng quyết liệt, cũng trí mạng, nhưng nhẹ hều như chơi; chẳng cần ban tổ chức, chẳng cần trọng tài, chẳng có luật lệ gì, chỉ cần sự trung thực và công bằng. Kẻ nào lá lay sẽ bị chúng bạn lêu lêu, trẽn một chút rồi thôi, huề cả làng, chẳng ai hận thù thiên thu vạn đại. Vậy mà đó là những cuộc chơi vui nhất, đẹp nhất, lung linh nhất trong tâm hồn mỗi đứa trẻ cho mãi đến già.

Hình như đây là nơi xa xôi nhất tôi đế- một khoảng cách vừa đủ để soi chiếu lại mình, và quê hương đất nước mình. Mà sao đất nước mình cứ mãi trầm luân trong bể khổ với đủ thứ bệnh: ngu dốt, dối trá, tham lam, hèn nhát, lươn lẹo, tàn ác, hoang tưởng… Cái bệnh hoang tưởng ai cũng nghĩ chỉ là bệnh điên điên vô hại, nào ngờ đấy lại là thứ bệnh cực kỳ nguy hiểm, căn nguyên của bao bệnh nan y khác. Mà nghĩ cũng kỳ, sao người mình cái gì cũng đòi nhất thiên hạ cả. Tôi không nhớ tên nhà thơ nào đó đã viết “Ôi sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”!

Phàm đã mắc bệnh thì phải có thuốc chữa. Người ta bệnh, dùng thuốc gì không biết mà ngày càng phổng phao, sáng láng, sang giàu… khiến ai cũng ngưỡng mộ, kính phục. Còn mình bệnh, dùng thuốc gì không biết mà ngày càng teo tóp hom hem, khốn khổ khốn nạn khiến ai thấy cũng đâm ra thương hại. Sao không chịu học người ta, sao không bắt chước dùng toa thuốc của người ta… Chao ơi, đến bao giờ người cầm lái mới chịu bẻ lái cái rẹt cho đỡ khổ cho bá tánh hôm nay và đỡ tội tình cho con cháu mai sau.

Hôm ngồi ngắm con sông Irtush lặng lẽ chảy về biển bắc, tôi còn ngộ ra một điều, không phải cứ khổng lồ là mạnh. Hãy nghiệm xem, cả nước Mỹ hùng cường và nước Nga vĩ đại đều có những điểm yếu chết người. Cách thức Mỹ đối xử với Palestine và Cuba chẳng hạn, có đúng là thiếu công bằng và cao thượng. Còn Nga, ham chi quyền lãnh đạo nhân loại, rán rán xây dựng chủ nghĩa nọ kia, kéo theo đủ thứ chiến tranh nóng lạnh. Sao không nỗ lực xây dựng một xã hội Nga phồn vinh hạnh phúc, không tận dụng tài nguyên vô biên của Siberi để biến vùng đất độc đáo này thành thiên đường không chỉ cho dân Nga mà cả nhân loại cũng được nhờ.

Phải chi Obama và Putin cùng đến đây, cùng ngồi bên nhau nhâm nhi cốc vodka, cùng ngắm con sông Irtush lặng lẽ chảy về biển bắc và trầm lắng suy tư, biết đâu nhị vị sẽ “ngộ” ra được đôi điều…

Huế – 2014

Comments are closed.