Tản văn Vũ Hà Văn

Văn Việt: Nhà Toán học có hạng quốc tế Vũ Hà Văn viết tản văn thật dí dỏm, thật duyên. Cái “duyên” này chắc cũng từ một cái “duyên” khác: ông là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương. Chắc là nhà thơ thầm mong nghiệp Văn của mình đuợc nối dõi nên mới đặt tên con như thế. Ôi thôi… “Người đề nhưng trời đặt” ((L’homme propose, Dieu dispose). Tuy nhiên, Trời cũng vẫn nể cái tên! Xin giới thiệu cùng bạn đọc mấy đoạn văn ngắn trong blog của nhà toán học (vuhavan.wordpress.com) (Văn Việt có mạn phép sửa chính tả đôi chỗ). Vũ Hà Văn hiện là Giáo sư trường Đại học Yale Hoa Kỳ.

 

Thầy về!!

Tháng trước, một ông bạn vong niên của mình là bác Szemeredi cùng phu nhân sang thăm Việt Nam. Cụ Szem bằng tuổi cụ ông nhà mình, trên 70, nhanh nhẹn thanh niên, hiện đang luyện tập bóng bàn để sang Việt Nam lần nữa thi đấu ở Viện Toán.

Cụ ông và mình tổ chức cho vợ chồng cụ Szem đi thăm Hà Nội. Hai cụ đã gặp nhau bên Mỹ, xem ra tâm đầu ý hợp, mặc dầu phải cần thông ngôn.

Hà Nội, ắt phải lên Hồ Tây. Chỗ rất nên vào ở Hồ Tây là chùa Trấn Quốc, mặc dầu trùng tu, vẫn còn nét xinh xắn. Ngày xưa, đường từ chùa vào bờ rất mảnh, cảm giác rõ ràng là một hòn đảo. Hiện thì đường bê tông xây lại, nên như dính vào bờ mất.

Trong sân chùa phong cảnh u nhã, có một cây bồ đề to, trồng từ một nhánh của cây bồ đề của Phật tổ, quà tặng của ông Tổng thống Ấn Độ. Ngoài ra còn nhiều bảo tháp, là mộ của các nhà sư trụ trì, có cái đã cả vài trăm năm. Nghe đâu cái to cao nhất, cao vót lên, là của một vị vừa mới chết.

Ba cụ vừa dạo vừa nói chuyện gật gù, bỗng nghe chung quanh xáo xác. Một bà vãi hiện ra với vẻ mặt khẩn trương, đẩy đẩy tay như có ý nói “các bác phải ra thôi”. Những người khác cũng lục tục đi ra phía cửa thật. Thoáng băn khoăn, mình hỏi bà “chùa đóng cửa hả bác”, bà chỉ nói tắt “Thầy về !”, rồi giục cả đoàn đi nhanh ra cổng.

Thầy về thật. Một chiếc xe đen lên hè từ từ đi vào cổng chùa. Cụ Phương và cụ Szem cung kính rẽ sang hai bên. Trên xe thấp thoáng một đại sư áo vàng, tuổi xem ra chưa quá cao, có lẽ ngoại 50. Vẻ mặt thầy rất thanh tú tự nhiên, nụ cười thấp thoáng, ẩn hiện, như có như không.

Xe Mercedes mới coong dòng chữ S lướt cũng nhẹ như sóng Hồ Tây, thật là khác tục.

 

Nhân vật lịch sử: Vua Trần Anh Tông

Xuân đến rồi, ôi cần một cụ tươi mưởi.

Nói dễ, nhưng tìm trong sử cũ ra một cụ hoàng đế tươi mưởi hơi bị khó. Viết về các vị vua, sử gia phải lễ phép, đại loại “Vua điềm đạm, kính cẩn, đối xử với các đại thần rất có phép tắc, với thái hậu rất mực cung kính, v.v.”. Đọc xong cả bài dài, nhìn kỹ lại ngày tháng, té ra là cụ vua ”điềm đạm, kính cẩn” lúc đó khoảng ba tuổi rưỡi.

Vua Trần Anh Tông là một trong số ít nhân vật mà cái sức sống mãnh liệt cùng sự vui vẻ, nhẹ nhàng của ngài còn ánh qua được những trang chính sử thường trang trọng và nặng nề.

Nhà Trần khởi nghiệp từ vùng sông nước, hiếu võ và thiện chiến. Các hoàng thân đều theo tục xăm mình, xăm rồng trên hai đùi (theo truyền thuyết, rồng kỵ với thuồng luồng, mối đe doạ của những người làm nghề sông biển). Binh sĩ và dân thường cũng theo đó mà làm theo, nên tục xăm mình rất được chuộng vào triều Trần.

Xăm thì trông đẹp và oai phong thật. (Cái này làm mình nhớ lại các anh “gấu/quân khu” hồi còn đi học phổ thông; nhiều anh không biết đã có mảnh tình vắt vai chưa, nhưng mà trên tay toàn những trái tim rỉ máu mới lị tim bị tên bắn chi chít như phim Xích Bích, trông rất ấn tượng).

Vua Anh Tông không thích xăm, có lẽ vì một lý do rất thường tình, là nó đau. Một hôm nhà vua đến thăm thượng hoàng Nhân Tông, bố đã bảo thợ đứng ngoài cổng cung, đợi xăm cho nhà vua. Biết thế, nhân lúc bố tiếp chuyện các quan, vua Anh Tông len lén trốn ra ngoài mất. Thượng hoàng ngoảnh lại, thì ông vua con đã mất tăm, không biết làm thế nào, đành phải đè hoàng tử thứ là Quốc Chẩn ra xăm vậy. Từ đó tục xăm mình cũng bớt dần.

Trong việc trị nước, nhà vua là người biết nghe theo lời khuyên. Đầu triều Anh Tông, ra triều rất nhiều. Thượng hoàng Nhân Tông trông thấy sổ họp faculty meeting kín đặc sốt ruột nói: “Cái nước bé tí, họp gì mà lắm thế”. Từ đó nhiều việc rườm rà được giảm bớt đi. Cũng nghe lời bố trách, mà bỏ được tật uống rượu.

Nhà vua là người thích ra ngoài cung chơi. Nửa đêm cùng với thị vệ ra phố tới sáng, gặp đám côn đồ đánh nhau bị củ đậu bay cả vào đầu, thị vệ phải quát lên là vua, bọn đầu gấu mới chạy mất. Cái tục vi hành như nghìn lẻ một đêm này, hoàng đế Việt Nam ít người có. Giá như có ai đi theo ghi lại các cuộc vi hành này, chắc có khối cái hay.

Vua Anh Tông dùng người rất cẩn thận. Nể bố như vậy, nhưng khi thượng hoàng Nhân Tông muốn nhà vua dùng người hầu cận của mình là Nguyễn Quốc Phụ vào chức to, Anh Tông từ chối, vì Quốc Phụ không có tài. Những người hầu cận nhà vua từ thuở còn là hoàng tử như Nguyễn Sĩ Cố và Chu Bộ, đến cuối đời cũng chỉ được làm những chức quan không quan trọng, cho có lương bổng, chứ không bao giờ có thực quyền. Cả hai người này theo nhà vua suốt đời hết sức tận tình, đều tòng chinh mà chết trong cuộc tấn công Chiêm Thành. Trong khi đó rất nhiều người trẻ như Đoàn Nhữ Hài được cất nhắc rất sớm. Trước thời Anh Tông, các chức quan trọng trong triều phần lớn do người họ Trần đảm nhiêm. Thời Anh Tông cất nhắc rất nhiều triều thần trụ cột là người ngoài họ, vì tài mà dùng, từ Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đến Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Nhữ Hài, Nguyễn Trung Ngạn, v.v.

Vua Anh Tông cũng là người phá tục chỉ lấy người trong họ của nhà Trần. Cái này phải nói rất chi sáng suốt, vì lấy mãi người trong họ, xác suất cá sấu rất cao. Ngoài hoàng hậu chính là con gái của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, cháu nội của Hưng Đạo Vương, chắc là do cơ cấu, các bà khác đều là người khác họ. Con trai nối dõi của nhà vua là con của bà hai, là con gái của Trần Bình Trọng (Bình Trọng gốc họ Lê). Bà ba là con gái của Phạm Ngũ Lão. Đặc biệt là nhà vua có một bà Tây hẳn hoi, là Đa La Thanh, con của một ông sư người nước ngoài. Cụ sư này sách chép tên là Du Chi Bà Lam, nội ngoại công phu cực cao, có thể xếp bằng nổi trên mặt nước và dùng khí công thu cả ngũ tạng lên trên ngực. Tại sao cụ lại có con gái xinh, và sang tận Việt Nam, và lại lấy nhà vua, chắc phải là chủ đề của vài pho truyện chưởng.

Thời Anh Tông, lãnh thổ nước ta được mở rộng đáng kể. Vua Anh Tông theo lời khuyên của Trần Đạo Tái và Trần Khắc Chung, gả em gái cho vua Chiêm Thành Chế Mân, mà được hồi môn là hai châu Ô, Rí (đất Thuận Hoá sau đó). Diện tích hai châu này phải tới 10-15% lãnh thổ Đại Việt lúc đó. Vua Chế Mân mất, Trần Khắc Chung đón công chúa về, người Chiêm Thành nổi giận muốn lấy lại đất. Vua Anh Tông thân chinh đem quân đi đánh, dùng mưu của Đoàn Nhữ Hài mà dụ được Chế Chí ra hàng, thắng trận không mất một mũi tên. Nhà vua dùng những người giỏi như Trương Hán Siêu cai trị, dân chúng rất theo. Từ đó đất Thuận Hoá mãi mãi thuộc về Đại Việt. Đến đời Nghệ Tông, người Chiêm lại mạnh, đánh ra tận Thăng Long, nhưng cũng không lấy lại được Thuận Hoá. Đời Trùng Quang đế Thuận Hoá là đất căn bản của Đặng Dung chống lại quân Minh. Sau này các chúa Nguyễn cũng lấy Thuận Hoá làm căn bản mà tiến dần vào Nam, khai phá cả đât Nam bộ hiện nay.

Khi vua ốm nặng, có thiền sư là Phổ Tuệ muốn vào thăm nói chuyện sống chết. Nhà vua sai người từ tạ mà rằng “Thôi thiền sư đợi bao giờ vua mới lên ngôi, nó có bảo cúng tế làm gì thì làm, chứ còn chuyện chết, thì nhà sư cũng đã chết đâu mà nói”. Trên giường bệnh, cũng vẫn phảng phất nụ cười. Lúc bình sinh cũng hay viết thơ, thành một tập, trước lúc mất nhà vua cũng sai đốt cả, về sau chỉ lưu lại được vài bài.

Về thời thịnh trị dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, hay thấy nhắc đến thời vua Lê Thánh Tông. Vua Lê cũng là vị vua trẻ, sáng suốt. Nhưng vì một lý do nào đấy mà tôi vẫn thích thời vua Anh Tông hơn, có lẽ là vì thời đó ảnh hưởng của đạo Nho chưa mạnh, cái phóng khoáng mạnh mẽ của hào khí Đông A còn cảm nhận được trong triều ngoài nội. Và chưa có cái gọi là Tao Đàn.

Hồi tôi bé, Hà Nội có phố Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, đến Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, v.v. và các phố mang tên tất cả các anh hùng chống Nguyên Mông, nhưng không thấy phố Trần Anh Tông. Các chúa Nguyễn cũng chẳng có ông nào, chắc cho nó bình đẳng. Còn thì gần đây thành phố mở rộng lên tận Hà Tây, mọc ra ty tỷ phố mang tên những ông rất hiểm hóc, vì rất ít ai biết các bác ấy đã từng làm gì. Chẳng biết có bác nào đi xin ấn đền Trần không nhỉ?

 

Nhật ký Yale: Học sinh cá biệt

Lại họp.

Nếu từ đầu năm mỗi cuộc họp đươc phong bì 100 nghìn như ở Hà Nội, thì mình đã giàu to, ha ha.

Tuy vậy cuộc họp này không đến nỗi quá chán. Họp về tình hình phát triển của lớp trẻ, tức là học sinh đang làm Ph.D ở khoa. Bạn nào đang ở trong tình trạng nào, khi nào xong, sẽ còn tiêu tốn bao nhiêu tiền nữa, v.v.

Nói chung thì phần lớn các bạn tiến bộ tèng tèng. Nhưng có hai trường hợp cá biệt, theo hai kiểu khác nhau, và các kiểu không phải đời nào cũng có.

Bạn thứ nhất tạm gọi là X. Bạn này hay ốm, không bao giờ đi học. Thầy hướng dẫn bảo bạn ấy cũng viết thử mấy project nhỏ nhỏ, nhưng thỉnh thoảng vẫn sai mà bạn ấy không biết. Thế nhưng, bạn lại nổi tiếng toàn thế giới vì tìm ra chỗ sai của người khác.

Số là gần đây có một anh Mochizuki người Nhật Bổn để lên mạng một loạt bài báo rất hoành, tuyên bố chứng minh một giả thiết tối quan trọng là giả thiết ABC trong số học. Như ta đã biết, ABC mà còn không thông thì còn làm ăn gì nữa. (Btw*, tên anh này tiếng Nhật có liên quan gì đến kem mochi không nhỉ?). Bài rất dài, hơn 500 trang, nhưng ác hơn, nó được viết bằng một ngôn ngữ toán học mới, mà tối đa chỉ có mỗi anh Mochi hiểu. Các nhà toán học gặm tới gặm lui, mà vẫn thấy rất xương, và anh Mochi không chịu đi đâu giải thích gì hết.

Bạn X, cách đây độ một năm, chỉ tay vào trang 275, và bảo “chỗ này sai nặng”. Té ra, chỗ đó sai nặng thật. Anh Mochi cam kết sẽ sửa, nhưng từ đó đến giờ chưa thấy động đậy gì, và anh không nói chuyện với ai. Kem thì vẫn tiếp tục tăng giá.

Cứ theo phương diện “impact factor”** mà nói, bạn X xứng đáng được hai bằng Ph.D, vì giúp cho vô số đại gia đỡ phải tiêu phí bao nhiêu thời gian vô ích. Đóng góp này còn hơn rất nhiều giáo sư viết ra một đống bài báo không có ai đọc. Nhưng nếu thesis có mỗi một dòng như thế, thì lại hơi ngắn.

Trường hợp thứ hai là bạn Y. Bạn này vô cùng hoạt bát, ngày nào cũng có mặt ở khoa ít nhất 15 tiếng, ngồi nghe hết các seminar, nói chuyện với tất cả professors, visitors, seminar speakers, v.v. Bạn tham gia tất cả các cuộc ăn tối với speakers, ăn tối của các conference, và thông hiểu tất cả các chuyện đồn đại trong ngành (chẳng hạn bạn biết là trường M đang có ý định thuê giáo sư N, trước khi tất cả các giáo sư của Yale biết tin đó, và đôi khi còn trước cả bản thân giáo sư N nữa) và rất nhiều thuật ngữ mà tôi chẳng hiểu gì hết. Thế nhưng bác thầy hướng dẫn của bạn lại hơi chút lo lắng, là chỉ có một thứ bạn có vẻ không thạo lắm, ấy là làm toán. Mà không phải chỉ cái loại toán mà ông thầy bạn ấy làm, mà cả calculus nữa!! Giả sử bây giờ có một loại ngành nghề mới, tạm gọi là mathematical activist***, thì chắc bạn sẽ làm rất tốt. Nhưng để viết nên một công trình coi được, thì xem ra nan giải, vì bạn sắp sang năm thứ sáu đến nơi rồi, và bạn chưa bao giờ đọc một bài báo, không kể dài ngắn, cho trọn vẹn cả.

Không biết hình tượng này có phổ biến ở các nơi khác không nhỉ?

 

* by the way, nghĩa là nhân tiện nói thêm – chú thích của VV.

** thuật ngữ chỉ mức độ ảnh hưởng của một tạp chí khoa học căn cứ vào số lượng trích dẫn từ tạp chí được sử dụng ở các văn bản khác – VV.

*** nhà hoạt động về Toán học (cũng như nhà hoạt động về văn học mà… không viết văn) – VV.

Comments are closed.