Những ghi chép ở tầng thứ 14 (kỳ 5)

Tiểu thuyết Thận Nhiên

*THỰC ĐƠN CỦA TỰ DO

Không biết với người khác thì như thế nào, riêng với tôi thì hầu như những kỷ niệm, hay sự kiện đáng kể trong đời, và ngay cả của nhiều người Việt mà tôi biết, đều liên quan đến miếng ăn và những sinh hoạt tình dục. Khi tôi nói ra điều đó, thì mẹ tôi lý giải rằng là do chúng tôi đến Mỹ từ một đất nước nghèo khó, ở đó người dân đói thường xuyên, nên thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh, và cho dù tôi sanh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng tôi cũng luôn có nỗi ám ảnh như các thế hệ trước, vì nó là thứ bệnh tâm lý có tính di truyền qua nhiều đời kế tiếp nhau.

Vương Văn Quang, một ông nhà văn bạn của cha tôi, cà rỡn về câu chuyện cổ tích sớm nhất của Việt tộc về thực phẩm cổ truyền, món bánh chưng và bánh dầy, rằng:

“Thuở xa xưa, xứ Lừa [tôi không hiểu vì sao mà ông ấy lại ám chỉ Việt Nam là “xứ Lừa”], có em nhỏ kia đã lên làm vua, nhưng miếng ăn vẫn luôn lởn vởn thống trị tư tưởng ẻm. Có độc mụn con gái đến tuổi gả chồng, ẻm treo notification: Thằng nào kiếm tao món nhậu tốt, làm rể tao, ngay và luôn.

Bánh chưng bánh dầy Lừa tộc vẫn cắn mỗi khi Xuân về có từ khi ấy. Nó xuất phát từ bướm một nàng công chúa và tâm hồn đớp hít của một vị vua”. [1]

Ông Xuân là anh họ của cha tôi. Ông là lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông rời Đà Nẵng trong ngày cuối cùng trước khi miền Nam mất vào tay cộng sản. Sang Mỹ, ông được một gia đình người Mỹ bảo trợ về một miền quê hẻo lánh, không có người Việt nào sống ở đó. Gia đình này làm nông trại, trồng bắp và nuôi bò. Suốt hơn một năm, bò là sinh vật ông giao tiếp với thường xuyên nhất, vì không mấy khi ông được gặp người, và lúc đó ông chưa thể sử dụng được tiếng Anh. Công việc của ông bắt đầu từ mờ sáng cho tới tận đêm, hết vắt sữa bò thì đến việc ngoài đồng. Chân lúc nào cũng xỏ trong đôi ủng để lội trong phân bò ngập ngụa. Người chủ Mỹ này không hề nhắc nhở gì đến lương tiền của ông, thậm chí còn không cho ông cơ hội để tiếp xúc với ai khác ngoài những người trong gia đình họ. Một hôm ông trốn đi, tìm đường về Cali, về với đồng hương. Cày cuốc ở Cali vài năm, ông lấy vợ, hai vợ chồng trôi dạt qua Virginia. Ban đầu làm công, rồi vay ngân hàng mở một tiệm giặt.

Ông nói với cha tôi, “Có nhiều tháng anh không hề nhìn thấy mặt trời là gì. Mờ sáng, ra khỏi nhà khi trời còn tối; đến khi xong việc, đóng cửa tiệm thì đã tối mịt, về đến nhà là nằm quay ra ngủ để lấy sức cho ngày mai cày tiếp. Một năm chỉ nghỉ ngày Noel và những ngày có bão tuyết không thể ra đường được thôi, còn lại 364 ngày kia là một chuỗi ngày lặp lại y như nhau”.

Người Việt ở Mỹ không nói “đi làm” mà nói “đi cày” cho dù công việc không liên quan gì đến việc nhà nông, và cho dù có khi công việc cũng không nặng nề gì lắm.

Vợ chồng ông Xuân chí thú làm ăn, mua nhà, sắm sửa đủ mọi tiện nghi. Ông nói tiếp, “Chịu cày là sẽ có hết. Muốn mua gì thì sẽ được mua thiếu. Vấn đề là có thời gian để hưởng thụ những tiện nghi đó hay không”. Với ông thì tất nhiên là không.

Tiệm giặt của ông ở một khu khá sầm uất. Ông vừa để máy giặt, máy sấy cho khách sử dụng, vừa nhận đồ dry-clean[2]. Khách tự giặt sấy lấy đồ của mình, trả tiền bằng đồng xu nhét vào khe cho máy tự động chạy. Tiệm lúc nào cũng đông khách. Công việc của ông là sửa chữa máy hư, đổi tiền giấy thành tiền xu cho khách, dọn dẹp vệ sinh, nhận đồ giặt thuê cho những ai yêu cầu, nhận và trả đồ sau khi đã giặt xong cho khách. Tất bật. Công việc làm mãi tạo cho ông một kỹ năng rất tuyệt, như một nghệ sĩ siêu hạng, trong việc lượng định số tiền xu bằng trọng lượng của chúng. Ông có thể lấy số tiền xu thật chính xác để đổi cho khách mà không cần đếm. Đưa cho ông hai tờ bạc, một tờ $10 và một tờ $5, ông chỉ cần thò tay vào cái chậu đựng tiền xu, bốc một nạm, lắc lắc tay để cân nhắc trọng lượng, rồi thả số đồng xu trong tay ra cái đĩa. Có khi ông phải bốc hai lần vì số xu nhiều quá, bốc một lần không giữ được hết trong tay. Nhưng thế nào đi nữa, một lần hay hai lần, thì khi khách đếm lại cũng đúng ngay chóc 60 đồng 25 xu. Ông chỉ cười cười, ánh mắt có chút tự hào lẫn giễu cợt trước sự thán phục của những người khách.

Cha tôi kể, trong ngày đầu tiên ông và mẹ tôi đặt chân đến Mỹ sau gần hai năm sống trong hoàn cảnh thiếu thốn ở trại tị nạn Mã Lai, hai ông bà được ông Xuân bảo trợ về sống chung. Ông Xuân nhờ vợ trông tiệm giùm, rồi chở cha mẹ tôi đi chơi, chuyến đi đầu tiên tiếp xúc với đời sống ở Mỹ.

Ông Xuân chở họ đến khu thương xá Eden ở Virginia. Ông mời hai người ăn trưa. Ngỡ rằng ông sẽ cho ăn một bữa thức ăn Mỹ, nhưng không, ông lại đưa họ vào tiệm phở Hoà. Thời đó, thương hiệu phở Hòa có chi nhánh ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, đây là tiệm phở lớn nhất trong vùng.

Sau khi kéo ghế, ông Xuân lấy thực đơn, hỏi hai người thích ăn món gì. Cha mẹ tôi ngại ngùng, chưa kịp trả lời thì ông bảo ăn phở nhé, phở ở đây được lắm. Ông gọi người bồi bàn lại, bảo làm ba tô, hai tô đặc biệt và một tô nhỏ, cha mẹ tôi ái ngại nhìn nhau, ngầm nghĩ rằng hai tô đặc biệt là dành cho hai người đàn ông, còn phần mẹ tôi là tô nhỏ. Khi bồi khệ nệ mang cái mâm ra, ông bảo anh bồi hai tô đặc biệt là của cha mẹ tôi, còn ông thì tô nhỏ. Trước mặt cha mẹ tôi là hai cái tô to khổng lồ, to bằng chậu nuôi cá, ông bà chưa từng thấy cái tô phở nào kinh khủng như thế, ngồn ngộn những thịt là thịt, đủ thứ thịt: gầu, gân, tái, nạm, bò viên, chừng như nguyên cả con bò trong tô, chỉ nhìn thôi cũng đủ sảng hồn, họ nghĩ rằng có lẽ ông Xuân gọi nhầm. Kế bên là đĩa rau thơm, giá. Trên đĩa có đúng ba nhánh rau quế, mỗi nhánh chừng bảy lá rau, đúng ba lá ngò gai, những lát chanh vàng tươi, và ớt xanh xắt lát. Có vẻ như mọi thứ rau đều được tính toán kỹ lưỡng để chia đều đủ cho ba tô phở. Mọi thứ rau đều có kích thước to quá khổ nếu so với những thứ đồng chủng ở Việt Nam trong ký ức của cha mẹ tôi. Lá rau quế to bằng ba ngón tay, gấp ba lần thứ rau cùng chủng loại ở Việt Nam. Cọng rau ngò gai cũng vậy, bản to dầy và cứng như một lưỡi kiếm thép.

Ông Xuân ép họ ăn, không cho thoái thác. Ông bảo, cứ ăn đi, ông sẽ cho họ biết lý do vì sao họ phải ăn tô phở to như vậy. Tất nhiên, làm sao cha mẹ tôi ăn hết tô. Với cái bao tử đã quen với những khẩu phần rất giới hạn của những ngày sống ở Việt Nam và trong trại tị nạn thì tô phở này chẳng những là một sự thừa mứa vô hạn ở phần dung lượng, mà còn như một sự trêu ngươi ở mặt tâm lý.

Ông Xuân bảo, “Anh muốn cho hai em thấy sự hùng mạnh và dư thừa của nước Mỹ là như thế nào. Hai em ăn được chừng nào thì ăn, không hết thì bỏ, không ai phàn nàn chút gì đâu. Đây là “tô phở tự do”. Sau này em sẽ quen đi, không còn thấy lạ nữa, nhưng sẽ nhớ mãi bữa ăn đầu tiên trên quê hương mới này. Chúng ta đang sống trong cường quốc số một trên thế giới, và em sớm muộn gì cũng sẽ là thành phần của đất nước này. Nó đặc biệt và đáng tự hào lắm đấy!”.

Lời tiên đoán của ông Xuân chỉ đúng có hơn một nửa, chỉ có mẹ tôi trở thành một thành phần toàn vẹn của nước Mỹ, còn cha tôi thì, theo nhận định được cho là đã cân đo chính xác của ông, chỉ trở thành ¼ người Mỹ.

Đây là bài học đầu tiên cho cha mẹ tôi, mở ra cho ông bà khái niệm hùng cường của quê hương mới mà họ đã đánh đổi bằng cuộc cá cược sinh mệnh của mình trong những lần tù tội, những chuyến vượt biên trên biển. Bài học “tô phở tự do” này, với mẹ tôi thì bà đã quên đi rồi, bà có khả năng quên thật nhanh những điều gì bà thấy không cần lưu giữ, nhưng với cha tôi thì được ông tâm đắc lắm. Tôi biết, thỉnh thoảng sau này cha tôi thường mời những người thân quen của ông đi ăn phở khi họ vừa đặt chân lên nước Mỹ. Tôi không biết ông có áp dụng bài học này với họ hay không, nhưng không ít lần tôi được nghe ông kể lại chuyện “tô phở tự do” trong nhiều dịp khác nhau.

“Hồi đó, cái hồi mà tôi mới tới Mỹ, thì tô phở không phải chỉ là tô phở, mà nó là cái chậu nuôi cá, ngoài ra nó còn biểu trưng cho sự hùng cường và tự do. Ừ, hùng cường nằm ở chỗ thừa mứa. Còn tự do ở chỗ ăn không hết là bỏ, hổng có tiếc à nghen…”.

Câu chuyện luôn luôn được cha tôi bắt đầu một cách đơn giản nhưng chân thành như vậy. Mọi giá trị đều quy thành thực phẩm.

***

Cha mẹ tôi được ông Xuân cho trú ngụ tại nhà ông trong thời gian đầu đến Mỹ. Một tuần sau, cha tôi tìm mọi cách để xin việc, rồi được nhận vào làm cho tiệm ăn nhỏ trong vùng, với mức lương tối thiểu và được giữ số tiền tip mà khách tặng. Một gia đình người Mỹ, mà chủ nhà là cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam, mời ông về sống với họ, cho ông ở miễn phí một căn phòng trong nhà, còn mẹ tôi thì vẫn ở tạm chỗ cũ.

Cầm được những đồng tiền đầu tiên do sức lao động của mình trên xứ người (lúc đó, cha mẹ tôi vẫn còn gọi Mỹ là xứ người để phân biệt với Việt Nam- nơi họ vừa liều mạng ra đi- là xứ mình, là quê hương) cha tôi cảm động lắm. Những khoản tiền tip 25 xu, 50 xu sẽ là chìa khoá mở cho ông cánh cửa vào một tương lai mới. Ông làm việc thật chăm chỉ, nhưng vẫn không có kết quả như mong muốn vì ông chưa thể giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Công việc đầu tiên trong ngày là đến cửa tiệm vào năm giờ sáng. Ông thức dậy lúc bốn giờ, làm vệ sinh, mặc áo quần rồi đi bộ đến tiệm, cách nhà chừng hai cây số. Trời mùa Đông xứ Bắc Mỹ lạnh buốt, tuyết rơi mù trời. Có sáng ông đến nhưng chưa có ai mở cửa tiệm để vào. Ngoài trời gió lồng lộng, phất phới tuyết. Lạnh quá, chịu không nổi, ông chui vào cái trạm điện thoại công cộng ngoài bãi đậu xe để trú. Trạm chừng một mét vuông, có vách che kín ba phía, chừa lại một phía. Ông đứng quay mặt vào trong, chống hai tay lên ngăn để điện thoại và cuốn niên giám, chìa lưng ra ngoài, đếm từng giây, mong tay quản lý đến để được vào trong.

Ngày thứ Ba, thứ Năm, được chia phải làm ca tối, ông đi về lủi thủi trên đường vắng, bóng ngã mờ mờ dưới ánh đèn đường, cố gắng giữ ấm, đến nhà đã hơn mười giờ tối, mọi người đã ngủ. Ông lui cui lục tủ lạnh, tìm cho mình bữa ăn vội, có gì ăn nấy.

Đêm đó, bụng đói meo, về phòng thay đồ ra, ông không dám gây tiếng động, không bật đèn sáng. Vào bếp, lấy mấy khoanh bánh mỳ, ông tìm thức ăn nhưng không thấy món gì hấp dẫn ngoài phô-mai và bơ, những thứ ông chưa ăn quen. Ông lục ngăn tủ bên dưới thì thấy một thùng đựng nhiều món đồ hộp. Ông chọn đại một lon, không kịp đọc để hiểu là món gì, khui ra, thấy như thịt nấu với đậu, trút vào tô, rắc thêm tiêu, thơm phức, ngon quá. Ném cái lon rỗng vào thùng rác, mở thêm lon bia, ông ung dung, sung sướng ngồi thưởng thức bữa tối.

Sáng hôm sau, người chủ nhà kéo ông ra hỏi tối qua đã ăn gì. Ông bảo ăn bánh mỳ với thịt hộp. Ông kia đưa cái lon rỗng ra hỏi có phải thức ăn trong lon này không. Ông gật đầu.

“Anh phải xem kỹ trước khi ăn, thứ này không phải là thức ăn dành cho anh!”.

Cha tôi tái mặt vì ngượng, và lo. Ông nghĩ rằng mình đã ăn một món ăn quý, hay đắt tiền, mà lẽ ra không nên dùng.

“Không dành cho tôi? Tôi… không hiểu, thưa ông. Ô, tôi hiểu rồi. Tôi xin lỗi. Tôi đã không biết. Tôi sẽ không làm như vậy nữa. Không bao giờ làm như vậy nữa…”.

Ông chủ nhà nói thật chậm, nhả từng tiếng một, “Thứ- thực- phẩm- này- không- phải- là thức- ăn- của- anh. Nó- không- phả- là- thức- ăn- dành- cho- người- ta. Nó- là- thức- ăn dành- cho- Billy”.

“Billy? Billy là cái gì? Ai là Billy? Tôi xin lỗi, tôi không hiểu. Xin vui lòng chờ tôi một chút nhé. Tôi cần cuốn tự điển”.

Thằng bé con chủ nhà đứng bên, chỉ tay ra góc vườn, ở đó có cái nhà nhỏ như nhà cho trẻ con chơi, trên cửa có sơn chữ Billy màu đỏ sáng. Ông chủ nhà tinh ý, nhã nhặn vỗ vai cha tôi chúc một ngày tốt lành rồi cáo từ, đưa thằng nhóc con đi học.

Cha tôi vào phòng, lục trong va-li ra cuốn tự điển Anh-Việt Việt-Anh mang ra tra nghĩa. Ông cầm cái lon không lên, tra từng chữ, lúc này ông mới để ý trên nhãn lon có vẽ hình đầu một con chó xù. Ông đỏ rần mặt và quỵ xuống khi hiểu ra lon thức ăn ấy quả thật không dành cho mình, nếu mình là một Con Người.

Khi còn ở trong nước, thì một thằng tù không được nhìn nhận là một con người, gã là một con thú bị khước từ và săn đuổi.

Khi ở trại tị nạn, con thú khốn khổ đó đang trong quá trình nhận lại, ý thức lại, cái nhân phẩm mà gã ngỡ rằng đã mất, để trở lại thành một con người.

Còn lúc này, gã đến được quốc gia chấp nhận thân phận tị nạn của gã. Gã đang rị mọ, va vấp, học từng chút một cung cách của đời sống văn minh, và hiểu rằng mình vẫn chưa là một con người hoàn chỉnh trong nhận thức của đồng loại.

Một cảm giác đau buồn, nhục nhã ghê gớm xâm chiếm trọn vẹn tâm hồn ông. Ông không khóc được, chỉ muốn gào thét lên đau đớn.

Làm sao ông tin được rằng con chó trong nhà lại có cái tên Billy hoa mỹ như vậy?

Làm sao ông tin được rằng con chó Billy ấy được thưởng thức thứ thực phẩm ngon tuyệt, thứ của ngon vật lạ đối với ông?

Làm sao ông hiểu được người ta có thể ân cần trọng thị đến khẩu vị của chó Billy một cách tinh tế như vậy?

Bất giác, ông nhận ra thêm một điều rằng, con chó Billy có khả năng giao tiếp giỏi hơn mình, dường như nó hiểu hết những gì chủ nó nói, và ngược lại, chủ nó cũng hiểu nó lắm; còn ông, lúc này đây ông hoàn toàn chưa có khả năng đó, và cũng có thể chẳng bao giờ ông thủ đắc được cái khả năng giao tiếp đó. Ông cay đắng, chẳng lẽ là mình sẽ là một thằng người chậm lụt và trì độn mãi mãi sao?

Ở chỗ làm, ông không hiểu sao bọn đồng nghiệp lại cười phá lên khi nói đùa gì đó với nhau, ông ngờ rằng chúng ám chỉ điều gì về ông. Ông không hiểu, thậm chí ngay cả khi chúng nói với ông. Và ngược lại, chúng cũng không hiểu những gì ông muốn nói. Ngôn ngữ của ông không phải là thứ tiếng Anh cần thiết trong giao tiếp, nó bất lực hơn tiếng chó sủa. Nó bất lực hơn tiếng sủa của con Billy. Bất lực và tuyệt vọng!

Cha tôi cầm cái lon vào nhà vệ sinh, ông rửa sạch thức ăn còn bám trên lon, gói nó lại bằng miếng giấy báo, rồi cất vào va-li. Tuần sau, tìm được phòng cho thuê có chủ là người Hoa, ông cám ơn gia đình chủ nhà và dọn ra.

Cái lon vẫn theo ông suốt bao nhiêu năm, như một vật kỷ niệm. Nó chưa rỉ sét và ông không dùng nó để chứa đựng thứ gì; nhưng thật ra, nó chứa một thứ vô hình mà có trọng lượng thật nặng nề, một thứ trừu tượng, một cảm xúc xám xịt: nó chứa một vết thương.

Một vết thương chẳng bao giờ lành, chẳng bao giờ lên da non, chẳng bao giờ thành sẹo.

Những lúc tâm hồn ông trở trời- ông gọi đó là những lúc “tâm hồn cục cựa”- nỗi bi phẫn trong con người mẫn cảm của ông dấy lên, thì vết thương ấy lên cơn sưng tấy, đau ngứa, xốn xang, một cách rất cụ thể, mà ông không thể xoa chạm vào, hay quơ tay gãi.

Lúc đó, ông chỉ nốc rượu cho say mèm, rồi nằm rũ rượi.

_________________________

[1] Trích facebook của blogger Quang Văn Vương.

[2] dry-clean: giặt bằng cách hấp tẩy.


*TAY CHƠI EVA’S

Chuyện này ở thiên niên kỷ trước.

Vào năm mười bảy tuổi, so với bọn cùng lứa tuổi thì tôi vẫn là một đứa nhỏ con, vóc dáng hơi nhỉnh hơn bọn trẻ gốc Việt, nhưng so với bọn da trắng, da đen, thì tôi vẫn nhỏ hơn chúng.

Tôi có khá nhiều bạn. Tôi dễ dàng kết bạn với bọn cùng lứa. Tôi không có thành kiến. Tôi nghĩ rằng mình sẽ kết bạn với mọi người, bất kể chủng tộc, màu da, trình độ, giàu nghèo, giới tính, tín ngưỡng… Tuy vậy, sau cùng, những đứa chơi thân với tôi lại là bọn nhóc tì gốc Việt, nới ra một chút là bọn tóc đen cùng gốc Á như Hàn và Hoa. Những đặc điểm giống nhau về chủng tộc kéo chúng tôi lại với nhau. Bốn đứa thân nhất với tôi có hai đứa gốc Việt, một đứa gốc Hoa, một đứa gốc Hàn. Long và Hải theo gia đình qua Mỹ theo diện HO, cha là quân nhân của miền Nam. Chúng mới đến đất nước này chỉ được vài năm nên chưa quen thuộc với đời sống Mỹ lắm, tiếng Anh cũng chưa giỏi. Thằng gốc Hoa, từng ở Chợ Lớn, tên Morris, là thằng lớn nhất trong bọn, nó mười chín tuổi, một thằng chuyên bày trò quậy. Thằng gốc Hàn còn lại, tên Lee, õng ẹo như con gái, là gốc di dân đời thứ hai trên đất Mỹ, như tôi. Chúng tôi không phải băng đảng, chỉ là mấy thằng nhóc tập tành làm dân chơi. Trừ Lee ra, bốn thằng đứa chúng tôi đều có thể nói tiếng Việt với nhau, chúng tôi dùng tiếng Việt trộn với tiếng Anh. Tôi thấy Long và Hải linh hoạt hơn trong những khi trò chuyện về những đề tài có liên quan đến Việt Nam, tôi học được nhiều điều từ chúng.

Bố mẹ Morris vượt biên sau chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nó nói cha nó cho rằng gia đình nó là “nạn kiều” nên khác với dân vượt biên khác, nhưng nó không thể giải thích khác như thế nào. Nó có một khẩu súng lục mua được ở đâu đó, thỉnh thoảng mang đi chơi hù bọn nhóc, và chiếc xe Nissan đời cũ nhưng khá tốt. Cha nó có tiệm tạp hoá và trạm xăng, nó làm bán thời gian ở đó. Với những ưu thế như vóc dáng to hơn, rủng rẻng xu hào hơn, chịu chơi hơn, có xe chở cả bọn đi chơi, nó nghiễm nhiên được cả bọn cho làm xếp sòng. Thỉnh thoảng, nó chở cả đám vào rừng cho bắn súng. Nó còn lên mặt dạy dỗ chúng tôi những kinh nghiệm chơi bời gái gú, nhưng tôi không tin những gì nó ba hoa lắm.

“Ê, tao vừa quất em Joyce, tao đưa nó về nhà, gọi pizza, uống bia, rồi vui vẻ với nhau cho tới khuya”. Nó phà khói thuốc vào mặt bọn tôi.

“Ừm, mày có xài condom không?”. Hải hỏi.

“Tất nhiên là có rồi. Tao đâu đã sẵn sàng làm bố. Và tụi mày không hiểu rằng tao là người văn minh à?”.

“Tao không tin”. Lee nói.

“Vì sao mày không tin? Mày nói vậy là sỉ nhục tao đấy”.

“Vì con Joyce bồ với thằng Frank. Mày nói tới tai thằng đó là rắc rối to. Nó gấu lắm”.

Quả thật con Joyce và thằng Frank là bồ của nhau.

“Thôi đi, đừng hù tao. Tao đá đít bất cứ thằng nào, và quất bất cứ con nào, nếu tao muốn”.

Chúng tôi đang tán dóc ở bãi đậu xe ngoài siêu thị Safeway.

Như mọi buổi chiều mùa hè, chúng tôi chưa nghĩ ra trò gì cho buổi tối. Tối thứ Sáu, bãi đậu xe của tiệm gái múa cột nằm xéo phía đối diện đang đông dần. Phải bốn năm nữa tôi mới đủ tuổi để bước vào đó. Tấm bảng quảng cáo bằng đèn màu bên ngoài tiệm vừa bật sáng, trưng hình hai em uốn éo múa theo nhịp nhạc. Dưới tấm bảng đó có một bảng nhỏ hơn, ghi dòng chữ: “Ở đây, bạn có thể vui vẻ với 99 em tuyệt đẹp, và 1 em vừa xấu vừa già khú đế!”. Bọn này thiệt biết cà rỡn.

Các ông chú của tôi thỉnh thoảng vào đó vui chơi với đám bạn của họ. Cha nội nào đi xong về cũng “nổ văng miểng” như mình là dân chơi sành điệu, nhưng tôi biết tỏng là không phải như vậy. Mấy cha nội bảo rằng mấy vụ chơi bời này ở Mỹ tuy chuyên nghiệp hơn nhiều nhưng không “đã” bằng ở Sài Gòn. Chơi ở Sài Gòn mới tới bến, mới “mát trời ông địa”, các ông ấy nói vậy. Tôi rành mấy cha nội này quá. Vào đó, mỗi mạng kêu một chai bia rồi ngồi yên ngóc cổ xem mấy em múa, đầu lắc lư theo nhạc, lâu lâu nhét vào quần xịp em vài tờ bạc lẻ là đủ thấy mình bảnh lắm, thấy mình hết là dân chơi cò ba cẳng còn dính phèn ở xứ nhà quê, mà đã là lên hạng đẳng cấp dân chơi quốc tế. Chú Hùng bảo: “Mấy chả làm như là dân cậu. Nhưng lỡ có em nào nhảy vào lòng mời chơi một màn table dance [1] thì xanh xám mặt mày, thiệt là oải!”.

Tôi biết không phải vì nhát gái hay cả quỷnh mà họ yếu cơ như vậy, nhưng có lẽ vì cái mặc cảm về ngôn ngữ và thể hình thấp bé của dân Á Đông làm cho họ giảm đi ít nhiều sự tự tin. Họ không vượt qua được nỗi mặc cảm của một gã nhập cư đến đây từ một nước nhược tiểu. Thế hệ của tôi thì khác. Đầu đen, da màu, nhỏ con thì đã sao? Những điều đó chỉ là sự khác biệt chứ không phải sự thua kém.

Có bữa, một ông tưởng bở như mình còn ở Sài Gòn, ngỡ mình là khách hàng, mà khách hàng là Thượng Đế. Khi con nhỏ thơm phức đến mời chả chơi một bài, rồi nhảy vào lòng chả, uốn éo vuốt ve, thì cha nội sờ mó hơi quá tay, nó xáng cho chả một bạt tai rồi kêu bọn bảo vệ nắm cổ tống ra ngoài. Tất nhiên, nó tịch thu chiến lợi phẩm, nhét luôn tờ hai mươi đô-la vào quần xịp, chứ không trả lại. Cả bọn trở tay không kịp, đành chịu nhục, lủi thủi ra về. Về thôi, chứ không lẽ vác súng vào chơi lại, mà có chơi ngầu thì cũng không chơi lại chúng- bọn mặc rô chuyên nghiệp.

Bọn nhóc tì chúng tôi chỉ có thể ngồi đây mà ngóng qua, trầm trồ khi thấy các em múp rụp đi làm. Morris nói nó thấy có mấy em là dân Á Đông, nhưng không biết là gốc gì. Gì thì gì, chúng tôi vẫn khoái em út cùng chủng tộc hơn. Thử nghĩ mà xem, nhỏ con như thằng Hải thì làm sao trông ngon lành bên một em da đen hay da trắng cao hơn nó cả cái đầu? Tuy vậy, tôi vẫn xạo với mọi người rằng mình sẽ nếm các em thuộc đủ các chủng tộc trước khi quyết định lấy vợ.

Chiếc xe cảnh sát tuần tra vù tới lúc nào cả bọn không kịp nhận ra. Một tay cảnh sát bước tới.

“Ê, mấy cậu nhóc! Giờ này chưa về à? Có tiệc tùng gì không? Xe của ai đây?”.

“Chào xếp, xe của tôi. Không có tiệc tùng gì cả. Chỉ ngồi hóng mát chút thôi rồi về ngay mà”. Morris đáp.

“Tốt lắm. Đừng quậy nhé. Có rượu bia gì trong xe không?”.

“Không, làm gì có. Chúng tôi chưa đủ tuổi để mua”.

“Ok, ngoan nhé. Chúc vui”.

“Ok, chúc xếp một đêm bình an, không phải rút súng ra với ai”.

Tay cảnh sát ngó Morris ra cái điều tao biết mày nói xỏ, nhưng rồi lên xe vù đi.

Bọn tôi nể Morris qua những màn như thế này lắm. Tôi biết nó có mang theo khẩu súng và giấu đâu đó trong xe. Tay cảnh sát mà nổi chứng đòi xét xe thì nó kẹt to.

“Vù thôi. Đứng đây hết trò gì vui rồi. Chúng quay lại thì phiền”. Lee nói.

“Vù đi đâu?”. Long hỏi.

“Về nhà tao bơi nhé?”. Morris đề nghị.

“Không, hồ nhà mày bẩn lắm. Xác lá đầy. Tao cá là mày chưa vớt lá và cho chlorine vào”. Tôi nói.

“Hay đi phòng tập thể dục?”. Long rụt rè.

“Không, tao nghĩ ra trò này rồi, vui lắm”. Morris nói.

“Trò gì?”.

“Đi xem phim”.

“Có phim gì đáng xem đâu? Mà giờ này phải mua giá vé buổi tối, đắt lắm, phí tiền”.

“Ghé Blockbuster [2] thuê phim về xem à? Chán chết”.

“Vậy tan hàng nhé?”.

Cả bọn đều tỏ vẻ tiếc vì chẳng đứa nào có trò gì vui ở nhà.

“Tao nói rồi, đi xem phim!”. Morris lặp lại.

“Phim gì?”. Long hỏi.

“Phim ở Eva’s”.

Lee, “Eva’s là ở đâu?”.

“Bọn mày con nít quá nên không biết Eva’s là phải! Mỗi thằng đưa 10 tì đây, rồi theo tao! Tao sẽ dạy vỡ lòng cho bọn mày về chim cò các cái”.

Tôi nhớ ra rồi. Eva’s là một cái rạp tồi tàn chuyên chiếu phim XXX gần khu Chinatown, có đôi lần tôi chạy ngang đó. Nhưng những thứ rạp như vậy thì bọn nhóc như bọn tôi không được vào, vì nó cũng cấm trẻ dưới hai mươi mốt tuổi như cấm vào tiệm rượu vậy, đó là những món dành cho bọn người lớn.

“Làm sao vào được?”. Tôi hỏi.

“Chuyện đó của tao. Chìa tiền ra đi”. Morris đáp.

Hải nói: “Thôi, tao bỏ cuộc. Tao về đây”. Nói xong, nó dợm bước đi.

Tôi biết nó không có tiền hoặc có mà tiếc tiền. Mười tì với một thằng nhóc như nó là khá to. Cha mẹ nó làm hết hơi trong xưởng lắp ráp điện tử với mức lương chỉ chừng bảy tì một giờ là cùng.

Morris nói “Khoan đi, tao bao mày”.

“Cám ơn. Mày không phải làm vậy đâu”. Hải nói.

“Nhảm. Tao bao mày”. Morris khẳng định. Hải đứng tần ngần.

Trừ Hải, tất cả chúng tôi móc túi lấy tiền trao cho Morris. Trước khi ra xa lộ, nó tấp xe vào tiệm KFC, mua một hộp gà hot wings [3] và mỗi đứa một ly nước ngọt to tổ bố. Chúng tôi đớp luôn trên xe.

“Ê, ăn uống cẩn thận, đừng làm bẩn xe, tao mới dọn đấy!”.

Morris là thằng bảnh. Nó luôn chơi đẹp với anh em.

***

Trời lắc rắc mưa. Morris đậu xe ở một góc đường vắng, cách rạp một dãy phố, rồi chúng tôi tà tà đi tới. Tấm bảng nhỏ được treo ngang tầm mắt, vẽ một trái táo đỏ dưới chữ EVA’S bằng đèn bóng chớp tắt. Dãy phố này có vài tiệm bán đồ chơi tình dục nằm cạnh nhau.

Eva’s là dạng rạp chiếu liên tục chứ không theo xuất, hết phim này là đến phim khác, chỉ phải mua vé một lần là có thể ngồi cho tới khi bảo vệ vào đuổi. Cũng đúng thôi, phim sex thì đâu cần xem từ đầu, nhảy vào bất cứ đoạn nào cũng vậy.

Vắng hoe. Đèn vàng mờ, những tấm bích chương quảng cáo phim đính quanh tường. Một tay mặt mái, mang kính cận, ngồi sau quầy vé trong buồng kính, gã đang chúi đầu đọc thứ gì đấy đặt trên quầy.

Morris ra hiệu cho chúng tôi dừng lại bên ngoài hành lang rồi một mình nó tiến tới. Tôi tò mò bước theo nó.

“Chào, cho tôi năm vé”.

“Chắc tớ không bán vé cho mấy cậu được quá. Không lẽ tớ phải kiểm tra ID [4] từng đứa, mà chắc chắn bọn cậu không đủ tuổi rồi”.

“Cho tôi năm vé”. Morris lặp lại, chuồi hai tờ hai mươi đô vào. “Anh giữ lấy tiền thừa”. Trên tấm bảng ghi giá chỉ sáu đô một vé.

“Ồ, anh bạn trẻ khá lắm. Có lẽ tớ đổi ý. Ok, vé đây. Vào lối kia”. Gã chỉ tay vào cái ngách cuối hành lang. Gã nói thêm, giọng ân cần dặn dò, “Tự chọn chỗ ngồi. Đừng vào phòng vệ sinh một mình, tớ dặn rồi đấy. Nếu có gì bất thường thì mấy cậu la lớn lên nhé. Sẽ có người vào giải quyết”.

“Cám ơn”.

“À, này. Cầm theo mấy cái bọc nôn, nhỡ có khi các cậu cần”. Gã chuồi ra mấy cái bọc nylon.

“Cám ơn”.

“Tớ thích cậu rồi đó. Tớ là Wagner”.

“Cám ơn”.

“Bảo trọng”.

“Cám ơn”.

“Cậu không thể nói gì khác hơn “cám ơn” à?”.

“Cám ơn và Fuck you!”.

“Ê, nhóc. Tao không gây gổ nhé”.

Morris mặt lạnh, tỉnh rụi nhặt mớ vé cho vào túi áo khoác, vẫy tay với bọn tôi, ra dấu đi vào.

Thảm đỏ, cũ và bẩn. Tường gỗ dán đầy vết ố. Không có ai soát vé. Không có quầy bán bắp rang. Không có quầy bán cà-phê, nước ngọt, kẹo mút. Không có kệ để những tấm quảng cáo nội dung phim đang chiếu hay phim mới. Trên tường trước cửa vào có treo cái hộp bán condom tự động bằng tiền xu nhét qua khe. Mấy thằng tôi dừng lại xem. Bao có nhiều loại hiệu, đủ loại chức năng, có gai và không có gai, có dầu bôi trơn, đủ màu và đủ mùi: cam, chanh, dâu, bạc hà, oải hương… Nói chung là phong phú hơn hàng bày ở các tiệm tạp hoá hay trong rổ cho không đặt ở cửa của các phòng An sinh & Xã hội mà bọn tôi thường thấy.

Gớm nhất là cái mùi. Không biết nên gọi nó là mùi gì cho đúng. Thoang thoảng trong không khí, tanh tanh, lợm giọng. Tôi cá là cái mùi khốn kiếp này sẽ bám lên áo quần và da mình cả tuần.

Morris đẩy cửa, vén tấm màn nhung đỏ, bước vào trước, tôi bước ngay sau lưng nó, rồi ba thằng kia cũng vào theo. Phải mất một lúc để làm quen với ánh sáng mờ mờ trên màn ảnh và âm thanh nổi đang dội ầm ầm.

Tôi nhìn quanh. Chừng hai mươi người xem ngồi rải rác khắp phòng, hầu hết ngồi một mình. Tôi nghĩ nhiều phần chắc họ là khách quen. Có nhiều người ngủ gà gật, mặc kệ ánh sáng và âm thanh điên rồ quanh mình. Có vài cặp ngồi với nhau, nhưng tôi không nhận ra họ là cặp nam nữ, hay chỉ hai thằng đực rựa. Morris lôi cả bọn đến một dãy ghế hàng giữa. Tới lúc này tôi mới nhìn lên màn ảnh.

Tôi chưa trải nghiệm tình dục thật, nhưng đã từng xem phim sex nhiều lần. Chuyện sex với tôi không lạ. Nhưng lúc này nhìn lên màn ảnh rộng, tôi choáng. Hiệu ứng của nó hoàn toàn khác với xem trên ti-vi hay loại phim chiếu lên tường bằng máy chiếu cỡ nhỏ. Không cần đến phim 3D cũng đủ làm tôi muốn phát khùng.

Hai bộ phận sinh dục khổng lồ, được quay cận cảnh, đầy tràn cả màn ảnh, chi li đến từng chi tiết nhỏ. Những sợi lông đen, lông nâu, quấn vào nhau, rối tung, ướt nhẹp như những sợi thừng. Hai vật thể đỏ au, cọ xát, mơn trớn, va đập vào nhau liên hồi trong tiếng rên siết cực khoái được khuếch đại thành những tiếng thét sấm động đến buốt óc. Không phải hai con người đang làm tình, mà đó là hai vị thần khổng lồ của thời hoang sơ mông muội đang xoay trở làm tình dưới làn nước phun xối xả trong bồn tắm.

Tôi nghe tiếng nôn ọe, nhìn sang ghế bên, thấy Hải đang gục mặt vào cái túi nôn. Nó đang trút tất cả gà chiên và nước ngọt trong bao tử ra cái túi, dậy mùi thối hoăng.

Chỉ xem mười phút là quá đủ, thần kinh tôi chỉ chịu được đến thế. Tôi không thể xem tiếp. Bụng dợn lên cơn buồn nôn, tôi cố kềm lại, nhưng luôn thủ sẵn cái túi để phòng ngừa. Có lẽ mấy thằng kia cũng vậy.

Tôi nhắm mắt lại. Tuy vậy, những hình ảnh vẫn hiện ra trong đầu rõ mồn một vì hiệu ứng của âm thanh kích động trí tưởng tượng.

Soooaaap… soooaaaaap… soooaaaaap…

Tuy nhắm mắt, tôi vẫn hình dung thấy cái dương vật đen, săn chắc, hung hãn lao vào cái lỗ trống hun hút dưới những múi thịt đỏ hoét. Không phải là miệng âm hộ, mà nó trông giống như một đoá hoa ăn thịt dị thường trong các phim khoa học viễn tưởng.

Một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi. Với hiệu ứng hình ảnh và âm thanh này thì khán giả hoàn toàn bị triệt tiêu hết mọi ham muốn, hoàn toàn không thể nào hứng tình nổi. Tôi còn e rằng nếu mang những tên tôi phạm hiếp dâm vào đây xem mỗi ngày, trong suốt một tháng, thì chẳng mấy chốc có thể thả chúng ra ngoài xã hội mà không phải lo lắng gì. Chúng sẽ liệt dương hết.

Ánh lửa loé lên ở phía cánh gà bên phải, cách chúng tôi hai hàng ghế. Mẹ kiếp, chúng hút thuốc lá trong rạp. Không phải thuốc lá. Tôi ngửi thấy mùi khét nồng của cần sa. Tôi có thử đôi lần. Không khoái lắm, thậm chí còn bị nôn thốc tháo và mệt ngầy ngật vì say thuốc chứ không thấy phê lâng lâng như chúng tả.

“Ê, dụi ngay. Không được hút trong này”. Một tay bảo vệ từ đâu hiện ra.

“Ok, ok. Chỉ làm một hơi thôi mà”.

“Đụ má, dụi! Không tao tống cổ ra ngoài ngay!”.

“Vâng, thưa ngài”.

Tay bảo vệ bỏ đi.

Hải nói: “Tao muốn vào toilet để vất cái túi nôn. Mày đi với tao nhé?”.

“Để đó đi, lát nữa ra thì cầm theo vất thùng rác bên ngoài cũng được”. Long nói.

Cửa rạp hé mở. Tôi thấy mọi cái đầu quay lại nhìn. Dường như mọi người đều quay đầu nhìn khi có ai bước vào. Quay nhìn như ai cũng đang chờ một điều gì khác thường sẽ xảy ra.

Hai dáng người nắm tay nhau, lần mò đi vào tìm ghế. Gã trai cao lớn, quần jeans áo da, găng tay da, đầu đội cái mũ cao bồi rộng vành. Em đi với gã cũng mặc đồ jeans nguyên bộ, cũng mũ cao bồi, giày ủng cao. Chúng có vẻ không phải dân thành phố. Có vẻ là dân redneck [5].

Gã lôi đứa con gái đến hàng ghế trước mặt chúng tôi hai dãy, ấn cô ngồi xuống. Chúng có vẻ đang xỉn. Tôi không nhắm mắt nữa nhưng không xem phim. Tôi nhìn chúng. Gã trai bỏ cái mũ ra. Con nhỏ làm theo. Gã quàng tay qua vai nó, hai cái đầu kề sát lại nhau.

Morris khều chúng tôi. “Ê, chúng mày. Đừng xem phim nữa. Xem chúng kìa”.

“Oh yeah, monkey see monkey do”. [6] Lee nói.

Thật ra chúng tôi không thấy gì cả ngoài hai cái đầu nhô lên sau lưng ghế, nhưng chừng đó cũng đủ rồi, hãy dành phần còn lại cho trí tưởng tượng. Thử nghĩ xem, đưa một em vào rạp Eva’s giờ này, thì còn việc gì khác để làm chứ? Tôi tự hỏi tại sao chúng không đưa nhau vào khách sạn hay một chỗ nào khác tiện nghi hơn nhỉ? Thậm chí, ở băng sau xe, ở một công viên, bãi đậu xe, bãi biển, hay ngay cả cái lề đường mà Morris đậu, cũng tốt hơn là đưa nhau vào đây. Chắc hai đứa này khùng rồi. Chúng nói to với nhau, như gào lên để không bị âm thanh của phim át tiếng, đủ to để chúng tôi nghe, tiếng được tiếng mất.

Con nhỏ im, không nói gì nữa, cũng không nhìn lên màn ảnh, có vẻ như nó chúi đầu vào ngực thằng kia. Có vẻ như chúng đang sờ mó âu yếm nhau nhiệt tình.

Long thì thầm, “Xem kìa!”. Nó chỉ về phía trái. Tôi nhìn theo tay nó, mấy bóng người đang lui cui di chuyển về phía hai nhân vật của chúng tôi. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy… Bảy đứa cả thảy.

Bảy bóng người từ từ tiến đến, đến thật sát, rồi chọn chỗ ngồi quanh hai đứa kia. Chỉ cách chừng vài ghế trống. Chúng lặng lẽ đến ngồi quanh như những khán giả lịch lãm ngồi xem một màn xiếc; không, một màn ca nhạc kịch mùi mẫn.

Hai đứa kia ngưng cãi nhau. Tôi không chú tâm lắng nghe được nữa. Tôi tưởng tượng những chiếc áo jeans, quần jeans, từ từ được cởi ra, hai thân thể đang quấn vào nhau, sau cái nền của một cuộc làm tình khác đang diễn ra trên màn ảnh. Những bộ phận sinh dục. Khổng lồ và nhỏ bé. Nhoà hiện. Ảo thực. Tay. Lưỡi. Vú. Bàn chân. Đầu buồi. Lông. Nước dãi. Mông. Xương sườn. Ngón chân. Răng. Lóng tay. Tinh khí…

Những bóng ma, tiến sát chúng hơn, châu đầu lại.

Soooaaap… soooaaaaap… soooaaaaap…

Morris đứng dậy để nhìn cho rõ. Hải đứng dậy. Long đứng dậy.

“Chúng mày ngó cái chó gì vậy?”. Gã đàn ông thét lên.

Ánh đèn pin lia quét từ phía sau. Đèn bật sáng. Hết trò vui, chúng tôi ra khỏi rạp.

***

Viên đạn mở toang ổ bụng Hải, máu trào bọt. Chân tay nó run lật bật. Tôi xốc người nó lên, để lưng nó nằm vắt ngang qua đùi mình nhưng nó lại duỗi oặt ra.

“Tao… có… chết… không… Quân?”.

“Không, mày không chết đâu…”.

“Tao… chết… chưa… Quân?”.

“Không, mày không chết đâu. Thằng Long nhờ người ta gọi 911 rồi… Vài phút nữa thôi xe tới…”.

“Đừng… mang…tao…vô…nhà…thương… Đưa…tao… về…với… má…”.

“Ừ… không đi nhà thương…”. Tôi trấn an. Nước mắt tôi trào ra nhòe nhoẹt.

Lee cũng trúng đạn ở bắp chân. Nó bước tới khập khểnh. Morris chạy ngược trở lại, tay nó vung vẩy khẩu súng, “Đụ má, đụ má tụi nó bắn lén rồi chạy. Đụ má, tao sẽ giết hết tụi nó…”.

Tôi không kịp nhận ra tụi nó là ai. Làm sao nó biết tụi nó là ai. Chiếc xe tụi nó trờ tới quá nhanh, hai thằng vừa nhảy xuống là nổ súng một lúc năm sáu phát, chúng tôi trở tay không kịp. Bắn xong, chúng lên xe vù mất. Tôi chạy được ba bước thì té sóng soài rồi lăn xuống bờ cỏ bên vệ đường. Nhìn lên, tôi kịp thấy Hải chạy lúp xúp rồi ngã. Nó trúng đạn. Morris chạy tới xe lấy được súng thì không còn kịp. Tôi nằm im một lát cho tới khi tin rằng an toàn thì leo ngược lên vệ đường với Hải.

Long lắp bắp, “Sao tụi nó bắn mình? Mình có làm gì nó đâu?”.

“Làm sao bây giờ? Dọt thôi chứ tụi nó quay lại là chết mẹ”. Tôi hỏi.

“Để tao de xe lại rồi chở nó đi bệnh viện”. Morris nói rồi tất tả chạy đi.

Hải nấc nấc mấy tiếng, trên tay tôi. “Hải ơi, tao phải nói sao với ba má mày đây!”.

Ánh đèn màu uốn hình cô gái khỏa thân trên bảng quảng cáo của Eva’s ở cuối dốc đường nhòa đi trong mắt tôi. Nó là hình ảnh cuối cùng của những ngày tập tành làm dân chơi. Sáng hôm sau tôi dọn về sống với mẹ ở tiểu bang khác.

_________________________

[1] table dance: tiết mục múa tại bàn. Vũ nữ phục vụ cho riêng một khách, múa trọn một bài hát dài chừng 5 phút. Khách trả tiền riêng ngay lúc đó.

[2] Blockbuster: tên của một công ty lớn có nhiều cửa tiệm ở các địa phương, chuyên cho thuê phim.

[3] hot wings: món cánh, đùi gà chiên, tẩm gia vị cay.

[4] ID (identification card): Thẻ căn cước để xác nhận nhân thân. Ở Mỹ, người ta thường dùng bằng lái xe.

[5]redneck: hàm ý là người Mỹ da trắng nhà quê.

[6] “Oh yeah, monkey see monkey do”: Khỉ ngó sao làm vậy.

(Còn tiếp)

Comments are closed.